Một hôm, theo lời mật hẹn với người em họ ngoại là Trần Nguyên Hãn bấy giờ đang cầm đầu toán nghĩa quân ở Lập Thạch (Vĩnh Phú), Nguyễn Trãi lẻn ra ngoại thành, lên Thuỵ Hương tục gọi là Làng Chèm (Từ Liêm, Hà Nội). Ông vào ngồi đợi Hãn ở đền thờ Hy Khang đại vương Lý Ông Trọng. Vừa lúc, Hãn giả là người bán dầu cũng đến. Hai anh em bàn tính: - Bây giờ, người nổi binh dấy nghĩa thì nhiều nhưng đều là hạng tầm thường cả. Ðến như Giản Ðịnh, Trùng Quang tuy là tôn thất xưng đế dựng cờ vì không biết nắm quyền, chưa qua sông đã chặt cầu, giết hại đại thần nên tốn sức mà không thành công. Nghe nói có ông Lê Lợi ở trại Lam Sơn, đất Thanh Hóa là người có chí lớn, biết chiêu hiền đãi sĩ. Ai cũng bảo ông là rồng vàng đang chờ hội mây mưa, ta nên tìm đến mà tôn phù. Anh em gật gù đắc ý, bấm nhau đi nằm, chờ sáng mai cùng đi. Hôm sau, mới tờ mờ sáng, hai anh em vội kéo nhau đi ngay. Trèo đèo lội suối, trốn tránh quân Minh gần tháng trời thì đến trại Lam Sơn, xin ra mắt. Trại chủ Lam Sơn tiếp đón ân cần và giữ lại làm khách trong nhà. Hai anh em ở ít lâu, đêm ngày để tâm dò xét, vẫn chả thấy Lê Lợi đả động gì đến chuyện dấy binh. Chỉ thấy Lê Lợi hay vắng nhà mà khách khứa bốn phương vẫn ra vào tấp nập; dầu thắp, gạo ăn còn đầy kho vẫn thấy Lê Lợi sai mua; cày cuốc đã đủ, đã nhiều vẫn thấy Lê Lợi sai người tìm thêm sắt. Lại thấy Lê Lợi hay sai người đem lễ vật lo lót với quan quân Minh quanh vùng. Bởi thế, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn bụng rất phân vân. Một hôm, nhà Lê Lợi có giỗ. Hai anh em có việc xuống bếp, bất ngờ gặp Lê Lợi quần vén lên tận đùi đang ngồi thái thịt vừa thái vừa ăn chẳng ra tinh tướng một vị thiên tử. Anh em đều thở dài bảo nhau: - Ta lầm rồi! Ðoạn bấm nhau hẹn ngày bỏ đi. Ðêm ấy, chợt thấy Lê Lợi xách gươm lén ra khỏi nhà, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn nghi hoặc bèn lẳng lặng theo chân. Ðến núi Du Sơn, Lê Lợi lẻn vào một hang rộng có ánh đèn. Trong hang, người đông lố nhố, xúm quanh tảng đá lớn làm bàn, cùng Lê Lợi nhỏ to bàn bạc. Lê Lợi giở cuốn binh thư đọc, giọng sang sảng, dõng dạc sau lại cùng mấy người chụm đầu bàn tính. Hồi lâu Lê Lợi nói: - Phải đến năm Hợi (1419) mới nổi binh được. Vốn là người giỏi mưu lược, sát binh tình nay thấy Lê Lợi dự kiến sai, Nguyễn Trãi quên mình đang nghe trộm, buột miệng vọng vào nói lớn: - Chúa công tính lầm rồi! Lê Lợi giật mình, tuốt gươm xông ra toan chém, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vội phục xuống nói: - Chúng tôi từ xa lận đận tìm đến, chỉ vì chúa công là người có thể lấy lại được thiên hạ. Lê Lợi đỡ hai người dậy, hỏi họ tên rồi vội vàng cầm tay dắt vào trong hang. Nguyễn Trãi xin hiến “ Bình Ngô sách” còn Trần Nguyên Hãn thì dâng thanh bảo kiếm gia truyền của ông tổ bảy đời là Trương quốc Thái úy Thượng tướng Trần Quang Khải. Lê Lợi mừng rỡ khôn xiết, cả cười mà rằng: - Thực là trời không muốn cho dân Ðại Việt ta mất nước nên mới đem các ông đến đây ban cho ta! Ðoạn, lưu hai người lại, mưu việc khởi binh.