Trời tháng tám dễ mưa dễ nắng. Trưa nắng chang chang như bốc lửa. Chiều tối mưa xối xả. Sáng ra đống rơm sau nhà bốc hơi nghi ngút, hàng chục hàng trăm nụ nấm trắng ngà đội rơm sưởi nắng. Đêm oi nồng, đất trời chuyển đổi, nấm rơm nấm cuông, nấm bông trang, nấm mỡ, nấm cứt gà, nấm tràm thi nhau đùn đất mọc lên. Dân làng Thượng quen gọi là mùa nực nấm tràm. Thục định rủ Thà vào trằm hái nấm, nhưng bà Khế gặt phắt. - Nấm náp mần chi! Ở nhà có việc. Thục thuộc về mẹ dáng người, nước da, gương mặt hiền dịu, sáng sủa, thuộc về cha tính tình điềm đạm, có phần nhút nhát. Bà Khế đi đứng như đàn ông, giọng đanh, tính nóng như lửa. Chẳng ai trong nhà giống tính bà. Trời đã nóng nực, bà lại quát to, nên Thục len lén cất rổ vào chái nhà. Bà ngồi co chân lên ghế, rồi thả xuống xoa đầu gối. Bà đi thẳng vào buồng, ra bếp lại ra sân nhìn trời đất. Thục thấy lạ hỏi nhỏ:- Có việc chi chộn rộn phải không mạ?- Ổn hết. Chừ con đi nấu cơm.- Đang sớm mà.- Sớm với con chứ không sớm với mạ nghe chưa?- Dạ.- Nấu hai nồi mười cơm nghe chưa?- Úi chao, ai ăn mà nấu nhiều rứa?- Không hỏi, mần đi. Thục nắm hai nồi cơm to, thành hàng chục bát cơm nhỏ gói vào lá chuối. Mỏi tay, mỏi lưng, Thục định gọi Thà sang giúp, bà Khế ghé sát tai:- Việc ni chỉ mạ con mình biết nghe không?- Dạ Nhập nhoạng tối, Thục gánh hai bị đấy ắp cơm nắm muối vừng theo mẹ lên rú Trằm. Trời tối, đường lầy lội, Thục sợ bùn, sợ đỉa, sợ ma nhưng không giám kêu. Thục nghe kể chính giữa rú Trằm có mấy chục bụi tre gai to lắm. Tay tre ken chặt nhau đến nỗi con chồn cũng không chui qua được. Muốn vào trong lòi tre phải qua vạt nẩy (lầy bùn) ngập tận cổ. Thục nghe kể, ngày xửa, ngày xưa có ông thợ săn cất chòi bên rú Trằm. Ông không có đất, không có nhà, không có nổi một đồng tiền sứt, nên không lấy được vợ. Ông chỉ có một con chó cũng già như ông. Rạng sáng tết năm ấy, ông trở giấc nghe tiếng cú kêu đầu tiên. Ông nổi gai ốc: Chim kêu nhộn rúCú kêu nhộn maCa (gà) kêu được mùa. Quả là năm ấy đói đến củ chuối hột, cây đu đủ cũng không còn để nhét vào bụng, người chết đầy đường. Giao thừa năm sau ông lão lại nghe tiếng chim kêu đầu tiên - giữa năm cọp trong rú về tận làng bắt lợn. Cả làng đốt đuốc đánh phèng la, gõ mỏ đuổi cọp suốt đêm. Ông không dám vào rú bẫy chim, săn chồn. Ông lão đổi sang nghề câu. Nghe nói, trong nẩy có con cá bông to lắm, trên đầu có mào đỏ. Lão sắm lưỡi câu rõ to, giây câu như cây song. Một buổi chiều trời oi nồng, con mực lao lên phía trước đánh hơi. Lão thả con mồi, kéo theo bờ đầm. Từ trong bụi rậm con chồn nhảy ra, cắn con cá mồi, lão giật mạnh con chồn mắc câu giãy dụa, bơi theo dòng nước. Đến khúc ngoặt rẽ vào lòi tre, con báo háu đói vồ con chồn, lão giật mạnh con báo mắc câu, quằn quại giữa vũng lầy bùn. Bất thần con trăn nước thân to như cái nơm lao ra há mõm nuốt cả báo, cả chồn, cả con cá mồi, và lưỡi câu to đùng vào bụng. Vũng bùn sôi lên theo từng vòng quẫy của con trăn nước khổng lồ đang chìm dần. Sợi dây câu quật ông lão xuống bìa rừng. Bùn tràn vào mũi, mồm sặc sụa. Lão ngạt thở. Con mực cắn vào cổ áo kéo lê lão nhích từng bước lên bờ. Lão thoát chết, lờ đờ mở mắt. Con chó già suýt chết…. Mấy ngày sau, người ta thấy xác con trăn nước nổi lềnh phềnh, xác con báo trôi dạt vào mé đầm lầy, con chồn, con cá mồi chỉ còn bộ xương….. và sau đó tất cả tan biến vào đầm lầy để lại vị tanh của bùn, nồng nặc mùi xú uế. Người ta kể rằng, không hiểu vì sao một đêm oi nồng trước cơn giông đầu mùa, con chó già kéo lê lưỡi câu sáng loá đặt bên cạnh lão thợ săn đã chết cứng queo. Con chó già sủa mấy tiếng hắt ra rồi ư ử, não nuột như tiếng kèn hụt hơi và gác mõm lên chân lão già… lịm dần….. Giao thừa năm ấy, người ta nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Đời này qua đời khác, dân làng Thượng bảo nhau: hễ ai có vóc dáng như lão thợ săn, có tâm thật như lão, không biết sợ như lão mới vào được lòi tre thần giữa tâm Rú Trằm. Liệu Thục và mẹ có được như lão thợ săn hay không? Có lội qua được bãi lầy không? Và ai dám bảo ở đây không có trăn nước! Bùn bắn lên mặt đúng là có vị mằn mặn tanh tanh. Gió lùa qua bãi vọt ngã sóng soài theo bãi lầy vắng lặng như tiếng khóc não nề. Thục sợ muốn nắm lấy vạt áo của mẹ, nhưng hai tay phải giữ chặt bị cơm đang đội trên đầu. Đặt được bị cơm nắm lên bờ, Thục ngồi bệt xuống đất, thời phào. Mẹ ra hiệu im lặng. Có người đàn ông cũng tầm thước như lão thợ săn già rẽ lối đêm đi tới. Chỉ thiếu con chó già! Người đàn ông giọng trầm, không biết già hay trẻ:- Đồng chí K đến rồi!- Ổn cả chứ.- Có hai bị “ăn này” của đồng chí là không lo chi nữa. Người đàn ông đảo mắt về phía Thục. Bà Khế nói nhỏ: - Con út của tui đó, biết giữ mồm giữ miệng lắm.- Rứa thì ngày mai theo kế hoạch. Cứ rứa mà mần tới nghe. Thục im lặng, chẳng hiểu gì, chỉ biết mẹ đang làm một việc gì đó của tổ chức rất hệ trọng. Cả đêm hôm ấy đến rạng sáng, cả nhà không hay biết chuyện Thục và mẹ đưa cơm nắm vào lòi tre giữa Rú Trằm. Đặt lưng xuống chõng tre là Thục ôm lưng mẹ ngủ thiếp, lúc thì mơ thấy Thuận trùm áo tơi lên người, Thục ngượng chín mặt dúi đầu vào lưng ôm ghì chặt lấy mẹ, lúc thì thấy con trăn thần cuộn tròn, vùng vẫy giữa đầm lầy, sợ toát mồ hôi cũng ôm chặt lấy mẹ.. Bà Khế không tài nạo chợp mắt được. Không biết ngày mai cơ sự sẽ thế nào. Thắng thì được tất cả, mà nói dại, thua thì mất hết, mà tính mạng cũng chẳng vẹn toàn. Với bà có lên đoạn đầu đài cũng chẳng sao, nhưng con cái? Nhất là Thục, còn đầu xanh tuổi trẻ, khi có người con trai để mắt đến mới biết làm dáng….