Nhà cô Tư có rất nhiều phòng ngủ. Trừ phòng riêng của cô, còn lại cả thảy là bốn phòng. Phòng nào phòng nấy đều có một chiếc giường đôi rộng rãi, nệm gối đầy đủ, lại có cả tủ treo quần áo, bàn ngồi uống trà và toi-lét riêng. Cô Tư xây nhiều phòng như vậy ý chừng để mai mốt cho khách du lịch thuê. Khi khách chưa tới thuê thì bọn Quý ròm tha hồ thụ hưởng. Cô Tư phân cho mỗi đứa một phòng khiến đứa nào đứa nấy sướng mê tơi. Nhưng đó là nói lúc chưa đi chơi chùa Phật nằm. Còn bây giờ, sau khi tình cờ trông thấy bài thơ khủng khiếp kia rồi, chẳng đứa nào muốn ở một mình một phòng nữa. Ăn cơm trưa xong, sau khi chụm đầu bàn bạc một hồi, bọn trẻ phân công thằng Mạnh vào nhà kho lôi chiếc giường sắt cá nhân đã xếp xó tự đời nảo đời nào ra chùi rửa cẩn thận rồi vác vào phòng Tiểu Long. Nhỏ Hạnh sẽ ngủ trên chiếc giường đó. Còn Tiểu Long, Quý ròm và thằng Mạnh sẽ chen chúc nhau trên chiếc giường đôi kê ở giữa phòng, ba phòng còn lại đành bỏ trống. Cái lối ăn ở của bọn trẻ khiến cô Tư há hốc miệng: - Sao các cháu không ở mỗi đứa một phòng cho rộng rãi, chui hết vào đây làm chi cho chật chội? - Dạ, không sao đâu cô! - Quý ròm cười cầu tài - Ở chung nói chuyện mới vui! Tất nhiên cô Tư chỉ biết lắc đầu chịu thua. May mà bọn Quý ròm không phải là khách du lịch. Nếu khách du lịch cũng khoái cái kiểu ba, bốn người chất vô một phòng như thế này thì ý đồ kinh doanh của cô chắc phải dẹp sớm! Cô Tư vừa khép cửa đi ra, Quý ròm đã tót ngay lên giường nằm nhắm mắt lại. Hồi sáng đi đường nhọc mệt, lúc xuống xe nó đã buồn ngủ. Khi nãy, chạy thục mạng từ chùa Phật nằm về nhà, xương cốt rã rời, nó càng buồn ngủ tợn. Nó tưởng hễ ngả lưng xuống nệm là nó sẽ ngáy khò khò như mọi bữa ngay. Nhưng nằm nhắm mắt một hồi, Quý ròm ngạc nhiên phát hiện ra mình đang... thức. Những câu thơ kỳ bí trên bức tường trước cổng chùa Phật nằm cứ lảng vảng trong óc khiến Quý ròm rơi vào trạng thái lạ lùng. Tay chân xụi lơ, cơ thể mỏi nhừ nhưng đầu óc lại tỉnh như sáo. Xoay trở một hồi vẫn không ngủ được, Quý ròm ngóc cổ nhìn qua chỗ nhỏ Hạnh nằm, gọi khẽ: - Hạnh nè! - Gì? Nhỏ Hạnh nhổm dậy, hỏi. Hóa ra nó cũng thao thức nãy giờ. - Sao tôi thấy vô lý quá! - Quý ròm tặc lưỡi. - Vô lý chuyện gì? - Chuyện bài thơ đó! Tụi mình mới xuống Vũng Tàu sáng nay, làm gì đã có ai biết mà làm thơ dọa dẫm! - Hạnh cũng nghĩ vậy! - Nhỏ Hạnh vỗ vỗ trán theo thói quen - Hơn nữa, làm sao họ biết mình ghé chùa Phật nằm mà đề thơ ở đó! - Ờ há! Vô lý thật! - Tiếng Tiểu Long đột ngột vang lên sau lưng. Quý ròm giật mình quay lại, thấy Tiểu Long và thằng Mạnh đã ngồi dậy từ hồi nào. Tiểu Long gật gù tiếp: - Vả lại tụi mình đâu phải là những nhân vật gì ghê gớm mà người ta theo dõi, hăm he! Mạnh ngồi bên, ngứa miệng xen vào: - Nhỡ đây là bọn chuyên bắt cóc thì sao? Quý ròm chột dạ, quay qua nạt thằng em: - Mày lúc nào cũng nói bậy nói bạ! Người ta bắt cóc tụi tao làm gì? - Làm sao em biết được! - Mạnh bướng bỉnh - Có thể người ta bắt cóc để tống tiền hoặc bắt qua các nước khác làm nô lệ chẳng hạn! Giả thuyết của thằng Mạnh càng làm Quý ròm thêm đau tim. Nó mắng át: - Mày chuyên coi phim xã hội đen nên đầu óc lúc nào cũng nghĩ toàn chuyện gì đâu không! Thấy mình nhiệt tình đóng góp ý kiến mà không hiểu sao ông anh lại sửng cồ, mặt mày đỏ gay cứ như mấy con gà chọi, Mạnh nản quá bèn ngồi im, không thèm tham gia phát biểu nữa. Dẹp được cái miệng xúi quẩy của thằng em, Quý ròm yên tâm quay sang nhỏ Hạnh: - Hạnh đã đoán được manh mối gì chưa? - Chưa! - Nhỏ Hạnh lắc đầu. - Nếu bài thơ đó không phải viết về tụi mình thì nghĩ ngợi làm gì cho mất công! - Thấy hai bạn mình đăm chiêu khổ sở, Tiểu Long liền lên tiếng - Cứ ngủ một giấc, chiều dậy ra biển tắm là khỏe nhất! Lý lẽ của Tiểu Long đơn giản nhưng đầy thuyết phục. Quý ròm vươn vai: - Tiểu Long nói đúng! Phải ráng ngủ mới được! Nói xong, nó liền ngã lăn đùng ra giường. Cả bọn lập tức làm theo. Gạt khỏi nỗi lo âu ra đầu óc, chẳng bao lâu ba ông nhóc đã ngáy pho pho. Chỉ có nhỏ Hạnh là vẫn trằn trọc. Những câu thơ quỉ quái kia cứ bám lẳng nhẳng trong trí nó, không tài nào giũ đi được. Nó không tin những câu thơ này nhằm vào tụi nó nhưng lời lẽ lạ lùng của bài thơ cứ khiến nó loay hoay nghĩ ngợi. Nó chưa bao giờ thấy những câu thơ kỳ dị kiểu như "Trang hoàng những hiểm nguy". Không một người bình thường nào đi viết những câu như vậy cả. Cách diễn đạt này có một vẻ gì đó khác thường, phi lý. Nhưng tại sao cái phi lý đó lại được viết ra thì nó không tài nào hiểu nổi. Nhỏ Hạnh cứ nghĩ, nghĩ hoài. Sự thôi thúc khám phá những bí ẩn của bài thơ khiến nó trở nên lờ đờ, chậm chạp. Ngay cả khi ba ông nhóc đã thức dậy và lục tục kéo nhau vào toi-lét thay đồ tắm, nó vẫn chưa rời khỏi giường. Quý ròm là kẻ cuối cùng rời khỏi toi-lét, thấy nhỏ Hạnh vẫn còn nằm thẫn thờ trên giường, liền la rầm: - Trời ơi là trời! Hạnh ơi là Hạnh! Bộ Hạnh tính làm công chúa ngủ trong rừng hay sao mà còn nằm ườn ra đó! Cho tới lúc đó, nhỏ Hạnh mới chịu đứng lên. Nhưng ngay cả đang thay đồ, đầu óc nó vẫn không ngừng làm việc. Dường như những ý nghĩ của nó đã bị cột chặt vào những câu thơ, không làm sao tách ra được. Bỏ mặc cô công chúa lề mề trong phòng, Tiểu Long, Quý ròm và thằng Mạnh kéo nhau xuống dưới cổng đứng đợi. Chưa tới năm phút, cả bọn đã thấy nhỏ Hạnh lật đật chạy xuống. Nó vừa nhảy qua các bậc đá vừa la toáng: - Hạnh tìm ra rồi! Hạnh tìm ra rồi! Đang bực nhỏ Hạnh về cái tội chậm chạp, giờ lại nghe nó hét điếc cả tai, Quý ròm nheo mắt giở giọng cà khịa: - Bộ hồi sáng Hạnh để lạc bịch bò viên ở đâu, giờ mới tìm ra hả? Nếu gặp lúc khác, nhỏ Hạnh đã chửi Quý ròm tắt bếp, nhất là thằng này mới thề sống thề chết sẽ không bao giờ đụng đến đề tài bò viên đầy riêng tư này nữa. Nhưng đang cơn hào hứng, nhỏ Hạnh đâm ra dễ dãi. Nó chỉ "xì" một tiếng: - Vô duyên! Ai đem theo bịch bò viên hồi nào? Quý ròm cười cười: - Chứ vừa rồi Hạnh bảo Hạnh tìm ra cái gì vậy? Mặt mày nhỏ Hạnh rạng rỡ: - Hạnh tìm ra ý nghĩa bí mật của bài thơ! Quý ròm, Tiểu Long và Mạnh, cả ba cái miệng cùng lúc há hốc: - Ý nghĩa bí mật của bài thơ? - Ừ. - Ý nghĩa sao? - Quý ròm hồi hộp - Có liên quan gì đến tụi mình không? - Quý cứ yên tâm! - Nhỏ Hạnh thừa dịp trả đũa vụ bò viên vừa rồi - Bài thơ này chẳng dính dáng gì đến bắt cóc tống tiền hay bán làm nô lệ đâu! Biết nhỏ Hạnh châm chọc thái độ chết nhát của mình nhưng Quý ròm chẳng nghĩ ra cách nào chống đỡ. Nó đành phớt lờ, hỏi: - Vậy bài thơ dính dáng đến chuyện gì? - Hạnh cũng chẳng rõ! Câu trả lời của nhỏ Hạnh khiến Quý ròm nổi dóa: - Hạnh đùa kiểu gì kỳ vậy? Sao khi nãy Hạnh bảo Hạnh đã tìm ra ý nghĩa bí mật của bài thơ? Nhỏ Hạnh chớp mắt: - Hạnh chỉ không rõ bài thơ dính dáng đến chuyện gì thôi! Còn ý nghĩa của bài thơ thì Hạnh biết! Ý nghĩa của nó nằm ở chữ đầu của mỗi câu! - Chữ đầu của mỗi câu? - Quý ròm chưng hửng. Nhỏ Hạnh gật đầu: - Ừ, không tin, Quý ráp bốn chữ đầu của mỗi câu lại coi! Quý ròm nhíu mày. Những câu thơ nhanh chóng hiện ra trong óc nó: Ở ngoài sương ngoài gió Trang hoàng những hiểm nguy Ba người đi đến đó Bảy ngày không trở về Theo như nhỏ Hạnh phát hiện, bí mật của bài thơ này nằm ở những chữ đầu câu. Như vậy, ý nghĩa của bài thơ nằm ở bốn chữ "Ở trang ba bảy". Quý ròm vừa suy nghĩ vừa gục gặc đầu. Ừ, "ở trang ba bảy" nghe cũng có lý. Nhưng cái gì ở trang ba bảy? Và trang ba bảy mà bài thơ nhắc tới là trang ba bảy nào? Nó nằm ở đâu? Vốn là vua giải câu đố lão luyện, đầu óc của Quý ròm nhanh chóng bị kích thích. Từ khi ghé chùa Phật nằm đến giờ, bị nỗi hãi sợ bao phủ, Quý ròm không còn giữ được sự tỉnh táo và nhạy bén thường ngày. Hơn nữa, nó không bao giờ nghĩ bài thơ trên tường kia là một bài thơ đánh đố, vì vậy nó không hướng suy nghĩ vào việc đi tìm cách giải. Thấy Quý ròm và nhỏ Hạnh cứ cắn môi đi tới đi lui, Mạnh ngoắt Tiểu Long và hai đứa nháy nhau rón rén leo trở lên các bậc cấp. Vừa bước qua khỏi cửa, Mạnh chạy ù đến chỗ kệ sách, lôi hết cuốn này đến cuốn khác bày đầy ra sàn nhà. - Mày làm gì vậy? - Tiểu Long ngạc nhiên hỏi. Mạnh đáp, tay vẫn không ngừng lục lọi: - Lấy sách ra, em và anh tìm! Tiểu Long vẫn không hiểu: - Tìm gì? - Em cũng chả biết tìm gì nhưng mình cứ lật tất cả những trang ba bảy! - Mạnh khịt khịt mũi - Biết đâu em và anh sẽ phát hiện ra một điều gì đó! Sáng kiến của thằng Mạnh khiến Tiểu Long dở khóc dở cười. Nhưng thấy thằng này đã nhiệt tình lôi toàn bộ sách trên kệ xuống và vứt ngổn ngang vương vãi đầy mặt đất, Tiểu Long chẳng còn cách nào hơn là ngồi thụp xuống mò mẫm đánh vật với những cuốn sách. Thôi thì không thiếu sách gì! Từ lịch sử, đạo đức đến hình học, đại số, thêm một lô truyện cổ tích và truyện trinh thám, nói chung hễ vớ phải cuốn nào, Tiểu Long và Mạnh đều hăm hở lật ra ngay trang ba bảy, trợn mắt ngắm nghía, dò tìm. Trong khi hai đứa đang hì hục bới tung cả đống sách thì nhỏ Hạnh và Quý ròm thò đầu vào. - Trời đất! Tụi mày làm trò gì vậy? - Quý ròm thô lố mắt. Mạnh ngước lên, bối rối: - Em và anh Tiểu Long định xem thử có gì đặc biệt trong những trang ba bảy này không! - Thôi đi hai ông tướng! - Quý ròm nhếch mép - Tìm trong đó thì dù tìm đến già cũng đừng hòng mò ra được điều gì! - Chứ không tìm trong này thì tìm ở đâu? - Mạnh gãi cổ. - Tìm trong chùa Phật nằm! - Nhỏ Hạnh hắng giọng đáp thay. Mạnh ngơ ngác: - Trong chùa Phật nằm? - Đúng vậy! - Nhỏ Hạnh gật đầu - Bài thơ chép trước cổng chùa thì cái trang ba bảy bí mật kia phải nằm ở một cuốn sách nào đó trong chùa! - Nhưng trong chùa làm gì có sách! - Mạnh ương bướng - Chùa chiền chứ đâu phải làm thư viện! Nhỏ Hạnh đáp gọn: - Chùa có kinh Phật. - Thôi đừng thắc mắc lôi thôi nữa! - Quý ròm nôn nóng - Thay đồ lẹ đi, rồi lên chùa! Cả bọn lại lục tục kéo nhau vào toi-lét, trút bỏ đồ tắm. Tiểu Long chép miệng: - Đi Vũng Tàu mà rốt cuộc chẳng được xuống biển, chỉ toàn leo núi! Nghe vậy, Quý ròm an ủi: - Mày đừng lo! Tụi mình còn những sáu ngày nữa kia mà! Khám phá xong bí mật của trang ba bảy này rồi là tụi mình nhào xuống biển ngay! Đúng như nhỏ Hạnh dự đoán, trên bệ thờ trong chùa Phật nằm có để sẵn mấy cuốn kinh Phật. Theo sự phân công trước, Tiểu Long, Quý ròm và Mạnh giả vờ đi tới đi lui ngoạn cảnh để đánh lạc sự chú ý của những người chung quanh. Trong khi đó, nhỏ Hạnh lân la lại gần bệ thờ lén mở mấy cuốn kinh ra xem. Ba ông nhóc vừa đi loanh quanh vừa hồi hộp liếc chừng về phía nhỏ Hạnh. Đến khi thấy nhỏ Hạnh buông mấy cuốn kinh xuống và rảo bước ra cửa, cả bọn lập tức co cẳng chạy theo. - Sao, có gì lạ không? - Quý ròm vừa đuổi tới nơi đã hỏi ngay. - Chẳng có gì đặc biệt cả! Câu trả lời của nhỏ Hạnh khiến cả bọn xuôi xị. - Vô lý! - Quý ròm cau mày - Ít ra cũng phải có điểm gì khả nghi chứ? Nhỏ Hạnh thở dài: - Hạnh đã xem kĩ rồi! Chẳng có điểm gì gọi là khả nghi! Không tin thì Quý chạy vào xem lại lần nữa đi! Quý ròm hít một hơi dài và quay đầu nhìn vào bên trong. Bất chợt ánh mắt nó dừng lại ở cuốn sổ lưu niệm treo tòng teng ở góc bệ thờ. - Kia rồi! - Quý ròm cố kềm giọng để nén một tiếng reo. - Gì vậy? - Cả ba cái miệng cùng hỏi. - Cuốn sổ lưu niệm. Nhỏ Hạnh cũng vừa kịp nhìn thấy cuốn sổ. Nó liếc Quý ròm: - Quý với Hạnh vô đi! Mình giả vờ như đang viết lưu niệm! Thế là để Mạnh và Tiểu Long đứng canh cửa đề phòng bất trắc, Quý ròm và nhỏ Hạnh rón rén quay vào chỗ bệ thờ. Cuốn sổ lưu niệm khá dày, dành cho khách tham quan ghi cảm tưởng. Ở trang ba bảy, Quý ròm và nhỏ Hạnh bắt gặp một dòng chữ ghi ở lề giấy phía cuối trang, chỗ không kẻ dòng, nội dung lại chẳng ăn nhập gì với đoạn văn trên, chứng tỏ nó mới được viết thêm vào. Dòng chữ cực kỳ bí hiểm: "Đá không đỏ, nhà không đen".