Chương bốn

     huyên đi học về, vợ chồng chị Nhân đang ăn cơm dưới nhà. Thấy Khuyên ngang qua, chị Nhân gọi giật lại:
- Cô Khuyên vào đây.
- Gì thế chị?
- Có một cậu thanh niên xung phong hồi trưa này đến nhà tìm cô.
Khuyên bàng hoàng:
- Anh ấy có cho biết tên không chị?
- Không chịu nói tên cho tôi biết, nhưng có để lại bức thư cho cô, tôi giữ đây.
Trong lúc chị Nhân đi tìm bức thư, anh Nhân nheo mắt cười trêu:
- Ai thế cô Khuyên?
- Em chưa biết, nhưng chắc là người quen. - Khuyên lúng túng đáp.
- Hình như cậu ta ở chiến trường biên giới về, vội quá nên tôi cũng chưa kịp hỏi.
- Sao lại ở biên giới?
- Cậu ấy bảo thế, cô đọc thư chắc rõ hơn.
Chị Nhân đem bức thư ra. Chỉ là một tờ giấy học trò xếp đôi, nét chữ không phải của Thức.
- Cô ăn cơm chưa? - Chị Nhân hỏi.
- Chưa chị ạ.
- Thế, ăn cơm với vợ chồng tôi luôn thể nhé?
Khuyên từ chối:
- Cám ơn chị, em chưa đói đâu ạ.
Nói xong, Khuyên đi thẳng tới cầu thang, lên phòng mình. Khuyên rất nóng lòng muốn đọc bức thư với nét chữ lạ hoắc này. Trong sự hồi hộp, xen lẫn xúc động, Khuyên có linh cảm rằng có một chuyện gì đó xảy ra liên quan tới Thức.
“Chị Khuyên thân mến,
Tôi từ chiến trường biển giới về, đưa Thức vào bệnh viện xong lật đật tới tìm chị, nhưng rất tiếc không được gặp chị. Thức bị thương trong lúc tải đạn cho bộ đội, nhưng xin báo cho chị mừng là vết thương không nguy hiểm, chị có thể yên tăm. Nhưng dù sao Thức củng phải nằm điều trị vời ngày.
Tôi bận công việc phải đi ngay, không thể chờ chị về được, vắn tắt cho chị biêt tin, khoảng 7 giờ tối nay tôi sẽ ghé lại gặp chị.
Bạn của Thức
Phái”
Khuyên nhớ ra rồi, Phái làm báo tường, đeo kính cận và rất vui tính. Khuyên gần như reo lên, nhưng đồng thời một nỗi lo lắng cũng ập tới, xô vào lòng Khuyên như một tảng đá nặng trước tin Thức bị thương. Có thể như vậy được sao? Khuyên bồn chồn đi tới đi lui trong căn phòng quen thuộc của mình không biết làm gì. Khuyên đọc bức thư ngắn ngủn của Phái tới bốn lần, hết nhìn đồng hồ tới nhìn xuống đường, mong cho thời gian đi qua nhanh và bóng Phái hiện ra. Nhưng nào thời gian có đi nhanh như ý Khuyên mong muốn.
- Có chuyện gì thế cô Khuyên?
Chị Nhân đi lên, đứng ngoài cửa hỏi vào. Khuyên đáp:
- Có một người quen của em bị thương từ chiến trường mới vào nằm viện.
- Ai thế?
- Một người bạn, chị ạ.
- Anh ấy là bộ đội à?
- Không, anh ấy là thanh niên xung phong.
- Chị vào chơi được chứ?
- Vâng, mời chị. Em đang lo lắng đây.
Chị Nhân vào nhà, ngồi xuống chiếc ghế mây kê gần bàn học của Khuyên. Vợ chồng chị Nhân đều là giáo viên dạy ở Đại học Tổng hợp. Hai người là cán bộ tập kết, lấy nhau từ trước giải phóng ở Hà Nội, không con. Sau khi mẹ và anh Đồng đi, một thời gian ngắn vợ chồng chị Nhân được ghép hộ ở chung với Khuyên, anh chị ở dưới nhà, Khuyên trên lầu. Anh chị Nhân thương Khuyên như đứa em gái.
- Cậu thanh niên xung phong có hứa sẽ trở lại mà.
- Vâng, em đang đợi đây.
- Sao cô không cơm nước gì cả vậy?
- Em không thấy đói chị ạ.
- Rõ khổ.
- Anh thanh niên xung phong lúc nãy tên là Phái, nếu chút nữa anh ấy có quay lại chị kêu em nhé?
- Dĩ nhiên rồi. Nhưng cô làm gì mà cuống lên thế?
- Tội nghiệp anh ấy quá chị ạ. - Khuyên gượng cười.
- Người yêu phải không? - Chị Nhân nheo mắt hỏi.
Khuyên lặng lẽ gật đầu. Gương mặt đỏ bừng. Thức ơi, em vừa thú nhận với chị Nhân đấy, đây là một việc làm bất đắc dĩ, vì không bao giờ em phải thú nhận tình cảm của mình với người lạ, nhưng trong trường hợp này em cuống quá rồi...
- Cô có định tới bệnh viện thăm cậu ấy không?
- Chắc là có chị ạ.
- Hy vọng vết thương không đến nỗi nào. Cô có đi cho chị gởi lời thăm cậu ấy nhé. Trước lạ sau quen.
- Vâng.
- Thôi, chị xuống nhà đây, tối nay còn phải chấm một lô bài. Cái nghề giáo đến là khổ, vậy mà không hiểu sao cô lại chọn con đường này.
Khuyên chỉ cười. Vợ chồng chị Nhân thường ca cẩm về cái nghề của mình, nhưng xem ra anh chị vẫn yêu nghề, và là giáo viên dạy giỏi có tiếng. Khuyên không hiểu rồi mình có theo nổi con đường đã chọn không, nhiều lúc có một mình, Khuyên mới thấy mình thật cô đơn và lẻ loi.
- Khuyên ơi, có khách tới nè. - Chị Nhàn gọi lớn từ dưới nhà.
Khuyên giật mình lao ra cửa. Phái hiện ra trong bộ đồ xanh thanh niên xung phong bạc màu, đôi mắt hấp háy sau lần kính cận và nụ cười làm cho Khuyên yên tâm.
- Gớm, tìm bà chị cả buổi, bây giờ mới gặp.
- Anh Phái - Khuyên reo lên - Nãy giờ mong anh đến đây.
- Khuyên đọc thư chưa?
- Rồi. Nhưng càng đọc thư càng lo...
- Có lo việc cũng đã vậy rồi. Thức đang nằm bệnh viện, vết thương không nguy hiểm, vẫn tỉnh táo như thường. Như vậy Khuyên yên tâm chưa?
Khuyên lắc đầu:
- Chưa.
- Thế phải làm sao mới yên tâm được.
- Anh ngồi xuống ghế và kể lại xem chưvện gì đã xảy ra từ dạo Khuyên rời chiếc xuồng trên bờ kênh bữa đó?
Phái ngồi xuống ghế, lấy kiếng ra dùng chéo áo lau và đeo trở lại. Anh chàng lúng túng một hồi rồi nói:
- Kể ra dài dòng lắm, nhưng nói chung có nhiều chuyện thay đổi bất ngờ. Tụi này không còn ở chỗ cũ nữa mà được lệnh chuyển quân lên biên giớị phục vụ chiến đấu bên cạnh bộ đội. Công việc bận bở hơi tai nên có lẽ vì vậy mà Thức nó không biên thư cho Khuyên biết tin được. Mới tới đây trong một trận đánh, tụi này tải đạn và thương binh. Thức bị thương nặng. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Thức được chuyển ngay về thành phố. Thế là tôi lặn lội tìm Khuyên để báo tin.
- Như vậy chắc vết thương nặng lắm, phải không?
- Nặng, nhưng không nguy hiểm.
- Anh ấy có... phải làm sao không?
- Làm sao là thế nào?
Khuyên hồi hộp:
- Nghĩa là bị thương tật...
- Ồ, không sao, băng bó chút đỉnh nhưng rồi sẽ lành lặn nguyên xi. Đừng lo.
- Bây giờ mình vào thăm Thức được chứ?
- Được. Tôi mượn được chiếc xe honda kìa, nếu Khuyên muốn vào bệnh viện ngay tôi chở đi.
- Anh Phái chờ Khuyên năm phút nhé?
- Nhanh lên kẻo hết giờ thăm đấy.
Khuyên chỉ kịp thay quần áo, không trang điểm, vớ lấy chiếc túi xách rồi theo Phái xuống cầu thang.
Ra đường, Khuyên hỏi Phái:
- Mình ghé chợ mua một chút được không anh Phái?
- Để làm gì?
- Mua một ít quà cho Thức.
- Thôi bà chị ơi, bây giờ, còn ghé chợ là hết giờ thăm đấy. Nhưng Thức chưa cần quà cáp gì đâu, chỉ cần nhìn thấy Khuyên là xong ngay.
Khuyên đỏ mặt:
- Thức ăn uống gì được không?
- Nó ăn như cọp.
- Bao giờ anh Phái trở lên đơn vị?
- Sáng mai.
- Sao lại sáng mai?
- Chứ không lẽ ở hoài dưới này, Thức nó bị thương chứ tôi còn ngon lành, ai cho nằm bệnh viện?
- Bạn bè... có sao không anh?
- Trong đơn vị có vài người bị thương cùng với Thức nhưng bạn bè thân thiết của mình không sao cả. Các cô chị nuôi gởi lời thăm Khuyên đấy.
Khuyên xúc động ngồi im, chỉ mấy câu nói của Phái mà nhắc Khuyên nhớ những gương mặt bạn bè thân thiết Khuyên đã có dịp làm quen. Phình, Cúc, Kim, Ngàn... ôi, bao giờ Khuyên mới có dịp sống lại những ngày đầy thân ái cũ.
- Mẹ Khuyên đi rồi sao?
- Vâng, đã đi rồi. Bây giờ Khuyên chỉ còn lại có một mình.
- Nhà ghép hộ rồi phải không?
- Đúng đấy anh, vợ chồng chị Nhân cũng dễ thương. Họ đều là giáo viên.
- Sao Khuyên không biên thư cho ai hết vậy?
- Khuyên khổ sở quá chẳng thiết gì cả. Nói cho đúng ra - Khuyên cười - cũng có định biên thư cho Thức, nhưng chưa kịp biên thư đấy thôi.
- Đúng là một sự thay đổi ghê quá, Khuyên nhỉ?
- Cái gì cơ? - Khuyên hỏi.
Nhưng Phái không trả lời. Hình như Phái lạng xe để tránh một người nào đó vừa quẹo xe đạp bất ngờ. Đêm thành phố không có gió, các hàng cây đứng im dưới đèn. Khuyên bỗng nhớ lại những ngày cũ đi chơi với Thức qua các con đường. Những đêm chia tay nào ngờ, những đêm ấy thường có mưa lay bay, gió xao xác cuốn trên các tàn cây, lá rụng đầy và mùi hương hoa đọng lại trong mưa. Hình như là mùi thơm của hoa hoàng lan.
- Anh Phái có thích hoa hoàng lan không nhỉ?
- Ồ, hoa gì tôi cũng thích cả. Nhưng ở rừng làm gì có loài hoa vương giả ấy. Ở rừng chỉ có hoa dại, vào mùa hoa cứ như là mình đang tắm trong hương thơm hoa rừng vậy, Thích mê tơi.
- Nghe nói hoa phong lan rừng đẹp và thơm lắm phải không anh Phái?
- Đúng vậy, Thức nó cũng khoái hoa phong lan lắm đấy. Nó vừa sưu tầm được vài loại phong lan thì bị thương... Tới bệnh viện đây. Cấm không được khóc. - Phái cười.
Gửi xe xong, Phái và Khuyên đi vào hành lang bệnh viện. Đây là bệnh viện dành cho lính, nên Khuyên thấy các thương bệnh binh ngồi chơi trên các băng đá, hoặc đi dọc theo hành lang. Khuyên cũng có những lần vào bệnh viện thăm người quen, nhưng đến bệnh viện dành cho thương bệnh binh thì mới lần đầu. Khuyên không giấu được sự hồi hộp của mình.
- Vào đây bà chị, Thức nó ở trong này.
Đó là một căn phòng rộng gồm nhiều giường kê thành từng dãy dài. Thức nằm ở chiếc giường cuối phòng, cánh tay đang băng bột có một sợi dây đeo tròng lên cổ. Lúc Phái và Khuyên vào Thức đang nằm nhìn lên trần nhà, chẳng hiểu anh đang nghĩ gì.
- Báo cáo “thủ trưởng”, tớ đã làm xong nhiệm vụ. - Phái đùa.
Thức quay ra sau câu nói của Phái, đôi mắt anh bất ngờ chạm vào đôi mắt của Khuyên. Đôi mắt Thức ánh lên nét vui mừng, sáng long lanh. Trong khi đó đôi mắt Khuyên trĩu xuống sũng nước. Khuyên cố, nhưng không làm sao ngăn mình khỏi khóc được.
- Khuyên! - Thức gọi khẽ và bàn tay anh đưa ra.
- Khuyên ngồi đỡ xuống mép giường đây. - Phái nói.
Khuyên ngồi xuống theo lời Phái, bàn tay Khuyên đặt trong lòng bàn tay của Thức. Cánh tay bị thương của anh là tay phải, anh nắm tay Khuyên bằng tay trái, cánh tay phía trái tim. Không hiểu sao Khuyên lại nghĩ lẩn thẩn như vậy trong giờ phút này.
- Vừa nghe tin anh nằm bệnh viện là em vào thăm ngay cũng may là có anh Phái, nếu không em chẳng biết gì cả. Sao anh không biên thư cho em?
- Anh bận quá. Còn em?
- Em thì khổ sở quá.
- Sao lại thế, hả Khuyên?
- Mẹ em và anh Đồng đi rồi, em chỉ còn lại một mình.
- À! - Thức kêu khẽ rồi nằm im, vẻ xúc động.
Phái cười:
- Lúc nãy Khuyên bảo ghé chợ mua ít quà cho mày và còn hỏi Thức ăn được không, tao bảo ông Thức ăn như cọp, Khuyên không tin. Bây giờ tin chưa?
- Chưa - Khuyên đáp - Anh Thức xanh và yếu lắm.
- Hôm bị thương mất nhiều máu. Cũng may không đi đời.
- Anh nói tầm bậy.
- Bây giờ Khuyên ở đâu?
- Nhà cũ, nhưng ở trên lầu. Nhà ghép hộ với vợ chồng một anh cán bộ, cũng làm nghề dạy học.
- Em đi học có vui không?
- Có vui có buồn.
Thức cười:
- Như vậy được rồi. Có vui có buồn là tốt, đừng buồn hoài, mau già.
- Anh chọc em hoài.
- Ngày mai tớ trở lại đơn vị rồi, cậu có nhắn gì không?
- Không, chỉ nhờ cậu chăm sóc giùm cho mấy giò phong lan treo trên nóc hầm. Trong đó có một giò tớ dành tặng Khuyên đấy. Phong lan mà chết thì cậu cũng tiêu đời luôn.
- Yên chí. Hoa phong lan héo, gặp tay tớ cũng tươi rói ngay thôi.
- Lên trên ấy thường xuyên biên thư về cho tao biết tin tức với, nằm đây coi như mù mịt tin tức anh em. Chán chết.
- Chán cái gì, ngày nào Khuyên cũng vào thăm mà kêu chán, không sợ cô ấy buồn à?
- Anh cần gì không? Có cần nhắn tin cho bác và em gái anh không?
Thức lắc đầu:
- Anh cần một ít đồ dùng cá nhân, kem, bàn chải đánh răng, dao cạo râu... còn mục nhắn tin cho gia đình thì đừng, khi nào xuất viện anh sẽ về thăm. Chừng ấy gia đình biết cũng không sao.
- Anh Phái mai đi thì tiếc quá nhỉ?
- Sao lại tiếc? - Phái thắc mắc.
- Nếu anh ở lại được một ngày, Khuyên sẽ giới thiệu anh một nhỏ bạn rất dễ thương...
- Nghe nói bắt ham, nhưng đành hẹn lại dịp khác vậy. Tôi mà không trở về đơn vị thì sẽ bị kỷ luật đấy bà chị thân mến ạ.
- Mày dóc tổ, chứ không phải ở lại thành phố sẽ nhớ cố nhân sao?
- Hết rồi ông ơi.
Phái ngượng vì Thức nhắc lại chuyện riêng của mình, anh lẩn tránh bằng cách giả vờ lịch sự, bỏ đi ra ngoài hành lang. Còn lại hai người, Khuyên không biết nói gì hơn, chỉ nhìn vào mắt Thức như tìm ở đấy hai vì sao cho hy vọng của mình.
- Tội nghiệp cô bé của anh.
Bàn tay Thức bóp chặt mấy ngón tay nhỏ nhắn của Khuyên. Cô để yên với một thứ hạnh phúc nhẹ nhàng và tràn trề xúc động. Khuyên nhớ tới mấy câu thơ của Giang Nam:
“Anh nắm bàn tay em bé nhỏ ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong lòng bàn tay tôi nóng bỏng...”
- Khuyên này - Thức gọi khẽ.
- Gì thế anh.
- Anh thật vô tình không biết chi về những ngày vừa qua của em. Đúng là những ngày đầy thay đổi mà em phải chịu đựng thật không dễ dàng gì. Lẽ ra anh phải có vài bức thư cho em...
- Thôi anh, chuyện ấy đã qua rồi. Em chịu đựng được, tuy có khở sở thật.
- Em sẽ không bao giờ hối hận trước quyết định của mình chứ?
- Không bao giờ.
- Em dũng cảm lắm, cô bé của anh.
Bàn tay Khuyên ấm nóng, cô nhận ra mấy giọt nước mắt của mình đã rơi xuống.
- Đừng khóc nữa Khuyên.
- Em có khóc đâu. - Khuyên mếu máo cười.
- Em biết không, anh có một lô chương trình sau khi được xuất viện.
- Chương trình gì vậy? - Khuyên chớp mắt hỏi.
- Xuất viện thế nào anh cũng được một thời gian dài nghỉ phép. Anh sẽ đưa em về thăm mẹ và em gái anh...
- Thôi, kỳ chết.
- Anh giới thiệu như mội người bạn, chứ bộ.
- Thì bạn chứ là cái gì. - Khuyên trợn mắt.
- Ủa, vậy mà anh tưởng...
Khuyên tức quá, nhéo vào cánh tay lành của Thức một cái đau điếng. Thức khoái chí cười.
- Quỷ bắt anh cho rồi, cứ chọc người ta không à.
- Không chọc em, anh biết chọc ai bây giờ?
Đúng là Thức không biết chọc ai thật, vì bên cạnh anh là hai anh bộ đội, một người bị thương nặng băng kín cả mặt mũi, còn một người đang lên cơn sốt rét.
- Anh bị thương có đau lắm không?
- Đến bây giờ mới hỏi. - Thức trách nhẹ nhàng.
- Cánh tay anh ra sao?
- Bị miểng pháo ghim vào chứ sao, chắc nó tưởng cánh tay anh là miếng thịt bò.
- Thôi đi, nói thấy ghê.
- Mà đâu phải một miểng, những năm miểng, anh ngất xỉu khi cái miểng thứ năm nó găm vào nghe đến “xựt” một cái.
- Thấy ớn.
- Thì “diễn cảm” một chút cho em biết thế nào là một người bị thương vậy mà.
- Rồi cánh tay sẽ ra sao?
- Như em thấy đó, đang bó bột, và mọi chuyện sẽ rõ ràng sau khi... mở băng ra.
- Sao anh Phái bảo với em rằng anh chả sao cả, bó bột một thời gian ngắn sẽ lành lặn như thường.
- Anh bị thương chứ nó có bị thương đâu mà biết. Với lại thằng đó là chúa xạo.
- Đâu, anh cho em gõ gõ vào cánh tay sẽ biết liền.
- Thôi, xin chào thua bác sĩ... cánh tay bị thương của người ta mà gõ. - Thức cười.
Khuyên cũng cười:
- Có một lúc em cũng định thi vào Y khoa đấy. Nếu em thi vào, giờ đây em cũng là chuẩn bác sĩ rồi chứ bộ.
- Nhát như thỏ đế kiểu em thì đòi nào làm bác sĩ được. Thôi, cứ làm cô giáo cho anh nhờ.
Phái trở vào, ném cho Thức điếu thuốc, còn miệng anh phì phà một điếu.
- Đốt giùm chứ anh bạn. Quên là cánh tay tớ đang băng bột sao?
Rít mấy hơi thuốc, Thức nói:
- Vợ chồng ông cán bộ ấy đối với em thế nào?
- Họ xem em như em gái vậy. Anh chị ấy rất dễ thương.
- Em ăn uống ra sao?
- Đi học về em nấu ăn chứ sao.
- Hôm nay thì chắc chưa ăn gì, phải không? - Phái cười hỏi.
- Không thấy đói.
- Bây giờ thì yên tâm rồi, coi vậy chứ ông Thức không dễ gì chết đâu. Một chút nữa trên đường về mình đi ăn phở cho ông Thức tức chơi.
Thức cười:
- Hơi đâu mà tức.
- Nói thế chứ mày cần gì không tao về bây giờ đây, và sáng mai trở lên đơn vị sớm, chắc không ghé lại được đâu. Từ bây giờ tao hết trách nhiệm, bàn giao lại cho Khuyên đấy nhé.
Khuyên cười:
- Em chưa nhận đâu đấy nhé.
Đã hết giờ thăm, Phái nhìn đồng hồ và giục Khuyên về. Thức định ngồi dậy đưa Khuyên về nhưng Khuyên đã ngăn lại:
- Thôi anh, cứ nằm yên đó, anh ngồi dậy tiễn em chắc em không làm sao về nổi đâu. Mai em sẽ vào.
- Gớm, hạnh phúc quá rồi. Ông Thức cứ yên chí nằm đây cho đến già cũng không sao. - Phái cười dòn.
Trời trở gió lạnh báo hiệu cho một cơn mưa lớn. Phái lấy xe và giục Khuyên leo lên ngồi phía sau. Phái rồ ga phóng xe thật nhanh giữa những hạt mưa đang rớt xuống vai Khuyên lành lạnh.

 

Sau giờ học, Khuyên kéo Nguyệt về một góc sân nói nhỏ:
- Nguyệt ơi, có muốn vào bệnh viện thăm một người quen không?
- Quen là thế nào?
- Bạn.
- Bạn của Nguyệt hay của nhỏ?
- Vô duyên chưa, dĩ nhiên là của Khuyên chứ.
- Vậy thì mắc mớ chi mà nhỏ kéo Nguyệt đi vô cái chỗ bệnh hoạn thuốc men ấy?
- Nhưng là một người quen đặc biệt. Biết ai không?
- Vô duyên, bạn của Khuyên làm sao người ta biết cho được mà đố.
- Đoán xem.
- Xì, đoán mệt óc lắm. Chuyện của người khác chẳng hơi sức đâu xen vào. Ta nghỉ ngơi cho khỏe.
- Vậy Khuyên đi một mình, chả sao cả.
Và Khuyên quày quả bỏ đi. Nguyệt chạy theo níu áo kéo lại, làm lành:
- Thôi nhỏ ơi, chiến tranh lạnh hoài mệt lắm. Ai đó cứ nói, rồi Nguyệt chở cho đi.
- Thức.
- Thức nào? Phải Thức thanh niên xung phong không?
- Chẳng lẽ trên đời này lại có tới hai Thức trong trái tim của người ta?
- Ôi, sao nãy giờ nhỏ không nói sớm. Ai chứ Thức của Khuyên thì trời sập Nguyệt cũng chở Khuyên đi nữa.
- Cho Khuyên ghé chợ mua ít đồ dùng cho anh ấy.
- Khuyên cứ mua hết chợ cũng được.
Nguyệt lấy xe ra, đạp nổ máy và bắt Khuyên leo lên. Nhưng đến bây giờ Nguyệt mới thắc mắc:
- Nhưng mà Thức đau ốm chi mà phải nằm bệnh viện?
- Không có đau ốm gì cả.
- Đừng có đùa, không đau ốm sao vào nằm bệnh viện. Bộ nằm bệnh viện tâm thần hả?
- Không phải. Thức bị thương, miểng pháo găm vào cánh tay trong một trận đánh ở biên giới, hiểu chưa?
- Trời ơi, sao lại đánh nhau gì nữa đây?
- Thôi, không thắc mắc nữa, từ từ người ta nói cho mà nghe. Bây giờ chạy đi, không thì trễ giờ hết rồi.
Nhưng Nguyệt không im lặng được lâu, chạy được một khoảng Nguyệt lại hỏi:
- Sao nhỏ, nói nghe đi. Nguyệt hồi hộp quá mà.
- Thức được điều đi biên giới phục vụ chiến đấu, trong một trận đánh, đơn vị của Thức có nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ đội tải đạn và di chuyển thương binh. Thức rơi vào một trận địa pháo của địch bị thương nặng nên được đưa về đây điều trị.
- Vậy là nặng lắm hả?
- Nặng.
- Sao Khuyên biết tin?
- Nhờ một người bạn cùng đơn vị với Thức cho hay.
- Khuyên đã vào bệnh viện gặp Thức chưa?
- Vào tối hôm qua rồi.
- Thức... có sao không?
- Băng suốt cả cánh tay, đã qua tình trạng nguy hiểm, có thể nói chuyện được, ăn uống bình thường.
- Thế mà Nguyệt tưởng bị... cưa chân hay cưa tay rồi chứ.
Khuyên thụi vào Nguyệt một cái vào lưng:
- Vô duyên, trù ẻo người ta không à.
- Ai biết đâu, nghe nói đánh nhau là bị thương nặng có thể trở thành phê binh...
- Xì.
- Vậy thì mừng cho Khuyên. Bây giờ ghé chợ phải không, tới rồi nè cô nương.
- Chờ Khuyên chút nghen.
Khuyên nhảy xuống khỏi xe, hấp tấp đi vào chợ. Chợ buổi chiều thưa người. Khuyên vừa đi vừa lẩm bẩm nhớ lại những thứ Thức cần dùng, Khuyên mua đủ cả, và không quên một hộp sữa, ít cam và bánh mì ngọt. Tất cả Khuyên dồn vào chiếc túi xách nặng trĩu trở ra. Nguyệt cười:
- Gì mà lắm thế. Bộ muốn cho Thức nằm đấy suốt đời sao?
- Thông cảm đi Nguyệt ơi, Thức nằm có một mình, gia đình ở mãi tận dưới quê, không ai chăm sóc cả...
- Biết rồi, khổ lắm nói mãi.
- Đồ quỷ.
- Cần mua gì nữa không, nói luôn một thể đi nhỏ?
- Thôi, bây giờ tới bệnh viện.
- Nguyệt muốn xem mặt thằng cha Thức này quá, coi thằng cha sinh ra nhằm vào ngôi sao nào mà tốt số ghê nơi.
Khuyên cũng không vừa:
- Thằng cha đó đẹp trai lắm, Nguyệt nhìn mặt là... mê ngay.
- Đồ quỷ.
Nguyệt quay lại thụi vào hông Khuyên một cái. Chiếc xe vì vậy mà đảo nghiêng làm cho hai thanh niên đi ngược chiều phải một phen hú vía. Họ gân cổ lên réo:
- Người đẹp gì mà chạy xe ẩu quá trời, coi chừng vô nghĩa địa đấy em ơi.
- Vô duyên. - Nguyệt cong miệng thách thức.
Hai gã thanh niên cười khì khì lẩn mất trong đám đông xe cộ xuôi ngược của buổi chiều.
- Vừa vừa thôi Nguyệt ạ. Đừng để nhỏ phải nuôi cả Khuyên và Thức nữa đó.
- Sẵn sàng thôi.
- Hổng giỡn à, chạy từ từ thôi nhỏ ơi.
Nhưng Nguyệt phóng xe ào ào, có lúc lại vượt cả đèn đỏ làm Khuyên hú vía, chỉ sợ gặp anh công an thổi còi chặn lại thì ê mặt.
- Chạy nhanh mới tranh thủ được thời gian cho nhỏ có thời giờ gặp người yêu lâu lâu một chút.
- Nhưng bị phạt thì ê mặt cả hai.
- Yên chí, Nguyệt sẽ năn nỉ. Khi Nguyệt mà uốn lưỡi năn nỉ ai, người đó khó khăn cách mấy cũng trở nên... nhẹ nhàng vui tính.
- Đừng dóc tổ nhỏ ơi.
- Không tin Nguyệt sẽ... vượt đèn đỏ thử xem.
Khuyên quýnh quá níu lưng Nguyệt can:
- Thôi đừng có đùa dai như vậy Nguyệt ơi.
- Khuyên nhát như thỏ đế.
Đúng là Khuyên nhát thật. Trong đám bạn, Khuyên được coi như nhút nhát nhất. Trái lại Nguyệt và Trầm rất dạn dĩ, nhiều khi họ bày trò đùa rất nguy hiếm mà vẫn tỉnh bơ. Mỗi lần như vậy Khuyên đều can, có khi còn dọa nghỉ chơi, Trầm và Nguyệt mới bỏ qua. Dạo còn học lớp 12, Trầm và Nguyệt thấy các nam sinh tổ chức một đội bóng đá, hai đứa đã... đăng ký tham gia nhưng không ai cho, tức quá, Trầm và Nguyệt vận động được một đội bóng đá nữ để thách đấu. May, thầy hiệu trưởng hay kịp nên trận đấu bóng lịch sử đã không diễn ra. Nhưng cánh nam sinh cũng phải phục sát đất về cái nước... liều của Nguyệt và Trầm. Còn Khuyên thì được bạn bè mệnh danh là Khuyên thỏ đế, nghĩ cũng không ngoa.
- Tới bệnh viện đi đường nào nhỏ?
- Đường trước mặt, quẹo phải. Bộ chưa bao giờ Nguyệt tới bệnh viện này sao?
- Chưa, cũng may. - Nguyệt cười khúc khích.
Khuyên hướng dẫn cho Nguyệt gửi xe, xong hai người đi vào khoảng hành lang của bệnh viện. Thấy hai cô gái đi vào, mấy anh bộ đội bị thương nhẹ đang ngồi hóng mát ngoài băng đá hướng mắt nhìn theo, có anh bạo gan trêu chọc:
- Thăm ai vậy hai em?
Biết tánh Nguyệt, Khuyên bèn thụi nhẹ vào hông bạn nói khẽ:
- Kệ, đừng thèm trả lời.
- Hỏi gì mà vô duyên, nghe mắc ứa gan. - Nguyệt lầu bầu.
- Tới rồi đây, vào ngõ này nhỏ.
Khi Khuyên và Nguyệt vào. Thức đang nằm đọc báo. Thức quay ra ngạc nhiên trước một cô gái lạ đi bên cạnh Khuyên. Chưa kịp hỏi, Nguyệt đã lên tiếng:
- Chào anh Thức, nghe Khuyên nhắc mãi bữa nay mới có dịp gặp anh... trong bệnh viện.
Trong lúc Thức còn đang ngơ ngác, Khuyên cười giới thiệu:
- Đây là Nguyệt, nhỏ bạn thân nhất của em.
- Chào cô. - Thức gượng cười.
- Gì mà cô, nghe xa lạ quá chừng. Cứ gọi là Nguyệt đi cho tự nhiên.
- Vâng, Nguyệt ngồi chơi.
Thức ngồi dậy, lui vào bên trong, nhường chỗ cho Nguyệt và Khuyên.
- Em đã mua đầy đủ những thứ anh cần.
Khuyên chỉ chiếc túi xách. Thức gật đầu, đôi mắt anh ánh lên niềm vui sướng khi được Khuyên chăm sóc.
Khuyên để ý thấy Nguyệt luôn quan sát Thức, à chắc là nhỏ bạn đang “xem mặt” Thức đây. Khuyên cười ý nhị, tránh cho Nguyệt cảm giác ngượng ngùng khi bị phát giác. Tuy nhiên Khuyên cũng hồi hộp vì không biết Nguyệt sẽ nhận xét về Thức như thế nào. Khuyên biết con nhỏ rất khó tánh và hay chê. Nếu Thức không “hợp nhãn” với Nguyệt thì ôi thôi, nó sẽ đi rêu rao cho cả lớp nghe, lúc đó Khuyên chắc có nước độn thổ.
- Nguyệt học cùng lớp với Khuyên à? - Thức hỏi.
- Cùng lớp, cùng bàn, cùng nhóm.
- Nhóm gì? - Thức ngạc nhiên.
- Nhóm “tam cô nương”. Nghĩa là ba cô tiểu thư nổi tiếng.
Thức cười:
- Chắc là nổi tiếng nghịch phá?
- Anh Thức tài ghê.
- Và chắc Nguyệt là trưởng nhóm, chứ gì?
Nguyệt cười. Thức nhìn thẳng Nguyệt, hỏi:
- Khuyên hay nhắc về tôi, nhưng không biết nói tốt hay nói xấu đấy nhỉ?
- Nhỏ đó đời nào đi nói xấu anh. Nó nói tốt không à.
- Bây giờ Nguyệt gặp rồi, thấy sao?
- Thấy sao là... sao?
- Xấu hay tốt?
Nguyệt cười:
- Nguyệt trả lời sợ anh phật lòng chứ.
- Cứ nói, có sao đâu.
- Xấu.
- Ứ... ừ...
Thức lúng túng gì đó trong miệng. Khuyên bụm miệng cười. Nhỏ Nguyệt thật độc địa, dám chọc cả Thức nữa chứ.
Thức cười xòa:
- Coi như tôi thua Nguyệt một trái, mai mốt gỡ.
- Sao không gỡ bây giờ mà phải đợi tới mai mốt lận?
- Gỡ bây giờ sợ khách giận. Con người tế nhị không ai nỡ làm như vậy.
- Xì.
Biết Thức xỏ khéo Nguyệt, Khuyên cười khúc khích. Hóa ra cuộc thăm viếng bệnh nhân trở thành một cuộc đấu khẩu nhẹ nhàng để thăm dò nhau, thật là một điều ngoài dự tính.
- Ở trong này, anh có cần đọc thêm sách báo gì không em mua cho. - Khuyên nói.
- Cần chứ, em mua cho anh cuốn sách học các thế võ trong vòng 24 giờ để trở thành cao thủ.
- Chi vậy?
- Mai mốt anh sẽ đấu với Nguyệt.
- Chẳng ăn thua gì đâu anh Thức ơi. Cho anh hay người ta là đệ nhị đẳng huyền đai đấy nhé.
- Kệ. Kẻ nào liều sẽ thắng.
- Bởi vậy nên nhỏ Khuyên “thua” anh phải không?
Khuyên đấm cho Nguyệt một cái, mắng:
- Đồ quỷ đâu.
- Tôi có một anh bạn cũng ba lém lắm, hôm nào sẽ làm mai cho Nguyệt.
- Xì.
- Bảo đảm, Nguyệt gặp là... đo ván ngay hiệp đầu.
Khuyên khoái quá, gục đầu vào vai Nguyệt cười. Còn Nguyệt hết đường chống đỡ nên mặt đỏ ửng, rồi cũng bụm miệng cười theo Khuyên.
- Hôm nay anh đỡ nhiều chưa? - Khuyên nhìn Thức hỏi.
- Khá rồi.
- Anh ăn uống thế nào?
- Ăn uống như cọp. - Thức cười.
- Em hỏi nghiêm chỉnh, không đùa đâu nha.
- Bệnh viện cho ăn thế nào mình ăn thế nấy, không cần phải lo gì thêm.
- Nhưng anh cần ăn uống đầy đủ hơn mới mau phục hồi sức khỏe chứ?
- Em nuôi anh nổi không?
- Dư sức, mình Khuyên nuôi không nổi, cả đám xúm vào nuôi, được không? - Nguyệt cười.
- Vậy thì được.
- Anh cần gì thêm không ngày mai em mang vào.
- Một cái khăn mặt, hôm qua anh quên dặn em.
- Chỉ vậy thôi sao?
- Nếu có sách gì hay em mang vào đọc cho đỡ buồn.
Nguyệt cũng có vẻ quan tâm tới Thức, nên hỏi:
- Anh có được phép đi dạo ngoài sân không?
- Được chứ, tôi bị thương tay chứ có bị thương chân đâu. - Thức đáp.
- Sao không thấy anh đi dạo?
- Trước lúc Khuyên và Nguyệt tới tôi đã đi một vòng rồi đấy.
- Anh đi như vậy, cánh tay có nhức không? - Khuyên lo lắng hỏi.
- Không, không sao...
Thực ra cũng có nhức đấy, nhưng Thức nói cho Khuyên yên lòng.
- Anh nằm đến bao giờ mới xuất viện?
- Chưa nghe bác sĩ nói, nhưng anh đoán có lẽ cũng phải cả thang. Sau đó sẽ về nhà và thỉnh thoảng tới khám, băng bột cho đến khi nào lành.
Nguyệt lại hỏi cái điều mà Khuyên đã lo và hỏi Thức:
- Liệu cánh tay của anh có bị gì không?
- Hy vọng sẽ không đến nỗi nào.
Nguyệt cười:
- Anh Thức đừng lo, Khuyên nó chung thủy lắm, dù anh có thế nào Khuyên nó cũng vẫn...
- Đồ quỷ. - Khuyên ngượng quá đấm vào lưng Nguyệt một cái mạnh.
Thức bỗng nói:
- Ngày mai là ngày cuối tuần rồi nhỉ?
- Thời gian đi nhanh quá trời. - Nguyệt kêu.
- Chiều mai em được nghỉ, em sẽ vào chơi với anh suốt buổi.
- Không cho Nguyệt theo với à?
- Dĩ nhiên, nếu Nguyệt cũng thích vào thăm anh Thức.
- Nên rủ Trầm cùng đi không?
- Có lẽ cũng nên, kẻo mai mốt biết được nó chửi mình chết Nguyệt ạ.
- Như vậy là anh Thức hạnh phúc nhé, có người vào thăm đã là quý, đằng này những ba cô gái.
- Cả anh chị Nhân cũng định vào thăm làm quen với anh luôn một thể đấy. - Khuyên nhìn Thức nói.
- Càng quý chứ sao, nhưng rồi phiền quá, anh muốn được yên tĩnh đọc sách hơn.
Hôm nay Khuyên định nói với Thức nhiều chuyện, nhưng rồi lại có Nguyệt, cô thấy không tiện. Buổi tối xuống thật nhanh, đèn trong phòng bật sáng, vẫn ngọn đèn bóng hắt lên màu tường quen thuộc của bệnh viện. Những chiếc giường có người và vắng người, không khí thoang thoảng mùi thuốc chích, bông băng, mùi cồn... Khuyên bỗng nhìn lên gương mặt gầy, hốc hác của Thức, gương mặt đầy râu và xanh mét.
Khuyên nhắc:
- Sáng mai anh nhớ cạo râu, em đã mua đồ cạo râu và dao lam rồi đấy.
- Anh sẽ nhớ. - Thức cười.
- Nhớ ăn uống đầy đủ cho mau lại sức. - Nguyệt trêu Khuyên.
Lúc hai người rời bệnh viện đã hơn 7 giờ tối, Nguyệt rủ Khuyên tới quán bò viên quen thuộc ở Đakao. Thấy Nguyệt và Khuyên, ông chủ quán hiểu ý khách quen nên bưng ra hai tô hủ tiếu bò viên và một tô bò viên không.
- Lâu quá mới thấy hai cô gái lại ăn bò viên của tui à?
- Lâu lâu mới ghé chứ ghé hoài tiền đâu trả. - Nguyệt cười đáp lại.
- Nhằm nhò gì, tui cho thiếu chịu.
- Thôi, không dám đâu ông chủ ơi.
Trong lúc ăn, Khuyên hồi hộp hỏi Nguyệt:
- Thế nào nhỏ?
- Thế nào là... thế nào?
- Thôi mà, đừng có giả bộ hoài.
- Chuyện gì mới được chứ, hỏi kiểu đó người thông minh như Nguyệt cũng mù tịt luôn.
- Nguyệt thấy Thức thế nào?
- A à... - Nguyệt vừa nhai bò viên vừa cười.
- Cho ý kiến đi nhỏ.
- Hổng có ý kiến, bây giờ đang ăn, bao tử bị kiến bò ghê quá rồi.
- Xì.
Nhưng rồi Nguyệt cũng không im lặng được lâu, tính con nhỏ thế đấy. Nguyệt nhìn Khuyên tủm tỉm cười.
- Trên trung bình. Được chưa?
- Được.
- Hay thêm cho một câu nữa là trên trung bình một tí. Nên nhớ, chưa bao giờ Nguyệt cho điểm ai cao như vậy đâu.
Khuyên tủm tỉm cười.
- Đúng là một anh chàng... ba lém. - Nguyệt nhận xét thêm.
- Cho Nguyệt hay, Thức còn là một thi sĩ và ca sĩ nữa đó. Thức làm thơ hay và hát cũng rất hay.
- Xì, mèo khen mèo dài đuôi. Nguyệt chưa nghe lần nào nên chưa tin.
- Rồi Nguyệt sẽ thấy.
- Ghê quá nhỉ, còn dọa ta nữa sao nhỏ?
Khuyên cười. Hạnh phúc thật lặng lẽ, nào ai hiểu hết được nỗi vui trong lòng Khuyên bây giờ? Quả thực, bây giờ, Khuyên chỉ có Thức là niềm an ủi của mình. Mẹ thì đã xa lắm rồi. Khuyên lại sắp xếp chương trình cho những ngày tới với sự bận rộn hạnh phúc của mình. Chiều mai, Khuyên có buổi dạy đàn piano ở Nhà văn hóa. Xin hẹn với anh chiều mốt thôi, anh thân yêu nhé.
Nguyệt trả tiền rồi giục Khuyên:
- Về thôi, muộn quá rồi nhỏ ơi. Ở nhà “Lão” Kính chắc đang sôi bụng la lối um sùm. Phải về nhanh để nấu cơm tối.
Đêm nay thành phố thật yên tĩnh. Bầu trời đầy sao. Có một ngôi sao nào là ngôi sao “niềm vui” không nhỉ?

 

Buổi đón tiếp Thức xuất viện có đầy đủ cả bộ ba Khuyên, Nguyệt, Trầm. Đó là một ngày thứ Bảy trời thật đẹp. Căn phòng Khuyên được trang trí gần như là toàn hoa, ở đâu cũng thấy hoa. Trên bàn học, trên chiếc bàn salông nhỏ tiếp khách, trên tủ sách, tủ quần áo và cả trên bục cửa sổ cũng có hoa. Phần lớn là hoa hồng, cẩm chướng, cúc đồng tiền đủ màu...
Trầm vừa cắm hoa vừa nói:
- Gần như là đón chàng rể... hay là ta làm một cái đám cưới quách cho xong.
Khuyên phát vào lưng Trầm một cái mạnh, la lên:
- Vô duyên. Đám cưới Trầm chứ đám cưới ai bất tử vậy.
- Thôi đi cô nương ơi, khoái chết đi được còn giả bộ e thẹn, ngượng ngùng.
Nguyệt đế vô:
- Có lý Khuyên ơi, ta tình nguyện làm dâu phụ cho.
- Còn ta nữa, chẳng lẽ ở không sao?
- Trầm cũng làm dâu phụ.
- Vậy thì phải có tới hai chàng rễ phụ mới đẹp đôi chứ?
Khuyên ngượng quá, mặt mày đỏ rần chạy tới đấm vào lưng Nguyệt một cái, tới đấm cho Trầm một cái. Cả ba đùa vui trong tiếng cười dòn tan.
- Bao giờ Thức về hả Khuyên?
- Có lẽ khoảng 4 giờ.
- Sao lại có lẽ!
- Ai biết đâu, nghe Thức bảo vậy Khuyên hay vậy, phải đợi bác sĩ cho xuất viện đàng hoàng chứ, không lẽ trốn ra được sao?
Trầm cười cười:
- Coi chừng anh chàng đi lạc đến nhà... người khác thì xỉu cả đám đấy.
- Khuyên xỉu chứ ta đâu có việc gì phải xỉu. - Nguyệt cười.
- Làm gì có chuyện đi lạc. - Khuyên chống chế một cách ngây thơ trước sự trêu chọc của hai người bạn.
- Rượu nho của Trầm đâu? - Nguyệt hỏi.
- Có đây.
Trầm xách ra một chai rượu nho do chính mình ngâm lấy bằng cách... học lóm của mấy nhỏ bạn khác. Công thức dễ ợt, chẳng có gì là khó khăn. Ra ngoài chợ, kiếm mấy bà bán nho ế, lựa thứ nho dập, mua một ký mang về nhà cho vào hũ, cứ một lớp nho một lớp đường, ủ trong vài ngày cho lên men rồi bóp nát, vắt lấy nước lọc sạch cặn bã cho vào chai, muốn uống nặng thì pha rượu đế nhiều, muốn uống nhẹ thì pha rượu đế ít, đơn giản thế nhưng Trầm cũng mất hơn một tuần lễ mới làm xong một chai rượu nho. Để cho chắc ăn, Trầm rót cho ba một ly nhỏ, ông uống một ngụm rồi nhăn mũi.
- Nhà pha chế rượu nho đại tài...
Trầm hồi hộp hỏi:
- Được không ba?
- Chua chua thế nào ấy.
- Rượu nho thì phải chua chứ ba?
- Ừ, cũng có thể, nhưng ba chưa uống thứ rượu nho nào có mùi vị đặc biệt như vầy.
- Sao ba?
- Nó có mùi mốc.
- Tại mùi men đó ba ơi. - Trầm vớt vát.
- Con mang xuống nhờ mẹ pha chế trở lại đi.
Ba phán một câu làm Trầm ỉu xìu, bao nhiêu tự hào căng phồng bỗng xì hơi, như cái lốp bể. Trầm đành phải mang chai rượu do mình “sáng chế” cho mẹ pha chế lại. May quá, nhờ tài khéo léo của mẹ, chai rượu nho của Trầm trở nên ngon tuyệt.
Trầm giao hẹn với mẹ:
- Mai mốt nhỏ Nguyệt có hỏi, mẹ nói do con làm nghen.
- Ừ, thì vẫn do con làm chứ ai.
- Nhưng nhờ mẹ pha chế lại, chứ rượu nguyên chất do con làm chắc không ai uống nổi đâu. Mẹ xác nhận giùm con kẻo nhỏ Nguyệt đồn rùm lên chắc con chết mất.
Mẹ cười:
- Ừ, mẹ xác nhận.
Thế là Trầm sung sướng mang chai rượu nho tới nhà Khuyên coi như là một món quà đặc biệt dành cho Thức trong ngày xuất viện.
- Bây giờ mỗi đứa phải uống một chung rượu nhỏ để thử tài pha rượu thượng hảo hạng của Trầm mới được.
- Có lý đấy. - Nguyệt tán thành.
Sau khi uống chung rượu nho, mặt nhỏ nào cũng ửng hồng một cách rất ư là duyên dáng. Câu chuyện về Thức lại nổ như bắp rang. Tác phẩm của Nguyệt tặng Thức là một cái bánh kem do chính tay Nguyệt làm và nướng lấy với sự hỗ trợ của “Lão” Kính. May mắn cái bánh không đến nỗi nào, sau khi từ lò nướng ra nó chỉ bị khét có một góc và mất một bông hồng do “Lão” Kính rứt. Tuy vậy khi bày trên bàn, cái bánh cũng đẹp chán. Riêng Khuyên thì có món gỏi ngó sen tôm thịt và bún ốc với sự trợ giúp của anh chị Nhân, Nguyệt, Trầm.
Cuối cùng, sau khi xảy ra mấy trận cãi nhau kịch liệt trong lúc làm các món ăn giữa Trầm, Nguyệt và Khuyên, bữa tiệc “thân mật” đón Thức cũng hình thành và bây giờ chỉ còn chuẩn bị đón Thức từ bệnh viện về. Theo chương trình, Thức tự đi xích lô về cho có vẻ bất ngờ, mặc dù chiều hôm qua Khuyên đã vào trước mang đồ đạc cá nhân của Thức về trước rồi. Ngay cái chương trình, cũng xảy ra một trận cãi nhau chí chóe giữa ba cái miệng con gái lanh chanh không ai chịu thua ai. Nhưng rồi, cũng phải thỏa thuận theo quyền “chủ nhà” của Khuyên. Trầm và Nguyệt đành chấp nhận nhưng xem ra vẫn còn ấm ức.
- Mấy giờ rồi Khuyên? - Trầm hỏi.
- Bốn giờ kém mười lăm.
- Chà, chà, hồi hộp quá nhỉ.
- Ai hồi hộp?
- Khuyên chứ ai vào đây nữa. Một chút nữa có cảm lộng thì ráng mà chịu chứ cấm khống được khóc nghen.
- Ai khóc?
- Khuyên chứ còn ai vào đây nữa.
- Xì.
- Và Thức phải trổ tài ngâm thơ hay hát bài gì đó để khỏi phụ lòng giới thiệu cũa Khuyên bữa trước à. - Nguyệt cười.
- Yên chí.
- Đồng hồ của Khuyên đi đúng không đó. Nên nhớ là chuyện quan trọng thì phải đúng giờ như vậy mọi sự mới may mắn, tốt đẹp. Giờ giấc lôi thôi, xui lắm.
- Yên chí, đồng hồ Khuyên chạy đúng khỏi chê.
- Chắc bây giờ Thức đang ngồi trên xích lô, và trên đường về đây.
- Ừa, nhưng mà anh chàng có biết... đường đi không đấy?
Khuyên trợn mắt:
- Trời ơi, đừng có hạ người ta quá thể như vậy nhỏ ơi. Vuốt mặt cũng phải nê mũi chứ, ta nện cho nhỏ một trận bây giờ.
Cả ba cười khúc khích. Quả thật, hôm nay Khuyên rất vui và hạnh phúc. Buổi đón Thức từ bệnh viện về làm cho Khuyên hồi hộp vô cùng. Và trong niềm vui hôm nay, Khuyên ước gì có đông đủ bạn bè của Thức ở đơn vị như Phái, như Tiếp mập, như Phình, Cúc, Kim, Ngàn? Thức có được một tháng để dưỡng bệnh, và theo như dự tính Thức là Khuyên sẽ về quê của anh. Ôi, cứ tưởng tượng những ngày sắp tởi đây, Khuyên thấy lịm đi vì hạnh phúc.
- Đúng giờ rồi sao ông Thức chưa thấy ló dạng vậy kìa? - Nguyệt lên tiếng.
- Chậm trễ ít phút là thường.
- Mong cho ông Thức đi đến nơi về đến chốn, đừng lạc sang nhà người khác. - Trầm nheo mắt cười.
Khuyên làm bộ tĩnh:
- Bảo đảm.
Sự hồi hộp của Khuyên kéo dài cho tới khi kim đồng hồ nhích tới con số mười phút, nghĩa là bốn giờ mười. Khuyên mới giật mình vì tiếng chuông gọi cổng. Không để ai khác, chính Khuyên nhanh chân chạy xuống nhà. Thức ung dung từ trên xe xích lô bước xuống, cánh tay phải của anh vẫn băng bột, có sợi dây đeo qua cổ. Nhưng hôm nay trông Thức tươi tỉnh hẳn ra.
- Trời ơi, bạn bè em đang đợi anh đấy. - Khuyên kêu lên.
- Thì xong thủ tục anh về ngay, nhưng ông xích lô đạp chậm quá.
- Trễ mười phút rồi.
- Không sao...
Hai người đi lên cầu thang. Nguyệt và Trầm đứng sẵn ở cửa phòrig. Trầm nhanh miệng trêu Thức:
- Tưởng ông đi lạc sang nhà nào khác rồi chứ.
- Có những ba cô gái xinh đẹp đón rước long trọng thế này làm sao tôi đi lạc cho được. - Thức cười.
Thức bước vào trong, tất cả bữa tiệc đã chuẩn bị xong, các thức ăn bày sẵn trên bàn. Thức mỉm cười khi thấy trong phòng gần như toàn là hoa, đủ loại hoa.
Khuyên để cho Thức ngắm quanh một lượt, xong mới kéo tay anh tới chỉ chiếc ghế giữa bàn:
- Anh là khách đặc biệt nên ngồi xuống đây.
Thức lúng túng ngồi xuống chiếc ghế có thành dựa. Và chung quanh anh là ba cô gái, họ ngồi thành vòng tròn. Trầm nhắc:
- Khuyên nói cái gì đi chứ?
- Nói gì bây giờ. Hai nhỏ biết hết rồi còn bày đặt.
- Cứ coi như sinh nhật của Khuyên đi. - Nguyệt cười.
- Thôi, tại anh Thức cả đấy, làm tụi này đói bụng thấy mồ. Bây giờ nếu không ai nói gì thì tui ăn à?
- Cứ tự nhiên. - Khuyên cười.
- Khoan, trước khi ăn xin mời quý vị uống chút rượu nho đặc biệt. - Trầm mời.
Trầm rót rượu ra cốc thủy tinh, mỗi người một cốc nhỏ có pha đá vụn.
- Rượu ngon tuyệt. - Thức khen.
- Anh Thức biết ai làm rượu không? - Nguyệt hỏi.
- Chắc là mua ngoài tiệm?
- Vậy là anh Thức dở quá rồi. Xin giới thiệu, tác giả là nhỏ Trầm này đấy.
Trầm đỏ mặt sau khi được Nguyệt giới thiệu một cách trịnh trọng. Khuyên gắp thức ăn bỏ vào chén cho Thức. Cô nó khẽ:
- Ăn đi anh.
- Ăn rồi ở chứ không phải ăn rồi đi đâu. - Trầm cười trêu Khuyên.
- Ăn một miếng, nhớ suốt đời. - Nguyệt cười.
- Em sẽ chăm sóc anh cho anh mau lành bệnh.
Khuyên mỉm cười nhìn Thức, nụ cười của Khuyên thật rạng rỡ.
Thức ngồi ăn giữa những lời trêu chọc của hai cô gái. Thỉnh thoảng Khuyên đưa mắt nhìn Thức như ngầm bảo: Anh cứ yên tâm, bạn của em hiền lắm. Họ đang vun đắp cho niềm vui của chúng ta. Có lẽ như vậy thật. Thức như chơi vơi trong thứ hạnh phúc nhẹ nhàng, chưa thế gọi bằng một cái tên rõ rệt, nhưng đó là niềm vui sướng của anh.
- Anh Thức hát cho nghe một bài đi anh Thức. - Nguyệt yêu cầu.
- Đúng rồi, anh Thức phải hát cho nghe một bài. - Trầm cũng phụ họa theo.
- Ai bảo với hai cô là tôi biết hát?
- Khuyên giới thiệu hết rồi, anh đừng có giấu tài.
Thức lắc đầu cười:
- Tôi không biết hát đâu, đừng có nghe người ta quảng cáo mà lầm chết.
- Người lịch sự không nên từ chối lời yếu cầu của người khác, nhất là lời yêu cầu của phụ nữ. - Trầm nói.
- Đúng vậy.
- Anh không thể từ chối lời yêu cầu của bạn em được đâu. - Khuyên nhìn Thức nói.
- Nhưng hát cái gì bất tử vậy?
- Anh hát bất cứ bài gì. Không hát thì ngâm thơ, mà phải là thơ cùa anh cơ.
- Lâu rồi anh không có làm thơ nữa.
- Thơ cũ cũng được.
- Anh không thuộc bài nào.
Nguyệt trợn mắt:
- Anh Thức xạo quá trời. Anh không hát, không ngâm thơ thì không được với tụi em đâu.
Thức gãi đầu:
- Cha, khó quá nhỉ?
- Ừa, khó lắm.
- Mời anh Thức một cốc rượu nữa cho anh... lấy thêm can đảm. - Trầm cười.
Trầm rót đầy hai cốc rượu và chạm cốc với Thức rồi cùng uống. Đôi mắt Trầm long lanh, hai gò má càng ửng hồng thêm bởi cốc rượu nho. Thức không thể nào từ chối được, nhưng anh không hát, mà đọc một bài thơ cũ của mình. Bài thơ anh làm trong dịp Khuyên lên thăm anh ở đơn vị. Đó là một kỷ niệm hạnh phúc khó quên.
- Chà, bài thơ hay quá chừng. - Nguyệt tán thưởng.
- Nghe thấm thìa quá trời. - Trầm đế thêm.
Dĩ nhiên Khuyên hiểu hơn ai hết bài thơ của Thức vừa đọc, anh không nói gì nhưng Khuyên hiểu đó là bài thơ Thức làm riêng cho Khuyên. Bài thơ đã giúp Khuyên hồi tưởng lại những ngày mưa, ánh lửa một buổi tối họp mặt, những người bạn thân thiết, chân tình, con kênh dài đục nước phù sa, bờ ruộng ngập bùn và in lại những dấu chân nhỏ nhắn của Khuyên nơi ấy.
- Bài thơ anh làm tặng cho người nào vậy anh Thức. - Nguyệt mỉm cười hỏi.
- Nhỏ hỏi vậy anh Thức khó trả lời. - Trầm cười.
- Người nào hiểu được bài thơ, tức là tôi đã tặng cho người đó. - Thức đáp.
- Nhỏ hiểu không? - Trầm hỏi Nguyệt.
- Không, còn nhỏ?
- Cũng không.
- Vậy chỉ còn có một người, Khuyên hiểu không? - Trầm nhìn Khuyên ý nhị.
- Dĩ nhiên là hiểu.
- Ồ.
Cả hai cô gái cùng kêu lên. Và họ cười phá ra, dòn tan, và cũng vừa thích thú với trò chơi tinh nghịch của mình. Thức mỉm cười không nói gì, anh nhờ Khuyên châm cho mình một điếu thuốc. Khuyên quẹt diêm châm thuốc và gắn lên môi Thức điếu thuốc cháy đỏ.
Buổi tiệc thật vui, cuối cùng Thức và Khuyên tiễn Trầm và Nguyệt ra về sau khi họ cùng uống trà với nhau đến hơn 9 giờ đêm.
- Chúc ngủ ngon. - Nguyệt mỉm cười với Khuyên.
- Chúc anh Thức ngủ ngon, nằm mơ...
- Ngủ ngon mà nằm mơ. - Khuyên háy mắt với Trầm.
- Giấc mơ đẹp chứ bộ.
- Thôi về đi, chúc hai nhỏ ngủ ngon.
Trầm và Nguyệt cười khúc khích dẫn xe ra cổng. Thức và Khuyên đứng nhìn con đường đã vắng xe cộ, hàng cây rủ bóng xuống và thỉnh thoảng buông một vài chiếc lá thấp thoáng trong ánh đèn.
- Anh có buồn ngủ không? - Khuyên hỏi Thức khi cả hai đã trở lên phòng.
- Không.
- Anh thích ngủ trên giường hay ngủ dưới gạch? - Khuyên cười hỏi.
- Anh ngủ đâu cũng được. Có một cái hầm để anh ngủ càng thích hơn. - Thức đùa.
- Tiếc, chỉ có một cái giường thôi. Anh đau nên ngủ trên giường đi, để em ngủ dưới gạch.
- Không, em cứ ngủ trên giường. Anh nằm gạch cho mát.
Khuyên lôi chiếc nệm trên giường xuống lót dưới gạch, rồi giăng mùng cho Thức.
- Anh chưa buồn ngủ đâu, mình ngồi nói chuyện.
- Chuyện gì anh?
Khuyên đem chiếc ghế tới gần Thức, cô ngồi mỉm cười nhìn anh. Thức đáp:
- Đủ thứ chuyện trên đời.
- Thôi, em không muốn nghe nhiều thế đâu.
Thức cầm bàn tay nhỏ bé của Khuyên, nói:
- Em có buồn không?
- Buồn chuyện gì anh?
- Chuyện em quyết định không đi theo gia đình ra nước ngoài ấy.
- Không. Em chỉ khổ vì thương mẹ em thôi.
- Em biết tại sao anh đã không biên thư cho em trong thời gian đó không?
- Em không biết.
- Chính vì sợ rằng thư anh sẽ tác động nhiều đến quyết định của em. Anh muốn để em tự quyết định một mình.
- Em cũng nghĩ thế đấy, nên em không buồn anh đâu.
- Bây giờ em sống ra sao?
- Như anh biết đó, nhà đã ghép hộ, em ở một mình trên lầu này và đi học. Mỗi tuần em phải đi dạy piano cho Nhà Văn Hóa ba buổi tối để kiếm thêm tiền sinh sống.
- Dạy đàn piano vui không?
- Rất vui, những đứa học trò của em rất dễ thương.
- Em sống có chật vật lắm không? - Thức nhìn thẳng vào mắt Khuyên hỏi.
Khuyên cười:
- Anh hỏi chuyện đó để làm gì, định giúp em à?
Thức cũng cười đáp:
- Vì anh lo cho em nên hỏi thế thôi, chứ anh đi thanh niên xung phong làm gì có điều kiện để giúp em được?
- Anh đừng lo, mẹ có để lại cho em ít tiền. Nhưng thôi, đừng nói chuyện tiền nong nữa. Những ngày tới đây anh định làm gì?
- Anh sè về quê thăm mẹ và nhỏ em một thời gian. Em đi không?
- Đi chứ, nếu anh thấy không có gì trở ngại.
- Làm sao em nghỉ học, nghỉ dạy đàn được?
- Em sẽ xin phép nghỉ học một tuần và nhờ người dạy đàn thế em ba buổi, được thôi. Không có gì khó khăn cả. Nhưng chừng nào mình đi về quê anh?
- Ngày mốt.
- Trời ơi, anh chẳng cho em chuẩn bị gì cả. - Khuyên kêu.
- Có gì mà phải chuẩn bị cô bé?
- Anh khác, người ta khác, chứ bộ.
Thức cười:
- Rồi, em cứ việc chuẩn bị.
- Ngày mai anh sẽ làm gì trong lúc em vào trường?
- Anh sẽ đi một vòng, kiếm mua ít quyển sách. Tự nhiên anh rất nhớ thành phố. Nhớ thành phố như nhớ em vậy, Khuyên ạ.
- Em khác, thành phố khác, chớ bộ.
- Em cứ việc cãi đi, nhưng anh cho là em giống như thành phố trong nỗi nhớ của anh, bộ không được sao?
Khuyên cười:
- Được. Nhưng mà nhớ em hơn một chút, được không?
- Được.
Thức cười nhỏ mấy tiếng. Khuyên trở về giường nằm, cô nằm nhìn lên đỉnh màn, đôi mắt mở lớn lắng nghe tiếng động bên ngoài hành lang. Hình như anh chị Nhân đã về, bao giờ cũng thế, đi về khuya, chị Nhàn cũng tắm và hát bài hát quen thuộc trong phòng tắm.
- Hình như mưa, phải không? - Thức hỏi.
- Không, gió rì rào ngoài vườn cây đó anh, giống như tiếng mưa.
- Em buồn ngủ rồi à?
- Không. Em chưa buồn ngủ đâu. Và chúng ta có thể thức nói chuyện suốt đêm nay.
- Không, em cứ ngủ đi...

 

Bến đò thật nhộn nhịp. Lần đầu tiên Khuyên mới nhìn thấy cảnh một bên đó. Những chiếc đò máy cũ kỹ như sông nước đất đai, mùa màng, nằm lắc lư trên những đợt sóng ầm ào xô vào bờ đá xanh. Những chiếc đò máy này đi về những đâu? Thức không biết hết được, cả chiếc đò máy về quê anh, Thức cũng phải hỏi thăm mới tìm ra chỗ đậu của nó.
- Ồ, chiếc đò máy nhỏ xíu. - Khuyên kêu lên.
- Không, vào bên trong em sẽ thấy nó rộng hơn nhiều.
- Em muốn đứng ở đây nhìn cảnh... người ta đi qua đi lại. - Khuyên cười.
- Em cứ việc ngắm. Nhưng rồi em sẽ chán mắt cho coi.
- Không, em sẽ không chán đâu.
Thức châm một điếu thuốc, anh rít khói, nhìn ra mặt sông rộng mênh mông. Con sông thật hiền hòa, gần như không có sóng lớn, sông cứ phẳng lặng như thế và trôi đi với những chiếc thuyền nhỏ qua lại ngược xuôi, những khóm lục bình xanh dật dờ. Phía bên kia sông là vườn cây ăn trái, nằm cặp theo chân sóng và chạy dài đến ngút ngàn. Thức đã từng kể cho Khuyên nghe về vườn cây bên kia sông. Nơi đó là kỷ niệm một thời của Thức, cùng với bạn bè. Lúc nhỏ Thức từng học ở tỉnh lỵ này và thường chèo thuyền qua bên sông vào mùa trái cây chín tới.
- Bên kia là cồn Tân Long, anh thường kể cho em nghe. - Thức chớp mắt nói.
- Bên đó chắc là đẹp lắm.
- Đẹp, thật nhiều trái cây. Em có thể vào vườn trái cây tha hồ ăn trước mua sau, ăn nhiều mua ít, cũng được.
- Nghe anh kể em bắt mê. - Khuyên cười.
- Nhưng ở quê anh, chỉ có dừa. Các loại trái cây khác rất ít.
- Mỹ Tho thật hiền hòa...
- Thành phố này giống như một cô thiếu nữ trầm lặng, có duyên ngầm. Những con đường cũng mang cái vẻ trầm lặng ấy. Những hàng me em thấy ven đường, lúc nào cũng già, nhưng lúc nào cũng đẹp. Ngày nhỏ anh thấy vẫn thế.
- Còn quê anh?
- Đó là một ngôi làng cổ kính nằm ven bãi sông, suốt mùa gió lộng, có người khá giả, có người nghèo khổ. Theo anh đó là một ngôi làng đẹp. Từ đây về quê anh dài tới... hai mươi sáu cây số lận.
- Vậy mà dài.
- Đi đò phải mất gần ba tiếng đồng hồ.
- Như vậy sẽ có thời gian em ngắm cảnh.
- Chỉ toàn dừa là dừa. Vườn dừa này tiếp nối vườn dừa khác. Đó là một bức tranh... dừa. Sợ rồi em sẽ chán.
- Không đâu anh. Tại sao lúc nào anh cũng sợ em chán hết vậy?
- Tâm lý con gái thường phức tạp.
- Em có phức tạp không? - Khuyên cười.
- Anh cũng chưa biết được.
- Chưa biết được mà dám rủ người ta về quê. Ông ơi, ông quả là liều.
Thức cười:
- Không liều bằng em đâu.
- Tại sao?
- Vì em cũng chưa hiểu anh thế nào, mà dám theo anh về quê.
Khuyên đỏ mặt:
- Con gái thường hay... liều mạng thế đó anh.
- Khốn nỗi, anh lại thích những người con gái liều mạng như vậy mới chết.
Cả hai phá ra cười, Thức ném điếu thuốc xuống dòng sông, cái mồi lửa rơi mất tăm trong con sóng vỗ vào bờ đá xanh. Khuyên nhìn sâu xuống dòng nước, chỉ thấy một màu phù sa đục ngầu và váng dầu lềnh trên mặt nước. Phía sau lưng Khuyên là những hàng quán và những vựa trái cây, rau quả dài theo bờ đá. Mỗi vựa chất một thứ rau quả khác nhau, còn nguyên màu đất trông thật thích mắt.
Thức nhìn đồng hồ:
- Mình xuống đò đi em, sắp tới giờ đò chạy rồi đấy.
Khuyên phải nắm tay Thức để anh đưa cô qua một cây cầu ván gập ghềnh bắc từ bờ đá xuống mũi đò. Khuyên cảm thấy chóng mặt theo từng bước chân dò dẫm của mình. Thế nhưng một vài người đàn bà cứ gánh rau quả chạy thoăn thoắt như làm xiếc.
- Trông em, ai cũng biết là con gái thành phố về quê lần đầu tiên.
- Em dở quá phải không anh?
- Không, em hay lắm, em bé ạ. - Thức cười động viên.
Quả đúng như lời Thức nói, khoang đò thật rộng, gồm có ba dãy ghế ngồi. Đó là ba chiếc băng gỗ dài kê hai bên vách đò và chính giữa đò. Giữa các khoảng trống ấy là lối đi và người ta dùng để chất hàng hóa. Khi Thức và Khuyên xuống những bậc thang để vào khoang đò, gần như đò không còn một chỗ trống. May sao ở gần cuối đó có một người quen của Thức vẫy tay gọi, đó là một thanh niên có dáng nông dân, anh này nhích sang bên nhường chỗ cho hai người.
Anh thanh niên vỗ vai Thức hỏi:
- Lâu quá không thấy mày về, tại sao vậy?
- Bị thương.
- Nặng không?
- Cũng chẳng lấy gì làm nặng, đang băng bột.
- Mày về chắc bà già mày mừng lắm.
Anh thanh niên liếc nhìn Khuyên như dò hỏi. Thức biết ý mỉm cười giới thiệu luôn:
- Cô Khuyên - Và quay sang anh thanh niên Thức tiếp - anh bạn học thời nhỏ của anh.
- Cô ở thành phố à? - Anh thanh niên hỏi.
- Dạ.
- Tôi tên Thanh, học cùng lớp với Thức ngày nhỏ ở trường làng, bây giờ tôi làm ruộng. - Anh thanh niên cuơi.
Anh thanh niên tên Thanh này thật hồn nhiên trong cách giới thiệu. Khuyên cảm thấy thích thú với người bạn ngày nhỏ của Thức. Thanh ăn mặc giản dị, chiếc áo sơ-mi màu xám xanh ngắn tay, chiếc quần tây dài, kiểu cũ, màu nâu, đầu đội chiếc nón nỉ màu xám tro, cũng cũ kỹ như màu áo. Thanh có gương mặc chất phác, nhưng thông minh, đôi chân mày như hai con sâu róm đen đủi trên cặp mắt sáng, xếch trên trán Thanh về phía trái có một vết sẹo ngắn, khi trầm ngâm, chính vết thẹo này làm cho Thanh có vẻ dữ dằn, nhưng thật ra lúc anh cười thì nụ cười thật tươi, gương mặt lại có vẻ đôn hậu.
- Tay có gì không? - Người bạn Thức hỏi với vẻ quan tâm.
- Hy vọng vẫn lành lặn như thường.
- Chà, nếu lỡ có tật thì nguy. Tao làm ruộng nên ngán cái vụ thương tật lắm. Mày về được bao lâu?
- Khoảng một tuần.
- Nhớ ghé nhà tao chơi nhá. Vợ ba con rồi. - Người bạn cười vè ngượng ngùng.
Thức vỗ vai Thanh cười theo. Thức mời Thanh điếu thuốc nhưng anh này từ chối, móc túi quần tây ra một bịch thuốc vấn. Thanh xé miếng giấy mỏng, vê thuốc trong lòng bàn tay thành một điếu thuốc sâu kèn rồi đưa lên môi lè lưỡi liếm vấn chặt, xong ngậm trong miệng châm lửa bập bập ít cái. Khuyên nhìn Thanh hút thuốc sao giống mấy ông già, Khuyên mỉm cười một mình. Thanh giải thích với Thức:
- Quen hút thuốc này rồi.
- Vợ làm gì? - Thức hỏi.
- Cũng làm ruộng thôi, ông bà già chết, tao phải nối nghiệp nhà nông bất đắc dĩ, nhưng không sao, cũng thành một nông dân chính cống thôi.
Thanh cười, nụ cười chẳng mang một ý nghĩa nào, hình như cười theo thói quen vậy thôi. Khuyên ngồi nhìn qua cửa sổ, ngoài kia là một nền trời xanh với nhiều mây trắng trôi trên ngọn cây xanh thảm và khoảng sông rộng với những con sóng sủi bọt trắng. Thức và Thanh nói chuyện với nhau, họ ôn lại khoảng đời thơ ấu cùng những kỷ niệm thú vị, thỉnh thoảng hai người cười phá lên, một lát sau, con đò nổ máy xinh xịch, quang cảnh nhộn nhịp lặng dần, người ta quay về với chỗ ngồi của mình và chiếc đò máy rời bến...
- Tới rồi kìa cô bé.
Bàn tay của Thức lay Khuyên dậy cùng với câu nói. Khuyên mở mắt ra sau một giấc ngủ mệt mỏi.
- Ồ, sao anh không kêu em từ lúc nãy. - Khuyên chớp mắt nói.
- Thấy em ngủ ngon quá nên anh không gọi.
- Em nhức đầu quá nên ngủ thiếp đi một lúc. Tới rồi hả anh?
- Đúng vậy. Em có thấy bãi cát vàng óng ánh kia không? - Thức đưa tay chỉ vào bến sông.
Khuyên gật đầu. Thức cười thật tươi:
- Ở đấy người ta gọi là Bến Bạ, nhưng còn anh, từ ngày nhỏ anh đã đặt cho nó một cái tên.
- Tên gì vậy nhỉ? - Khuyên chớp mắt.
- Bến Lặng.
Khuyên có vẻ suy nghĩ. Thức hỏi:
- Em có hiểu gì không?
- Có lẽ em hiếu ý nghĩa cùa cái tên Bến Lặng do anh đặt rồi.
Bến Lặng của Thức là một bãi cát dài chạy cặp ven sông. Khuyên và Thức, cũng như mọi người xuống đây đều phải đi đò ngang.
Khuyên có hai lần xúc động khi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ bập bềnh trên sóng nước bên cạnh Thức. Lần đầu tiên Khuyên tới thăm Thức ở đơn vị thanh niên xung phong, lần này theo Thức về quê anh. Khuyên lấy tay khoát nước dưới mạn xuồng, hình như phù sa của con sông quyện chặt vào những ngón tay thon thả của cô.
- Lâu quá mới thấy anh Thức về chơi. - Cô gái chèo đò ngang nhìn Thức cười nói.
- Lâu lắm rồi phải không Sương, cô bé bây giờ lớn quá khiến anh không nhìn ra.
- Không nhìn ra mà biết em là Sương. - Cô gái cười khúc khích.
- Anh nhớ mang máng.
- Tay anh sao vậy?
- À, bị thương.
- Anh đi bộ đội à?
- Không, anh đi thanh niên xung phong.
- Em lại thấy anh giống bộ đội quá chừng.
Chiếc đò ngang dừng lại sát mí cát. Thức nhìn Khuyên nói:
- Em cứ bước xuống không sao cả.
Khuyên mang chiếc túi quần áo trên vai, tay xách giỏ đồ nặng chịch ngần ngại đặt bước chân đầu tiên của mình xuống Bến Lặng của Thức. Cảm giác mát lạnh chạy vào gan bàn chân Khuyên, những hạt cát mềm và mịn từ bao đời nay nằm yên lặng ở bãi sông này, bây giờ đón nhận bước chân của Khuyên với sự cởi mở và chân thành. Cát không có phút giây ngỡ ngàng làm quen, cát trở thành bạn thân ngay, ôi những hạt cát vàng óng ả đang vuốt ve những ngón chân son đỏ của cô gái thành phố về quê lạ. Thức nhìn Khuyên, anh bước đi chậm, cố ý chờ Khuyên theo. Nụ cười của Thức động viên cô biết bao nhiêu, Khuyên mỉm cười sung sướng và không khỏi thẹn thùng trước bao cặp mắt của người quê Thức ngắm nhìn cô. Một tay Thức bị thương, vẫn sợi dây quàng cổ, tay kia Thức cũng xách một giỏ đồ nặng. Hai người đi theo bãi cát lên bến sông, con dốc dài làm mỏi chân. Phía sau Khuyên con đò máy đã chạy xa, khuất dần theo hàng cây ven mí nước, tiếng máy vẫn vọng lại một âm thanh quen thuộc như từ trong cát lên. Tiếng máy dội vào lòng Khuyên thứ cảm giác xôn xao.
- Nghỉ một chút không? - Thức hỏi.
- Vâng, em mỏi tay quá rồi.
- Có mỏi chân không? - Thức cười.
- Dĩ nhiên là mỏi... rụng rời.
Khuyên đặt giỏ đồ xuống cát bên cạnh giỏ đồ của Thức. Mọi người lần lượt trả tiến đò ngang cho cô bé tên Sương và tản dần phía trên dốc. Sương bước tới hỏi:
- Ai đây anh Thức.
- Bạn anh chứ ai.
Sương gật đầu chào Khuyên. Cô gái có nước da ngâm đen, nhưng khỏe mạnh và xinh đẹp. Sương không lấy tiền Thức, cô cười rất có duyên:
- Không, em không lấy tiền đò anh đâu. Mai mốt em ghé lại đằng anh chơi anh đãi em cái gì đó trừ tiền đò, được không?
- Dĩ nhiên là được.
Sương nhìn Khuyên nhí nhảnh:
- Được không chị... gì nhỉ?
- Khuyên. - Thức nhanh nhẩu đáp.
- Dĩ nhiên là được. - Khuyên lập lại đúng y câu của Thức vừa nói.
Cả ba cùng cười. Sương cầm mái chèo dài băng ngang bãi cát vào ngôi nhà khuất dưới mấy hàng dừa. Thức nhìn theo nói:
- Cô bé hồi ấy còn nhỏ xíu, bây giờ lớn ghê.
- Anh thì ai cũng hồi ấy còn nhỏ xíu...
- Anh cảm thấy mình già mất rồi Khuyên ạ. - Thức nói như một tiếng thở dài.
Hai người rời bãi cát bước lên đầu dốc. Trước mặt Khuyên là một con đường đất chạy giữa hai hàng cây, con đường có vẻ rất xa xôi, chạy hút trong tầm mắt.
- Đây là con đường vào làng. - Thức giới thiệu.
- Làng anh đẹp quá. - Khuyên chớp mắt nói.
- Em thấy không, chỉ toàn dừa là dừa.
- Có ruộng nữa chứ anh?
- Dĩ nhiên, nhưng hầu hết đều nằm phía sau những vườn dừa. Bởi vậy nên người ta gọi quê anh là xứ dừa mà. - Thức cười.
Đường vào nhà Thức rẽ bên trái, cũng là một con đường đất nhưng hẹp hơn đường lộ chính. Thức dần Khuyên đi giữa hai hàng cây tỏa bóng mát như đan lấy vòm trời phía trên đầu. Nắng loáng thoáng từng khoảng xuyên qua vòm lá in xuống mặt cát mịn. Không hiểu sao Khuyên thấy hồi hộp lạ lùng khi ngôi nhà lá nằm dưới cây hiện ra theo tay Thức chỉ.
- Tới nơi rồi cô bé ạ.
Thức và Khuyên dừng lại trong khoảng sân cát. Con chó bông từ trong nhà chạy ra vẫy đuôi. Nó không sủa, chỉ kêu gì đó trong miệng như mừng rỡ.
- Mày vẫn không quên tao, được lắm Vện ạ. - Thức vuốt đầu con chó nói.
- Nó cắn không anh? - Khuyên lo ngại hỏi.
- Không - Thức cười - Anh đã giới thiệu em với nó rồi.
Khuyên nhéo vào hông Thức một cái. Từ nhà sau đi lên một người đàn bà dáng khắc khổ, khoảng 60 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện. Gương mặt bà ánh lên nét vui mừng. Thức gọi:
- Má.
- Trời ơi, Thức đó hả con.
Và rồi người đàn bà bật khóc. Khuyên không hiểu câu chuyện thế nào, nhưng rõ ràng là cô vô cùng khó xử trước tình cảnh bất ngờ này. Thức ôm lấy vai mẹ dỗ dành:
- Kìa má, có gì đâu phải khóc.
- Tao tưởng mày chết biệt tăm ở đâu... Sao lâu quá mày không về, không tin tức gì hết vậy?
- Viết thư đế má lo thêm thì con không viết đâu. Nhưng bây giờ con đã về rồi đây - Thức cười - để con giới thiệu với mẹ cô bạn gái thân nhất của con, đây là cô Khuyên.
Khuyên gật đầu chào người đàn bà còn đang tức tưởi trước cơn xúc động không kềm chế được. Thức nói như động viên thêm cho Khuyên:
- Má anh tội lắm, lâu không gặp anh, hễ gặp là bà khóc.
- Chứ mày đi biệt tăm biệt tích... thôi, cháu Khuyên vào nhà, rồi coi tắm rửa nghỉ ngơi. Ở đây nhà quê, cứ tự nhiên, cháu cứ coi như nhà mình, đừng ngại gì hết.
- Dạ...
- Phiến đâu rồi má? - Thức hỏi về đứa em gái.
- Nó lấy xe đạp chạy đâu đó, chắc cũng sắp về. Nó mà thấy con, chắc nó mừng lắm.
Khuyên đi ra nhà sau rửa mặt. Nước mưa mát lạnh làm Khuyên thấy tỉnh người và thích thú trước một khu vườn nhỏ phía sau nhà Thức. Có tiếng chim đâu đó trong các vòm cây xanh um.
- Cho anh rửa mặt với cô bé.
Thức ra đứng bên cạnh Khuyên lúc nào, giọng nói của anh làm Khuyên giật mình. Cô múc nước đổ vào tay Thức cho anh rửa mặt.
Thức cười hỏi:
- Em thích không?
- Thích chứ. Ở đây êm đềm quá, nhất là khu vườn.
- Ồ, đây chỉ là một khoảng vườn nhỏ sau nhà thôi. Ở dưới kia, nhà có, một khu vườn nhỏ trồng dừa và cây ăn trái. Rồi anh sẽ đưa em xuống đó nay mai.
- Đi bây giờ không được sao anh? - Khuyên cười.
- Phải ở nhà chơi với bà già đã, bà đang nấu cơm và bắt chúng ta phải ăn. Mai mốt muốn đi đâu thì đi.
- Bác hiền quá.
- Ừ, má anh hiền lắm.
- Em lại càng nhớ mẹ em hơn. - Khuyên thở ra.
- Chút nữa Phiến nó về, em gái anh cũng rất tự nhiên và nó sẽ kết bạn với em ngay. Anh mong hai người sẽ thân thiết với nhau như hai chị em.
- Em ngại quá...
- Em phải tự nhiên. - Thức động viên Khuyên.
Thức đưa Khuyên đi dạo trong khoảng vườn nhỏ sau nhà. Vườn trồng toàn chuối, xen lẫn một vài loại cây ăn trái khác, xung quanh là dừa, có một bụi tre Mạnh Tông giá cỗi lá rụng đầy gốc, nhưng những mụt măng bụ bẫm đang nhú lên. Thức có vẻ thích thú trước những bụt măng này. Anh đến rờ rẫm từng mụt măng, trầm trồ:
- Mình gặp may, về gặp mùa mưa nên măng ra nhiều. Em có thích măng hầm giò heo không? - Thức cười hỏi Khuyên.
- Về chưa chi đã tính chuyện ăn.
- Ồ, hiếm có dịp ăn măng Mạnh Tông lắm đấy. Đó cũng là một truyền thuyết về sự có hiếu đối với mẹ. Mà chúng ta ai cũng thương mẹ.
Và Thức kể cho Khuyên nghe về sự tích của măng Mạnh Tông khi hai người đi loanh quanh trong khoảng vườn mát rượi nồng nàn hương đất và hương lá mục. Khuyên lại đâm thích thú về câu chuyện cổ tích này và dĩ nhiên Khuyên cũng rất yêu mến những mụt măng sù sì chui lên từ lòng đất ấm sau lớp lá mục kia.
Trên mái lá của ngôi nhà ba gian cũ kỹ, Khuyên đã nhìn thấy những đợt khói bay lên tản mạn. Mẹ Thức đã nổi lửa nấu cơm rồi. Hình ảnh của những đám khói bay trên nóc nhà gợi cho Khuyên sự ấm cúng của gia đình, của hạnh phúc đơn sơ bình dị. Khuyên nhớ ngày nhỏ cô đã học thuộc lòng một đoạn văn tả cảnh nấu cơm buổi chiều ở đồng quê như thế này rồi. Ôi, cái hình ảnh đẹp và đầy xúc động mà bây giờ Khuyên mới đuợc nhìn thấy tận mắt.
Khuyên nắm tay Thức bóp chặt cô nói trong niềm vui:
- Để em vào phụ nấu cơm với bác chứ.
- Ừ, ừ, được đấy. - Thức sung sướng giục.
Và Khuyên liến thoắng chạy vào nhà. Vừa lúc Phiến cũng về tới. Cô bé hơi sững người trước một cô gái lạ trong nhà mình, nhưng rồi Thức cũng kịp vào giới thiệu ngay.
Phiến ngượng ngùng, mỉm cười chào Khuyên và trách anh:
- Sao anh về mà không biên thư cho em hay trước?
- Anh muốn dành cho em một sự bất ngờ.
- Cánh tay anh sao thế?
- Bị thương và đang bó bột. Sắp lành rồi.
- Tại sao lại bị thương hả con? - Người mẹ quay lại hỏi Thức.
Thế là Thức vắn tắt kể lạ: chuyện đi phục vụ bộ đội ở chiến trường biên giới. Người mẹ lắc đầu, buồn bã nói:
- Vậy mà mày cũng giấu tao.
- Cho mẹ hay để rồi mẹ sẽ khóc, chẳng ích gì đâu. - Thức cười.
Phiến kéo Khuyên ra trước nhà, hai người ngồi trên băng đá kê dưới bóng dừa sát bên hàng quít tàu có những trái chín đỏ ối.
- Chị thích quê em không? - Phiến hỏi Khuyên.
- Ồ, chị rất thích.
- Ở đây buồn lắm, sợ rồi chị sẽ chán ngay.
- Không đâu Phiến ạ, chị thích yên tĩnh. Dĩ nhiên là cũng có buồn đấy, làm sao so sánh với thành phố được. Mỗi nơi có cái vui và cái buồn riêng chứ.
- Anh Thức coi vậy chứ tánh tình ảnh kỳ lắm.
- Kỳ là thế nào?
- Ảnh không chịu nghe ai đâu. Làm gì cũng theo ý ảnh hết. Mẹ em bảo ảnh về quê sống, nhà không còn ai, em thì con gái... nhưng mà ảnh đời nào chịu nghe. Anh bỏ đi thanh niên xung phong, rồi bây giờ lại bị thương.
- Vết thương không có gì quan trọng, cũng sắp lành rồi.
- Chị về chơi bao giờ lại đi thành phố?
- Khoảng một tuần.
- Chắc là anh Thức cũng đi luôn?
- Anh Thức còn nghỉ phép, nhưng cũng phải trở lên khám lại, và rồi anh ấy cũng sẽ trở lại đơn vị khi hết phép.
- Thấy chưa, em đã nói rồi mà.
Khuyên cười:
- Tại vì anh ấy là con trai.
Phiến lầm bầm gì đó trong miệng vẻ không bằng lòng. Khuyên nhìn Phiến cười, cô bé thật ngây thơ. Theo như Thức nói Phiến năm nay học lớp 10 ở trường huyện, Phiến hao hao giống Thức ở gương mặt, đôi mắt đen láy, khi ngạc nhiên thường mở lớn, điểm này lại giống Thức y khuôn. Phiến xinh xắn và có duyên, nhất là khi cười. Năm nay Phiến mười sáu tuổi, đối với một cô gái mười sáu tuổi ở quê làng Phiến như vậy là bi thiệt thòi nhiều thứ.
- Em đi học có xa không? - Khuyên nhìn Phiến ái ngại.
- Trường huyện xa lắm chị ạ. Cách đây trên mười cây số. Em ở dưới đó học, mỗi tuần mới về một lần.
- Như vậy bác ở nhà một mình?
- Dạ.
Thức mang ra cây sào dài, anh cười hỏi:
- Hai chị em nói lén gì đó, ai nói lén sẽ không được ăn dừa.
- Ai nói lén anh làm chi cho mệt. - Phiến cười.
Thức cười khúc khích:
- Em có nói xấu anh gấp mười lần, chị Khuyên vẫn không tin.
- Trái lại, nói xấu một, em tin mười. - Khuyên cười.
- Vậy thì em sẽ bị phạt không cho ăn dừa.
Thức thọc rớt xuống một buồng dừa xiêm lớn hơn mười trái, những trái dừa xiêm có màu vàng ửng đỏ làm Khuyên nhìn thích mắt. Loại dừa này nước rất ngọt và rất sai trái. Phiến mang ra con dao bén. Thức bổ dừa nạo cho vào ly đưa cho Khuyên.
- Tuy nhiên, tội đó anh tha, cho em thưởng thức nước dừa quê hương đây.
- Phiến đâu?
- Em ăn hoài chị ơi.
- Phiến cũng có một ly đây, em ăn với chị Khuyên cho vui chứ.
- Còn anh? - Khuyên hỏi.
- Anh khỏi cần ly.
Thức cười, anh vạt một mảnh nhỏ trên trái dừa rồi ngửa cổ uống nước. Thức giải thích cách uống này ngon hơn. Khuyên thấy chẳng ngon gì hơn uống ly, còn chê là Thức làm biếng. Phiến kéo Khuyên trở lại băng đá ngồi ăn dừa, vừa ăn vừa cười khúc khích.
- Ngon không cô bé thành phố? - Thức tới gần bên hỏi Khuyên.
- Ngon tuyệt.
- Mấy cây dừa này anh trồng đó.
- Xạo. - Phiên nói.
- Chứ ai trồng?
- Má.
- Lúc nhỏ em biết gì. - Thức cãi.
Hai anh em cãi nhau về mấy cây dừa xiêm làm Khuyên cười xòa. Cô giảng hòa:
- Hỏi bác thì biết ngay chứ hơi sức đâu cãi vả.
- Anh Thức chuyên môn ăn hiếp em đó chị Khuyên.
- Tại vì trước giờ em có một mình. Từ đây trở đi có chị, anh Thức sẽ không dám ăn hiếp em nữa đâu.
Thức cười khì khì, anh bĩu môi trêu Khuyên. Phiến có vẻ vui thích trước sự có mặt của Khuyên trong gia đình, có lẽ cô bé chưa hiểu gì rõ ràng trong quan hệ tình cảm giữa Khuyên và Thức, nhưng chắc chắn một điều Khuyên đã chiếm được cảm tình của cô thiếu nữ ngây thơ trong sáng này. Và ít nhất, Phiến cũng hiểu một điều đơn giản, Khuyên có mặt trong gia đình này là vì Thức.
- Thôi chết - Khuyên la lên - nãy giờ nói phụ nấu cơm với bác mà ra đây ăn dừa.
Phiến cười:
- Đâu có gì mà chị phải lo, bữa cơm nhà quê đơn giản thôi. Chắc má cùng đã nấu xong rồi.
Thức cười cười:
- Nếu em muốn chứng tỏ tài nội trợ thì tối nay em biểu diễn làm một món gì ăn cho vui.
- Món gì?
- Chè cháo gì đó. Nấu chè có sẵn dừa trên cây, chỉ việc thọc xuống là xong. Còn nấu cháo sẵn có gà.
- Thôi, em không biết làm gì đâu.
- Phiến biết làm.
- Nhưng thôi, nấu chè đi. Em không muốn vì sự có mặt của em mà một con gà phải chết. Nó sẽ oán em, tội lắm.
Phiên tán thành:
- Nấu chè bà ba nghen chị Khuyên, em với chị an cơm xong chạy ra chợ. Em chở chị đi.
- Đúng đấy, tối nấu chè ăn vui hơn.
Mẹ Thức đã nấu cơm xong, bà gọi Phiến vào dọn và mời Khuyên và Thức vào ăn.
Bà mẹ nhìn Khuyên phân trần:
- Bữa cơm nhà quê chẳng có gì... sáng mai Phiến đi chợ mua gì về nấu cơm đãi chị Khuyên.
- Dạ, con ăn sao cũng được, như vầy là ngon lắm rồi bác.
- Nhưng làm sao so sánh được với thành phố phải không cháu.
- Có bữa trên đó con ăn cũng tạm bợ lắm.
Khuyên không dám nói rằng có những bữa cơm cô chỉ ăn với rau muống chấm nước tương dầm ớt. Một phần Khuyên không có thời giờ đi chợ, một phần đôi lúc Khuyên cũng chẳng muốn ăn uống và buồn. Đối với Khuyên, ăn uống sao cũng xong. Tuy nhiên bữa cơm với gia đình Thức hôm nay làm Khuyên rất vui và ăn rất ngon miệng. Khuyên thích thú được Thức chìu chuộng và Phiến bày tỏ tình thương mến trong việc gắp thức ăn bỏ vào chén cho Khuyên. Còn bà mẹ, cứ nhìn Khuyên nhấp nháy đôi mắt cười hiền từ.
Thức sung sướng quay sang bà mẹ nói:
- Tối nay Khuyên sẽ biểu diễn nấu chè bà ba kiểu thành phố.
Khuyên nhéo cho Thức một cái và ngượng chín người.