Chương IV

     rong hai ngày, Bảo và Mạnh lo lắng đi tìm con chuột Tàu. Chúng đâu có ngờ nó đang ở trong tay thầy Vinh. Thầy phải nuôi thêm vài ngày nữa, vì bà Ái có trả lời là bà bận việc không thể tới ngay được. Khoảng cuối tuần bà sẽ tới.
Lúc này thầy Vinh chừng đã quen việc coi sóc con chuột rồi.
- Tôi vừa cho con chuột ăn rau xong, nó có vẻ sung sướng ghê. Thầy Vinh hớn hở khoe thầy Cang khi gặp thầy trong lúc họp bàn về cuộc du ngoạn vào chiều mai của nhóm “nhiếp ảnh”.
- Tiện thể tôi cũng cám ơn anh hôm nọ đã cho thằng Bảo đi kiếm cho tôi lá su, thầy Vinh nói thêm.
Thầy Cang tròn mắt ngạc nhiên:
- Ủa, tôi có bao giờ sai chúng nó đâu?
- Anh không sai, làm sao chúng biết mà đi lấy cho tôi?
- Tôi tưởng anh nhờ chúng chứ. Lạ nhỉ, chúng nghĩ gì mà xuống bếp tìm lá su?
Thầy Vinh nhún vai:
- Có trời mới hiểu chúng nghĩ gì. Tôi phải đi hỏi cho ra lẽ mới được.
Thầy định sẽ gặp Bảo để truy, nhưng công việc bề bộn quá nên thầy quên mất.
Công việc đầu tiên, cuộc du ngoạn. Thầy Cang bàn:
- Tôi nghĩ mình nên chia bọn trẻ ra làm hai nhóm: một nhóm đi Non Nước để chụp cảnh, còn một nhóm đi vào Viện Bảo Tàng của Chàm để chụp những di tích cổ.
Thầy Vinh hăng hái:
- Vậy thì tôi dẫn nhóm thứ hai cho, thân hình tôi mà phải leo núi, mệt chết được.
Lôi trong túi áo ra quyển sổ ghi danh, thầy Cang gật đầu:
- Được, tôi lãnh nhóm đi Non Nước. Nhóm Bảo Tàng của anh chỉ có mấy đứa: Bích, Mão, Truyền, Bình... và dĩ nhiên có cả Mạnh và Bảo...
- Trời!!! Có hai thằng ranh ấy nữa...
- Hai thằng đó là hai nhiếp ảnh gia cừ nhất trong bọn.
Giọng thầy Vinh khẩn khoản:
- Anh Cang à! Hay anh lấy nhóm “Bảo tàng”, còn tôi...
Thầy Cang ngắt:
- Ô kìa, anh Vinh, sao anh lại sợ chúng dữ vậy? Anh lo lắng hão rồi đấy. Tôi tin rằng chúng lo chụp hình không có giờ mà phá anh đâu.
Chuyến xe buýt đổ bọn trẻ xuống ngã ba gần cầu Trịnh Minh Thế. Bọn trẻ đứng làm hai nhóm. Đứa nào cũng có máy ảnh lủng lẳng nơi cổ.
Trước khi đi thầy Cang còn dặn:
- Chúng mình sẽ gặp nhau ở đây lúc 4 giờ rưỡi nhá.
Thầy Vinh gật đầu, và quay qua nhóm “Bảo tàng”:
- Tất cả phải đi theo hàng hai, không ai được lộn xộn nghe chưa.
- Daaaaaạ...
Bảo láu táu giơ cao máy ảnh lên:
- Thưa thầy, cho con chụp thầy một pô...
- Không pô không piếc gì cả. Đi vào hàng.
- Thưa thầy, nếu thấy cảnh đẹp chúng con có thể đứng lại một chút để chụp không ạ?
Thầy Vinh miễn cưỡng gật đầu:
- Được, nhưng phải mau mau để kịp các bạn.
Bọn trẻ nối đuôi nhau bước qua cầu, Bảo và Mạnh đi sau cùng. Lần đầu tiên trong hai ngày qua chúng tạm quên con chuột Tàu. Chúng phải lợi dụng triệt để buổi chiều hôm nay.
Mạnh đong đưa máy ảnh quay sang hỏi Bảo:
- Bồ định chụp gì?
Mạnh mới có máy ảnh, nên thường hỏi Bảo, kinh nghiệm hơn về đề tài chụp.
Bảo đề nghị:
- Chúng mình có thể chụp loài vật như chim chóc chẳng hạn. Nếu không, có thể mình có cả lô hình ở viện bảo tàng.
Mạnh khôi hài:
- Tớ chỉ thích chụp thầy Vinh thôi.
- Thầy Vinh không ăn ảnh. Hơn nữa chụp hình các thầy chẳng khoái tí nào.
Nó nhìn hai bên đường. Bỗng nhiên nó đứng lại: Trên bãi cỏ xanh mướt, bên kia một hàng rào bằng song sắt, một con sóc màu xám tro đang tò mò đọc hàng chữ ghi trên tấm bảng. Cảnh tuyệt diệu. Nhưng muốn chụp phải cẩn thận ghê gớm.
Nó chu miệng gọi khẽ:
- Mạnh, nhìn kìa... đó... một con sóc... bên trong hàng rào kìa.
Mạnh nhìn theo ngón tay bạn:
- Ừ há, mau đi Bảo.
Chẳng đợi giục Bảo đã vội vàng lôi máy ảnh ra... Bỗng nó la lên:
- Chết rồi! Máy hư rồi. Chẳng thấy gì cả. Toàn là màu đen không hà!
Mạnh xem xét:
- Đâu có hư! Tại cái tay bồ bịt mất ống kính rồi còn đâu nữa mà thấy.
- Ừ há, quên.
Bây giờ thì con sóc hiện lên rõ ràng trong ống kính, nhưng lại có cả chấn song nữa. Vậy không được, người ta sẽ tưởng con vật bị nhốt trong lồng, mất hay đi. Nó nhảy lên vệ đường, cho máy ảnh vào phía trong. Nhưng cũng không được nốt, máy ảnh xa quá, nhắm đâu có được.
Mạnh bàn:
- Bảo thử chui đầu qua thử xem. Mau lên thôi nó chạy mất bi giờ.
Bảo nghe lời liền, nhưng không dễ như nó tưởng: khoảng cách hai chấn song vừa khít đầu nó, chỉ tội cho hai lỗ tai, nhiều chỗ đã bị trầy.
- “Tách”... Xong! Con sóc nghe tiếng động vội vàng chạy biến vào lùm cây bên cạnh.
Mạnh lo lắng:
- Được không?
- Được! Thế nào ông Hiệu trưởng cũng lé mắt.
Toán người đã đi gần đến một ngôi đền Chàm. Mạnh giục:
- Mau ra đi Bảo. Còn chạy cho kịp không thầy la chết.
Bảo rút đầu ra... nhưng:
- Ái da... Đau quá... Mạnh ơi cứu tao với... Tao bị kẹt rồi.
Mạnh gắt:
- Thôi đi cha nội ơi, đừng giỡn nữa.
- Tớ đâu thèm giỡn, tớ mắc kẹt thiệt mà.
- Kẹt gì?
- Cái đầu tớ, lôi ra không được.
Mạnh chạy lại coi, nó chỉ biết lắc đầu:
- Thật khổ! Thử kéo mạnh hơn nữa coi có được không?
- Ự... ự... không được.
Mạnh thắc mắc:
- Thế sao bồ chui vào được? Á tớ biết rồi: tại hai lỗ tai của bồ đấy. Tớ đã nói mà: hai lỗ tai bồ giống như hai cái quai của chiếc cúp bạc mà khi bữa nhà trường mình được đó.
Bảo gắt:
- Im cái miệng mày lại đi. Ở đó mà cái tai... với cúp bạc.
- Hay đưa tớ cầm giùm máy ảnh cho.
- Cầm làm gì? Lôi giùm tao cái đầu ra đây này.
- Ừ, để xem.
Mạnh lục lạo trí óc, tìm cách để cứu bạn: không lẽ lấy tay mà bẻ hai chấn song, mình đâu phải là Hercule? Bỏ nó đứng một mình cũng tội nghiệp... chỉ còn có một cách... Nó nói mau:
- Để tớ đi gọi thầy Vinh.
Thầy Vinh vừa lên đến cửa đền thì nghe tiếng réo gọi ở đàng sau. Quay lại thầy thấy từ đàng xa có một cái bóng nhỏ mặc đồng phục của trường, một tay quay như chong chóng, một tay chỉ về phía một thằng nữa đang mải mê ngắm cảnh. Tuy nhìn không rõ mặt, nhưng thầy Vinh cũng có thể đoán ra được chẳng ai khác hơn là hai thằng “ranh”:
- Lại hai thằng quỷ này - Thầy Vinh lẩm bẩm vừa ra dấu cho thằng bé chạy mau đi... Cái bóng không lên tiếng nhưng điệu bộ càng cuống quít hơn.
Bình đề nghị:
- Hay là có chuyện gì rồi đó thầy, thầy đến đó xem sao.
Thầy Vinh tức tối:
- Được! Tôi sẽ đến.
Hầu hết bọn trẻ đã vào trong viện. Thầy Vinh cho Bình vào nói bọn trẻ là cứ ở trong đó chờ thầy. Rồi thầy Vinh hầm hầm bước xuống. Bích và Mão chạy theo xa xa...
Thầy Vinh tới gần: thằng Mạnh như một thằng điên còn thằng Bảo vẫn mải mê ngắm cảnh. Thầy Vinh gắt um lên:
- Mấy cái người này. Chơi gì nữa đây? Tôi đã dặn...
Mạnh thở hổn hển:
- Thưa thầy... Bảo đang chụp hình và...
Thầy Vinh quay qua phía Bảo đang đứng im lìm:
- Còn anh Bảo này nữa, chụp gì mà lắm vậy?
Thằng bé vẫn không nhúc nhích:
- Thưa thầy, con chụp có một cái à... nhưng đầu con bị kẹt rồi...
- Sao???
Mạnh giải thích:
- Tại lỗ tai nó đó thầy. Nó to quá, nên khi chui vào thì lọt mà chui ra lại không lọt...
- Giời ạ! Sao lại chui đầu vào trong đó?
Bảo kể lể:
- Thưa thầy con thấy một con sóc.
- Con sóc?
- Dạ một con sóc màu xám.
- Rồi sao nữa? - Thầy Vinh bực dọc.
Trong khi đó thì Mão và Bích lại gần xem xét tình hình. Mão nhận xét:
- Tao không hiểu sao nó lại mắc kẹt được. Chui vào được thì chui ra phải được chứ.
Mạnh lại giải thích:
- Không phải, tại hai lỗ tai nó giống như hai cái quai chiếc cúp bạc... Nó cho hai tai vào rồi đưa cái đầu vào như thế này này...
Nó chui thử cho hai đứa bạn nó thấy, nhưng thầy Vinh đã nhìn thấy; hốt hoảng la lên:
- Mạnh, đi ra, một đứa chưa đủ sao?
- Dạ con xin lỗi thầy - Mạnh vừa nói, vừa nhảy ra khỏi vùng đất nguy hiểm. - Con chỉ muốn biểu diễn cho nó thấy.
Thầy Vinh cố hết sức kéo Bảo ra, hai tai thằng bé rướm máu. Nó rên rỉ:
- Ui da! Đau quá thầy ơi!
- Lại còn kêu nữa hả? Tội ai?
Thầy Vinh la rồi hăm hở xắn tay áo lên... nhưng rồi thầy thất vọng xuôi tay xuống: làm sao mà bẻ hai cái chấn song kia được. - Phải đi tìm người giúp một tay mới được.
Mão:
- Thầy cho con đi với thầy.
- Ừ, Mão đi với thầy, mình đi tìm điện thoại để kêu người ta tới giúp.
Rồi thầy quay lại dặn Bảo:
- Đứng im đó nghe Bảo, đừng có chạy lộn xộn nữa nghe không (!)
Và cùng với Mão, thầy Vinh đi về phía thành phố.
Còn lại Mạnh và Bích. Chúng nhìn theo bước chân thầy Vinh xa dần... Nhìn lại Bảo chúng thấy hay hay. Hai đứa bèn lấy máy ảnh ra chụp thằng bé mắc nạn thật nhiều kiểu.
Mắt nhìn vào ống kính, Bích nói với Bảo:
- Bảo! Mày có thể nghiêng đầu thêm một chút nữa không Bảo?
Bảo gầm lên:
- Sao mày khốn nạn thế, thấy người ta mắc nạn mà còn cười được.
Bích vẫn ngoan cố:
- Tao thấy mày giống như những người thời Trung cổ còn sống sót mà thầy Vinh thường kể cho tụi mình nghe đó. Người ta bắt được họ, nhốt vào trong chiếc cũi sắt và người ta ném vào những...
Bảo nổi sùng:
- Câm cái miệng mày lại đi.
Bích cười dễ dãi:
- Thôi mà! Xin lỗi! Tớ chọc bồ cho bồ quên đi hoàn cảnh hiện tại chút xíu mà. Thầy Vinh sẽ tới bây giờ đấy. Bồ cứ việc đứng đó mà ngắm cảnh: bồ coi đây ”lá thuộc bài” kia, nên thơ đấy chứ nhỉ.
Bảo vẫn cáu:
- Tao không cần nhìn gì cả.
Trong khi đó, Mạnh cố tìm cách giải cứu cho bạn. Nó sốt ruột nhìn đồng hồ:
- Không biết chừng nào thầy Vinh mới trở về. Để tớ chạy ra đường kia xem sao.
- Tớ đi với... - Bích chạy theo.
Bảo khổ sở:
- Hai đứa mày nỡ để tao đứng đây một mình à?
Mạnh quay lại an ủi:
- Tớ chạy ra đầu đường kia một chút thôi. Chịu khó một tí.
Ở góc đường, chẳng có bóng dáng ai cả. Chỉ có vài căn nhà rải rác. Và ở tận đầu đường, có một chiếc xe mui trần. Thùng xe mở rộng, thấy rõ những đồ đạc ngổn ngang.
Mạnh nhìn sững chiếc xe... Cặp mắt nó bỗng sáng ngời sau cặp kính cận đầy bụi. Nó reo lên vui mừng:
- A, tớ có một ý nghĩ.
Bích giật mình:
- Hả? Cái gì?
- Đó, cái xe cũ rích đó. Nếu mình mượn được cái kích, mình sẽ giải thoát cho thằng Bảo được.
Bích ngơ ngác:
- Cái kích để làm gì, không lẽ nâng thằng Bảo lên?
Nghe xong Mạnh phá lên cười:
- Sao mày ngu vậy? Cái kích là để nới rộng hai cái chấn song ra, như vậy thằng Bảo sẽ lôi đầu ra được.
Thật giản dị, chỉ việc đặt cái kích vào giữa hai song sắt, rồi quay ma ni ven thế là song sắt cứ dần dần nới rộng ra.
- À, tao hiểu rồi. Mày giỏi quá Mạnh ạ.
Mạnh cười khiêm tốn:
- Có gì đâu, chỉ cần suy luận một chút là được. Thôi bây giờ mình lại mượn đi.
Nhưng cái xe trống không, tài xế không thấy đâu cả, nhìn chung quanh cũng không thấy ai. Bích đặt giả thuyết:
- Chắc họ đậu xe đây rồi đi chơi rồi, mình lại coi trong thùng xe thử coi có không.
Lục một hồi, Bích reo lên và lôi ra một cái kích đen xì:
- Đây, có đầy đủ bộ phận.
Gấp lại, có lẽ cái kích vừa bằng khoảng cách hai chấn song. Cầu trời cho nó lọt vào được... Nhưng hai đứa còn ngần ngại: sự gì sẽ xảy ra, nếu mang cái kích đi mà không hỏi ai cả.
Mạnh:
- Mình lấy đi như thế này có sao không?
- Chắc không hề gì đâu. Rồi mình sẽ trả lại mà.
- Nhưng... Thôi được rồi: đây là trường hợp khẩn cấp, chút nữa trả mình sẽ giải thích cho ông ta hiểu.
Bích đóng thùng xe và ôm cái kích đi về phía bồn cỏ, Mạnh theo sau, tay cầm cái ma ni ven quay tít trên không như nhạc trưởng lão luyện (!)
Nghe tiếng động, đoán hai đứa bạn đã trở về, Bảo càu nhàu:
- Hai thằng quỷ! Đi đâu mãi bây giờ mới về?
Mạnh cười:
- Thôi mà, nhìn xem tớ mang cái gì đây.
- Còn giỡn nữa, bộ tao có hai mắt ở đàng sau gáy hả?
- Tớ quên, xin lỗi nghe. Đây là một phát minh mới để gỡ đầu bồ ra đó. Tớ và Bích sẽ thí nghiệm.
May quá, cái kích vừa khích giữa hai chấn song. Bích đặt cái kích phía trên đầu Bảo. Mạnh thử ấn ma ni ven xuống:
- Úi chà, nặng quá. Bích! Giúp tớ một tay với.
Loay hoay một hồi chúng mới đẩy được chấn song hơi cong. Bích vui mừng thúc dục:
- Tí nữa! Tí nữa thôi... Rồi! Bảo! Kéo đầu ra coi.
Bảo nhè nhẹ kéo đầu ra... Hốp! Thoát nạn! Nó hét lên vui sướng, nó nảy nhót, nó ôm hai thằng bạn và cám ơn rối rít:
- Hoan hô! Hoan hô tụi bây... Cám ơn! Cám ơn hai bồ. Cám ơn.
Rồi nó vỗ vai Mạnh:
- Sao mày giỏi quá vậy, ý kiến của mày hay ghê đi.
Mạnh vẫn tỉnh bơ:
- Chỉ cần một chút tinh ý. Ba tao bảo hễ...
Bích như sực nhớ lại điều gì, ngắt lời:
- Khoan kể chuyện ba mày lại đã... Lo đem trả cái kích lại cho khổ chủ đi.
Mạnh cụt hứng:
- Ừ, Bảo đi với tụi này đi, để lỡ ra ông tài xế có làm khó dễ.
Chúng cẩn thận gấp cái kích lại. Hai chấn song chỉ xê xích có một tí, không sao.
Bích tủm tỉm cười:
- Chắc thầy Vinh phải hài lòng lắm nhỉ. Tụi mình biết tháo vát mà.
Mạnh đề nghị:
- Mình mau đem trả cái kích rồi về đây đứng đợi thầy Vinh nghe.
Bảo hăng hái:
- Để tớ mang cái kích cho.
Mạnh không chịu:
- Tớ là kẻ có sáng kiến, vậy tớ mang chứ bộ.
Chiếc xe vẫn đậu ở chỗ cũ, bọn trẻ ra tới đường vừa đúng lúc có một ông mặc áo xám bước lên xe.
Mạnh thúc:
- Chạy lẹ lên đi, tài xế kia rồi.
Nhưng đúng lúc đó một làn khói đen bay ra, tiếng động cơ nổ ròn và chiếc xe lao đi. Cả ba đứa đều la lên:
- Ê, ông ơi! Ông ơi! Dừng xe lại đi!
Mặc cho bọn trẻ la hét, chiếc xe quái ác vẫn tăng tốc lực và phóng mạnh hơn.
Mạnh rên rỉ:
- Trời ơi! Xui quá xá!
Bảo chợt dõng dạc ra lệnh:
- Chạy! Mình chạy theo cho kịp - Rồi nó sửa soạn thế khởi hành như một tay chạy đua nhà nghề - Thế nào tới ngã tư, có đèn đỏ nó cũng phải dừng lại.
Bích ba chân bốn cẳng chạy theo. Chỉ tội nghiệp cho Mạnh, phải ôm cái kích và ma ni ven cứ đập vào chân nó đau điếng. Nó rên rỉ:
- Thật là của nợ... Không thèm chạy nữa.
Nhưng rồi nó cũng phải xiêu vẹo chạy theo hai thằng bạn.
Càng qua các ngã quẹo, thì hy vọng đuổi kịp chiếc xe càng thấy tiêu tan. Và đến một đoạn đường thẳng dài, Bảo chỉ còn thấy được cái xe như một chấm nhỏ ở tận chân trời, và rồi cái xe mất hút ở một ngã tư tận đàng xa. Bảo chán nản đứng lại, Bích cũng vừa trờ tới, Bảo lắc đầu. Một lúc sau, Mạnh mới lạch bạch chạy tới. Thấy cái lắc đầu của bạn, nó thất vọng:
- Cái xe chạy mất rồi hả?
Rồi nó cằn nhằn:
- Hai đứa mày bắt tao mang cái của nợ này, mệt muốn chết.
Bảo cười:
- Tớ bảo đưa tớ mang cho mà không chịu, giành thì rán mà mang.
Mạnh vất tất cả xuống vệ đường:
- Đấy, bây giờ mang đi...
Bảo lắc đầu:
- Đâu được, quân tử nhất ngôn mà.
Mạnh càu nhàu:
- Đồ vô ơn! Tại mày cả đấy, nếu mày đừng có chui đầu vào cái song sắt thì đâu có nên nỗi. Tao không đi đâu nữa hết.
Bích tán đồng:
- Tao cũng không chạy nữa. Mệt thấy mồ.
Bảo nhăn mặt:
- Nói dễ nghe nhỉ? Lấy của người ta rồi không chịu trả. Phép tắc ở đâu vậy?
Mạnh nói bừa:
- Mình ra bưu điện gửi cho ông ta.
- Hay quá ta. Địa chỉ đâu bồ? Số xe, biết không? Hà... hà - Và nó ra lệnh - Đuổi theo mà trả cho bằng được, mau lên.
Mạnh thở dài sườn sượt: thật bất công, nó là kẻ đề ra sáng kiến, đã không được thưởng thì chớ lại phải mang cái của nợ này. Nó tính than thở với Bích, nhưng thằng bé đã la lên:
- Ui cha ơi! Còn thầy Vinh nữa chứ, chắc bây giờ thầy đã trở lại rồi đó.
Bảo đang chạy, vội phanh lại:
- Chết cha!... Thôi Bích và Mạnh tiếp tục kiếm xe đi, tớ trở lại báo cho thầy Vinh biết.
- Ừ, mà mau lên nha. Tìm không ra là nhờ thầy Vinh đưa tới bót cảnh sát cho rồi.
Mạnh còn thêm:
- Ai chứ thầy Vinh là sếp sòng rồi mà.