- III -
Vài con số và một ít lịch sử

     húng ta phải hỏi các cụ già thì mới rõ xưa kia nhà lục xì ở đâu.
Trước năm 1900, hình như nhà nước đặt nó ở phố Hàng Cân. Một đạo nghị định của quan Toàn quyền Paul Bert trong đó có nói rằng: “Bọn gái mại dâm xét ra có bệnh thì phải bắt giam tại nhà lục xì mãi cho đến khi nào họ khỏi bệnh” đã ký từ năm 1886, nghĩa là ngay hai năm sau khi chính phủ Pháp ký cái điều ước Bảo hộ 1884 với triều đình Huế vậy. Ngày nay, đi qua phố Hàng Cân, chúng ta không thể kiếm nổi một dấu vết nào là di tích của nhà lục xì. Ngay đến ông Chánh phòng Vệ sinh của Thành phố mà muốn làm nhà “sử học” về môn ấy, cũng không tra cứu đâu ra nữa.
Từ năm 1902 trở đi, ta mới có thể thấy một vài điều cần biết. Hồi ấy, nhà lục xì ở một tòa nhà khá vĩ đại ở phố Hàng Lọng, gần với nghĩa địa của người bên đạo. Rồi thì, nền học vấn mở rộng nó phải dọn đi để nhường chỗ cho một học đường. Năm 1918 thì nó dọn tạm về một cái... đền, phải, một cái đền, ở sau Tòa đốc lý hiện giờ là chỗ vườn trẻ con của thành phố. Sau khi có một số tiền để làm một phúc đường cho bọn kỹ nữ, sau khi nhà ấy làm xong, năm 1926, thành phố dọn hẳn nhà lục xì về chỗ góc phố trước Tòa án Hà Nội, mặc lòng hầu hết những ông quan tòa đều phản đối kịch liệt, không muốn thần Công lý phải “láng giềng” - trạch lân sử! [1] với cái vật ô uế kia.
Thật rõ lôi thôi là cái sự ngứa ngáy xác thịt của loài người. Nó đã làm rầy rà biết bao nhiêu người, quan cai trị, quan thầy thuốc, nhân viên Sở Liêm Phóng sung vào ban cảnh sát xướng kỹ hay là đội con gái, những ông hội viên thành phố, để kết quả nên một tòa nhà công mà tư pháp giới cũng không tra. Nhà lục xì lập nên sau những cơn giông tố dữ dội.
Độc giả cứ tưởng tượng ra xem những phiên hội đồng thành phố rất náo nhiệt trong đó các ông y sĩ công, y sĩ nhà binh kêu gào cho nhà lục xì được “thịnh vượng” vì lẽ phải giữ gìn nòi giống, cả Nam lẫn Pháp, và những ông hội viên không tán thành ý ấy, vì cho rằng vấn đề mại dâm là không thể “cai trị” được, và một ông Đốc lý nhăn nhó lo sợ công quỹ thiếu tiền, lại phải tăng mọi thứ thuế cao hơn nữa... Cái số của những người muốn bỏ nhà lục xì cũng đông, lý luận của họ cũng cứng, vậy mà thành phố ta cũng vẫn có nhà lục xì như thường. Cái nhà lục xì ấy không bao giờ làm cho các ông thầy thuốc hài lòng vì bất cứ ở đâu, những ông thầy thuốc cũng vẫn hăng hái, sốt sắng, muốn cải cách, bổ khuyết, mở rộng phạm vi việc giữ sức khỏe chung, nghĩa là muốn công quỹ phải bỏ ra nhiều tiền về khoản ấy... Dân chúng thì không bao giờ muốn hiểu biết gì cả: họ cứ nhắm mắt lại mà than phiền, nếu họ phải chịu thuế cao. “No cơm ấm cật giậm giật mọi nơi” các ngài ơi, điều ấy ta phải trả tiền là chính đáng lắm. Mấy con số dưới đây giảng cho ta biết cái nạn mại dâm đã hại xã hội đến thế nào!
Năm 1914, bảy mươi tư phần trăm (74%) binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải những bệnh hoa liễu.
Bác sĩ Keller coi nhà thương đau mắt Hà Nội cam đoan với ta rằng trong số những người chột và mù của dân mình, bảy mươi phần trăm (70%) là do vi trùng bệnh lậu mà ra.
Ông giám đốc phòng Vệ sinh của thành phố Hà Nội cũng bảo cho ta biết rằng cứ bốn nghìn trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng một nghìn đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình thì là sài, đẹn, là bỏ, là mất, là khó nuôi, nhưng theo khoa học thì chết vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai, hoặc những biến chứng của bệnh ấy.
Ấy đó.
Nhưng mà đó chỉ mới là trong khu vực một thành phố Hà Nội, nghĩa là đất thuộc địa mà thôi. Nhưng Hà thành là kinh đô của Bắc Kỳ, là thủ phủ của Đông Dương! Cái gì của dân tộc mình chẳng từ Hà thành mà khởi thủy? Ta hãy lặng yên mà nghe lời bác sĩ Joyeux cắt nghĩa đây:
“Ai cũng biết rằng khi một dân tộc càng tiếp xúc với những dân tộc khác, hoặc vì thương mại, hoặc bị xâm chiếm, thì dân tộc ấy càng dễ bị nạn hoa liễu hoặc những bệnh truyền nhiễm khác. Như nước Pháp, vào hồi Âu chiến, đã tiếp đón binh lính đồng minh gần đủ các nước, nên nước Pháp đã bị lây về trùng giang mai rất nhiều, nếu ta chỉ kể đến bệnh ấy. Trong những thời bình trị, ai cũng thừa rõ cái tình hình y tế của những hải cảng sầm uất, có nhiều du khách ngoại quốc. Đây này, nếu ta đưa mắt coi qua những trang lịch sử của nước này, thì ta sẽ nhận thấy rằng từ những cuộc chinh phục bằng binh lực và thương mại của người Tàu, của người Chàm, của Khmer, và gần đây, của người Tây phương, thì ra sẽ thấy rằng những nguyên nhân ấy cũng đã đủ nhiều, đủ sâu xa để làm cho Đông Dương bị cái nạn hoa liễu một cách trầm trọng. Vả lại những sách thuốc của người Tàu cũng đã nói nhiều về những vụ đẻ non, người chết yểu, quái thai, những bệnh ngoài da, để cho ta ngẫm nghĩ về bệnh giang mai không tha họ cũng như cái số thái quá những kẻ mù lòa ở xứ này mà vi trùng lậu đã làm hại. Những điều nhận xét ấy lại bị những ông thầy thuốc hiện thời chối cãi, cho rằng nạn hoa liễu không hại cho người An Nam lắm, và sự quái gở ấy mà có là bởi vì Nhà nước đối với vấn đề ấy cứ bình chân như vại chỉ chữa chạy qua loa sau khi thấy luôn luôn rằng nạn ấy không có gì là hiểm nghèo. Nhờ cái thờ ơ lãnh đạm tổ truyền của người An Nam với vấn đề hoa liễu mà họ cho là không hệ trọng nhờ sự suy đồi của những luân lý Khổng Mạnh Phật Lão, cho nên số lớn dân chúng mới mắc phải dễ dàng và nạn hoa liễu mới tự ngoài tràn vào tựa hồ vết dầu loang trên mặt giấy. Thêm vào lẽ ấy, lại còn cái nguyên nhân này làm tăng mãi cái hại kia lên; chính nó là sự tiến bộ mà bọn thiếu niên [2] các ông đương hăm hở theo đuổi. Sự khao khát về học hành, sức cám dỗ của những nghề nghiệp mới, đã đưa dắt số đông thiếu niên [2] đến nơi phồn hoa đô hội để mà thoát khỏi những luân lý của gia đình; sức say sưa của sự làm giàu dễ dàng, sự hưởng thụ mọi cách ăn chơi của thành phố Tây, sự vô cai quản của bố mẹ, đó, ngần ấy nguyên nhân đã làm lung lay cả một nền luân lý và làm cho bệnh hoa liễu càng truyền nhiễm mạnh. Vì rằng sau khi đã làm giầu, đã thi đỗ ở tỉnh mà về làng, hoặc vì chức vụ được bổ về các nơi hương thôn, thì cái phần tử ấy có lẽ sẽ là một làn sóng lớn có biết bao nhiêu vi trùng để truyền nhiễm, nhất là sự tiến bộ văn minh của bọn ấy lại khiến dân quê phải kính phục và chịu ảnh hưởng lắm”.
Những lời lẽ ấy rất dễ hiểu. Nó đã cắt nghĩa rõ tại sao dân quê ngày nay cũng đã hư hỏng nhiều, và cho ta biết rõ nạn mại dâm, bệnh hoa liễu tại nơi đồng ruộng, trong khi bác sĩ Joyeux không kể rõ được cho chúng ta những con số đích xác, bao nhiêu phần trăm, vân vân...
Thì ra, ngoài những tai nạn khác mà ai cũng đã rõ, mà ai cũng tưởng là phải cứu chữa trước nhất, chỉ có nạn mại dâm nó hại cả một giống nòi là hệ trọng hơn cả, là phải cứu chữa trước hết.
Vạn tuế cho nhà lục xì! Nhà lục xì cứ sẽ còn mãi, mặc lòng cái phái người muốn bãi bỏ nó đã có cái chương trình như đây:
PHÁ HOẠI:
1. Bãi bỏ hết những đạo luật thắt buộc về nghề mại dâm, nghĩa là:
2. Giải tán ngạch “đội con gái”, vì chỉ thi hành được luật thường phạm.
3. Đóng cửa nhà lục xì, bọn gái đĩ muốn chữa bệnh hay không tùy ý họ, hoặc họ tự do vào nhà thương Bảo hộ [3] cũng ví như có bệnh khác.
KIẾN THIẾT:
4. Mở một Bệnh viện hoa liễu chữa chạy cho tất cả các hạng người một cách hoàn toàn chu đáo hơn.
5. Giáo dục cái dâm, giảng dạy về bệnh tật về phong tình cho cả Nam lẫn Pháp, thường dân và binh lính bằng trường học, diễn đàn, chớp bóng, truyền đơn, yết thị v.v...
6. Bài trừ những sự gì thuận tiện cho nạn mại dâm: bọn mụ giầu, tụi ma cô, những cách khiêu dâm những điều hại mỹ tục, sự xui giục mại dâm, nạn ma men nạn đổ bác...
7. Đặt hình luật và hộ luật [4] để trừng phạt những kẻ đổ bệnh hoa liễu cho người khác.
8. Bảo trợ thiếu nữ lai và Việt Nam, cải tà bọn gái đĩ hội nhà binh, hội thể thao...
Đứng đầu phái này là một người mà chúng ta ai cũng biết: bác sĩ Le Roy des Barres.
Nhưng những ông bệnh rề rề mà vẫn đi chơi văng mạng chớ lo vội! Không, các ông chưa đến giờ phải tù! Chương trình của bác sĩ Le Roy des Barres thảo ra từ năm 1927, đến nay vẫn là đống giấy vô công hiệu.
Trong hội đồng thành phố không phải chỉ có những người muốn thắt buộc bọn làm đĩ bằng nhà lục xì và những người muốn bỏ nhà lục xì.
Còn những ông trung dung muốn hòa giải hai phái.
Không “giải phóng” cho nghề mại dâm hoành hành tự do được, đó là lời hét của phái “thắt buộc”, vẫn hay rằng những luật lệ thắt buộc nghề mại dâm hiện giờ đã thất bại hoàn toàn. Phái này cũng biết thế, song họ cho rằng nếu không có kết quả gì là vì sự bắt buộc kia chưa được chu đáo, chưa được đến nơi đến chốn. Họ bèn yêu cầu:
1. Một ngạch đội con gái [5] đầy đủ nhân viên hơn và có quyền hơn nữa để có thể bắt năm sáu nghìn gái đĩ lậu thuế, nếu chỉ kể trong một Hà Nội.
2. Ngạch ấy phải thuộc quyền ông Đốc lý, nghĩa là dưới sự chỉ huy của ông Cẩm trung ương [6] của thành phố chứ không như hiện thời, ngạch ấy lại dưới cả quyền ông giám đốc Sở Liêm Phóng Bắc kỳ.
3. Phải có những đạo luật cho phép ngạch ấy được vào các tiệm rượu, tiệm thuốc phiện, những nhà khả nghi là “tổ quỷ” để lùng bắt bọn đĩ lậu.
4. Hợp nhất nhà Lục xì vào nhà thương Bảo hộ để có một nơi chữa được nhiều bệnh nhân hơn nữa, mà số tiền ấy, ngân sách Bắc kỳ chịu một nửa, quỹ Thành phố chịu một nửa.
5. Đặt ngạch đội con gái ở các tỉnh nhỏ nữa để cho các thầy đội con gái tiện việc lùng bắt bọn gái đĩ trốn khỏi Hà Nội rồi thì cứ tự do mà truyền nhiễm bệnh phong tình tại các tỉnh nhỏ, hoặc ngay ở ngoại ô Hà Nội là đất bảo hộ, đất mà các thầy đội con gái không có quyền gì.
6. Bắt chị em cô đào Khâm Thiên, Vạn Thái và mọi nơi khác phải chịu mọi lệ luật mại dâm, vì họ chính thức cũng mại dâm.
7. Đặt một khu riêng (quartier réservé) cho nghề mại dâm. Thành phố sẽ kiếm một khu đất rộng rãi, làm những tòa nhà cao ráo rất hợp vệ sinh và cho thuê rẻ tiền. Ngay ở đấy sẽ có cả ty cảnh sát của nhà binh và của thành phố để giữ trật tự cho cả thường dân lẫn binh lính. Như vậy, dân thành phố sẽ sung sướng vì đã tống khứ được những nhà thổ ra khỏi các phố xá lương thiện, bọn mụ giàu sẽ hài lòng vì khỏi phải thuê nhà cao giá, bọn kỹ nữ sẽ yên tâm khỏi lo sợ nỗi hung bạo của bọn làng chơi say sưa, những lính cảnh sát cũng thấy dễ dàng trong việc giữ trật tự.
Cái chương trình này đã được đa số hội viên thành phố người Nam ta tán thành, nhất là khoản bắt cô đầu đi khám lục xì mà ông hội viên Sĩ Ký (Hải Phòng) được nổi danh vì bị ác cảm.
Thưa các ngài...
Thế thì chúng ta tán thành cái chương trình giải phóng nghề mại dâm của bác sĩ Le Roy des Barres hay là tán thành cái chương trình áp chế nó vừa kể đây?
Chúng ta bằng lòng cho một vài người chị em rất yêu quý của chúng ta ở xóm Bình Khang cũng phải vào nhà lục xì làm quen với cái “mỏ vịt”, hay là chúng ta cam tâm vào tù hoặc bồi thường cho kẻ nào bằng tiền bạc nếu chúng ta đổ bệnh cho kẻ ấy?
Áp chế và giải phóng, thật vậy, chúng ta không thể quả quyết mà đứng vào phe nào. Mại dâm, cái vấn đề ấy đã làm khổ những ông thầy thuốc, những nhà lập pháp, những nhà xã hội học, triết học, hiểu rõ vấn đề ấy bằng nghìn chúng ta.
Ngay đến chính phủ ở đây cũng vậy!
Cho nên, một hôm, bác sĩ Le Roy des Barres đã phải thở dài mà nói rằng: “Nếu ở Bắc Kỳ cũng có cả những luật lệ quy định nghề thanh lâu, những luật lệ phỏng theo của nước Pháp, thì những luật lệ ấy cũng chỉ có giá trị của một đống giấy lộn. Quan cai trị, quan thầy thuốc, Sở Cảnh sát, người nào hình như cũng đồng ý nhau cả để mà không đem thực hành những luật lệ ấy”.
Một sự thực chua chát: bắt nghề mại dâm vào khuôn phép vị tất đã bổ ích gì cho xã hội, mà giải phóng nghề ấy để đỡ tốn cho công quỹ và tránh những điều nhũng lạm của kẻ thừa hành pháp luật, cũng vị tất đã không có hại gì cho lương dân!
Vậy thì, nó là cái gì, cái nạn làm đĩ của loài người, xưa nay?
Chú thích:
[1] Chọn láng giềng.
[2] “Thiếu niên” ngày trước được dùng như chữ “thanh niên” ngày nay.
[3] Nhà thương chữa cho người Việt Nam, nay là Bệnh viện Việt - Đức.
[4] Nay gọi là Luật Hình sự và Luật Dân sự.
[5] Đội cảnh sát đi lùng bắt gái mại dâm lậu.
[6] Cẩm là gọi tắt chữ Pháp Commissaire de police, chỉ viên sĩ quan cảnh sát.