Cả nhà đều đợi tin của anh Phan và buổi chả giò đáng lẽ ăn vào trưa hôm sau đình lại. Chị Phượng đề nghị: Thôi đợi Chủ nhật đi mẹ. Tụi mình đinh ninh Chúa nhật nầy thế nào anh Phan cũng về. Nghe chị Phượng nói vậy Kim cười: Với anh Nghĩa nữa. Kim nói xong thì cười hô hố. Mẹ tôi bảo thằng Kim đã bắt đầu vỡ giọng, lớn tới nơi rồi mà như trẻ con, dù bây giờ Kim đã là một cán bộ của chương trình công tác hè, mẹ tôi cũng không thèm biết. Mỗi buổi trưa đi làm về ba tôi đều hỏi: Có thư thằng Phan chưa? Rồi ba ngồi xuống đi văng, mở báo đọc to những tin chiến sự cho cả nhà nghe. Đôi lúc ba tôi đoán anh Phan đang di chuyển từ đâu đến đâu, đang theo đoàn quân tiến đến nơi nào. Tôi đùa nói với ba tôi là một đại tướng về hưu. Ba tôi cũng khóai cái tên tôi gọi lắm, ông thường vén tay áo lên, chỉ vào vết sẹo trên cánh tay, dấu vết thời tản cư bị trúng đạn rồi cười: Con Quyên nói đúng, đây là bằng chứng. Tuy trong nhà vẫn vui, nhưng trong lòng ai cũng nghĩ tới anh Phan và chờ đợi. Chị Phượng thì sốt ruột lắm, tối nào chị cũng ngồi viết thư. Những lá thư gửi đi ngày một, tôi lấy làm lạ viết những gì mà nhiều thế. Như tôi, tôi cũng muốn viết thư cho Hoàng. Tôi ngồi hàng giờ trước tờ giấy mỏng, viết được hai tiếng anh Hoàng rồi tắc tịt. Chị Phượng và tôi thường giật mình khi thấy một người lính đi ngang qua cổng nhà. Chị Phượng chờ tin anh Nghĩa, còn tôi, tôi mong được tin của anh Phan. Ngày trước, khi anh Phan chưa đi lính và chị Phượng chưa có anh Nghĩa, mỗi lần đi đường gặp một xe chở lính là chúng tôi khó chịu. Nghe thấy họ hét hò, họ cười và những đôi mắt nhìn chăm chăm vào chúng tôi, chúng tôi giận ghê lắm. Vậy mà lúc nầy gặp họ, nghe họ gọi, họ đùa, chúng tôi không giận. Chúng tôi cười với họ và thấy thương mến gần gũi họ hơn. Những hình ảnh bây giờ đối với chị em tôi thật cảm động. Tôi cũng nhớ là sáng nay có hẹn với Hoàng. Tôi xin phép mẹ tôi. Mẹ bằng lòng ngay và bảo phải về nhà trước giờ cơm. Tôi mang áo trắng, đi đôi dép thấp, Hoàng thường thích tôi khi làm ra vẻ rất bé nhỏ. Tôi tới nhà Hoàng giữa lúc Hoàng đang xoay trần cái ghế bị hỏng mấy chiếc lò xo. Tôi thấy Hoàng bỏ tay đứng dậy đón: - Á hôm nay con bé mang áo trắng ngoan quá. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế khác: - Anh hẹn em sáng nay đi ciné, vậy mà bây giờ chưa sửa soạn gì hết. Hoàng thật ngớ ngẩn, hẹn với tôi rồi quên. Tới khi tôi nhắc chàng mới ngẩn người ra, rồi nói vớt vát: - Ừ, vậy mà anh ham mải mê sửa chiếc ghế để Quyên tới ngồi. Chúng tôi xin phép ba mẹ Hoàng rồi dẫn nhau đi chơi. Cuộc tình của chúng tôi đều được hai gia đình chấp thuận, chỉ chờ Hoàng ra trường nữa là cưới. Hoàng chỉ còn học có năm chót, nhưng chàng đùa: Nếu anh thi trượt thì phải đợi hai ba năm đó nghen. Hoàng nhại tiếng Nam giống như hệt làm nhiều khi tôi cười ngất. Chúng tôi vào rạp ciné rồi vào tiệm nước Hoàng hỏi tôi về tin tức của anh Phan và đêm qua tôi mơ thấy gì. Tôi nói tôi không mơ thấy gì, tôi nghe có tiếng đại bác. Hoàng nói: Ừ súng gần quá, nếu kỳ thi nầy anh trượt chắc cũng phải đi quá. Tôi hỏi bao giờ có kết quả. Hoàng nói tuần tới. Tôi lo lắng, thì chàng cười: - Không đi trước thì đi sau, thời buổi nầy, trốn tránh là hèn nhát. Tôi nói: vậy thì đã có anh Phan, anh Nghĩa. Hoàng nói: Đó là phần của các anh ấy chứ, không chia được. Tôi ít khi thấy Hoàng nói chuyện trang trọng như thế. Bây giờ trông Hoàng lớn hẳn, thay đổi hẳn. Nhưng đừng thay đổi tình yêu em nghe Hoàng. Tôi nói thầm và nhìn Hoàng. Hoàng hỏi tôi nhìn gì mà nhìn dữ vậy. Tôi nói em sợ mất anh quá. A, cô bé sợ cô nào bắt mất anh chàng. Tôi thành thật gật đầu. Hoàng cầm chặt tay tôi: Tội nghiệp em, tội nghiệp Quyên, đừng sợ. Em tin anh không.Tôi gật đầu. Tin thì đừng nghĩ nhảm. Hoàng đưa tay vẫy một người quen nào đó, tôi nhìn ra thấy một quân nhân: - Ê Hoàng mầy chưa đi à? Chưa tao còn thi xong đã chứ. Ngồi xuống đi. Em, đây là anh Đông, Nguyễn Văn Đông. Đông cười rất vui chào: Hân hạnh biết chị, chị … Quyên, phi-ăng-xê của tôi đó Đông. A Hoàng khéo chọn quá. Hắn ghê lắm đó chị. Tôi cười thật vui. Đông nói chuyện rất có duyên và như vẻ thân với Hoàng lắm. Tôi ít khi nghe Hoàng nhắc tới bạn bè hay giới thiệu ai. Hoàng hỏi Đông về trận đánh, những kỷ luật quân đội. Tôi ngồi nghe im lặng, thì những điều Đông kể cũng giống như anh Phan đã nói hay viết trong thư. Nhưng giọng Đông kể nghe không chán. Đông rút trong túi ra một con búp bê len, xoay xoay trong tay: Cậu biết của ai đây không? Hoàng lắc đầu. Đông nói của một người bạn vừa tử trận, khi hắn chết, nhờ trao lại cho mẹ hắn ở Sài Gòn. Con búp bê nầy ngày trước mẹ hắn đã thắt cho hắn cột trên ghi đông chiếc xì-cút-tơ. Hoàng hỏi sao không đưa cho người ta. Đông bảo là tới nhà bà, thấy bà ta đôn hậu quá, hiền lành và yêu con quá, anh không có đủ can đảm nói thẳng. Tôi kêu: Như vậy bà ta chưa biết con chết? Chưa. Đông nói. Tôi lại nói không suy nghĩ: Tội quá. Đông cười lớn: Chúng tôi gối lên xác bạn bè hàng ngày. Tôi nghĩ tới anh Phan, anh Nghĩa và Hoàng, Hoàng bắt gặp đôi mắt của tôi. Chàng cười: Cô bé đừng sợ, anh đã đi đâu. Mà anh sẽ đi. Đông nói: Có số chớ chị, tụi bạn tôi chết biết mấy, tôi vẫn sống đây nè. Tôi gượng cười mà trong lòng muốn khóc hết sức. Hoàng uống sữa còn Đông uống la ve. Đông chế Hoàng và bảo đi lính rồi coi la ve cũng như nước lạnh. Đông kể những chuyện phá phách, những điên cuồng của tuổi trẻ vì bị giam trong chiến tranh và nói: Mình coi như mình hết sống cho mình. Ra trận rồi mới biết, thấy đất đai cây cỏ đẹp hết sức. Mình đã nhìn một đám cỏ non bị rạp, một đồng lúa bị cày mà chảy nước mắt. Thật buồn cười, lính mà biết khóc đó. Tôi rùng mình. Những chuyện Đông kể cũng như anh Phan kể đều ngoài sức tưởng tượng. Nhưng chúng tôi ở đô thành yên lành quá, đêm chỉ nghe tiếng đại bác. Tôi kể những vụ khủng bố chính mắt thấy cho Đông nghe. Đông cười nói: ở trận địa, ở thôn quê gấp triệu lần như thế. Tôi cũng không hình dung nổi, nhưng sợ hết sức. Ly nước cam trước mặt tôi còn nguyên. Hoàng giục tôi uống. Đông đứng dậy chào chúng tôi để đi. Tôi nói rảnh anh tới nhà chơi vì ba mẹ tôi khoái nghe chuyện mặt trận lắm, tôi cũng có người anh đi lính, chị tôi có người yêu đi lính. Đông nói gia đình tôi như thế thì thật là dễ thương. Hoàng hãnh diện, và Đông xin địa chỉ. Tôi nghĩ ba mẹ tôi cũng sẽ mến Đông, nhất là chị Phượng. Chị sẽ đỡ nao nức về anh Nghĩa. Hoàng đưa tôi về, ba mẹ tôi giữ lại ăn cơm nhưng Hoàng từ chối, và hẹn sáng mai tới chỉ cho tôi Toán Lý Hóa. Giữa bữa cơm tôi kể chuyện gặp Đông cho ba tôi nghe. Ba tôi nói hắn là một người đa cảm. Tôi cãi nói hắn ngang tàng lắm. Chị Phượng thì bảo phần đông đều ngang tàng. Còn thằng Kim cắm cúi vào đĩa thịt nướng. Nói mãi về lính, có ai nghe chuyện đá banh, con tường thuật cho mà nghe. Con tường thuật hay như ông Huyền Vũ trong radio đó. Ba tôi kể chuyện ở sở sáng nay có nhận thêm hai thiếu phụ vào làm việc. Hai người đều là quả phụ. Chồng họ vừa tử trận trong trận đánh gần đây nhất. Chị Phượng hỏi: Đồng Xoài hay Đức Cơ. Ba nói thì đại để một trong hai nơi đó. Và để thay đổi không khí, ba tôi hỏi tôi với Hoàng đi chơi có vui không. Tôi nói bình thường. Ba tôi lại hỏi chị Phượng về anh Nghĩa. Chị Phượng nói: Con cũng không biết nữa, anh ấy nay đây mai đó. Con chưa muốn nhắc anh về việc cưới xin. Mẹ góp vào. Rồi con Quyên nó lập gia đình trước cho coi. Cậu Hoàng thi chưa xong mà đằng nhà đã lo đi hỏi ngày tháng tốt. Tôi hỏi chị Phượng, chị cũng nhìn tôi, vừa buồn bã cho chị vừa vui mừng cho tôi. Một lát sau bữa cơm, ba mẹ tôi vào phòng, hai chị em tôi lại lên gác. Nằm bên tôi, chị Phượng hỏi: - Không biết Đông có ở chung một nơi với anh Phan và anh Nghĩa không, chắc họ biết nhau. - Em cũng không biết nữa. Anh ấy gắn lon Trung Uý. - Đông có thân với Hoàng không? - Chắc thân chị ạ. Thế nào anh ấy cũng tới chơi. Hai chị em cùng hy vọng Chủ nhật anh Phan và anh Nghĩa về. Rồi quay sang bàn chuyện bữa chả giò hôm đó. Tôi nói: - Em sẽ làm nước mắm pha kiểu Nam, cay một tí thôi. Nhưng có chanh thơm thơm. - Anh Nghĩa thì thích ăn nhiều rau sống, rau dấp cá. Hồi mới di cư vào đây, chị sợ rau ấy lắm. - Bây giờ thì ngốn như điên rồi phải không ?Chị Phượng cười, tôi cũng cười. Một lát chị tâm sự với tôi chị vừa nhận được một lá thư của một người bạn của Nghĩa. Anh ấy cũng là lính, Chuẩn Úy nhưng đã đổi khỏi đơn vị của anh Nghĩa rồi. Anh Nghĩa có nói về chị cho anh ta nghe, và anh ta muốn làm quen chị. Chị Phượng đưa lá thư cho tôi đọc. Tôi thấy lời lẽ trong thư hết sức tự nhiên, mong chị Phượng giới thiệu cho một cô bạn vui tính để thư từ, và thỉnh thoảng được viết thư cho chị Phượng. Nhờ chị Phượng săn sóc hộ cô em gái tên là Thu. Tôi lẩm nhẩm đọc cho nhớ địa chỉ rồi nói với chị Phượng: - Được, để vài hôm em sẽ tới nhà cô nhỏ nầy. Cô ta mười sáu, nhỏ hơn thì làm em. - Còn bà mẹ già nữa. - Có chúng mình chắc bà ta vui hơn. - Tụi mình bây giờ lại ưa làm việc xã hội rồi đó. Chị Phượng xếp lá thư lại: Thôi ngủ một tí em. Chị quay mặt vào vách. Tôi nằm lơ đãng nhìn lên trần nhà. Hai con mối đuổi nhau, chui vào trong kẹt tủ rồi lại hiện ra, rồi lại mất. Tôi nghĩ tới Hoàng, tới cuộc đi chơi buổi sáng. Chúng tôi hình như đã mất sự hồn nhiên. Khuôn mặt của Hoàng tôi vẫn đùa là “trông như con nít” đó cũng đã thay đổi, cũng đã chìm đắm. Tôi nhớ lại một buổi tối chàng ngồi dạy cho tôi một bài toán và hai đứa đều giật mình vì tiếng súng đại bác thật gần. Hoàng cầm chặt tay tôi mắt nhìn ra cửa sổ. Còn tôi, tôi nghĩ tới anh Phan, và tôi tưởng tượng ra những hầm hố trên đoạn đường anh đang bước. Có tiếng xe hơi rồ máy. Tới giờ ba tôi đi làm. Chị Phượng quay lại: - Không ngủ sao Quyên? - Trưa nóng quá chị ạ, trời hoài không chuyển mưa. Có tiếng mẹ tôi gọi chị Phượng, chị dạ một tiếng thật lớn rồi đi xuống nhà. Còn một mình, tôi đưa bàn tay mình ra, nhìn vào những đường chỉ chi chít và đoán số phận. Đường nầy là đường may mắn, đường nầy là đường tình duyên, đường học vấn. Tay tôi vẫn như mọi ngày, tôi không tìm ra điểm lạ. Tôi nhủ thầm sáng mai phải coi lại bàn tay của Hoàng. Tôi lười biếng nhắm mắt dỗ giấc ngủ.