Chương 2

Đoàn tàu mà bác sĩ Trương Vĩnh Cần leo lên ngồi là một đoàn tàu chợ cũ nát còn sót lại từ hồi chiến tranh phá hoại. Tất cả các toa đều mục nát và bần thỉu đến phát lộn mửa. Ngay cái toa mà bác sĩ Cần đang ngồi được xem là toa sạch nhất thì cũng nồng nặc mùi cứt lợn và ca mùi cứt người. Trong cái toa dài ngoaüng bị đập vở hết các cửa sổ chỉ còn sót lại ba hàng ghế kê ngang còn thì toàn ghế băng và những miếng gỗ nối nhau kê dọc hai bên thành toa. Hành khách đứng ngồi ngả nghiêng lổn nhổn chật ních từ trên ghế tràn xuống sàn tàu rải kín từ đầu toa tới cuối toa. Do tình cờ mà bác sĩ Cần dạt tới gần một ô cửa sổ trống hoác. Ngồi chỗ này tuy hơi lạnh và có lẽ khi mưa thì sẽ ướt như chuột lột nhưng được cái thoáng đãng đỡ nặng mùi. Con tàu rời ga gốc từ buối sớm tinh mơ thét còi thở khói phun hơi nưđc ra cuồn cuộn như sương mù khi chạy qua cây cầu sắt cong 13 nhịp liền nhau bắc ngang qua con sông Cái bốn mùa đỏ ngầu bùn đất phù sa. Ngồi bên cửa sổ ngoái nhìn lại cuối tàu bác sĩ Cần bỗng bật lên một tiếng kêu: Trời ơi! ánh bình minh đỏ rực chói lọi hùng vĩ như cơn mưa máu đang từ trời cao rưới xuống hàng vạn nóc nhà lô xô xám xỉn vì rêu phong và bụi đất. Không có một đôi mắt một cái vẫy tay một lời chào ném theo tiễn biệt ông bác sĩ. Trong cái tiếng sầm sập sầm sập đều đều của bánh xe tàu hỏa dộng trên đường ray bác sĩ Cần tái tê ruột gan tủi hổ. Bỗng chốc ông bác sĩ nhận ra thân phận ông khác gì con dế trũi lấm láp cứ chui ra chui vào một trong hàng vạn cái mồm méo mó đang mở hoác ra kia trong hàng chục năm trời đằng đaüng. Lông cẳng ông lấm đầy bùn râu ria vương đầy mạng nhện. Ngoảnh nhìn thành phố mà ông đã sống suốt từ ngày hòa bình lập lại ông chỉ thấy tê tái kinh hãi và ngậm ngùi. Và cái hình ảnh cuối cùng đọng lại trong mắt ông khi đoàn tàu chạy vào một đoạn đường của hai bên trồng toàn cậy hoa gạo xù xì đầy gai là một cái ống khói bằng gạch thủng lỗ chỗ đang phụt khói xám tứ tung mù mịt... Đoàn tàu chở bác sĩ Cần cứ xùng xịch xùng xịch chạy mãi và hễ cứ qua một cánh đồng rộng hoặc tới một thị xã một thị trấn hoặc một thành phố thì nó đỗ lại dăm mươi phút nửa tiếng để uống nước ăn thêm than rồi lại xùng xịch xùng xịch chạy tiếp.
Cái toa mà bác sĩ Cần ngồi đã không biết bao nhiêu lần chật ních rồi lạị chỉ còn lơ phơ vài người rồi lại chật ních người. Có lẽ nó đã chạy được đến mười tiếng đồng hồ rồi thì phải. Bác sĩ Cần đã chén hết sáu quả trứng luộc bốn ổ bánh mì một cái bánh chưng và sáu đaün mía đã róc vỏ và ông đã ngủ tới ba giấc khá đẫy. Ông chẳng cần quan tâm tới bất cứ một ga lẻ ga xép nào dọc đường vì ông mua vé tới tận ga cuối cùng. Nỗi buồn nhớ thương cảm bùi ngùi của kẻ lên đường gậm nhấm trong trái tim ông được hai tiếng rồi cũng tan biến đi đâu mất cả. Bắt đầu từ giờ thứ ba trở đi ông bác sĩ sống vô tâm thỉnh thoảng chợt nhớ ra thì chỉ bắt cái mồm và hai hàm răng làm việc cạp cạp một lúc rồi lại lăn ra ngủ. Nơi ông xuống là cái ga cuối cùng thì việc gì phải lo lắng canh cánh trong lòng. Nhưng bác sĩ Cần đã không tới được cái ga chót của đoạn đường. Vào giờ thứ ba mươi của chuyến du hành tức là vào khoảng 11 giờ sáng ngày hôm sau đoàn tàu chạy tới một ga xép thì dừng lại uống thêm nước. Đấy là một cái ga nhỏ nằm lọt thóm giữa những quả đồi lùn cọc cằn. Đúng lúc này bác sĩ Cần cũng tỉnh dậy. Ngáp một cái đến sái quai hàm bác sĩ Cần lơ đãng nhìn xuống sân ga, ý chừng ông đang muốn lùng kiếm một thứ quà gì có thể ăn được như chuối tiêu bánh chưng hoặc là trứng vịt luộc. Trời gần trưa mà u buồn ảm đạm như buổi chiều vậy. Mây xám đóng vẩy cồm cộm ở trên trời và, sương bay dày đặc là là sát mặt đất. Bác sĩ Cần bỗng nghe thấy có tiếng kèn đám ma thổi í e ò e thảm thiết quá chừng. Hai tai dỏng lên như tai thỏ mắt cũng tròn xoe như mắt thỏ trừng trừng nhìn qua lớp sương mù. Cái tiếng kèn í e ò e như lời than thở chỉ để gọi riêng ông. ấy là ông bác sĩ nghĩ như vậy. Thế rồi cứ như người bị chài bác sĩ Cần từ từ đứng lên, từ từ xách cái va ly cũ rích lên. Và cũng cứ từ từ, ông bước ra cửa bước thấp bước cao mặc dù sàn tàu đâu có rồi lõm ổ trâu ổ gà gì cho cam. Bước ra cửa toa, tay vẫn xách cái va ly mấy sợi tóc cứng khô trên đầu bác sĩ Cần dựng hết cả lên như mấy sợi ăng ten đang dò tìm phương hướng. Rồi bác sĩ nhẩy xuống tàu lặng lẽ cum cúm đi về phía có tiếng kèn đang ỉ eo rên rỉ như tiếng mèo hen. Đây rồi trong làn sương lùng bùng dày đặc như khói có đám người lố nhố xúm xít quanh một cỗ quan tài kê trên hai cái niễng giường đặt ở trên hiên một ngôi nhà gạch đổ mái bằng có cổng sắt kiên cố. Cái tiếng kèn ỉ eo phát ra từ ngôi nhà ấy. Bác sĩ Cần đến gần, có ba thứ khiến ông phải để mắt đến ấy là trước ngôi nhà có cắm tấm bảng sắt kẻ hai hàng chữ rất rõ: Ga xép: Thuận Thiên. Cỗ quan tài to hơn kích cỡ bình thường, trên nắp có đặt một bát cơm nguội tanh một qủa trứng một đôi đũa tre đã chẻ hoa và cắm chín nén nhang. Và cái điều cuối cùng là tất cả những người đang xúm xít chen chúc chung quanh quan tài không thấy có ai chít khăn vàng khăn trắng hoặc khăn xô cả. Một cái đám ma hơi lạ. Trong đám người xúm xít kia không có ai là họ hàng thân thích với người đang nằm trong cái quan tài kia hay sao?
°
Nhìn thấy bác sĩ Cần tay xách va ly đang lò dò ngơ ngác như con cò. Một gã chột mắt quần ống thấp ống cao áo bốn túi sĩ quan thả dài tới qúa đầu gối tiến lại trợn mắt quát.
- Khách lên tàu hà. Quay lại. Hôm nay ga nghỉ đóng cửa. Không bán vé. Quay lại!
Bác sĩ Cần ấp úng:
- Thưa... Không ạ. Tôi là khách xuống tàu.
- Xuống tàu!
- Vâng ạ
- Thế thì xéo nhanh lên. Đi vòng ra phía đầu nhà lội qua luống sắn mà ra. Sáng nay ga có tang cửa ra vào không mở. Đi ra mau. Thấy gã chột mắt quát lác hách qúa bác sĩ Cần cũng hơi hoảng. Ông đã toan quay lại lỉnh lên tàu thì có ai giật giật tay áo ông. Một ông cụ mắt sáng như mắt cáo râu bạc, người gầy quắt chỉ còn xương da, chân đi bốt, tay kéo lê cái chồi tre đang giật tay áo ông. Ông cụ lật cập.
- Thưa ông, tôi hỏi không phải chứ ông là cán bộ của nông trường Hạnh Phúc về đây ạ?
Bác sĩ Cần ngạc nhiên lắc đầu. Ông cụ buông tay áo bác sĩ ra rồi thở dài:
- Rõ khổ thân bà Nhàn nằm xuống hai hôm nay rồi mà chưa thấy cô con gái về vuốt mắt cho mẹ.
Thấy bác sĩ Cần giương mắt ra ông cụ đập cái chổi xuống đất, nói thêm cho bác sĩ Cần hiểu.
- Tôi nói bà Nhàn là nói bà trưởng cái ga này hiện đang nằm trong cỗ quan tài kia.
Thấy bác sĩ Cần dáng chừng chưa muốn đi vội, ông cụ ân cần:
- Mời ông vào nhà uống nước ăn thuốc. Tôi tên là Nguyễn Văn Võm nhân viên bảo vệ quét rác vệ sinh viên ở cái ga Thuận Thiên này.
Ông cụ dẫn bác sĩ Cần vào căn phòng nhỏ đồ đạc rất sơ sài chỉ có một rương gỗ một cái giường sắt. Giữa phòng kê bàn cúng. Trên bàn mới chỉ có bát cơm quả trứng nải chuối xanh mới chặt còn xùi đầy nhựa và một bó hương cháy nghi ngút. Ông cụ Võm mời bác sĩ Cần ngồi xuống ghế rót nước mời rồi thong thả:
- Đây là phòng của bà trưởng ga. Tôi cũng vừa dọn tạm cái bàn cúng cho bà ấy. Bà ấy tên là Nhàn mà vất vả quá ông ạ, nằm xuống hai hôm nay rồi vẫn chưa thấy mặt con về. Khổ thế. Bác sĩ Cần xin phép ông cụ Võm thắp một nén nhang rồi lom khom chắp tay vái. Ông vái cái bát hương và nắm nhang và bát cơm quả trứng cùng nải chuối xanh chứ đã có ảnh bà Nhàn đâu. Thấy ông bác sĩ thành tâm ông cụ Võm hỏi tiếp:
- Tôi xem chừng ông không phải là người ở vùng này có phải không ạ.
- Vâng.
- Vậy chứ ông có công việc gì mà xuống đây. Hay là tiện ghé thăm con cháu họ mạc ở trong thị xã.
Bác sĩ Cần thật thà:
- Tàu đỗ đổ thêm nước tôi nghe có tiếng kèn đám ma nên xuống viếng.
Nghe bác sĩ Cần nói vậy ông cụ xuýt xoa:
- Quí hóa quá. Quí hóa quá. Mời ông xơi nước... Ông ăn điếu thuốc cho ấm.
Mải ngồi uống nước hút thuốc chuyện vãn với ông cụ Võm khi nghe con tàu hú còi gọị vừa đứng lên ra đến cửa thì bác sĩ Cần đã thấy cái đầu máy đen xì hồng hộc như thằng kẻ cướp chạy qua trước mặt. Cả ông cụ Võm lẫn ông bác sĩ đều ớ ìng ra. Thấy bác sĩ Cần lúng túng cụ Võm đập vào vai ông bác sĩ rồi an ủi:
- Nhỡ chuyến này thì đi chuyến sau. Tám giờ tối nay lại có chuyến tàu chợ từ Bùng lên chả phải lo gì.
Rồi ông cụ Võm cười hai mắt lóng lánh tinh ranh đúng hệt như mắt con cáo.
- Như vậy là bà trưởng ga của chúng tôi thấy ông thành tâm nên giữ ông lại thêm vài giờ nữa đấy. Lát nữa mời ông xơi cơm với tôi.
Bác sĩ Cần lẳng lặng xách va ly quay vào phòng. Đối với ông đi hoặc ở cũng chẳng có nghĩa lý gì. Lúc này cái đám đông xúm quanh cỗ quan tài cũng thưa dần. Ông cụ quét rác dẫn bác sĩ Cần sang cái phòng của ông ở cạnh phòng bà Nhàn. Cũng một cái phòng nhỏ xíu chật chội như vậy. Đồ đạc trong phòng cũng chỉ có một cái rương gỗ và một cái giường sắt. Ông cụ quét rác mời ông bác sĩ nằm nghỉ trên cái giường sắt rồi bỏ đi đâu đó. Lúc này đã quá ngọ. Bầu trời ám đạm xám xịt. Sương mù càng dày càng đặc. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài chỉ thấy khói sương cuồn cuộn, cách vài mét là chẳng trông gì cả. Tiếng kèn ỉ eo cũng đã câm bặt từ lúc nào. Nằm khàn trên cái giường sắt duỗi tay duỗi chân cho đỡ mỏi một lúc rồi bác sĩ Cần nhỏm dậy lững thững đi ra ngoài hiên. Ông lại gần cỗ quan tài giờ đây đang nằm chỏng trơ một mình trên hai niễng gỗ. Và ông bỗng nhìn thấy một luồng khí đặc quánh màu da cam đang chậm rãi buồn rầu cuộn quanh một đầu cỗ quan tài! Bác sĩ Cần thoáng rùng mình vẫn những luồng khí màu da cam quen thuộc. Ông bước tới gần cẩn thận ngó quanh rồi vái:
- Có phải là bà Nhàn đấy không ạ.
Im lặng một lúc rồi có tiếng đàn bà mừng rỡ bật lên ở đâu đó:
- Dạ phải thưa ông làm sao ông lại nói chuyện được với tôi ạ. Bác sĩ Cần không trả lời ngay. Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi ân cần:
- Tôi tên là Cần, là khách đi tàu ngang qua đây thấy có đám nên ghé xuống viếng xin được thắp một nén nhang cho bà. Trước lạ, sau quen. Bây giờ bà có điều gì cần nhắn lại, bà cứ nói với tôi. Sức tôi đến đâu tôi xin cố gắng giúp bà đến đó.
Bác sĩ Cần nói xong lại có tiếng thở dài ở đâu đó:
- Số kiếp tôi cũng còn được hương âm đức nên còn may mắn gặp được ông. Ông đã có nhời như vậy, xin cảm ơn ông nhiều.
- Xin bà đừng ngại.
- Tôi ngại thì tôi đã chẳng dám nói chuyện với ông có phải thế không ạ.
- Mời bà cứ tự nhiên
- Không dám, ông tử tế quá. Chắc ông phải là người thần tiên mới có thể nói chuyện được với hồn người chết dễ dàng như thế này.
- Bà chưa hiểu nên mới nghĩ về tôi như vậy chứ tôi cũng chỉ là một người hèn mọn chịu trăm nghìn cái nhục. Tôi nói không biết có đúng không chứ xem ra bà cũng đang muốn dặn lại điều gì.
Có tiếng đàn bà thở dài.
- Vâng ạ, quả là tôi cũng chưa thể nhắm mắt được. Chuyện này bao nhiêu năm nay khi còn sống tôi vẫn nghĩ sống để bụng chết mang theo. Nhưng bây giờ nằm xuống rồi tôi mới thấy không thể mang theo được. Bởi nó còn nặng hơn cả đá. Mà hồn người ta thì mỏng manh hơn cả khí trời ông ạ. Khí làm sao cõng được hòn đá tảng nghìn cân hả ông.
Bác sĩ Cần không nói gì chỉ cúi đầu lắng nghe.
- Ban nãy ông có bảo tôi có điều gì muốn nhắn lại thì cứ nói rồi ông sẽ cố gắng giúp tôi có phải không ạ.
- Bà nói đi tôi nghe.
- Cám ơn ông. Ông ngồi xuống cái ghế kia cho đỡ mỏi chân. Tôi muốn nhờ ông giúp cho một việc. Ông làm sớm cho lúc nào là giúp cho tôi trút bỏ được tảng đá ngàn cân sớm lúc đó Tôi nói vậy ông hiểu cả?
- Tôi hiểu.
- ở trong cái thị xã này chỉ có một hợp tác xã Vững Tâm sản xuất tăm tre xỉa răng. Cái hợp tác xã này ở số bốn đường Lê Lợi chếch với trụ sở ủy ban hành chính thị xã bên kia đường. Ông nhớ rồi chứ ạ.
- Nhớ rồi ạ.
- Tôi nhờ ông tới cái hợp tác xã sản xuất tăm đó hỏi hộ anh Trần Văn Tuấn là chủ nhiệm. Nhờ ông nói lại với anh Tuấn là Nhàn có lời hỏi thăm anh và nhắn hiện nay anh có đứa con gái đang làm công nhân trồng chè ở nông trường Hạnh Phúc. Nó khỏe mạnh, xinh xẻo, chưa có chồng con gì caả Ông cứ nhắn nguyên văn như vậy.
Bác sĩ Cán nghệt mặt chăm chú nghe.
- Tôi biết là ông sẽ ngạc nhiên mà. Nhưng chuyện đời nó thế đấy ông ạ. Oái oăn chua chát mà cũng mặn đắng như muối xát lòng. Chẳng nhẽ tôi lại kể hết cả đầu đuôi cội rễ ra cho ông nghe. Mà không biết ông có muốn nghe không hay ông sợ rác tai. Mà không biết nghe xong ông có thông cảm cho tôi không hay lại khinh thầm tôi. Đàn bà chúng tôi khổ lắm ông ạ.
Bác sĩ Cần có cảm tưởng ở ngay đâu đây thôi đang ứa ra những giọt nước mắt lạnh buốt. Và những giọt nước mắt đó bay lơ lửng trong màn sương dày đặc mờ mịt đang bủa vây quanh ông đây. Có một giọt nước mắt nào đó đã vô tình rớt vào tim ông khiến tim ông cứng lại giọng người đàn bà vẫn đều đều:
- Tôi tên là Phạm Thị Nhàn gốc người ở cái thị xã này. Cha tôi mất sớm nên tôi ở với mẹ từ nhỏ. Mẹ tôi chỉ là một người bán dưa ở chợ Hòa Bình của thị xã. Hoàn cảnh nhà nghèo vì gia đình tôi thuộc thành phần dân nghèo thành thị mà tôi cũng chỉ học hết lớp bảy rồi phải đi làm để đỡ đần thêm cho người mẹ già ốm đau. Tôi làm thợ dệt ở một hợp tác xã dệt khăn mặt bông. Năm hai tư tuổi tôi lấy chồng là một thợ tiện. Chồng tôi hơn tôi bốn tuổi. Anh ấy khỏe mạnh và rất thật thà. Chúng tôi là đôi bạn nghèo cùng cảnh. Lấy nhau được bay ngày thì chồng tôi xung phong đi bộ đội. Vì là Đảng viên nên anh được chọn vào đơn vị đặc biệt đi bê để mở tuyến đường năm chín. Cái tuyến đường chiến tranh xuyên Việt ghê gớm hồi bấy giờ còn được giữ bí mật như những bí mật quốc gia trọng đại nhất. Chúng tôi lấy nhau được bảy ngày nhưng chỉ chung đụng đời sống vợ chồng với nhau được có đúng ba đêm vì sang ngày thứ tư thì tôi có kinh mới khổ chứ. Có kinh sớm mất hơn tuần lễ. Hôm tiễn anh lên đường tôi đưa anh ra cái ga xép Thuận Thiên này. Kỷ vật lúc chia tay của chồng tôi mang theo chỉ là một túi đựng thuốc đánh răng và thếp giấy để viết thư. Cả hai vợ chồng tôi lúc đó đều đâu có ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn. Bảy tháng sau buổi sáng hôm đó tôi được khu đội mời lên báo cho biết chồng tôi đã hy sinh anh dũng ở ngã ba biên giới Việt Miên Lào trong khi làm nhiệm vụ. Hồi những năm sáu mươi một cái tin báo tử như thế không phải chỉ là của riêng cho gia đình liệt sĩ mà còn của chung tất cả mọi người trong thị xã. Nó vừa là nỗi đau đớn mất mát nhưng nó cũng còn na ná giống như một tài sản vô giá của xã hội không chỉ thuộc riêng bố mẹ vợ con người liệt sĩ nữa. Lễ truy điệu chồng tôi đã được tổ chức rất trọng thể ở nhà hát nhân dân của thị xã. Hôin đó người kéo đến đông lắm, cứ nghìn nghịt như một buổi mít tinh vậy, dễ thường phải đến ba vạn người. Có lẽ hầu hết dân ở thị xã này đều đến dự. Hương trầm đốt tới ba vạn bó có lẻ khiến cả một góc trời thị xã mờ mịt như có giông bão đổ về. ảnh của chồng tôi phóng rất to có băng đen bắt chéo ở góc khung ảnh. Một đội danh dự bồng súng đứng nghiêm suốt tám tiếng dồng hồ trước cỗ lư hương để chào tất cả các đại biểu của các cơ quan đoàn thể xí nghiệp hợp tác xã trường học trong thị xã đến viếng hương hồn người liệt sĩ đầu tiên của thị xã đã bỏ mình vì nước.
Thú thật là dự xong cái tang lễ ấy trở về nhà người tôi cứ ngây ngấy như lên cơn sốt. Nỗi đau thương vơi đi đâu mất mà chỉ còn niềm tự hào hãnh diện. Sau cái lễ truy điệu ấy, tôi đã thay chồng tôi trở thành người anh hùng của thị xã. Một ngày tới hàng trăm lá thư gửi đến tận tay tôi. Có tới hàng chục doàn các em thiếu nhi quàng khăn đỏ xếp hàng ngay ngắn đến tận nhà giơ tay ngang đầu chào tôi. Tôi đi ra đường là có người vồn vã gọi tên. Tôi đến hợp tác xã dệt khăn bông là đang ủy công đoàn xúm ngay lại ân cần nồng nhiệt. Rồi thì ông chí bí thư thị uỷ tới tận nhà thăm mẹ con tôi. Đồng chí tặng một gói quà to và quay sang nói với anh thư ký đi theo: "Phải chú ý cô Phạm Thị Nhàn thành phần công nhân cơ bản vợ liệt sĩ. Tôi nói anh nhớ ghi vào sổ để nhắc tôi khỏi quên". Và tôi đã không bị bỏ quên. Sáu tháng sau tôi được đi học trường công đoàn của tỉnh. Khi mãn khóa tôi không về hợp tác xã dệt khăn mặt bông nữa mà được phân về ban hợp tác xã thủ công nghiệp. Rồi tôi được đề bạt phó ban nữ công. Và hai năm nữa lại trôi qua nhanh như con chim cuốc lủi ngoài đồng. Kể từ ngày chồng tôi hy sinh ở ngã ba biên giới Miên Lào Việt. Cuộc đời riêng của tôi đã hoàn toàn là của tập thể của công việc. Mẹ tôi đã mất. Và tôi bấy giờ đi ra đường hoặc gặp ai thì họ đều chào tôi đã được tổ chức lựa chọn để chuẩn bị giao cho trách nhiệm nặng nề hơn. Vong hồn chồng tôi đã phù hộ cho tôi. Cuộc đời của tôi đang như diều gặp gió tưởng chừng không có gì có thể chặn lại được. ấy vậy mà tôi có ngờ đâu một chuyện tình cờ vớ vẩn đã xẩy ra. Một chuyện mà tôi không bao giờ có thể ngờ tới. Vâng cái chuyện cỏn con vớ vẩn không ngờ ấy lại xẩy ra và chính nó - nó đã lật nhào tất cả. Còn khủng khiếp hơn là đổ ụp cả thùng cứt thối khắm lên đầu tôi. Nó đã nhấn tôi xuống tận bùn đen. Xin ông cứ bình tâm ngồi xuống cái ghế đẩu long chân ấy. ở cái ga xép này chẳng có loại ghế bọc đệm da hoặc sa lông mây đâu. Ông cứ hút thuốc đi nếu ông thích. Tôi sẽ kể hết tất cả cho ông nghe. Tôi không giấu giếm điều gì đâu dù điều đó có đê tiện nhục nhằn bẩn thỉu. Giờ đây tôi đã chết rồi còn sợ gì nữa còn biết xấu hổ ân hận gì nữa. Sương mù dày đặc quá ông nhỉ giống như khói bếp tháng mười thế này.
Nhưng khói bếp quện dầy mùi thơm ấm áp còn sương mù thì lạnh giá vô hồn. Sương dày thế này sẽ chẳng có ai trông thấy tôi và ông đang trò chuyện và tôi kể tiếp cho ông nghe nhé. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều hôm ấy. Cái buổi chiều trời cũng bay đầy sương khói huyền ảo bung lung như thế này. Trên đường từ văn phòng ủy ban sau một ngày họp căng thẳng để chuẩn bị cho đại hội công đoàn chọn lựa bầu cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Trên đường về nhà tôi có ghé vào thăm người chị kết nghĩa tên là Hạnh ở ngõ Hàng Cháo. Tôi và chị Hạnh thân thiết coi nhau như hai chị em ruột, chị Hạnh hơn tôi chín tuổi đi làm trước tôi có chồng có con trước tôi. Nhưng chị Hạnh cũng là người đàn bà có số kiếp dang dở. Hai anh chị hiếm hoi chỉ sinh được một cậu con trai tên là Tuấn. Khi Tuấn bảy tuổi thì bố bị chết đuối trong một chuyến thả bè từ rừng về. Chị Hạnh ở vậy nuôi con. Tuấn là một cậu bé rất thông minh đẹp như con gái. Da trắng hồng như trứng gà bóc. Tuấn học đỗ đầu toàn trường cấp ba thị xã và được chọn đi Liên Xô học chế tạo máy nhưng cậu ta lại gửi trả quyết định đi học nước ngoài mà cùng bốn cậu bạn cắt máu ở tay viết đơn xin nhập ngũ. Cái vụ này của mấy cậu học trò cũng đã làm chấn động cả thị xã bé nhỏ này làm biết bao ông bố bà mẹ sững sờ và làm biết bao cô nữ sinh lớp tám lớp mười rơi lệ vì cảm phục. Tất nhiên là những lá đơn tình nguyện đó được chấp thuận. Tuấn vào bộ đội, trên ưu tiên vì con một lại là học sinh giỏi nên cố tình điều động về một đơn vị phòng không thuộc lực lượng của thị đội đóng ở ngay ngoài vùng ngoại ô phía Tây thị xã để tránh cho cậu một xuất đi B. Nhưng rồi nào ngờ chiến tranh phá hoại lan tới vùng núi đồi này quá nhanh. Thị xã chúng tôi trở thành một trong vài trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Ngay trong trận đánh tập kích đầu tiên của bốn cái thần sấm vào trận địa phòng không mỏng manh ít ỏi của thị đội ở ngoại ô phía Nam thị xã, đơn vị phòng không của Tuấn bị tiêu diệt hơn một nửa. Tuấn bị thương cụt cả hai chân tới gần bẹn và bị hơi bom ép đến mất trí. Sau trận đánh đầu tiên và cũng là trận đánh cuối cùng của anh binh nhì mới nhập ngũ Tuấn được chuyển về quân y viện của quân khu chạy chữa. Rồi Tuấn lại được chuyển về bệnh viện của Bộ quốc phòng. Nằm viện ròng rã 2 năm trời chết đi sống lại nhiều lần cuối cùng Tuấn được chuyển về nằm suốt đời ở một trại an dưỡng đặc biệt với hai cái chân cụt tới háng và một cái đầu ngớ ngẩn lúc lành lúc điên. Nằm ở viện an dưỡng sáu tháng, chị Hạnh thương con quá chạy lên thị đội xin được đón Tuấn về. "Thôi thì có mẹ có con sớm tối vẫn còn hơn" chị Hạnh đã nói với tôi như vậy. Tất nhiên thị đội giải quyết ngay trường hợp này và còn lo cho rất chu đáo đầy đủ mọi chế độ ưu đãi đặc biệt với những thương binh đặc biệt như vậy.
°
Tuấn về nhà được hơn một năm thì tôi ghé qua thăm. Buổi chiều hôm đó trời mờ mịt lắm. Gió bấc thổi hun hút từ ngoài bờ sông đổ vào thị xã cuốn rụng từng chùm lá cơm nguội lá bằng lăng xơ xác bay tán loạn. Nhà Tuấn ở thụt tít tận cùng trong ngõ. Nhà chỉ có hai gian, lợp ngói ta tuy chật hẹp nhưng cũng còn có sân và một cái vườn, nhỏ trồng toàn na bốn mùa um tùm xanh mát. Khi tôi vào thì thấy chị Hạnh đang ngồi giã cua ở bếp. Tuấn ngồi trên cái võng gai sát cửa sổ nhìn chăm chăm ra sân. Mặt cháu tôi vẫn trắng ngời ngời, đẹp ngời ngời như mặt một thần đồng. Lúc này Tuấn như vừa qua cơn điên và đang hồi tỉnh. Cháu nhìn chăm chăm ra sân lặng lẽ ngắm cái vườn na. Nhìn thấy tôi cháu không hề động đậy. Khi tôi chào cháu thì Tuấn chỉ khẽ chớp mắt đáp lại. Lúc tôi đi ngang qua cửa số bỗng dưng tôi thấy có một luồng hơi lạnh toát như băng từ mặt cháu từ cái nhìn của cháu phả vào mặt tôi khiến tôi lạnh buốt cả sống lưng. Và tôi bỗng chợt nhận ra một nỗi buồn đến khủng khiếp giống như hơi sương lạnh từ đáy mồ sâu đang phủ lên gương mặt non trẻ đẹp rạng ngời ngời của cháu tôi. Nhưng cái cảm giác ấy qua rất nhanh. Thấy tôi lại chơi chị Hạnh mừng quýnh. Chị đon đả chạy ra đón và chiều hôm đó chị nhất định bắt tôi ở lại ăn cơm với mẹ con chị. Nghe lời kể đến đây, bác sĩ Cần bật lên câu hỏi cắt ngang: "Có phải cháu chị có ý định tự tử phải không". Nhưng không có tiếng ai đáp lại câu hỏi đó. Bác sĩ Cần biết mình đã lỡ lời. Ông ngồi im cố lắng nghe cái giọng đàn bà đang hổn hển:
"Hôm đó tôi ở lại ăn cơm với mẹ con chị Hạnh. Tuấn chỉ và vài đũa chưa hết lưng cơm là đã lết vào góc giường chùm chăn kín đầu nằm ngủ. Suốt cả bữa cơm cháu tôi vẫn chẳng nói một câu. Tôi và chị Hạnh đành ngồi ăn cơm với nhau. Hai người đàn bà góa ngồi ăn cơm cùng mâm trơ trọi trong một buổi chiều tối mùa đông gió rét mới thật buồn và nhạt nhẽo làm sao. Dường như cảm thấy rất sâu sắc điều đó vừa buông đũa bát chị Hạnh đã kéo tôi ra bàn lăng xăng bổ đu đủ và cắt chuối mời tôi ăn tráng miệng. Chị nói luôn mồm, toàn những chuyện đâu đâu không nhắc gì tới đứa con bất hạnh của chị. Nhưng rồi thì cuối cùng câu chuyện cũng phải xoay về Tuấn. Tôi phải gạn hỏi mãi chị mới ngập ngừng nói.
- Thú thật với cô Nhàn đã mấy lần chị cũng định đến tìm cô để nhờ cô giúp cho. Nhưng rồi cứ thấy cô bận công việc lút đầu lút cổ nên chị lại ngại. Chứ cháu Tuấn thì mấy tháng gần đây làm chị hãi lắm. Có lúc rối ruột chị đã nghĩ hay là lại phải gửi cháu trở về điều trị tại trại an dưỡng đặc biệt.
Tôi động viên chị.
- Tối nay em ở lại đây với chị. Có chuyện gì chị kể hết cho em nghe để em còn biết đường mà gỉúp chị và cháu. Nghẹ tôi nói vậy chị Hạnh nghẹn ngào bắt đầu kể. Chị kể là về điều kiện ăn uống bồi dưỡng thuốc men thì chẳng có gì phải kêu ca. Tuấn có tiêu chuẩn trợ cấp đặc biệt. Và chị cũng được quân đội cho hưởng lương hộ lý chăm sóc riêng cho Tuấn cộng với nhà cửa cũng còn mảnh vườn có luống rau con gà con lợn nên kinh tế cũng tạm đủ. Nhưng cái lo nhất là bệnh tình của Tuấn. Tôi hỏi có phải là cái bệnh điên không thì chị lắc đầu. Nếu Tuấn bị điên thì chị lại không lo. Chăm nom người mất trí cũng như là trông trẻ con mà thôi. Nhưng cái đáng sợ nhất là mấy tháng gần đây bệnh điên của Tuấn giảm rõ rệt và Tuấn rất tỉnh táo. Tỉnh táo như một người bình thường. Cái đáng sợ lại chính là ở chỗ đó. Thấy tôi còn lúng túng chưa hiểu chị Hạnh khẽ nắm lấy tay tôi rồi lại hổn hển nói tiếp.
- Không lên cơn điên gào thét nữa thì suốt ngày nó chỉ ngồi câm lặng nhìn ra vườn. Nó ngồi như một tảng đá từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác. ối giời ơi cô ơi! Nhìn nó ngồi như thế mà tôi phát sợ. Nhiều khi tôi có cảm giác nó không còn thở nữa. Nó đã chết ngồi. Có lúc chịu không được tôi phải kiếm cớ chạy ngang qua mặt nó sờ tay lên mũi nó một chút để chắc là nó vẫn còn thở. Cô có hiểu vì sao nó lại cứ ngồi hóa đá như thế suốt ngày không.
Tôi se sẽ lắc đầu. Chị Hạnh lại nghẹn ngào rưng rưng.
- Vì nó buồn cô ạ. Nó thất tình. Tôi phải kể cho cô nghe rõ đầu đuôi. Hồi còn đi học lớp mười nó chơi thân với cái Phương con gái một ông y sĩ làm ở bệnh viên tỉnh. Hai đứa vẫn rủ nhau đi học. Bạn bè chẳng ra bạn bè. Anh em kết nghĩa chẳng ra anh em kết nghĩa. Thằng Tuấn quí và chiều cái Phương lắm. Đã bao nhiêu lần nó hái trộm na ở vườn giấu trong cặp trong túi quần túi áo để cho cái Phương. Và cái Phương cũng quí anh Tuấn lắm. Có cái gì cũng thu thu giấu giấu cho anh Tuấn. Một vài lần đi chợ gặp bà Thu mẹ cái Phương tôi và bà ấy cứ cười cười hẹn với nhau nửa đùa nửa thật mai này cho hai đứa lấy nhau. Nói thật ra chứ trông hai đứa đẹp đôi lắm. Khi thằng Tuấn đi bộ đội cái Phương đã đến đây chia tay tiễn bạn. Hai đứa ngồi nói chuyện với nhau rất khuya ở ngoài vườn đến nỗi tôi phải ra giục cái Phương về. Thế rồi cháu Tuấn bị thương được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất qua mấy năm được quân đội chạy chữa cho đến ngày nhờ cô can thiệp giúp với thị đội tôi lên trại đón cháu Tuấn về. Những ngày đầu thì cô cũng biết rồi tôi chẳng nói nữa. Nhà tôi chả lúc nào ngơi khách. Bao nhiêu đoàn thể đến úy lạo hỏi thăm. Bao nhiêu bạn bè xa gần ghé vào an ủi. Cái gường của cháu Tuấn đang nằm kia lúc nào cũng có mấy cô mấy cậu ríu rít cươi đùa trò chuyện trêu chọc với thằng Tuấn. Nhưng rồi thời gian phôi phải nửa năm đầu vui vẻ cũng qua đi. Người đến thăm mãi thì cũng đến lúc phải hết. Căn nhà này vãn khách dần. Tôi cũng chẳng dám trách mỏ gì ai. Cảnh con mình như thế được ai đến là quí lắm rồi. Trong đám bạn bè đến thăm nom Tuấn tất nhiên là có cái Phương rồi. Tuấn đi bộ đội Phương ở nhà thi trượt lớp mười thế là ông bố xin cho vào bệnh viện học ý tá rồi làm việc ở ngay khoa cấp cứu hồi sức. Khi cháu Tuấn về con bé đến thường xuyên. Nó ngoan và nhẫn nại lắm. Nói thật với cô chứ nhiều lúc thằng Tuấn lên cơn không có cháu Phương tôi cũng mệt với nó. Hồi xưa trông hai đứa ríu rít bên nhau tôi vui bao nhiêu thì bây giờ thấy hai đứa quấn quít bên nhau là tôi buồn muốn khóc rỏ máu mắt. Rồi đây hai đứa sẽ là thế nào với nhau? Tôi không dám nghĩ nữa bởi vì chúng nó lấy nhau nên vợ nên chồng hay không thì cũng đều là những điều khủng khiếp ghê sợ quá không thể chịu nổi. Cô cứ nghĩ mà xem: Chúng nó lấy nhau hay là không lấy nhau. Ca hai điều đó đều không thể xảy ra được. Cả hai đứa trẻ đều không có quyền được lựa chọn bất cứ cách nào. Nghĩ thật nát ruột nát gan. Năm nay con tôi mới hai hai tuổi và cái Phương mới mười chín tuổi chứ đã nhiều nhặn cứng cáp gì cho cam. Chúng nó có tội gì mà trời đày dọa chủng nó như vậy.
Kể đến đây nước mắt chị Hạnh lã chã tuôn rơi. Và hình như để phù họa theo ngoài trời cũng bắt đầu lộp độp có hạt mưa. Nhìn những giọt nước mắt của chị Hạnh rỏ xuống tôi có cảm tưởng những giọt nước mắt đó là những giọt máu. Những giọt máu đỏ tươi nóng hôi hổi từ trái tim chị ứa trào ra. Thế rồi chuyện ắt đến rồi cũng phải đến.
Chị Hạnh lau vội những giọt nước mắt ngồi thần ra một lúc rồi xùi xụt kể tiếp. Vào một buổi sáng chủ nhật tôi đang thau cái bể nước thì mẹ cháu Phương ghé vào cho cháu Tuấn mấy qua đu đủ và cũng để "chào chị và cháu để ngày mai gia đình chúng tôi chuyển đi Quảng Ninh". Mọi chuyện thế là đã rõ. Hai đứa trẻ không lựa chọn được thì người lớn buộc phải lựa chọn cho chúng nó. Tôi không trách gì gia đình cháu Phương. Họ chọn cách như thế là sáng suốt hơn cả. Cuộc chia tay giữa Phương và Tuấn diễn ra hết sức bình tĩnh. Đó là điều ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trước hôm theo bố mẹ ra Quảng Ninh Phương đến giặt giũ cho Tuấn rồi hai cháu ngồi chơi với nhau cho đến tận chiều tối. Chúng nó chẳng nói chuyện gì mà chỉ rú rỉ chơi tam cúc. Thmh thoảng lại còn cãi nhau chí chóe như hai đứa trẻ. Rồi cái Phương về. Lúc đưa cháu đi ngang qua vườn na tôi cứ nghĩ: Cháú nó đang về nhà giống như mọi lần ngày mai ngày kia nó sẽ lại đến. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của tôi. Từ sau buổi hôm đó cháu Phương không bao giờ đến nhà tôi nữa. Vì một lẽ rất rõ ràng: Cháu đã theo gia đình ra Quảng Ninh ở. Cháu đã phải lựa chọn theo sự lựa chọn của bố mẹ. Tôi đã nói với chị rồi tôi chẳng trách gì cháu Phương và bố mẹ cháu. Tôi hiểu: Chỉ còn một cách như thế mà thôi. Phương đi rồi tháng đầu tiên Tuấn sống bình thường thậm chí hình như nó còn vui hơn. Thỉnh thoảng cháu còn cười đùa với tôi và còn có một điều lạ nữa là cháu bắt đầu chịu tập di chuyển bằng hai cái ghế con một kiểu đi mà cháu vốn rất ghét: "Người chứ có phải là cóc đâu" cháu vẫn nhăn nhó như vậy. Nhưng rồi tất cả những cái gọi là bình thường ấy của Tuấn cứ mất dần. Tuấn không còn hay dỗi hay cáu như trước mà trở nên trầm lặng. Cháu bảo tôi mua, cho cháu một cái võng đay mắc cạnh cửa sổ rồi từ đó suốt ngày suốt tháng cháu chỉ ngồi trên võng chăm chăm nhìn ra vườn na. Tôi sợ cái kiểu ngồi như đá ấy của cháu Tuấn sợ lắm cô ơi mà nào đâu chỉ có một nỗi sợ ấy còn một nỗi sợ khác nữa lại ập đến nỗi sợ này trời ơi tôi biết kể cho cô nghe như thế nào bây giờ. Tuấn bắt đầu bị xuất tinh liên tục. Vì phải giặt rũ cho con trai nên tôi biết được điều đó. Thoạt đầu tôi nghĩ đó cũng chỉ là chuyện bình thường của đàn ông. Tuấn chỉ bị cụt hai chân bị thương vào đầu nhưng cháu vẫn là một người đàn ông như mọi người đàn ông khác. Nhưng rồi thấy cháu xuất tinh nhiều quá tôi đâm nghi. Một người đàn ông khỏe mạnh chưa vợ thì một tháng cũng chỉ hai đến ba lần là cùng. Đằng này hầu như đêm nào cháu cũng xuất tinh. Hay là cháu bị bệnh rồi. Tôi đã định đưa cháu đi bệnh viện để khám nhưng rồi một đêm dậy cài lại cửa sổ tình cờ tôi nhìn thấy cháu đang thủ dâm.
°
Chị Hạnh đã thôi không xùi xụt nữa. Nỗi đau hiện trên nét mặt chị như một đám mây đen. Nghe chị kể những chuyện đó tự dưng tôi cứ gai hết cả người. Có một luồng điện nhỏ bỗng len lỏi chạy khắp người tôi. Luồng điện chạy đến đâu là người tôi nóng lên tới đó. Tôi phải cúi xuống uống nước để tránh ánh mắt chị Hạnh. Lúc này đã gần chín giờ tối. Chị Hạnh vào buồng trong buông màn cho Tuấn. Tôi cũng vào theo chị. Tuấn đang nằm ngủ rất ngoan trên giường. Cháu nằm ngửa ngay ngắn chăn đắp ngang ngực. Dưới ánh đèn nom cháu tôi đẹp và nghiêm nghị lạ lùng. Đúng là vẻ đẹp và sự nghiêm nghị của một người đàn ông chứ không phải là của một đứa trẻ nữa rồi. Chỉ ba ngày sau buổi tối hôm đó tôi đang làm việc ở văn phòng ủy ban thì được tin chị Hạnh bị tai nạn giao thông. Một chiếc U-oát đã đâm vào chị cạnh nhà máy cám. Hay nói đúng hơn vì đeo bao cám quá nặng đằng sau xe đạp nên chị đã loạng choạng tay lái rồi lăn cả người và xe đạp vào gầm ô tô. Chị Hạnh bị gãy chân và chấn thương sọ não rất nặng. Đơn vị có chiếe U-oát đã chở thẳng chị Hạnh về quân y viện để cấp cứu. Nghe tin đó tôi sởn hết cả gai ốc. Nhưng thật lạ lùng người đầu tiên tôi nghĩ ngay tới lại là cháu Tuấn chứ không phải là chị Hạnh. Dù Tuấn không phải là cháu tôi thì gia đình chị Hạnh cũng đã ở trong diện đặc biệt do ủy ban thị xã quản lý Tôi nhờ đồng chí ủy viên công đoàn đi ôtô lên quân y viện để nắm tình hình cụ thể về chị Hạnh. Còn tôi ngay trưa đó đạp xe đến nhà Tuấn. Để tránh cho cháu khỏi bị sốc tôi lựa lời báo cho Tuấn biết là mẹ cháu bị ngã xe đạp gãy chân hiện đang được bó bột ở bệnh viện tỉnh phải nằm lại vài hôm mới về được. Rồi tôi lại nói luôn chẳng nghĩ ngợi gì cả: "Mẹ cháu có dặn cô lại đón cháu về nhà cô ở vài hôm để có điều kiện chăm sóc cho cháu". Nghe tôi nói như vậy Tuấn ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt trong vắt. Đó là đôi mắt của một chàng trai chưa bao giờ được ngủ với đàn bà. Đó là đôi mắt của một đứa trẻ con và cũng của một người điên. Tuấn nhìn tôi thoáng một cái rồi vui vẻ gật đầu. Có trời mà hiểu được cái nhìn của Tuấn lúc đó. Và cũng có trời mà hiểu được lúc đó Tuấn đã nghĩ những gì mà lại vui vẻ thuận đi theo tôi. Có lẽ hơn năm nay Tuấn bị nhốt mãi ở trong nhà núp dưới cánh mẹ nay có dịp được ra khỏi cái lồng là cháu ưng liền. Còn tôi tại sao lúc đó tôi không cho người đến trông nom Tuấn hoặc là gửi tạm cháu vào khoa chỉnh hình ở bệnh viện tỉnh mà lại nảy ra cái ý định đón cháu về ở cùng nhà. Tại sao như vậy? Tôi cũng chẳng thể cắt nghĩa nổi. Mấy ngày đầu tiên hai cô cháu ở với nhau vui lắm. Ban ngày tôi đi làm sau khi đã ủ cơm canh bữa trưa cho cháu ăn ở nhà. Buổi chiều tôi về sớm một chút tạt vào chợ mua thức ăn về nấu bữa tối. Cơm nước xong chưa kịp dọn mâm bát là có người ở cơ quan tới chơi rồi.
Tối nào cũng phải hơn mười giờ khách mới về. Nhà tôi khá rộng có tới ba buồng. Đó là ngôi nhà gần chợ mẹ tôi để lại cho. Tôi dọn riêng cho tuấn ở buồng trong vốn là buồng riêng của tôi từ ngày xưa tuy hẹp nhưng rất ấm cúng và kín đáo. Anh ủy viên công đoàn cũng đã ở viện trở về báo cho biết chị Hạnh bị khá nguy kịch. Bệnh viện đã chụp sọ thấy có máu đọng ở trong hộp sọ. Họ đã hội chuẩn nghi nhũn não và đang chuẩn bị chuyển chị Hạnh về viện ở Hà Nội để mổ sọ. Tôi cố tình giả vờ quên đi không cho Tuấn biết tin tức gì cụ thể về chị Hạnh mà chỉ nói đại khái bên quân đội đã đưa mẹ cháu về một bệnh viện của quân đội để tiện trông nom thuốc thang và giải quyết chế độ bồi thường. Có lẽ tin tôi nên Tuấn cũng chẳng đòi đi thăm mẹ nữa. Vả lại hình như Tuấn cũng thích nơi ở mới và cũng thích ở với tôi thì phải. Tuy bị cụt cả hai chân đến tận bẹn nhưng Tuấn rất ít khi chịu nhờ tôi giúp làm hộ việc gì kể cả việc vệ sinh cá nhân. Mấy ngày này mặt mũi cháu rất tươi tỉnh. Luồng khí lạnh buốt của tử thần không còn pha ra từ cái nhìn của cháu nữa.
Còn tôi cũng rất vui. Tôi tự bảo mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm nom động viên cháu. Tôi chỉ nghĩ như vậy thôi và dứt khoát chỉ nghĩ như vậy thôi. Kể đến đây tiếng người đàn bà bỗng dưng im bặt. Có bóng ai đó đi về phía cỗ quan tài ư. Không. Không có ai cả. Sương mù vẫn dày đặc. Sương thấm ướt đẫm cả người bác sĩ Cần. Ông thấy lạnh. Tuy vậy, ông vẫn ngồi im trên ghế và lấy thuốc lá ra hút. Ông chờ đợi. Một lúc sau, giống như sau một tiếng thở dài giọng đàn bà buồn rầu kể tiếp.
- Có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu không có cái buổi sáng chủ nhật hôm ấy tôi nghi ở nhà đun nước tắm. Phòng tắm ở ngay gần cửa sổ phòng của Tuấn đang ở. Buổi sáng hôm đó tôi hòa một chậu nước ấm thật to bê vào buồng tắm rồi bắt Tuấn vào tắm. Tuấn tắm xong đến lượt tôi. Cái phòng tắm lâu nay vốn dĩ chẳng có cửa. Vì ở một mình thì tôi cần gì cửa. Nhưng từ hôm đón cháu về tôi có lấy một miếng gỗ dán che tạm làm cửa. Cũng định hôm nào nhờ bác thợ mộc ở cơ quan đến đóng cho cánh cửa chắc chắn bằng gỗ. Tôi đang tắm chẳng biết vô ý đẩy cái chậu va vào hay là bị cơn gió bất ngờ thổi tới tấm gỗ dán đang che cửa đổ bẹt ra ngoài. Tất nhiên lúc đó tôi đang trần truồng tóc tai người ngợm ướt loáng nước. Thấy tấm gỗ bị đổ tôi giật mình vội đứng lên định kéo tấm gỗ đậy lại nhưng cũng đúng lúc đó tôi bỗng nhìn thấy Tuấn đang ngồi bệt trên giường cạnh cửa sổ nhìn ra. Ông có biết lúc đó cháu tôi nhìn đi đâu không. Nó chẳng nhìn đi đâu cả mà lại nhìn vào tôi. Tuấn nhìn chằm chằm vào tôi mặc dầu lúc đó đúng ra cháu phải cụp mắt xuống hoặc là giả vờ ngoảnh đi chỗ khác. Nhưng không. Tuấn cứ chằm chằm nhìn vào tôi Đôi mắt cháu cứ như bị thôi miên vào cái thân thể không còn một mảnh vải nào của tôi. Tôi rú lên một tiếng nho nhỏ, ánh mắt của Tuấn đã làm tôi chết đứng. Và tôi cứ đứng như thế mãi cho đến khi Tuấn từ từ cúi mặt xuống. Lúc đó tôi cũng ngã ngồi xuống run rẩy và hốt hoảng lết dần vào cái góc khuất của buồng tắm.
°
Đúng ra thì ngay sau buổi sáng ấy tôi và cháu tôi phải dời xa nhau ngay hoặc là tôi phải cương quyết gửi Tuấn vào nằm trong bệnh viện tỉnh. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Vâng thưa ông đó là một sai lầm một sự ngu xuẩn mà tôi không thể nào hiểu nổi. Ông không biết chứ hồi tôi ngoài ba mươi tuổi tôi đẹp lắm. Mặt mũi tôi thân thể tôi còn đẹp hơn các cô gái mười tám đôi mươi. Lấy chồng bảy ngày chỉ được ngủ với chồng ba ngày. Mà ba ngày chung đụng ấy, chúng tôi tắt đèn tối như hũ nút vì cả hai đứa đều ngượng. Hai vợ chồng tôi cứ mò mẫm như hai đứa mù. Duy nhất có lần cuối cùng đêm thứ ba không hiểu nghe ông bạn nào xui chồng tôi chui vào chăn có bật đèn pin lên. Nhưng lúc đó vừa thấy ánh đèn pin lóe lên tôi đã giằng ngay lấy cái đèn ném vọt qua cửa sổ. Từ khi lớn lên chính xác là từ khi mười sáu tuổi đến giờ ngay cả mẹ tôi cũng chẳng bao giờ được nhìn cái ấy của tôi chứ đừng nói đến người khác. Vì vậy Tuấn chứ không phải một người đàn ông nào khác đã là người đầu tiên nhìn thấy cái bộ phận kín đáo nhất của tôi. Sau cái buổi sáng chủ nhật kinh dị ấy tâm trạng của tôi giống như tâm trạng của một người con gái đã bị cưỡng hiếp. Rời khỏi buồng tắm tôi len lén ra khỏi nhà như chạy trốn rồi tôi đến thẳng cơ quan. Ngày chủ nhật cơ quan đóng cửa chỉ có bác bảo vệ đang ngồi đánh cờ với ông Trưởng phòng thuế vừa về hưu. Tôi loanh quanh ở cơ quan một lúc rồi cứ thế đi thẳng ra ngoại ô. Tôi lang thang trên mấy quả đồi trồng bạch đàn rồi rẽ xuống bờ sông ngồi xem bọn trẻ con đang câu cá. Chiều tối tôi mới mò về nhà người mệt nhoải hai ống quân chỉ chít cỏ may. Tuấn đang ngồi trên giường đợi tôi với mâm cơm đã dọn saün nguội tanh nguội ngắt. Khi thấy tôi Tuấn mở to nhìn. Mắt cháu trong như mắt trẻ con mới đẻ Tôi không dám nhìn vào đôi mắt đó. Hai cô cháu ăn cơm với nhau như hai người lạ. Đây là bữa cơm đầu tiên chẳng có lời mời chẳng có tiếng cười tiếng nói, kể từ khi hai cô cháu sống với nhau. Một bữa cơm câm điếc. ăn xong tôi bỏ vào phòng riêng lên giường trùm chăn ngủ. Nhưng nào tôi có ngủ được. Có một cái gì cứ đập tình thịch trong người tôi. Nó đập ở khắp nơi, ở trong bụng trong ngực ở trong đầu. Rồi tôi cũng thiếp đi có lẽ vì quá mỏi mệt. Khoảng nửa đêm tôi bỗng choàng dậy vì có tiếng cửa mở nhè nhẹ. Một cái bóng ngắn cũn cỡn đang lộp cộp lẻn vào. Đó không phải là một bóng người mà là bóng một con cóc khổng ìô. Cái con cóc người đó bò dần về phía giường tôi. Bóng nó đen xì lừng lững đổ trên nền nhà. Lê đến sát giường thì cháu dừng lại. Hình như là nó dừng lại để nghe ngóng rồi vươn cổ lên nhìn vào chỗ tôi nằm. Rồi nó quẳng hai cái ghế đi bíu hai tay vào giường nhẹ nhàng đu người lên nó cứ ngồi chồm chỗm mở to mắt nhìn tôi. Ôi bộ mặt của Tuấn lúc đó thật kì dị. Đó là một bộ mặt của một cái xác chết đang bốc cháy. Tất cả các đường nét của một vẻ đẹp thần đồng ngời ngời đã biến đâu mất cả. Giờ đây chỉ còn một cái thớ thịt đang giần giật tóe vọt ra những tia lửa. Và những tia lửa đó bắn vọt sang mắt tôi khiến tôi bỗng bật lên một tiếng rú nghẹn trong cổ rồi tung chăn ngồi phắt dậy. Thay vì nhảy xuống đất tôi đã dang cả hai tay ôm gọn Tuấn vào lòng rồi kéo cháu ngã vật xuống giường. Và trước khi gần như ngất lịm đi vì những cảm xúc quái lạ điên cuồng không thể hiểu được, tôi mới nhận ra cả người Tuấn lúc đó trần truồng không có một mảnh vải...
Đến khi tôi choàng tỉnh dậy thì Tuấn đã chẳng còn trên giường. Lúc bấy giờ cái đồng hồ báo thức bỗng bật lên hồi chuông rộn rã báo hiệu đã sáu giờ dậy chuẩn bị đi làm. Nhìn đống chăn chiếu rách tan và bốn chân giường gẫy gục. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Hình như tôi vừa từ địa ngục tối đen ngoi lên. Tôi chạy ra buồng ngoài. Buồng ngoài trống không. Tôi chạy vào buồng cửa Tuấn. Buồng trống không. Tôi chạy ra sân đập cửa hố xí ầm ầm. Sân và hố xí chẳng có bóng người. Tôi nhìn ra cổng. Hai cánh cổng vẫn khép chặt. Tuấn đã biến mất. Tuấn đã không còn ở với tôi nữa. Cháu tôi đã đi đâu và đi bằng cách nào. Tôi không tin là Tuấn đã đi. Hay là nó chui vào trốn ở một xó xỉnh nào đó. Lồng lộn như một con gà mái mất con tôi xới tung cả mấy gian buồng lên khiến bọn chuột được một phen chạy toán loạn. Nhưng vô ích. Tuấn đã không còn ở đây với tôi nữa. Sau cái đêm khủng khiếp đó tôi lăn ra ốm. Tất nhiên là mọi người ở cơ quan thị ủy ở ủy ban đổ xô đến thăm hỏi quà cáp. Có người hỏi cháu Tuấn đâu tôi nói lảng là đã gửi cháu về ở tạm trại điều dưỡng đặc hiệt của quân đội rồi. Tôi ốm mất đúng một tuần mới gượng dậy đi làm được. Nhưng mà thật kinh khủng ngay cái ngày đầu tiên tôi đến văn phòng cơ quan làm việc, tức là cái ngày thứ mười sau cái đêm hoan lạc kinh dị ấy tôi bỗng thấy trong mình khác lạ một vài tháng sau thì bụng bắt đầu to ra. Có lẽ mình bị báng do sốt rét tôi nghĩ như vậy và quên đi cho tới ngày bụng phưỡn ra nom rất chướng mắt. Tôi đành đến khám ở bệnh viện tỉnh. Bác sĩ Liên, vợ một đại úy đang ở chiến trường C mà tôi đã giúp đỡ rất nhiều đã khám cho tôi. Chị khám rất kỹ làm tất cả các xét nghiệm máu rồi cuối cùng chị nói riêng cho tôi biết là tôi đã có mang. Và chị nói thêm: Nếu chị muốn hủy nó đi thì cần tiến hành gấp, rất gấp. Mà có lẽ phải mổ. Tôi sẽ trực tiếp làm hộ chị. Nhưng không phải ở cái khoa sản của bệnh viện này mà ở một bệnh viện rất xa cái thị xã này. Nghe bác sĩ Liên nói vậy, tôi choáng váng như đập đầu vào tường. Làm sao lại có chuyện ghê rợn như vậy, chắc ông cũng biết hồi đó cái tội chửa hoang là tội nặng lắm, nhục nhã lắm nhơ nhuốc lắm.
°
Thế là chẳng cần thu xếp gì cả. Tôi và bác sĩ Liên vội vàng lên đường. Chúng tôi đi nhờ một xe tải quốc doanh chở nước mắm lên một tỉnh rất xa tận biên giới Việt - Trung. Ròng rã năm ngày đi đường xóc đến lộng óc, bác sĩ Liên săn sóc tôi rất chu đáo. Chị rất tế nhị không bao giờ hỏi tôi điều gì mà tôi không muốn nói. Nhiều đêm tôi đã gục vào lòng chị. Tôi hiểu bác sĩ Liên là một người đàn bà nhân hậu và hiểu biết. Chị giúp tôi không phải để trả ơn mà vì chị thương tôi thông cảm chia sẻ với tôi nỗi niềm đau đớn thiệt thòi của những người đàn bà phải sống cô đơn. Lên tới cái tỉnh sát biên giới ấy chị Liên dẫn tôi vào bệnh viện của tỉnh do em gái chị làm giám đốc. Sau khi đã làm thủ tục rất nhanh với một cái họ tên khác tôi được đưa vào khoa phẫu thuật bồi dưỡng sức khỏe một tuần để chuẩn bị lên bàn mổ do chính tay hai chị em bác sĩ Liên mổ. Nằm ở khoa phẫu thuật được bốn ngày tới ngày thứ năm thì bỗng nhiên tôi đau bụng dữ dội. Cơn đau kéo dài từ sáu giờ sáng liên tục đến sáu giờ chiều từng không lúc nào ngớt. Trong mười giờ bụng tôi phình to như một cái trống cái. Và đã bảy giờ bảy phút tối hôm đó đang quằn quại trên cái giường ở phòng chờ phẫu tôi bỗng rú lên một tiếng rùng rợn như qui cái rú rồi đẻ phọt ra một đứa con gái đủ cả chân tay mắt mũi xinh đẹp tuyệt trần.
Một tháng sau tôi bế đứa con quay về thị xã. Không còn cách nào khác tôi đành phải làm bản tự kiểm điểm gửi cấp trên xin nhận kỷ luật. Tôi chờ đợi bị đuổi khỏi cơ quan. Nhưng không hiểu sao mà anh em trong cơ quan ủy ban rất thương tôi ái ngại cho tôi. Hai tháng sau tôi nhận được lệnh điều động về làm trưởng cái ga xép Thuận Thiên này. Các đông chí lãnh đạo vẫn không bỏ rơi tôi đã cố gắng giúp tôi một cơ hội để làm việc để kiếm sống nuôi cô con gái tinh khôn xinh đẹp như tiên nga giáng trần. Hôm tôi cầm lệnh điều động bế cháu về cái ga xép Thuận Thiên thì cũng là hôm tôi nhận được tin chị Hạnh đã mất ở quân y viện sau lần mổ sọ. Còn Tuấn thì... Tuấn đang ở đâu đang sống hay chết rồi tôi nhất quyết quên đi không cần nghĩ tới nữa.
Quá nửa đêm hôm đó vào khoảng một giờ sáng có một chuyến tàu hàng chạy ngang qua ga Thuận Thiên. Như thường lệ chuyến tàu thét lên một hồi còi như xé toang màn đêm yên tĩnh. Tiếng còi khủng khiếp đó đã khiến bác sĩ Trương Vĩnh Cần ngã nhào từ trên phản xuống nền nhà làm ông bổ choàng tỉnh dạy và chợt nhận ra ông vừa ra khỏi giấc mơ. Một giấc mơ thật kỳ lạ và gần gũi thân thiết đến nỗi ông có cảm tưởng như bà Phạm Thị Nhàn vừa đi ra khỏi căn buồng và cái hơi ấm áp của người đàn bà như vẫn còn vương lại phảng phất đâu đây. Bác sĩ Cần không ngạc nhiên khi thấy mình vừa gặp bà Nhàn trong mộng. Câu chuyện bà kể lại vẫn còn khắc in trong trí nhớ của ông. Ông cũng không còn lạ lùng ngơ ngác tự vấn mình vì sao ông lại được bà Nhàn gởi gấm nỗi lòng chua xót đắng cay của bà. Bác sĩ Cần cứ ngồi bệt trên nền nhà suy ngẫm vẩn vơ cho đến khi cụ Võm lục đục thức dậy và lặng lẽ tới ngồi cạnh ông. Bác sĩ Cần cũng chẳng kể lại cho ông cụ Võm nghe là ông vừa gặp bà trưởng ga. Thấy bác sĩ Cần cứ ngồi im như pho tượng ông cụ Võm vào buồng bê ra một đĩa ốc nhồi luộc và lít rượu trắng mời ông bạn già uống một bữa để cầu cho vong hồn bà Nhàn siêu thoát. Cô con gái của bà trưởng ga chưa thấy về viếng mẹ. Vì thế cỗ quan tài đựng xác bà Nhàn vẫn để ở ngoài sân ga, tất nhiên là có được dựng rạp che chắn cho đỡ mưa gió bất chợt. Suốt cả đêm hôm đó bác sĩ Cần đã ngồi uống rượu với ông cụ Võm bên cái cửa số trống toác nhìn ra ngoài trời tối đen mờ mịt sương khói và mưa bụi lạnh giá. Hai ông già đã xơi hết nhaün đĩa ốc nhồi luộc và uống cạn không phải một chai mà những ba chai rượu cuốc lủi. Xem chừng tửu lượng của hai người không ai chịu kém ai. Tới năm giờ ba mươi sáng khi cái đài bán dẫn ở góc phòng của ông cụ Võm bắt đầu ọ ẹ với một cái giọng ư ử ọng ẹo vì gần hết pin thì cụ Võm cũng gục xuống chiếu ngáy khò khò. Bác sĩ Cần tu hết phần rượu cuối cùng rồi sau khi đã cẩn thận đắp cho ông cụ cái chăn bông rách ông bác sĩ mặc lại áo đội cái mũ lông của người êchkimô xứ tuyết bắc cực lên đầu. và mở cửa bước ra ngoài.
Buổi sáng cuối năm ở xứ núi đồi trung du lạnh lẽo và tĩnh mịch như xứ xở của những người câm điếc. Trời bay đầy sương mù và gió lạnh. Cánh vật đơn điệu tẻ nhạt buồn như một nét vẽ cô độc. Cái ga xép Thuận Thiên cách thị xã chín cây số đường mòn lượn quanh chân các quả đồi trơ trụi cọc cằn như những bầu vú khồng lồ đã bị lột da nhố sạch lông dưới một rừng cây bạch đàn vô duyên lúc nào cũng phì phì xả ra một thứ mùi hăng hắc rất khó chịu. Bác sĩ Cần đi tha thẩn nhẩn nha như một con bò già mải chơi lạc chuồng chẳng thiết về chuồng nữa. Khoảng chín giờ sáng ông mới đến thị trấn và mò tới trước cửa cái hợp tác xã Vững Tâm chuyên sản xuất tăm tre xỉa răng mà hồn bà trưởng ga đã chỉ dẫn. Cũng chẳng khó khăn gì mà ông không tìm được anh thương binh cụt hai chân. Đó là một người đàn ông không thể đoán nổi tuổi gầy như con cò ốm vai xo cổ rụt mặt mũi hốc hác xanh lét đang ngồi chồm chỗm trên một cái chõng tre xung quanh là một núi những thanh tre đã được chẻ nhỏ tanh như sợi. Người đàn ông này tiếp ông bác sĩ cũng chẳng mặn mà gì. Sau vài câu chào hỏi tự giới thiệu và trò chuyện vơ vẩn nhất là tới khi nghe bác sĩ Cần nói lại không thiếu từng lời của bà trưởng ga chuyển lời hỏi thăm của bà và thông báo cho biết là anh có cô con gái đẹp như tiên đang làm công nhân ở nông trường Vinh Quang chưa có chồng có con gì cả thì người đàn ông vẫn cứ dửng dưng như là đang nghe một chuyện vớ vẩn vô hại nào đó chẳng có liên quan gì đến anh ta. Thái độ lạnh lùng nhạt nhẽo đó của người đàn ông khiến bác sĩ Cần đâm lúng túng. Ông nghĩ thầm: một là anh thương binh cụt hai chân này đang bị bệnh tâm thần phân lập. Hai là câu chuyện bi thảm mà bà trưởng ga vừa kể cho ông nghe chỉ là một câu chuyện bốc phét chỉ là một sự bịa đặt hoang tưởng của một cô gái già không chồng không con.
Chán ngán bác sĩ Cần đành cáo lui. Ông lủi thủi ra khỏi thị trấn và lại giống như một con bò già thơ thẩn lần theo con đường mòn đã quen tìm lối về lại chuồng sau khi đã làm một cuộc dạo chơi ngớ ngẩn vô nghĩa cuối cùng. Tâm trạng bác sĩ Cần lúc đó là tâm trạng của một lão già chán ngán hậm hực nghi hoặc khi nhận ra mình vừa bị lỡm. Khoảng bảy giờ tối bác sĩ Cần mới mò về tới ga Thuận Thiên. Lúc này trời đã tối như mực mưa lại hơi mau hạt. Gió lạnh thổi về gào réo ư ử như bầy chó đang lẩn quất xục mồi quanh các sườn dồi trơ trụi lạnh như băng giá. Vừa mò về đến gần đến cái nhà ga lù lù như cái lô cốt xi măng khổng lồ bỗng nhiên bác sĩ Cần nghe thấy có những tiếng khóc rất lảnh lót trong trẻo như tiếng khóc của con chim sơn ca vậy. Tò mò bác sĩ Cân rón rén bò tới gần một ô cửa sổ sáng ánh đèn. Vừa nhô đầu lên ông bác sĩ đã nhìn thấy một cô gái trẻ măng nõn nà đẹp như tiên nga giáng trần đang quì khóc cạnh một cỗ quan tài to hơn kích cỡ một cỗ quan tài bình thường để ở giữa cái phòng đợi của nhà ga. Kinh ngạc hết sức bác sĩ Cần kêu ố lên một tiếng và bám cửa sổ trèo phắt lên. Ông định nhẩy vào ôm lấy cô gái để mà cùng khóc lóc cùng than thở và bày tỏ nỗi lòng ân hận vì ông đã nghi ngờ oan cho mẹ cô. Nhưng đúng lúc ấy. Vâng đúng cái lúc bác sĩ Cần nhẩy phốc lên bậc cửa sổ thì khủng khiếp thay một tiếng nổ bùng lên đinh tai nhức óc. Bầu trời vụt chớp sáng lòe chói lọi... Đầu bác sĩ Cần như bị bửa làm đôi. Khắp người ông bốc lửa. Quần áo ông đứt phựt hết tất cả các khuy. Cái mũ lông dày xụ của người êch ki mô bay vọt lên trời. Thay vì bước vào ôm lấy cô gái để được cùng khóc lóc than thở bác sĩ Cần bị nhấc bổng lên hai tay hai chân dang hết cỡ, khắp người trần truồng chẳng còn một mảnh vải. Ông bác sĩ gầm lên một tiếng và cắm đầu rơi bổ xuống, Nền đất nứt toác ra ầm ầm, ầm cuộn réo xôi xục. Trước khi ngất đi bác sĩ Cần còn nhìn thấy ngọn đèn bão để cạnh đầu quan tài đổ choang xuống nền nhà lóe lên như một ánh chớp rồi phụt tắt tức thì. Đêm hôm đó cả cái nhà gà Thuận Thiên rùng rùng như đang bị nhấn chìm xuống chín tầng địa ngục. Gió bão gào thét như phát điên phát rồ và trời đất tối đen như mực. ở tận tít thị xã cách cái nhà ga Thuận Thiên 9 cây số, mặc dù mưa bão đùng đùng, đứng tại văn phòng chủ nhiệm của hợp tác xã Vững Tâm chuyên sản xuất tăm tre xỉa răng người ta vẫn còn nghe rất rõ tiếng những tiếng la hét điên loạn vì hoảng sợ vì đau đớn tới tột đỉnh nhất. Cả đêm hôm đó tất cả mọi người dân thị xã đều đóng chặt cửa không dám ra đường. Mãi tới sáng hôm sau một đoàn xe cứu hỏa và một đoàn cứu sập cắt đường chạy tới ga Thuận Thiên thì từ xe họ đã nhìn thấy cái nhà ga xây bằng bê tông cốt thép đổ mái bằng nom chắc chắn như một cái lô cốt khổng lồ đó đã sụp đổ tan tành. Gạch đá vôi vừa sắt thép bị nhổ bật lên văng ra tứ tung và tất cả đều bị nhấn chìm trong một thứ bùn đặc sệt như nham thạch từ núi lửa phun trào lên. Duy chỉ có một cái khác là nham thạch thì đen sì đục ngầu xám xịt bấn thỉu khét lẹt mùi lưu huỳnh còn thứ bùn này thì lại trắng đục ngầy ngậy và thơm lửng như mùi thơm của một loại hoa chưa có ở trên thế gian này.
Để khai thông cho đường sắt tất cả dân ở thị trấn đã được huy động tới dọn dẹp bốc dỡ trong hai ngày đêm liên tục. Nghe nói người ta xúc cái loại bùn đó đổ tạm lên mấy quả đồi trồng bạch đàn ở cạnh nhà ga chỉ một tháng sau tất cả những cây bạch đàn khẳng khiu trồng trên mấy quả đồi đó đều tăng vọt kích cỡ trở thành những cây đại thụ khồng lồ bốn năm người ôm không xuể. Ba ngày sau khi dọn dẹp nhà ga Thuận Thiên lại được khai thông. Có người đã nhìn thấy khi chuyến tàu đầu tiên xùng xịch xùng xịch chạy qua khu nhà ga cũ đổ nát hoang tàn tới sát một sườn đồi rợp bóng hoa trạc trìu thì từ trong một bụi cây bên đường có một ông già tay xách va ly đầu đội mũ lông quần áo tả tơi dính đầy cỏ may nhảy vọt ra leo tót lên tàu nhanh như một con chuột lẩn vào đám hành khách đông nghịt đang chen chúc bên các ô cửa sổ ầm ĩ chỉ trỏ cho nhau bàn tán om xòm về cái tai nạn mà họ không thể hiểu được là tai nạn gì vừa giáng xuống cái ga xép bé nhỏ côi cút có tên là Thuận Thiên mà họ đang đi qua.