Bắt đầu từ hôm đó, Hạo Trinh gần như thường xuyên ghé qua Long Nguyên Lầu. Mấy ngày liền, Hạo Trinh ở đấy mãi đến hoàng hôn, chàng chẳng lên Nhã Tọa lầu ngồi mà chỉ chọn một góc nhỏ ở Đại thính phòng. Ngồi uống tí rượu, lắng nghe tiếng hát thánh thoát của Ngân Sương. Chỉ ngồi lẳng lặng nghe chứ không dám cả chuyện mời chào Ngân Sương đến bàn mình dùng một ly rượu. Hạo Trinh cảm thấy như vậy là thô bạo gần như trở thành xúc phạm. Bởi vì ngay từ nhỏ, Hạo Trinh đã được giáo dục nghiêm khắc. Hạo Trinh hiểu chốn trà đình tửu điếm là chỗ tạm dừng chân. Hạo Trinh cũng nghĩ Ngân Sương ở đấy chỉ vì nghề nghiệp bắt buộc chứ không mê gì chỗ trà đình tửu điếm nên để tôn trọng chàng chỉ lặng lẽ đến, rồi lặng lẽ rút lui. Hạo Trinh không hề mở lời nói với Ngân Sương một điều gì, chứ đừng nói là làm gì. Chàng ngồi nghe cô gái hát, lặng lẽ xem và như bảo vệ. A Khắc Đan thì từ cái hôm Hạo Trinh đụng độ với Đa Long, đã gần như có mặt thường xuyên bên cạnh Hạo Trinh và Tiểu Khấu Tử. Tuy không dám nói Hạo Trinh điều gì, nhưng Khắc Đan đã mấy lần trách Tiểu Khấu Tử. - Mi thật quá đáng, đưa Bối Lạc Gia ra phố uống rượu rồi gây chuyện. Mà gây chuyện vì một cô gái hát rong nữa chứ? Để đến đổi kết thù kết oán với Đa Long Bối Tử... Mi gây toàn chuyện rắc rối... Thử đưa tay sờ đầu xem. Tại sao ngu quá vậy? Đụng với ai không nói. Với Đa Long Bối Tử hắn sẽ không bỏ qua đâu... Rồi sẽ có nhiều chuyện nẩy sinh. Đánh không lại họ bắn lén, lúc đó ai thiệt. Có phải là công tử nhà ta thiệt không? Tiểu Khấu Tử không có gì hối hận, lại còn pha trò. - Chính vì vậy mà... mới mời sự phụ cùng ra đây cho vui có sư phụ thì không còn gì phải sợ cả... còn tôi là thứ ăn hại, chỉ được cái mồm mép. Mọi sự trông đợi ngài. A Khắc Đan trừng mắt: - Mi còn đùa nữa à? Sao mồm mép giỏi vậy mà không khuyên Bối Lạc Gia đừng đến Long Nguyên lầu nữa đi? Tiểu Khấu Tử làm ra vẻ sợ hãi: - Chuyện đó... chuyện đó... Tôi không dám! Nếu ông muốn cứ nói với công tử! A Khắc Đan là người trực ngôn nên cũng muốn khuyên bảo nhưng vừa mở lời, thì Hạo Trinh với thái độ rất là hòa nhã, đã lái câu chuyện sang hướng khác. - Ồ, mỗi người đều có số mệnh... Chẳng hạn có người sinh ra đã được hưởng vinh hoa phú quý, trái lại có người phải sống cảnh lưu lạc giang hồ... Chúng ta là những người có phúc có phần nên có bổn phận chia sẽ, giúp đỡ những người gặp cảnh bất hạnh. Thế là A Khắc Đan chưa nói được gì đã phải tịt ngòi. Mặc dù với cái kinh nghiệm từng trải, ông biết là chuyện Hạo Trinh với Ngân Sương không phải là chuyện đùa. Hạo Trinh đang động lòng thật tình đây. Nhưng còn Ngân Sương? Cô gái hát dạo này cũng rất kỳ lạ. Mấy lần cùng đến đây với Hạo Trinh, ông thấy là Ngân Sương rất nghiêm chỉnh, chứ không hề lộ một ý gì là lơi lả định rù quyến Hạo Trinh. Cô ta chỉ lo việc đàn ca kiếm tiền. Còn với Hạo Trinh? Chẳng qua chỉ là một người khách, một khán thính giả như bao nhiêu khán thính giả khác. Có chăng thỉnh thoảng trao đổi một ánh mắt tình cảm vậy thôi. Vậy thì... Đâu có thể kết luận một cách bừa bãi. Cũng chẳng có lý do can thiệp. A Khắc Đan chỉ còn biết đứng khoanh tay sau lưng Hạo Trinh như một bức chắn. Hạo Trinh thích nghe hát và ông có bổn phận như một người bảo vệ thôi. Cũng gần như cùng lúc đó, Vương phủ nhận được một tin quá vui. Nó còn hơn tiếng pháo chiến thắng, làm rung chuyển cả phủ. Vương Gia nhận tin thì mừng cực điểm. Còn Phước Tấn, Hạo Trinh, Hạo Tường... Thì có người lo, có người mừng. Đó là Hoàng Đế vừa giáng chỉ. Hạo Trinh đã lọt vào mắt xanh của Hoàng Thượng, người hạ bút phê chuẩn, chỉ định Hạo Trinh sẽ là phò mã tương lai. Hạo Trinh được thành hôn với Lan công chúa. Lan công chúa còn có tên gọi là Lan Thanh mặc dù không phải là con ruột của hoàng đế mà là con gái của Tề Vương Phủ nhưng vì mất mẹ cha từ nhỏ, được hoàng hậu mang về và nhận làm con nuôi mà Lan công chúa rất ngoan, được hoàng đế và hoàng hậu quý yêu như con ruột. Vì vậy biết bao vương tôn công tử có tham vọng đều ngắm nghé. Vậy mà không ngờ cái vinh dự đó lại lọt vào tay Hạo Trinh. Một kẻ không chờ mà được. Tin đó làm cho Vương Gia lúc nào cũng cười toe toét, ông ta gặp ai cũng khoe. - Quý vị biết không? Mấy ngày trước, khi Hoàng Thượng hạ chỉ xuống là muốn triệu kiến một số thân vương tử đệ tôi đã nghi ngờ, sau đó đặc biệt lại gặp ta, người lại nhắc đến chuyện "Tay đi săn bắt được chồn lông trắng rồi lại thả chồn". Bấy giờ ta cũng ngờ ngợ có chuyện, nhưng không dám đoán. Bây giờ thì quả thật! Hồng phúc to tát lại rơi vào tay Hạo Trinh nhà ta. Và rồi ông nắm lấy tay bà Tuyết Như xiết chặt. - Phải nói là cảm ơn phu nhân! Rất cảm ơn phu nhân! Phu Nhân cho ta một thằng con trai vẹn toàn như vậy. Bà Tuyết Như ngồi yên, trái tim đập mạnh. Mắt ứa lệ không biết nên buồn hay vui. Trong lúc cả nhà hoan hỉ, như chưa bao giờ được hoan hỉ, thì Hạo Trinh lại tỏ ra bình thản phải nói là gần như dửng dưng. Tại sao? Chẳng ai biết chuyện hôn nhân chỉ định. Lan công chúa, Hoàng Thượng ban chức phò mã... với Hạo Trinh gần như chỉ là những danh từ xa lạ... Không dính dấp đến mình mặc dù không phải chỉ bây giờ, mà ngay khi mới lớn. Hạo Trinh đã biết, hôn nhân với những người ở Vương Phủ. Không phải chỉ là chuyện lứa đôi của hai người, mà nó còn là đại sự của cha me. Người lớn tùy nghi sắp đặt con cái phải nghe theo vì ngoài chuyện môn đăng hộ đối. Với dân tộc Đại Thanh, huyết thống cũng là một vấn đề quan trọng chuyện đôi lứa phải được kiểm soát chặt chẽ. Không phải tự ý muốn thế nào cũng được, hôn nhân của chính mình lại không nằm trong tay của mình, muốn có ý kiến cũng vô ích. Vì vậy Lan công chúa có đẹp xấu thế nào thì Hạo Trinh cũng phải nhận. Chính vì vậy mà Hạo Trinh làm sao vui cho nổi? Nên Vương phủ nhận được giáng chỉ, đốt pháo ăn mừng, thì Hạo Trinh lại ở trong cái tâm trạng "Áo mão cân đay rực rỡ mà lòng tơi tả ai hay". Sau khi có giáng chỉ, Hạo Trinh cũng không được rảnh rỗi nữa, những thủ tục kế tiếp làm Hạo Trinh bận rộn hẳn Hạo Trinh phải tiến cung nầy, rồi tạ ân, bái bội, thết tiệc đãi thân nhân, bạn bè... Hạo Trinh càng nổi bật như một điểm sáng ở kinh thành thì càng bị quay tròn trong cái hào quang vua ban cho. Cũng vì vậy mà Hạo Trinh cũng không có thì giờ để đến Long Nguyên Lầu nữa? Cho đến lúc rảnh rỗi. Lúc nghỉ đến chuyện ghé thăm Long Nguyên Lầu trở lại, thì thời gian đã là một tháng sau. Đứng trước tòa đại thính phòng Hạo Trinh vô cùng ngạc nhiên. Tiếng đàn tiếng hát và cha con người hát rong cũ, nay vắng bóng. Tài phú tiệm phát hiện khách quen, đã vội vã đón chào, được hỏi, ông chỉ chậm chân thở dài. - Ồ! Công tử! Tại công tử lâu quá không ghé qua nên không biết. Cô nương Ngân Sương thật là đáng tội... - Sao? Chuyện gì xảy ra? Cô ấy bây giờ đâu rồi? Hạo Trinh giật mình hỏi tới tấp khi linh tính báo cho biết đã có chuyện không hay. - Mi kể hết ta nghe xem? Nhưng trước đó ta nhớ đã căn dặn là phải bảo vệ đối xử tốt với cha con cô ấy mà? Lão tài phú thở dài. - Biết là vậy, nhưng tôi biết làm sao hơn? Ở đây có ai dám đụng tới Đa Long bối tử chứ? A Khắc Đan gầm lên: - Lại Đa Long bối tử nữa? Hắn đã làm gì cô ấy? Lão tài phú vội khoát tay, đính chính: - Dạ cô ấy không sao, nhưng đã có án mạng xảy ra. Hạo Trinh choáng váng: - Cái gì? Ông nói sao? Án mạng? Án mạng gì chứ? Tiểu Khấu Tử bước tới chụp lấy ngực ông tài phú tiệm. - Mi nói nhanh lên. Chuyện xảy ra thế nào, kể xem? Lão tài phú, sợ hãi kể. - Vâng, vâng! Để tôi nói! Nguyên là thế nầy, cách đây khoảng bảy tám hôm trước, cái vị Đa Long Bối Tử hôm nọ lại đưa một đám tùy tùng đến đây. Chúng la hét om xòm làm đám bảo vệ cửa hàng phải sợ hãi tránh đi hết. Bạch cô nương không tránh kịp, bị bọn chúng chụp lại lôi đi. Nhưng Bạch cô nương không chịu vừa la hét vừa vùng vẫy. Bạch lão ông thấy con gái mình bị người ta bắt đi, bất kể thân già, xông đến ngăn chận. Cự không lại ông lớn tiếng chửi rủa. Cái tay Đa Long Bối Tử kia nổi nóng, vung tay đấm ông lão mấy đấm rồi còn đá lọt xuống thang lầu. Tội nghiệp lão già đã ngoài 70 làm sao chịu nổi đòn nặng nên thổ huyết tại chỗ rồi bất tỉnh nhân sự. Lúc đó tên Đa Long thấy mình đã gây họa trí mạng người khác. Mới bảo bọn thuộc hạ rút lui. Nhưng lão già mặc dù được thầy thuốc hết lòng cứu chữa, vẫn không qua khỏi. Ngay đêm ấy ông ta đã lìa đời. Hạo Trinh đứng lặng người. Câu chuyện là cả một nỗi bức xúc. Tiểu Khấu Tử hỏi tiếp. - Rồi sau đó? Ta muốn hỏi là sau khi ông lão từ trần thì cô nương kia thế nào? Mi có phụ người ta lo chuyện ma chay tống táng không? Lão tài phú méo mặt. - Đại gia ơi đại gia! Các vị nên hiểu cho là. Bọn tôi mở quán ăn là để kiếm sống, chứ đâu có mục đích gì khác? Được các vương tôn công tử quý nhân chiếu cố là bọn tôi mừng vô cùng. Chẳng dám làm mích lòng ai. Chuyện mời phường hát rong vào hát trong quán cũng là để tăng cái không khí vui vẻ, tăng số thu cho quán. Chẳng ai muốn có chuyện không hay xảy ra cả. Còn có chuyện chết người trong quán? Rõ là xui xẻo. Bọn tôi chỉ muốn mọi sự êm đẹp. Chứ nếu sớm biết thế nầy. Mười tôi cũng chẳng dám mời cái cô Bạch cô nương kia hát đâu. A Khắc Đan giận dữ, trợn mắt: - Mi chỉ khéo nói năng lằng nhằng. Bây giờ ông lão họ Bạch kia đã được tống táng chưa? Còn cái cô nương hát rong kia nữa, ở đâu? Mi nói ngay, đừng có quanh co nữa. Ông tài phú lắp bắp: - Được rồi, để tôi nói! Tôi nói! Lúc đó tôi cũng không biết làm sao hơn, là dùng một tấm cửa gỗ đặt xác ông lão lên rồi cho người khiêng ra chùa Pháp Hoa Tự ở ngoại ô thành phố tạm liệm. Còn cái cô Bạch cô nương kia thì... thì nghe nói là sau đó, ngày ngày ra chợi Thiên Kiều, ngồi bán mình lấy tiền chôn cha. A Khắc Đan đẩy mạnh làm lão tài phú chúi nhủi: - Hừ! Mi làm vậy mà xem được à? Mi có trái tim không khi tống khứ ra khỏi quán, để người ta bơ vơ vậy? Hạo Trinh thì chẳng thiết gì ở lại để hỏi tiếp, chàng quay người vội vã bước ra cửa. A Khắc Đan và Tiểu Khấu Tử phải đi theo, lầm lũi hướng về phía chợ Thiên Kiều. Đến chợ, Hạo Trinh thấy ngay Ngân Sương. Người con gái trông bộ quần áo vải thô, đầu chít khăn trắng đang quỳ thẳng ở đó; trên khuôn mặt xanh xao khô quánh kia có một nỗi buồn phảng phất. Cây đàn tỳ bà trong lòng Ngân Sương đáng phát ra tiếng đàn não ruột. Nhà miên viễn hề phương trời xa. Đời lạc loài hề toan xót xa. Lưu lạc phương trời hề sương gió. Cha đã mất hề kiếp bơ vơ. Cây muốn lặng hề gió không ngừng. Con muốn nuôi hề cha không ở. Trước mắt vô thân hề tang thương. Muốn ngỏ nỗi lòng hề bàng hoàng. Lời hát đầy nước mắt. Hạo Trinh bước tới đứng trước mặt Ngân Sương. Dưới chân Suong có một mảnh vải trắng. Trên đó có viết mấy chữ. "Ngân Sương nầy cùng cha sống bằng nghề hát rong. Đời chỉ còn một con một cha. Trên đường lần trở về quê, thì gặp chuyện không may. Cha qua đời. Tứ cố vô thân, lại chẳng có của cải, nên hiện xác cha còn quàng nơi miếu lạnh, chưa được chôn cất. Lòng Ngân Sương nầy đang nóng như lửa. Mong quý nhân quân tử qua đường, ra tay nghĩa hiệp, rộng lòng giúp đỡ, để tiện nữ có đủ phương tiện chôn cất cha trả hiếu: Sau đó xin làm kiếp nô tỳ trả ơn". Trên tấm vải đó. Hạo Trinh còn trông thấy mấy đồng xu lẻ. Chứng tỏ người qua lại đông, họ sẵn sàng bố thí một ít, chứ chẳng ai giúp đỡ nhiều. - Ngân Sương này! Hạo Trinh lần đầu tiên gọi đích danh cô gái. Ngân Sương nhìn lên, cô ta đã trông thấy Hạo Trinh. Bốn mắt nhìn nhau, chẳng một lời nói, nhưng trong cái ánh mắt trao đổi kia, những giọt lệ đã chảy ra. Hạo Trinh đưa tay ra, nghẹn giọng. - Hãy đứng dậy đi, đừng có quỳ mãi thế. Cô không phải hát hò gì nữa. Ta thật lấy làm tiếc... Vì đến quá muộn! Ngân Sương nhắm mắt lại. Nỗi tủi nén trong lòng bấy lâu được tuôn trào. Lệ lại chảy dài thấm ướt cả áo sô. Nhưng Ngân Sương biết mình đã gặp người tế độ.