Từ sau ngày đó quan hệ giữa tôi và Raip-êphenđi đã trở nên gần gũi hơn. Tôi không dám nói chắc là ông đã thay đổi hẳn trong quan hệ đối với tôi, hơn nữa tôi lại càng không dám khẳng định rằng ông đã hoàn toàn chân thành, cởi mở. Ông vẫn là con người như trước kia - lặng lẽ và kín đáo. Thỉnh thoảng, sau giờ làm việc tôi đưa ông về nhà, đôi khi còn ghé vào chỗ ông chơi. Những lúc như vậy chúng tôi thường ngồi trò chuyện trong phòng khách và ông thường đãi tôi cà phê. Chúng tôi nói những chuyện linh tinh: Về thời tiết, về cuộc sống đắt đỏ ở Ankara, về những dãy phố bẩn thỉu, khủng khiếp ở Ítxmétnasa. Phần lớn thời gian chúng tôi thường ngồi im lặng. Họa hoằn lắm câu chuyện mới liên quan đến gia đình ông. Rất hiếm khi tôi nghe những câu đại loại như: " Con gái lại bị điểm kém về môn toán ". Và ngay sau đó ông thường thay đổi chủ đề câu chuyện. Tôi cố gắng tránh nói những câu không cần thiết. Quan điểm của tôi về những thành viên khác trong gia đình ông có thể nói là không được tốt lắm. Ngay lần đầu đến thăm ông tôi đã có ấn tượng như vậy. Khi chia tay với Raip-êphenđi, tôi nhìn thấy trong phòng khách hai thanh niên lực lưỡng và một cô gái khoảng mười sáu tuổi ngồi quanh chiếc bàn lớn. Họ vừa nói chuyện vừa liếc về phía tôi, thỉnh thoảng lại bật lên cười khanh khách. Tôi không hề làm điều gì đáng để họ cười như vậy cả, song có những kẻ đầu óc rỗng tuếch thường cho mình có quyền cười nhạo tất cả những người khác. Cô bé Nuten cũng tỏ ra không thua kém các cậu và chị mình. Những lần sau đó tôi lại càng tin chắc hơn về quan điểm của mình đối với họ. Mặc dù tôi vẫn còn trẻ, mới có hai mươi lăm tuổi, nhưng tôi không thể nào chịu nổi khi nhìn thấy những kẻ miệng còn hơi sữa cứ trố mắt kiêu ngạo nhìn những người không quen biết. Tôi cảm thấy Raip-êphenđi cũng chẳng thích thú gì không khí trong gia đình. Trong ngôi nhà của mình, ông như một người thừa, không cần thiết cho ai. Sau này khi đã biết đám thanh niên ấy rõ hơn, tôi nhận thấy thực ra họ cũng chẳng đến nỗi là những người xấu hẳn, chỉ có điều họ là những kẻ rỗng tuếch, cực kỳ rỗng tuếch. Chính cái đó đã giải thích sự lố bịch trong những hành động của họ. Hình như họ muốn bằng cách ấy lấp bớt sự trống rỗng trong tâm hồn. Cảm thấy thích thú chế nhạo những người khác, và chính bằng cách đó họ cho người ta chú ý tới mình. Để ý nghe những câu chuyện của họ, tôi lại càng nhận thấy rõ hơn điều ấy. Suốt ngày họ chẳng có việc gì khác là bình phẩm mọi người, ví dụ như hai người đồng nghiệp của họ, những công chức loại thường ở Bộ Kinh tế là Veđát và Đihát hay những người bạn gái của Negiơla - cô con gái lớn của Raip-êphenđi. Họ soi mói đến những chi tiết nhỏ nhặt của những người quen, chế giễu cách ăn mặc cùng với tất cả những thiếu sót của những kẻ tội nghiệp ấy. Nhân đây cũng cần phải nói thêm rằng những thiếu sót ấy họ chỉ nhận thấy ở những người khác mà thôi. - Ôi, bộ quần áo của Muali hôm đám cưới trông mới thộn chứ. Thật là tức cười đến vỡ bụng. Ha, ha, ha!... - Giá mọi người ở đây được tận mắt thấy cái con bé ấy, nó " đá " Orphan của chúng ta thì mới tuyệt chứ! Ha, ha, ha... Đại loại những câu chuyện như vậy, kéo dài mãi không dứt. Người em gái của vợ Raip-êphenđi tên là Phehunđe, có hai đứa con lên ba và bốn tuổi. Mỗi lần chị ta nhờ được bà chị trông hộ con là vội vàng đóng ngay bộ áo váy bằng lụa, vẽ lông mày, tô môi đỏ chót rồi tếch đi chơi ngay. Tôi chỉ nhìn thấy chị ta có vài lần nhưng lần nào cũng bắt gặp đang đứng trước gương sửa sửa những lọn tóc nhuộm hoặc ướm thử chiếc mũ viền đăng ten. Có lẽ chị ta chưa quá ba mươi tuổi nhưng ở hai bên đuôi mắt và má đã thấy xuất hiện những vết chân chim. Trong cặp mắt giống như hai hạt cườm màu da trời, lúc nào cũng thấy phảng phất một sự buồn chán, uể oải. Con cái đối với chị ta quả là một tai vạ trời giáng. Lúc nào cũng thấy chúng mặt mũi lem luốc, chân tay bẩn thỉu. Chính vì vậy nên chẳng lấy làm lạ mỗi khi ra phố cùng với lũ trẻ thường chị ta sợ bọn chúng chạm vào chị, làm bẩn chiếc áo váy. Chồng của Phehunđe là Nurétđin làm trưởng phòng ở Bộ Kinh tế. Anh chàng này có nhiều nét giống Hamđi. Đó là một người đàn ông khoảng ba mươi, ba mươi hai tuổi, có bộ tóc màu hạt dẻ sáng lúc nào cũng được chải chuốt cẩn thận. Ngay một câu nói thông thường nhất là: " Anh sống thế nào? " cũng được anh ta nói bằng một giọng rất trang trọng. Khi nói chuyện với người khác có thể đọc thấy trong mắt anh ta một sự mỉa mai, khinh miệt. Ánh mắt như muốn nói " Biết nói gì với chú em đây? Chú em chẳng biết gì hết và chẳng hiểu gì cả!... " Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, Nurétđin được gửi sang Italia để học tiếp. Tại đấy anh ta đã nhiễm đặc lối sống Ý và học được cách lúc nào cũng tỏ vẻ quan trọng. Nurétđin có biệt tài cần thiết để tiến thân là biết tranh thủ thời cơ thuận lợi làm cho cấp trên tin cậy tuyệt đối. Ngoài ra anh ta còn có thể bày tỏ quan điểm của mình về mọi vấn đề, ngay cả trong những vấn đề mà anh ta hoàn toàn không có một chút khái niệm. Tôi cho rằng có lẽ mọi người trong gia đình đã học được ở anh ta cái lối khinh khỉnh trịch thượng trong cách cư xử đối với người khác. Nurétđin rất biết chăm chút đến cái vỏ bề ngoài của mình. Lúc nào anh ta cũng mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, đường ly là thẳng tắp. Cứ thứ bảy là anh ta dạo khắp lượt các cửa hàng xem xét các thứ bày biện ở đó để chọn mua khi thì đôi giày mốt mới nhất, khi thì đôi tất màu sắc quái dị. Thu nhập của Nurétđin, như sau này được biết, chỉ vừa đủ may sắm quần áo của hai vợ chồng. Còn hai cậu em vợ mỗi tháng lãnh ba mươi lăm lia và tất nhiên là cũng chẳng đủ để ăn diện. Và thế là nghiễm nhiên toàn bộ mọi chi tiêu ăn uống trong gia đình, Raip-êphenđi phải gánh chịu hết. Thế mà không người nào trong gia đình đếm xỉa gì đến ông già khốn khổ cả, ai cũng chỉ biết đến bản thân mình thôi. Vợ của Raip-êphenđi tên là Mirie, mặc dù chưa đến bốn mươi tuổi nhưng trông như một bà già. Đó là một người đàn bà to béo phục phịch với một bộ ngực đồ sộ, chảy xệ xuống. Suốt ngày chỉ thấy bà ta quanh quẩn dưới bếp, còn những lúc rỗi rãi thì ngồi đan tất hoặc là đánh vật với lũ cháu ngỗ nghịch. Mặc dù suốt ngày tất bật như vậy nhưng Mirie cũng chẳng làm cho mọi người vừa lòng. Chẳng ai bận tâm về công việc nội trợ trong gia đình và người nào cũng tự nghĩ rằng mình xứng đáng được hưởng phần tốt hơn mới phải. Mỗi khi ngồi vào bàn ăn họ còn nhăn mũi tỏ vẻ khó chịu. - Món gì thế này? - Nurétđin bực dọc hỏi. Bằng câu ấy anh ta muốn nói: " Hàng trăm lia mà tôi đưa cho chị chạy đi đâu hết rồi? ". Còn hai cậu em cũng tỏ ra không thua kém gì ông anh rể. Đôi khi họ có thể quẳng ra một lúc bảy lia để mua một chiếc khăn phula diêm dúa mà không hề tiếc, vậy mà đến bữa ăn hết người này đến người kia thay nhau hạch sách. - Tôi không ăn món này đâu! - Làm cho tôi món trứng ốp la cơ! - Tôi chưa no gì cả, cho thêm miếng giò nữa! Và thế là Mirie khốn khổ lại phải đứng dậy chạy vào bếp. Thế nhưng nếu cần tiền để mua bánh mì cho bữa chiều thì họ chẳng ngần ngại gì mà không đánh thức Raip-êphenđi đang ốm dậy. Hơn thế nữa họ còn tỏ ra khó chịu khi thấy ông già ốm lâu như vậy và không biết đường dậy mà đi mua bánh mì cho họ ăn. Tuy trong nhà lúc nào cũng bừa bộn, nhưng nhờ sự cố gắng của Negiơla phòng ngoài và phòng khách còn tương đối tươm tất. Trong chuyện này mọi người trong nhà đã ủng hộ Negiơla vì họ cũng muốn huyênh hoang khoe mã bề ngoài với thiên hạ nên mỗi người đã chịu thiệt thòi đôi chút. Mấy năm liền họ đã phải dành dụm tiền để mua một số đồ gỗ trong phòng bằng phương thức trả góp. Nhờ vậy mà bây giờ khách ai đến nhà cũng phải trầm trồ khen bộ xa lông bọc nhung đỏ rất đẹp và mê cái Rađiô mười hai bóng có quay đĩa thường làm điếc tai hàng xóm bằng những tiếng nhạc ầm ĩ. Còn những bộ ly nhỏ, ly lớn mạ vàng lấp lánh trong tủ kính cũng làm cho thể diện của Nurétđin được nâng cao hơn trước mặt bạn bè đồng nghiệp mà anh ta thường mời về nhà để đãi rượu hồi. Không đếm xỉa gì đến việc toàn bộ gánh nặng chi tiêu trong nhà trút cả lên vai Raip-êphenđi, đã thế mọi người trong gia đình từ lớn đến bé đều nhìn ông như nhìn vào chỗ trống, không hề chuyện trò, thăm hỏi trừ những lúc hỏi tiền hay thanh toán các khoản chi tiêu. Và ngay cả trong những vấn đề kinh tế họ cho rằng tốt hơn là giải quyết thông qua Mirie chứ không cần phải trực tiếp với Raip-êphenđi. Đối với họ, ông chỉ là một người máy không hơn không kém, được chỉ định buổi sáng phải đi làm còn chiều về mang theo thực phẩm. Năm năm trước đây khi còn đang tán tỉnh Phehunđe, Nurétđin tìm mọi cách làm vừa lòng Raip-êphenđi và không lần nào đến nhà chơi mà không mang theo một món quà gì đó cho ông anh cọc chèo. Còn bây giờ thì anh ta tỏ ra khó chịu vì phải sống chung dưới một mái nhà với con người tẻ nhạt như vậy. Không hiểu sao mà mọi người trong nhà đều tự cho mình có quyền tức giận với Raip-êphenđi vì ông làm được ít tiền và không thể chu cấp cho họ có một cuộc sống giàu sang ; đồng thời họ đều tin rằng ông là một con người hèn mọn và vô tích sự. Ngay cả Negiơla, một thiếu nữ cũng không đến nỗi đần độn và cô bé Nuten còn đang đi học cũng nghĩ như vậy. Trong những biểu hiện tình cảm của họ đối với cha bao giờ cũng thấy gượng gạo, miễn cưỡng và họ tỏ ra quan tâm đến ông một cách giả tạo giống như sự bố thí đối với kẻ ăn mày. Chỉ riêng bà Mirie, mụ mẫm vì những công việc nội trợ không bao giờ dứt trong nhiều năm ròng, là còn có khả năng quan tâm thực sự đến chồng mình. Bà luôn luôn bảo vệ uy tín cho chồng, bênh vực ông mỗi khi bị xúc phạm. Những lúc trong nhà có khách, Nurétđin hoặc hai cậu em vợ vẫn lớn tiếng: " Bảo anh ấy chạy ra cửa hàng một tí! ". Trong những trường hợp như thế, để làm nhẹ bớt sự xúc phạm tới chồng bà, Mirie thường lặng lẽ lẻn vào phòng ngủ và dịu dàng nói với ông: " Ông chịu khó chạy ra hiệu thực phẩm mua hộ chục trứng và chai rượu hồi. Ông thấy đấy, họ đang có khách, bỏ đi thì không tiện ". Bản thân bà không bao giờ có ý nghĩ rằng tại sao họ lại không mời chồng bà ngồi vào bàn và nếu như họa hoằn có lúc nào mời thì họ luôn luôn nhìn ông bằng cặp mắt lo lắng, sợ ông có làm điều gì sơ suất hay không. Raip-êphenđi thương xót vợ một cách sâu sắc. Có lẽ và thực sự ông đã thương vì người đàn bà bất hạnh này quanh năm suốt tháng lúc nào cũng đeo cái tạp dề nhà bếp. Có những lúc ông ngồi xuống trước mặt bà hỏi bằng một giọng thông cảm: - Thế nào bà, có lẽ hôm nay bà mệt lắm phải không? Họ nói chuyện với nhau về lũ trẻ, về việc học hành của chúng hay là tính toán xem có thể vay tiền ở đâu để chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Đối với những thành viên khác trong gia đình, ông hoàn toàn không có một chút gắn bó nào. Thật ra mà nói đôi lúc ông cũng có để ý quan sát cô con gái lớn, như muốn nghe ở cô một lời lẽ âu yếm, nhưng tức khắc ông phải nhìn lảng sang phía khác. Điệu bộ õng ẹo ngốc nghếch của cô ta cùng với những tiếng cười vô duyên có lẽ càng làm cho ông tin chắc rằng cái hố ngăn cách giữa họ ngày càng sâu thêm. Tôi cứ suy nghĩ mãi về tình cảnh của Raip-êphenđi trong gia đình ông. Một con người như thế mà tôi tin rằng con người ấy sâu sắc hơn là ta tưởng. Con người này không phải vô cớ mà trở nên xa lánh đối với những người thân. Sự bất hạnh có lẽ ở chỗ mọi người đã không hiểu ông, còn ông không phải là loại người lúc nào cũng cố gắng để làm cho người khác hiểu mình. Chính vì vậy mà không thể nào phá vỡ nổi bức tường ngăn cách để xóa đi sự xa lánh, lạnh nhạt đã chia rẽ những thành viên trong gia đình này. Con người ta đâu phải dễ dàng mà hiểu được nhau và thay vì tìm cách vượt qua sự ngăn cách ấy họ lại ngoảnh mặt làm ngơ như những người mù, chỉ đến khi đụng vào nhau người này mới biết về sự tồn tại của người kia. Như tôi đã nói, đối với cô con gái lớn Negiơla, Raip-êphenđi vẫn còn chút ít cảm tình. Trong mọi hành động, cử chỉ cô ta bắt chước y hệt người dì kệch cỡm của mình, còn tính tình thì học tập ở ông dượng. Mặc dù vậy người cha vẫn còn hy vọng ở cô con gái. Dưới cái vỏ ngoài che đậy hình như trong tâm hồn Negiơla vẫn còn một nét gì đó giống như tình người. Negiơla rất khó chịu khi thấy em gái trong những lúc tức giận đã vượt qua mọi ranh giới, xúc phạm đến cha. Cô ta có thể bỏ dậy, đập mạnh cánh cửa, bước ra khỏi phòng nếu như có một người nào đó nói về cha mình bằng một giọng khinh miệt. Thực ra mà nói đấy chỉ là những cơn bộc phát bình thường mà trong đó bản chất con người được bộc lộ rõ rệt. Tuy nhiên ảnh hưởng của môi trường xung quanh quá sâu sắc đã làm át mất tiếng nói chân thật, " cái tôi " trong con người cô. Với tính nóng nảy thường có ở tuổi trẻ, tôi cảm thấy rất phẫn nộ vì sự nhẫn nhục của Raip-êphenđi. Chẳng những ông chịu đựng sự khinh miệt của mọi người ở nơi làm việc và trong gia đình mà có lẽ ông còn cho rằng điều ấy là tự nhiên. Tôi biết có những con người vẫn cảm thấy kiêu hãnh và mãn nguyện khi biết rằng người khác không hiểu mình và đối xử với mình một cách bất công. Nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi lại có thể chịu đựng một sự bất công đến như thế. Tuy nhiên tôi có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng Raip-êphenđi là một người dễ bị xúc động và mặc dù cái nhìn của ông có vẻ như rất lơ đãng song không có điều gì qua được mắt ông. Có lần ông bảo mấy cô con gái pha cà phê cho tôi nhưng cả hai tị nạnh nhau không chịu vào bếp. Raip-êphenđi im lặng không nói gì, làm như không nhận thấy điều ấy. Khoảng mười ngày sau khi tôi lại đến thăm, ông liền dặn mấy cô: - Không phải pha cà phê nữa, khách không uống đâu! Cái tài nhanh trí nho nhỏ ấy với thái độ đồng tình kín đáo của tôi, ông nghĩ ra chính là để cho chúng tôi khỏi phải chứng kiến lại cái màn kịch nặng nề đã xảy ra lần trước làm cho tôi càng thêm kính trọng ông. Trong những lần nói chuyện ngắn ngủi của chúng tôi, ông không hề thổ lộ một điều gì quan trọng và điều ấy làm cho tôi ngạc nhiên. Bản chất của Raip-êphenđi được bộc lộ rất rõ trong cuộc sống đơn độc của ông, trong sự nhẫn nhục và độ lượng đối với những tật xấu của người khác, trong nụ cười mỉa mai nhưng không hề có ác ý mà ông thường dùng để trả lời những hành động càn rỡ mà ông gặp. Những lúc chúng tôi đi dạo bên nhau tôi luôn luôn có cảm giác rằng đi bên tôi là một con người chân chính. Tôi nhận thấy một cách rõ ràng người ta có thể hiểu nhau mà không cần lời nói. Tôi bỗng hiểu vì sao mà có những nhà thơ suốt đời đi tìm cho mình một người bạn đường và đi bên cạnh người bạn ấy họ có thể thanh thản, im lặng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới xung quanh! Tôi không thể nói một cách rõ ràng được con người thầm lặng vẫn ngồi ngay trước mặt tôi trong phòng làm việc và thường cùng tôi đi dạo đã dạy cho tôi những điều gì bổ ích, tôi tin chắc rằng những điều mà tôi đã tiếp thu được ở ông không một thầy giáo nào, dù cho có dạy tốt trong một thời gian dài đến đâu đi chăng nữa, cũng không bằng được ông. Có lẽ Raip-êphenđi cũng đã bắt đầu gắn bó với tôi. Ít ra tôi bắt đầu nhận thấy trong mối quan hệ giữa chúng tôi ông không còn e ngại rụt rè như đối với những người khác, hoặc như hồi đầu khi chúng tôi mới quen nhau. Tuy nhiên cũng có những ngày ông thu mình lại, trở về với tâm hồn cô đơn của mình. Lúc đó cặp mắt ông thường nheo lại, mờ đi, và trông rất đờ đẫn. Ông trả lời người khác, nói năng bằng một giọng khô khan, lạnh lùng. Vào những ngày như thế, ông không làm việc được. Ông cầm bút lên, đặt bút xuống và ngồi hàng giờ nhìn chằm chằm vào những tờ giấy trước mặt. Tôi hiểu rằng những lúc ấy tâm trí ông hoàn toàn để ở chỗ khác, nơi không ai có thể đến được, và ông cũng không muốn cho ai đến đó. Có một điều lạ lùng là sau những ngày u uất như vậy sự việc bao giờ cũng được kết thúc bằng những trận ốm và điều đó làm cho tôi ái ngại. Nguyên nhân nỗi u buồn đó sau này tôi đã biết nhưng tiếc thay lại trong một hoàn cảnh thật đáng buồn. Nhưng tôi sẽ kể về tất cả những điều này theo trình tự thời gian. Dạo đó vào khoảng giữa tháng hai, Raip-êphenđi lại không đi làm việc. Buổi chiều tôi đến thăm ông. Ra mở cửa cho tôi là Mirie: - À, anh đấy à. Mời vào. Ông ấy vừa chợp mắt, nhưng nếu anh muốn tôi sẽ đánh thức ông ấy dậy. - Ồ, thôi, thôi bác ạ, không cần đâu! Bác trai cảm thấy trong người thế nào ạ? Bà đưa tôi vào phòng khách, mời ngồi rồi nói bằng một giọng rầu rĩ: - Ông ấy bị sốt và kêu đau bụng. Nhưng điều tệ hại nhất, cậu ạ, là ông ấy không nghĩ gì đến bản thân mình cả. Nào còn bé bỏng gì nữa... Thế mà cứ bực bội vì những chuyện không đâu. Tôi cũng chẳng hiểu là có chuyện gì. Ông ấy xa lánh mọi người, chẳng muốn nói năng gì với ai hết. Hình như ông ấy có đi đâu đấy, tôi cũng chẳng rõ, quần áo phong phanh mà trời thì lạnh và thế là bây giờ nằm đấy kêu ốm. Lúc đó từ phòng bên có tiếng Raip-êphenđi nói. Mirie chạy sang. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Nào ai có thể nghĩ một người cẩn thận thường lo về sức khỏe của mình một cách máy móc, lúc nào cũng mặc ấm, trùm khăn kín mít như Raip-êphenđi lại có thể hành động một cách thiếu suy nghĩ như vậy nhỉ? - Té ra là ông ấy đã tỉnh dậy khi nghe tiếng chuông. - Bà Mirie bước ra phòng khách nói với tôi - Cậu vào đi! Phải nói thật rằng vẻ ngoài của Raip-êphenđi không được tốt cho lắm. Mặt vàng, hốc hác, hơi thở dốc, nặng nề. Trong nụ cười ngây thơ của ông có gì đó căng thẳng, đau khổ. Sau lớp kính, cặp mắt của ông trở nên sâu hơn. - Bác làm sao thế, bác Raip-êphenđi?... Lạy thánh Ala cho bác mau khỏi! - Cảm ơn! - Ông trả lời một cách vất vả, giọng khàn khàn và sau đó ho rũ rượi. - Bác bị cảm lạnh phải không? - Tôi hỏi, cố giấu sự lo lắng - Chắc là bác bị gió lùa? Ông nằm không nhúc nhích như vậy khá lâu, mắt nhìn chằm chằm vào tấm đráp màu trắng. Một luồng hơi nóng bốc lên từ bếp lò nhỏ bằng gang đặt giữa hai cái giường. Thế mà tôi vẫn cảm thấy ông ấy không đủ ấm. - Hình như tôi bị cảm lạnh. - Ông bắt đầu nói, tay kéo mép chăn lên tận cằm - Chiều qua sau khi ăn tối tôi có đi dạo một lát... - Bác đi dạo ở đâu? - Đi loanh quanh thế thôi... Tôi cảm thấy trong người khó chịu thế là nảy ra ý định muốn đi một tí cho khuây khỏa. Tôi ngạc nhiên. Từ trước đến nay Raip-êphenđi chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về những nỗi phiền muộn của mình. - Có lẽ tôi đã đi dạo quá lâu. Đi mãi đến tận trường Đại học nông nghiệp. Sau đó còn đi nữa, đến Kechioren (1). Anh biết không, ở đó có một chỗ dốc lắm, khi xuống dù không muốn cũng phải chạy. Tôi nóng toát cả mồ hôi bèn cởi áo ngoài ra, trong khi đó tuyết lại đang rơi và có gió thổi. Và thế là... Tôi không thể ngờ những chuyện như vậy lại xảy ra với Raip-êphenđi: Gần nửa đêm đi ra khỏi nhà, lang thang hàng tiếng đồng hồ trên những đường phố vắng ngắt, phủ đầy tuyết, rồi lại còn cởi áo ra nữa. - Có chuyện gì vậy bác? - Tôi hỏi ông. - Ồ... thế thôi, chẳng có gì đặc biệt hơn đâu - Ông nói giọng lúng túng - Đôi khi tôi vẫn có những ý muốn kỳ quặc như vậy. Những lúc ấy tôi chỉ muốn có một mình. Có thể vì ở nhà lúc nào cũng ồn ào làm tôi phát chán, có thể vì buồn quá! - Nói đến đây hình như cảm thấy mình đã nhỡ thừa lời, ông vội nói chữa - Có lẽ vì tuổi già nên hay giở chứng như vậy. Gia đình và các cháu chẳng có liên quan gì đến đây cả. Bỗng tôi nghe thấy có tiếng ồn ào ở phía ngoài. Negiơla - cô con gái lớn bước vào phòng, có lẽ vừa từ trường về. Cô cúi xuống hôn vào má ông. - Bố cảm thấy trong người thế nào? Cô quay lại chào tôi và liền than vãn: - Không thể nào nói cho bố nghe được anh ạ! Tự nhiên không đâu nửa đêm chạy ra phố, nhảy vào quán cà phê. Sau đấy bị nhiễm lạnh run lên không biết là ở ngoài đường hay ở trong quán, và thế là bây giờ nằm liệt. Đây cũng chẳng phải là lần đầu đâu. Không biết bố có đánh mất gì ở đấy không? Cô đứng dậy cởi áo bành tô vắt lên ghế và cũng đột ngột như lúc xuất hiện, cô lại biến mất. Có lẽ đã quen với những cuộc trò chuyện như vậy nên Raip-êphenđi không để ý đến điều ấy. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và ông cũng nhìn tôi như thế. Nhưng trên khuôn mặt bình thản của ông không thể đọc được điều gì. Tôi thấy ngạc nhiên không phải vì ông đã nói dối những người trong gia đình mà chính vì ông đã nói thật với tôi. Điều ấy làm cho tôi thấy hãnh diện. Thật là dễ chịu khi thấy mình được tin hơn những người khác... Trên đường về tôi nghĩ mãi về những hành động của Raip-êphenđi. Có thể ông chỉ là một con người tầm thường, trống rỗng. Nhưng những người sống không mục đích, không có gì say mê sâu sắc, thường thờ ơ với tất cả mọi người ngay cả đối với những người thân cũng thế. Nếu vậy thì trong trường hợp này ông muốn gì? Có thể chính sự trống rỗng trong tâm hồn, sự vô vị trong cuộc sống đã làm cho ông phải lang thang trong đêm như thế. Với những suy nghĩ ấy tôi đã về đến khách sạn lúc nào không hay. Ở đấy tôi cùng với một người bạn thuê chung một căn buồng tồi tàn và cũng thật đáng ngạc nhiên vì không hiểu bằng cách nào người ta đưa lọt vào trong phòng hai chiếc giường. Lúc ấy đã mười giờ đêm. Đã quá bữa nên tôi cũng không muốn đi ăn nữa. Tôi định lên phòng nằm đọc một lát rồi ngủ nhưng tôi lại thay đổi ý định. Từ trong quán cà phê gần đó một chiếc máy quay đĩa đang gào hết cỡ, còn ở phòng bên một nữ ca sĩ người Xiri đang the thé ướm giọng trước khi biểu diễn. Tôi quay ra theo con đường nhựa bẩn thỉu hướng về phía Kechioren. Dọc hai bên đường nhan nhản những gara loại nhỏ sửa ô tô chen lẫn với những quán cà phê bằng gỗ lụp xụp. Tiếp đó ở phía bên phải, trên những sườn đồi thoai thoải, thấp thoáng dăm ngôi nhà, còn phía bên trái, dưới chân đồi, là những vườn rau và cây ăn quả với những tán lá sum suê. Một làn gió lạnh buốt âm ẩm thổi thẳng vào mặt, tôi vội dựng cổ áo lên. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sảng khoái hẳn lên muốn vùng chạy. Chạy mãi, không dừng lại chạy hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, giống như một người say rượu. Tôi bước vội về phía trước, không chú ý sang hai bên nữa. Luồng gió lạnh thổi thẳng vào ngực và tôi cảm thấy một sự khoái trá kỳ lạ trong cuộc vật lộn chống lại với cái gió. Trong óc tôi vụt ra một ý nghĩ như tia chớp. Tại sao tôi lại đến đây? Tự nhiên thế thôi, chẳng có mục đích, nguyên nhân nào cả. Hàng cây hai bên đường vẫn rền rĩ dưới làn gió mạnh. Gió như muốn thổi bạt vầng mây tả tơi trên trời, còn những đám mây tan tác ở dưới như muốn cố bám lấy những tảng đá đen lấp loáng trên các đỉnh núi phía trước. Tôi cứ thế bước mãi, mắt nheo lại và cố hít thật sâu không khí ẩm ướt. Trong óc tôi vẫn lẩn quẩn một câu hỏi: " Tại sao mình lại lang thang ở đây nhỉ?... Chắc hôm trước vẫn gió như thế này đây. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu như bây giờ tuyết rơi. Cũng trên con đường này đây. - Tôi thầm nghĩ - ngày hôm qua có một người đã đi, mũ cầm trên tay, ngực áo phanh ra, thỉnh thoảng lại đưa tay lên phủi những bông tuyết trên mắt kính, gió thổi tung mái tóc thưa cắt ngắn và làm cho cái đầu nóng bỏng của người đó dịu bớt đi. Điều gì đã làm cho thân già ốm yếu ấy lần mò ra đến đây? ". Tôi cố gắng hình dung ra Raip-êphenđi đêm qua đã lang thang ở đây như thế nào. Mãi đến lúc này tôi mới hiểu rằng tại sao tôi lại ra đây. Một ý muốn kỳ lạ bắt tôi đi sâu vào tìm hiểu những suy nghĩ và tình cảm của Raip-êphenđi. Song thú thật tôi đã không làm nổi điều ấy. Một cơn gió mạnh khác thổi bay mất mũ của tôi và làm cho hàng cây càng rên xiết dữ dội hơn, trên trời những đám mây hình thù quái dị vẫn tiếp tục đuổi nhau. Nhưng tất cả những điều ấy cũng chẳng giúp tôi đoán ra được những ý nghĩ và tình cảm của Raip-êphenđi trong đêm đó. Có mặt ở nơi mà người khác đã từng đến chưa có nghĩa là có thể hiểu được những ý nghĩ của người đó. Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn như tôi chẳng hạn mới có thể nghĩ khác. Tôi quay trở về khách sạn, không còn nghe thấy tiếng máy quay đĩa cũng như giọng hát của cô ca sĩ Xiri nữa. Người bạn tôi đang nằm dài trên giường đọc sách. - Thế nào, đi chơi về đấy à? - Anh ta nhìn tôi hỏi. Con người nói chung luôn luôn mong muốn hiểu nhau thật cặn kẽ... Lòng mong muốn như thế có lẽ đã có ở tôi khi tôi muốn tìm hiểu những ý nghĩ và tình cảm của Raip-êphenđi. Những điều ấy có thể thực hiện được không? Tâm hồn của một người bình thường nhất, nghèo nàn nhất, dù cho đó là một người ngu đần đi chăng nữa vẫn có khả năng làm ta ngạc nhiên vì chính sự mâu thuẫn của nó. Nhưng không biết vì lẽ gì chúng ta lại không muốn hiểu điều đó và thường đánh giá một cách nông nổi, hời hợt về con người. Khi ăn thử một miếng phomát chúng ta vẫn thường do dự đắn đo phải đánh giá chất lượng của nó, thế nhưng lại vội vã kết luận một người nào đó khi mới gặp lần đầu. Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Mọi ý nghĩ của tôi đều hướng về Raip-êphenđi. Tôi hình dung thấy ông phủ một tấm chăn trắng đang nằm trên giường, trong căn phòng ngột ngạt, vật vã trong cơn sốt nóng. Bên cạnh đó là mấy cô con gái cùng với bà vợ đang ngủ mê mệt sau một ngày bận rộn vất vả. Cặp mắt ông vẫn mở trừng trừng nhưng trí óc ở tận đâu đâu, rất xa, xa lắm, nơi không ai có thể biết được. Lần ấy Raip-êphenđi ốm lâu hơn những lần trước. Rõ ràng đó không phải là một cơn cảm lạnh bình thường. Nurétđin mời được một bác sĩ già đến thăm bệnh. Ông kê cho người ốm đơn thuốc ho và dán cao mù tạt. Mỗi lần tôi đến thăm ông - Cách hai, ba ngày đến một lần - tôi lại thấy tình trạng sức khỏe ông càng ngày càng xấu đi. Chính bản thân ông không hề tỏ ra lo lắng gì cả và cho rằng căn bệnh của mình không có gì trầm trọng. Có thể là Raip-êphenđi không muốn những người trong gia đình lo lắng, tuy nhiên Mirie và Negiơla vẫn vô cùng lo ngại và nỗi lo ấy đã lây sang tôi. Mirie không còn làm nổi được việc gì cả, chân tay rụng rời, mặt bà lúc nào cũng sợ hãi ngó vào phòng ngủ, sau đó bỗng nhớ ra mình quên cái gì đó bà lại vội vã bỏ đi. Khi dán cao cho Raip-êphenđi bà làm rơi lúc thì khăn mặt, lúc thì cái đĩa. Vì quá lo lắng cho chồng, bà như người mất hồn, đi đi lại lại trong phòng với đôi chân trần không tất xỏ trong đôi dép mềm. Negiơla cũng tỏ ra lo lắng mặc dầu chưa tới mức bối rối như mẹ. Cô nghĩ học, chăm sóc bố một cách chu đáo. Chiều chiều mỗi khi tôi đến thăm người ốm, cô đón tôi với đôi má ửng hồng nhưng thấy cặp mắt sưng húp của cô tôi đoán chắc cô đã khóc. Tất cả những điều đó lại càng làm cho Raip-êphenđi bị dày vò hơn và những lúc chúng tôi ngồi với nhau ông đã bộc bạch hết những tình cảm của mình. - Không hiểu tại sao mọi người cứ khoái cái mặt rầu rĩ như vậy? Họ định đưa đám tôi hay sao không biết? - Có lần ông mất bình tĩnh nói. - Tôi chưa có ý định chết đâu. Mà có chết đi chăng nữa thì cũng có gì là ghê gớm? Việc gì mà họ phải phiền muộn như vậy? Tôi có là cái thá gì đối với họ?... Và sau khi im lặng một lát ông nói tiếp bằng nụ cười mỉa mai, cay độc: - Tôi đối với họ chỉ là con số không... Bao nhiêu năm sống chung nào ai đã một lần quan tâm đến những gì đang xảy ra trong lòng tôi. Thế mà bây giờ họ làm như xót thương tôi lắm. - Bác nói gì lạ thế, bác Raip-êphenđi? Có thể đúng là họ đang rất lo lắng cho bác và vì vậy mà không nên chỉ trích họ. Còn vợ bác và con gái... - Vợ và con gái. Tất cả chỉ có thế thôi... Ông quay mặt đi. Tôi không hiểu ông muốn nói gì qua những lời ấy nhưng không dám hỏi thêm. Để làm yên lòng những người trong gia đình, Nurétđin mời một bác sĩ nội đến. Sau khi đã xem xét kỹ lưỡng người ốm, bác sĩ chẩn đoán là ông bị sưng phổi. Khi nhìn thấy nỗi lo sợ qua mắt những người thân đứng xung quanh, bác sĩ an ủi họ: - Tình trạng cũng không đến nỗi xấu lắm đâu! Cơ thể của bệnh nhân, nhờ trời cũng còn chắc lắm và tim cũng còn tốt. Nếu thánh Ala phù hộ thì chắc cũng không sao. Tất nhiên cần phải chăm sóc thật chu đáo. Tốt nhất là chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Vừa nghe thấy tiếng " bệnh viện " Mirie liền khụy ngay xuống. Bà nằm vật ra ghế và khóc òa lên. Còn Nurétđin thì nhăn mặt lại: - Liệu có cần thiết không? Ở nhà chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện chứ! Bác sĩ nhún vai không nói gì rồi cáo từ. Nhưng chính Raip-êphenđi lại không phản đối việc nằm bệnh viện. - Ở đấy may ra còn được nghỉ ngơi chút ít - Sau này ông tâm sự với tôi như thế. Rõ ràng ông chỉ muốn nằm một mình. Nhưng khi mọi người nhất quyết không chịu đưa ông đi bệnh viện, ông cũng không yêu cầu nữa. - Trước sau rồi ở đó họ cũng không để cho tôi yên. - Vừa nói với tôi ông vừa mỉm cười buồn bã. Chiều hôm thứ sáu - tôi nhớ rõ ngày hôm đó lắm - Chúng tôi còn lại hai người trong phòng. Lúc đó tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu kê cạnh giường lặng lẽ nhìn ông và chăm chú nghe từng hơi thở nặng nhọc của ông cùng với tiếng tích tắc khe khẽ của chiếc đồng hồ bỏ túi để cạnh những gói thuốc trên tủ đầu giường. - Hôm nay tôi cảm thấy đỡ hơn. - Ông mở to cặp mắt trũng sâu thều thào nói với tôi. - Tất nhiên là không thể mãi như vậy được - Ý tôi muốn nói về căn bệnh của ông. - Nhưng nếu nó lại cứ như thế mãi thì sao? - Ông hỏi lại. Tôi hoảng sợ khi đoán biết ý ông nói. Giọng nói mệt mỏi không làm cho người ta nghi ngờ gì nữa. - Bác nói thế làm gì? - Chính thế, để làm gì? Để làm gì tất cả những trò này. Như thế chưa đủ hay sao? - Ông vẫn tiếp tục những suy nghĩ của mình, mắt nhìn thẳng vào tôi. Vừa lúc ấy Mirie xuất hiện. - Hôm nay ông ấy đã đỡ hơn rồi! - Bà vui mừng báo cho tôi - Có lẽ mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu thánh Ala phù hộ thì lần này rồi cũng qua khỏi! Sau đó bà quay về phía chồng nói thêm: - Chủ nhật này chúng ta sẽ làm tổng vệ sinh. Ông nhờ anh ấy lấy hộ mấy chiếc khăn ở chỗ làm việc về để giặt luôn. Raip-êphenđi gật đầu. Mirie lục lọi trong tủ một lúc và sau khi tìm thấy vật cần tìm bà bước ra. Chỉ cần nhìn thấy một dấu hiệu rất nhỏ về sự bình phục của Raip-êphenđi là tất cả mọi lo lắng, xúc động của bà lập tức lắng xuống. Bây giờ bà lại có thể tiếp tục những công việc nội trợ quen thuộc của mình: giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng. Cũng giống như những con người bình dị khác bà có thể chuyển từ trạng thái đau khổ sang sung sướng, lo lắng sang bình thản một cách nhanh chóng, dễ dàng. Và cũng hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của phụ nữ, bà dễ dàng quên ngay những điều phiền muộn vừa qua. Trong cặp mắt của Raip-êphenđi, tôi thoáng thấy một nụ cười buồn rầu. Ông chỉ về phía chiếc áo vắt ở thành giường, ngượng ngùng nói: - Anh lấy giùm chìa khóa, hình như ở túi bên phải. Phiền anh mai mở ngăn kéo trên cùng bàn tôi lấy hộ mấy khăn mặt mang về cho bà ấy. - Chiều mai cháu sẽ mang lại. Raip-êphenđi im lặng nhìn lên trần nhà. Bỗng nhiên ông quay lại phía tôi nói vội: - Anh mang hộ tất cả những gì có ở đó về luôn cho tôi. Tất cả! Có lẽ vợ tôi đã linh cảm thấy rằng tôi sẽ không bao giờ đến đó nữa. Bây giờ tôi cần một chỗ khác... Nói đến đây ông kiệt sức nằm vật xuống gối. Ngày hôm sau trước khi rời khỏi phòng làm việc tôi đến xem xét bàn của Raip-êphenđi. Ở phía bên phải có ba ngăn kéo. Đầu tiên tôi mở chiếc thấp nhất, ở đó không có gì. Ở ngăn kéo thứ hai có một số giấy tờ và những bản dịch nháp. Khi mở đến ngăn thứ ba tôi bỗng cảm thấy hồi hộp kỳ lạ. Chẳng phải tôi đang ngồi trên ghế của Raip-êphenđi và mở ngăn bàn của ông, tôi đang lặp lại những động tác mà ông đã làm bao nhiêu lần. Ngăn trên cùng cũng hầu như trống rỗng. Trong góc có chiếc khăn mặt bẩn, một miếng xà phòng gói trong giấy báo, một cà mèn, một cái nĩa, một dao gọt bút chì đã sứt mẻ kiểu " Zinger ". Tôi nhanh chóng gói tất cả vào một tờ giấy, đóng ngăn kéo lại định đứng lên, nhưng ngay sau đó kiểm tra lại một lần nữa xem có còn sót lại gì không. Tôi lại kéo ngăn bàn ra và đưa tay vào sờ. Trong góc tận cùng, ngay sát tấm ván có một cuốn vở. Tôi cầm luôn và bước ra ngoài phố. " Raip-êphenđi nói đúng, một ý nghĩ bỗng lóe lên trong óc tôi - chắc là ông sẽ không bao giờ quay lại đây nữa, sẽ không khi nào còn ngồi sau chiếc bàn ấy, sẽ không bao giờ còn kéo ra kéo vào và nhìn vào chiếc ngăn bàn ấy vài lần trong ngày nữa ". Khi đến nhà Raip-êphenđi tôi thấy mọi người nhốn nháo. Negiơla mở cửa cho tôi. - Xin anh đừng có hỏi gì cả! - Cô dặn tôi. Trong những ngày ấy tôi như là một thành viên trong gia đình của Raip-êphenđi. Mọi người đều coi tôi như một người thân. - Tình trạng của bố lại xấu đi - Negiơla nói khẽ - Hai lần bố bị ngất. Chúng tôi sợ quá. Cậu đã mời bác sĩ tới. Ông ấy đang ở chỗ bố. Đang tiêm... Cô gái nói vội vàng một hơi rồi chạy ngay vào phòng ngủ. Tôi quyết định ở lại xem sao. Tôi ngồi xuống mép ghế ngoài phòng khách, đặt gói giấy trên đầu gối. Thấy bà Mirie chạy qua chạy lại trong phòng nhưng tôi do dự không đưa cái gói đáng nguyền rủa đó cho bà. Trao cho người đàn bà ấy chiếc khăn mặt bẩn thỉu cùng cái nĩa cũ kỹ vào lúc mà cuộc sống của người chồng trong cơn nguy kịch thì quả là không đúng lúc một chút nào cả. Tôi đứng dậy đi đi lại lại quanh bàn lớn. Nhìn thấy hình dạng của mình hiện rõ trong tấm gương tủ buýp phê tôi ngạc nhiên không nhận ra mình nữa: Mặt tôi tái nhợt như mặt người sắp chết đuối. Trống ngực tôi đập thình thịch. Thật đáng sợ khi nhìn thấy một người - dù người đó là thế nào với anh đi nữa đang ngấp nghé miệng hố của tử thần. Tôi hiểu rằng không nên tỏ ra sầu muộn hơn những người thân của ông như vợ, con gái và những bà con khác của ông đang có mặt. Qua cánh cửa khép hờ tôi nhìn vào phòng bên cạnh và thấy hai cậu em vợ của Raip-êphenđi là Đikhát và Veđát ngồi trên đi-văng hút thuốc lá. Qua bộ mặt rầu rĩ của họ có thể thấy rõ rằng chỉ có bổn phận nặng nề trong gia đình mới giữ được họ ở nhà lúc này. Trước mặt họ là Nuten. Cô ngồi trong chiếc ghế bành tay chống dưới cằm. Khó mà xác định được cô đang ngủ hay khóc. Cạnh đó một chút, trên đi-văng khác, Phehunđe ngồi im cùng với lũ trẻ trên tay. Chị ta đang dỗ cho chúng ngủ, song qua động tác dỗ trẻ của chị có thể cảm thấy công việc dạy dỗ con cái đối với chị ta còn quá mới mẻ. Cuối cùng bác sĩ từ phòng ngủ bước ra. Sau ông là Nurétđin. Bác sĩ cố giữ vẻ bình thản nhưng không dấu nổi sự thất vọng hiện rõ trên nét mặt. - Phải túc trực thường xuyên bên cạnh người bệnh và trong trường hợp nguy cấp phải tiêm ngay - vừa đi ông vừa dặn Nurétđin. Nurétđin kinh ngạc nhướng lông mày lên: - Bác sĩ cho rằng tình trạng nguy hiểm lắm phải không? - Hiện tại chưa thể nói rõ được - Bác sĩ trả lời, có ý lảng tránh câu hỏi theo cách của giới y học trong những trường hợp tương tự. Để tránh những câu hỏi tiếp theo, bác sĩ vội mặc bành tô, đội mũ và với bộ mặt rầu rĩ nhét vào túi ba đồng lia bạc mà Nurétđin đã chuẩn bị sẵn. Sau đó ông bước ra ngoài. Tôi lặng lẽ tiến sát đến cửa phòng ngủ và ghé mắt nhìn vào bên trong. Mirie và Negiơla với vẻ mặt căng thẳng đang chăm chú nhìn Raip-êphenđi. Mắt ông vẫn nhắm. Negiơla nhìn thấy tôi, cô gật đầu mời vào. Có lẽ họ muốn biết tình trạng của người ốm gây cho tôi ấn tượng ra sao. Tôi cố gắng không để lộ những xúc động của mình. Tôi hơi cúi xuống làm ra vẻ như mọi chuyện vẫn bình thường, không có gì phải lo lắng. Tôi cố mỉm cười. - Không có gì đáng ngại đâu. Tôi nói nhỏ với họ - Nếu thánh Ala còn phù hộ thì lần này cũng qua khỏi thôi. Raip-êphenđi khẽ mở mắt ra. Ông nhìn tôi bằng cặp mắt ngây dại. Sau đó ông vất vả quay đầu lại, lắp bắp một câu gì đó, mặt mũi nhăn nhó như muốn ra hiệu một điều gì. - Bố cần gì hả bố? - Negiơla hỏi. - Hãy để ta yên một lát. - Ông nói bằng một giọng yếu ớt. Mirie ra hiệu cho chúng tôi đi ra. Song người ốm đã rút tay ra khỏi chăn giữ tôi lại: - Anh ở lại đây! Bà vợ và cô con gái kinh ngạc nhìn nhau. - Bố đừng có nói nhiều quá nhé! - Negiơla van nài. Raip-êphenđi gật đầu. Sau khi vợ và con gái đi ra, Raip-êphenđi chỉ vào cái gói mà tôi đã hầu như quên bẵng rồi hỏi nhỏ: - Anh mang tất cả về đấy chứ? Tôi ngạc nhiên nhìn ông. Không có lẽ ông giữ tôi lại để hỏi câu ấy? Người ốm nhìn thẳng vào tôi, trong cặp mắt lộ vẻ nôn nóng. Chỉ đến lúc ấy tôi mới nhớ đến quyển vở bìa đen. Thật ra tôi cũng chưa kịp nhìn qua xem trong đó có gì. Tôi không ngờ quyển vở đó đối với ông lại quan trọng như vậy. Tôi vội mở gói giấy ra, đặt khăn mặt và những thứ khác lên ghế cạnh cửa rồi đưa cho ông quyển vở. - Bác hỏi cái này phải không? Ông gật đầu xác nhận. Không kìm nổi sự tò mò, tôi nhẹ nhàng lật mấy trang. Những dòng chữ to, không đều có lẽ được viết vội vàng. Không có đầu đề, chỉ thấy ở trang đầu, trên góc phải có ghi ngày tháng: “ 20 tháng sáu 1933 “. Tôi kịp đọc những dòng chữ đầu tiên: " Ngày hôm qua một sự việc kỳ lạ đã xảy ra làm cho tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm cách đây mười năm về trước... ". Raip-êphenđi run rẩy nắm lấy tay tôi: - Đừng đọc nữa... Và ông chỉ vào góc nhà nói khẽ: - Quẳng nó vào đấy! Tôi nhìn theo ông về phía lò sưởi. Sau tấm mica trong suốt những lưỡi lửa đỏ rực đang loang loáng rung rinh. - Quẳng vào đâu? Vào lò sưởi ạ? - Tôi nghi ngại hỏi lại. - Phải... Sự tò mò của tôi đã lên đến cực điểm. Không lẽ chính tay tôi phải thiêu hủy cuốn vở này. - Bác không tiếc hay sao, bác Raip-êphenđi? Không có lẽ tự nhiên lại đốt quyển vở. Có lẽ nó chính là người bạn gần gũi nhất mà bác đã giải bày những ý nghĩ thầm kín của mình. - Nó chẳng cần cho ai cả. Hoàn toàn không cần cho ai... Tôi xác định rất rõ rằng tôi phải cố gắng bằng mọi cách làm cho ông từ bỏ ý định đó. Chắc chắn là trong cuốn vở này ông đã ghi chép tất cả những cảm xúc của lòng mình, những điều mà ông không bao giờ thổ lộ với ai. Và bây giờ thì ông quyết định mang theo toàn bộ những bí mật đó. Con người này không muốn để lại một chút gì cho những người khác, ngay cả sự cô đơn của mình ông cũng muốn mang theo sang thế giới bên kia. Tôi thấy đau xót và bực mình thay ông. - Cháu hiểu bác, bác Raip-êphenđi. Cháu rất hiểu, bác có đầy đủ cơ sở để không tin vào mọi người. Ý muốn thiêu hủy cuốn vở này cũng là một điều rất tự nhiên. Nhưng chả lẽ nào bác không thể hoãn lại, dù chỉ một ngày thôi, việc thực hiện bản án đó? Raip-êphenđi ngạc nhiên nhìn tôi như muốn hỏi: “ Để làm gì? “. Đã quyết định là không lùi bước, tôi liền nghĩ kế cuối cùng. Tôi ngồi gần lại và nhìn thẳng vào ông bằng một cặp mắt đầy thông cảm và trìu mến. - Chẳng lẽ bác không thể nào cho phép cháu giữ lại cuốn vở ấy dù chỉ là một đêm? Chẳng phải từ lâu bác cháu ta đã trở nên gần gũi, thân mật? Vậy mà trong suốt thời gian ấy bác không hề kể cho cháu nghe một chút gì về mình. Chẳng lẽ bác không thấy lời đề nghị của cháu là hoàn toàn có cơ sở hay sao? Sao bác lại dấu cháu? Bác hãy tin rằng đối với cháu bác là người thân nhất trên đời này. Sao bác lại có thể coi cháu cũng như những kẻ đốn mạt khác?... Những giọt nước mắt long lanh ở khóe mắt tôi, có cái gì đó như đang chẹn ngang ngực. Tôi muốn trút tất cả sự hờn giận chất chứa trong lòng đối với con người mà đáng lý ra cần phải gắn bó với tôi thì lại cố tình xa lánh. - Cũng có thể là bác có lý khi bác không tin vào mọi người. - Tôi vội nói tiếp. - Nhưng cũng không nên vơ đũa cả nắm bác ạ! Và ắt phải có những trường hợp ngoại lệ chứ. Bác cũng đừng quên rằng bác cũng thuộc về loài người nói chung. Những gì mà bác định làm là một hành động ích kỷ. Ngoài ra nó còn vô nghĩa nữa. Tôi ngừng lại, lo sợ mình đã quá lời. Người bệnh vẫn nằm im không nói gì. Tôi quyết định thử một lần cuối cùng: - Bác Raip-Bei, bác hãy đặt mình vào trường hợp của cháu. Bác đã đi gần hết cuộc đời, còn cháu - mới bắt đầu thôi. Cháu muốn hiểu rõ người đời hơn, muốn biết họ xúc phạm đến bác như thế nào? Raip-êphenđi lắc đầu và lẩm bẩm điều gì đó. Tôi cúi sát xuống mặt ông đến mức cảm thấy hơi thở nóng bỏng của ông phả vào mặt. - Không, không!... Ông nói dằn từng tiếng. - Mọi người không làm điều gì xấu cho tôi cả... Không có gì đâu... Tôi đối với họ cũng vậy... Nói đến đây ông ngừng hẳn, đầu gục xuống, hơi thở trở nên nặng nề và đứt quãng. Cuộc nói chuyện với tôi đã làm cho ông mệt. Chính tôi cũng cảm thấy rã rời và nhụt chí, đã chuẩn bị thực hiện ý muốn của ông - ném quyển vở vào trong lò lửa. Nhưng bỗng nhiên Raip-êphenđi lại mở mắt ra. - Không ai có lỗi cả! Ngay cả tôi cũng thế... Không đủ sức nói tiếp, người bệnh bật ho một cách nặng nhọc. Ông nhìn về phía quyển vở và nói rất khẽ: - Thôi, cứ đọc đi, rồi anh sẽ hiểu hết! Tôi vội nhét cuốn vở vào túi và hứa với ông: - Sáng mai cháu sẽ mang lại và đốt nó ngay trước mặt bác. Người bệnh nhún vai một cách thờ ơ như muốn nói " Tùy anh, muốn làm gì thì làm, đối với tôi thế nào cũng được ". Qua cử chỉ của ông tôi hiểu rằng ông đã hoàn toàn không còn quan tâm đến mọi chuyện xung quanh nữa. Ngay cả đối với quyển vở quí giá mà có lẽ trong đó đã ghi lại một phần đời rất quan trọng của mình. Trước khi ra về tôi nắm bàn tay ông và áp nó lên môi. Ông kéo tôi lại gần hơn, hôn lên trán và sau đó lên má. Từ trong mắt ông những giọt nước nhỏ xíu lăn ra nhưng ông cũng chẳng muốn dấu những giọt lệ đó. Ông chỉ còn biết nhìn tôi chăm chú hồi lâu không hề chớp mắt và không chịu nổi, tôi đã òa khóc. Chúng tôi cùng khóc một cách lặng lẽ, không thành tiếng, không nấc lên. Chỉ có những người thật sự đau khổ trong nỗi bất hạnh lớn nhất của mình mới khóc như vậy. Tôi đã linh cảm thấy rằng không thể dễ dàng chia tay với ông nhưng tôi không ngờ cuộc chia tay ấy lại nặng nề và đau xót đến như vậy. Raip-êphenđi thở hắt ra, cặp môi mấp máy: - Trước kia chưa có lần nào chúng ta nói chuyện với nhau cởi mở như thế này... Thật tiếc con ạ... Nói xong ông nhắm mắt lại. Tôi cố tình để không một người nào trong nhà đang đứng ngoài cửa nhìn thấy mặt, vội lách qua phòng khách và bước ra đường. Một làn gió lạnh thổi qua làm khô ngay đôi má đẫm nước mắt của tôi. Tôi bước đi, không nhìn thấy gì ở phía trước, miệng lẩm bẩm như trong cơn mê sảng: " Thật là tiếc... Thật là tiếc... Thật là tiếc!... ". Khi tôi trở về nhà trọ thì người bạn đã ngủ. Tôi nhanh chóng cởi quần áo, thắp một ngọn đèn đặt ở phía đầu giường rồi chui vào chăn và bắt đầu đọc quyển vở của Raip-êphenđi.
20 tháng sáu 1933
Ngày hôm qua một sự việc kỳ lạ đã xảy ra làm cho tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm cách đây mười năm về trước. Tôi sợ rằng những kỷ niệm hầu như đã bị xóa nhòa trong trí bấy giờ sẽ sống lại và sẽ không để cho tôi dù chỉ một phút giây yên tĩnh. Và tất cả những chuyện ấy là kết quả của một sự ngẫu nhiên tai quái. Sự kiện bất ngờ này đã làm sống lại trong trí nhớ của tôi toàn bộ quá khứ đã qua, đã đánh thức tôi từ một cơn mê dài, từ một giấc ngủ triền miên và từ một sự lãnh đạm, thờ ơ mà tôi đã sống bấy nhiêu năm. Tôi không muốn nói đến khả năng tôi sẽ phát điên hoặc tự tử. Con người rất dễ dàng cam chịu với tất cả những gì mà thoạt đầu tưởng như là không chịu nổi. Đó không phải là cuộc sống mà là một cực hình khủng khiếp! Nhưng tôi sẽ chịu đựng được tất cả như đã từng chịu đựng từ trước đến nay... Chỉ có một điều tôi sẽ khó lòng chịu nổi - đó là sự cô đơn. Chôn dấu tất cả mọi điều bí mật vào trong lòng mình, điều ấy quả là quá sức chịu đựng. Tôi rất muốn thổ lộ lòng mình với một người nào đó. Nhưng với ai? Có lẽ trong toàn bộ cái thế giới rộng lớn này không có người nào cô độc hơn tôi. Trong suốt mười năm gần đây tôi không hề chia sẻ cùng ai những cảm xúc của lòng mình. Không hiểu tại sao tôi luôn luôn xa lánh mọi người. Có lẽ bởi mọi người đã xa lánh tôi. Nhưng làm sao tôi có thể thay đổi được tính tình của mình? Xử sự khác đi chăng? Không, không thể thay đổi được một điều gì nữa. Mà cũng chẳng để làm gì! Tính tình của tôi đã như thế và nó sẽ vẫn như thế. Nếu như tôi có thể tin được một người nào đó nhỉ! Nhưng tôi không còn đủ sức để đi tìm một người như thế nữa. Chính vì vậy mà tôi phải dùng đến quyển vở này. Nếu như còn, dù chỉ là một chút hy vọng nào khác thì tôi sẽ không khi nào phải cầm đến cây bút. Bởi vì trên đời này tôi ghét nhất chuyện viết lách linh tinh... Ôi, nếu như không có cuộc gặp gỡ hôm qua! Tôi có thể lại tiếp tục sống như cũ, âm thầm, lặng lẽ... Hôm qua ở ngoài phố tôi đã gặp hai người phụ nữ. Người thứ nhất tôi nhìn thấy lần đầu tiên, còn người kia có thể nói là tôi đã hầu như không còn nhớ, bởi lẽ chúng tôi sống rất xa nhau. Không thể ngờ được rằng kết quả của cuộc gặp gỡ ấy đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của tôi. Nhưng nếu như đã quyết định ngồi vào bàn viết, tôi sẽ cố gắng kể lại toàn bộ câu chuyện một cách bình thản và tuần tự. Để làm được điều ấy cần phải quay lại mười - mười hai năm mà cũng có thể là mười lăm năm về trước. Tôi muốn viết lại toàn bộ câu chuyện này một cách cởi mở, chân tình, không dấu diếm một điều gì hết. Nếu như tôi không thể xua đi mãi mãi cơn ác mộng đang theo đuổi mình thì sẽ cố làm cho nó trở nên dễ chịu hơn. Có thể những hồi tưởng được viết lại bằng một tình cảm dịu dàng sẽ không cay đắng bằng chính sự thật đã xảy ra. Rất nhiều sự việc bây giờ hiện lên trước mắt tôi dưới một ánh sáng khác, chúng trở nên đơn giản hơn và không còn mang ý nghĩa quan trọng như trước nữa. Điều đó làm cho tôi xấu hổ vì chính những tình cảm của mình. Tôi sinh ra ở Khavran và học hết bậc tiểu học ở đó. Sau này tôi tiếp tục học lên ở Êđơrêmít - một thành phố nhỏ cách chúng tôi không xa. Trước khi kết thúc chiến tranh thế giới (2) không lâu tôi bị gọi vào lính - lúc đó tôi mới mười chín tuổi - nhưng trong khi còn đang học ở trại huấn luyện thì chiến tranh đã chấm dứt. Tôi trở về quê và tiếp tục đi học. Chỉ có điều là tôi đã không theo hết được trung học. Cũng cần phải nói thật rằng tôi không ham học cho lắm. Tôi đã học tiếp được gần một năm nhưng một sự kiện quan trọng đã xảy ra làm cho tôi không còn thích thú học hành gì nữa. Mặc dù hiệp ước Hòa bình đã được ký kết nhưng trong đất nước trật tự vẫn chưa được thiết lập. Mọi chuyện cứ đảo lộn cả lên - Chẳng có một chính phủ vững vàng, cũng chẳng có niềm tin và mục đích. Ở một số vùng thì đội quân chiếm đóng nước ngoài làm mưa làm gió, một số nơi khác thì các đội khởi nghĩa nổi dậy, hoặc tệ hơn nữa là các băng cướp. Một số thì tấn công vào kẻ thù, số khác thì cướp bóc nhân dân. Có trường hợp một người nào đó vừa mới nổi lên như một anh hùng thế mà chỉ sang tuần sau đã thấy bị treo cổ lủng lẳng ở quảng trường trung tâm Êđơrêmít. Tất nhiên trong hoàn cảnh như vậy khó mà có thể ngồi yên trong bốn bức tường cố gào cho thuộc môn lịch sử Đế chế Oxman và những bài học luân lý. Nhưng cha tôi được coi là một người vai vế nhất trong vùng nhất quyết muốn tôi trở thành người! Nhìn thấy đám thanh niên trạc tuổi tôi, thắt lưng lủng lẳng bao đạn và cây súng ngắn, hăng hái xung vào quân khởi nghĩa hoặc các băng cướp, ông lo thật sự đến một lúc nào đó tôi sẽ theo gương họ mất. Nỗi lo lắng của ông về tôi ngày càng nhiều hơn khi có tin về những sự hy sinh của đám bạn tôi. Có người hy sinh vì viên đạn của kẻ thù, người khác chết vì bọn cướp. Nỗi lo lắng của cha tôi hoàn toàn có cơ sở. Tôi không muốn ngồi mãi trong nhà và đã bí mật chuẩn bị ra đi. Vào đúng lúc đó đội quân chiếm đóng tràn đến vùng chúng tôi và thế là lòng hăng say quả cảm của tôi bị xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Hàng mấy tháng liền tôi lang thang như người mất trí. Đám bạn bè tôi hầu hết mỗi người phiêu bạt một nơi. Cha tôi quyết định gửi tôi đi Xtambun. Ông nói: “ Hãy chọn lấy một trường nào đó phù hợp với mày rồi học tiếp đi! “. Tôi chưa bao giờ tỏ ra là một thanh niên có khả năng đặc biệt hoặc tháo vát cho lắm, vì vậy mà lời khuyên vô ích của cha tôi chỉ càng chứng tỏ rằng ông đã không hiểu tôi. Nhưng tôi cũng có một niềm say mê thầm kín riêng. Trong các giờ học vẽ tôi thường được thầy giáo khen ngợi và thực ra tôi vẽ cũng được. Tôi mơ ước sẽ thi vào trường Mỹ thuật Xtambun. Chao ôi, những mơ ước ngọt ngào từ những ngày còn thơ ấu! Tôi sinh ra vốn là một đứa bé dịu dàng, nhút nhát và điều ấy đã nhiều lần làm cho tôi lâm vào tình trạng lúng túng và đôi khi còn rất ngớ ngẩn nữa. Đối với tôi không có sự khốn khổ nào hơn là việc phải cố gắng bác bỏ những nhận xét không đúng về mình. Tôi không có can đảm thốt ra dù chỉ một lời để tự bảo vệ. Mỗi khi người ta trừng phạt tôi vì những trò xảo trá của đám bạn học, tôi chỉ biết về nhà tìm một chỗ vắng và khóc tấm tức. “ Mày không xứng là con trai một tí nào cả, đáng lý phải sinh ra là con gái mới phải “. Cha mẹ tôi vẫn thường quở trách như vậy. Tôi thích ngồi một mình trong góc vườn hoặc trên bờ sông - nơi tôi có thể đắm mình trong những ước mơ. Những ước mơ đó hoàn toàn trái hẳn với những hành động thường ngày, trong đó tôi trở nên dũng cảm khác thường. Cũng giống như những nhân vật chính mà tôi đã từng đọc trong những cuốn tiểu thuyết, tôi hình dung mình là thủ lĩnh của một đạo quân đáng tin cậy, đeo mặt nạ, cặp súng ngắn dắt ở thắt lưng, bắt cóc được cô gái Pharie xinh đẹp và đưa đi theo lên núi. Pharie là cô bé ở khu nhà bên cạnh đã để lại trong lòng tôi những cảm xúc êm dịu, ngọt ngào. Và thế là chúng tôi cùng nàng ở trong hang đá. Cô gái run rẩy vì sợ hãi, nhưng khi nhìn thấy trước mặt mình những người bạn tin cẩn của tôi cùng với những của cải giàu có mà bây giờ đã thuộc về mình, cô bình tâm trở lại. Lòng cô tràn ngập niềm kinh ngạc và thán phục. Cô mở mắt ra, gục đầu vào vai tôi và những giọt nước mắt sung sướng trào ra... Lúc khác tôi tưởng tượng mình thành một nhà thám hiểm lang bạt khắp Phi Châu, chiến đấu với bọn ăn thịt người và trải qua những cuộc mạo hiểm kỳ lạ. Khi thì tôi trở thành một họa sĩ nổi tiếng khắp thế giới đang chu du ở Châu Âu. Trí tưởng tượng của tôi được bổ sung thêm bằng những tác phẩm của Misen Zevakô (3), Giuylơ Vernơ (4), Alêchxanđơ Đuyma (5), Akhơmét Mikhat-Ephenđi (6), Veđlikhi-Bei (7) - và một loạt những nhà văn nữa. Cha tôi không hài lòng với những trò ấy. Thỉnh thoảng ông thô bạo giật khỏi tay tôi những cuốn sách hoặc tắt đèn không cho đọc nữa. Nhưng không có gì có thể làm nguội lạnh được những niềm say mê của tôi. Tôi tự thiết kế lấy một cái đèn dầu và lại tiếp tục ngốn ngấu " Những bí mật thành Paris " (8), và " Những người khốn khổ " ( 9). Biết không làm gì nổi với tôi, cuối cùng ông đành bỏ mặc. Tôi đọc tất cả những gì vớ được và mỗi cuốn sách đã đọc, dù đó là những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của Lekok hay là những trang sử cuộc đời của Murat-Bei (10), đều để lại trong lòng tôi những ấn tượng không phai mờ. Sau khi đã đọc về chàng thanh niên Muxi Xitxêvon sống ở La Mã cổ đại, trước sự đe dọa tra tấn của kẻ thù đã tự đưa tay mình vào lửa chứ nhất quyết không khai báo về những chiến hữu, tôi đã thử lòng dũng cảm của mình bằng cách tự đốt những ngón tay đến phồng rộp lên. Người anh hùng lịch sử với nụ cười thản nhiên trên môi có thể chịu đựng được bất kỳ một sự đau đớn nào đã khắc sâu mãi trong lòng tôi như một hình tượng đẹp đẽ của ý chí kiên cường. Tôi đã thử viết lách lăng nhăng, làm cả thơ nữa, nhưng sau đó đã phải bỏ ngay việc này. Nguyên nhân tôi bỏ viết lách lại vẫn cứ là nỗi sợ hãi ngốc nghếch không sao vượt qua nổi mỗi khi phải bộc lộ lòng mình. Nhưng còn hội họa thì tôi vẫn tiếp tục học. Tôi cảm thấy rằng trong lĩnh vực này không nhất thiết phải phô bày những tình cảm thầm kín của lòng mình. Chỉ cần sao chép lại hiện thực một cách trung thành còn người họa sĩ sẽ đóng vai trò của một người môi giới đặc biệt. Với một quan niệm sai lầm như vậy, cuối cùng tôi cũng bỏ cả vẽ. Tất cả cũng chỉ vì cái tính nhút nhát đáng nguyền rủa ấy mà thôi. Ở trường Mỹ thuật Xtambun không cần ai bảo tôi đã tự nhận ra rằng môn đồ họa cũng là một trong những phương pháp để tự thể hiện bản thân mình và nó đòi hỏi phải hết sức cố gắng trong học tập. Khi đã hiểu ra điều ấy tôi thôi không đến trường nữa. Hơn nữa chính các thầy cũng thấy tôi không có một tài năng gì đặc biệt cả. Điều này cũng dễ hiểu vì tôi chỉ đưa ra cho mọi người xem những bức vẽ ở nhà và ở xưởng họa ít truyền cảm nhất. Còn những bức khác ít nhiều thể hiện được những đặc điểm về thế giới nội tâm của mình tôi đều giấu kín. Tình cờ có ai nhìn thấy những bức vẽ ấy lập tức tôi trở nên ngượng ngùng, mặt đỏ bừng như một cô gái có tính hay e thẹn rồi bỏ chạy. Rời trường Mỹ thuật tôi lang thang trong thành phố Xtambun một thời gian khá lâu không biết làm gì. Lúc đó là vào những năm gay go của thời kỳ đình chiến. Cảnh hỗn độn, lối sống trơ trẽn ở thủ đô làm cho tôi khó chịu. Tôi quyết định quay trở về Khavran. Tôi viết thư cho cha xin gửi tiền đi đường lên. Mười ngày sau tôi nhận được một bức thư dài của ông. Vì cương quyết muốn bắt tôi phải trở thành một con người thiết thực trong giới kinh doanh, ông đã dùng đến biện pháp cuối cùng. Không biết nghe ai nói ở Đức do nạn lạm phát đang phát triển nên giá sinh hoạt có phần dễ chịu hơn, rẻ hơn so với ở Xtambun, vì thế ông gởi tôi sang đó để học nghề nấu xà phòng, đặc biệt là công nghệ sản xuất xà phòng thơm. Ông gởi kèm theo một khoản tiền cần thiết để chi tiêu. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến thế nào. Không phải vì tôi say mê với công việc nấu xà phòng mà chính vì cuối cùng tôi sẽ được tận mắt nhìn thấy châu Âu - Xứ sở từ thời niên thiếu đã gợi nên trong óc tôi bao hình ảnh kỳ diệu. " Con hãy cố gắng - Cha tôi còn dặn. - Trong vòng hai năm phải nắm cho được công việc này. Sau khi con trở về chúng ta sẽ trang bị lại và mở rộng nhà máy. Chính con sẽ điều hành nó và tổ chức kinh doanh. Nếu thánh Ala còn phù hộ, con sẽ trở nên giàu có và sung sướng... ". Nhưng bản thân tôi không hề có ý muốn nghe theo những lời khuyên bảo của ông. Ý của tôi hoàn toàn khác. Tôi thích thú vì sẽ có điều kiện để học tiếng Đức, sẽ đọc được sách bằng chính thứ ngôn ngữ đó ; tôi sẽ được tiếp xúc với những con người mà tôi mới chỉ làm quen trong những cuốn tiểu thuyết và nói chung là châu Âu sẽ mở ra trước mắt tôi... Có thể bản tính kín đáo, lạnh lùng của tôi được hình thành vì trong cuộc sống tôi chưa gặp được những con người giống như những nhân vật mà tôi hằng yêu mến qua những trang sách? Công việc chuẩn bị không kéo dài quá một tuần. Chuyến đi Berlin chạy qua Bungari. Tất nhiên là cho đến lúc đó tôi chưa biết tiếng Đức. Trên đường đi tôi mới chỉ kịp học thuộc lòng một vài câu hội thoại. Với vốn ngôn ngữ ít ỏi ấy tôi đã nhanh chóng tìm thấy nhà trọ mà những người quen ở Xtambun đã chỉ cho tôi.Chú thích: (1) Kechioren: vùng ngoại ô ở thành phố Ankara. (2) Chiến tranh thế giới lần thứ nhất ( 1914 - 1918 ) (3) Misen Zevakô ( 1860 - 1918 ): nhà văn, nhà phê bình văn học Pháp. (4) Giuylơ Vernơ ( 1828 - 1905 ): nhà văn Pháp nổi tiếng. Người đặt nền móng cho tiểu thuyết phiêu lưu và khoa học viễn tưởng. (5) Alếchxanđơ Đuyma: hai cha con đều là những nhà viết kịch và tiểu thuyết nổi tiếng, người Pháp, Alếchxanđơ Đuyma bố ( 1802 - 1870 ), Alếchxanđơ Đuyma con ( 1824 - 1895 ). (6) Akhơmet Nikhat-Ephenđi ( 1844 - 1912 ): nhà văn, nhà khai sáng người Thổ Nhĩ Kỳ. (7) Veđlikhi-Bei ( 1869 - 1904 ): nhà văn nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ. (8) " Những bí mật thành Paris ": tiểu thuyết của nhà văn Pháp Ogienơ Xuy ( 1804 - 1857 ). (9) " Những người khốn khổ ": tiểu thuyết của Vichtor Huygô, nhà văn Pháp nổi tiếng, theo chủ nghĩa lãng mạn ( 1802 - 1885 ) (10) Murát-Bei ( mất năm 1917 ): nhà văn, nhà sử học người Thổ Nhĩ Kỳ.