Dịch giả : Bùi Giáng
Chương 2

Lời dạy nghiêm khắc ấy đã gặp một linh hồn sẵn sàng tự nhiên hướng về nghĩa vụ, và cái gương của cha mẹ tôi nêu lên, thêm vào qui phạm khắc khổ của Thánh giáo đã từng ước thúc những niềm hưng phấn đầu tiên của quả tim sôi nổi, tất cả đều như đã làm cho linh hồn tôi thiên về cái lý tưởng mà tôi muốn gọi bằng danh từ: đức hạnh. Đối với tôi ngày nhỏ, tự ước chế mình, là một việc làm cũng dung dị tự nhiên như kẻ khác buông thả mình theo vật dục, và sự khắc khổ nghiêm ngặt của giáo dục gia đình câu thúc không làm tôi chán ngán hoặc khó chịu, mà trái lại càng gây thêm phấn khởi cho tôi. Tôi hoài vọng ở ngày mai không chỉ hạnh phúc mà đúng hơn là một sự cố gắng vô bờ để đạt hạnh phúc, ngay tự bấy giờ tôi đã quan niệm hạnh phúc và đức hạnh không rời nhau. Thật thế, thuở ấy tôi chỉ là một đứa trẻ mười bốn, tâm hồn chưa hẳn là dứt khoát, còn phân vân chờ đợi nhiều biến cải ở ngày mai, nhưng chẳng bao lâu mối tình Alissa sẽ đưa tôi vào sâu trong nẻo đường đã hướng. Như có một sự linh cảm nội tại đột ngột, sáng ngời, tôi có ý thức về mình rõ rệt hơn: tôi nhận thấy mình sâu kín, nhiều hoài vọng, tôi chờ mong, tôi ít bận tâm đến việc làm của kẻ khác, tôi mộng ước không ngoài những thắng lợi thu được với chính bản thân mình. Tôi thích học tập; về những vui đùa tôi chỉ chuộng những trò chơi nào đòi hỏi suy tưởng, trầm tư và cố gắng. Tôi ít giao du bạn bè, đôi khi chỉ muốn chiều lòng nhau thôi. Nhưng tôi lại thân mật với Abel Vautier. Và cách năm sau anh gặp lại tôi ở Paris, cùng học chung một lớp. Đó là một người dễ thương, hơi uể oải, tôi mến yêu nhiều hơn quý chuộng, nhưng dù sao, với anh, tôi cũng có thể nói chuyện nhiều về đô thị Havre và Fongueusemare, và những nhớ nhung canh cánh bên lòng.
Robert Bucolin thì trọ học ở ký túc xá, đồng trường, nhưng dưới hai lớp, chỉ những ngày chủ nhật tôi mới gặp lại thôi. Nếu cậu không phải là em ruột của Alissa và Juliette thì chắc tôi không còn thích gặp.
Tâm hồn tôi hoàn toàn bị tình yêu chiếm cứ, và vì được soi sáng bởi tình yêu mà hai mối tình bạn đối với tôi có chút ít ý nghĩa. Alissa giống như viên ngọc quý trong sách Phúc Âm; và tôi là kẻ bán hết của cải của mình để mua lấy ngọc. Tôi còn nhỏ mà đã nói đến tình yêu, như thế có tội lỗi hay không? Tình đối với người em cô cậu, sao dám gọi là tình yêu? Những gì tôi biết về sau, không có gì bằng được, không có gì xứng đáng với danh từ nọ, như mối tình kỳ ảo ban sơ. Và đến tuổi biết đau khổ nhiều vì những đòi hỏi xác thịt, mối tình của tôi đối với nàng cũng không đổi thay tính chất bao nhiêu: tôi cũng không tìm cách chiếm hữu cho được con người mà ngày xưa tôi chỉ mong làm sao cho xứng đáng. Làm việc, cố gắng, miệt mài, mỗi mỗi đều vì Alissa mà tôi chịu khó. Tôi dâng nàng mọi thứ chiêm bao mà lại còn muốn che giấu không cho nàng rõ đầu đuôi căn cớ tại ai. Tôi say sưa trong niềm thiết tha từ tốn, tôi gặm sâu vào trái đắng, tôi buộc mình không bao giờ chịu thỏa mãn với những thành công nào không mua bằng nhiều vất vả kiên tâm.
Niềm phấn phát ấy phải chăng chỉ kích thích riêng tôi? Tôi tưởng Alissa không hề như thế; có bao giờ nàng làm một điều nào vì tôi đâu; còn tôi, trước sau cố gắng chỉ vì nàng, duy nhất. Nơi Alissa, một tâm hồn dung dị, mọi việc đều mang một vẻ đẹp thuần túy, thiên nhiên. Vừa đơn sơ, dễ dàng, thong dong thư thả như tịch mịch xuôi theo. Nụ cười ngây thơ càng làm tăng vẻ kiều diễm của cái nhìn ngó đoan trang. Đến nay tôi còn thấy lại rõ ràng cái nhìn đó âu yếm ngước lên với xiết bao dịu dàng dò hỏi, và tôi hiểu vì sao trong những lúc khổ đau, cậu tôi đã tìm nơi người con gái ấy rất nhiều an ủi, khuyên can, thương mến. Mùa hè năm sau, tôi vẫn thường thấy cậu nói chuyện với Alissa. Nỗi buồn đã làm cậu già đi nhiều; đôi khi cậu tỏ vẻ hân hoan bất ngờ đầy giả tạo, thái độ ấy còn đau xót hơn là lặng lẽ làm thinh. Thường cậu ở phòng văn hút thuốc mãi cho đến chiều tối. Alissa vào, dẫn cậu đi dạo vườn; dẫn đi như dẫn một đứa trẻ. Lối đi có trồng hoa. Hai người đến ngồi gần vườn rau có đặt sẵn ghế.
Một chiều nọ tôi nấn ná ở lại vườn đọc sách. Tôi nằm trên mặt cỏ xanh dưới bóng một cây dẻ gai lớn, gần lối đi, chỉ có hàng nguyệt quế ngăn cách; tôi nghe tiếng chân Alissa và cậu tôi đi lại. Có lẽ hai người vừa đi vừa nói chuyện về Robert. Tôi bắt đầu nghe được từng tiếng. Bỗng Alissa nhắc đến tên tôi. Cậu tôi nói lớn:
- Ồ! Còn Jérôme thì nói gì! Nó cần mẫn, kiên tâm luôn luôn.
Vô tình mà thành hữu ý, tôi muốn lánh đi nơi khác để khỏi nghe, hoặc làm một đôi cử động để hai người biết tôi đang nằm ở đây, nhưng làm sao? Đằng hắng? La lên: tôi ở đây; tôi nghe cậu và em nói chuyện đấy...! Và tôi nằm im, ấy cũng vì e dè, bối rối, chứ không phải tò mò muốn nghe thêm nữa. Vả lại, hai người chỉ đi ngang qua thôi, và dù có nghe cũng chỉ sơ sài đôi chút... Rủi thay hai người lại đi chậm; chắc là theo thói quen, Alissa xách giỏ, vừa đi vừa hái những nụ hoa tàn, nhặt những quả xanh bị gió sương vung vãi. Giọng nàng trong trẻo:
- Ba nầy, dượng Palisser chắc là một người đặc biệt?
Cậu tôi đáp không rõ; Alissa hỏi lại:
- Rất đặc biệt chứ?
Lời đáp cũng lại không rõ; rồi lại giọng Alissa:
- Jérôme rất thông minh, phải không ba?
Làm sao tôi không lắng tai? Nhưng tôi không nhận được gì cả. Alissa lại hỏi tiếp:
- Ba có nghĩ rằng Jérôme sau nầy sẽ trở nên một người đặc biệt?
Đến đây giọng cậu tôi rõ hơn:
- Nhưng con ạ, ý con muốn hiểu thế nào với tiếng "đặc biệt"? Người ta có thể rất đặc biệt mà không có vẻ gì đặc biệt hết, ít nữa cũng trước mắt người đời... rất đặc biệt trước mắt Thượng Đế!
- Chính ý con muốn hiểu thế đấy.
- Hơn nữa... làm sao có thể biết? Jérôme còn trẻ quá. Ừ, thật thế, nó hứa hẹn rất nhiều; nhưng chừng đó chưa đủ để thành công.
- Phải cần những gì nữa?
- Sao con hỏi tỉ mỉ thế? Cần phải tin tưởng, cần được nâng đỡ, cần tình yêu...
- Cần được nâng đỡ là nghĩa thế nào? Alissa ngắt lời.
- Là tình thương yêu, là sự quý chuộng, mà ba đã thiếu hẳn. Cậu tôi buồn rầu đáp, rồi giọng hai người lại nhỏ hẳn đi.
Buổi tối, vào giờ cầu nguyện, tôi ân hận vì vô tình mà thành ra cố ý, và tự hứa sẽ thú thật với Alissa. Có lẽ lần nầy trong ý có xen lẫn sự tò mò tồn lưu muốn biết thêm chút ít.
Hôm sau, vừa nghe tôi nói, Alissa không bằng lòng:
- Nhưng anh không thấy rằng lắng nghe như thế là bậy lắm hay sao? Đáng lẽ anh phải cho em hay hoặc lánh đi nơi khác mới phải chứ.
- Anh nói thật với em là anh không cố ý... là không muốn mà phải chịu nghe... Vả lại cậu và em chỉ đi ngang thôi.
- Nhưng đi rất chậm.
- Vâng, nhưng anh chỉ nghe rất ít. Vài câu thôi... Nào, khi em hỏi cậu cần phải có gì nữa để thành công, thì cậu bảo sao?
- Anh Jérôme, nàng vừa cười vừa đáp: anh đã nghe tất cả. Anh nghịch, muốn buộc em lặp lại chơi phải không?
- Anh nói thật với em là chỉ nghe có mấy câu đầu, khi cậu nói đến lòng tin tưởng và tình yêu lưu tồn.
- Sau ba còn nói cần nhiều nữa.
- Nhưng còn em, em trả lời cậu thế nào?
Alissa trở nên rất nghiêm trọng:
- Khi ba nói đến sự nâng đỡ ở đời thì em đáp rằng anh đã có má anh.
- Nhưng Alissa, em vẫn biết rằng má anh không ở trọn đời với anh... Vả chăng đâu có phải là ý thế...
Nàng cúi mặt:
- Đó cũng là điều ba nói với em.
Tôi run run cầm lấy tay nàng:
- Sau nầy anh có trở nên thế nào cũng là vì em tất cả.
- Nhưng Jérôme ạ, chính em rồi cũng có thể vĩnh biệt anh kia mà.
Cả tâm và hồn tôi gửi trọn trong một câu:
- Còn anh, không bao giờ anh sẽ xa em cả.
Nàng hơi nhún vai:
- Anh không đủ sức đi một mình hay sao? Mỗi người chúng ta phải một mình tìm đến Thượng Đế.
- Nhưng chính em chỉ lối cho anh.
- Tại sao anh lại muốn chọn một kẻ hướng dẫn nào khác Jésus? Anh không nghĩ rằng: không bao giờ chúng ta gần nhau bằng khi một đứa trong chúng ta quên đứa kia, chúng ta nguyện cầu Thượng Đế?
- Vâng, nguyện cầu người cho chúng ta sum họp; đó là điều anh vẫn hằng cầu nguyện luôn luôn mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều.
- Sao anh lại không hiểu rằng có thể tìm sum họp nhau ngay trong lòng Chúa?
- Anh hiểu điều ấy lắm: ấy là ngây ngất gặp lại nhau trong một vật gì cả hai cùng yêu chuộng. Dường như chính vì muốn gặp lại em nên anh yêu những gì anh biết rằng em yêu quý.
- Đừng đòi hỏi anh nhiều quá. Anh bất chấp Thiên Đường nếu nơi ấy không cùng em gặp lại.
Đặt một ngón tay lên môi, và giọng trang nghiêm, nàng nói:
- "Đầu tiên, hãy cố tìm Thiên Đường của Thượng Đế, và sự công minh của Người".
Khi ghi chép lại những câu chuyện nầy, tôi cảm thấy những lời nói ấy quả không có gì trẻ con đối với những kẻ nào không hiểu rằng câu chuyện giữa trẻ con nhiều khi rất nghiêm trọng. Làm sao bây giờ? Có nên tìm lời chống chế? Không, cũng như tôi không muốn sửa đổi chúng, tô điểm chúng lại để làm cho chúng được tự nhiên hơn. Cũng không muốn đem trường quần duệ địa mà che lấp sương lá lưu tồn.
Chúng tôi đã đọc lời Phúc Âm trong bản Vulgate, và thuộc lòng nhiều đoạn. Lấy cớ để chỉ lại cho Robert, Alissa đã học tiếng La Tinh với tôi; nhưng tôi nghĩ chính là để có thể theo dõi những sách tôi đọc. Thật thế, tôi cũng khó mà thích đọc những gì nàng không theo dõi được... Thật vậy, tôi khó mà dám chuyên cần nghiên cứu một môn học nào, nếu biết rằng nàng không theo dõi được. Nếu điều đó đôi lúc ngăn trở tôi, ấy không phải là cản mất niềm phấn khích của tinh thần tôi, như người ta có thể tưởng; trái lại, tôi cảm thấy dường như Alissa luôn đi trước mình, nơi nào nàng cũng thung dung tự tại. Nhưng tinh thần tôi chọn lối cho mình, thể theo nhịp chân nàng, và những gì đã lưu tâm ý chúng tôi thuở đó, những gì chúng tôi gọi là tư tưởng, thường chỉ là một cái cớ cho một mối thanh khí ứng cầu kỳ diệu, hơn là sự giả trang thông thường của tình cảm, hơn là lớp hồ che bọc tình yêu.
Mẹ tôi ban đầu có thể đã lo ngại nhận thấy mối tình của tôi, tuy bà chưa ước độ được sâu thẳm đến mức nào; nhưng rồi càng ngày cảm thấy sức lực hao mòn, bà muốn kết hợp chúng tôi lại trong một mối tình mẫu tử. Bệnh đau tim từ lâu của bà, càng ngày càng nặng. Một lần cơn bệnh trở nên nguy kịch, người gọi tôi lại bên giường:
- Jérôme! Con cũng thấy mẹ yếu đi nhiều; một ngày nào đó mẹ sẽ đột ngột bỏ con ở lại giữa đời.
Bà dừng lại, đuối sức. Không cưỡng nổi lòng mình, tôi đành nói, nói một điều mà mẹ tôi chờ đợi từ lâu:
- Mẹ ơi, mẹ vẫn biết rằng con muốn cưới Alissa.
Chắc hẳn lời nói của tôi đáp đúng ý, nên người tiếp liền:
- Phải rồi, Jérôme; chính đó là điều mẹ muốn nói với con.
- Mẹ, chắc mẹ nghĩ rằng nàng yêu con lắm phải không?
- Ừ, con ạ. Bà âu yếm lặp lại nhiều lần: "Ừ, con ạ". Và thêm: "Phải để tùy ý Thượng Đế kết hợp chúng con".
Tôi cúi mình bên mẹ; bà đặt bàn tay lên đầu tôi và nói:
- Mẹ cầu Thượng Đế ban phép lành cho con, gìn giữ cho hai con, rồi bà im lìm lịm đi trong giấc ngủ mê man.
Chuyện ấy không bao giờ được nêu lại nữa. Qua ngày hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe hơn; tôi lại tiếp tục đi học, và điều thố lộ chỉ có thế thôi. Tôi còn muốn biết gì hơn nữa? Alissa yêu tôi, không phút nào tôi nghi ngờ điều ấy. Mà dẫu có chăng đi nữa, thì sự nghi ngờ cũng vĩnh viễn tan đi, vì mọi sự sẽ rõ ràng vào cái lúc biến cố đau buồn xảy tới.
Mẹ tôi bình yên nhắm mắt vào một buổi chiều, bên cạnh tôi và cô Ashburton. Cơn bệnh cuối cùng, lúc đầu cũng không có vẻ gì trầm trọng hơn những lần trước; nó chỉ bắt đầu nguy kịch vào giai đoạn cuối; bà con không ai kịp đến thăm. Tôi cùng cô Ashburton thức trắng đêm cạnh di hài người thân yêu độc nhất. Tình mẹ con sâu xa, tuy khóc nhiều, lòng tôi cũng không buồn đến đỗi. Tôi khóc là vì thấy xót thương cô Ashburton đương đau khổ nhìn người bạn gái nhỏ tuổi hơn mình nhiều đã vội bỏ đi quá sớm. Nhưng nghĩ rằng cái tang nầy sẽ giục Alissa yêu dấu về sớm thăm tôi, điều nầy làm tôi nhẹ đi rất nhiều nỗi đau khổ.
Hôm sau, cậu tôi đến. Có thư của Alissa; ngày mai kia Alissa và dì Plantier mới đến.
"... Anh Jérôme ơi, ân hận quá nhiều vì không nói được với má anh, trước khi bà mất, một đôi lời để người thỏa nguyện. Thôi bây giờ, cầu mong dì tha thứ cho em! Từ nay chỉ còn riêng Thượng Đế hướng dẫn chúng ta. Thôi em chào anh. Âu yếm hơn bao giờ hết, em là

Alissa của anh..."

Bức thư có ý nghĩa thế nào? Những lời nàng không nói được là những lời gì, nếu không là những lời nguyện ước cùng tôi chung sống mai sau? Nhưng làm sao tôi cưới nàng. Tôi còn trẻ quá. Tôi có cần lời đính ước của nàng không? Hai chúng tôi không được xem như là đã đính ước rồi sao? Tình yêu nầy còn ai trong họ hàng không biết nữa; cậu Bucolin, cũng như mẹ tôi, không có ý cản trở, trái lại người đã xem tôi như con đẻ.
Đến dịp lễ Phục sinh, tôi trở về Havre, nhà dì Plantier, và dùng cơm ở nhà cậu Bucolin.
Dì Félicie Plantier là một người đàn bà rất tốt, nhưng cả Alissa, Juliette, và tôi, đều không ai thân mật lắm đối với dì. Bà hấp tấp vội vã luôn; cử chỉ thiếu dịu dàng, giọng nói thiếu êm ấm; dì vuốt ve mà như là xô xát, trong giờ phút nào bất cứ, lòng người đàn bà đó cũng tràn ngập thương mến với chúng tôi. Cậu tôi quý dì lắm, nhưng chỉ nghe giọng nói cũng đủ tỏ rằng cậu tôi yêu chuộng mẹ tôi hơn nhiều.
Một buổi tối, dì nói:
-Cháu ơi, dì không rõ mà hè nầy cháu định làm gì, dì muốn biết những dự định của cháu trước khi quyết định ý mình: nếu dì có thể giúp cho cháu...
- Cháu cũng chưa nghĩ đến điều ấy. Có lẽ cháu sẽ đi du lịch không chừng.
Dì tiếp:
- Cháu cũng hiểu rằng ở nhà dì cũng như ở Fongueusemare, cháu vẫn được chiêu đãi ân cần. Cháu sẽ làm vui lòng cậu và Juliette nếu cháu xuống trọ dưới ấy...
- Ý dì muốn nói Alissa.
- Ừ phải! Xin lỗi cháu... Cháu chắc không ngờ rằng xưa nay dì vẫn tưởng là cháu yêu Juliette nhỉ? Cho đến ngày cậu cháu cho biết rõ, dì mới hay... Cách đây không đầy một tháng... Cháu biết, dì thương các cháu, nhưng dì đâu rõ ý mỗi đứa được; và ít khi gặp cháu!... Dì lại không hay để ý; không có thì giờ nhận xét những việc chẳng mấy liên hệ đến dì. Dì vẫn thường trông thấy cháu vui đùa với Juliette... Nên dì nghĩ... Cháu Juliette lộng lẫy, vui tươi tròn trịa biết bao.
- Vâng, cháu chơi với Juliette, nhưng yêu Alissa.
- Ừ, được lắm! Rất tốt, cháu tự do... Riêng dì, cháu hiểu cho, có thể nói là dì không biết tính Alissa nhiều, Alissa vốn ít nói hơn đứa em; dì nghĩ rằng, nếu cháu chọn Alissa, là cháu có một vài lý do nào đích đáng vậy.
- Sao dì nói thế, cháu có chọn lựa để yêu nàng đâu, và cũng chẳng bao giờ cháu tự hỏi mình lấy lý do gì để...
- Jérôme đừng giận dì chứ, dì nói thật, dì không có dụng ý lôi thôi. Cháu làm quên mất điều dì định nói... À phải rồi, thế nầy: dì nghĩ rằng mọi sự kết cuộc rồi cũng là hôn nhân; nhưng vì cháu đang chịu tang, nên không thể nào làm lễ đính hôn được, vả lại cháu cũng còn trẻ quá... Theo dì, nếu cháu về ở Fongueusemare, thì khó coi, vì ngày nay mẹ cháu đã qua đời rồi.
- Thì chính vì thế mà cháu nói đến chuyện đi du lịch...
- Vâng. Ấy thế nên chi, cháu à, dì nghĩ rằng, nếu có mặt dì thì mọi sự sẽ dễ dàng, nên chi dì dàn xếp để có thể rảnh được ít nhiều trong vụ hè nầy.
- Nếu con yêu cầu sơ thôi, thì cô Ashburton cũng sẽ vui lòng đến lắm.
- Thì dì vẫn biết rằng bà ta đến. Nhưng thế chưa đủ. Chính dì cũng phải đến nữa mới được! Ồ! Dì không có ý thay thế được mẹ cháu đâu; và thế là dì Plantier bỗng thình lình nức nở; nhưng dì sẽ trông coi bếp núc... và thế là cả cháu, cả cậu, cả Alissa, sẽ thấy mọi sự chẳng có gì là khó coi, khó chịu, lai rai bối rối chút nào.
Dì Félicie nhầm lẫn biết bao. Thật ra chúng tôi thấy khó chịu là chỉ tại dì. Từ tháng bảy, dì đã dọn tới ở Fongueusemare như lời dì nói, rồi cô Ashburton và tôi cùng tới ít lâu sau. Lấy cớ giúp Alissa trong việc nấu nướng, dì làm cho ngôi nhà yên tĩnh phải nhộn hẳn lên. Sự vồn vã của dì, sự cố gắng làm cho chúng tôi đẹp ý, và cho "mọi sự được dễ dàng", sự vồn vập sao quá nặng nề, đến nỗi nhiều khi Alissa và tôi cảm thấy khó chịu, lặng thinh không nói được lời nào cả, khi có dì bên cạnh. Hẳn là dì cũng nhận thấy là chúng tôi lạnh nhạt lắm... Mà cho dẫu chúng tôi không lặng lẽ, thì dì có thể nào đoán được tính chất tình yêu của chúng tôi không? Chỉ Juliette là hợp với dì, tình tôi thương dì có giảm bớt đi một phần nào cũng vì thấy dì tỏ ra thương mến nó nhiều hơn Alissa.
Rồi buổi sáng nhận được một bức thư, dì gọi tôi lại:
- Cháu ạ, dì rất buồn; con gái của dì cảm bệnh, gọi dì về; thế là dì buộc lòng phải rời mấy cháu...
Tôi lo lắng đi tìm cậu, không rõ mình còn nên nấn ná ở lại Fongueusemare hay không, sau khi dì đi. Nhưng tôi vừa mới hở môi nói mấy tiếng đầu, cậu tôi đã gạt phắt:
- Sao chị Hai lại cứ tưởng tượng đan dệt làm gì cho rối rắm những việc rất tự nhiên như thế? Tại sao cháu lại xa cậu và các em, hử Jérôme? Cháu không phải là con ruột của cậu rồi hay sao?
Dì tôi ở lại Fongueusemare trước sau chỉ mười lăm ngày. Khi dì đi, trong nhà thấy dễ chịu; yên vui xưa và thanh thản cũ trở lại. Bóng hạnh phúc thật là đơn sơ. Cái tang của tôi như khơi cho tình yêu mỗi ngày một thêm sâu đậm. Cuộc sống êm ả bắt đầu. Giữa bầu không khí trong lành, mỗi tiếng động nhỏ của linh hồn cũng ngân lên, như giữa một trời thu, bóng vang rủ rê tương ứng.
Sau bữa dì tôi từ biệt, một buổi tối ở bàn ăn, nói chuyện về dì, tôi còn nhớ:
"Sao mà dì huyên náo thế! Cuộc đời cũng chẳng để yên cho linh hồn dì nghỉ ngơi đôi chút. Vẻ đẹp của tình yêu phản ảnh tại đây như thế nào?"... Và chúng tôi nhớ lại lời của Goethe nói về bà Stein: "Đẹp biết bao, nếu được nhìn thấy cuộc đời phản chiếu trong tấm linh hồn ấy". Thế là chúng tôi còn xây dựng cả một hệ thống giai tầng gì chả rõ, và đặt ở trên hết là những khả năng chiêm niệm trầm tư. Cậu tôi, lặng lẽ từ lâu, bấy giờ mới lên tiếng, vẻ mặt buồn buồn:
- Các con ạ, cho dẫu hình ảnh có vỡ tan, ngày sau Thượng Đế vẫn nhận rõ được hình ảnh của mình. Các con nên thận trọng đừng vội xét đoán người theo một đoạn đời nào của họ. Tất cả những điểm nào trong tính tình của dì Plantier mà các con không thích, là do những sự tình, những biến cố nào xảy ra trong đời, cậu biết rõ nên không thể phẩm bình nghiêm khắc như các con. Có những đức tính nào dễ thương của tuổi trẻ mà chẳng hư hỏng mất khi về già. Những gì các con gọi là lăng xăng, huyên náo nơi dì Félicie, ngày xưa chính là cái tính niềm nở rất dễ thương, cái duyên ân cần đậm đà hết mực. Ngày xưa, các chị và cậu cũng không khác các con ngày nay mấy đâu. Cậu rất giống cháu, Jérôme ạ, có lẽ giống nhiều hơn cậu tưởng nữa là khác. Chị Félicie rất giống như Juliette hiện giờ... cả thể xác nữa – và nhiều khi bất ngờ ba gặp lại chị trong giọng nói của con; chị cũng có nụ cười của con – và cái cử chỉ đặc biệt giống con, mà ngày nay chị không còn nữa, ấy là đôi lúc ngồi lặng lẽ như con, không nhúc nhích, thờ thẫn tay ôm đầu.
Cô Ashburton quay lại phía tôi, nói nhỏ:
- Còn mẹ cậu thì rất giống Alissa.
Hè năm ấy rất huy hoàng. Mọi sự vật như rạng ngời ánh sáng của thanh niên. Nhiệt tình của chúng tôi thắng được tang tóc, bóng tối hết âm u. Một buổi mai tôi thức giấc, lòng vui phơi phới, tôi chạy ra ngoài đón bình minh lộng lẫy. Ngày nay ôn lại chuyện xưa, tôi thấy dĩ vãng đượm những sương sa rạng rỡ. Juliette dậy sớm hơn chị - (Alissa thường thức rất khuya) – cùng tôi đi dạo quanh vườn. Giữa Alissa và tôi, nàng là kẻ đưa tin tức; tôi kể liên miên cho nàng nghe mối tình giữa chúng tôi, Juliette có vẻ chăm chú nghe không chán. Tôi nói hết những điều gì tôi không dám nói thẳng với Alissa; với Alissa, tình yêu mãnh liệt xui tôi trở nên ngượng ngập, e dè. Alissa cũng vui theo, thấy tôi nói chuyện với Juliette, nàng không biết, hay thích đùa làm như không biết rằng tựu trung chúng tôi chỉ nói mãi về nàng thôi.
Ôi, lối giả vờ êm dịu của tình yêu! Của tình yêu sâu thẳm, bởi nẻo đường huyền bí nào, người đã dẫn ta đi từ tiếng cười đến giọng khóc, từ niềm vui trong trắng hồn nhiên đến sự đòi hỏi khắt khe của đức hạnh!
Mùa hè trôi qua, êm đềm, phẳng lặng. Cho đến nỗi ngày nay tôi chẳng còn biết giữ lại được trong ký ức một chút gì của những ngày xưa êm ái tiếp nhau trôi. Trăm việc xảy ra vẫn chỉ là đọc sách và chuyện trò...
Một buổi sáng cuối hè, Alissa nói với tôi:
- "Em vừa mơ một giấc mơ buồn, anh ạ. Em sống mà anh chết. Không, em không nhìn thấy anh chết. Nhưng có điều là thế: anh chết. Thật ghê sợ quá! Ghê sợ và vô lý đến nỗi cuối cùng, điều em đau đớn cầu xin, đã được chấp thuận: anh chỉ vắng mặt thôi. Thế là chúng ta cách biệt nhau và em cảm thấy rằng có một phương cách nào đó để gặp lại anh, em tìm cách nào, và vì cố gắng quá nhiều nên sực thức dậy.
Sáng nay, giấc mơ còn ám ảnh; em như còn tiếp tục mơ luôn. Như còn xa anh, còn xa anh lâu lắm, lâu lắm - giọng nàng nhỏ hẳn lại; trọn đời em – và trọn đời em phải cố gắng rất nhiều...
- Để làm gì?
- Cả hai chúng ta cần cố gắng nhiều để gặp lại nhau".
Tôi không muốn nghe, có lẽ sợ không dám nghe những lời nói ấy. Lòng như muốn phản đối tha thiết, tim hồi hộp lạ lùng, bỗng dưng tôi can đảm nói:
- Còn anh, sáng nay nằm mộng thấy sắp cưới em mãnh liệt đến nỗi không có gì ở đời nầy chia biệt được chúng ta, trừ Thần chết.
- Anh nghĩ rằng Thần chết chia biệt được hay sao?
- Anh muốn nói...
- Trái lại em nghĩ rằng Thần chết sẽ giao nối lại... Vâng, giao nối lại những gì giữa trần gian bị chia rẽ.
Những lời nói ấy vang dội trong tâm khảm tôi sâu thẳm thế nào, mà đến ngày nay tôi còn nghe đồng vọng tiếng mình và tiếng nàng trong buổi chiều hè lặng lẽ. Nhưng chỉ sau nầy, tôi mới hiểu biết hết ý nghĩa trầm trọng.
Hè trôi qua, qua mãi. Đồng ruộng đã xong hết mùa màng, chỉ còn trơ cuống rạ. Mắt người càng thẩn thờ nhìn đìu hiu ra suốt xứ... Buổi chiều trước khi lên đường – đúng hơn, là hai ngày trước – tôi xuống vườn sau đi dạo với Juliette. Nàng hỏi tôi:
- Hôm qua anh đọc gì cho chị Alissa nghe thế?
- Đọc lúc nào?
- Trên chiếc ghế đá bên hầm đất vôi, lúc anh để chúng em đi trước, rồi nấn ná ở lại sau với chị Alissa.
- À! Thơ của Baudelaire.
- Những câu nào? Anh không muốn nói với em sao?
Tôi hơi bực mình, đọc:
- Chẳng bao lâu, thu về, tăm tối lạnh...
Nhưng Juliette ngắt lời, giọng run run đọc tiếp:
- Vĩnh biệt rồi, hè hỡi, mộng vàng qua... (°)
Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi:
- Ồ, em cũng biết những câu ấy sao? Anh cứ tưởng em không thích thơ chứ.
Nàng cười gượng gạo:
- Sao anh lại tưởng thế? Hay anh nghĩ rằng vì lẽ anh không đọc cho em nghe? Nhiều lúc anh xem em đần độn không bằng!
- Đâu phải thế? Người ta có thể rất thông minh mà không thích thơ chứ. Có khi nào anh nghe em đọc thơ hoặc bảo anh đọc cho em nghe đâu.
- Bởi vì đã có chị Alissa đảm nhiệm hết rồi...
Nàng dừng lại một lúc, rồi đột ngột hỏi:
- Ngày kia anh đi?
- Ừ. Làm sao trì hoãn được nữa.
- Anh sẽ học gì?
- Năm thứ nhất cao đẳng Sư phạm.
- Bao giờ anh cưới chị Alissa?
- Không thể cưới trước khi ra trường. Không thể cưới trước khi biết rõ hơn chút ít mình sẽ định làm gì sau đó.
- Thế ra anh chưa biết sẽ định làm gì?
- Anh chưa muốn biết. Bao nhiêu chuyện đang làm rộn rã lòng anh. Anh muốn hoãn trì được bao nhiêu hay bấy nhiêu, cái lúc phải chọn lựa, và chỉ biết có chọn mà thôi.
- Có phải vì sợ bị cầm chân sớm mà anh chưa làm lễ đính hôn không?
Tôi nhún vai không đáp. Nàng khẩn khoản:
- Thế thì anh còn chờ đợi gì mà chưa làm lễ đính hôn? Tại sao anh không làm lễ đính hôn ngay bây giờ?
- Mà tại sao phải làm lễ? Riêng mình biết rằng sẽ trọn đời ở với nhau, như thế chưa đủ hay sao mà phải báo cho thiên hạ biết? Nếu anh thích kết buộc đời mình với Alissa, em thấy rằng còn phải ràng buộc tình của mình bằng những lời ước hẹn thì mới đẹp hơn sao? Anh không thế. Những lời ước hẹn, theo ý anh, làm tổn thương ý nghĩa của tình yêu... Anh chỉ muốn đính hôn khi nào anh cảm thấy nghi ngờ Alissa em ạ.
- Em nghi ngại không phải nghi ngại vì chị Alissa.
Chúng tôi đi rất chậm. Và đến nơi mà trước kia tôi đã vô tình nghe câu chuyện giữa Alissa và cậu tôi. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng Alissa - trước đó tôi thấy nàng ra vườn - rất có thể Alissa hiện đang ngồi ở phía sau hàng nguyệt quế, và rất có thể nghe được câu chuyện giữa chúng tôi; thế là tôi có ý muốn cho nàng nghe những gì tôi không trực tiếp thố lộ được. Tôi cao hứng lên giọng:
- Ôi!... Tôi nói với giọng say sưa sôi nổi của tuổi mình, và vì bận tâm chú ý nghe mình nói, nên không để ý nghe qua những lời đáp của Juliette còn ẩn chứa những gì nàng không nói hết ra... Ôi! Nếu chúng ta có thể nghiêng mình trên tâm hồn người yêu, nhìn nơi nàng như nhìn trong một tấm gương, cái hình ảnh của mình đặt vào ở trong đó! Đọc nơi người khác như đọc nơi lòng mình, còn rõ hơn đọc nơi chính mình! Ôi, tình yêu tuyết bạch!
Tôi lại tưởng cái giọng điệu rỗng ấy của mình làm cho Juliette xúc động. Nàng bỗng ngã đầu trên vai tôi:
- Anh Jérôme! Anh Jérôme! Em muốn anh hứa với em rằng sau nầy anh sẽ đem lại hạnh phúc cho chị Alissa. Nếu vì anh mà chị Alissa khổ, thì em sẽ oán ghét anh trọn đời.
- Ồ! Juliette! Tôi vừa nói vừa hôn nàng, nếu thế thì anh sẽ tự thù ghét anh trước hết. Nếu em mà biết!... Thì chính chỉ vì muốn đợi khởi sự đời mình một cách thật đẹp riêng với Alissa, mà anh chưa muốn chọn nghề! Vì anh muốn đặt tất cả tương lai mình sau tình yêu, em ạ. Anh có trở thành gì đi nữa mà không có Alissa, thì cũng bằng không...
- Khi nói với chị Alissa những điều ấy thì chị ấy bảo sao?
- Nhưng có bao giờ anh nói với chị Alissa những điều ấy đâu. Không bao giờ Juliette ạ; chính cũng vì thế mà anh chưa làm lễ đính hôn; không bao giờ Alissa và anh đề cập đến vấn đề hôn nhân cả, hoặc dự định sẽ làm gì ngày sau. Ồ, Juliette ạ! Đời sống với Alissa sau nầy, anh thấy đẹp đến mức nào, đến nỗi anh không dám... Em hiểu không? Anh không dám nói gì với Alissa cả.
- Anh muốn hạnh phúc đến bất ngờ sẽ làm chị ngạc nhiên sung sướng?
- Không! Không phải thế! Nhưng anh sợ rằng... anh sẽ làm chị e sợ, em hiểu không? Anh sợ rằng cái hạnh phúc vô biên mà anh linh cảm sẽ làm kinh hãi Alissa. Một ngày nọ, anh hỏi Alissa có thích du lịch đến những xứ lạ không. Alissa đáp là em không mong ước gì hết, chỉ cần biết rằng những xứ ấy có thật trên cõi đời nầy, thế là đủ, biết rằng những xứ ấy đẹp lắm, và những kẻ khác yêu nhau có thể tìm tới viếng thăm, chỉ biết thế là đủ rồi, nàng không mong gì hơn nữa...
- Còn anh, anh thích du lịch lắm phải không, anh Jérôme?
- Du lịch khắp trời! Đời sống đối với anh là cả một cuộc viễn du dài vô hạn với Alissa, qua sách, qua người, qua mọi xứ. Em biết hai tiếng "nhổ neo" có nghĩa gì không?
- Vâng, em vẫn thường nghĩ đến... Tâm tùy hải diện lưu ly. Cuồng điên xẻ trộm, trận kỳ oan chia... (Homère).
Nhưng nào tôi có để ý nghe nàng nói đâu, và tiếng nàng lại ngơ ngác rơi chìm như những cánh chim bị đạn. Tôi nói tiếp:
- Khởi hành trong đêm tối; tỉnh giấc giữa tưng bừng bình minh. Cảm thấy hai đứa biệt lập lưu ly giữa đại dương trùng trùng sóng vỗ...
- Và cập bến một hải cảng nào, mà thuở nhỏ chúng mình đã từng nhìn trên bản đồ, chỉ chỏ cho nhau... Mọi vật, mọi người thảy đều xa lạ hết. Em hình dung thấy anh trên cầu thang tàu đương bước xuống, và chị Alissa nương vịn tay anh.
Tôi cười nói tiếp:
- Và chúng tôi lập tức đến bưu điện hỏi bức thư của em Juliette đã gửi cho chúng tôi.
- Gửi từ Fongueusemare, nơi nàng đành ở lại, mà ngày ấy anh sẽ thấy nhỏ bé vô cùng, buồn vô hạn, và xa biệt biết bao nhiêu.
Có phải chính đó là những lời của Juliette không? Tôi không dám chắc, vì tôi đã nói, tôi sung sướng vì tình yêu tràn ngập, nên không để ý đến những lời nào khác là lời nói của lòng mình yêu thương.
Chúng tôi tiến đến sát hàng nguyệt quế; sắp lui bước, thì từ trong bóng tối Alissa chợt hiện ra thình lình. Mặt mày nàng tái xanh. Juliette kêu lên một tiếng, Alissa vội vàng ấp úng:
- Vâng, em cảm thấy không khỏe lắm. Gió bể thổi lạnh quá. Em định về ngay. Và đột ngột bỏ chúng tôi ở lại, nàng vội vã quay về nhà.
Khi nàng đã đi hơi xa, Juliette liền nói:
- Chị Alissa đã nghe những lời chúng ta nói với nhau.
- Nhưng chúng ta có nói gì để phiền lòng chị ấy đâu. Trái lại...
- Anh ở lại đây, nàng nói và chạy đuổi theo chị. Đêm ấy, tôi không thể ngủ. Alissa có xuống dùng bữa, nhưng vội lên phòng riêng ngay, kêu nhức đầu. Nàng đã có nghe những gì của câu chuyện chúng tôi! Và tôi lo âu cố nhớ lại những điều đã nói. Rồi tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đã có lỗi, đi quá gần Juliette, tay quàng tay nàng; nhưng đó là thói quen của tuổi trẻ; biết bao lần Alissa đã thấy chúng tôi cùng đi với nhau như thế. Ôi! Tôi mù quáng làm sao! Đi tìm dò dẫm những lỗi lầm của mình mà quên không nghĩ rằng những lời nói của Juliette tôi vô tình không nghe, và nhớ lại rất mơ hồ, thì Alissa đã nghe rõ hơn biết mấy. Mặc! Bị cuống lên vì lo ngại, kinh hãi vì sợ rằng Alissa có thể nghi ngờ mình và không hình dung những điều đáng ngại khác, tôi quyết định sẽ thắng mọi e dè, lo sợ, và sẽ tính chuyện đính hôn ngày hôm sau.
Trước ngày tôi đi... Tôi có thể cho rằng do đó mà nàng buồn. Dường như nàng có ý lánh tôi. Ngày trôi qua, tôi vẫn không được gặp riêng Alissa; vì sợ đi mà không được nói chuyện với nàng nên tôi không ngần ngại đến ngay phòng nàng, trước buổi cơm tối ít lâu; nàng đương bận mang một chiếc vòng bằng san hô, và giơ tay lên, hơi nghiêng mình để gài vòng vào cổ, quay lưng lại phía cửa, và nhìn tấm gương... Bóng tôi in trong ấy, nàng nhìn giây lát, không quay mặt lại.
- Ủa, cửa phòng tôi không đóng à?
- Anh có gõ cửa; em không trả lời. Alissa, em biết rằng ngày mai anh lên đường chứ?
Nàng im lặng, đặt chiếc vòng xuống bên lò sưởi. Tiếng "lễ đính hôn" đối với tôi có vẻ trống trải tàn nhẫn quá, tôi đang quanh co dùng một lối nói xa xôi nào đó. Khi Alissa hiểu ý tôi, dường như nàng choáng váng, vịn vào lò sưởi... nhưng chính tôi cũng bàng hoàng nên không nhìn rõ được cái gì cả.
Tôi đứng gần bên nàng, không ngước mắt lên, tôi nắm lấy tay nàng; Alissa để tự nhiên, và hơi nghiêng mặt xuống, nâng bàn tay tôi lên, kề môi vào, thì thầm nói nhỏ:
- Không, anh Jérôme ạ, đừng làm lễ đính hôn, em xin anh điều ấy.
Tim tôi đập rất mạnh. Làm sao nàng không cảm thấy điều đó. Nàng nói thêm, âu yếm hơn.
- Không, anh ạ, khoan vội mà...
Tôi hỏi:
- Tại sao?
- Nhưng chính em mới có thể hỏi anh: Tại sao? Tại sao bây giờ lại đổi ý?
Tôi không dám nói lại cùng nàng câu chuyện hôm qua, nhưng chắc hẳn nàng cảm thấy rằng tôi đương nghĩ đến, và như để đáp lại ý nghĩ của tôi, nàng nhìn đăm đăm nói:
- Anh lầm rồi, anh ạ; em không cần được hưởng nhiều hạnh phúc đến thế đâu. Chúng ta sống như thế nầy đã không sung sướng lắm sao?
Nàng gượng cười, nhưng vô ích.
- Không, vì như em thấy đó, anh phải xa em.
- Nầy, anh Jérôme ạ, bữa nay em không thể nói chuyện nhiều với anh. Đừng làm hỏng mất những giờ phút cuối cùng anh nhé... Đừng anh nhé. Em sẽ viết thư cho anh, em sẽ giải thích cho anh. Em vẫn yêu anh như xưa nay, anh hãy yên lòng. Em hứa sẽ viết thư cho anh ngay ngày mai, ngay sau khi anh lên đường. Thôi bây giờ anh đi, đi... Anh, em khóc mất thôi... anh hãy đi ra, để em lại một mình...
Nàng dịu dàng đẩy tôi ra, và đó là lời từ biệt của chúng tôi, vì tối hôm ấy, tôi không còn có thể nói gì với nàng nữa cả, và qua ngày hôm sau, lúc tôi đi, nàng ở biệt trong phòng, không chịu xuống. Tôi thấy Alissa đứng bên cửa sổ, nhìn tôi ra dấu giã từ. Xe chạy, nàng còn dõi trông theo.

Đi xuống bình nguyên nghe nắng mọc.
Sa mù lớp lớp nguyệt sau lưng.
Sinh mệnh hai chân hàng chữ bát.
Sưu tầm em mọi nhỏ mông lung.
Em Kiều Thúy mọc thêm hàng cỏ.
Quần đỏ năm nao thắm một vùng...
 
 
Chú thích:

(°) Bientôt nous plongerons dans les froides ténèbres

Adieu, vive clarté de nos étés trop courts!
(Rồi ta sẽ chìm trong tăm tối lạnh!
Bóng huy hoàng mùa hạ quá phù du...)