Tôi nghĩ ông Vĩnh hơi bị ngốc. Tục ngữ ca dao có câu: Tay ôm túi bạc kè kè Nói quấy nói quá, chúng nghe rầm rầm. Ông là người giàu có, thiếu gì người chầu chực xin việc, hơi đâu đi năn nỉ chị Trâm. Tôi nói ý nghĩ nầy cho Cẩm Vân nghe, nó cười hi hí: “Mầy ngu thì có. Dù hiện nay trong các phòng trà, quán cà phê, nhà hàng hay khách sạn... có khá nhiều người chơi violon, nhưng chị Trâm vẫn là số một. Rất nhiều người muốn kéo chị về. Chú tao không tiếc tiền vì biết chị Trâm sẽ đem lại lợi nhuận cho ông”. Nhỏ Cẩm Vân dự đoán như thần. Chữ Bích Trâm được kẻ bằng sơn màu xanh dưới tên quán Hạ Trắng có sức lôi cuốn mãnh liệt. Hôm khai trương, quán đông đến nỗi phải kê thêm năm, sáu bàn nữa. Ghế ngồi san sát, kín cả lối đi. Ông Vĩnh hân hoan thấy rõ, chạy lên chạy xuống, hỏi thăm người nầy, người kia, mặt mầy rạng rỡ như trăng rằm, trẻ ra cả chục tuổi. Thật không uổng công chúng tôi tập dượt. Chị Trâm quả là có kinh nghiệm đối với thị hiếu giới thưởng thức. Những bản nhạc chị chọn cùng tôi hòa đàn rất hợp thời và sang trọng, khiến các “thượng đế” lắng nghe đến ngẩn ngơ. Thành công rực rỡ. Đêm trở về nhà, tôi không ngủ được. Khác với những lần thao thức trước, lần nầy tôi mất ngủ vì vui. Không phải vui vì số tiền kiếm được mỗi đêm, cũng không phải vì được mọi người ngưỡng mộ, mà là bởi cuộc sống muôn màu quá. Thì ra lâu nay, tôi cứ cuộn mình trong vỏ ốc, chỉ biết từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Cũng có lần muốn thuê nhà ở riêng, nhưng cuối cùng tôi vẫn không thoát khỏi bốn bức tường khép kín, bao vướng mắc không gỡ ra được... Khung trời kỷ niệm, ngôi nhà tuổi thơ, rồi tình cảm với đám học trò trong cư xá, với chú Chín, với những người giúp việc. Nhưng giờ thì tôi đã nghe lòng nhẹ thênh thang. Những bước chân chập chững vào đời của tôi đã gặp được quí nhân giúp đỡ, đó là Cẩm Vân, chị Trâm và cả ông Vĩnh nữa. oOo Nào ai đọc được chữ ngờ. Quán cà phê Hạ Trắng xuôi chèo mát mái chưa đầy một tháng thì xảy ra chuyện. Hôm đó là đêm thứ bảy, quán rất đông khách. Mở đầu buổi trình diễn, chúng tôi hòa đàn bài Dòng Sông Xanh, sau đó, theo yêu cầu của một bạn trẻ, tôi đệm cho chị Trâm độc tấu bài Lệ Đá. Chưa được nửa bài, chợt một gã to cao từ cuối phòng chạy ào tới, nhảy lên sân khấu. Quần áo hắn xốc xếch, tóc tai bù xù, mùi rượu bốc nồng nặc. Hắn khoác tay một cái làm chị Trâm suýt té, rồi sấn đến vỗ vào vai tôi: - Người đẹp Diễm Châu ơi, hãy đệm đàn cho anh hát đi cưng. Nào! Hắn vừa ngúng nguẩy vừa cất giọng ồ ồ như ngỗng đực: - Với biển cả, anh là thủy thủ ù u… với lòng nàng, anh là hoàng tử ừ ư…... Tôi sợ hết vía, ngồi im như phỗng. Chị Trâm bước tới hất tay hắn ra khỏi vai tôi. Bất thần, hắn nắm lấy bàn tay chị Trâm kéo vào lòng. Chị vùng vẫy. Bỗng một tiếng “bụp” vang lên kèm theo tiếng rú, hắn buông tay chị Trâm, bưng lấy trán. Những dòng nước màu đỏ rịn ra từ kẽ tay hắn, chảy dọc xuống mu bàn tay. Đám khách chộn rộn, một số bỏ ra về. Ông Vĩnh chạy lại đỡ hắn: - Máu chảy nhiều quá. Để tôi đưa ông đi bác sĩ. Một người đàn ông trung niên, hơi mập, cất tiếng cười to: - Máu gì. Nước cà chua đó ông chủ ơi! Nghe vậy, gã to cao mới hoàn hồn trở lại, nhìn chằm chằm về phía vừa phát ra tiếng nói: - Khốn kiếp, tại sao mầy chơi tao? - Cho mầy chừa cái tật sàm sỡ. Đồ vô văn hóa! Gã cao to hộc lên, nhào tới. Thế là hai người cùng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, mặc cho ông Vĩnh la hét khản cổ, cố gắng can ra. Đến khi công an xuất hiện, quán không còn một người khách, trừ hai kẻ sinh sự đang vật nhau huỳnh huỵch. Sau khi lập biên bản, hai người khách được “mời” về phường, riêng quán Hạ Trắng tạm thời đóng cửa, chờ xử lý. Thấy tôi lo lắng, chị Trâm nhún vai: “Em khỏi lo. Chuyện nầy xảy ra như cơm bữa. Rồi đâu lại hoàn đấy cho mà xem”. Thất nghiệp, tôi dành nhiều thời gian để tập đàn. Bài cô Hoàng Lan cho từ đầu hè đến giờ tôi vẫn chưa thông. Tôi đang cố gắng vượt qua hai bài etude đầy kỹ thuật, nhưng đến bài độc tấu thì thật cam go. Đó là bài Sonate số 8 Pathétique cung đô thứ của Beethoven. Suốt ba tuần lễ, tôi tập mỗi ngày tám tiếng, rồi đến nhà cô đánh thử, nhờ cô góp ý. Cô nói thẳng: “Thuộc thì đã thuộc đấy, nhưng tiếng đàn em vẫn chưa vang lên được sự sôi nổi, cái khí thế đấu tranh của cuộc cách mạng tư sản Pháp - nói chung là không đạt yêu cầu vì chưa toát được cái hồn của tác giả. Cố gắng lên, năm nay em đã Đại học 3 rồi đấy”. Cuối tháng tám, các học trò của tôi đi nghỉ hè đã lác đác trở về. Sắp tới, tôi sẽ bận rộn nhiều. Như lời cô Hoàng Lan khuyên nhủ. Lên năm thứ ba, tôi phải cố gắng hơn. Phải phân chia thời khóa biểu rõ ràng, chặt chẽ. Châm ngôn của tôi là làm việc và làm việc, chỉ chừa những khoảng trống rất nhỏ để thư giãn. Suốt bảy năm cấp hai, 3 học văn hóa tại Nhạc viện, chúng tôi chịu rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi học sinh ngữ. Không biết tại thiếu thầy hay vì những lý do khách quan khác, mà có năm chúng tôi học tiếng Anh, có năm học tiếng Nga, có năm lại không có giờ sinh ngữ nào cả. Vì cứ lúc mưa lúc nắng như vậy nên khi bước chân vào đại học, vốn liếng Anh văn của tôi chỉ gói tròn chiếc lá. Không nản, tôi ghi danh học Anh văn tại các Trung tâm. Thi xong bằng C, tôi học tiếp khóa cử nhân Anh văn tại chức - Chi nhánh trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Vậy là tôi sẽ tốt nghiệp Anh văn trước. Có bằng C, chỉ cần học thêm hai năm rưỡi nữa là đủ. Nhưng để cầm được mảnh bằng cử nhân trong tay, phải có trình độ A một sinh ngữ phụ khác. Tôi định học thêm Pháp văn tại Trung tâm IDECAF(°) nhưng chưa sắp xếp được thời gian. Phải ráng thôi. Nói đến ráng, biết ráng đến đâu cho vừa. Hồi còn bé tí, tôi ham chơi hơn ham học. Nhưng vì thương ba mẹ, thương cô giáo, thế là tôi ráng. Tôi ráng học, ráng tập đàn. Rồi hai người con riêng của ba từ bên kia đại dương trở về can thiệp vào nếp sống đời tôi, tôi lại ráng. Ráng nhịn nhục, ráng chịu đựng nỗi mất mát đau thương, ráng giả câm giả điếc, như lời chú Chín khuyên: “Ráng giả dại để qua ải cháu à”. Đối với tôi, chữ “ráng” như kéo dài đến vô cực. Chị Trâm đến báo tin: - Quán Hạ Trắng được phép mở cửa lại rồi. Ông Vĩnh nhắn chị em mình đấy. Chị giục tôi thay quần áo, theo chị đi gấp. Đến nơi, thấy quán đóng cửa im ỉm, tấm bảng tên cũng chưa được treo lên. Quang cảnh tiêu điều buồn bã. Chị Trâm chép miệng: “Sao giống chùa Bà Đanh thế nầy?”, rồi đưa tay gõ cửa ầm ầm. Gương mặt ông Vĩnh hiện ra, rầu rĩ, bơ phờ: - Chào hai cô! - Rồi ông thở dài - quán chỉ được mở một tuần hai đêm thôi. Thế có khổ không chớ. Chị Trâm an ủi: - Đó chỉ là một cách xử lý thôi. Trước sau gì quán cũng hoạt động lại như cũ. Chú yên tâm. Nét mặt ông Vĩnh hơi giãn ra: - Nhưng mà... làm ăn kiểu nầy thì lỗ sở hụi mất thôi - Ông nhìn tôi rồi nhìn sang chị Trâm -Vậy thì tôi quyết định mở quán vào hai đêm thứ bảy và chủ nhật. Hai cô không bỏ tôi chứ? Chị Trâm ỡm ờ: - Cái đó còn tùy, chú ạ. Đâu phải riêng mình chú bị thiệt thòi. Giúp cho chú hai đêm, rồi năm đêm còn lại trong tuần, hai đứa cháu đói, biết lấy gì ăn đây? Giọng ông Vĩnh hơi gắt gỏng: - Năm đêm còn lại thì sao chớ? Không lý cô bắt tôi đóng hụi chết? Chị Trâm thản nhiên: - Chúng cháu đâu dám. Nhưng chúng cháu sẽ đánh cho những nơi khác. Có điều là cháu sợ khi ký hợp đồng, người ta không chịu cho chúng cháu nghỉ vào hai đêm cuối tuần để làm cho Hạ Trắng. Ông Vĩnh ngồi yên. Tôi thấy ánh mắt ông long lên đầy vẻ toan tính nhưng hình như ông không nghĩ ra được biện pháp đối phó với chị Trâm. Tôi thấy tội nghiệp ông, toan mở miệng nhận lời. Bỗng chị Trâm đá mạnh vào chân tôi, rồi ra dấu tôi cùng đứng lên: - Chúng cháu xin kiếu ạ. Ông Vĩnh tròn mắt: - Kìa, chúng ta bàn bạc chưa xong mà. Chị Trâm đeo giỏ xách lên vai: - Trước mắt, chúng cháu sẽ giúp chú hai đêm thứ bảy và chủ nhật. Các đêm không làm, chú hãy trả 70% lương để giữ chân chúng cháu. Được không chú? - Nếu tôi không đồng ý? - Thì hợp đồng xem như hủy bỏ, chúng cháu có quyền làm cho các chỗ khác. Phải không chú? - Cô Trâm, cô đừng dồn tôi vào chân tường chớ. Ít ra, cô cũng phải tham khảo ý kiến của cô Châu... Chị Trâm ngắt lời: - Khỏi cần, hai đứa cháu tuy hai mà là một thôi. Chú cứ suy nghĩ rồi phôn cho cháu. Tôi cho xe chạy song song với chị Trâm: - Xin lỗi chị nhưng em phải nói thôi. Chị đối xử với chú Vĩnh hơi... hơi... Chị Trâm cười lớn: - Hơi ác phải không? Ôi, em cưng của chị ơi, nếu em cảm thấy tội nghiệp cho ông ta thì quả là em đặt tình cảm không đúng chỗ rồi. Ai lại đi thương hại một kẻ lắm bạc nhiều tiền bao giờ. Hơn nữa, không ai ép được một tên sừng sỏ trong giới ca nhạc như ông ta đâu. Em cứ tin đi, thế nào quán Hạ Trắng cũng hoạt động lại như cũ. Chắc chắn ổng sẽ phôn cho chị. Lần nầy, chị Trâm đoán sai. Ông Vĩnh không phôn cho chị, mà hai ngày sau, ông đến tận nhà tìm tôi. Dù Cẩm Vân đã báo trước, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Bước vào phòng khách, ông không bắt đầu câu chuyện mà cứ ngắm nhìn chung quanh, gật đầu tấm tắc: - Không ngờ nhà cô Châu lại sang trọng như vậy - rồi nhìn tôi đăm đăm - Tôi nghĩ là cô đánh đàn để mua vui thôi, cô không xem trọng đồng tiền lắm, phải không? - Chú nói gì cháu chả hiểu. Ông Vĩnh ngồi xuống ghế: - Đem đồng tiền làm thước đo nghệ thuật thì đúng là khập khiễng, phải không cô Châu? - giọng ông bắt đầu cay cú - Có ai như con nhỏ Bích Trâm đó, nó mà là nghệ sĩ cái quái gì, cứ mở miệng là đòi tiền, là ra giá... - Thưa... cháu không thích chú nói xấu người vắng mặt. - Xin lỗi. Tại tôi tức quá đi. Nhưng... không thể nhịn nó mãi cô ơi. Nó tưởng nó là năm bờ oăn(°) chắc. Sống ở trên đời nầy, đừng nên chủ quan quá chớ. Mình giỏi một thì cũng có người giỏi hai, giỏi bạ.. Tôi cảm thấy khó chịu: - Chú Vĩnh, chú quên chị Trâm đi có được không? Giờ cháu chỉ muốn biết, chú tìm cháu có việc gì? Ông Vĩnh “à” một tiếng: - Ờ, ờ… Chuyện quan trọng đây. Tôi đến để mời cô tiếp tục giúp cho Hạ Trắng, cô vui lòng chứ? - Mỗi tuần hai tối ạ? - Chúng ta chỉ được phép như vậy, biết làm sao đây? - Ông thở dài - Diễn không liên tục, chắc chắn sẽ ít khách hơn. Nhưng tôi vẫn giữ thù lao cũ cho cô. OK nhé. - Chú gọi chị Trâm chưa ạ? Ông Vĩnh dựa ngửa ra ghế, vẻ ngao ngán: - Yêu cầu của cô Trâm quá sức tưởng tượng, nếu chiù theo, tôi sẽ bị phá sản ngay. Nói cô đừng giận, sao cô cứ phụ thuộc v!!!8964_5.htm!!!
Đã xem 24938 lần.
http://eTruyen.com