I.A. CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ, 1940-1950
I. A phần 1
Đông Dương trong chính sách thời chiến Hoa Kỳ, 1941-1945

Trong khoảng thời gian giữa sự sụp đổ của Pháp vào năm 1940, và trận tấn công [của Nhật] vào Trân Châu Cảng vào tháng Mười Hai năm 1941, Hoa Kỳ đã theo dõi với sự lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh quân sự Nhật đưa vào Đông Dương. Lúc đầu, Hoa Kỳ kêu gọi Vichy từ chối các yêu cầu cho phép Nhật  xử dụng những căn cứ quân sự tại đây [Đông Dương], nhưng không thể cung cấp gì nhiều hơn là một sự bảo đảm hỗ trợ mơ hồ, chẳng hạn như một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Đại sứ Pháp vào ngày 6 tháng Tám năm 1940 rằng:
"Chúng tôi đã làm và đang làm mọi thứ có thể trong khuôn khổ chính sách đã thành lập của chúng tôi để giữ cho tình hình vùng Viễn Đông ổn định, chúng tôi đã dần dần thực hiện các bước khác nhau, mục đích là để gây áp lực trên kinh tế Nhật, rằng hạm đội của chúng tôi đang đồn trú ở Hawaii, và rằng những diễn biến mà chúng tôi đang theo đuổi, như đã được nêu ra ở trên, là đưa ra một dấu hiệu rõ ràng về ý định và hành động của chúng tôi trong tương lai. “ (°)
Đại sứ Pháp trả lời rằng:
"Theo ý kiến ​​của ông, cụm từ “trong  khuôn khổ các chính sách đã thiết lập của chúng tôi” gắn kết đến sự miễn cưỡng rõ ràng của Chính phủ Mỹ trong việc xem xét việc sử dụng quân đội ở vùng Viễn Đông cụ thể tại thời điểm này, có nghĩa là rằng Hoa Kỳ sẽ không sử dụng quân đội hay hải quân nhằm hỗ trợ bất kỳ vị trí nào để chống lại mọi toan tính xâm lược của Nhật tại Đông Dương. Đại sứ [sợ rằng] rằng Chính phủ Pháp, dưới áp lực hiển hiện của Chính phủ Nhật, buộc sẽ phải nhượng bộ …”
Những lo sợ của Đại sứ Pháp đã thành sự thật. Trong năm 1941, tuy nhiên, Nhật đã vượt qua việc sử dụng các căn cứ và đưa ra đòi hỏi một sự hiện diện tương đương để chiếm đóng ở Đông Dương. Tổng thống Roosevelt đã bày tỏ sự cảnh báo cao độ của Mỹ đến Đại sứ Nhật, trong một cuộc hội thoại được ghi lại bởi Quyền Bộ Trưởng Ngoại Giao Welles như sau:
“Rồi Tổng Thống đã tiến tới nói rằng hành động này của Nhật đã tạo ra một vấn đề bức xúc cho Hoa Kỳ … giá phải trả cho một cuộc chiếm đóng bằng quân sự là khổng lồ và tự nó không thể tạo thuận lợi cho dân chúng trong vùng bị chiếm đóng trong việc sản xuất thực phẩm và nguyên liệu theo như Nhật đòi hỏi.  Ngay cả khi Nhật có được các nguồn tiếp liệu tại Đông Dương một cách hòa bình, chẳng những họ muốn có được một số lượng lớn về tiếp liệu [thực phẩm và nguyên liệu], họ cũng muốn có được các thứ trong tình cảnh hoàn toàn an ninh và không phải kéo theo những chi phí cho một quân đội chiếm đóng. Hơn nữa, trên quan điểm quân sự, Tổng Thống nói, trong thưc tế chắc chắn Chính phủ Nhật không thể không có chút ý nghĩ rằng Trung Quốc, Anh, Hà Lan hay Hoa Kỳ đều có những ý đồ về  lãnh thổ ở Đông Dương mà [cho rằng] không thể có mối đe dọa nào, dù nhỏ bé nhất, là Nhật sẽ bị tấn công. Do đó chính phủ này chỉ có thể giả định rằng việc Nhật chiếm đóng Đông Dương là có mục đich mở rộng bành trướng [việc chiếm đóng] và điều này nhất thiết đã tạo ra một mối quan tâm đặc biệt nghiêm trọng cho Hoa Kỳ …
“…Tổng thống tuyên bố rằng Chính phủ Nhật phải ngưng không được chiếm đóng Đông Dương bằng quân đội và hải quân, hoặc nếu thực sự đã có những khởi sự được bắt đầu, nếu chính phủ Nhật ngưng và rút hết các lực lượng này, Tổng thống có thể đảm bảo với chính phủ Nhật rằng ông sẽ làm tất cả mọi thứ trong quyền hạn của mình để có được từ các chính phủ Trung Quốc, Anh, Hoà Lan, và tất nhiên cả chính Hoa Kỳ cùng ra một tuyên bố long trọng và có tính ràng buộc ký với Nhật cùng cam kết, coi Đông Dương là một quốc gia trung lập cùng một cách thức như nước Thụy Sĩ mà các cường quốc đã công nhận là quốc gia Trung Lập. Ông cũng nói rằng điều này ngụ ý rằng không ai trong số các cường quốc có liên quan được có bất cứ bất kỳ hành động quân sự nào nhằm xâm lược Đông Dương hay duy trì việc kiểm soát lãnh thổ này và sẽ không có những cố gắng nhằm đánh đuổi những người Gaullist hoặc lực lượng Pháp Tự Do trên phần đất của họ [tóm lại là Nhật phải rút đi và tình trạng statu quo: Pháp vẫn chiếm đóng Đông Dương]. (°)
(°) Bản ghi nhớ lời trao đổi giữa Sumner Welles, Bộ Trưởng Ngoại Giao ngày 24 tháng 7 năm 1941; đề nghị của Tổng thống cho [Đông Dương] trung lập được trao cho Nhật trong một ghi chú ngày 08 tháng tám 1941.
Cùng ngày, Bộ Trưởng Ngoại Giao Cordell Hull chỉ thị Sumner Welles gặp Đại sứ Nhật, và
Làm rõ sự kiện Nhật chiếm đóng Đông Dương có thể là một bước quan trọng trong việc kiểm soát khu vực biển miền Nam [Biển Đông], bao gồm các tuyến đường thương mại tối quan trọng của Hoa Kỳ để kiểm soát các sản phẩm như cao su, thiếc và những nguyên vật liệu khác. Đây là vấn đề sống còn của Hoa Kỳ. Bộ Trưởng cho rằng, nếu chúng ta không đưa vấn đề này ra vào thời điểm này thì người của chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa những chuyển động này ở Đông Dương. Bộ Trưởng cũng nhấn mạnh trên một điểm khác: không có một lý thuyết nào mà Đông Dương có thể bị tràn ngập các lực lượng vũ trang, máy bay, vân vân, cho việc phòng thủ của Nhật. Thay vào đó, [cái lý thuyết] duy nhất liên quan đến Đông Dương là mối quan hệ cận kề của nó với vùng biển Nam và giá trị [chiến lược] của nó đối với những hành vi xâm lược nhằm vào nó [Đông Dương] ". (°)
(°) Bản ghi nhớ bởi Cecil W. Gray, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, 24 Tháng 7, 1942.
Trong một thông cáo báo chí ngày 02 Tháng 8 năm 1941, Bộ Trưởng Ngoại Giao Welles lên án "các mục tiêu bành trướng" của Nhật và công kích Vichy:
"Trong hoàn cảnh này, chính phủ này [Hoa Kỳ] bị thúc đẩy để đặt câu hỏi liệu chính phủ Pháp của Vichy trong thực tế đã đề xuất chưa việc duy trì một chính sách công khai nhằm bảo vệ cho nhân dân Pháp các vùng lãnh thổ cả trong và ngoài nước từ lâu đã thuộc chủ quyền của Pháp?
"Chính phủ này, vững tâm với tình hữu nghị truyền thống với Pháp, đã vô cùng thông cảm với mong muốn của nhân dân Pháp là duy trì và bảo quản nguyên vẹn lãnh thổ của họ. Trong quan hệ với chính phủ Pháp Vichy và với các nhà chức trách địa phương trong lãnh thổ Pháp, Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh [chính sách] qua những kết quả mà những nhà chức trách đã nỗ lực thực hiện để bảo vệ các vùng lãnh thổ này từ sự thống trị và kiểm soát của những cường quốc đang tìm kiếm cách mở rộng vùng cai trị của họ bằng vũ lực và chinh phục, hay bằng sự đe dọa. "
Vào đêm trước của trận Trân Châu Cảng, như là một phần của nỗ lực để được Nhật đồng ý cho một hiệp ước không xâm lược, Mỹ một lần nữa đề nghị trung lập hóa Đông Dương để đổi lại việc Nhật rút khỏi nơi  đó. Những  biến cố ngày 07 tháng 12 năm 1941 đặt vấn đề tương lai của Đông Dương vào  toàn bộ một bối cảnh hoàn toàn khác những chiến lược của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ II.
Khái niệm Ủy trị của Roosevelt
Chính sách của Mỹ về Đông Dương trong Thế Chiến II là rõ ràng. Một mặt, Mỹ hiển nhiên ủng hộ việc Pháp Tự Do tuyên bố rằng mọi thuộc địa của Pháp là thuộc họ. Đầu thời kỳ chiến tranh Mỹ đã nhiều lần bày tỏ hoặc ám chỉ ý định sẽ giúp Pháp khôi phục lại đế chế của Pháp ở nước ngoài sau khi chiến tranh. Những cam kết của Hoa Kỳ gồm tuyên bố chính thức về thỏa thuận Pháp-Nhật ngày 2 Tháng Tám, 1941; thư của Tổng thống gửi cho [Thống Chế] Petain tháng Mười Hai, năm 1941;  tuyên bố về Tân Đảo [New Caledonia] ngày 02 tháng 3 năm 1942 ; một ghi nhớ với Đại sứ Pháp ngày 13 Tháng Tư, 1942; những thông báo của phủ Tổng Thống và thông tin trao đổi tại thời điểm vào cuộc xâm lược vào Bắc Phi [của Đức, Ý], Hiệp định Clark - Darlan vào ngày 22 tháng 10  năm 1942; và một lá thư cùng tháng của phái viên của Tổng Thống viết  gửi cho Tướng Henri Giraud, trong đó bao gồm sự đảm bảo sau đây:
 “…Phục hồi hoàn toàn nền độc lập trong vĩ đại và vinh quang mà Pháp đã sở hữu trước khi có cuộc chiến ở Âu Châu cũng như ở các nước khác là một trong những mục đích chiến tranh mà Liên Hợp Quốc nhắm đến. Liên Hiệp Quốc hoàn toàn hiểu rằng chủ quyền của Pháp sẽ được phục hồi càng sớm càng tốt, trên toàn lãnh thổ, đô thị hoặc thuộc địa mà ở đó lá cờ Pháp tung bay vào năm 1939. " 1/
Mặt khác, trong Hiến chương Đại Tây Dương và các tuyên bố khác Mỹ tuyên bố hỗ trợ cho quyền tự quyết và độc lập quốc gia. Hơn nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ, đặc biệt là bị đau khổ về chuyện Vichy đã "bán đứng"  Đông Dương cho Nhật, thường trích dẫn việc Pháp cai trị ở đó là một ví dụ trắng trợn của đàn áp và bóc lột của chủ nghĩa thực dân, và nói về quyết tâm của mình đưa Đông Dương vào dưới một ủy thác quốc tế sau chiến tranh. Đầu năm 1944, ngài Halifax, Đại sứ Anh tại Washington, gọi điện cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Hull hỏi thăm để tìm hiểu liệu thông báo của Tổng thống "đã là chung cuộc", “là Đông Dương phải lấy lại từ tay Pháp và đặt dưới một ủy thác quốc tế như việc đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và có lẽ cả những nước khác” trong chuyến đi Cairo và Teheran của ông – là tiêu biểu cho "kết luận cuối cùng dựa trên thực tế mà họ sẽ sớm trả lời cho người Pháp.. " 2/  (Pháp ghi nhận rõ ràng quan điểm của Tổng thống - trong thực tế Pháp đã rút khỏi Việt Nam vào 1956, Ngoại trưởng nhắc lại việc Roosevelt đã khẳng định với Sultan của Ma-rốc về sự đồng cảm của mình về sự đấu tranh cho độc lập của các dân tộc thuộc địa. 3/). Ngài Halifax sau đó ghi lại rằng:
"Tổng thống là một trong những người, trong những buổi thảo luận, hay phát họa một bản dự thảo đầu tiên trên giấy... một phương pháp nhằm ghi ra một ý tưởng. Nếu nó không chạy "Nè, bạn có thể sửa đổi nó hoặc vứt nó đi. Không ai nghĩ gì khác nếu các bạn làm điều ấy, nhưng nếu bạn làm điều đó với thảo luận, người ta sẽ nói rằng bạn đã thay đổi ý kiến, là ‘bạn không bao giờ biết bạn đã thuyết phục anh ta’, và cứ như thế. " 4/
Nhưng phản ứng với một bản ghi nhớ của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hull đặt câu hỏi về Đông Dương với FDR, và những nhắc nhở Tổng Thống Mỹ về rất nhiều cam kết phục hồi cho đế chế Pháp, Roosevelt trả lời (ngày 24 Tháng 1 năm 1944) rằng:
"Tôi gặp Halifax tuần trước và nói với ông khá thẳng thắn rằng nó hoàn toàn đúng sự thật rằng tôi đã có, trong hơn một năm, ý kiến ​​rằng Đông Dương không nên quay trở lại dưới sự cai trị của Pháp mà  nó phải được quản lý bởi một ủy thác quốc tế. Pháp là nước đã có – 30 triệu người gần cả 100 năm, và nay dân tình lại tồi tệ hơn lúc đầu.
“Trên quan điểm quyền lợi, tôi hết lòng hỗ trợ ý này bằng cách ủng hộ Tổng Tư Lệnh Tưởng Giới Thạch và Thống Chế Stalin. Tôi thấy không có lý do để tranh đua với Bộ Ngoại giao Anh về vấn đề này. Dường như lý do duy nhất mà họ chống lại là họ sợ nó [Đông Dương độc lập] sẽ ảnh hưởng trên tài sản [thuộc địa] riêng của họ và Hà Lan. Họ đã không bao giờ thích ý tưởng của ủy thác bởi vì, trong một số trường hợp, là nhằm mục đích độc lập trong tương lai. Điều này đúng trong trường hợp của Đông Dương.
"Mỗi trường hợp, tất nhiên, sẽ đứng trên chính đôi chân của của nó, nhưng trường hợp của Đông Dương là hoàn toàn rõ ràng. Pháp đã vắt sữa 100 năm. Người dân Đông Dương có quyền được hưởng một cái gì đó tốt hơn thế. ". 5/
(1)Chiến lược quân sự chiếm ưu thế (Military Strategy Pre-eminent)
Trong suốt năm 1944, Tổng Thống bảo lưu quan điểm, và từ những quan điểm đó, đã cấm Hoa Kỳ viện trợ cho các nhóm kháng chiến - bao gồm cả các nhóm Pháp - ở Đông Dương. Nhưng cuộc chiến trong chiến trường Âu Châu chuyển động nhanh chóng, và lực hấp dẫn trung tâm của nỗ lực của Mỹ bắt đầu chuyển về phía Bắc, cận kề với Nhật. Vấn đề chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á sau đó đã trở nên nổi bật. Tại Hội nghị Quebec lần thứ hai (tháng 9 năm 1944), Mỹ từ chối đề nghị hỗ trợ của hải quân Anh nhằm chống lại Nhật vì Đô đốc King tin rằng "việc xử dụng tốt nhất bất kỳ lực lương Anh nào là để tái chiếm Singapore, và hỗ trợ người Hà Lan trong việc khôi phục vùng Đông Ấn ", và vì ông nghi ngờ rằng “việc hổ trợ là không dính dáng đến nổ lực của Mỹ là quét sạch Nhật ra khỏi Mã Lai Á và vùng Đông Ấn Hà Lan." 6/  Những nghi ngại của Đô đốc King là không có cơ sở vững chắc ít nhất là trong chừng mực liên hệ đến tư tưởng chiến lược của Churchill. Hiển nhiên Thủ tướng không muốn mời Mỹ vào một vai trò tích cực trong việc giải phóng các nước Đông Nam Á cũng như việc Mỹ phải làm chuyện đó [một mình]; sớm vào tháng Hai năm 1944, Churchill đã viết:
"Quyết định hành động như một lực lượng phụ thuộc cho quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đặt ra những câu hỏi chính trị khó khăn về trong tương lai tài sản [thuộc địa] của chúng tôi ở Mã Lai. Nếu Nhật rút khỏi nơi đây hay làm cho nó được hòa bình là kết quả chính nhờ lực đẩy của Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ sau khi chiến thắng sẽ cảm thấy quan điểm của mình được tăng thêm nhiều phần uy tín rằng tất cả các thuộc địa trong quần đảo Đông Ấn phải được đặt dưới một loại cơ quan quốc tế mà Hoa Kỳ có thể có những quan tâm có tính quyết định lên đó ". 7/
Tương lai của các vùng lãnh thổ của khối Thịnh Vượng Chung trong khu vực Đông Nam Á kích thích nỗi quan tâm cao độ của Anh về ý định của Mỹ về thuộc địa của Pháp. Trong tháng mười một và tháng mười hai năm 1954, người Anh bày tỏ với Hoa Kỳ, cả ở hai nơi London và Washington, mối quan tâm của họ "là Hoa Kỳ dường như vẫn chưa xác định chính sách của mình đối với Đông Dương. 8/)  Người đứng đầu Cục Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Anh nói với Đại sứ U. S. rằng:
"Thật khó từ chối sự tham gia của Pháp trong việc giải phóng Đông Dương dưới ánh sáng của sức mạnh ngày càng tăng của Chính phủ Pháp trong các vấn đề thế giới, và điều đó, trừ khi một chính sách về Đông Dương đã được thoả thuận giữa hai chính phủ của chúng tôi, nhiều tình thế có thể phát sinh bất cứ lúc nào để đặt hai chính phủ của chúng tôi vào những tình huống rất khó xử." 9/
Tổng thống Roosevelt, tuy nhiên, vẫn từ chối xác định vị trí của mình xa hơn nữa, thông báo cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Stettinius vào 1 tháng 1 năm 1945:
"Tôi vẫn không muốn trộn lộn trong bất kỳ quyết định nào về Đông Dương. Đây là một vấn đề sau chiến tranh … Tôi không muốn có sự trộn lộn trong bất kỳ nỗ lực quân sự nào trong việc giải phóng Đông Dương khỏi Nhật.-- Ông có thể nói với Halifax là tôi đã thông đạt điều này rất rõ ràng với ông Churchill. Từ cả trên hai quan điểm quân sự và dân sự, hành động vào thời điểm này là quá sớm. " 10/
Mặc dầu vậy, Bộ Tổng Tham Mưu Mỹ (US Joint Chiefs of Staff) vẫn đồng thời lập kế hoạch
rút bỏ các lực lượng vũ trang Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Trả lời cho những lần mà Pháp và Hà Lan tiếp cận nhằm xin Mỹ giúp đánh đuổi Nhật khỏi các vùng thuộc địa cũ của họ, Mỹ thông báo họ rằng:
"Tất cả các lực lượng hiện có của chúng tôi đã dành để chiến đấu với Nhật tại những nơi khác ở Thái Bình Dương và do đó Đông Dương và Đông Ấn không nằm trong lĩnh vực quan tâm của Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ ".
Khi các Lãnh Đạo của Đồng Minh gặp nhau tại Malta vào cuối tháng Giêng năm 1945, Mỹ sẵn sàng từ bỏ các hoạt động hơn nữa trong khu vực Đông Nam Á đưa đến chỉ thị cho Đô đốc King Mountbatten, Tư Lệnh Tối Cao Chiến Trường, giải phóng Mã Lai Á mà không có Hoa Kỳ hỗ trợ. 12/ Sau Hội nghị Yalta (tháng Hai, năm 1945), chỉ huy Mỹ tại Thái Bình Dương đã được thông báo rằng Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển giao các hoạt động ở Đông Ấn Hà Lan và New Guinea cho Anh chịu trách nhiệm. Tổng Thống, tuy nhiên, đã đồng ý cho phép các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Dương nhưng tránh "đứng chung tuyến với Pháp" và tránh các tai tiếng từ các chiến dịch quân sự của Mỹ chống Nhật. 13 / chỉ trích này đã loại trừ, trong quan điểm của Mỹ, sự hợp tác của Mỹ với Pháp tại Tổng Hành Dinh của Mountbatten, hay [loại trừ] việc cung cấp tàu để chuyển vận miễn phí các lực lượng Pháp đến Đông Dương để thực hiện giải phóng nơi này. Thế đứng này của Mỹ đã bị Pháp chỉ trích đặc biệt nghiêm trọng sau ngày 11 tháng 3 năm 1945, khi Nhật lật đổ chế độ Vichy tại Việt Nam, và Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam thống nhất và độc lập, tách rời khỏi Pháp và dưới sự bảo hộ của Nhật. Ngày 16 tháng Ba 1945, từ một phản kháng của Tướng De Gaulle đã dẫn đến những trao đổi sau đây giữa Bộ Trưởng Ngoại Giao và Tổng Thống: 14/

Bộ Ngoại giao

Washington

- March 16, năm 1945

BẢN GHI NHỚ GỬI TỔNG THỐNG

Chủ đề: Đông Dương.
Thư đã nhận được từ Chính phủ lâm thời của nước Cộng hoà Pháp yêu cầu:
(1)  Hỗ trợ các nhóm kháng chiến đang chiến đấu chống Nhật ở Đông Dương.
Một thỏa thuận kết luận về các vấn đề dân sự bao gồm các hoạt động có thể có ở Đông Dương trong tương lai.
Những biên bản ghi nhớ đã được gửi đến Bộ Tổng Tham Mưu để có được quan điểm của họ về khía cạnh quân sự trên các vấn đề, và tôi sẽ liên lạc với bạn thêm về đề tài này sau khi nhận được trả lời họ.
Kèm theo thư này là nội dung một điện tín gần đây từ Đại sứ Caffery mô tả cuộc trò chuyện với tướng De Gaulle về chủ đề Đông Dương. Từ điện tín này và bài phát biểu của De Gaulle ngày 14 tháng 3, dường như Chính phủ này phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém của cuộc kháng chiến chống Nhật ở Đông Dương. Ngược lại có thể chờ đợi là người Anh sẽ khuyến khích quan điểm này. Đối với tôi, có lẽ, nếu không có bất kỳ gì có thể làm phương hại đến thế đứng của chúng ta về tương lai của Đông Dương, chúng ta có thể chống lại xu hướng này bằng cách công khai đưa ra mong muốn hỗ trợ của chúng ta tùy theo tình thế đòi hỏi và tùy theo những kế hoạch mà chúng ta đã cam kết trong khu vực Thái Bình Dương. Để kết thúc tôi đính kèm một bản thảo đề nghị bảng tuyên bố công khai, tùy Tổng Thống chấp thuận, qua Bộ Ngoại Giao.

/s/ E. R. Stettinius) Jr.
 
Đính kèm:

 
  1. bản Tuyên Bố đề nghị
  2. Bản sao điện tín của Đại sứ Caffery [không kèm ở đây]
 
 [Hồ sơ đính kèm 1]

BẢN TUYÊN BỐ [ĐỀ NGHỊ]
Các hành động của Chính phủ Nhật làm xé toang tấm mạng mà họ đã cố gắng che mặt quá lâu để dấu sự thống trị của họ trên Đông Dương là một hệ quả trực tiếp của áp lực quân sự của chúng tôi tung ra từ trước đến nay lên đế quốc Nhật. Nó là một chuỗi liên kết các sự kiện bắt đầu từ mùa hè thảm khốc năm 1941 với hiệp định "phòng thủ chung" Pháp-Nhật ở Đông Dương. Rõ ràng đây là bước đi mới nhất trong toan tính của Nhật mà về lâu dài sẽ được chứng minh là không có giá trị.
Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đã yêu cầu hỗ trợ vũ trang cho những người đang chống lại các lực lượng Nhật tại Đông Dương. Trung thành với ý muốn liên tục là hỗ trợ tất cả những người sẵn sàng cầm vũ khí chống lại kẻ thù chung của chúng ta, chính phủ này sẽ làm tất cả những gì có thể được để hổ trợ trong tình huống hiện nay, phù hợp với kế hoạch mà chúng tôi đã cam kết và [phù hợp] với các chiến dịch đang diễn ra ở Thái Bình Dương. Cũng nói thêm rằng các nguồn vật lực sẵn có của đất nước này sẽ dành cho việc đánh bại của kẻ thù của chúng ta và chúng sẽ tiếp tục được sử dụng theo tính toán tốt nhất để đẩy nhanh sự sụp đổ của họ [Nhật].
 

[Trả lời]
Tòa Bạch Ốc
Washington - March 17, năm 1945
BẢN GHI NHỚ
Gửi Bộ Ngoại Giao
Chỉ đạo của Tổng Thống, để trả lời cho bản ghi nhớ của Bộ Ngoại Giao ngày 16 tháng Ba, về chủ đề Đông Dương, trong đó bao gồm một tuyên bố đề xuất trên những hoạt động của Nhật ở Đông Dương. Tổng thống có ý kiến ​​rằng vào thời điểm hiện tại việc phổ biến bản Tuyên Bố theo như đề xuất là không thích hợp..
/s/ William D. Leahy [ký tên]

Pháp đã tích cực gây sức ép với Tổng thống và các cố vấn chính thông qua các kênh quân sự. Đô đốc Leahy báo cáo rằng, sau [hội nghị] Yalta:
“Các đại diện Pháp ở Washington tiếp tục thường xuyên gọi đến văn phòng của tôi sau khi chúng tôi trở về từ Crimea. Họ gọi hầu hết các yêu cầu của họ là "khẩn cấp" Họ muốn tham gia trong nhóm tình báo chung sau đó là lo nghiên cứu về những bí mật công nghiệp và khoa học của Đức, việc trao đổi thông tin giữa Bộ Tư Lệnh Mỹ ở Trung Quốc và các lực lượng Pháp ở Đông Dương và nhằm đạt một thỏa thuận về nguyên tắc về việc sử dụng Hải Quân và quân đội Pháp trong cuộc chiến chống lại Nhật ( họ [Hải Quân và quân đội Pháp] sẽ hỗ trợ Pháp lấy lại quyền kiểm soát Đông Dương và cho Pháp quyền tham gia vào thoả ước thuê mượn vũ khí [lend-lease assistance] sau khi Đức bại trận)
“Hầu hết trọng mọi lần tôi chỉ có thể nói với họ rằng tôi đã không có những thông tin về khi nào và ở đâu chúng ta có thể xử dụng sự hổ trợ của Pháp ở Thái Bình Dương
“Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng giang tay giúp đỡ nhóm kháng chiến chống Pháp ở Đông Dương. Phó Đô Đốc Fenard gọi điện cho tôi vào ngày 18 tháng 3 nói rằng máy bay từ Không Đoàn số 14 của chúng tôi ở Trung Quốc đã được nạp với hàng cứu trợ cho phe kháng chiến bí mật nhưng không thể bắt đầu mà không có sự đồng ý từ Washington. Tôi ngay lập tức liên lạc với Tướng Handy và nói với ông rằng Tổng thống Mỹ đã thỏa thuận viện trợ cho nhóm kháng chiến Đông Dương miễn là việc này không đụng chạm đến hoạt động chống Nhật của chúng ta. 15/
Sự thất bại của đề xuất Ủy Trị
Trong khi chờ đợi, khái niệm “ủy trị“của Tổng thống áp dụng trong thời hậu chiến cho các thuộc địa như là một bước trung gian để đi đến quyền tự chủ đã đươc một số tổ chức liên bộ ngành và các nhóm quốc tế nghiên cứu, khái niệm này đã ở trong tình trạng yếu kém. Ngại động chạm đến nhạy cảm của Anh, Hoa Kỳ ban đầu chỉ muốn tìm một tuyên bố từ các cường quốc thực dân đưa ra ý định trả lại tự do cho các thuộc địa và đưa ra sự giám hộ trên các chính phủ tự trị của nhân dân sở tại. Một tuyên bố như vậy sẽ phù hợp với Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941, trong đó Mỹ và Anh cùng đồng ý, một trong những "nguyên tắc chung mà trên cơ sở đó họ hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới ", nó là chính sách của họ rằng:
“…họ [Anh và Mỹ] tôn trọng quyền lựa chọn hình thức chính phủ của tất cả các dân tộc, theo đó họ [dân] sẽ sống; và họ [Anh và Mỹ] muốn thấy chủ quyền và chính phủ tự quyết được khôi phục lại cho những người trước đây đã bị tước đoạt …” 16/
Tháng năm 1942, Ngoại trưởng Hull đã đệ trình cho Tổng Thống đề xuất một dự thảo Mỹ-Anh có tựa là "Hiến chương Đại Tây Dương và Độc Lập Quốc Gia", và đã đã được Tổng Thống phê duyệt. Trước khi dự thảo này có thể gửi cho người Anh, tuy nhiên, họ [Anh] đã đệ trình một phản đề nghị nhấn mạnh trách nhiệm quyền hạn của "cha mẹ" trên sự thành hình của các chính phủ bản địa để tránh việc chấp nhận việc “Ủy Trị”. Sau đó vào tháng 3 năm 1943 thảo luận giữa Anh-Mỹ đã giải quyết cả hai dự thảo, nhưng chìm vào sự phản đối của Ngoại trưởng Eden. Ngoại trưởng Hull viết lại trong hồi ký của mình rằng Eden không thể tin rằng danh từ "độc lập" sẽ được giải thích với sự hài lòng của tất cả các chính phủ:
“…Bộ trưởng Ngoại giao cho biết rằng, để được hoàn toàn thẳng thắn, ông đã nói rằng ông đã rất không ưa dự thảo của chúng ta. Ông cho biết là từ "độc lập" gây khó khăn cho ông, ông đã suy nghĩ về hệ thống Đế quốc Anh, được xây dựng trên cơ sở của Dominion và quy chế thuộc địa.
[từ “Dominion” là chỉ các nước độc lập nằm trong Liên Hiệp Anh như Canada, Australia, New Zealand, Newfoundland, Liên bang Nam Phi, và Ireland]
“Ông chỉ ra trong Đế Quốc Anh có mức độ khác nhau của chính phủ tự quyết, từ Dominions đến các thuộc địa đó trong một số trường hợp, như Malta, hoàn toàn tự trị, cho đến các khu vực lạc hậu không bao giờ có thể có chính phủ riêng của họ. Phải nói thêm rằng Australia và New Zealand cũng có thuộc địa và họ sẽ không sẵn sàng để loại bỏ quyền giám sát của họ.” 17/
Mỹ bất lực trong việc đưa ra một chính sách chung với Anh, hơn nữa cũng bị loại khỏi những cuộc thảo luận có ý nghĩa, đã bỏ qua một bên thỏa thuận về vấn đề thuộc địa cho Hội Nghị Dumbarton Oaks Conversations năm 1944. 18 / Suốt tháng ba năm 1945, vấn đề đã được tiếp tục hút vào các cuộc tranh luận trong Chính phủ Mỹ về qui chế sau chiến tranh của các đảo ở Thái Bình Dương chiếm được từ Nhật; nói chung, Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân ủng hộ việc Mỹ duy trì sự kiểm soát - như căn cứ quân sự, trong khi Bộ Ngoại Giao và các bộ khác ủng hộ một ủy trị quốc tế.
Quyết định về  Đông Dương được dành cho Pháp
Bộ trưởng Ngoại giao Stettinius, với sự chấp thuận của Tổng thống Roosevelt đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 03 Tháng Tư 1945, như là kết quả của các cuộc thảo luận quốc tế tại Yalta về khái niệm ủy thác, Hoa Kỳ cảm thấy rằng sau chiến tranh cấu trúc ủy thác như:
“…nên được thiết kế để cho phép đặt các vùng lãnh thổ dưới sự uỷ trị sau cuộc chiến vừa qua, và những lãnh thổ chiếm lại từ kẻ thù trong cuộc chiến này để thỏa thuận có thể được đồng ý một ngày nào đó, và [thiết kế] sao cho các vùng lãnh thổ đó có thể tự nguyện đặt dưới sự ủy trị.” 19/
Từ đó Đông Dương dường như đã giao lại cho Pháp quyết định.
Tuy nhiên, cái chết của Tổng thống Roosevelt vào ngày 12 Tháng Tư năm 1945, chính sách của Mỹ đối về thuộc địa của các Đồng Minh, và đối với Đông Dương nói riêng là trong tình trạng lộn xộn:
n  Anh vẫn còn e ngại rằng Mỹ có thể đang tiếp tục tìm kiếm một công thức ủy trị khác có thể ảnh hưởng đến Khối Thịnh Vượng Chung
Người Pháp đã bất ổn về việc Mỹ liên tục từ chối cung cấp việc vận chuyển chiến lược cho các lực lượng của họ, bực bội về hỗ trợ ít ỏi của Mỹ cho các lực lượng Pháp ở Đông Dương, và ngờ vực sâu sắc rằng Hoa Kỳ - có thể đang bắt tay với Trung Hoa - dự định
ngăn cản việc [Pháp] duy trì quyền kiểm soát trên Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Truman và việc chiếm đóng Đông Dương năm 1945
Trong vòng một tháng kể từ ngày nhậm chức của Tổng Thống Truman, Pháp đã nêu lên vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Liên Hợp Quốc tại San Francisco. Bộ Trưởng Ngoại Giao Stettinius ghi lại sau đây cuộc trò chuyện với Washington:
“…Đông Dương đã được đề cập trong một cuộc trò chuyện gần đây của tôi với Bidault và Bonnet. Ông này [Bonnet] này nhận xét rằng mặc dù Chính phủ Pháp đã giải thích tuyên bố của [Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao] Welles năm 1942 liên quan đến việc tái lập chủ quyền của Pháp trên Đế Quốc Pháp là bao gồm cả Đông Dương, báo chí vẫn tiếp tục ngụ ý rằng một địa vị đặc biệt sẽ được dành riêng cho khu vực thuộc địa này. Điều khá rõ ràng đối với Bidault đây là một ghi nhận hoàn toàn ngây thơ về bất kỳ tuyên bố chính thức nào về câu hỏi này cho chính phủ, thậm chí là ngụ ý, về chủ quyền Pháp đối với Đông Dương. Tuy nhiên, một vài thành phần trong công luận Mỹ lên án chính sách và những hành xử của  Pháp ở Đông Dương. Bidault dường như đã nhẹ lòng và chắc chắn đã điện về Paris là ông ta đã nhận được tái cam kết của chúng ta về chủ quyền của Pháp trên với khu vực đó.” 20/
Đầu tháng Sáu năm 1945, Bộ Ngoại Giao hướng dẫn Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc về những thảo luận đang tiến hành trong nội bộ Chính phủ Hoa Kỳ và các cuộc thảo luận với Đồng Minh về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương. Ông đã thông báo tại San Francisco như sau:
“…phái đoàn Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết dần dần đưa ra biện pháp nhằm thành lập các chính phủ tự trị cho tất cả các dân tộc thuộc địa để cuối cùng hướng tới nền độc lập của họ hoặc kết hợp trong một hình thức liên bang nào đó tùy hoàn cảnh và khả năng của các dân tộc này trong việc gánh lấy trách nhiệm của mình. Những quyết định như thế sẽ cản trở việc thành lập một ủy trị cho Đông Dương trừ phi có sự đồng ý của Chính phủ Pháp. Việc đấy [ủy trị] dường như không thể thành hình. Tuy nhiên, nó là ý định của Tổng thống tại một số thời điểm thích hợp để yêu cầu Chính phủ Pháp cung cấp cho một số dấu hiệu tích cực về ý định của mình liên quan đến việc thành lập các quyền tự do dân sự và việc tăng cường các biện pháp nhằm trao quyền tự trị cho Đông Dương trước khi đưa ra thêm những tuyên bố về chính sách [Mỹ] trong lĩnh vực này…” 21/
Hiến chương Liên Hợp Quốc (ngày 26 tháng 6 năm 1945) có một "Tuyên bố" liên quan đến vùng lãnh thổ không có chính phủ tự trị ":
Điều 73
“Các thành viên của Liên Hiệp Quốc đã có hoặc chịu trách nhiệm chính quyền trên các vùng lãnh thổ mà dân chúng ở đó chưa có được một chính phủ đầy đủ, công nhận nguyên tắc là lợi ích của dân chúng trong các vùng lãnh thổ này là tối quan trọng, và chấp nhận trong một sự tin cậy thiêng liêng nghĩa vụ phát huy tối đa, trong hệ thống
hòa bình và an ninh quốc tế xác lập bởi Hiến Chương hiện nay, hạnh phúc cho cư dân sống trong những vùng lãnh thổ này, và để thực hiện điều đó:
  1. đảm bảo, trong sự tôn trọng văn hóa của các dân tộc liên quan, nền chính trị, kinh tế, xã hội và tiến trình giáo dục của họ, đối xử họ xứng đáng, và bảo vệ họ chống lại mọi hà hiếp lạm dụng;
  1. để xây dựng một chính phủ tự chủ, để tôn trọng nguyện vọng chính trị các dân tộc, và để hỗ trợ họ trong việc xây dựng các định chế chính trị tự do tùy hoàn cảnh đặc biệt của mỗi lãnh thổ và nhân dân ở đó và tùy các giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng … 22/
Một lần nữa, tuy nhiên, những cân nhắc quân sự lại chi phối chính sách của Mỹ ở Đông Dương. Tổng thống Truman trả lời Tướng de Gaulle về những đề nghị lặp đi lặp lại là hổ trợ Đông Dương bằng những phát biểu cho thấy chính sách của ông là giao những vấn đề đó cho các tư lệnh quân sự của mình. Tại Hội nghị Potsdam (năm 1945), bộ Chỉ Huy Đồng Minh đã quyết định giao Đông Dương từ phía nam vĩ độ 16 Bắc cho Bộ Chỉ Huy Đông Nam Á dưới lệnh của Đô đốc Mountbatten. 23/ Trên cơ sở này quyết định, các hướng dẫn được ban hành là các lực lượng Nhật nằm ở phía bắc của vĩ độ đó sẽ đầu hàng cho Tổng Tư Lệnh Tưởng Giới Thạch, và [các lực lượng Nhật ] ở phía nam [đầu hàng] cho Đô đốc Lord Mountbatten. Theo hướng dẫn, lực lượng Trung Quốc vào Bắc Kỳ vào tháng Chín năm 1945, trong khi một lực lượng đặc nhiệm nhỏ của Anh đã hạ cánh xuống Sài Gòn. Khó khăn chính trị thành hình gần như ngay lập tức, trong khi Trung Quốc đã chuẩn bị để gặp và chấp nhận chính phủ Việt Nam đang nắm quyền ở Hà Nội, thì Anh từ chối làm như vậy ở Sài Gòn, và đã giao lại cho Pháp ngay từ đầu.
Không có dấu hiệu gì cho thấy mối quan tâm nghiêm trọng đã được nở ra ở Washington sau các sự kiện diễn đã xảy ra nhanh chóng ở Đông Dương. Vào giữa tháng Tám, lực lượng kháng chiến Việt Minh, dưới Hồ Chí Minh, đã nắm quyền tại Hà Nội và ngay sau đó yêu cầu và nhận được sự thoái vị của con rối của Nhật, Hoàng đế Bảo Đại. Ngày V-J  [Chiến Thắng] 02 tháng 9, Hồ Chí Minh, đã tuyên bố tại Hà Nội thành lập nước Việt Nam Cộng hoà Dân chủ. VNDCCH cai trị như là một chính phủ dân sự trên toàn Việt Nam chỉ vỏn vẹn trong một thời gian khoảng 20 ngày. Ngày 23 Tháng Chín, 1945, với sự hay biết của Tư lệnh Anh ở Sài Gòn, các lực lượng Pháp đã lật đổ chính quyền địa phương VNDCCH, và tuyên bố quyền lực của Pháp được phục hồi tại Nam Kỳ. Chiến tranh du kích đã khởi sự chung quanh Sài Gòn. Mặc dù đại diện OSS của Mỹ có mặt ở cả Hà Nội và Sài Gòn và có vẻ như ủng hộ Việt Minh, Hoa Kỳ đã không lấy một thái độ chính thức nào liên quan VNDCCH, hay cả đến các hành động Pháp và Anh tại miền Nam Việt Nam 24/
Vào tháng mười, năm 1945, Hoa Kỳ công bố chính sách của họ những điểm sau đây:
“Mỹ không có ý chống đối việc tái lập quyền kiểm soát Đông Dương của Pháp và không có tuyên bố chính thức nào của chính phủ Hoa Kỳ đặt câu hỏi ngay cả trên định nghĩa chủ quyền Pháp trên Đông Dương. Tuy nhiên, không phải chính sách của chính phủ này là hỗ trợ người Pháp để thiết lập lại quyền kiểm soát của họ trên Đông Dương bằng vũ lực và mong muốn của Hoa Kỳ là được xem việc Pháp tái lập quyền kiểm soát trên giả định rằng như Pháp đã tự nhận là đã có được sự hổ trợ của dân chúng Đông Dương là phát sinh ra bởi những biến cố tương lai.” 25/
Những thông báo của Pháp cho Mỹ là nhằm tìm kiếm một kết thúc sớm các hành động thù địch, và nói một cách khẳng định về những cải cách và cởi mở. Tháng Mười Một, Jean Chauvel, Bộ Trưởng Ngoại giao Pháp, nói với Đại sứ Mỹ rằng:
“Khi những rắc rối với người Việt nổ ra [tướng] De Gaulle đã được Phái đoàn Pháp ở Ấn Độ thúc giục phải thực hiện một chính sách nào đó để công bố ý định của Pháp là sẽ đưa ra một chính sách có ảnh hưởng sâu rộng được thiết kế để mang đến cho các dân tộc bản xứ có nhiều quyền tự trị, nhiều trách nhiệm hơn và có đại diện trong chính phủ. De Gaulle xem xét ý tưởng nhưng bác bỏ nó bởi vì trong tình trạng rối loạn là phổ biến ở Đông Dương, ông tin rằng không chính sách nào như vậy có thể được thực hiện  trước khi thẩm quyền của Pháp được phục hồi và do đó chỉ được mọi người xem "chỉ là những danh từ hoa mỹ”. Hơn nữa De Gaulle và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tin rằng tình hình hiện nay là vẫn còn lộn xộn và họ có quá ít thông tin thực sự đáng tin cậy về hình ảnh tổng thể của Đông Dương. Vi thế những kế hoạch và suy nghĩ như họ đã nắm cho đến nay có thể phải xem lại kỷ lưỡng dưới ánh sáng của những biến chuyển mới đây.
"Mặc dù thực tế là người Pháp không cảm thấy rằng họ chưa có thể đưa ra bất kỳ phác thảo cụ thể nào cho kế hoạch tương lai cho Đông Dương, Chauvel nói rằng họ hy vọng sẽ đưa 'rất sớm' vào hành động trong một vài lãnh vực gồm cả việc bầu cử địa phương, theo đó [bầu cử]sẽ được thiết kế nhằm mang đến nhiều quyền hạn và tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề của người bản xứ. Điều này ông cho biết sẽ là một dấu hiệu tốt hơn về sự chân thành của Pháp hơn bất kỳ tuyên bố chính sách nào... Hy vọng của Pháp là sớm có đàm phán một thỏa thuận với vua của Cam-pu-chia kết quả là sẽ cho nhiều trách nhiệm lớn hơn đối với nhân dân Cambodia. Ông đã đặc biệt đề cập là sẽ có nhiều  người địa phương hơn nữa vào các cơ quan hành chánh địa phương và cũng hy vọng rằng các cuộc bầu cử địa phương sẽ sớm được tổ chức. Ông nói người Pháp có ý định áp dụng các bước đi tương tự ở Lào khi tình hình cho phép và cuối cùng là cho An Nam và Bắc Kỳ. Sau khi trật tự được khôi phục trong toàn Đông Dương và các thoả thuận riêng đã đạt được với các nước, Chauvel nói rằng ý định của Pháp là thể hiện kết quả của những thỏa thuận riêng đó vào chung một chương trình cho toàn Đông Dương.” 26/
Từ mùa thu năm 1945 qua đến mùa thu năm 1946, Hoa Kỳ đã nhận được một loạt các thư tín từ Hồ Chí Minh mô tả điều kiện tệ hại ở Việt Nam, nêu lên các nguyên tắc công bố trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên Hợp Quốc, và xin Mỹ công nhận nền độc lập của nước VNDCCH, hoặc - như một phương sách cuối cùng - ủy trị Việt Nam cho Liên hợp quốc. Nhưng trong khi Mỹ đã không hành động theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, [Mỹ] cũng không muốn hỗ trợ người Pháp. Ngày 15 tháng 1 năm 1946, Bộ Trưởng Chiến tranh đã được thông báo của Bộ Ngoại giao rằng việc "sử dụng các tàu mang cờ Mỹ hoặc máy bay để vận chuyển quân đội của bất kỳ quốc tịch nào đi hoặc từ Đông Ấn Hà Lan hoặc Đông Dương thuộc Pháp, hay dùng những phương tiện đó để chuyển vân vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự đến các khu vực này là trái với chính sách của Mỹ” 27/ Pháp bắt đầu đổ bộ vào Sài Gòn trong tháng đó, và tiếp theo người Anh giao lại cho họ khoảng 800 xe jeep và xe tải [của Mỹ cho Anh “thuê-mượn”]. Tổng thống Truman đã  phê duyệt giao dịch này với lý do là việc lấy lại các thiết bị này là không khả thi. 29/
Các cuộc giao tranh giữa Pháp và Việt Nam bắt đầu ở miền Nam Việt Nam với cuộc đảo chính Pháp [bởi Nhật] ngày 23 tháng 9, 1945, lan tràn từ Sài Gòn ra khắp Nam Kỳ, và miền nam An Nam [Trung Kỳ thuộc Triều Đình Huế]. Đến cuối tháng Giêng năm 1946, toàn bộ mọi chuyện là do Pháp lo, bởi thời điểm đó việc Anh rút quân đã hoàn tất, ngày 4 tháng Ba, năm 1946, Đô đốc Lord Mountbatten cắt Đông Dương ra khỏi lãnh thổ thuộc Bộ Tư Lệnh Đồng Minh ở Đông Nam Á, do đó đã chuyển tất cả việc cai trị cho nhà chức trách Pháp. 30/ Bộ Tư Lệnh Pháp, thông qua Đài phát thanh Sài Gòn, đã thông báo rằng một chiến dịch quân sự nhằm “quét dọn” đang được tiến hành, nhưng việc bình định hầu như đã hoàn tất, nhưng các báo cáo thành công này thường xen kẽ với những chuyện như sau:
“20 tháng 3 1946:
Nhiều nhóm kháng chiến vẫn còn đánh phá các vùng phía Nam Sài Gòn. Những nhóm  nổi dậy này là khá lớn, một số nhóm có khoảng 1.000 người. Các nhóm nổi dậy này thường thấy tập trung trong các làng mạc. Một số đã chuyển về phía bắc trong nỗ lực phá vỡ (giao thông) ở bán đảo Cà Mau, phía đông bắc Ba Tri và các khu vực nói chung phía Nam (Nha Trang). Trong vùng phía Nam Chợ Lớn và ở phía bắc đồng bằng Bãi Sậy [Plaine des Joncs], một số nhóm nổi dậy đã trú đóng tại đó …
“21 tháng 3 1946:
“Thông cáo sau đây đã được ban hành bởi Cao ủy Đông Dương sáng nay:
Hoạt động nổi dậy có tăng lên trong khu vực Biên Hòa trên cả hai bờ sông Đồng Nai. Một đoàn xe Pháp đã bị tấn công trên đường giữa Biên Hòa và Tân Uyên, nơi một quả mìn đã được đặt bởi phiến quân.
“Trong khu vực (Bac Lo) phía tây bắc của Sài Gòn một số cướp biển đã bị bắt giữ trong quá trình một cuộc đột kích càn quét. Trong số những người bị bắt có năm lính đào ngũ của Nhật. Ba xác chết Nhật trong đó có một sĩ quan đã được tìm thấy tại điểm mà cuộc hành quân đã xảy ra.
“Một phân đội Pháp bị phục kích tại (San Jay) phía nam An Nam. Mặc dù vậy, phân đội vẫn thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhiều cuộc tấn công của phe nổi dậy được báo cáo là xảy ra dọc theo tuyến đường ven biển” 31/
Bạo lực dịu đi phần nào ở miền Nam Việt Nam khi các cuộc đàm phán Pháp-VNDCCH tiến hành vào mùa xuân 1946 nhưng trong khi đó lực lượng Pháp chuyển sang đối đầu mạnh hơn với “kháng chiến” Việt Nam tại Bắc Kỳ. Trong tháng hai năm 1946, một lực lượng đặc nhiệm Pháp đã chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng nhưng đã bị ngưng trệ vì các chuyển động ngoại giao. Một thỏa thuận Pháp-Trung Quốc ngày 28 Tháng Hai năm 1946 đồng ý là Trung Quốc sẽ bàn giao trách nhiệm của họ ở miền Bắc Đông Dương cho Pháp ngày 31 tháng 3 năm 1946. 32/
Ngày 19 tháng 3 năm 1946, một thỏa ước Pháp-VNDCCH đã được ký kết với các điều khoản như sau: 33/
“1.  Chính phủ Pháp công nhận Cộng Hòa Việt Nam như là một nhà nước tự do có Chính phủ riêng, Quốc hội riêng, quân đội riêng và tài chính riêng, trở thành một phần của Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Liên quan đến việc hợp nhất ba Kỳ [Cochinchina, Annam, Tonkin] – [tức Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ] Chính phủ Pháp cam kết phê chuẩn những quyết định của dân chúng qua trưng cầu dân ý”
Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đón tiếp một cách hữu nghị quân đội Pháp trong khi, theo những thỏa thuận quốc tế họ thay thế quân Trung Quốc. Một Hiệp Định Bổ Sung được thêm vào Hiệp Định Sơ Bộ sẽ thiết lập các phương cách mà các hoạt động cứu trợ sẽ được thực hiện
Những điều khoản thiết lập ở trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Lập tức ngay sau khi chữ ký được trao đổi, thẩm quyền ký kết cao nhất của mỗi bên sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chấm dứt thù địch ở các nơi và giữ quân đội mỗi bên yên trong vị trí của mình và tạo bầu không khí thuận lợi cần thiết để mở ngay lập tức các cuộc đàm phán thân thiện và chân thành. Các cuộc đàm phán này sẽ đặc biệt giải quyết:
a. quan hệ ngoại giao Việt Nam với nước ngoài  
b  Luật Pháp tương lai của Đông Dương
c. Quyền lợi, kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt-nam.
Hanoi, Saigon hay Paris có thể được lựa chọn như nơi diễn ra Hội nghị
Làm tại Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1946
Ký tên:: Sainteny
Vũ Hồng Khanh
Lực lượng Pháp đã nhanh chóng thực hiện đặc quyền của họ, chiếm Hà Nội vào ngày 18 tháng 3 năm 1946, và các cuộc đàm phán mở tại Đà Lạt vào tháng Tư. 34/
Do đó, ngày 10 tháng Tư năm 1946, việc Đồng Minh chiếm đóng Đông Dương được coi như chấm dứt, và các lực lượng Pháp chiếm đóng tất cả các thành phố lớn ở Việt Nam, các vấn đề trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sau đó đã chuyển từ bối cảnh một chính sách trong chiến tranh sang phạm vi mối quan hệ Mỹ và Pháp. 35/