1. Thầy lang giỏi 2. Nội khoa, ngoại khoa 3. Chọn người gầy mà chữa 4. Chẩn bệnh 5. Chữa ma ra người 6. Chơi khăm 7. Dốt còn sĩ diện 8. Kén rể hay chữ 9. Trí khôn 10. Ngụy biện 1. Thầy lang giỏi Con Diêm Vương ốm, sai quỷ sứ lên trần gian đón thầy lang xuống chữa. Khi quỷ sứ đi, Diêm Vương dặn: - Tìm nhà thầy nào ít có ma đứng ngoài cửa nhất thì vào! Lên đến nơi, quỷ sứ đi khắp, không thấy nhà thầy nào như thế cả. Nhà thầy nào xoàng, cũng ba bốn chục con ma đứng ở cửa. Ðang định quay về, bỗng thấy nhà thầy lang nọ chỉ có mỗi một con ma. Mừng quá, quỷ sứ vào mời thầy xuống âm phủ. Diêm Vương đón được thầy giỏi, mừng lắm, hỏi: - Nhà ngươi làm thuốc đã bao năm mà khá như vậy? Thầy lang thưa: - Bẩm, tôi mới hành nghề được mấy ngày hôm nay, và cũng chỉ chữa cho một người thôi ạ! 2. Nội khoa ngoại khoa Có một người bị một mũi tên bắn cắm vào đùi, mời thầy lang ngoại khoa đến chữa. Thầy lấy dao cắt bỏ phần mũi tên ở ngoài. Làm xong đòi tiền. Người nhà hỏi: - Còn phần cắm sâu vào thịt, thầy chưa lấy ra kia mà? Thầy nói: - Tôi chữa ngoại khoa, còn cái đó thì xin mời thầy nội khoa. 3. Chọn người gầy mà chữa Một thầy lang chữa bệnh thế nào đến nỗi người ta chết. Nhà chủ dọa đưa lên quan. Thầy lạy lục, kêu van mãi. Nhà chủ bắt phải khiêng quan tài đi chôn mới tha. Thầy đành về nhà, gọi vợ và hai thằng con trai lớn đến, bốn người bốn góc khiêng đi. Người chết béo, quan tài nặng, cả nhà khiêng méo mặt. Ði được nửa đường, thầy than thở: - Làm người chớ học nghề thuốc! Người vợ nói thêm: - Làm thuốc khổ đến vợ con! Con trưởng ngậm ngùi: - Cái quan tài này, đầu nặng chân nhẹ, khiêng khó quá! Người con thứ ôn tồn khuyên bố: - Từ nay, thầy có chữa thì chọn người gầy mà chữa, thầy ạ! 4. Chẩn bệnh Hai thầy lang ngồi nói chuyện với nhau. Thầy nọ hỏi thầy kia: - Bác đi thăm bệnh, sao bất cứ người bệnh nào, bác cũng hỏi thường ăn những gì, vậy nghĩa là làm sao? Thầy kia cười, đáp: - Có gì đâu! Chẳng qua hỏi xem họ ăn uống có sang không để định tiền thuốc nhiều hay ít cho dễ. 5. Chữa ma ra người Một thầy lang nằm mơ thấy xuống âm phủ. Một lũ ma níu chặt lấy, bảo: - Trước thầy đã chữa cho chúng tôi xuống đây, bây giờ thầy phải làm thế nào cho chúng tôi sống lại. Thầy sợ toát mồ hôi, giật mình tỉnh dậy, vuốt ngực than thở: - Ta chỉ có chách chữa cho người hóa ma, chứ bây giờ bắt ta chữa cho ma ra người thì biết dùng phương thuốc gì? 6. Chơi khăm Một thầy lang và một thầy bói không biết làm sao mà thù hằn nhau. Một hôm có người đàn bà, chồng ốm, đi xem bói. Thầy gieo quẻ, bảo phải đến nhà thầy lang nọ mà xin thuốc, chồng sẽ khỏi. Trước khi chị kia đi, thầy dặn thêm: - Vào nhà thì phải hỏi: "Có thật ông là ông lang mà dao cầu dính đầy mạng nhện và ô thuốc mốc meo không?" Ðúng là thầy lang ấy mới hay. Chị kia đến, hỏi như lời thầy bói dặn. Thầy lang biết thầy bói chơi khăm mình, nhưng vẫn cứ thản nhiên kê đơn bôi thuốc, rồi dặn: - Chị về sắc lên cho anh ấy uống, nhưng phải bắt cho bằng được một con ruồi đậu ở mép ông thầy bói, bỏ vào thuốc, thì thuốc mới hiệu nghiệm. Người đàn bà vâng lời, quay trở lại hàng thầy bói. Chầu chực mãi, chẳng thấy con ruồi nào đậu ở mép thầy để bắt, sốt ruột lắm! Ông thầy bói đang đợi khách, ngáp dài. Bỗng có hàng bánh rán đi qua, thầy gọi vào ăn. Thầy đang nhai bánh thì một con ruồi bắt hơi mật, bay đến đậu ngay vào mép thầy. Chị kia không bỏ lỡ dịp, giơ tay đánh bốp được con ruồi. Thầy bói đau quá, la lên: - Ối giời ơi! Ông làm gì mà mày đánh ông! 7. Dốt còn sĩ diện Một lão trọc phú đang ngồi tiếp khách. Chợt có người vào đưa một tờ giấy và đứng đợi trả lời. Lão kia vốn dốt đặc, nhưng trước mắt khách, lão làm ra vẻ biết chữ, giả bộ mở tờ giấy ra xem rồi trả lời: - Cứ về đi, chốc nữa tao sang ngay! Tên người nhà gãi đầu gãi tai, thưa: - Ông con sai con sang mượn ông con bò đem về ngay kẻo lỡ buổi cày, chứ không phải mời ông sang đâu ạ! 8. Kén rể hay chữ Lão trọc phú nọ muốn kén một người rể hay chữ. Ðợi mãi chẳng có tú cử nào đến. Có thằng bịp biết chuyện, lập kế lấy cái gia tài của lão. Hắn mua hai hòm sách nát, thuê người gánh, giả làm học trò. Lão kia đang ngồi trong hàng nước, hắn đi vào. Thấy hắn ra dáng học trò, lão bắt chuyện, rồi mời về nhà. Ðêm đến, hắn đốt đèn giả vờ xem sách, khuya mới đi ngủ. Lão mừng thầm, định bụng sẽ gả con gái cho, nhưng còn muốn thử tài học của hắn ra sao. Nhân có người hàng xóm sang mượn cái mâm đồng về dọn cơm khách, lão nhờ hắn đánh dấu cho, kẻo lẫn. Hắn lấy vôi vẽ loằng ngoằng như xích chó. Lão chả hiểu gì, hỏi hắn, hắn trả lời liến thoắng: - Ðó là lối chữ thảo đấy ạ! Lão trầm ngâm suy nghĩ: "Thằng thông minh thật, họ có ý gian, muốn đánh tráo đồ vật nhà ta, cũng chẳng được. Biết nó viết thảo chữ gì?" Lại khi ngồi nói chuyện với hắn nghe hắn xổ ra một tràng Chi, hồ, giả, dã rất là thông thái. Lão chắc mẩm hắn hay chữ thật, bàn với con gái nên lấy hắn, về sau sẽ được nhờ. Thế là hắn được vợ. Gặp lúc làng có đám nghe nói hắn hay chữ, làng cắt hắn đọc văn tế. Lão lấy làm hãnh diện cho con rể mình. Còn hắn thì chẳng tìm được lý do nào mà từ chối. Hôm đám, hắn quỳ xuống, cầm chúc bản đọc. Ðọ được chứ duy ở đầu câu, hắn liền đỏ mặt tía tai, rồi đạp hương án, trèo lên bàn thờ, giả vờ lên đồng, thé ầm ĩ: - Làng nầy thiếu gì người đọc văn tế được mà lại sai thằng này ở đâu đến đọc! Có phải nó khoe nó hay chữ, thì ta lấy hết chữ cho mà xem! Nói xong, ngã lăn đùng ra giữa chiếu. Thế là đồng thăng. Từ đấy, ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành Hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi. 9. Trí khôn Ngày xưa, có một người đi cày quát tháo, đánh đập con trâu thế nào, trâu cũng phải chịu. Con hổ ngồi trên bờ, nom thấy mới hỏi rằng: - Trâu kia! Mày to lớn dường ấy, sao mày để người ta đánh đập như vậy? Trâu nói: - Người bé nhưng trí không người lớn. Hổ lấy làm lạ, không biết trí khôn là cái gì, mới hỏi người rằng: - Người ơi! Trí khôn của người đâu, cho ta xem? Người nói: - Trí khôn ta để ở nhà. - Nguời về lấy mang ra đây cho ta xem. - Ta về rồi mày ăn mất trâu của ta thì sao? Mày có thuận để ta trói lại thì ta về lấy cho mà xem. Hổ muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày vừa phang vào lưng hổ, vừa nói: - Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây. 10. Ngụy biện Một ông khách trách ông thợ may: - Ông chủ! Ông may thế nào mà quần tôi cụt thế này? Người thợ thản nhiên trả lời: - Thưa ông, không phải lỗi chúng tôi đâu. Khi ông đưa vải đến may, chúng tôi đã đo cẩn thận. Chân ông mới dài ra đấy ạ!