Xóm đạo và tổ uyên ương

Khu chung cư nhỏ khoảng 20 hộ nằm cạnh một nhà thờ về phía tay trái, gồm toàn người Việt Nam theo đạo Công Giáo. Mỗi sáng sớm Chủ Nhật, bà Tư sẽ đến gõ cửa từng nhà giục đi lễ. Họ sẽ theo từng tốp đi bộ sang nhà thờ, lặng lẽ trong sương buổi mai.
Bà Tư đột ngột qua đời một sáng mùa đông. Cả chung cư xôn xao, tiếng đọc kinh cầu hồn râm ran suốt mấy ngày đêm. Không lâu sau đó, ông Tư được con cái rước về ở chung. Căn hộ một phòng bỏ trống.
Sang xuân, có cặp vợ chồng trẻ, rất trẻ, dọn vào. Hàng xóm không nhờ vẫn tự động sang giúp. Hành lý của họ chẳng có gì nặng và nhiều ngoài sách vở. Căn hộ một phòng bày biện sơ sài đến trống trải, sách chất thành từng đống từ phòng khách vào đến phòng ngủ, lẫn trong ấy có cả kinh thánh và các sách tôn giáo triết học đủ loại.
Đôi vợ chồng trẻ mở tiệc "tân gia" mời cả xóm đến dự, có cả cha xứ người Việt Nam. Cô vợ ít nói, loanh quanh trong bếp suốt buổi với những món ăn tự nấu. Anh chồng bặt thiệp, hòa hợp với tất cả mọi giới. Vài người tò mò, để ý thấy ngón áp út của cả hai vị chủ nhà đều không đeo nhẫn.
Tin cặp "vợ chồng" trẻ chưa làm đám cưới lan nhanh như bệnh cúm. Các bà mẹ hoang mang, lén nhìn con gái độc thân của mình ái ngại. Các ông bố lắc đầu. Các em nhỏ ngơ ngác. Còn các thanh niên thì nhìn nhau với nụ cười khó hiểu. Cặp trai gái trẻ nghiễm nhiên trở thành đề tài bàn tán của 19 hộ còn lại, ở bãi đậu xe, ngoài sân chơi, trên lan can, trong bếp, vào tận phòng ngủ và leo cả lên bàn ăn.
- Đấy, các ông các bà xem, dăm bữa nửa tháng cái bụng lại phình ra. Tôi đã bảo ngay từ đầu là chúng bỏ nhà rúc vào đây hú hí cơ mà.
- Không khéo lại là băng đảng thì khổ mình đấy, từ rày cửa rả phải cẩn thận thì tốt hơn.
- Cầu Chúa cho chúng đừng túm năm tụm ba đàn đúm ồn cả lên.
- Tui có con trai còn đỡ à, mấy bà có con gái phải dòm chừng đó nghen.
- Cấm con không được nói chuyện với nó, cái thứ con gái hư hỏng.
- Má, hôm trước con có nói chuyện rồi, chị ấy đang học ở đại học con vừa được nhận vào đó má, học giỏi lắm đó.
- Ngữ ấy mà giỏi à? Dẹp ngay, xin vào trường khác.
- Má, khó lắm con mới được nhận vô, con hỗng có qua trường khác đâu.
- Còn cãi à? Bố nó đâu! Con nó cãi tay đôi với tôi đây này!
- Chẳng cưới hỏi gì, vô trách nhiệm.
- Ba nói sao chứ con thấy nó lo cho bồ nó còn hơn khối người có vợ.
- Im mồm ngay! Mày nói xéo tao đấy à?
-...
Ông chủ tịch cộng đoàn ngao ngán:
- Thế này thì không được! tôi phải lên trình cha.
Cha xứ đến thăm đôi tình nhân trẻ. Cả xóm đạo ghé mắt qua rèm cửa sổ theo dõi. Vài tiếng đồng hồ sau linh mục ra về, anh thanh niên tiễn ra tận đường, họ trao đổi cái bắt tay của bằng hữu thay cho vẻ khúm núm "linh mục-con chiên" cố hữu. Từ đó cha xứ đến thăm đôi tình nhân thường xuyên hơn, vẻ như tâm đầu ý hợp lắm với anh thanh niên.
Xóm đạo chờ đợi, còn đôi nam nữ thì vẫn chung sống. Họ lặng lẽ trong sự dò xét của mọi người. Đằng sau cánh cửa căn chung cư một phòng mà chưa một ai trong 19 hộ còn lại bước vào lần thứ hai kia, không ai biết được họ hạnh phúc hay khốn khó. Chỉ thấy đôi trẻ vẫn như hình với bóng, lễ phép với sự hững hờ của người lớn tuổi và hòa nhã với sự dè dặt của đám thanh niên đồng lứa. Cả tháng trôi qua chẳng thấy động tịnh gì, ông chủ tịch cộng đoàn lại phải lên gặp cha.
Mọi người gần như đổ ra đường ngóng ông chủ tịch cộng đoàn vừa rời khỏi nhà thờ trở về. Ông lắc đầu:
- Thật chả sao hiểu nổi các linh mục trẻ ngày nay, sống thế mà bảo... OK.
Và thời gian lại trôi. Sự trông ngóng những điều không mong đợi của xóm đạo vẫn lảng vảng ở đâu đó như kẻ trộm. Cho đến khi chúng bùng nổ thành những xung đột, hoặc là trong gia đình, hoặc là giữa gia đình này với gia đình nọ, xoay quanh một chủ đề duy nhất là định nghĩa về "tổ ấm gia đình" với dẫn chứng cũng duy nhất là cặp nam nữ "già nhân ngãi non vợ chồng" kia.
Người ta đi gặp cha xứ nhiều hơn, trở về với cái lắc đầu và chìm vào những suy ngẫm xa lạ về tổ ấm của chính mình.
Đôi uyên ương vẫn lặng lẽ, quấn quít ra vào tổ ấm của chính họ.
Đức Trí Quế Anh