- 1 -


- 4 -

     nh Hùng vừa cưới vợ, vợ anh là cô giáo, và chắc quen với nghề nghiệp của mình, chị ấy lấy làm khó chịu mà thấy phải ở chung dưới một mái nhà với đứa con gái lớn tướng mù chữ! Ờ, thì nó đen, cái đó chị thừa biết từ khi chưa làm vợ anh Hùng kia. Nhưng dù đen nó cũng là người. Với cái đầu óc đặc nghịt chữ nghĩa của chị Minh - tên chị là Minh - thì không thể nào có một người, nhất là một đứa trẻ suýt soát tuổi tròn trăng mà chịu cảnh dốt nát, tối tăm được. Phải cải thiện tình trạng ấy.
Tuy tính mẹ chồng nghiệt ngã, nhưng chị nhờ được cái vốn chữ nghĩa cũng như nghề nghiệp bảo đảm cho giá trị riêng, nên chị không phải khổ sở như những nàng dâu khác trong gia đình phong kiến này.
Bà Phủ ngạc nhiên thấy nàng dâu đối xử đặc biệt với Tâm ngay từ lúc đầu. Chị nói năng dịu dàng với Tâm như đối với cô em út của chồng, cô em xinh đẹp nhất.
Điều chị bất bình nhất là thấy Tâm phải ăn sau, mà lại ăn sau cả con chó Mực giữ nhà. Nhiều lần khuôn mặt tươi tắn của chị sa sầm xuống, như bầu trời đang trong sáng chợt có đám mây án ngữ, song chị vẫn cố nén cho đến một hôm nhân bà Phủ đi vắng, chị mới phàn nàn:
- Anh Hùng! Em không tưởng tượng được điều này! Nó cũng là em anh mà!...
- Thì hẳn là em anh, anh có chối cãi chi mô...
- Sao anh nỡ để mạ...
Chị biết mình lỡ lời vội chữa lại:
- Sao anh không chăm sóc nó đôi chút, để nó tàn tệ như vậy, hở?
Hùng lúng túng một giây:
- Anh là đàn ông con trai, ai biết đâu cái chuyện, mà em cũng thừa biết, anh vắng nhà từ lâu...
Minh vẫn sa sầm nét mặt làm Hùng thấy khó chịu, song lanh trí, anh làm cho bầu không khí vui vẻ trở lại bằng cách khôi hài:
- Nếu anh ở nhà săn sóc cho nó thì làm gì có cơ hội gặp em? Và như vậy làm gì em có dịp được biết nó để săn sóc nó?
Quả nhiên, mấy lời chồng nói làm Minh dịu lại
Chị Minh có một dáng dấp và nét mặt xinh đẹp. Sau cái bề ngoài mảnh mai, nhu thuận ấy, Minh có một cá tính mạnh mẽ, một lòng từ ái cao độ. Chị rất công bình và tuy chọn cái nghề có vẻ trí thức, chị lại cũng yêu thích công việc tay chân. Ngoài giờ dạy học, chị hay ra vườn, xuống bếp giúp Tâm nhiều việc.
Lần thứ nhất trong đời côi cút, khổ nhục, Tâm được nếm chút mật ngọt của Tình Thương, được đối xử bằng cử chỉ dịu dàng, được nghe tiếng xưng hô ôn tồn, tử tế.
Chị nói giọng miền Nam, tiếng chị tròn, ngọt và ấm áp. Chị không có lối nói mỉa mai, không có cái giọng hách dịch, kéo dài hay đay nghiến. Nếu những lời tử tế, những cử chỉ thân mật là của báu thì quả chị đã quá phung phí - hay rộng lượng? - đối với Tâm.
Sự có mặt của chị làm cho cả nhà phải ngượng vì cách đối xử với nó, chị làm cho nó cảm thấy nó quan trọng lên, cũng là một người như mọi người khác trong gia đình. Vào buổi trưa, đi dạy về trễ, chị làm cho Tâm đâm hoảng vì chị không giở lồng bàn đậy mâm cơm để phần lại, ăn một mình như những người khác trong gia đình thường làm mà giục Tâm cùng lên ăn với chị.
Thoạt nghe, Tâm đứng sững, không tin ở tai mình làm chị phì cười, giục lại:
- Đi em! Lấy chén đũa lên ăn với chị cho vui.
Tức thì Tâm thối thoát:
- Thưa chị, để em ăn sau, em còn rửa dọn cho xong...
Tưởng đó là cách hữu hiệu nhất để khỏi phải ăn cơm chung với người chị dâu tốt bụng, không ngờ chị cương quyết gạt đi, bảo hãy ăn xong rồi dọn rửa luôn một thể. Tâm đành phải làm theo.
Trông dáng bộ lúng túng của Tâm, chị Minh biết rằng nó chưa từng được ăn chung với người nào trong nhà này cả. Vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả trung lưu, cha mẹ chị có tư tưởng tiến bộ và rất bình dân, chị Minh không thể nào tưởng tượng được gia đình chồng mình lại có thể cư xử với cháu ruột bằng thái độ như thế, dù cho là đứa cháu phía ngoại và... da đen. Nhớ đến những gia nhân giúp việc gia đình mình được đãi ngộ tử tế hơn nhiều, chị không khỏi bồi hồi thương xót cho đứa trẻ xấu số. “Ước gì mình đem được nó đi!”, chị vừa và cơm vừa suy nghĩ.
Tâm cũng xúc động không kém. Nó ngượng nghịu vì phải đối diện với một người khác trong lúc ăn, một chuyện hi hữu trong đời nó, và nó xúc động vì được phép gắp chung thức ăn, những đĩa, bát thức ăn đầy ắp, chưa ai đụng đũa vào trước đó! Thật như thể chuyện trong giấc chiêm bao!
Để phá tan bầu không khí như cô đặc và căng thẳng vì biến cố đột ngột do chị gây ra, chị Minh vừa ăn vừa gợi chuyện với Tâm. Nó trả lời nhỏ nhẹ, lễ phép với chị, bớt ngượng nghịu và đôi mắt sáng rực lên vì sung sướng.
Thình lình, chị Minh bảo:
- Này Tâm! Từ rày em phải ăn cơm với chị mỗi khi chị đi dạy về trễ, nghe chưa? Còn những bữa chị ở nhà thì em ăn sau, nhưng em đợi ăn xong mới cho chó ăn, nghe chưa?
Tâm cúi mặt, không trả lời. Chị Minh lặp lại lần nữa những lời trên, lần này Tâm ấp úng:
- Thưa chị, em... không dám...
- Tại sao lại không dám?
- Thưa chị, em sợ mợ la.
- Mợ không la đâu. Mợ la chị chịu cho.
Tâm thè lưỡi ra, rụt cổ lại nhìn chị Minh ra vẻ sợ hãi làm chị phì cười:
- Cứ làm theo lời chị, chị sẽ thưa mạ chuyện này, đừng lo.
Tâm cúi đầu, dạ nhỏ, cười bằng hai mắt. Trước khi buông đũa, chị còn dặn Tâm:
- Em là con gái lớn rồi, ăn nói phải từ tốn, đàng hoàng, đừng có thè lưỡi, rụt cổ như vậy nữa, xấu lắm, nghe chưa? Chị dặn gì hãy làm theo, chị thương, nghe chưa?
Tâm cười, dạ tiếp hai tiếng, bụng thầm nghĩ:
- Chị này cũng khó tánh, không phải chơi đâu...
Và rồi nó tự chữa: “Nhưng là thứ khó chịu rất dễ thương!”
Thấy Minh rời mâm cơm đi pha nước uống, bà Phủ quát:
- Tâm! Mi làm chi đó? Sao không pha nước cho chị? Con mọi?
- Thưa mạ, em nó đang ăn, con pha lấy để uống được, thưa mạ!
Bà Phủ “hừ” to một tiếng:
- Thứ đồ quỷ cái nớ mà con cưng hắn cho lắm rồi hắn được lừng, có ngày hắn trèo lên lưng con cho coi!
Minh không quan tâm đến lời bà. Chị đang nghiên cứu kế hoạch để chống nạn mù chữ cho con quỷ cái (hay mọi đen cũng thế). Chị đã suy tính nhiều ngày mà vẫn chưa tìm ra một giờ nào Tâm được rảnh: buổi sáng thì Tâm bận lo cho heo cúi và bầy gà ăn, quét dọn sân trước hè sau, tưới cây và dọn bữa điểm tâm cho cả nhà, kế đó là đi chợ, chợ về thì lo nấu ăn, dọn lên. Sau bữa ăn trưa, dọn rửa chén bát rồi đến việc giặt gịa, phơi xong quần áo thì đến việc quạt than ủi áo quần ngày hôm qua đã khô. Nhiều hôm, chị Minh thấy nó có thể rỗi rãi để chị dạy học, nhưng hình như bà Phủ đã canh sẵn, đã có việc để chờ con bé: nếu không nhổ tóc bạc cho bà thì là nấu nước tắm hay nước gội đầu, hoặc đi ra vườn quơ củi. Kế đó thì là bữa ăn chiều. Chị Minh vẫn vui vẻ giúp Tâm, cốt cho nó chóng xong việc - vì buổi chiều chị cũng ở nhà, song chị thất vọng thấy mình cố giúp nó mà vô ích: xong bữa chiều, nó lo gánh nước đổ đầy các lu mái và hồ to chứa giữa sân.
Hình như trông thấy Tâm rảnh rang bà Phủ không chịu được, tuy bà không bao giờ muốn cất nhắc tay chân, nhưng lại thích thấy kẻ khác quay như con vụ. Mặc dù vậy, chị Minh không nản lòng sau vài thất vọng đầu tiên.
Một hôm, sau bữa cơm, chị bảo Tâm:
- Để chị rửa bát cho, em lo đi gánh nước đầy trong đầy ngoài cho sớm, đặng tối nay chị bắt đầu dạy em học, nghe chưa?
Chị Minh có tính ưa dùng hai tiếng “nghe chưa” sau mỗi câu nói, một thói quen của chị. Nghe đến chuyện học, Tâm hồi hộp sung sướng vô tả, tuy chưa hề biết chữ a, chữ b nào nhưng chị Minh nói cho nó biết rằng sau khi biết chữ, nó sẽ khôn ngoan hơn, đàng hoàng hơn, ra đường không ai bắt nạt mình và cái câu nó ưa nhất là “tương lai sáng sủa hơn”. Mấy tiếng đó ám ảnh nó ngày đêm. Nhất định rồi: cứ xem cái gương chị Minh thì biết, tuy chị là dâu và tuy bà Phủ nổi tiếng khắc nghiệt, mà nhờ chị biết chữ, làm nghề dạy học nên bà có dám bắt nạt chị đâu? (Dĩ nhiên, Tâm không điên tới cái mức tin là mình sẽ có thể đi dạy học như chị Minh, nhưng nó tin là sau khi nó biết đọc, biết viết, bà mợ của nó sẽ nhìn nó bằng con mắt khác, nếu không thương cũng chẳng đến nỗi bạc đãi như hiện nay. Nó tin là nó không đến nỗi ngu ngốc không học được).
Tâm còn nhớ lúc nhỏ, có một lần cậu nó đề nghị bà vợ cho nó đi học, lập tức bà Phủ cười mỉa mai nói:
- Đầu óc hắn cũng tối đen như đêm ba mươi, như mầu da của hắn làm sao nhồi nhét chữ cho vô? Nếu hắn học được, tôi có tiếc chi mà không cho hắn đi học? Cần gì ông nhắc chớ?
Vậy là Tâm yên chí tin ngay điều bà nói. Vả lại, Tâm vốn nhút nhát, nó bị trong nhà ghét bỏ, khinh chê quá đáng. Trong nhà còn cư xử như thế, đi học, nó sẽ bị bọn học trò ghét bỏ đến bực nào? Dần dà, Tâm qua tuổi học vỡ lòng, không ai bận tâm nhắc đến chuyện học hành của nó, Tâm cũng quên luôn.
Thế mà mấy tháng nay, người chị dâu từ xa về trong nhà, ngôi nhà năm gian cổ kính khuôn phép này, làm xáo trộn nhiều việc đã an bài, từ việc lớn đến việc nhỏ, mà việc bà Phủ phật ý nhất là chị ấy khăng khăng bênh vực cái ý kiến của chị: phải dạy Tâm học! Cái ý kiến ngộ nghĩnh hay ho đối với Tâm song lại làm bực bõ mẹ chồng chị không biết bao nhiêu mà kể.
Anh Hùng thì cũng ba phải như cha anh: khi thì anh thấy mẹ anh có lý, song đến lúc tranh luận với vợ, anh lại thấy vợ anh có lý hơn. Anh biết rõ vợ anh: chị đã định làm điều gì - mà điều đó lại có ích cho một kẻ khác, một việc tốt chứ không phương hại đến ai, thì chị nhất định làm cho kỳ được tới cùng.
Biết mẹ chồng ích kỷ, khó tính, chị vẫn nhất định cảm hóa bà cho kỳ được. Mà dù không cảm hóa được bà, chị quyết cải thiện tình cảnh khốn đốn của con bé da đen xấu số, không phải vì nó có liên hệ cốt nhục với chồng chị mà vì chị cảm thấy yên lặng không can thiệp là một sự đồng lõa, một tội ác.
Tâm vẫn thường đứng sững, ngỡ ngàng mỗi khi thấy chị cãi lại với mẹ chồng mà nguyên nhân chỉ vì con mọi đen, con quỷ cái là nó!
Nó sung sướng, cảm động và cùng một lúc nơm nớp lo ngại: một ngày kia nếu chị không còn ở trong nhà này thì thân phận nó sẽ ra sao? Đã có lần nó rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào kể rõ điều lo lắng của mình với chị, chị cắn môi, hai mắt nhìn ra xa, lặng lẽ giây lâu rồi quay lại vuốt tóc nó, an ủi bằng một câu mà Tâm tin là cho đến chết nó cũng không quên:
- Em đừng lo, chị không đi đâu, chị ở đây với em...
Rồi không hiểu sao, chị thở dài một cái, chữa lại:
- Chị có đi cũng còn lâu lắm, mà chị sẽ tìm cách đưa em theo với chị, chị còn sống, chị thề không để em bị đọa đày thảm nhục nữa đâu. Hãy yên tâm!
Bà Phủ vẫn kín đáo dò xét cô con dâu, tuy bề ngoài bà vờ như vô tình, không để ý đến chủ định của chị Minh. Nếu Minh nhất định làm thì bà cũng nhất định phá hỏng dự định của chị bà mới bằng lòng. Vì vậy, khi tâm gánh xong nước, bà kêu đau nhức ở lưng và bắp thịt, gọi nó vào phòng xoa dầu cho bà.
Minh đã hớn hở ngồi lại từ 10 phút, trước khi Tâm gánh nước xong. Chị lại kiên nhẫn đợi thêm hai mươi phút kể từ khi nó cầm lọ dầu khuynh diệp vào phòng mẹ chồng. Rồi chị sốt ruột đợi thêm mười phút nữa. Con bé vẫn không xuất hiện. cánh cửa bằng gỗ lim bóng nhẵn, nặng nề đã nuốt trọn cái thân hình còm nhom của nó hơn nửa giờ qua vẫn chưa chịu nhả ra. Chị buông cuốn vần đứng lên.
Chị mong là sau khi Tâm xức dầu xong bà Phủ sẽ buồn ngủ - bà chỉ thức khuya mỗi khi có bạn đến nhà chơi bài. Và như thế con bé sẽ được tự do khoảng thì giờ còn lại, chị xoa tay đắc ý vì thấy mình đến đích một cách không quá khó khăn. Minh se sẽ vào phòng bà Phủ với chủ đích gọi Tâm ra. Chợt chị nghe giọng bà chủ cất lên, hằn học, giọng bà rít lại qua hai hàm răng khít, đều, nhỏ và đen bóng:
- Mi đừng có tưởng qua mặt được ta! Hừ! Chị Minh! Mỗi phút mỗi chị Minh! Liệu cái thần hồn! Chị Minh là vương tướng chi trong nhà ni? Quyền hành chi? Muốn làm chi cũng phải xin phép, phải hỏi chớ... Áo mược qua khỏi đầu được răng? Liệu...
Minh lặng người, vội vã tháo lui, nghẹn thở vì tức tối. Chao ơi! Người đàn bà nham hiểm đó không phải là ai xa lạ, bà là mẹ của chồng chị, một người như thế mà chị phải hít thở chung bầu không khí, phải ở chung dưới một mái nhà, có đáng buồn không? Chị ra đến đầu hè, dừng lại, trí nhớ mường tượng đến khuôn mặt phúc hậu của mẹ mình, đến thái độ khoan dung của bà, đến cách cư xử của bà đối với tôi tớ trong nhà... Chị nhớ lại những lần bà dậy sớm, nhóm lửa pha trà vì “đêm qua con bếp thức khuya quá, để cho nó được ngủ thêm chút nữa”.
Chị Minh có những quy tắc sống riêng của chị mà chị nhất định giữ mãi không thay đổi, một trong những qui tắc đó là không nghĩ xấu về ai trước khi biết rõ người ấy. Thoạt đầu, đối diện với mẹ chồng, chị cảm thấy một cách mơ hồ rằng bà không rộng lượng như mẹ mình, rằng mình khó mà sống chung với bà được, song sau cùng, tình yêu đã thắng. Vả, chị tin là mình không làm gì phật ý bà, lẽ nào bà lại ghét mình? Nhưng hôm nay, mọi sự đã quá rõ ràng. Minh choáng váng mất mấy phút, cái ý nghĩ phải rời khỏi nhà này và đem con bé xấu số theo lởn vởn trong đầu chị.
Có tiếng chân xuống bếp, chị quay lại. Tâm đang ngó quanh, tìm chị. Minh lên tiếng:
- Cái gì đó tâm? Xoa dầu mợ xong chưa?
Giọng chị hết sức bình tĩnh như tuồng chị không hay biết gì về những lời đay nghiến của mẹ chồng.
- Thưa chị - Tâm nghẹn ngào mà vẫn cố giấu - mợ biểu em thưa chị đi ngủ chớ em còn phải xoa bóp lâu lắm...
Nó tin là chị sẽ bất bình, ngờ đâu, chị Minh điềm tĩnh như không, giọng chị lạc đi, chị dằn từng tiếng:
- Phải! Bữa nay không học được. Để mai chị tính lại coi. Vô xoa bóp cho mợ đi, em!
Con bé ngơ ngác một giây, không hiểu cái gì đã làm chị Minh hết cả hăm hở đi một cách bất ngờ như thế, song vốn quen với mọi bất công, nó lặng lẽ quay đi sau một tiếng dạ tức tối, nghẹn ngào. Minh nhìn theo nó cho đến khi cánh cửa to lớn im lìm lại nuốt trọn nó lần nữa, thở dài.