Đêm qua tôi không ngủ được. Tôi cứ mở mắt thao láo nhìn lên trần phòng và suy nghĩ về cái cảm giác mơ hồ của chú Tường. Rồi tôi lây cảm giác đó. Khi người ta thân nhau, người ta phải xa nhau chẳng biết bao giờ gặp lại, người ta buồn lắm. Chuyện này khó tránh, chú Tường bảo vậy. Đời sống đầy rẫy những chia ly và người ta nên chọn một chia ly có hương thơm ngào ngạt trong nỗi buồn. Chú Tường tuyệt diệu, tôi sẽ phải xa chú nhưng tôi muốn ngày người ta bắt chúng tôi xa nhau còn lâu. “Cháu ạ, thế giới đã tốn rất nhiều nước mắt cho những nhân vật tuổi thơ bất hạnh của các văn hào Charles Dickens, Hector Malot, Alphonse Daudet, Maxime Gorki… Quả thật, những nhân vật ấy đau khổ và đáng thương biết mấy. Một ngày nào đó, nếu ai viết về cháu, chú tin chắc rằng nhân loại sẽ chỉ còn xúc động mãnh liệt với nỗi đau khổ vàng ửng của cháu và ý nghĩ của đời sống mà cháu đã để lại. Quan trọng đâu phải là nỗi đau khổ mình chịu đựng mà chính là ý nghĩa của đời sống mình tìm, kiếm từ nỗi đau khổ.” Chú Tường đã phả vào tâm hồn tôi những tư tưởng lạ lùng. Chú dặn tôi phải nhớ, rồi sẽ hiểu.Chú đã dậy, đang loay hoay vê điếu thuốc. Chú quẹt que diêm. Ánh lửa và ánh điện vàng khè của nhà tù nhảy múa trên khuôn mặt u hoài của chú, của một người lớn không có thời làm con nít. Chú rít một hơi thuốc đẫy đà. Chú nhả khói. Khói tỏa ra như vùng sương mù. Chú Tường đứng giữa đám sương mù ấy. Lòng chú chứa chất cả đại dương phiền muộn.- Cháu trằn trọc suốt đêm hả, Vũ?- Vâng.- Chú cũng lười ngủ. Đừng nghĩ ngợi gì về cha mẹ và các em nữa, nghĩ nhiều sẽ sinh bệnh, vô tích sự.- Cháu sẽ đi nhiều nơi nữa hả, chú?- Có thể thôi. Chú đã nói với cháu rồi, nếu phải đi, cháu hãy can đảm đi. Mỗi nhà tù sẽ là một lò luyện thép và cháu phải là thanh thép non.Ngừng lại để nhả làn khói khác, chú Tường trầm giọng:- Đời sống bí ẩn hơn mọi niềm bí ẩn. Mỗi ngày sống bắt gặp một điều bí ẩn tuyệt vời. Do đó, chúng ta ham sống, dù sống đọa đầy, nhục nhã. Đời sống không đến với chúng ta mà chúng ta phải đến với đời sống. Con đường dẫn ta đến đời sống rực rỡ hào quang là những nhà tù…Chú Tường đập nhẹ vai tôi:- Ta nói chuyện khác! Cháu có gì cần hỏi chú thì hỏi đi?Tôi nhìn chú, ngập ngừng mãi. Rồi tôi hỏi những câu ngớ ngẩn:- Chú ơi, có phải người ta đã giải phóng những nhà tù, cô nhi viện?- Phải.- Tại sao người ta còn mất công bắt lại?- Đó là cách mạng! Cách mạng nào cũng chơi cái trò bịp rẻ tiền này.Mai bím nói đúng. Cách mạng mở cửa nhà tù cho nó ra và bắt nó nhốt lại. Lần này, có lẽ, cuộc đời nó sẽ long đong nhiều.- Trong cái túi của cháu, chú nhét thêm cục xà phòng và lọ dầu cù là.Chú dấu diếm đưa cho tôi cây bút Bic còn đầy mực:- Cất kỹ, cháu sẽ cần tới nó.Kẻng báo thức đã khua nhức nhối. Cả phòng thức dậy, gỡ màn, sắp xếp gọn gàng chờ điểm số. Tôi nóng lòng chờ đợi một cái gì sắp xảy ra. Mai bím lăng xăng đi chĩa thuốc lào. Ông trưởng phòng Phan Quán Khải chưa ngừng cầu nguyện Phật. Nhà tỉ phú chán chường này vẫn ham giải đoán tử vi và tin chắc mệnh mình vững, sự nghiệp còn chói lọi. “Cháu xem, ông già Khải mất mát hết, vẫn tin tưởng lấy lại hết. Cháu còn trẻ, lo gì.” Chú Tường khích lệ tôi. Thú thực, bây giờ, tôi phục chú sát đất chứ, bấy giờ, nghe chú mà cứ nản làm sao. Buổi sáng trôi qua buồn tênh, tẻ nhạt, gần giờ cơm sáng, giờ định mệnh, cán bộ quản giáo đến phòng, cầm mẩu giấy.- Lê Văn Mai.Mai bím bật dậy như cái lò xo.- Có.- Nguyễn Hữu Vũ.- Có.Cán bộ dặn:- Chuẩn bị đồ đạc cá nhân rời phòng. Khẩn trương đấy nhé.Anh ta bỏ đi. Cả phòng thở phào. Tất cả đều sợ chuyển phòng, đổi trại. Tù nhân không thích kiếp sống du mục rày đây mai đó. Họ thích định cư một nhà tù, đợi ngày được tha. Nhưng thời thế đã đổi thay, chế độ nhà tù cũng nhiều thay đổi. Người tù biến thành người lính ứng chiến, luôn luôn sẵn sàng lên đường. Chú Tường đưa cái túi của chú vào tay tôi. Tôi nhìn chú, chớp mắt:- Cháu xin lỗi chú…- Không, chú không tha lỗi cho cháu đâu.Tôi hết dám khóc, chú Tường khoác vai tôi, giọng chú bùi ngùi:- Chú cháu mình sẽ gặp nhau. Chú nhớ địa chỉ của cháu rồi. Cháu ráng nhớ những gì chú khuyên bảo cháu. Chúc cháu ra đi bình yên.Cán bộ đã trở lại. Và cánh cửa nặng nề hé mở đủ lọt một người. Mai bím và tôi rời phòng. Tôi đến gần cửa, ngoái nhìn chú Tường lần cuối. Chú ngoắt tay, nói nhỏ: “May mắn, Vũ.” Tôi thấy nước mắt chú ứa ra. Cánh cửa khép mạnh. Cuộc đời khốn khổ của tôi sang trang mới.Người ta dẫn chúng tôi xuống Ô tức là phòng dưới cùng của khu BC. Phòng này có một hồ nước, có rô-bi-nê nhưng không có cửa trông ra sân. Muốn thấy các phòng đối diện khu FG, AH, chúng tôi công kênh nhau trèo, nhòm qua chấn song sắt sát trần phòng. Phòng thật rộng mà mới chứa khoảng hai mươi tù nhân ranh con. Mai bím nhận diện tài tình. Đó là những đứa cùng chuyến mô-lô-tô-va oan nghiệt với chúng tôi. Giang hồ gặp gỡ, chuyện nổ như pháo tết. Bọn vỉa hè hồn nhiên vì bất cần đời. Theo tôi hiểu, đến hôm nay Chí Hòa mới có phòng trống nên người ta gom chúng tôi một cụm. Tôi hơi buồn là trong hơn hai mươi đứa, không có đứa nào bị bắt oan giống tôi. Rặt công dân vỉa hè chuyên nghiệp. Chú Tường đã đoán trúng. Tôi sẽ theo đám nhãi lưu manh, trộm cắp này đi khắp các nhà tù.Mai bím lớn nhất bọn. Nó giới thiệu tôi với đám nhãi, giọng kẻ cả:- Thằng Vũ là bạn thân của tao. Đứa nào đụng vào nó, tao đục phù mỏ!Không đứa nào cãi Mai bím. Chúng tôi sống hòa thuận, mỗi thằng nằm một chỗ rộng thênh thang. Người ta phát chiếu, bát, muỗng cho chúng tôi. Ngoài ra, người ta còn cấp thêm hai xô đựng nước, hai thau đựng đồ ăn. Cán bộ chỉ định Mai bím làm Trưởng phòng, cấm nó không được đánh anh em. Mai bím bằng lòng chức vụ vua tù mà chế độ mới ban cho nó. Nó hãnh diện khiến tôi phát ghét. Đêm thứ nhất ở phòng riêng, yên lặng đến dễ sợ. Tôi ngủ chập chờn, mở mắt là nghĩ đến cha mẹ, các em và chú Tường. Muỗi tù đông đầy, lăn xả vào đốt chúng tôi. Công dân vỉa hè tay đập muỗi, mắt nhắm tít ngủ ngon lành. Tôi không ngủ nổi, phần vì muỗi đói hung hăng tàn bạo. Buổi sáng thức dậy, chúng tôi tắm gội trừ điểm tâm. Công dân vỉa hè là công dân nhất bộ nhất bái. Giặt áo ban ngày, giặt quần ban đêm. Người ta không phát xà phòng, bị muỗi đốt quá, chúng tôi sẽ ghẻ kềnh ghẻ càng. Kệ xác chúng tôi. Đây người ta gửi tạm chúng tôi, thành ra xem chúng tôi như khách trọ, như tù… ghẻ! Ai thiết nghĩ đến bọn tù vỉa hè lưu manh, trộm cắp. Cứ thế, quen dần, chúng tôi ở ô đã bảy ngày căn cứ vào bảy nét gạch mà Mai bím gạch vô tường bằng cây đinh lượm lén. Nó bảo tôi tường tù là lịch. Gạch đủ ba trăm sáu mươi nhăm gạch sẽ hết cuốn lịch!“Tao có thuốc lào, tức nỗi chưa có đồ chế ống điếu,” Mai bím nháy mắt tinh quái. Nó kê với tôi rằng, những ngày ở khu FG, nó biết sẽ bị đẩy đi nơi khác, sợ “đồng đất xứ người” thiếu thuốc nên nó đã chôm được hộp quẹt và đêm đi chợ gom góp được nửa bánh thuốc lào. Mai bím lân la đến chỗ người hút thuốc để nhòm giỏ, ngắm bị. “Tao còn chôm được cả bàn chải, thuốc đánh răng, quần xà lỏn, khăn mặt và muối đậu,” Mai bím khoe thành tích. Nó xin ai cái bị cói. Chắc chắn người ta đã cho nó, vì cái bị cói chẳng xứng đáng gì mà chôm thì lộ ngay. Trong bị của Mai bím, tôi thấy toàn những đồ vất đi, chả hạn, bịch ny-lông gói các thứ thăm nuôi lặt vặt đã liệng vô thùng rác. Mai bím lượm lấy, rửa sạch, phơi khô, sắp xếp vào bị. Nó khoái nhất cái bình đựng tàu vị yểu một lít, cái bình đẹp có quai cầm. “Mẹ kiếp, chỉ còn thiếu cái ống nhựa làm xe điếu,” Mai bím làu bàu rồi vò đầu, bứt tai nghĩ mưu kế. Phía trong sân bỗng ồn ào tiếng xối nước. Đôi mắt Mai bím sáng rực. Nó bắt một thằng nhãi kênh nó lên cao sát tường để nó nhảy bám song sắt. Mai bím y hệt con khỉ. Nó toét miệng cười. “Hôm nay khu AH tắm,” Mai bím báo cáo tình hình và trổ tài gạ gẫm. Tù nhân người lớn hứa hẹn với nó đủ thứ. Lần lượt, bọn nhãi thay phiên nhau bám song sắt cửa gió nhòm tù tắm và đấu láo.- Tại sao khu FG không tắm chỗ này, Mai bím?- Bên kia có hồ nước, mày quên à?Tôi quên thật vì tôi quá nhớ chú Tường. Giá chúng tôi cứ ở khu AH, những ngày còn ngơi Chí Hòa, tôi có thể gặp chú Tường mỗi tuần hai lần bằng cung cách của loài khỉ. Niềm vui của chúng tôi là đợi ngày tù được tắm để bám cửa gió chuyện trò, xin xỏ thức ăn, thuốc hút. Dẫu chúng tôi biết người ta sợ kỷ luật, sợ cúp tắm không dám cho, chúng tôi vẫn cứ xin. Tôi thì không xin gì cả, không quen xin ai nhưng thấy người lớn tôi tưởng cha tôi, thấy chú Tường nên lòng tôi bớt buồn bã. Trò chơi bám cửa gió sáng nay giúp Mai bím một sáng kiến. Nó lục bị kiếm miếng i-nốc nhỏ mài sắc và lôi cái bình tàu vị yểu ra. Mai bím khoét cái lỗ nhỏ giữa cái nắp bình và sát chỗ vặn nắp, nó khoét thêm cái lỗ nhỏ nữa. Nó lấy vỏ kem đánh răng, miết phẳng phiu rồi gò cái phễu nhỏ. Miệng phễu chứa đủ điếu thuốc lào tầm cỡ. Đuôi phễu cắm vào cái lỗ đã khoét giữa cái nắp. Cái đuôi phễu dài trông buồn cười lắm. Mai bím đốt bao ny-lông cho nhựa chảy quanh cái lỗ giữa cái nắp. Nhựa làm thành con đê tròn, kín mít. “Thế là xong cái nõ,” Mai bím nhìn tôi, “Tao biết mày có cây bút Bic. Thứ đó là xe điếu tối tân đấy, Vũ ạ! Nhưng chú Tường cho mày, tao không dám xin. Tao nó mắt thần, thấy hết đồ của mày trong túi xách.” Tôi bảo nó cứ lấy cây bút của tôi làm xe điếu, nó xoa tay: “Phí của, đã có xe điếu của nhà nước.” Mai bím dọn dẹp đồ nghề, trừ miếng i-nốc, con dao quí báu của bất cứ dân tù nào. Nó ra lệnh cho một thằng nhãi đem cái xô tới. Mai bím gỡ quai xô, tháo béng cái ống nhựa bọc ngoài quai sắt. Nó lắp quai vào xô, xoa tay: “Cám ơn nhà nước ta đã biếu ông cái xe điếu.” Mai bím đo kỹ lưỡng rồi cắt ống nhựa ra làm đôi. Khúc ngắn đút vô cái đít phễu, khúc dài cắm xuống cái lỗ nhỏ trên bình nhựa. Mai tài quá, nó khoét lỗ, gò đít phễu vừa khít ống nhựa. Nó ra hồ nước, đổ nước vào bình. Nó rít. Chưa được. Nó gạn vợi nước ra. Vặn nắp nỏ. Lại rít thử. Có tiếng kêu lọc xọc. Được rồi. Mai bím đã hoàn thành một công trình tuyệt tác.Nó trở về chỗ của nó, thò tay vô bị cấu véo một đúm thuốc lào. Nó cấu véo thật lâu, khiến những đứa đang bu quanh nó ngỡ nó tìm kiếm. Mai bím khôn chúa. Nó chửi thề lia lịa rồi làm bộ vui mừng: “Có thế chứ, mẹ kiếp, xin rã họng mới được vài bi.” Bọn nhãi đâu ngờ nó đã chôm nửa bánh. Mai bím vê nhẹ một điếu thuốc bỏ lên miệng nõ. Nói theo kiểu tù, nó đã nạp đạn và dọn bãi đáp. Đủ mười tám thằng tù nhãi chầu chực Mai bím, nuốt nước miếng ừng ực thèm thuồng. Mai bím thừa hiểu dân vỉa muốn gì. Bởi vì, nó đã từng muốt nước miếng đợi chờ sấy cái, sái nhất hay sái nhị, nó đã từng bị sai vặt như nô lệ để rít một dúm khói thừa. Nó tâm sự với tôi thế, khi tôi bảo nó đừng hút thuốc nữa. “Phải tập để không thèm khát thứ gì,” chú Tường mới dạy tôi và tôi thấm bài học đầu đời tù ấy, lúc này.Mai bím bây giờ, quyền uy hơn thượng đế, hơn vua tù, hơn cán bộ quản giáo. Nó ngồi xếp chân bằng tròn trước khẩu súng đã nạp đạn. Nó im lặng, thành thử, bọn nhãi đành ngậm miệng. Sung sướng trong nỗi thèm thuồng của những kẻ đồng cảnh ngộ, Mai bím ông ổng ngâm thơ: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.” Nó gật gù, đắc chí:- Coi chừng tao chỉ có một que diêm thôi đấy nhé!Mai bím nói vu vơ. Thế mà bọn nhãi nhao nhao như ba quân cải lương “dạ dạ” chủ tướng.- Tao có đóm giấy.- Tao có tờ bìa, đừng lo.Một thằng tâng bốc:- Mày chế cái điếu xiện nhất thế giới, Mai bím ạ!Thằng khác nịnh ra mặt:- Cả nước biết tiếng Mai bím.Mai bím thờ ơ trước những lời tán tụng của thần dân. Nó lạnh nhạt:- Có vậy thôi à? Tao đâu thiếu đóm. Cả nước chứ cả thế giới biết tiếng tao, tao cũng đéo ham. Thuốc lào là nhất. Ở tù có thuốc lào là có tất cả: có cơm, có tẩm quất, có quạt, có lu bù… Vỉa hè và Tế Bần, Chí Hòa dạy tao thế. Tao từng bợ, còn bợ hơn tụi bây nữa, bợ rã họng, bợ run tay chân, đéo thằng nào cho hít suông. Ậy, cái chó đẻ là hễ cho hít suông, cho sấy, hít rồi ông chửi lén cho bõ công bợ. Hề hề, đời mà mày!- Anh em khác chứ mày.- Thuốc lào lại đéo khác. Ba số tám hay ba số năm, Cái Sắn hay Vĩnh Bảo hít cũng đều ra khói.Mai bím quẹt que diêm. Nó hơi cuối xuống ngậm ống điếu, bập bập vài cái rồi rít đẫy đà. Nó ếm khói giây lát. Khi nó nhả khói là nó lăn kềnh trên bãi đáp, mắt lim dim, tim đập mạnh, chân tay múa máy. Thật sự phê. Nhịn cả tuần, nay được hút trong nỗi thèm của bọn nhãi, trong niềm kiêu hãnh của nó, Mai bím say một điếu thuốc quên đời. Bọn nhãi vẫn đứng yên không dám vồ điếu, sợ Mai bím tỉnh dậy cho ăn đòn. Với lại cũng chẳng có lửa. Hoàng đế Mai bím thủ kỹ hộp quẹt. Con say thuốc ngắn ngủi, Mai bím đã ngồi dậy. Nó ra giá sấy. Sái nhất tẩm quất, sái nhị quạt. Tẩm quất từ một đến hai nghìn. Quạt năm nghìn lần. Bọn nhãi bằng lòng ngay. Điếu thuốc o li nhin một phần cơm nhưng Mai bím chê cơm vì cơm dạo này ê hề, ăn không hết. Khi nào Mai bím hút mới được sấy. Mỗi ngày Mai bím hút mười điếu thì có mười thằng hưởng sái nhất, mười thằng sái nhị. Cứ sấy đi, tối luân phiên đấp bóp và quạt. Có thằng gạ đổi quần xà lỏn lấy một điếu thuốc nguyên chất, đẫy đà. Rất nhiều thằng, suốt đời tù, chỉ biết sấy.Mai bím hỏi tôi:- Mày thấy chưa?Tôi hỏi lại nó:- Thấy cái gì?- Giá trị của thuốc lào.- Tao chỉ thấy mày độc ác.- Tao độc ác thì đúng rồi. Nhưng mày coi, có ai hiền lành với tao đâu. Chú Tường cho mày đủ thứ, cho tao cái gì? Đời độc ác với tao, tao độc ác lại. Họa có mày tao không độc ác thôi, Vũ ạ!- Tại sao mày không độc ác với tao?- Tao không biết nữa.- Mày có sợ tao độc ác với mày không?- Mày thì độc ác cái đếch gì. Hơi tí là khóc. Mày hiền như con kiến gió. Đéo hiểu tại sao tao khoái mày!- Tại tao không biết hút thuốc.- Rỡn mày, Vũ. Mày có xin thuốc liệng đi tao cũng cho. Mà, Vũ…- Gì?- Mày khù khờ lắm, mày đừng xía vào việc của tao, nghe. Mày cứ hiền lành, thây kệ mày, nhà tù sẽ làm mày hết hiền lành. Còn tao cứ độc ác, thây kệ tao, tao không độc ác với mày là đủ, nhưng đứa nào độc ác với mày, tao sẽ bóp cổ nó chết tươi.- Tại sao vậy, Mai bím?- Tao đéo biết.Mai bím rất lạ lùng. Đáng lẽ nó phải độc ác với tôi, nó lại độc ác với những thằng cầu bơ cầu bất trong cuộc đời như nó. Có lẽ, Mai bím xử sự đúng. Vỉa hè khốn khó và nhà tù khốn kiếp đã dạy nó lớn lên, khôn ra để độc ác, ích kỷ, hèn hạ. Tôi may mắn, chưa kéo dài đời mình trong nhà tù nên mới nghĩ Mai bím độc ác chăng? Thôi, kệ nó, Mai bím muốn sống theo ý nó, tôi chẳng mất công xía vô. Nó rất thú vị cái điếu và thuốc lào của nó. Bọn nhãi thèm phê hơn cả thèm được thả ra. Mai bím chọn vài thằng trông ngầu nhất, ban cho mỗi đứa một điếu nguyên chất không cần điều kiện chi cả. Nó không quên chọn thêm những thằng sái nhất, sái nhị. Mai bím mất một dúm thuốc, cả phòng mang ơn nó. Nó lại hỏi tôi:- Mày thấy chưa?- Thấy cái gì?- Giá trị của thuốc lào.- Tao chỉ thấy mày…- Độc ác phải không? Mẹ, kinh nghiệm xương máu đấy, con ạ! Thuốc lào sẽ giúp mình ngủ yên giấc, khỏi sợ tụi nó giết mình, cướp hết thuốc của mình. Tao dại gì cho không, hút điếu thuốc nguyên là có bổn phận trung thành với tao, là phải canh gác cho tao ngủ, là đứng về phe tao. Ông cai trị phòng giam bằng thuốc lào. Không lẽ đêm đêm tao và mày ngủ gà ngủ vịt? Phải có quân hầu, đầy tớ canh gác, sai bảo.- Cán bộ cấm trò này.- Cán bộ cấm nhưng thuốc lào cho phép.Tôi cãi không lại Mai bím. Hơn tôi một tuổi thôi mà nó xứng đáng làm thầy tôi trong nhà tù. Thuốc lào của nó thật giá trị. Nó ngủ ngon ơ sau những phiên tẩm quất và quạt đền ơn của bọn nhãi. Mai bím chia phần tẩm quất và quạt cho tôi. Tôi nói không thích tẩm quất, nó tăng phần quạt. “Để muỗi đỡ cắn mày,” nó nói: “lệnh của tao, cấm mày cãi.” Tôi được mười thằng quạt, mười tên sái nhị của sư phụ thuốc lào. Năm mươi ngàn lần quạt đi quạt lại đủ đánh một giấc ngủ vùi không sợ muỗi. Tôi thấy bất nhẫn quá nhưng không dám cãi Mai bím. Nó đã dọa tôi: “Mày cãi lệnh tao là mày xóa bỏ luật tù, là cả tao lẫn mày sẽ bị tụi nó chọc đui mắt.” Qua vài đêm ngủ quạt, tôi chán ngán vì bị ray rứt, nhường hết phần cho Mai bím. Nó từ chối thẳng thừng. Nó rất tử tế với tôi đủ chuyện và rất độc ác với tôi chuyện hưởng phạt. Nó bắt bọn nhãi quạt đủ số đếm cho tôi dù tôi có bảo ngừng sớm. Bọn nhãi sợ bị cúp sấy thuốc, năn nỉ tôi nằm yên để chúng quạt. Tôi xin thuốc nguyên tặng bọn sái nhị. Mai bím từ chối: “Mày cứ việc lấy thuốc ném vô cầu tiêu, tao không giận mày đâu. Nhưng xin cho chúng nó hút, một sợi tao cũng giữ.”Tôi nhất định không xía vào chuyện của Mai bím nữa. Nó bảo sao, tôi làm vậy. Mai bím bẻ cái khuôn bằng vỏ hộp kem đánh răng, đốt bao ny-lông đúc một bộ đô mi nô. Bây giờ, tôi mới hiểu nó nhặt bao ny-lông, tích trữ để làm gì. Loay hoay nửa buổi, nó đúc xong hai mươi tám con cờ. Bọn nhãi mài mặt, mài cạnh nhẵn bóng. Qua hôm sau, Mai bím đốt nóng đầu cái đinh, khò nhẹ trên mặt từng con cờ đô mi nô những lỗ nhỏ thật đều, thật đẹp. Nó vạch một đường thẳng chia đôi mặt cờ rất điệu nghệ. Hằng ngày, Y tế của khu đem thuốc ghẻ đỏ, xanh cho chúng tôi xức ghẻ, Mai bím đã khôn ngoan sớt một ít để dành. Nó bóp kem đánh răng trăng trộn với thuốc đỏ, thuốc xanh, miết lên mặt cờ. Rồi lau sạch sẽ. Thế là chúng tôi có bộ đô mi nô ba màu. “Hôm này tao giả đò sốt rét, nó phát ký ninh, mình sẽ có thêm màu vàng,” Mai bím bảo tôi thế. Nó đưa từng cờ ấy vô má, vô mũi, vô trán mài miết. Chất nhờn ở da mặt Mai bím làm bộ cờ lên nước tuyệt mỹ. Nó đưa bộ đô mi nô cho tôi:- Tao làm tặng mày. Kỷ niệm Chí Hòa nghe, Vũ. Thấy mày ủ rũ tao rầu thối ruột. Chơi đô mi nô giải sầu mày ạ!- Công phu mày…- Hừ, ông đã đúc hàng trăm bộ. Mai tao đúc bộ cờ tướng nữa. Để lượm được khúc dây điện làm dùi ngon, tao đúc và khắc tặng mày bức tượng Phật đeo hộ mạng.- Tao theo đạo Chúa.- Thì tao khắc hình Chúa.- Mày cũng biết Chúa à?- Lạ gì, cái ông bị đóng đinh treo ở nhà thờ, tao quen biết mặt. Tao nghề khắc Phật, Chúa. Cái bà Đức mẹ thì tao lơ mơ vì chưa khắc lần nào. Còn Chúa, Phật, ông khắc cả mấy chục lần.- Mày làm tặng anh em à?- Sức mấy, tao đổi lấy… thuốc lào! Chúa thương tao hơn Phật mày ạ!- Sao mày rõ?- Chúa đổi được mười bi xiện, Phật giá chót là tám bi.Tôi cười. Mai bím cười theo. Rồi tôi cười rũ rượi, ôm bụng cười. Mai bím ngạc nhiên:- Cười dữ vậy, mày?Tôi ôm lấy Mai bím:- Tao thương mày.Mai bím gỡ nhẹ tay tôi ra:- Vậy là tao có thể chết vì mày, Vũ ơi! Tao chỉ lo mày ghét tao.Có bộ đô mi nô rồi cờ tướng, căn phòng của chúng tôi sinh động. Chúng tôi đánh cờ ăn đấm lưng, ăn quạt và bị uống nước. Nhiều thằng thua, uống nước căng bụng hết ăn cơm. Tối ngày giết bò và triệt, tôi không còn thì giờ nghĩ đến ngày về. Người ta cũng chẳng hỏi han gì đến chúng tôi. Ngày hai bận, người ta mở cửa lùa thùng cơm, thùng canh, nước sôi vào cho chúng tôi ăn uống như cho heo, cho ngựa ăn. Chúng tôi chưa bị bệnh gì nặng ngoài bệnh ghẻ. Vài đứa ghẻ mủ khắp người. Ghẻ mủ ở các kẽ tay không cầm được muỗng múc cơm phải nhờ bạn xúc hộ. Ghẻ mủ đến nỗi nằm úp, nằm ngửa, nằm nghiêng đều đau đớn, đành ngồi kiểu nước lụt mà ngủ. Và đi ỉa là một tai họa. Lỗ đít cũng mọc mụn ghẻ! Có thằng đi ỉa xong, đứng khóc, không nhờ ai rủa đít giùm, tay nó xòe đủ mười ngón, múc nước không nổi. Ghẻ mủ tanh tưởi, lợm giọng. Chỉ có thuốc đỏ, thuốc xanh. Thằng ghẻ mủ này khều mụn ghẻ cho thằng ghẻ mủ kia, tắm cho nhau bằng nước lã chẳng kiếm đâu ra xà phòng, rồi mặc lại quần áo đều máu mủ khô rom!Vào những ngày phòng chúng tôi bị dịch ghẻ, người ta tống thêm nhiều ranh con càn quét ở đầu đường xó chợ vô. Mỗi hôm dăm bảy đứa, cho đến khi đông nghẹt. Trưởng phòng Mai bím hò hét chia tổ, chia chỗ nằm, chia cơm nước thật vất vả. Được cái phòng không phải làm danh sách và điểm số. Mai bím bắt đầu lo lắng, vội vàng chỉ định Hòa rỗ giữ chức phó phòng và Ba méo, trật tự viên. Nó tặng mười tám thằng cũ mỗi thằng một điếu thuốc nguyên để kéo vây cánh đối phó bọn mới. Chưa có gì xảy ra và sẽ chẳng có gì xảy ra. Qua tuần lễ, sinh hoạt phòng trở lại không khí cũ, ồn ào suốt ngày và bệnh ghẻ gia tăng. Tôi cũng bị ghẻ nước rồi. Đêm tối là lúc hoạt động của cái ghẻ. Bọn vi trùng quái ác này làm tôi ngứa ngáy không sao ngủ nổi. Tôi bỗng có ý nghĩ muốn chết. Tôi tuyệt vọng. “Không bao giờ có tuyệt vọng,” chú Tường đã dạy tôi thế. Nhưng chú Tường ở khu FG, tôi ở cái ô tệ mạt này, chỉ có Mai bím xức thuốc xanh đầy mình mẩy dùm tôi và quả quyết chúng tôi sắp rời Chí Hòa.