Dịch giả : Bùi Giáng
Chương 3

Năm đó tôi ít có dịp gặp lại Abel Vautier; anh đã tòng quân, trước khi có lệnh nhập ngũ, trong khi tôi còn bận rộn dọn thi. Tôi nhỏ hơn Abel hai tuổi, và định sẽ đăng lính sau khi ra trường. Năm nay chúng tôi cùng vào Sư phạm.
Lúc gặp lại nhau thật là sung sướng. Sau khi giải ngũ, anh đi du lịch hơn một tháng. Tôi từng lo ngại sẽ thấy anh thay đổi nhiều; không, anh chỉ có vẻ già dặn hơn trước thôi, và vẫn không mất phần duyên dáng. Buổi chiều trước ngày nhập học, hai đứa vào vườn Luxembourg, tôi không giữ được nữa, bèn đem tâm sự kể hết cho anh nghe; mối tình của tôi, anh cũng đã biết. Kể ra anh cũng có kinh nghiệm ít nhiều trong sự giao thiệp với đàn bà, nên đôi lúc anh hơi "lên giọng" với tôi, nhưng điều đó không hề gì. Anh đùa tôi, vì tôi không biết cách "đặt lời cuối" - nói theo giọng điệu của anh. "Phải biết nên làm nguyên tắc là: đừng bao giờ để cho người đàn bà đủ thì giờ trấn tĩnh". Tôi để mặc cho anh ta nói, nhưng riêng lòng nghĩ rằng những lý lẽ của anh không ăn hợp gì với tôi và với Alissa chút nào, và anh chỉ tỏ ra không hiểu rõ được chúng tôi thôi.
Ngày hôm sau, tôi nhận được bức thơ:
Anh Jérôme yêu dấu.
Em đã suy nghĩ nhiều về điều anh bàn định với em (điều tôi bàn định! nàng gọi sự đính hôn của chúng tôi như thế đấy!) Em sợ rằng em quá lớn tuổi đối với anh. Điều đó anh chưa thấy quan trọng mấy, bởi vì anh chưa có dịp gặp những thiếu nữ khác; nhưng em nghĩ đến ngày sau, em sẽ đau khổ thế nào, nếu bằng lòng lấy anh, rồi ra không làm đẹp ý anh nữa. Chắc là anh giận hờn nhiều, khi đọc bức thư nầy của em; em như nghe rõ lời anh phản đối; dù sao em cũng xin anh hãy chờ đợi đến sau nầy, khi anh đã nhiều kinh nghiệm đời và thể nghiệm thạch lựu phù du hơn nữa.
Anh hãy hiểu rằng em nói thế là chỉ vì anh thôi, còn em thì biết rằng không bao giờ có thể hết yêu anh.

Alissa

Hết yêu nhau! Nàng nói gì thế! Tôi ngạc nhiên hơn là buồn bực, nhưng vì hoang mang quá nên tôi chạy đi tìm Abel, và đưa bức thư cho Abel xem.
- Thế nầy thì anh định sao bây giờ? Abel xem thư xong, hất hàm, mím môi hỏi. Tôi mong rằng anh đừng vội trả lời ngay! Khi người ta bắt đầu bàn cãi với một người đàn bà, thế là hỏng. Anh nghe tôi đây: ngủ lại ở Havre tối thứ bảy, chúng ta có thể đến Fongueusemare sáng chủ nhật, và trở về đây vào trường dự buổi học sáng thứ hai. Từ ngày tòng quân đến giờ, tôi chưa gặp lại bà con anh; đó đủ là một cái cớ, và khá vinh dự cho tôi. Nếu Alissa thấy đó chỉ là một cái cớ, thì càng hay! Trong khi tôi tiếp chuyện với Juliette, thì để mặc anh xoay xở với Alissa. Anh gắng đừng trẻ con quá... Thật vậy, trong chuyện tình của anh, dường như có chút gì tôi chưa được rõ lắm; có lẽ vì anh chưa cho tôi biết kỹ... Không sao! Tôi sẽ tìm hiểu sau. Nhất là đừng báo trước là chúng ta về: phải để thình lình, không để cho cô em của anh có thì giờ trở tay (hoặc là trở chân tròn) mới được.
Tôi đẩy cổng vườn, lòng hồi hộp quá. Juliette chạy vội ra, Alissa bận khâu vá, dần dà chưa chịu xuống. Chúng tôi nói chuyện với cậu tôi và với cô Ashburton, thì một lát sau, nàng vào phòng khách. Nếu chuyến về đột ngột của tôi có làm nàng xúc động, thì nàng cũng gắng không để lộ vẻ gì; tôi nghĩ đến lời Abel đã nói với tôi, và nhận thấy rằng quả đúng là để có thì giờ "phòng bị" nên nàng mới không xuống ngay. Sự niềm nỡ rối rít của Juliette càng làm nổi rõ vẻ lạnh nhạt của nàng. Tôi cảm thấy nàng lạnh lùng với chuyến về của chúng tôi; hay ít nữa, nàng làm ra vẻ lạnh lùng bất mãn, và tôi không dám tìm trên gương mặt đó một nét xúc động bên trong. Ngồi khá xa, trong một góc phòng, bên cửa sổ, nàng như mải mê khâu vá, vừa chăm chú làm, vừa khe khẽ động làn môi. Abel nói nhiều, may biết bao, vì riêng tôi không đủ sức nói gì cả; nếu không có câu chuyện anh ta kể về cái năm tòng quân, và chuyến du lịch, thì chắc hẳn buổi viếng thăm nầy sẽ buồn nản lắm. Cả cậu tôi xem ra cũng có vẻ đặc biệt lo âu.
Sau khi dùng cơm trưa, Juliette muốn nói chuyện riêng với tôi. Vừa đến vườn, nàng sôi nổi nói:
- Anh có thể tưởng tượng được rằng người ta đi hỏi cưới em không! Dì Félicie vừa viết thư hôm qua cho ba em, nói rằng có một người chủ trại ở Nimes muốn hỏi em làm vợ; một đám rất tốt, đó là lời dì quả quyết thế, anh ta cảm em vì có gặp em một đôi lần trong vài đám hội xuân vừa qua.
- Em đã có để ý đến anh ta chứ? Tôi hỏi thế, và dường như trong câu hỏi của tôi có chứa nhiều ác cảm với anh chàng cầu hôn ấy.
- Vâng, em có thấy rõ mặt mày. Một loại Don Quichotte buồn cười. Không học thức, rất xấu, rất tầm thường, khá lố bịch...
- Anh ta có may mắn được lọt vào ở trong con mắt xanh một phần nào chứ? – Tôi hỏi với một giọng nhạo báng.
- Ồ, anh Jérôme, sao anh lại hỏi thế! Anh đùa đấy chứ! Một gã lái buôn! Nếu anh có thấy chàng ta thì ắt anh không nỡ hỏi em câu ấy.
- Còn cậu thì tỏ ý thế nào?
- Ba cũng trả lời người ta như ý em vậy: rằng em còn nhỏ quá, nói chi chuyện chồng con. Rủi thay, dì em lại ngờ trước lời đáp ấy, trong phần tái bút bà nói rằng ông Edouard Teissières - đấy là tên của ông ta – ông Edouard bằng lòng chờ đợi, ông ta chỉ ngỏ lời để cho "có hạng" thôi... thật là quái! Nhưng anh nghĩ xem: em còn biết làm sao chứ? Chả nhẽ em lại bảo dì nói thẳng cho y hiểu rằng y xấu xí quá lắm.
- Không, em cứ nhờ dì trả lời rằng em không muốn lấy một người chủ trại ở nhà quê.
Nàng nhún vai:
- Đó không phải là những lý lẽ có ý nghĩa đối với dì Félicie... Thôi gác chuyện ấy lại. Chị Alissa có viết thư cho anh chứ?
Nàng nói rất vồ vập, và xem dường như bị kích động rất nhiều. Tôi đưa cho nàng xem bức thư của Alissa; nàng đọc và đỏ mặt lên. Tôi tưởng như nhận ra trong câu hỏi của nàng một giọng điệu tức tối lắm:
- Thế thì anh định sao bây giờ?
- Anh cũng chả hiểu sao cả. Bây giờ trở về đây, anh mới cảm thấy về thế nầy là phi lý, và tự trách thầm mình. Đáng lẽ anh viết thư về thì hợp lẽ hơn. Em hiểu Alissa muốn nói gì chứ?
- Em hiểu rằng chị Alissa muốn để anh tự do.
- Nhưng mà anh có cần quái gì cái tự do của anh! Và em hiểu tại sao Alissa viết thư như thế cho anh chứ?
Nàng đáp: Không! Bằng một giọng rất cộc lốc, đến nỗi, tuy không linh cảm sự thật là thế nào, trong phút ấy tôi vẫn tin rằng Juliette không hẳn là không rõ. Rồi đột ngột quay lưng trở lại, nàng nói:
- Thôi bây giờ em trở vào. Anh về đây không phải để nói chuyện với em. Chúng ta đàm đạo với nhau kể cũng quá lâu rồi.
Nàng bỏ chạy vào nhà. Một lát sau, tôi nghe nàng đánh dương cầm. Khi tôi trở vào phòng khách thì nàng đương nói chuyện với Abel nhưng vẫn cứ dạo dương cầm, dạo một cách uể oải, vu vơ. Tôi để mặc hai người, trở ra vườn mong gặp Alissa.
Nàng ở cuối vườn rau, bên chân tường, đang hái những nụ cúc đầu mùa; hương hoa thoảng dịu hòa lẫn mùi lá rụng trong hàng cây dẻ gai. Không khí đượm nồng hương vị mùa thu. Mặt trời không sưởi ấm nổi những hàng cây có quả mọc dựa ven tường, nhưng bầu trời hiền hòa trong trẻo đẹp như trời của Á Đông. Đầu nàng quàng chiếc khăn trùm Jélandaise (°) của Abel du lịch vừa đem về tặng, nàng vui thích dùng ngay... gương mặt bị che đi nhiều, Alissa không quay lại ngay, khi tôi đến, nhưng một chút rung động khẽ khẽ cho biết rằng nàng đã nhận ra bước chân tôi; tôi đương cố tự chủ, cố làm cho tâm hồn mình cứng rắn để đủ can đảm đáp lại những lời trách móc, và chịu đựng cái nhìn nghiêm khắc của nàng. Nhưng khi sắp đến gần, tôi e dè chậm bước, thì nàng – vẫn không quay mặt lại, vẫn cuối đầu như một đứa bé dỗi hờn – nàng đưa tay ra phía sau, bàn tay cầm đầy hoa, như mời tôi bước lại. Và tinh nghịch, trước cử chỉ ân cần ấy, tôi dừng lại hẳn, nàng đành phải quay mặt lại, bước vài bước, ngẩng mặt lên, một khuôn mặt rất tươi cười. Trước cái nhìn trong sáng của nàng, bỗng nhiên tôi thấy mọi sự đều trở nên giản dị, dễ dàng, cả hân hoan tràn ngập, tôi nói:
- Chính thư của em buộc anh về.
- Em cũng ngờ thế - và nàng dịu giọng để cho nhẹ bớt lời phiền trách: - và đó là điều làm phật ý em. Tại sao anh không nhận ra ý nghĩa lời em nói? Vấn đề vẫn là giản dị biết bao... (và thế là bao nhiêu buồn tủi, khó khăn, đều như mây khói, thoắt biến tan hết trong tâm trí tôi). Chúng ta sống thế nầy từ trước tới nay, đã sung sướng biết bao, em vẫn từng nói rõ với anh điều đó, tại sao anh còn ngạc nhiên thấy em từ chối trước ý anh muốn bàn chuyện đổi thay.
Thật thế, bên cạnh nàng, tôi cảm thấy sung sướng, hoàn toàn sung sướng, cho đến nỗi tôi cố làm sao cho ý tưởng của mình hòa nhịp với ý tưởng của nàng, đừng khác nhau một chút. Tôi không còn mộng ước gì nhiều hơn nữa ở bên kia nụ cười êm dịu của nàng, cùng nàng nắm tay thung dung dạo bước như thế nầy trên một lối đi đầy hoa đẹp, thế là đủ rồi, tôi không nguyện cầu gì hơn nữa. Và bỗng nhiên, vui lòng khước bỏ mọi ước vọng khác, đành lòng buông mình theo hạnh phúc hiện tại của phút giây, tôi vừa hân hoan vừa nghiêm trang nói:
- Nếu em muốn thì chúng ta không làm lễ đính hôn nữa. Khi nhận được thư em anh đột nhiên cũng hiểu rằng quả thật xưa nay anh đã hạnh phúc, và cảm thấy như mình sắp mất hạnh phúc từ nay. Thôi! Em trả lại cho anh hạnh phúc yên lành cũ; mất đi, anh không thể sống được. Anh yêu em thế nào, thì anh cũng đủ can đảm trọn đời chờ đợi em nhưng nếu em hết yêu anh, thì anh không thể nào chịu nổi.
- Than ôi, em không thể nào nghi ngờ được mối tình của anh.
Lời nói của nàng vì sao vừa dịu dàng, bình thản, lại vừa rất buồn sầu; nhưng nụ cười trên gương mặt vẫn tươi vui, nên tôi càng xấu hổ vì những nỗi lo sợ viển vông, huyền hão của mình. Tôi nghĩ rằng chính những nỗi lo sợ vô lý ấy là nguyên do giọng buồn hận của nàng. Không còn do dự gì nữa, tôi đem hết những dự định ra nói với nàng, việc học của mình, và cái thể thức cuộc sống mới ở trường, tôi tin rằng sẽ hứa hẹn rất nhiều ích lợi. Trường Sư Phạm thuở ấy không giống như sau nầy; kỷ luật nghiêm nhặt chỉ đè nặng trên những tâm hồn mềm yếu, hoặc bướng bỉnh; trái lại, nó ích lợi cho kẻ nuôi nhiều ý chí học hành. Tôi rất thích lối sống hầu như khắc khổ ấy, nó gìn giữ tôi khỏi tiếp xúc với cuộc sống phù phiếm bên ngoài... Cô Ashburton vẫn giữ mãi gian phòng xưa kia cùng ở với mẹ tôi. Không quen ai ở Paris, thế là Abel và tôi mỗi sáng chủ nhật đến thăm bà vài giờ. Mỗi chủ nhật tôi viết thư về Alissa kể rõ mọi chi tiết trong cuộc sống hàng ngày.
Bây giờ chúng tôi đã ngồi lại bên khung giàn dưa, giàn dưa đưa nhánh trườn ra, dây leo và lá chằng chịt, những quả cuối mùa đã được hái xong, Alissa ngồi lặng lẽ nghe tôi nói, hỏi thăm thêm... Chưa bao giờ nàng tỏ ra chăm chú hơn trong âu yếm, niềm nở hơn trong thương yêu. Bao nhiêu lo âu phiền não cùng mọi xúc động đều tan biến hết trong nụ cười của nàng, thu hút hết trong tình thân ái yên vui, như mù sương tan trong buổi mai trong trẻo.
Rồi sau lại, chúng tôi ngồi trên chiếc ghế ở vườn dẻ gai; Juliette và Abel đến tìm chúng tôi; bốn đứa cùng nhau giở tập Le Triomphe du Temps của Swinburne ra đọc lại, thay nhau mỗi đứa một đoạn. Chiều xuống.
- Thôi! Alissa hôn tôi và nói lúc chúng tôi lên đường; nàng vừa nói vừa lấy giọng pha trò, nhưng vẫn có dáng dấp người chị rầy rà đứa em; thôi, Jérôme hãy hứa là không còn quá lãng mạn như thế nữa, từ nay.
Sau khi chúng tôi chia tay cùng hai cô em, thì Abel hỏi ngay:
- Sao? Anh đã đính hôn xong chưa?
- Anh Abel nầy, thôi thế là từ nay ta không còn nói đến chuyện ấy nữa – và tôi tiếp luôn, với một giọng như muốn cắt đứt mọi câu hỏi khác: và tốt hơn là nên như thế. Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng chiều nay.
- Tôi cũng thế, anh say sưa nói; rồi đột ngột bá lấy cổ tôi: tôi sắp nói với anh một điều huyền diệu dị thường! Jérôme, tôi yêu Juliette, yêu điên dại, yêu điên cuồng! Năm ngoái tôi cũng đã ngờ ngợ; nhưng từ đó tôi đã sống nhiều, và tôi chưa hề muốn thố lộ gì với anh hết trước khi gặp lại các cô em của anh. Bây giờ thế là xong; đời tôi thế là yên định...
Tôi yêu, không? – tôi ngây ngất vì Juliette!
"Từ lâu dường như tôi cảm thấy đối với anh, tôi có một thứ tình anh em bạn rể..."
Rồi vừa cười, vừa nghịch, anh ta ôm tôi hôn hít, lại lăn tròn trên gối đệm trong chiếc tàu đưa chúng tôi về Paris. Tôi nghẹn ngào nghe anh thố lộ, hơi khó chịu vì cái điệu văn chương lãng mãn xen lẫn trong tình yêu của anh; nhưng làm sao cưỡng lại bao nhiêu rộn ràng, bồng bột?
- Thế nào? Anh đã thố lộ với nàng chưa? Cuối cùng tôi chỉ thốt được chừng đó. Anh ta tràn trào lai láng quá.
- Nhưng không, nhưng không, anh ta sôi nổi đáp; tôi không muốn đốt vội cái chương tuyệt diễm nhất của yêu đương.
"Ôi giây phút huy hoàng của tình ái,
Chính là khi chưa nói: anh yêu em...
Và cái lúc đẹp lưu tồn man dại,
Không hẳn là lúc đã hái tồn lưu"
- Sao! Có lẽ nào anh rầy tôi nấn ná, anh là ông chúa của sự dần dà chậm chạp.
- Nhưng sao, - tôi hơi cau có hỏi, anh có nghĩ rằng nàng có, nàng có...
- Thế anh không nhận ra nỗi luống cuống của nàng khi gặp lại tôi sao! Và suốt cả buổi viếng thăm của chúng ta, nàng cảm động thế nào, đỏ mặt thế nào, ân cần tíu tít thế nào! Không, anh không thể để ý gì hết, cố nhiên, bởi vì tâm hồn anh bị Alissa chiếm mất. Chao! Là nàng hỏi! Là như uống lấy lời đáp của tôi! Trí thông minh của nàng phát triển thật dễ sợ, từ một năm nay. Tôi không hiểu anh lấy lý gì mà nói rằng nàng không thích đọc sách, anh cứ tưởng chỉ có chị Alissa của anh mới biết đọc thôi hẳn! Nhưng, anh nầy, thật là lạ lùng, những điều nàng hiểu biết! Anh có biết hai đứa chúng tôi chơi trò gì trước bữa ăn chiều không? Gắng nhớ lại một Canzone (°°) của Dante; mỗi đứa phải đọc một câu thơ; và nàng đính chính lại mỗi khi tôi nhầm lẫn. Anh biết chứ:
Tình yêu trong lưu tồn lưu tiếng...
Anh chưa hề cho tôi biết là nàng có học tiếng Ý.
Tôi rất ngạc nhiên đáp:
- Chính tôi cũng không biết điều ấy.
- Sao! Trước khi khởi sự đọc Canzone, nàng nói với tôi rằng chính anh bày vẽ cho nàng biết kia mà.
- Có lẽ nàng nghe tôi đọc cho Alissa, những ngày nàng khâu vá thêu thùa bên cạnh chúng tôi, như thường lệ, nhưng có hề bao giờ nàng tỏ ra hiểu cái quái gì đâu!
- Thật quả Alissa và anh ích kỷ thật. Hai người mải mê đắm đuối yêu đương nhau, đến không nhìn thấy một tí nào sự nảy nở lạ lùng của một bộ óc, một tâm hồn! Không phải để tự khoe mình, nhưng dù sao thì cái giờ cũng đã điểm, tôi phải bước tới... Nhưng không, nhưng không, tôi không giận anh, anh thấy chứ; vừa nói anh lại ôm tôi hôn nữa. Duy có điều anh hãy hứa với tôi: đừng nói chút gì với Alissa về việc nầy cả. Tôi muốn một mình xoay sở việc mình thôi: Juliette yêu tôi, điều ấy đã chắc chắn, và yêu khá nồng nàn để tôi có thể để yên nàng đến mùa hè năm nay. Tôi còn định không viết thư cho nàng từ đây đến ngày ấy. Nhưng ngày lễ Nguyên Đán ta cùng trở lại Havre, và khi ấy...
- Khi ấy?
- Ừ! Alissa sẽ cùng một lúc đột ngột nghe tin hai cuộc đính hôn của hai đứa mình. Tôi muốn xoay dẫn mọi sự đi cho khéo tuyệt. Và thế là anh có hiểu chuyện gì sẽ xảy ra không? Trước nay Alissa nằng nặc không chịu nhận lời anh, thì nay tôi giúp anh cưỡng ép nàng phải chịu nhận, vì cái gương của hai đứa tôi nêu ra. Chúng tôi sẽ cho chị hiểu rằng hôn lễ của chúng tôi không thể tiến hành trước cuộc hôn nhân của ông anh bà chị...
Anh ta nói, nói nhiều, nói mãi đến Paris vẫn còn cứ thao thao, cho đến lúc vào nhà trường cũng thế. Vì mặc dù hai đứa đi bộ từ ga về trường, mặc dù đêm đã khuya, Abel vẫn theo tôi về phòng ngủ, rồi hai đứa lại nói chuyện mãi cho đến sáng hôm sau.
Lòng phấn chấn đắm say của Abel định đoạt hết cả hiện tại và tương lai. Anh ta nhìn thấy trước, anh ta mải mê bàn tới bàn mãi hôn lễ song song của chúng tôi; anh ta hình dung và phác họa sự ngạc nhiên và hoan lạc của mọi người; anh ta khoái chí nhìn câu chuyện tình đẹp đẽ biết bao và tình bạn hữu đẹp biết bao, và vai trò của anh trong một cuộc tình duyên của tôi hệ trọng biết bao. Tôi khó mà chống nổi sự say đắm cực điểm ấy; rồi dần dà tôi bị lôi cuốn theo anh say sưa trong những dự định mộng ảo. Nhờ tình yêu gây men; chúng tôi thấy lòng bồng bột những ước vọng xa vời, can đảm kiên tâm; phác họa những chương trình cao đẹp: vừa tốt nghiệp ở trường ra, hai cuộc hôn nhân của chúng tôi được mục sư Vautier ban phước lành, bốn đứa lên đường viễn du trong tuần trăng mật; rồi chúng tôi dấn mình vào những công cuộc vĩ đại, mà vợ chúng tôi sẽ là những người hợp tác đắc lực. Abel ít thích nghề dạy, tin là mình có khiếu văn chương, dự định sẽ viết sách, kiếm gấp được nhiều tiền nhờ một vài tác phẩm thành công thế là giàu sang phú quý, còn tôi thích nghiên cứu hơn thích tiền, tôi sẽ chú tâm nghiên cứu môn triết học tôn giáo, và định sẽ viết một thiên sử học về môn nầy... Nhưng có cần phải nói hết những mộng ước ra đây?
Cũng là lỡ một lầm hai? Người còn thì của mới lai rai còn?
Ngày hôm sau chúng tôi vùi đầu vào việc học.
Chú thích:
(°) Một tỉnh của Hòa Lan.
(°°) Một thể thơ ý chia làm nhiều đoạn bằng nhau.