Nguyễn Văn Của phỏng dịch
Chương 4
Đảo Lincoln

Một phút sau, cả ba người thợ săn đều có mặt bên ngọn lửa bừng cháy. Trên bếp lò, cạnh đấy là Cyrus Smith và nhà báo đang ngồi. Pencroff dừng lại và lặng thinh nhìn họ, tay vẫn xách con heo nước vừa săn được.
- Thế nào, anh bạn yêu quý? – nhà báo nói – Lửa đang cháy đó! Lửa thật sự nhé. Anh ngạc nhiên à! Có thể nướng con thú này được rồi, và chúng ta sẽ làm một bữa tiệc thật thịnh soạn.
- Ai nhóm được lửa? – Pencroff thắc mắc.
- Mặt trời!
- Ngài có kính lúp à, thưa ngài Smith? – Harbert hỏi.
- Không có! – Viên kỹ sư trả lời – Nhưng ta đã chế ra nó.
Và Cyrus Smith giới thiệu dụng cụ đóng vai trò chiếc kính lúp ấy. Đó là hai mặt thuỷ tinh tròn được tháo ra từ chiếc đồng hồ bỏ túi của Smith và Spilett. Sau khi đổ nước vào các mặt kính, ông xếp chồng chúng lên và lấy đất sét trét vào cạnh. Thế là ông có một thấu kính hội tụ. Chỉ cần thu ánh nắng mặt trời vào tiêu điểm của kính là có được sức nóng đủ để tạo ra lửa.
- Ghi chép đi chứ, ông Spilett. – Pencroff nói – Hãy ghi điều này vào cuốn sổ tay của ông đi.
- Ghi rồi. – nhà báo trả lời.
Họ đã ăn một bữa tối rất ngon. Món thịt heo nướng không chê vào đâu được. Bữa ăn được bổ sung thêm món rong biển và hạt thông bá hương. Viên kỹ sư hầu như không nói gì, ông đang mải mê nghĩ đến chuyện leo núi để quan sát địa hình ngày mai.
Khi trăng đầu tháng vừa lặn xuống mặt biển, viên kỹ sư Cyrus Smith đã nắm lấy tay của cậu bé và thốt lên:
- Đảo! Chúng ta lạc xuống một hòn đảo!
Viên kỹ sư và các bạn đồng hành của ông lặng người đi hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn đại dương. Hôm sau, họ trèo lên một ngọn núi lửa đã tắt với hy vọng phát hiện một vùng đất khác gần nơi đây. Một hòn đảo hoặc một rẻo đất mà hôm qua trong đêm tối họ đã không trông thấy.
- Các bạn! – viên kỹ sư nói sau khi quan sát địa hình – Tôi cảm thấy tôi sẽ không sai nếu tôi cho rằng hòn đảo của chúng ta kéo dài hơn một trăm hải lý.
- Thế diện tích của nó là bao nhiêu?
- Khó mà nắm được. Nó bị chia cắt chằng chịt khó đoán quá.
- Đây là hòn đảo đã từng có con người ở chăng?
Nhà báo là người đầu tiên hỏi to lên câu ấy. Mọi người cảm thấy rằng nếu họ lên đỉnh núi quan sát bề mặt hòn đảo thì họ đã có thể trả lời câu hỏi ấy bằng một sự phủ nhận.
Không thấy có chỗ nào có sự sáng tạo của bàn tay con người cả. Công việc tìm hiểu hòn đảo một cách sơ lược đã xong, họ đã xác định được địa hình của hòn đảo, đã tính toán được diện tích, ấn định được tình hình địa lý thuỷ văn và sơn văn của đảo. Trên sơ đồ mặt bằng do nhà báo vẽ vội vàng đã làm ký hiệu địa thế, vị trí các khu rừng và đồng bằng. Bây giờ cần phải men theo sườn núi đi xuống và nghiên cứu những tài nguyên khoáng sản, hệ dộng vật và thực vật của đảo.
Nhưng trước khi ra hiệu lệnh xuất phát, Cyrus Smith bàn bạc vài lời với mọi người:
- Các bạn! – ông nói với vẻ bình tĩnh và nghiêm nghị thường ngày của mình – Ý trời đã định và chúng ta bị quẳng lên mảnh đất nhỏ bé này. Tôi và các bạn rõ ràng là phải ở lại chốn này, và có lẽ rất lâu đấy. Tất nhiên có thế là bất thình lình chúng ta sẽ được cứu giúp, nếu như tình cờ có một con tàu đi qua đảo… Tình cảnh chúng ta như vậy đó, tôi không muốn giấu các bạn một điều gì hết…
- Và ngài làm như vậy là đúng, Cyrus Smith thân mến! – nhà báo nhiệt tình đáp lại – Chúng tôi tin tưởng nơi ngài. Ngài có thể trông cậy vào chúng tôi. Có phải thế không, các bạn?
- Cháu sẽ nghe lời ngài trong hết thảy mọi việc, thưa ngài Cyrus Smith, – Harbert nói, cậu nắm chặt tay viên kỹ sư.
- Con sẽ đi với ngài đến cùng trời cuối đất! – Nab kêu lên.
- Còn tôi thì thế này nhé, - chàng thuỷ thủ nói – Pencroff không bao giờ trốn tránh công việc cả! Và nếu ngài muốn, thưa ngài Smith, thì chúng ta sẽ làm cho hòn đảo này thành một nước Mỹ nhỏ! Tôi chỉ yêu cầu ông một điều thôi.
- Điều gì? – nhà báo hỏi.
- Chúng ta hãy xem mình không phải như những người xấu số bị nạn, mà là những người đi khai khẩn, đến hòn đảo này với mục đích duy nhất là tạo dựng vùng di dân ở đây!
Cyrus Smith không thể nén nổi nụ cười. Lời đề nghị của chàng thuỷ thủ được chấp nhận. Sau đó, viên kỹ sư đã cảm ơn những người bạn của mình về sự tin cậy mà họ đặt nơi ông và nói thêm rằng ông hết sức trông mong vào nghị lực của họ cũng như sự phù hộ của thượng đế.
- Khoan đã, các bạn! – kỹ sư ngăn mọi người lại – Tôi thiết nghĩ nên đặt tên cho hòn đảo của chúng ta, cho từng mũi biển, từng doi đất, lẫn những con suối mà chúng ta đã nhìn thấy ở đây.
- “Hang ngụ cư” chẳng hạn. – Harbert nhận xét.
- Phải đấy, – Pencroff xác nhận – Một cái tên thích hợp. Vậy ta dành cái tên “Hang ngụ cư” cho nơi trú chân đầu tiên của chúng ta nhé, ngài Cyrus Smith đồng ý không?
- Tất nhiên, Pencroff, một khi anh đã tán dương việc đặt cho nó tên như vậy rồi mà.
- Vâng, tất nhiên rồi, nghĩ ra tên để đặt cho một địa danh cũng chẳng khó gì. – chàng thuỷ thủ nói vẻ thích thú.
- Theo tôi, nên tìm những cái tên nào thường xuyên nhắc nhở chúng ta nhớ đến Tổ quốc ấy, – Gédéon Spilett góp ý.
Đề nghị của kỹ sư được nhẩt trí thông qua. Gédéon Spilett ghi lại những cái tên ấy, và danh mục địa lý của đảo đã được quy định xong xuôi: vịnh Hợp chủng, vũng Washington, núi Franklin, bán đảo Uốn khúc, mũi Rắn, vịnh Cá mập, mũi Xương hàm…
- Còn hòn đảo nữa, ta đã đặt tên cho hòn đảo đâu!
Harbert đề nghị lấy tên của Cyrus Smith đặt cho hòn đảo, nhưng viên kỹ sư đã vượt lên trước chú.
- Các bạn, – ông nói chân tình – chúng ta sẽ lấy tên tổng thống kính yêu đặt tên cho hòn đảo của chúng ta để vinh danh vị công dân cao thượng nhất của nước Mỹ cộng hoà, vinh danh con người đang đấu tranh để bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Hãy đặt tên cho mảnh đất này là đảo “Lincoln”!
Đáp lại lời đề nghị của Cyrus Smith là sự phấn khởi của mọi người.
Đó là ngày 30 tháng ba năm 1865. Họ đâu có biết được rằng mười sáu ngày sau ở Washington đã xảy ra một tội ác dã man: vào hôm thứ sáu tai hại, Abraham Lincoln đã ngã xuống do bàn tay của một kẻ cuồng tín ám sát.
Pencroff tuyên bố đã đến lúc ăn sáng và tiện dịp Cyrus Smith và nhà báo quyết định kiểm tra lại đồng hồ của mình.
Cần nói rằng, chiếc đồng hồ của Gédéon Spilett không bị vô nước, bởi anh không bị rơi xuống biển. Đó là loại đồng hồ bỏ túi xinh xắn, được nhà báo hàng ngày lên dây rất cẩn thận.
Cyrus Smith tất nhiên không thể lên dây cho chiếc đồng hồ của mình trong khi ông nằm bất tỉnh ở đụn cát. Nhưng khi về đây ông đã lên dây nó và căn cứ theo mặt trời ông đã xác định thời gian là khoảng gần chín giờ, và vặn lại kim đồng hồ.
Gédéon Spilett quyết định làm theo ông, nhưng Cyrus Smith ngăn anh ta lại:
- Đừng anh bạn thân mến! Đồng hồ của anh lấy theo giờ Richmond phải không?
- Vâng, thưa ngài Smith.
- Đừng vặn lại giờ. Hãy lên dây đồng hồ của mình cẩn thận mỗi ngày, nhưng đừng có động vào kim – cứ để chúng vậy đi. Điều đó có ích cho chúng ta sau này.
Sau bữa ăn sáng Cyrus Smith đề nghị các bạn đi về Hang ngụ cư bằng con đường khác. Ông muốn xem xét lòng hồ tại một vị trí gần hơn, cây cối bao quanh hồ rất đẹp.
Cyrus Smith bình thản đi bên cạnh nhà báo lúc nào cũng kè kè cuốn sổ tay để ghi chép bất cứ việc gì xảy ra. Thỉnh thoảng, viên kỹ sư lại tạt sang một bên để lựa những mẫu khoáng sản hoặc bứt một loài thực vật nào đó, lẳng lặng bỏ vào túi, chẳng nói một câu nào thừa.
Sau bữa ăn tối, khi những người bộ hành đã định ngủ, Cyrus Smith móc trong túi ra những hòn đá nhỏ – đó là các mẫu khoáng sản khác nhau – và giải thích ngắn gọn:
- Các bạn hãy xem đây, đây chính là quặng sắt, đây là pirit, đây là đất sét, đây là đá vôi. Nó sẽ đóng góp cho sự nghiệp chung của chúng ta. Ngày mai đến lượt chúng ta ra tay.

°

° °

- Thưa ngài Cyrus Smith, chúng ta bắt đầu từ chỗ nào đây? – sáng hôm sau Pencroff hỏi.

“Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu”. – Cyrus Smith nói – Bắt đầu từ việc làm một thiết bị để gia công khoáng liệu mà thiên nhiên ban cho. Ai cũng biết là trong việc gia công này nhiệt độ cao đóng vai trò quan trọng như thế nào. Nhiên liệu, như củi lẫn than đá thì đều đã có đủ. Chỉ còn việc xây lò nữa thôi.
- Thế cái lò ấy dùng để làm gì? – Pencroff hỏi.
- Chúng ta sẽ tự chế lấy những đồ đựng. Những thứ này rất cần. – Cyrus Smith trả lời.
- Thế xây lò bằng gì?
- Bằng gạch.
- Thế gạch làm bằng gì?
- Bằng đất sét. Lên đường thôi, các bạn! Để khỏi mất công chuyên chở nguyên liệu, ta sẽ xây dựng các xưởng ngay tại chỗ khai thác. Nab sẽ mang thức ăn đến cho chúng ta, còn lửa để nấu nướng thì chúng ta có đủ.
- Tuyệt! – nhà báo nhận xét – Lửa thì sẽ có thôi, nhưng còn thức ăn thì sẽ không có, một khi chúng ta không có súng để đi săn.
- Ồ, giá có được một con dao nhỏ! – chàng thuỷ thủ xuýt xoa.
- Vậy thì sao? – Cyrus Smith hỏi.
- Thì tôi sẽ làm ngay một cây cung và những mũi tên chứ “sao”? Và thế là chúng ta sẽ tha hồ mà ăn thịt thú!
- Ừ… con dao. – viên kỹ sư nói với vẻ suy tư, như tự chuyện trò với bản thân mình.
Tình cờ ông trông thấy con Top chạy tung tăng trên bờ biển. Mắt Cyrus Smith sáng lên.
- Top, lại đây! – ông gọi.
Con chó chạy lại chỗ ông chủ, Cyrus Smith dùng hai tay ôm lấy đầu con chó, tháo cái vòng cổ của nó ra, bẻ làm đôi, nói:
- Đây, Pencroff, cho anh hai con dao!
Đáp lại chàng thuỷ thủ reo lên “hoan hô” hai lần, chiếc vòng cổ của con Top được làm bằng một thanh thép mỏng đã tôi, chỉ cần mài nó vào đá là có được một lưỡi dao sắc, rồi sau đó dùng một mảnh da mịn chà cho nó khỏi nhám là xong.
Các cư nhân của đảo đã đi đến nơi mà họ khảo sát hôm qua. Ở đây có đất sét đỏ, rất thích hợp với việc nung gạch và ngói, và do đó, họ hoàn toàn có thể thực hiện được ý đồ của mình.
Thông thường người ta làm gạch bằng khuôn, nhưng những người ngụ cư phải dùng tay trần để nặn. Suốt ngày hôm ấy cho đến lúc trời tối, và cả ngày hôm sau họ tận dụng thời gian đó cho việc sản xuất gạch. Họ nhồi đất sét thật nhão và đều. Sau đó, nén thành những viên gạch sống thật cân đối, họ xếp gạch còn ướt thành những hàng và phơi nắng ba bốn ngày cho chúng thật khô, rồi sau đó đem nung chúng.
Ngày 2 tháng tư, Cyrus Smith đã quyết định thực hiện việc xác định vị trí của đảo theo phương hướng.
Ngày hôm trước, ông đã nhận xét chính xác thời gian lúc mặt trời lặn, đồng thời để ý cả hiện tượng khúc xạ. Còn ngày 2 tháng tư, ông xác định không kém phần chính xác thời gian lúc mặt trời mọc là mười hai giờ hai mươi bốn phút. Như vậy là hôm ấy sau sáu giờ mười hai phút mặt trời phải đi qua kinh tuyến của đảo, và điểm mà nơi mặt trời dừng lại trên trời ở thời khắc ấy sẽ cho biết đâu là phương bắc.
Đúng như đã định, Cyrus Smith xác định điểm ấy trên nền trời và vạch một đường tưởng tượng từ mặt trời qua hai cây sồi lớn mà ông đã chọn làm mốc, và tìm được kinh tuyến cố định cho việc quan sát thiên văn của mình.
Mẻ gạch nung được tiến hành hai ngày hai đêm và thành công mỹ mãn. Sau đó, họ để cho gạch nung nguội đi, trong khi ấy Nab và Pencroff, theo lệnh của Cyrus Smith dùng cành cây đan thành cái cáng và khiêng được một một đống đá vôi khá to lấy ở bờ bắc của hồ Grant. Số đá này sau khi đem nung lửa hoá thành vôi sống, sau đó được tôi lên, cũng tinh khiết y như loại vôi thu được khi nung đá hoa hay phấn vậy. Những người ngụ cư đem trộn dung dịch vôi tôi sền sệt với cát và họ được một chất dính kết tuyệt vời.
Ngày 9 tháng tư, do kết quả của những công việc trên, Smith đã có trong tay một ít vôi tôi và mấy ngàn viên gạch.
Khi ấy họ đã tranh thủ thời gian xây một chiếc lò để nung đủ các loại đồ gốm cần thiết cho sinh hoạt trong nhà. Việc xây lò đã hoàn thành chẳng có khó khăn gì. Năm ngày sau, họ chất than đá vào lò, Cyrus Smith đã tìm thấy các vỉa than lộ ra trên mặt đất ở gần cửa suối Đỏ, và từ ống khói cao hai mươi bộ, ngọn khói đầu tiên đã bốc lên. Khoảng đất trống đã biến thành công xưởng, và Pencroff không thấy xa lạ với ý nghĩ rằng từ cái lò này sẽ làm ra mọi thứ sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại.
Sẽ chẳng phải là thừa nếu nhắc lại rằng Pencroff muốn biết đất sét này có làm ống tẩu hút thuốc được không, và đã làm cho mình vài chiếc; những chiếc tẩu xấu xí hết mức, nhưng Pencroff lại cho là tuyệt trần. Nhưng thật đáng buồn là họ chẳng có gì để hút cả.
Chiều ngày 15 tháng tư, họ trở về Hang ngụ cư, mang theo loạt nồi, chén, đĩa cuối cùng và tắt lò cho đến lượt nung mới.
Sau khi ăn tối, Cyrus Smith và các bạn của ông đi ra bờ biển và hít thở không khí trong lành. Trên trời cao nổi bật lên các chòm sao cận cực, và sáng tỏ hơn cả là chòm sao Chữ Thập Phương Nam mà Cyrus Smith mới đây quan sát thấy từ trên đỉnh núi Franklin.
Bây giờ Cyrus Smith lại nhìn hồi lâu chòm sao tuyệt trần này, ở phía trên và phía dưới của nó lấp lánh hai ngôi sao thứ nhất, ở bên trái là ngôi sao thứ nhì, còn bên phải là ngôi sao thứ ba.
Sau khi suy nghĩ, ông nói:
- Harbert, hôm nay là ngày 15 tháng tư phải không?
- Vâng, thưa ngài Cyrus – cậu bé đáp.
- Thế này nhé! Nếu tôi không nhầm thì ngày 16 tháng tư sẽ một trong bốn ngày trong năm mà giờ thật sẽ trùng hợp với giờ trung bình, tức là giữa trưa ngày mai theo đồng hồ (sai số chỉ có thể là vài giây) thì mặt trời sẽ đi qua kinh tuyến của vùng này. Nếu thời tiết chiều theo ý muốn của chúng ta mà nắng ráo, thì tôi nghĩ tôi sẽ xác định được hòn đảo nằm ở kinh độ nào, với sai số không quá vài độ.
- Không cần máy đo, không cần kính lục phân? – Gédéon Spilett hỏi lại.
- Phải. – viên kỹ sư đáp – Còn nếu đêm không bị mây che thì tối nay tôi sẽ thử xác định vĩ độ bằng cách tính xem chòm sao Chữ Thập Phương Nam cao cách chân trời bao nhiêu. Bởi vì, các bạn cũng biết rằng trước khi bắt tay vào những công việc lớn và thu xếp ở đây lâu dài thì, nếu có thể được, phải xác định xem hòn đảo của chúng ta cách nước Mỹ, cách châu Úc hoặc phần đảo chủ yếu của Thái Bình Dương bao xa.
- Ngài nói đúng – Gédéon Spilett nhận xét – Thay vì xây nhà, có lẽ quan trọng đối với chúng ta hơn là đóng một chiếc tàu thuỷ nếu chúng ta chỉ ở cách vùng dân cư vài trăm hải lý.
- Chính vì thế mà tôi muốn thử xác định ngay tối nay xem đảo Lincoln ở vĩ độ nào? Còn trưa ngày mai thì sẽ thử tính cả kinh độ của nó.
Cyrus Smith trở về Hang ngụ cư. Dưới ánh lửa bập bùng trong lò, ông bắt tay chuẩn bị một chiếc compa và những dụng cụ cần thiết cho việc xác định toạ độ của đảo.

°

° °

Sáng ngày hôm sau, 16 tháng tư, những người ngụ cư ngay từ lúc rạng đông đã ra khỏi Hang và bắt đầu giặt giũ quần áo, đập bụi và trải bộ đồ mặc ngoài. Kỹ sư định hễ tìm được các thành phần cần thiết như xút hoặc bồ tạt, mỡ hoặc dầu thực vật là sẽ nấu xà phòng. Quần áo họ đang mặc dù có lao động chân tay đi nữa ít ra nó cũng còn chịu đựng được nửa năm. Điều quan trọng nhất bây giờ là xác định đảo cách bờ bao xa, và những người ngụ cư muốn làm việc ấy ngay trong ngày hôm đó, nếu thời tiết cho phép.

Mặt trời nhô lên phía chân trời hứa hẹn một ngày quang đãng.
Harbert là một thiếu niên ham hiểu biết đã cùng đi với Smith ra bờ biển.
Cyrus Smith mang theo một cái sào thẳng tắp dài gần hai mươi bộ. Chiều dài này ông xác định theo chiều cao của bản thân mà ông biết hoàn toàn chính xác. Harbert được Cyrus Smith giao mang dây dọi – đó là một sợi dây leo mềm, một đầu được buộc vào một hòn đá thông thường.
Họ dừng lại cách mép nước biển chừng hai mươi bước và cách bức tường đá hoa cương chừng năm trăm bước, Smith cắm cây sào thẳng góc với mặt phẳng theo đường chân trời.
Sau khi làm xong, Cyrus Smith tránh sang bên và nằm xuống cách sào một khoảng đủ thu vào tầm mắt mình cả ngọn sào lẫn bức tường đá hoa cương hình răng lược. Ông đánh dấu chỗ ấy bằng một chiếc cọc con và quay sang Harbert hỏi:
- Cháu còn nhớ các tính chất của tam giác đồng dạng chứ?
- Vâng ạ! – chú bé trả lời – Các tam giác đồng dạng có tỷ lệ các cạnh tương ứng bằng nhau.
- Đúng thế! Cháu hãy nhìn đây! Giả sử tôi có hai tam giác vuông đồng dạng – một cái nhỏ hơn, trong đó hai cạnh của nó sẽ là: Cái sào cắm thẳng góc xuống cát, và cạnh thẳng bằng khoảng cách từ chân sào đến cây cọc nhỏ, còn đường huyền là tia nhìn của tôi; các cạnh của tam giác thứ hai là đường dây dọi của bức tường đá hoa cương mà độ cao của nó chúng ta cần phải đo, và khoảng cách từ cái cọc nhỏ đến chân tường, còn đường huyền là tia nhìn của tôi, tức là đường huyền của tam giác thứ nhất kéo dài.
- Hiểu rồi, thưa ngài Cyrus! Cháu hiểu hết rồi! – Harbert kêu lên – Khoảng cách từ cái cọc nhỏ tới cây sào tỷ lệ thuận với khoảng cách từ cái cọc nhỏ tới chân tường. Còn chiều cao của cây sào tỷ lệ thuận với chiều cao của bức tường.
- Đúng rồi Harbert – viên kỹ sư xác nhận – Và khi đó cả hai khoảng cách tính từ cái cọc nhỏ thì nếu biết chiều cao cây sào, ta nhanh chóng lập được tỷ lệ thức và do đó định được độ cao bức tường, khỏi phải vất vả đo trực tiếp.
Các cạnh đáy của hai hình tam giác đều đã được đo bằng chính cây sào mà độ cao của nó trên mặt cát bằng mười bộ, vậy là khoảng cách giữa cái cọc nhỏ và cây sào là mười lăm bộ, còn khoảng cách giữa cái cọc và chân tường là năm bộ.
Đo xong, Cyrus Smith đã lập được tỷ lệ thức như sau:
15: 500 = 10
500 x 10 = 5000
5000: 15 = 333,33
Vậy là chiều cao của bức tường đã hoa cương bằng ba trăm ba mươi ba bộ.
Khi ấy Cyrus Smith lấy dụng cụ đã làm hôm trước ra và ông bắt đầu đo góc giữa hai chân compa mở tương ứng với khoảng cách góc từ sao Alpha của chòm Chữ Thập Phương Nam tới mặt phẳng đường chân trời. Ông đo chính xác góc ấy theo hình tròn đã được chia thành 360 phần bằng nhau. Góc đo được bằng mười độ. Sau khi tăng thêm cho góc đó hai mươi bảy độ phân cách chòm Alpha với cực Nam, và ước lượng độ cao của bình sơn nguyên để tiến hành quan sát, ông đo được ba mươi bảy độ. Thế là Cyrus Smith đi đến kết luận đảo Lincoln ở 37 vĩ độ Nam. Nhưng xét thấy những quan sát và tính toán của mình không hoàn chỉnh, có thể sai đến năm độ, nên ông thấy kết luận đảo ở giữa vĩ tuyến ba mươi lăm đến bốn mươi độ vĩ Nam.
Để có được cả hai toạ độ của đảo, chỉ còn xác định kinh độ nữa thôi. Cyrus Smith đã quyết định thử làm việc đó ngay trưa hôm ấy, khi mặt trời đi qua kinh tuyến của vùng này.
Ông đã xác định được rằng khoảng cách giữa kinh tuyến của Washington và kinh tuyến đảo Lincoln khác nhau về thời gian là năm giờ; trên đảo Lincoln đang ở giữa trưa thì ở Washington là năm giờ chiều. Song mặt trời cứ bốn phút lại đi được một độ, một giờ đi được mười lăm độ, sau khi xác nhận mười lăm độ với năm, Cyrus Smith thu được bảy mươi lăm độ. Nếu kinh độ địa lý của Washington bằng 77º3’11” lấy tròn là bảy mươi bảy độ so với kinh tuyến gốc Greenwich thì có nghĩa là đảo ở về phía tây kinh tuyến Greenwich bảy mươi bảy độ (kinh độ của Washington) cộng với bảy mươi lăm độ, tức là một trăm năm mươi hai độ kinh Tây.
Cyrus Smith đã thông báo cho các bạn biết kết quả các tính toán của mình.
Các toạ độ tính được đã cho thấy họ đang ở cách đảo Tahiti và các hòn đảo của quần đảo Tuamotu ít nhất một ngàn hai trăm hải lý, nghĩa là cách Tân Tây Lan trên một ngàn tám trăm hải lý và cách bờ biển nước Mỹ trên bốn ngàn rưỡi hải lý…