Đêm chủ nhật, Tân mải đi nghe hò giã gạo dưới trăng tại nhà Bác Cả cho đến quá nửa đêm nên sáng ngủ dậy muộn. Bỏ cả bữa ăn sáng và cố gắng đạp hết tốc lực mà đến cửa trường cũng chậm hơn năm phút. Sỉ quan trực tuần đã ghi tên vào sổ và không quên ghi rõ biện pháp trừng phạt: “Tắm con ngựa Caroline trong giờ nghỉ trưa”. Vì không dự lễ chào cờ và nghe nhật lệnh sáng thứ hai nên Tân phải tìm hỏi Hiền là người thân nhất, cùng ở một trung đội và nằm chung với Tân một giường đôi hai tầng. Hiền dặn Tân: - Dạo nầy anh nên cẩn thận vì tình thế nghiêm trọng lắm. Đừng làm gì để cho anh em ở trong trường nghi kỵ sẽ thêm rắc rối cho anh. Đêm hôm qua, phiên tôi gác, mặc dầu canh phòng hết sức kỹ cửa trước và cửa sau, thế mà truyền đơn vẫn lọt ngay vào trường. Tân trố mắt ngạc nhiên: - Truyền đơn gì vậy anh? - Thì cũng là kêu gọi đả đảo quân Nhật, lật đổ chính phủ. - Của ai vậy anh? - Ai biết được! - Lạ nhỉ! Trường có một cửa trước và con đường Chương Đức thì cấm dọc cả đường từ bờ sông vào. Còn ai lọt vô đấy được? - Anh ngây thơ lắm! Không ai ngoài vào thì tất là có kẻ ở trong tung ra chứ. Bởi vậy mới đến giai đoạn nghi nhau. - Anh bảo có tay trong à? - Tôi nói thế vừa hiểu! Khẩu súng sáu của anh mất đi chẳng do tay trong là gì. Anh nên thận trọng thì hơn! Tân vừa đi vừa dẫn con Caroline chậm rãi bước qua vườn hoa ra bờ sông. Trời giữa trưa vắng vẻ nhất là tại các bến xa thành phố như bến Chương Đức. Tân suy nghĩ những lời Hiền nói úp mở, rồi nhớ lại chuyện khẩu súng lục của mình bị mất tháng trước. Cho đến bây giờ Tân vẫn giấu không cho cha biết là mình đã mất súng. Lúc vào trường, học đến súng, thì Tân thấy trường thiếu súng lục để dạy nên mượn súng của cha. Ông Án thấy con đã lớn vả lại mình cũng chẳng bao giờ dùng đến súng ấy nên cho Tân toàn quyền sử dụng. Không dè mới đưa chuyền tay cho anh em xem và tập tháo ráp có một hôm thì tối hôm sau Tân mất khẩu súng. Lúc trình lên ông Giám đốc trường, ông ta hứa sẽ điều tra giùm. Nhưng Tân ngạc nhiên vì thái độ kém sốt sắng của ông ấy và nhất là ông chẳng hề cho lệnh lục soát các tủ cá nhân. Trong giờ đọc nhật lệnh, ông giám đốc chỉ nói sơ: - Sinh viên Tân ở Trung đội 2, vừa mất khẩu súng lục mà anh ấy có nhã ý đưa đến đây cho anh em học tập sử dụng. Vậy thì tất cả anh em ở đây ai có lấy khẩu súng ấy, hãy trả lại cho anh Tân. Ông giám đốc nhìn quanh anh em một vòng rồi tiếp lờ i: - Hoặc giả anh em nào cần khẩu súng ấy để dùng trong một thời gian thì nên thận trọng. Tôi yêu cầu chỉ nên dùng vào việc phải và có ích lợi chung. Như thế thì tôi chắc anh Tân cũng không bực mình trong lúc cho mượn. Bây giờ nhớ lại câu nói của ông giám đốc, Tân lại càng thấy khó hiểu. Thêm vào những lá truyền đơn từ trong trường tung ra, Tân chỉ biết lắc đầu: - Thật là quá sức hiểu biết của tôi! Con Caroline dậm chân làm bắn nước tung toé. Tân chải dọc mớ lông từ cổ xuống lưng, bụng, hông. Con vật đứng lặng yên như thích thú, thỏa mãn. Tân lần lượt lật bốn bàn chân, xoi kỹ những móng sắt, những kẽ chân. Tân dội lại một lần nước sạch khắp toàn thân thể. Mớ lông trắng sạch, không một tí bụi bẩn, nằm sát rạp theo giòng nước chảy trông như thảm cỏ non nép mình dưới gió. Con ngựa ngoan ngoãn theo Tân trở về trường. Vừa đi vừa suy nghĩ, bỗng trí óc như sực nhớ tới một chuyện khá lạ lùng mà Tân suýt quên hẳn. Bây giờ từ việc nầy đến việc nọ, Tân thấy chuyện lạ nầy ắt có liên quan đến những sự việc xảy ra liên tiếp trong những tuần vừa qua. Hôm ấy Tân làm hỏa đầu vụ. Buổi trưa thu xếp chén bát và quét dọn nhà bếp xong, Tân trông thấy trên ba ông Táo ở bếp lửa có một tập giấy in bị ướt. Có lẽ ai đưa xuống hơ lửa cho khô nhưng bỏ quên. Tân cầm lên xem định bụng tìm trả cho chủ nhân. Vừa đọc trang đầu Tân thấy hấp dẫn tính hiếu kỳ bởi vì đó là một tập điều lệ gia nhập đảng cách mạng. Tân ngồi đọc ngấu nghiến cho xong và định sẽ đưa cho Hiền xem để hỏi ý kiến. Khi đi lên phòng ngủ gặp anh Hồ ở Trung đội 3 đang hơ hãi đi tìm kiếm một vật gì. Thấy Tân cầm tập giấy ấy Hồ vội châïn ngay. - Anh lấy cái nầy ở đâu? Ai giao cho anh? - Ai bỏ quên dưới bếp, nếu không có tôi thì cháy hết cả rồi. Tôi định đưa lên cho ông Giám đốc. Hồ giật lấy và nhìn Tân có vẻ dữ tợn. - Đưa cho tôi, của tôi đấây. Anh chưa cho ai xem chứ? Tân nhớ rõ là tập giấy đề tên Vũ đại Nghĩa mà sao anh Hồ lại nhận là của anh ấy. Tân quên bẳng không hỏi Hiền nhưng định bụng lần nầy thế nào cũng sẽ cho Hiền biết để bàn bạc. Tân xem Hiền như người anh cả vì Hiền lớn hơn Tân ba tuổi vả lại Hiền rất thương Tân, sốt sắng chỉ dẫn mọi điều gì Tân còn thiếu sót. Quang cảnh nhà trường có vẻ bận rộn. Chương trình hàng tuần không được theo sát nữa. Bản nhật lệnh mỗi ngày một dài và có nhiều chuyện quan trọng. Đêm nào cũng có truyền đơn rải ở trong các phòng và ở hành lang. Oâng Giám đốc không buồn chất vấn anh em nữa. Sáng nay đáng lẽ giờ học kiếm thuật và nhu đạo với giáo sư Nhật nhưng ông giám đốc cho biết có sự thay đổi. Cả ba trung đội tập họp gấp và sắp hàng đi vào kho súng ở Mã Khái. Mọi người bàn tán: - Đi lãnh súng “thật” anh em ạ! Lãnh súng “thật” quả là một tin tức quan trọng đối với anh em Sinh viên Tiền Tuyến bởi vì từ ngày nhập học đến giờ Sinh viên chỉ được mượn súng để tập ở trong giờ học và phải trả lại sau khi học. Trong những giờ khác ở bãi tập anh em phải dùng cuốc, xẻng thế cho súng, thậm chí đứng gác cổng trường mà cũng phải dùng súng gỗ. Không biết súng nầy của ai, ở đâu mà còn mới nguyên trong kho, đầy cả mỡ. Sinh viên sắp hàng bước vào, được phát mỗi người một khẩu súng. Ai nấy có vẻ sung sướng hoan hỉ khi trong tay có được một vũ khí thật sự có thể giết được địch. Nhưng niềm sung sướng không được bao lâu thì mọi người lại thất vọng vì súng được cấp không có lò xo kim hỏa cho nên không thể bắn được. Oâng Giám đốc tức mình đập bàn, bức tóc và vội vã xách xe đạp đi: - Tôi phải đi trình ngay ông Bộ trưởng mới được. Thế nầy thì đểu giả thật. Cho súng mà không bắn được. Trong lúc chờ đợi can thiệp, anh em vẫn tạm dùng súng để tập dượt, canh gác và nhất là tháo ráp cho thuần thục. Khi chưa có súng thì ai cũng ao ước, mong mỏi. Khi mỗi người có được một cái súng treo ở đầu giường rồi thì bắt đầu thấy mệt vì súng. Ngoài sự lo sợ mất, phải bị tù, còn lo sự khám súng hàng tuần. Hễ súng bẩn thì phạt. Đi tập về, dù mệt bao nhiêu cũng phải chùi súng ngaỵ Nếu lười biếng để qua hôm sau là rỉ sét đã lốm đốm kéo màn khó lòng mà cạo cho sạch. Ban đêm đổi gác, xuống phiên, tưởng được lăn ra giường mà ngủ bù trừ cho những giờ đã thức, nhưng không được... Nếu không chùi lại khẩu súng vừa bị hơi sương đêm và mồ hôi mặn ở tay thì qua sáng hôm sau lại sét. Chiều hôm nay, tập họp xong, các Trung đội được chia ra nhiều toán, thay nhau gác các cửa thành nội. Toán của Tân có Hiền và Khương, bắt đầu gác cửa Hiển Nhơn. Nhiệm vụ rất dễ dàng: không cho ai mang đồ vật gì ra vào Hoàng thành, lục soát tất cả các xe cộ. Lần đầu tiên trong đời, Tân được ra áp dụng những điều mình đã học và thi hành một nhiệm vụ quan trọng. Đứng dàn hai chân ngay giữa cổng chính, nhìn người qua kẻ lại với đôi mắt nghiêm nghị của một con nhà binh, Tân cảm thấy mình oai phong lẫm liệt. Khi Tân được dịp chào kính một cấp trên đi qua cổng, Tân tưởng như cái oai của cấp được chào đã san sẻ cho Tân một nữa. Tân thấy vui vui khi cuộc đời thay đổi với nhiều cảm giác mới lạ. Khương đến đổi phiên cho Tân. Hiền vừa thấy Tân vào, gọi đến mình với vẻ nghiêm trọng khác thường, vội hỏi khe õ: - Tân biết gì không? Tân trố mắt nhìn Hiền, lắc đầu: -Quân Nhật đã đầu hàng vô diều kiện. Tình thế bây giờ rất hỗn độn là vì có một măït trận mới xuất hiện lên để cướp chính quyền. Vì thế chúng mình mới phải gác cửa nầy. - Thế thì chúng ta gác cho chính phủ để chống lại cuộc cách mạng đó hay sao? - Không nên biết xa quá bổn phận hiện tại. Vả lại tôi cũng chẳng có thể trả lời được. Phức tạp lắm! Hãy đợi thời gian rồi sẽ biết. Hiện giờ chỉ cần thi hành lệnh và khóa bớt mồm kẻo hại đến thân. Tân kể cho Hiền nghe chuyện những tập giấy bí mật Tân bắt gặp ở nhà bếp, ký tên Võ đại Nghĩa. Hiền không ngạc nhiên tí nào: - Còn nhiều người nữa. Những người ấy giờ nầy không gác như chúng mình. Nhưng thôi anh ạ! Đừng nên biết nhiều quá, có hại. Họ đang để ý đến anh lắm đó. Tân hoang mang vì quá nhiều chuyện thay đổi quan trọng xẩy đến dồn dập trong mấy ngày. Cuộc sống xáo trộn ghê gớm. Người ta chờ đợi một cái gì. Hết tin Nhật đầu hàng, đến tin các tỉnh lần lượt bị cướp chính quyền, chính phủ lâm thời cách mạng được thành lập, quân Nhật bị ám sát ở miền quê... Dọc con đường từ cột cờ đến cầu An Hòa nhan nhản những biểu ngữ “đả đảo Đế quốc Nhật”. Trí óc non nớt của Tân không thể nào hiểu kịp thời cuộc biến chuyển quá mau chóng. Mới hôm nào phải từ bỏ cái tiếng Pháp đã học hơn mười lăm năm trời để khỏi mang tiếng là thân Pháp, xoay qua tiếng Nhật và văn hoá Nhật, bây giờ lại đả đảo Nhật xoay qua mặt trận cách mạng gì đây! Dù sao Tân vẫn thấy hành động ám sát các quân Nhật ở miền quê là vô lý và trái nhân đạo. Tân không giấu nổi những ý kiến của mình cũng như Tân còn thương hại những Pháp kiều bị ngược đãi hành hạ. Lòng thương hại của Tân lại một phen bị cảnh cáo: Ông Cương, huấn luyện viên nhà trường, gọi Tân vào và nghiêm nét mặt: - Tôi cho anh hay là anh không được phê bình gì về việc quân Nhật bị ám sát ở nhà quê cả đó! Tôi còn nghe anh nói gì nữa là anh sẽ chết! Tân choáng váng như người say rượu, trước mắt nhảy ba mươi sáu sao từ cái sao vàng trên huy hiệu của ông Cương, Tân vừa trông thấy. Tân thầm khấn: - Trời Phật có linh thiêng xin giúp cho tôi khép bớt cái miệng! Tân lấy một sợi giây đồng cắt vừa tay, đeo vào cổ tay trái, tự hứa rằng chiếc vòng sẽ luôn luôn nhắc cho Tân thay đổi tính tình và miễn phê bình cá nhân nào hay sự việc gì nữa. Gặp Hiền, Tân đã cho biết ý định tu sửa của mình và chỉ vào chiếc vòng đồng, Tân nói: - Trời sinh tôi có nhiều tật xấu quá! Thứ nhất là lòng thương hại lỗi thời, thứ hai là cái miệng hay phê bình thiên hạ. Hiền mỉm cười: - Anh không nói, người ta sẽ bảo anh là khinh người, mỉa mai hay là bí mật. Cái vòng anh đeo, người ta sẽ bảo là dấu hiệu một “đảng” nào đó mà anh là đảng viên thì khốn! Tân kể chuyện vào trình diện ông Cương cho Hiền nghe và không quên nhắc đến cái huy hiệu đảng viên của ông ấy. Hiền khuyên Tân: -Anh nên để bụng, đừng nói cho ai biết làm gì. Trong anh em mình, còn nhiều người như ông Cương, nghĩa là có thể giết anh hay giết tôi dễ như trở bàn tay, không sợ một trở lực gì cả. - Cố nhiên là tôi chỉ nói với anh mà thôi. Hai người im lặng ngồi kéo những hơi thuốc ở dọc tẩu, nhìn khói toa? ra không gian. Tân thì thầm: - Tôi cũng mù tịt như anh chứ chẳng biết gì hơn. Bây giờ chúng mình là những con cờ đang đánh dở mà người đánh cờ có thể thay đổi tay từng giờ từng phút. Chúng ta chết hay sống là tùy ở người đánh cờ giỏi hay tồi! Chiều âm u, nặng nề dưới vòm mây xám như đe dọa sẽ mưa tọ Gió lặng. Đường phố hơi vắng vẻ. Những cửa gỗ hé mở chờ đợi một tin tức gì, những bước đi hấp tấp vội vàng sợ sệt. Thành phố Huế mất hẵn nụ cười kiều diễm, e lệ hàng ngày, chuẩn bị cho một sự thay đổi trọng đại. Trung đội Sinh viên Tiền tuyến dàn chào trước sân Ngọ Môn từ ba giờ chiều. Các đoàn thể học sinh các trường công, tư, các nhóm thương gia, công chức, thợ thuyền, lần lược tụ tập theo hàng lối trên sân. Tân đứng ở hàng đầu Trung đội. Không ngớt ngạc nhiên trước những lớp người cứ lũ lượt tới, mang đầy biểu ngữ và cờ. Không biết họ đã chuẩn bị từ lúc nào mà sẵn sàng hết cả. Ngạc nhiên nhất là những trung đội nam nữ tự vệ, những đoàn thể thanh niên, phụ nữ. Mọi người đều theo hàng ngũ và có tổ chức hẳn hoi. Tất cả đều im lặng chờ đợi giờ phút nghiêm trọng. Một bài quốc ca kỳ lạ mà Tân được nghe lần đầu tiên trong đời. Lá cờ cách mạng kéo lên kỳ đài song song với lá cờ quẻ ly từ từ hạ xuống. Hai lá cờ thay nhau trong bầu trời ủ dột, buồn vì thiếu gió để tung bay phấp phới. Có lẽ ý trời đã định! Từ trên lầu Ngọ môn nhà Vua xuất hiện trong chiếc áo vàng, khăn vàng, vẻ mặt trầm ngâm nghiêm trọng. Mọi người vỗ tay hoan hô nồng nhiệt nhưng bị cắt đứt. Uỷ viên chính phủ Hà nội vào cùng phái đoàn Trung ương lên máy vi âm để ra mắt đồng bào và nhận sự thoái vị của nhà Vuạ Tràng pháo tay lại được hướng dẫn nổi dậy vang trời. Đến lượt nhà Vua tuyên bố thoái vị và từ giã đồng bào. Giọng nói trầm trầm vang dội trong hoàng thành tĩnh mịch giữa biển người im lặng như thông cảm nỗi đau buồn của phút giây vĩnh biệt. Tân cảm thấy nao nao trong lòng, cố gắng giữ chặt đôi môi ngăn giòng lệ yếu hèn. Tân thầm nghĩ: - Từ nhỏ đến lớn được nghe Vua nói chuyện lần đầu thì lại là lần Vua thoái vị. Tự nhiên lòng thương hại lại dâng trào và Tân cảm thấy thương ông Vua kia hơn là cái đoàn người đang đứng trước mặt ông ta để chực thổi làn gió cách mạng. Tiếng la vang reo mừng khắp nơi, tiếng vỗ tay nổi dậy làm cho Tân bừng tỉnh. Trung đội trưởng chào phái đoàn cách mạng. Tân ngạc nhiên khi phải chào theo lối mới. Một sớm một chiều bao nhiêu là chuyện đổi thaỵ Buổi sáng mới chào cờ quẻ ly với bàn tay mở. Bây giờ chào lá cờ đỏ với bàn tay nắm chặt lại. Rõ buồn cười! Tân nhìn kỹ một vài bạn trong Trung đội có mang huy hiệu đảng ở trên ngực. Tân lại liếc nhìn ngực mình có gì thay đổi không. Hiền cũng không có. Tất cả chỉ năm người có huy hiệu đảng. Tiếng còi tu huýt đếm bước, thi nhau thổi vang. Đoàn người hỗn độn dành đường về. Tiếng bàn tán xôn xao, tiếng quát tháo, tiếng hô của mấy ông đơn vị trưởng mới “mọc” làm thành một bối âm ồn ào náo nhiệt. Tân thao thức một mình, suy nghĩ chuyện đời, kéo những hơi thuốc qua dọc tẩu để giải muộn. Tân không hiểu tại sao mình đang có cảm giác buồn vớ vẩn và mến tiếc một cái gì. Tân thương hại cho quân đội Phù tang mới hôm nào oai vang chiến thắng, nay lủi thủi lê chân, thất vọng đợi ngày giải giáp. Tân thương hại cho ông Vua, mới hôm qua sống trong vàng son gấm vóc giữa ba vòng thành kín đáo, hôm nay phải buộc lòng từ bỏ ngai vàng để “xuống làm dân”. Tân nhớ đến lúc bé thơ, đối với những người tôi tớ giúp việc lâu năm khi lầm lỗi bị cha mẹ đuổi khỏi nhà, Tân cũng cảm thấy bùi ngùi mến tiếc. Lòng thương hại của Tân đi sâu đến con vật hay một món đồ dùng vô tri giác. Thậm chí đến bán chiếc xe đạp cũ để sắm chiếc xe mới Tân cũng cảm thấy “thế nào ấy” đối với chiếc xe cũ đã lâu năm phục vụ cho mình.