Chương 3

    
n ra đi lặng lẽ trong ngày đông rét mướt như cuộc đời thầm lặng an phận của mình. Trái tim còn nguyên sơ trong lồng ngực người mẹ trẻ, chưa từng nếm trải hương vị của đời, đã ngừng đập. An nằm tơ hơ, hai đùi giang ra, mông ngập trong vùng máu, nước mắt còn chưa khô trên đôi mắt mở to, ngơ ngác như đang tìm đứa con thơ.
Bi hóa rồ hoá dại, lăn lóc, đấm ngực oán trời trách đất sao nỡ đem vợ của mình sớm ra đi, chẳng cho chàng còn dịp để xoa dịu nỗi đau mà nàng đã ấm ức mang theo xuống mồ...
Có lúc Bi lại vung tay lên tự vả vào mặt. Chàng giận chính bản thân mình: sao chẳng từng có lấy một lần biết mở miệng mà nói ra những gì từ đáy lòng cứ ngập ngừng, ấp úng, loanh quanh cất giấu nó cho tới bây giờ.
Bi kể lể hàng giờ chuyện nọ sang chuyện kia, chằng đầu chẳng đuôi, đứt đoạn qua những tiếng nấc, nghẹn ngào trong nước mắt hòa nước mũi, nên chẳng ai hiểu anh chàng muốn giãi bày gì. Trông Bi thật thê thảm, đâu còn anh đội trưởng Quyết Chiến oai phong hôm nào!
Ôm đứa con đỏ hỏn, bước thấp bước cao từ bệnh viện huyện về làng, Bi đờ đẫn như người mất hồn.
Bi giận cả cái làng Hà chẳng có lẩy một bà mụ cho ra hồn, chàng oán cái bệnh viện không có lấy một viên thuốc cầm máu, cứ để mặc nàng ra đi trong đớn đau...
Bi thất thểu lang thang khắp làng, chán ghét tất cả! Chàng chẳng buồn nhìn đôi bồ câu đang nghếch đầu, nghênh mỏ gù gù nựng nhau bên đường. Tiếng nói, tiếng cười ríu rít của nhà ai bên mâm cơm chiều làm chàng khó chịu. Ước gì bụi tre kia thôi xào xạc, lặng im đi mà nghe lòng chàng... Bi cứ đi loanh quanh chẳng biết đi đâu, chẳng nhớ đường về.
Gió bấc ào ào thổi, rít lên từng cơn trên con đường làng quất vào mặt Bi lạnh buốt. Đứa trẻ trong tay chàng khẽ cựa quậy…
Bi dừng lại, cúi xuống nhìn rất lâu vào đôi môi nhỏ xíu, đang chum chúm, quơ quơ tìm vú mẹ. Ngực Bi thắt lại. Chàng xiết chặt con vào lưng, rảo bước. Giờ thì chàng đã biết phải đi về hướng nào.
Mới qua hơn nửa năm để tang vợ, nuôi con dại, Bi già sụp đi trông thấy. Cái thân hình vốn đã gầy gò nay biến thành bộ xương được lớp da nâu xỉn bó sát sạt. Đôi vai sụp xuống, ngực hóp lại, đôi mắt lanh lợi nay đứng yên như đang mơ về một cõi nào xa lắm...
Dan làng đồng loạt "nâng chức" cho Bi từ anh lên bác vừa tiện cho cái miệng, vừa thoải mái cho việc cư xừ. Cô con gái nhỏ được cha nắn nót viết cho cái tên lên giấy khai sinh - Nguyễn An Na, vừa ý nhị, vừa nhẹ nhàng.
Nhưng bé Na lạ lắm! Chẳng biết có phải vì xót thương cho bố đêm ngày lật đật với nước cháo, nước khoai, hay vì chán cái cảnh cứ phải tất bật theo cha hết lên xóm trên lại ra cuối làng bú đậu, bú nhờ, nên mới ngoài sáu tháng nó đã nhất định từ chối những loại thứ ăn đang nuôi sống nó. Bé cứ khóc ré lên như bị cấu, mỗi khi môi nó châm vào thìa cháo loãng hay bầu vú bú nhờ - "Chắc nó không hợp hơi sữa của bà này" - ông Bi thầm nghĩ rồi tất tả bế con sang nhà khác. Nhưng con bé vẫn ngậm chặt miệng, mắt nhắm nghiền thở dồn dập. Ông Bi hoảng quá - "Hay nó ốm?" - trán nó mát rượi. "Hay nó bị đau bụng?" - nó đang nằm im ngoan ngoãn. Ông Bi chép miệng thở dài, bồng con lang thang khắp làng rồi lại ôm con về loanh quanh trong sân. Con bé cứ ôm lấy cổ, ngả đầu vào ngực cha, thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Ông Bi ôm xiết con vào lòng, xót ruột. "Nó chả ăn uống gì suốt từ sáng tới giờ..."
Ánh mắt của ông chợt chạm vào bát bánh đúc ngô hàng xóm vừa đem cho đang để trên cái chõng ở góc sân. Ông véo lấy một miếng, như nhứ vào miệng con bé. Na thè lưỡi ra liếm qua, liếm lại, mút mút, nuốt đánh tọp. Con bé ăn liền hết non nửa bát rồi lăn ra ngủ ngon lành.
Thế là từ đấy, cha ăn gì con ăn nấy, khỏe hẳn. Lúc củ khoai, quả trứng, lúc canh hến, bánh đa, con bé ăn tất, cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Có điều, ăn nhiều như thế mà chẳng lớn được bao nhiêu! Đồ ăn thức uống cứ như chỉ đổ dồn vào nuôi mái tóc đen dầy, phủ kín cả mặt, cả cổ, chẳng cân đối với thân hình bé tẹo.
Năm năm đã trôi qua. Dân làng Hà bấy giờ đều vào làm ăn tập thể trong Hợp tác xã nông nghiệp xã Phú Hoà. Ông Bi ngoài trách nhiệm trung đội trưởng dân quân xã còn quàng thêm chức phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp.
Ông đi sáng, đêm, bận bịu tối mắt. Mảnh đất nhỏ hợp tác xã chia cho ở bãi sông quanh năm chỉ trồng... cỏ. Khoảnh vườn sát nhà cũng chỉ lèo tèo vài ngọn rau đắp đổi cho qua ngày. Cơm nước có gì nấu nấy! Quả trứng gà đẻ, bít canh hàng xóm đem cho ông đều để dành hết cho con gái, còn mình thì chắc đã no với công việc...
Cuộc sống đơn giản của hai cha con cứ thế trôi qua...
Chỉ có một điều làm ông lúng túng là mái tóc quá dầy của Na. Sáng sáng, bàn tay chai sần của ông lại lóng ngóng cầm lược gỡ tóc, chải đầu cho con. Lúc thì ông tết bím, lúc thì ông túm cả lại bằng sợi dây gai. Dù ông đã tốn thời gian đánh vật với nó nhưng Na chẳng bao giờ có được cái đầu ngôi thẳng, mớ tóc gọn gàng. Chiều nào trở về nhà ông cũng chẳng nhìn thấy mặt con gái đâu, trước mặt ông chỉ là mớ tóc đen dầy, xổ tung, rối bù... Lắm khi ông đã định cắt phứt nó đi cho nhẹ, nhưng rồi ông lại quăng kéo, ôm con vào lòng, vuốt ve mãi mái tóc đã làm cho ông quá phiền hà. Ông chẳng nớ bỏ đi một cái gì của con...
Ngoài mớ tóc ra, Na chẳng làm phiền gì tới bố.
Đói thì tự vào bếp lấy thức ăn bố đã nấu. Buồn ngủ thì tự lên giường. Chiều chiều còn biết cho gà ăn. Con bé cứ tha thẩn chơi, chỗ nào có trẻ con là Na tìm tới. Có lần Na dò dẫm ra tận cả sân đình xem lũ trẻ định khăng, đánh đáo.
Lúc đó, lũ trẻ đanq mải mê với đường khăng nên chẳng đứa nào để ý đến con bé. Bỗng cây khăng của chúng bay vút lên rồi rơi ngay xuống sát chân Na. Một thằng nhóc cao lều khều chạy tới định nhặt. Nó bỗng đứng sững lại: mái tóc của Na đang bị gió hất tung, xù lên, dựng đứng như bộ lông nhím, trông thật lạ.
- Ê chúng mày ơi nhìn tóc con Na này... Tóc rối đổi kẹo đây!
Thằng bé kêu lên.
Tiếng "kẹo" như có ma lực. Bọn tre quên phắt ngay cây khăng với đường bay của nó, chạy ùa lại vay quanh Na. Đứa túm tóc, đứa giật tóc, đứa kéo tóc... cố kiếm cho đủ một cái kẹo mút.
Na lúc đầu còn chống trả nhưng lũ con trai vừa đồng vừa hăng tiết nên cô bé đành ôm đầu chịu trận. Vừa đúng lúc đó Mi - con gái bà Hồng ở xóm dưới - đi bới khoai về ngang qua. Mi vứt ngay rổ khoai xuống đất, xông thẳng vào đám hỗn chiến, kéo Na ra sau lưng mình. Cô bé xắn tay áo, vận cái cạp quần cao lên quanh bụng, chân đứng giạng ra, hai tay chống nạnh, mặt đanh lại:
- Đứa nào có giỏi thì vào đây?
Bọn trẻ đang nhốn nháo bỗng im bặt, chỉ có thằng cao lêu khêu vênh váo bước ra như vẻ ta đây là đứa cầm đầu:.
- Ông đây! Mày có giỏi thì bước sang!
Mi sải ngay một bước dài tới trước mặt thàng bé. Hai đứa đứng sát vào nhau gườm gườm xem đứa nào ra tay trước.
Thằng nhóc ném cái nhìn khắp lượt trên người đối thủ như muốn đo lường sức mạnh của nó: "Con này chỉ ăn toàn khoai mì lớn gớm, to như cái bao thóc. Nó mà đè lên thì có mà gấy xương. Nhìn cánh tay nó kìa, con gái gì ma tay như cái bắp chuối". Nó bỗng sờ tay lên miệng "Con này mà thoi một cái thì mấy cái răng sún còn lại của mình chắc bay luôn" - Thằng bé thầm nghi ngại.
Nhưng ai lại rút lui dễ dàng thế, còn gì thể diện với các chiến hữu đang vây quanh, chăm chú nhìn vào nó, chờ đợi nó khai hỏa cuộc chiến...
Thằng bé phủi hai tay, vênh vênh mặt, nhếch mép khinh khi:
- Ông đây chả thèm đánh cái lũ con gái cho bẩn tay. Ông tạm tha cho mày. Rồi nó vớt vát:
- Lần sau còn láo, ông cho mày biết tay, cái răng cũng chẳng còn...
Nó khoát tay, cao giọng:
- Thôi biến đi chỗ khác chơi chúng mày ơi, không thèm dây với lũ con gái.
Bọn trẻ xìu xuống. Chúng cứ ngỡ sắp được xem một trận chiến ác liệt, reo hò đến khản tiếng để cổ vũ cho thủ lĩnh của mình, chúng đâm nghi ngờ quay sang nhìn thằng cầm đầu...
- Chúng mày có đi không? Không tao đi một mình! - Thằng bé nói rồi bỏ đi luôn.
Lũ trẻ lưỡng lự nhìn nhau rồi cũng phóng theo nó.
Mi cúi xuống nhặt mấy củ khoai lăn lóc dưới đất cho vào rổ. Một tay dắt Na, một tay cắp rổ, Mi kéo Na thẳng tuột về nhà mình.
Sau khi múc nước rửa mặt mũi chân tay cho Na xong, Mi kéo Na ngồi xuống hàng hiên cùng với mình.
Cô bé lấy cái lược gỗ trên tấm vách tre rồi nhè nhẹ gỡ từng lọn tóc rối bù của Na.
- Khiếp, tóc gì mà rối như cái tổ quạ - Mi kêu lên.
Na nép vào ngực Mi khẽ cười khúc khích
- Con gái ai lại để tóc bù xù thế này. Đưa tay đây chị chỉ cho cách chải đầu.
Hai chỉ em vừa chải tóc vừa thủ thỉ.
- Em có biết cái thằng cao kều lúc nãy định đánh nhau với chị không? Không đợi Na trả lời, Mi tiếp - Thằng ấy là thằng Sơn con ông Trinh ở xóm ngoài bãi đấy. Thằng ấy là chúa gấu! Tuần trước nó còn lẻn vào nhà bác Cả chị, trèo lên cái chuồng bồ câu cao tít, ăn cắp hai con chim mới nở, mang ra bờ sông đắp đất nướng.
Na tròn mắt nhìn Mi: "Hư quá chị nhỉ!". Mi tiếp tục:
- Em có biết tại sao răng nó sún gần hết không?
Na ngơ ngác, Mi tiếp luôn:
- Vì nó chuyên ăn cắp khế chua trên chùa. Sư thầy đã khối lần cầm chổi đuổi nó đấy.
- Thế hả chị? - Na lại tròn mắt, kêu lên. Rồi đột nhiên cô bé nhận xét: Nó hư thế mà sao nhiều đứa lại chạy theo chơi với nó hả chị?
Vì nó bắt dế giỏi nhất làng. Toàn dế chúa, nên dế của nó chọi bao giờ cũng thắng.
- Dế chúa chắc to và khoẻ lắm chị nhỉ? - Na hỏi
- Chị cũng chưa bao giờ nhìn thấy.
- Em cũng thích xem con dế chúa lắm. Hôm nào chị đi với em đổ con dế chúa nhé!
- Ừ - Mi nhận lời - nhưng đợi chị bới khoai xong đã. Na ngả hẳn người vào ngực Mi, hai tay hết xoa hai cái đầu gối lại vuốt vuốt hai bắp chân Mi.
Tóc của Na bay giờ đã được chải hất gọn gàng ra phía sau, được giữ chặt lại bằng cái cặp ba lá to tướng, rồi chẽ thành hai cái đuôi sam chắc nịch.
Mi kéo Na đứng dậy
- Thôi để chị đưa em về.
Na năm chặt tay Mi, vừa đi vừa nhẩy chân sáo trên con đường về nhà. Đến trước cổng nhà Na, Mi dừng lại dặn dò:
- Em đừng chơi với cái thằng Sơn ấy nữa nhé?
- Vâng ạ - Na đáp lời ngay.
- Thôi, em vào nhà đi!
- Vâng - nhưng tay Na vẫn nắm chặt tay Mi.
Mi nhắc lại:
- Em vào đi! Rồi rút tay mình ra khỏt tay Na.
Na vẫn chưa vào nhà, em ngước mắt nhìn Mi, nói khe khẽ:
- Chị ơi, chị lại sang chơi với em nhé!
- Ừ, đợi chị bới khoai xong.
Na tung tăng chay trên con đường nhỏ vào nhà. Hai cái đuôi sam đánh qua đánh lại nhịp nhàng trên cái lưng bé bỏng. Từ ngay đó tóc Na lúc nào cũng ngay ngắn, gọn gàng.
Sáng sáng, ông Bi đã có thể thong thả nhấp chén nước nóng trước khi ra Uỷ ban.
Rồi Na đã đến tuổi tới trường.
Lúc đầu ông Bi cũng chẳng muốn cho cô bé đi học, qua sông qua đò cách rách, lỡ ra... Với lại cứ nhìn ông đây này, mới qua cái lớp bình dân học vụ hồi Cải cách mà bây giờ ông chả là người oai quyền nhất làng.
Nhưng cứ xem cái cách mà sáng sáng con bé thập thò sau cánh cổng nhìn lũ trẻ đi ngang, rồi hút theo cho đến khi chúng khuất hẳn thì ông Bi không cầm được lòng. Hơn nữa nếu không cho con đi học lại mang tiếng làm lãnh đạo mà lạc hậu.
Thế là Na được sang sông đến trường. Đêm trước buổi đầu tiên đi học, cô bé chẳng dám nhắm mắt vì sợ ngủ quên, lỡ đò.
Na tuy nhập học muộn hơn lũ trẻ, nhưng đọc trơn tru ngay tất cả những bài tập đọc.
Có lần cô giáo muốn gọi học sinh lên bảng viết mấy câu đồng dao, lũ trẻ lập tức nhao nhao, đua nhau giơ tay. Có đứa ngồi tận cuối lớp còn đứng cả lên ghế, chĩa thang tay lên trời, luôn mồm thưa: Em ạ! Em ạ! Nó chỉ sợ mất dịp làm những đứa khác lác mắt.
Nhưng rồi chẳng đứa nào viết được cho đúng!
Lúc ấy, Na mới bẽn lẽn giờ tay lên. Cô bé viết một mạch chẳng sai lấy một cái dấu.
Lũ trẻ đâm ra nghi ngờ: "Con này nom nhút nhát thể mà gớm thật!"
Chẳng những học giỏi mà Na còn quán xuyến tươm tất việc nhà: nấu cơm, chăm gà, băm rau, cắt cỏ. Mảnh ruộng ở bãi sông bây giờ xanh ngăn ngắt những dây khoai, miếng vườn sát nhà đã bận rộn với rau củ.
Công điểm hợp tác xã chia cho ông Bi được quy ra thóc, Na cũng tự đi lĩnh về, được bao nhiêu ông cũng chẳng đoái hoài tới. Ông thì cứ dính chặt ở Uỷ ban, chỉ lúc nào phải cuốc đất đánh luống, mới đành dứt công việc để về giúp con.
Na chẳng mấy khi được ra ngoài chơi, cứ cặm cụi làm như bà già, rảnh rang lại vùi đầu vào sách vở. Ngay cả khi hè về, cô bé cũng không được thảnh thơi như những đứa trẻ khác.
Có đêm trăng sáng vằng vặc, lũ trẻ tập trung hết ra ngoài bãi sông, chẳng thiếu đứa nào. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng thét ồn cả một góc trời khiến cho dòng sông phải cựa mình khó ngủ.
Chúng đang say sưa với "bịt mắt bắt dê", "trồng nụ trồng hoa"... Cuộc chơi đang ở lúc náo nhiệt nhất thì đột ngột dừng lại. Chúng bắt đàu cãi vã om xòm. Đứa nào cũng gân hết cả cổ lên để bảo vệ cái lý của mình, có đứa còn thét toáng lên nữa... Tinh đứa nói, chẳng có đứa nghe? Thế nên, cãi vã một hồi chúng bỗng nhận ra rằng chúng có thể tiếp tục cuộc vui với toàn những "quân ăn gian". Để bảo vệ cho sự chính trực của mình chúng toan giải tán.
Nhưng chị Hằng cứ như cái bánh đa nướng phồng đang treo lơ lủng trên nền trời đen trong, bãi cát óng ánh như vàng, gió sông mát rượi thế kia thì về sao được! Thế là để vừa bảo vệ được sự "chính trực" của mình vừa được tiếp tục chơi, chúng "xí xóa", chuyển sang múa hát.
Na đang lúi húi băm rau ở ngoài sân. Mấy con lợn ở trong chuồng đang thi nhau eng éc như giục chị Na mau cho nồi cám.
Tiếng lũ trẻ cãi vã inh ỏi từ bờ sông vọng về át cả tiếng lợn kêu. Na vừa ngoáy nồi cám vừa lắng nghe: cái giọng chua chua như khế kia là của con Thi. Con này đanh đá lắm, nó mà nói thì đố ai có ai xen vào được một câu! Cái giọng lanh lảnh chói tai là của thằng Tý. Đi hôi cá mà theo thằng này thì chỉ về với cái rổ không!
Rồi Na dừng tay, cô bé thắc mắc: "Sao chúng nó chúng nhịn nhau một tí mà chơi cho vui nhỉ?"
Đàn lợn đã được con no, nằm im trong chuồng.
Tiếng cãi vã ngoài bờ sông đã lắng xuống, tiếng hát bỗng cất lên văng vẳng:
Một đàn bươm bướm xinh,...
Na đứng im lắng nghe rồi chạy bay ra cổng
Tung tăng bướm bay vờn...
Tiếng hát như có sức hút làm Na không sao cưỡng nổi. Ngần ngừ một lúc rồi cô bé cũng phóng thẳng về phía bờ sông.
Bọn trẻ đứng xếp thành hình vòng tròn, đứa nọ đứng sau đứa kia, chân chúng nhún nhẩy, hai cánh tay uốn lên uốn xuống nhịp nhàng như những cánh bướm, một đứa, có vẻ là bướm đầu đàn, hát trước, những đứa khác hát theo...
Na đứng ngây người nhìn đàn bướm đứng rập rờn dưới ánh trăng rồi cô bé cũng biến thành con bướm từ lúc nào không biết.
Con bướm đầu đàn đang hát bỗng đứng im lặng, nó quên mất lời. Cả đàn bướm đang tung tung bỗng dừng lại, xô vào nhau như tàu bị dồn toa.
Một trận khẩu chiến lại nổ ra, đứa nào cũng chỉ muốn làm bướm đầu đàn vì chỉ có nó mới có thể hát múa đúng nhất, giống y như mấy chị ở đội văn nghệ huyện. Cãi nhau inh ỏi một hồi không đức nào chịu đứa nào, đàn bướm sắp tan tác...
Chợt con bé Thi hét lên:
- Chúng mày nhìn con Na kìa?
Đang say sưa bay lượn, Na giật mình đứng yên, ngay lập tức bọn trẻ biết rằng chúng đã có con bướm Chúa để dẫn dắt chúng tiếp tục bay.
- Vào đây chơi đi! - bọn trẻ nhao nhao.
Cái Thi chạy ra, kéo Na tuột vào giữa. Na ngần ngừ một lát rồi bắt đầu nhún chân. Đàn bướm tập hợp ngay sau con bướm Chúa, sẵn sàng chờ lệnh.
Na bắt đầu hát:
“Một đàn bươm bướm xinh,
Tung tăng bướm bay vờn...
Bên nhánh hoa hồng rung rinh
Bướm bay nô đùa rập rờn..."
Bài hát vã điệu múa này Na thích ghê lắm, nên cứ lẩm nhẩm ôn luyện, nhún chân, uốn tay ngay cả khi băm rau, nấu cám, nấu cơm..., nên bây giờ hát múa trơn tru, uyển chuyển lắm.
Bọn trẻ lúc này đã hóa hết thành bướm. Đôi chân nhún nhún theo nhịp bài hát, người nghiêng qua nghiêng lại, hai cánh tay chao lên chao xuống mềm mại, đầu ngó nghiêng... Chúng vòng lượn không biết bao nhiêu lần theo con bướm Chúa, mồ hôi nhễ nhại, tóc bết vào trán, nhưng bướm thì có biết nóng là gì!
Bỗng dưng con bướm Chúa đứng sừng lại, cả đàn bướm đương bay lượn rập rờn, dừng lại đột ngột, bất ngờ va vào nhau.
- Sao thế hả Na? - bọn trẻ hỏi như hét lên vì bực tức - Sao mày dừng lại?
Na không trả lời, lặng lẽ tách ra khỏi đàn bướm.
- Tao về - cô bé lí nhí trả lời.
- Cái gì, mày về à? - Lũ trẻ hốt hoảng kêu lên. Con bướm Chúc mà bay đi thì đàn bướm chỉ có tan tác.
Chúng liền dọa ngay:
- Mày mà về thì chúng tao "de" mày ra, đừng hòng mà cho mày chơi nữa?
Tiếng "de” làm Na sững lại: Cô bé đứng im một giây rồi quả quyết lắc đầu.
- Ta o về...
Na chạy như bay từ bãi sông về nhà. Tới trước cổng, cô bé dừng lại thở hổn hển.
- "Không biết thầy đã đi ngủ chưa? Mùa này lắm muỗi lắm!"