Truyện ngắn Nga chọn lọc do Bùi Việt Thắng chọn và giới thiệu
Cac - Ianken
I.BABEN

Hồi tôi còn nhỏ, trên bờ sông Pêrêxưp có lò rèn của bác Iôina Brutman. Đến tụ tập ở đấy có những tay lái ngựa, đánh xe chở hàng (ở Ôđetxa họ được gọi là bin-diu-gi-nhich), bán thịt ở các lò sát sinh trong thành phố. Lò rèn được dựng bên con đường của huyện Bant. Chọn nó làm địa điểm theo dõi thì có thể tóm được những người mu-gích chở kiều mạch và rượu vang Betxarabi ra thành phố. Iôina là một con người cả sợ, nhỏ bé nhưng rất sành về rượu vang, bác ta có linh hồn của một tay Do thái Ôđetxa.
Hồi ấy bác Iôina có ba người con trai đã lớn. Người bố chỉ đứng đến thắt lưng các con. Trên bờ sông Pêrêxưp tôi đã suy ngẫm lần đầu trong đời về sức mạnh to lớn của các lực tác động bí ẩn trong thiên nhiên. Ba con bò mộng ăn no béo quay với những cặp vai đỏ tía và những bàn chân to bằng cái xẻng, họ mang nhà bác gầy khô Iôina xuống nước như bế một đứa trẻ. Nhưng bố họ đúng là bác chứ không ai khác. Chuyện này chẳng có gì đáng nghi ngờ. Bà vợ của bác thợ rèn đến giáo đường Do thái mỗi tuần hai lần: tối thứ sáu và sáng thứ bảy. Đây là một thánh đường của giáo phái Khaxi. Tại đấy, trong lễ Phục sinh người ta nhy múa đến điên loạn như những thầy tu đạo Hồi. Bà vợ của bác Iôina đóng tiền cho các thầy tu của giáo phái, những người này cử những thầy dạy đạo dân Galixi xuống các tỉnh miền nam. Bác thợ rèn không can thiệp vào quan hệ giữa vợ bác và Thượng đế. Hễ làm xong việc là bác mò tới cái hầm ở gần lò sát sinh và ngồi đấy để nhấm nháp thứ rượu bia hồng hồng rẻ tiền và nghe ngóng một cách hiền lành xem người ta nói gì về giá gia súc và chính trị.
Về vóc người và sức khỏe, ba anh em giống mẹ. Hai người lớn lên đi du kích. Người anh cả đã bị giết ở Vôtnhêxenxki, còn tay Brutman thứ hai, Xêmiôn, chuyển theo Primacôp, tới sư đoàn Cô-dăc Đỏ. Anh được bầu làm trung đoàn trưởng một trung đoàn Cô-dăc. Xêmiôn đã cùng vài thanh niên khác ở nơi này mở đầu cái chi phái bất ngờ của những tay Do thái đâm chém, cưỡi ngựa và đánh du kích.
Người con thứ ba làm thợ rèn theo nếp nhà. Anh làm việc tại nhà máy Ghên sn xuất lưỡi cày ở nơi chôn nhau cắt rốn. Anh không lấy vợ và chẳng có con cái gì.
Những đứa con của Xêmiôn lang thang theo sư đoàn của bố. Bà già cần có thằng cháu để có thể kể cho nó nghe về thần Bân Sêm. Thằng cháu này bà chờ đợi ở cô con gái út Pôlia. Cả nhà chỉ có mình cô giống bác Iôina loắt choắt. Pôlia nhút nhát, cận thị, da rất mịn. Có nhiều đám dạm hỏi, nhưng Pôlia chọn Ôpxây Bêlôtreccôpxki. Chúng tôi không hiểu nổi sự lựa chọn này. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là cái tin cặp vợ chồng trẻ sống hạnh phúc. Đàn bà có công việc riêng của họ, người ngoài không thể thấy bát đĩa va chạm. Nhưng nay Ôpxây Bêlôtreccôpxki lại tự tay đập bát đĩa. Một năm sau ngày cưới anh chàng đệ đơn kiện mẹ vợ là bà Brana Brutman.
Nhằm đúng hôm Ôpxây đi công tác vắng, còn Pôlia phải nằm bệnh viện chữa viêm vú, bà già đã bắt trộm thằng cháu mới sinh, bế nó đến chỗ lão Naptun Ghectrich làm phẫu thuật nhỏ, và tại đấy, với sự chứng kiến của một chục cái thể xác mục nát, một chục lão già khú đế nghèo khổ, khách quen của giáo đường Khaxi, người ta đã làm lễ cắt bì cho thằng bé.
Việc này Ôpxây Bêlôtreccôpxki được biết sau khi trở về. Anh đã được kết nạp làm đảng viên dự bị. Anh quyết định xin ý kiến bí thư chi bộ phòng nội thưng Bưtrat.
- Cậu đã bị bôi nhọ về tinh thần, - Bưtrat nói, - cậu phải khởi tố về việc này...
Viện kiểm sát Ôđetxa quyết định tổ chức một phiên tòa công khai tại nhà máy mang tên Pêtrôpxki. Lão cắt bì Naptun Ghectrich và bà Brana Brutman sáu mươi hai tuổi phải ngồi ghế bị cáo.
Ở Ôđetxa, Naptun là một tài sản của thành phố, cũng như đài kỷ niệm quận công Risli. Lão thường đi qua cửa sổ nhà chúng tôi ở phố Đannhitxcaia, tay mang cái túi sờn rách, nhớp nhúa, loại túi đựng đồ đỡ đẻ. Trong cái túi này có các đồ hành nghề đơn giản của lão. Lão lôi trong ấy ra, lúc thì một con dao con, lúc thì chai rượu với miếng bánh mật ong. Lão hít hít cái bánh trước khi uống rượu, uống xong thì ề a những lời cầu nguyện. Lão có bộ tóc đỏ. Lão Naptun ấy, như con người tóc đỏ đầu tiên trên trái đất. Lúc lão cắt cái mà người ta trả tiền cho lão để cắt, lão không cho máu chảy qua một ống thủy tinh mà lại chẩu môi ra mút. Máu dây bê bết trên bộ râu xồm của lão. Lúc ra với khách khứa thì lão đã ngà ngà, cặp mắt như mắt gấu long lanh vui nhộn. Với bộ tóc đỏ như của người tóc đỏ đầu tiên trên trái đất, cái giọng mũi của lão ồm ồm nói lên những lời chúc phước cho rượu. Một tay Naptun đổ rượu vào cái miệng méo xệch, râu ria xồm xoàm, nom như cái hố phun lửa, tay kia lão cầm một cái đĩa, trên đĩa có con dao đỏ lòm vì máu của đứa trẻ và một mẩu gạc. Naptun cầm cái đĩa đi qua các hàng khách khứa, lao vào giữa đám đàn bà, ngã giúi giụi vào họ, bóp vú họ và gào lên cho cả phố nghe thấy:
- Ơ này các bà mẹ mũm mĩm, - lão già long lanh hai con mắt đỏ như san hô kêu toáng lên, - cứ xuất bản những thằng con trai cho Naptun đi, cứ đập lúa trong bụng đi, cứ sinh sôi nảy nở cho Naptun đi... Cứ xuất bản những thằng con trai, ớ này các bà mẹ mũm mĩm...
Những người chồng ném tiền vào cái đĩa của lão. Những người vợ dùng khăn ăn chùi máu trên râu lão. Các sân nhà ở phố Quạnh Hiu và phố Nhà Thương chẳng hiu quạnh chút nào. Chỗ nào cũng nhung nhúc trẻ con như trứng cá ở các cửa sông. Với cái túi hành nghề, Naptun lang thang như một tay thu thuế. Ủy viên công tố đã giữ lão lại giữa lúc lão đang tuần du.
Ủy viên công tố đứng trên bục nói những lời sấm sét, cố chứng minh rằng lão cắt bì là một kẻ hành nghề tôn giáo.
- Ông có tin Thượng đế không? - Ông ta hỏi Naptun.
- Cứ để anh chàng nào được bạc hai trăm ngàn tin Thượng đế. - lão già trả lời.
- Ông không ngạc nhiên khi thấy nữ công dân Brutman đến nhà lúc đêm hôm khuya khoắt, lúc trời đang mưa, với đứa trẻ sơ sinh hay sao?...
- Tôi ngạc nhiên, - Naptun nói, - khi con người làm điều gì đúng như con người phải làm, còn khi nó giở những trò điên rồ thì tôi không ngạc nhiên...
Những câu trả lời này không thể thỏa mãn ủy viên công tố. Rồi người ra nói tới cái ống thủy tinh. ủy viên công tố chứng minh rằng trong khi dùng môi mút máu, bị cáo làm đứa trẻ có nguy cơ bị lây bệnh. Như quả óc chó đầy lông rối, cái đầu của Naptun lắc lư ở một chỗ nào đó sát sàn nhà. Lão thở dài thườn thợt, nhắm mắt và đưa nắm tay lên sát vào cái miệng chảy xệ.
- Ông lẩm bẩm gì thế, công dân Ghectrich? - Chủ tịch phiên tòa hỏi lão.
Naptun ngước cặp mắt mờ nhìn thẳng vào Ooclôp.
- Mồ ma m-xi- Duxman, - lão thở dài nói, - cụ thân sinh quá cố của ông vốn có một cái đầu mà người ta đi khắp thế gian này không thể tìm đâu ra cái thứ hai. Và n Chúa cụ đã không lên một cơn đột qụy hôm ba mưi năm trước đây cụ gọi tôi đến trong lễ cắt bì cho ông. Và như chúng ta thấy đấy, ông đã lớn lên thành một nhân vật quyền cao chức trọng trong chính quyền Xô-viết, và cùng với cái mẩu vứt đi ấy, Naptun này đã chẳng lấy được chút gì như cái sau này đã có ích cho ông.
Cặp mắt gấu của lão nháy một cái, cái đầu tóc đỏ lòm, nom như quả óc chó của lão đưa đi đưa lại, và lão không nói nữa. Những trận cười nổ ra tr lời lão như những loạt đạn pháo binh, như sấm ran. Ooclôp, vốn họ Duxman, hoa chân múa tay kêu lên gì gì, song người ta không nghe rõ trong đợt hỏa lực này. Ooclôp yêu cầu ghi vào biên bản... Xasa Xvêtlôp, anh chàng viết những bài đả kích trên tờ "Tin tức Ôđetxa" ngồi trong ngăn nhà báo bèn viết cho Ooclôp mẩu giấy: "Cậu đần hết chỗ nói, Xêma ạ, - trên mẩu giấy viết, - cậu hãy đánh gục lão bằng châm biếm, chỉ có sự lố bịch mới đập chết được lão... Xasa của cậu".
Cả phòng lặng đi khi nhân chứng Bêlôtreccôpxki được mời vào.
Nhân chứng nhắc lại lá đơn của anh ta. Anh ta cao lêu đêu, mặc quần kỵ binh, đi ủng kỵ binh. Theo lời Ôpxây, huyện ủy Chirapôn và huyện ủy Bant hoàn toàn ủng hộ công việc thu mua khô dầu của anh ta. Giữa lúc đang thu mua dồn dập, Ôpxây nhận được bức điện cho biết vợ sinh con trai. Sau khi hỏi ý kiến trưởng ban tổ chức huyện ủy Bant, anh quyết định không bỏ dở công việc, nên chỉ đánh về bức điện chúc mừng và mãi hai tuần sau mới về nhà. Toàn khu đã thu mua được tất cả sáu mươi tư ngàn pút khô dầu. Tại căn hộ Ôpxây đã không gặp ai ngoài nhân chứng Khactrencô là láng giềng, làm nghề thợ giặt và em trai bác ta. Vợ Ôpxây đã đi bệnh viện, còn nhân chứng Khactrencô, trong khi đẩy cái nôi (kiểu nuôi trẻ này đã lỗi thời) hát ru nó một bài. Vốn biết Khactrencô là một mụ nghiện rượu, Ôpxây không thấy cần phải đi sâu vào lời bài hát, anh ta chỉ ngạc nhiên thấy bác ta gọi thằng bé là Ianken trong khi anh ta đã đặt tên nó là Cac, lấy tên ông thầy Cac Mac. Sau khi cởi tã cho con, Ôpxây mới rõ điều bất hạnh đã xảy ra với mình.
Ủy viên công tố nêu vài câu hỏi. Người bào chữa tuyên bố không hỏi gì. Người thừa phái đưa nhân chứng Pôlina Bêlôtreccôpxcaia vào. Chị lảo đảo đi tới dãy rào ngăn. Vì mới sinh nở chưa bao lâu, mặt chị xanh xao, méo đi, mồ hôi lấm tấm trên trán. Chị đưa mắt nhìn khắp người bác thợ rèn loắt choắt, diện như trong ngày hội, cổ thắt nơ, chân đi bôt-tin mới. Rồi chị nhìn bộ mặt mầu đồng có hàng ria bạc của mẹ. Bêlôtreccôpxcaia không trả lời câu hỏi chị biết những gì về chuyện này. Chị chỉ nói rằng bố chị là một người nghèo khổ, đã làm lụng quần quật bốn chục năm trời trong cái lò rèn bên con đường huyện Bant. Mẹ chị sinh hạ sáu người con, ba người đã chết, một người làm chỉ huy Hồng quân, một người nữa làm việc tại nhà máy Ghên...
- Mẹ tôi rất ngoan đạo, điều này ai cũng thấy, bà luôn đau khổ vì thấy con cái không tin đạo, và bà không thể chịu nổi ý nghĩ các cháu bà không còn là dân Do thái nữa. Cần chú ý một điều là mẹ tôi đã sinh trưởng trong một gia đình thế nào... Ai cũng biết rằng tại trấn Mêgibôt, đến nay các bà ở đấy còn mang tóc giả...
- Nhân chứng, chị hãy cho biết, - một giọng gay gắt ngắt lời Pôlina. Pôlina không nói nữa. Trên trán chị, những giọt mồ hôi có ánh hồng hồng cứ như máu thấm qua làn da mịn màng của chị. - Nhân chứng, chị hãy cho biết, - giọng nói lúc nãy nhắc lại, đó là giọng của Xamuin Lininh, trước kia là thầy cãi...
Nếu ngày nay vẫn còn có một hội nghị trưởng lão của người Do thái thì chưa biết chừng Lininh sẽ là chủ tịch. Nhưng không còn có hội nghị trưởng lão Do thái nữa rồi, vì thế Lininh đã bắt đầu học chữ nghĩa của người Nga năm hai mươi nhăm tuổi, nhưng đến hơn ba mươi tuổi vẫn viết lên thượng nghị viện những đơn xin phá án chẳng khác gì những luận văn về kinh Tanmut..
Ông già đã ngủ từ đầu buổi xử án. Cái áo vet-tông của ông ta đầy tro. Ông ta tỉnh dậy lúc Pôlina Bêlôtreccôpxcaia vào phòng.
- Nhân chứng, chị hãy cho biết, - hàm răng xanh xanh như răng cá của ông ta lách cách sắp long xuống, - chị có biết chồng chị đã quyết định đặt tên con là Cac chứ?
- Có.
- Thế bà mẹ chị gọi nó là gì?
- Ianken.
- Còn chị, nhân chứng, chị gọi con trai chị là gì?
- Tôi gọi cháu là “Cưng”.
- Tại sao là “Cưng”?
- Tôi gọi tất cả các con tôi là “Cưng”.
- Thôi ta hãy tiếp tục, - Lininh nói. Nhưng hàm răng của ông ta long xuống, ông ta bèn đưa môi dưới đón lấy rồi lại đẩy vào lợi... Tối hôm ấy, khi cháu bị đưa tới chỗ bị cáo Ghentrich, chị không có nhà, chị đang ở bệnh viện... Tôi nói có đúng không?
- Tôi đang ở bệnh viện.
- Chị đã đến bệnh viện nào?..
- Bệnh viện phố Nhêgiưnxcaia, chỗ bác sĩ Đridô...
- Chị đã chữa bệnh ở chỗ bác sĩ Đridô...
- Vâng.
- Chuyện này chị nhớ rõ chứ?...
- Sao tôi có thể không nhớ?...
- Tôi cần phải trình tòa một lời chứng nhận, - bộ mặt thẫn thờ của Lininh hơi ngẩng lên khỏi bàn, - sau lời chứng nhận này xin tòa để ý một điều là trong thời điểm đang được nói tới, bác sĩ Đridô vắng mặt vì đang dự hội nghị các bác sĩ khoa nhi ở Khaccôp.
Ủy viên công tố không phản đối việc cho biết lời chứng nhận này.
- Nào chúng ta tiếp tục,- Lininh nói, răng đập lách cách.
Người phụ nữ làm nhân chứng dựa hẳn vào rào chắn. Người ta chỉ hơi nghe thấy lời chị thều thào:
- Có thể không là bác sĩ Đridô, - Pôlina đè lên rào chắn nói: - Tôi không thể nhớ hết được, tôi đau không còn chút sức lực gì nữa...
Lininh đưa cây bút chì lên gãi bộ râu vàng khè, lão cọ cái lưng gù vào ghế và đưa đi đưa lại hàm răng giả.
Khi được yêu cầu trình giấy bảo hiểm xã hội, Pôlina trả lời rằng chị đã đánh mất...
- Nào ta lại tiếp tục, - ông già nói.
Pôlina đưa tay lên vuốt trán. Chồng chị ngồi ở đầu cái ghế dài, tách rời hẳn các nhân chứng khác. Anh ta ngồi rất thẳng, cặp chân rất dài thu lại trong đôi ủng kỵ binh... Nắng rọi vào mặt anh ta, bộ mặt đầy những cái xương nhỏ hung hãn tạo thành bộ xà đỡ thịt da.
- Tôi sẽ tìm thấy tờ giấy ấy, - Pôlina thều thào và hai tay chị tuột khỏi rào chắn.
Giữa lúc ấy một tiếng khóc của con nít vang lên. Ngoài cửa có đứa trẻ khóc rền rĩ.
- Đầu óc mày nghĩ những gì hả, Pôlina? - Bà già quát lên, giọng khàn đặc, - từ sáng thằng bé chưa được bú lần nào, gào lên như thế ốm mất thôi.
Các chiến sĩ Hồng quân giật mình cầm lấy súng. Pôlina khuỵu xuống càng thấp hơn, đầu chị ngật ra, chạm vào sàn nhà. Hai tay chị gi lên, chới với rồi rơi xuống.
- Phiên tòa tạm ngừng.
Những tiếng ầm ầm nổ bùng ra trong căn phòng. Cái ánh xanh lè trong hai hố mắt long lanh, Bêlôtreccôpxki bước những bước chân sếu đến với vợ.
- Cho thằng bé bú đi, - trên những hàng ghế sau có người đưa tay lên miệng làm loa kêu lên.
- Sẽ cho nó bú, - một giọng phụ nữ tr lời từ xa, - người ta đang chờ mày đây...
- Con bé nhà tôi nó đã vướng vào một chuyện, - bác công nhân ngồi cạnh tôi nói, - con bé nhà tôi nó hư đốn...
- Gia đình, người anh em ạ, - người ngồi bên cạnh bác ta nói, - vốn là một chuyện đêm hôm, tối tăm... Ban đêm vướng vào, ban ngày không gỡ được nữa...
Những dé nắng xuyên cắt căn phòng. Mọi người chen chúc, cựa quậy, nồng nặc hơi người và mùi mồ hôi. Tôi dùng hai khuỷu tay len ra hành lang. Cánh cửa ở góc đỏ hé mở. Từ trong ấy vẳng ra tiếng ọ ẹ và tiếng bú bầm bập của thằng Cac-Ianken. Trong góc đỏ treo chân dung Lênin, bức chân dung có hình Lênin đứng nói trên chiếc xe bọc thép ở sân ga Phần Lan, chung quanh có những biểu đồ vẽ màu của nhà máy mang tên Pêtrôpxki. Dọc theo các bức tường có những lá cờ và những khẩu súng trường gác trên giá gỗ. Một chị công nhân có khuôn mặt của dân Kiêcghidi cúi đầu cho thằng Cac-Ianken bú. Nó là một đứa trẻ bụ bẫm, năm tháng tuổi đời, đi bít tất len, trên đầu có bờm tóc trắng bệch. Nó vừa bú chị Kiêcghidi vừa kêu gừ gừ và nắm tay đấm vào ngực người cho nó bú.
- Nó gào khiếp thế, - chị Kiêcghidi nói, - thì không tìm được người cho nó bú sẽ không xong đâu...
Luẩn quẩn trong phòng còn có một cô gái chừng mười bảy chít khăn đỏ, má phồng lên như hai cái bướu. Cô gái chùi thật khô tấm vi sn cho Ca-Ianken.
- Nó lớn lên sẽ đi bộ đội, - cô gái nói, - sẽ đánh nhau ra trò...
Chị Kiêcghidi khẽ kéo đầu vú trong miệng thằng Cac-Ianken ra. Nó càu nhàu và ngật cái đầu có bờm tóc trắng bệch ra sau một cách tuyệt vọng... Chị Kiêcghidi lôi cái vú bên kia ra cho thằng bé bú. Hai con mắt đờ đẫn của nó nhìn cái đầu vú và sáng lên. Chị Kiêcghidi đưa chếch con mắt đen nhìn xuống thằng Các-Ianken.
- Đi bộ đội làm gì, - chị vừa nói vừa sửa lại cái mũ cho thằng bé, - nó sẽ lái máy bay ở vùng chúng ta, nó sẽ bay lên trời...
Cuộc họp lại tiếp tục trong phòng lớn.
Lúc này cuộc chiến đấu diễn ra giữa ủy viên công tố và những người giám định, các nhân vật này đưa ra một kết luận quanh co. Người buộc tội thay mặt xã hội nhỏm lên đấm tay xuống bàn. Chúng tôi thấy trên những hàng đầu ở chỗ công chúng ngồi có những ông thầy dạy đạo của giáo khái Khaxi với những chiếc mũ lông rái cá đặt trên đầu gối. Họ kéo đến dự phiên tòa vì báo chí ở Vacsava viết rằng người ta sắp sửa lên án đạo Do thái. Những bộ mặt của các rap-bi ngồi hàng đầu nom như lơ lửng chơi vơi trong ánh nắng rực rỡ lầm bụi.
- Đả đảo! - Một đoàn viên Comxômon len tới sát sân khấu kêu lên.
Cuộc chiến đấu càng sôi sục.
Thằng Cac-Ianken nhìn tôi một cách dửng dưng và vẫn bú chị Kiêcghidi.
Từ trong cửa sổ tuôn ra những dãy phố thẳng tắp mà thời thơ ấu và thời thiếu niên của tôi đã đi mòn. Phố Puskin chạy ra ga, phố Malô-Acnaut xọc vào công viên bên bờ biển.
Tôi đã lớn lên trên các phố này, bây giờ đến lượt Cac-Ianken, nhưng trước kia người ta đã không đấu tranh cho tôi như bây giờ đang đấu tranh cho nó, ít ai chú ý đến tôi.
- Không thể nào cháu không được hưởng hạnh phúc, cháu Cac-Ianken ạ, - tôi thầm thì. - Không thể nào cháu không hạnh phúc hơn chú... (1)
Nguyễn Thụy Ứng dịch
Truyện ngắn Cac-Ianken lần đầu trong cuốn “I. Baben. Truyện ngắn”, Nhà xuất bản Liên Bang, Matxcva, 1932. (N.D.)