au hai năm từ ngày Dượng (chồng Cô tôi) mất, tôi mới có dịp trở lại đây. Ngôi nhà này bây giờ do Phú – đứa cháu nội đích tôn của cô dượng ở để lo phần thờ tự, hương khói. Vẫn ngôi nhà chữ Đinh cũ kĩ, màu ngói rêu phong, tường vôi nhòa nhạt… nép mình trong khu vườn quanh năm đầy hoa trái. Tuy vai cháu, nhưng tôi và Phú sàn sàn tuổi nhau. Dù Phú có con vào Đại Học và đã được “ngồi sui”, nhưng Phú vẫn không khác ngày xưa mấy. Trong mắt tôi, Phú vẫn là thằng “Cu đen” tuổi nhỏ rất nghịch, vậy mà không hiểu sao “nó” lại hết mực yêu mến bà cô họ, tính khí thất thường “dở dở ương ương” này? Những năm tháng lửa máu trên chiến trường đất bạn, cuộc sống vô cùng gian khổ, sự sống và cái chết liền kề trong đường tơ kẻ tóc… Vậy mà ngày Phú về – quà cho cô họ – lỉnh kỉnh những giò Phong Lan đủ màu, từ các cánh rừng miền Tây Kam–pu-Chia, nơi Phú cùng đồng đội sống và chiến đấu. Tôi ghé thăm bất ngờ, hai vợ chồng Phú vui mừng lắm! Phú giục vợ: – Thôi, chạy chợ mua ít bún với rau ngò gì đó, tui ở nhà làm con gà mái tơ, nấu cháo xé phay, đãi cô ba. Hình như cảm thấy mình bỗ bã, nên quay sang tôi, Phú nói như thanh minh: – Cô ở lại chơi, mai hẳn về! đãi đằng là cái cớ, chứ ở TP… cô thiếu gì món ăn. Tôi nói với Phú và Đẹp (vợ Phú) rằng chuyện ăn uống không thành vấn đề, đừng bày vẽ, chủ yếu là vui thôi. Và tôi hứa “Cô ở chơi, đến chiều sẽ về Gò Công tây”. Trong lúc Đẹp đi “thọc” dừa siêm, Phú đề nghị: – Cháu nhớ rồi, hồi đó cô rất mê cá lóc nướng trui. Bây giờ cô ở nhà, cháu đi một vòng, về là có ngay. Phải thầm phục Phú “nhớ” rất giỏi. Nhớ đúng món “khoái khẩu” của tôi! …. Tôi uống hết li nước dừa, no căng bụng. Nước dừa siêm tươi rất ngọt! Vào giá sách của dượng, rút lấy quyển ĐƯỜNG RỪNG của nhà văn miền Nam – Mai Văn Tạo – kí tặng dượng thuở sinh thời và tôi mang chiếc võng ra giăng dưới gốc vú sữa ngoài vườn (nơi ngày xưa tôi vẫn thường giăng). Giữa vườn xưa nghe xao xác tiếng gà trưa, tiếng gió rượt đuổi nhau xào xạc trên từng ngọn lá, tiếng cầm nhịp của con chim cu nhà ai gáy đưa sang…Một không gian yên ả ở vùng quê mà cả thời thơ bé tôi luôn thấm đẫm… để rồi hơn mười năm qua, nơi đô thành bụi khói, lúc nào tôi cũng khát khao, hoài nhớ. Tôi nhắm nghiền mắt để những hình ảnh, dư âm xưa lần lượt trở về tái hiện trong trí tôi… Dòng kí ức như những khúc phim quay chậm được ráp nối, bất chợt bị đứt quãng … bởi tiếng chao chác của lũ sẻ. Tôi mở mắt, kiếm tìm. Thì ra, gần đó – giữa tán lá xum xuê là một chùm ổi nỏn nà như thiếu phụ hồi xuân. Lũ sẻ đang chí chóe tranh nhau một trái chín bói. Nhìn trái ổi vàng hượm, khoe lòng đỏ ươm và hương thơm thoang thoảng… “cầm lòng không đậu”, một hành động tuổi thơ sống dậy – tôi buông quyển sách trên võng, nhất định hái bằng được trái ổi này. Tôi mới leo lên đến nhánh thứ hai, thình lình tiếng Phú làm tôi giật mình: – Cô ơi vô ăn, cá còn nóng. Một lát cháu bảo vợ cháu ra cây ổi “xá lị” đầu mương, trái lớn như cái chén, ruột giòn ngon lắm. Hái một mớ, cô đem về làm quà luôn. – Cô không thích ổi, nhưng khoái trái chín bói “chim ăn”, nó rất ngọt. Thật ra, tôi khoái tìm lại cảm giác tuổi thơ, đi rong khắp vườn, chỉ tìm độc mỗi thứ – ổi chim ăn – đem vô rửa sạch, để vào chiếc rỗ tre con con, nhăm nhi từng chút một. Không gì thú vị hơn. Tôi bước xuống đất, quay sang hỏi Phú: – Trời đất! đi câu, đi bắt ở đâu mà nhanh dữ vậy? Có thấy nướng nôi gì, mà đã có cái ăn rồi? – Cô khỏi lo. Ở đây, coi miệt đồng vậy chớ cái gì ở Thành phố có là ở đây có. Trên chiếc mâm nhôm sáng lóa đặt giữa bàn tròn, trong cái đĩa thủy tinh to – chễm chệ con cá lóc cả kí, nướng vàng ươm, trét mỡ hành. Xung quanh là đĩa thịt ba rọi xắt mỏng, bún, bánh tráng, các loại rau sống, rồi chuối chát hột, chanh khế…, nhất là chén mắm tỏi ớt… dậy mùi, quyến rũ khứu giác của tôi, nhưng…. Vợ chồng Phú rất nhiệt tình chăm chút miếng ăn cho tôi. Tôi mới nói thật lòng mình rằng – nghe cá lóc nướng trui, tôi mê lắm! Tưởng là Phú đi tìm cá về (như ngày xưa chúng tôi be bờ tát vũng, hoặc đi câu hay làm hầm… chờ cá nhảy vô) là chúng tôi sẽ xỏ cá vào những nhánh ổi tươi, cặm xuống đất, vung rơm khô hay lá cây khô xung quanh, rồi nhen lửa đốt. Rơm hay lá cháy hết cũng vừa cá chín. Chúng tôi cời tro, những con cá cháy đen, thơm nức mũi. Chúng tôi vừa gỡ cá ra khỏi những nhánh ổi, vừa thổi và dùng chiếc que cứng cạo bung lớp vảy cháy…. Bấy giờ nhìn những con cá nướng sực mùi thơm và nghi ngút khói, được đặt trên mảnh lá chuối tươi, là chân răng mọi người đã ngập nước; rồi nào là muối ớt, lá me non – chỉ thế thôi, chúng tôi ăn với cơm nguội hoặc ăn không. Tuy những bữa ăn đơn giản vậy, nhưng nó đã theo tôi suốt cả kiếp làm người. Nhớ một lần khoảng cuối năm 2003, cũng tiết trời se se lạnh thế này – Tôi đã qua ca đại phẫu. Theo chu kì thì 21 ngày phải vào một toa Hóa chất, đến toa thứ tư do thiếu máu, bác sĩ phải ngưng. Trên đường từ Bệnh viện về nhà, bất chợt tôi muốn ăn món “Cá lóc nướng trui” vô cùng. Nỗi “thèm thuồng” đến độ, nghĩ nếu không được ăn ngay thì sẽ lăn ra chết tức khắc. (Dạo đó do Hóa trị, người mệt lã nên việc ăn uống của tôi rất khó khăn, cả nhà lo lắng lắm. Ai cũng mong tôi ăn được món gì, là “phục vụ” ngay – Vì bệnh mà!). Anh bạn liền chở đưa tôi sang Thanh Đa. Ngồi vào bàn, mười lăm phút sau – trước mặt chúng tôi là chiếc mâm, cũng bày biện y như mâm cá nướng nhà Phú hôm nay. Tôi chợt “rùng mình”. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Anh bạn tỉ mẫn quấn cho tôi một cuốn và sớt chén mắm, rồi anh tiếp tục quấn nữa… Anh nghĩ, với sức khao khát của tôi lúc nảy, chẳng mấy chốc thì mọi thứ sẽ bay veo. Ngược lại, tôi chỉ cố nuốt một cuốn duy nhất và cuối cùng… để từ đó đến nay, ngoài mười năm … chưa bao giờ tôi dám nhắc lại món “cá lóc nướng thành phố” nữa. Nghe tôi kể, vợ chồng Phú cười sặc sụa. Thì ra Phú cũng ra quán nướng ở thị trấn Chợ Gạo bê về một mâm, cùng công thức. Phú bảo rằng: Nông thôn bây giờ còn đâu nữa chuyện cá tôm như ngày trước. Thuốc hóa học và vòng quay cây lúa với hoa màu, khiến con cá con tôm đã bỏ đồng mà về sông. Rồi “cung không đủ cầu” nên con cá con tôm chưa kịp lớn, đã phải phục vụ con người. Con người đã vây bắt cá tôm bằng nhiều cách tinh vi, bắt cả khi chúng còn trong trứng nước… thì lấy gì phục vụ kịp? Trở lại vùng đồng quê, nơi ngày xưa mỗi mùa nước lớn, con cá con tôm từ đây được chở đi bán các chỗ; Giờ muốn ăn món cá ngày cũ, cũng phải “vay mượn” chỗ khác. Phú nói – con cá lóc nằm trong đĩa hiện tại, tuy nướng tại quê nhà, nhưng thật ra nó được nuôi ở miệt Tháp Mười, đồng mình làm gì còn. Muốn còn thì cũng đợi sa mưa giông hoặc mùa tát đìa! Cô nhìn đi, cá nuôi với cá đồng khác nhau lắm. Tôi mĩm cười, nhắc lại câu nói cũ: – Từ đó đến nay, hơn mười năm … chưa bao giờ tôi dám nhắc lại món “cá lóc nướng thành phố” một lần nữa. Bữa ăn rồi cũng kết thúc. Chúng tôi tráng miệng bằng những miếng Thanh Long ngọt mát, tươi roi rói mới hái ngoài vườn. Tôi chợt nghĩ: Rồi một ngày nào đó – trở về khu vườn cũ này, muốn ăn miếng trái cây xuất phát từ nơi đây…., lại phải cố nuốt những loại trái từ xứ khác không? Trong cuộc sống này, cái gì cũng CÓ THỂ cả. Thế thì “CÒN ĐÂU… HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ” PHAN NGỌC HẢI