CHƯƠNG 39

    
rong căn phòng nhỏ của mình, Martin vừa uống cà phê vừa đọc báo buổi sáng. Thật là mới lạ khi thấy tên mình ở dòng đầu, hơn nữa lại trên trang nhất của tờ báo; và ngạc nhiên khi được biết rằng gã là người thủ lĩnh nổi tiếng nhất của những người thuộc đảng xã hội Oakland. Gã đọc lướt qua những lời phát biểu mãnh liệt mà cái anh chàng ký giả non choẹt kia gán cho gã – tuy lúc đầu gã giận giữ vì những lời bịa đặt ấy, nhưng cuối cùng gã quăng tờ báo sang bên, cười lớn:
“Hoặc là thằng cha ấy say rượu, hoặc là nó có ác ý giết người.” Chiều hôm đó Martin ngồi trên giường nói như vật khi Brissenden tới, khẽ buông mình xuống cái ghế độc nhất.
“Nhưng mà cậu cần gì cơ chứ?” Brissenden hỏi. “Chắc chắn cậu không thèm cần đến những lời tán thưởng của bọn lợn ỉ tư sản khi chúng đọc từ báo này chứ?”
Martin suy nghĩ một lúc, rồi nói:
“Không, mình thực không cần đến những lời tán thưởng của bọn chúng, không cần một tí nào. Nhưng mặt khác, chúng làm cho quan hệ của mình với gia đình Ruth thêm khó xử một chút. Cha nàng luôn luôn đả mình là người theo chủ nghĩa xã hội, và cái bài báo đốn mạt này lại càng làm ông ta tin chắc hơn nữa. Không phải là mình quan tâm đến những ý kiến của ông ta – nhưng cần gì cái đó? Bây giờ mình muốn đọc cậu nghe những cái mình đã viết hôm nay. Tất nhiên đó là truyện “Quá hạn” mình mới viết xong được một nửa.”
Gã đang đọc thì Maria đẩy cửa dẫn vào một người đàn ông trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề, anh ta đưa mắt sắc sảo mình quanh, chú ý đến chiếc bếp dầu và cái bếp ở góc buồng rồi mới nhìn đến Martin.
“Mời ngồi.” Brissenden nói.
Martin nhường chỗ trên giường cho người trẻ tuổi đó và đợi anh ta nói mục đích cái việc anh ta đến đây.
“Ông Eden, tối hôm qua tôi được nghe ông diễn thuyết, hôm nay, tôi đến đây để phỏng vấn ông,” ông ta bắt đầu.
Brissenden bật cười lớn.
“Đây có phải là người anh em trong đảng xã hội không?” Người ký giả vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn vội Brissenden, đánh giá cái sắc nhợt nhạt của con người sắp chết trắng bệch như cái thây ma đó.
“Chính hắn viết bài báo đó?” Martin nói khẽ. “Sao, hắn chỉ là một tên oắt!”
“Sao cậu không tẩn cho hắn một mẻ?” Brissenden hỏi. “Tớ sẵn sàng bỏ ra 1000 đô la để có lại được buồng phổi trước kia của tớ chỉ trong năm phút thôi.”
Cái gã ký giả non choẹt đó xem chừng hơi bối rối vì câu chuyện của hai người đang bàn về anh ta, chung quanh anh ta, nhằm vào anh ta. Nhưng anh chàng đã được người ta khen về cái bài xuất sắc tường thuật lại cuộc hội nghị của đảng xã hội, và anh chàng được chỉ định đi phỏng vấn riêng Martin Eden, vị lãnh tụ của cái tổ chức đang đe dọa xã hội ấy.
“Thưa ông Eden, ông không phản đối việc cho chụp ảnh ông chứ?” Anh ta hỏi. “Nhà nhiếp ảnh của chúng tôi đang ở ngoài kia. Ông thấy đấy, anh ta nói nên chụp ảnh ông ngay trước khi mặt trời xuống thấp hơn. Rồi chúng tôi sẽ xin phỏng vấn sau.”
“Một nhà nhiếp ảnh,” Brissenden nói, có vẻ trầm ngâm. “Martin, cho nó mấy quả! Cho nó mấy quả!”
Martin trả lời:
“Mình cho rằng mình đã già rồi. Mình biết rằng nện cho nó là đúng, nhưng mình thực không đành lòng. Xem ra chẳng cần thiết.”
“Thì vì mẹ nó!” Brissenden giục.
“Nên suy nghĩ xem đã,” Martin trả lời. “Nhưng mình thấy hình như không đáng để mình phải mệt người. Cậu thấy đấy, cũng cần phải có nghị lực mới đánh được người chứ? Vả lại, để làm gì?”
“Đúng đấy! Nên làm như vậy.” Anh chàng ký giả nói, vẻ bình tĩnh, mặc dù anh ta đã bắt đầu nhìn ra cửa một cách lo lắng.
“Nhưng không một lời nào hắn viết là đúng sự thật cả,” Martin tiếp tục nói riêng với Brissenden.
“Xin ông hiểu cho, đó là cách mô tả đại thể,” anh chàng ký giả đánh bạo nói. “Hơn nữa, đó là một lời quảng cáo đặc sắc. Ăn nhau ở chỗ đó. Đó là điều đặc biệt đối với ông.”
“Martin, anh bạn, đó là lời quảng cáo đặc sắc.” Brissenden nhắc lại một cách trịnh trọng.
“Đó là một đặc ân đối với mình nữa - nghĩ mà xem!” Martin nói thêm.
“Xin ông cho biết... ông sinh ở đâu, thưa ng Eden?” Cái anh chàng non choẹt này lại hỏi, và cố làm ra vẻ hết sức chăm chú chờ đợi.
“Hắn không hề ghi chép.” Brissenden nói. “Hắn nhớ tất cả!”
“Đối với tôi cái đó không cần thiết,” anh chàng ký giả cố giấu sự bối rối của mình. “Không một ký giả vững nào nào cần đến ghi chép.”
“Đêm hôm qua hắn cũng không cần phải ghi chép,” Brissenden vốn không phải là một tính đồ của đạo ngọt ngào, anh bỗng thay đổi thái độ đột ngột. “Martin, nếu cậu không quật cho nó một trận, thì tớ sẽ làm lấy vậy, dù một phút sau, tớ có chết trên sàn này cũng được.”
“Phát vào đít có được không?” Martin hỏi.
Brissenden suy nghĩ một cách cẩn thận rồi gật đầu.
Một phút sau Martin đã ngồi ở thành giường, anh ký giả nằm sấp mặt trên đầu gối gã.
“Đừng có cắn đấy nhé!” Martin cảnh cáo. “Nếu không tao sẽ đập nát mặt mày ra. Như thế thì tội nghiệp lắm vì cái mặt mày rất ư là đẹp.”
Martin giơ tay lên rồi hạ xuống, giơ lên hạ xuống, nhịp điệu nhanh nhẹn, chắc chắn. Anh chàng ký giả dẫy dụa, chửi rủa, quằn quại, nhưng không dám cắn. Brissenden nhìn một cách nghiêm nghị, có một lúc anh bị kích thích, tay nắm lấy chai wishky nói:
“Nào, cho tớ quật hắn một cái.”
“Tội nghiệp cho cái bàn tay mình,” Martin nói, khi cuối cùng, gã ngừng tay. “Nó tê hẳn đi...”
Gã dựng anh chàng ký giả dậy, đặt hắn ngồi lên giường:
“Ông sẽ cho mày ngồi tù vì chuyện này!” Anh chàng ký giả gầm gừ, những giọt nước mắt trẻ con, bực bội chảy ràn rụa trên đôi má đỏ bừng của hắn. “Ông sẽ làm cho mày điêu đứng. Rồi mày sẽ biết tay.”
“Thằng bé hay thật!” Martin nhận xét. “Hắn không biết rằng hắn đang đi vào con đường xuống dốc. Nói năng những lời dối trá về người khác như hắn đã làm là không trung thực, không thẳng thắn, không phải việc làm của một trượng phu, thế mà hắn vẫn không hay biết.”
“Hắn đã đến để bọn mình dạy cho biết.” Brissenden thêm vào lúc Martin ngừng lại.
“Phải, hắn đã đến với mình, người đã bị hắn sỉ nhục và chơi xỏ. Lão chủ cửa hàng thực phẩm chắc chắn bây giờ sẽ không bán chịu cho mình nữa. Cái tệ hại nhất là thằng bé đáng thương này cứ tiếp tục trên con đường như vậy cho đến khi nó sa đọa trở thành một ký giả bậc nhất và đồng thời cũng là một thằng vô lại bậc nhất.”
“Nhưng hãy còn thời gian,” Brissenden nói. “Ai biết được có thể chính cậu là cái công cụ tầm thường đã cứu hắn. Tại sao cậu không để tớ quật hắn chỉ lấy một lần? Tớ thích được nhúng tay vào đó.”
“Ông sẽ cho tống giam cả hai thằng chúng mày, đồ s… s... súc sinh khốn nạn,” cái tâm hồn lầm lạc kia nức nở.
“Ồ không, cái mõm của nó đẹp đẽ quá,” Martin lắc đầu buồn bã. “Mình sợ rằng mình đã làm bàn tay mình tê dại đi một cách vô ích. Thằng ranh con này không thể cải tạo được đâu. Rồi thế nào cũng trở thành một ký giả rất thành công và vĩ đại. Nó không có lương tâm. Riêng điều đó cũng đủ làm cho nó vĩ đại rồi.”
Nghe thấy thế, gã ký giả non choẹt run sợ lủi ra cửa, gã sợ Brissenden sẽ quật vào lưng hắn cái chai anh còn đang nắn trong tay.
Ở tờ báo sáng hôm nay, Martin đọc thấy nhiều điều hơn nói về gã, những điều đối với gã rất là mới lạ. “Chúng tôi là những kẻ thù không đội trời chung với xã hội.” Gã thấy trong một bài phỏng vấn người ta nói rằng đấy là lời gã phát biểu. “Không, chúng tôi không phải là những người vô chính phủ, chúng tôi là những người theo chủ nghĩa xã hội.” Khi cái anh chàng ký giả ấy cho rằng hình như giữa hai trường phái này không có gì khác nhau lắm. Martin nhún vai im lặng thừa nhận. Bộ mặt gã được miêu tả thành hai phần không cân xứng, và còn rất nhiều dấu hiệu suy đồi khác nữa. Đáng chú ý nhất là đôi bàn tay gã giống như đôi bàn tay của một tên ác ôn, cặp mắt ngầu máu của gã đã bắn ra những tia lóe sáng hung dữ.
Gã còn đọc trên báo nói rằng đêm nào gã cũng diễn thuyết cho công nhân nghe ở công viên City Hall, rằng trong những kẻ vô chính phủ, trong những kẻ gây phiến động kích thích trí óc của quần chúng thì gã là một diễn giả thu hút được nhiều quần chúng, và phát biểu những lời lẽ cách mạng nhất. Anh chàng ký giả nọ còn vẽ nên một bức tranh sinh động của gian phòng nhỏ tối tăm của gã, một cái bếp dầu, một cái ghế độc nhất và một thằng ma cà bông trông như một xác chết làm bạn với gã, một thằng cha trông như vừa mới ở ngục tối của một pháo đài nào đó chui ra sau hai mươi năm bị giam cầm cố.
Cái anh chàng ký giả này thật là đã chịu khó. Anh ta đã chạy ngược chạy xuôi thế nào, mà lôi ra được cái lịch sử của gia đình Martin, chụp được tấm ảnh “Higghinbotham thương điếm” với ông chủ Bernard Higghinbotham đứng ở trước cửa hiệu. Ông này được tả như một người thông minh, một nhà kinh doanh đứng đắn, không chịu được những quan điểm chủ nghĩa xã hội của cậu em rể và cũng không chịu được nổi chính cậu em rể ấy, người mà ông cho là một kẻ điển hình lười biếng, không được cái tích sự gì. Người ta đưa việc cho mà làm thì không chịu làm, rồi chắc chắn cũng đến phải ngồi tù thôi. Hermann Von Schmidt, chồng của Maria cũng được phỏng vấn như vậy. Gã này gọi Martin là con chiên ghẻ của gia đình và tuyên bố rằng mình đã từ Martin. “Hắn đinh bòn rút tôi, nhưng tôi cắt đứa ngay, nhanh và gọn.” Von Schmidt tuyên bố với anh chàng ký giả như vậy. “Hắn biết rằng quanh quẩn ăn bám vào tôi cũng chẳng ăn thua gì, một kẻ không làm việc quyết không phải là một kẻ lương thiện, tôi đoan với ông như thế.”
Lần này thì Martin nổi giận thật sự. Brissenden coi chuyện này như một chuyện đùa lý thú, nhưng giã không sao có thể an ủi Martin, vì Martin thấy rằng giải thích chuyện này để Ruth hiểu ra thật không phải dễ. Còn đối với cha nàng, gã biết rất rõ hẳn ông ta sẽ rất sung sướng vì những chuyện đã xảy ra và ông ta sẽ tận dụng chuyện này để phá cuộc hôn nhân. Không phải lâu la gì, Martin cũng biết được hậu quả của nó tai hại như thế nào. Chuyến thư chiều mang đến cho gã một bức thư của Ruth. Martin bóc thư với linh tính sẽ có một tai họa xảy ra, gã cứ đứng ở chỗ cửa bỏ ngỏ, nơi người phụ trạm trao thư cho gã và đọc. Gã vừa đọc, vừa như một cái máy, thọc tay vào túi tìm thuốc lá và cuộn giấy nâu của những ngày gã còn hút xưa kia. Gã không biết rằng túi gã lúc này rỗng không, mà cũng không biết ngay cả mình đã thọc tay vào túi tìm giấy và thuốc để cuốn một điếu thuốc lá nữa.
Đó không phải là một bức thư gay gắt. Lời lẽ trong thư cũng không một tí gì là giận dỗi. Nhưng suốt cả bức thư, từ đầu đến cuối, đều toát lên lòng tự ái bị xúc phạm và nỗi thất vọng. Nàng vốn chờ đợi ở gã, những cái tốt đẹp hơn. Nàng những tưởng gã đã qua sự ngông cuồng của tuổi trẻ, rằng tình yêu của nàng đã xứng đáng để gã sống nghiêm chỉnh hơn, đứng đắn hơn. Bây giờ cha nàng và mẹ nàng đã nhất định kiên quyết bắt nàng từ bỏ đính ước. Nàng chỉ còn có thể thừa nhận là cha mẹ nàng làm như thế là đúng. Mối quan hệ giữa hai người không thể có hạnh phúc được. Nó đã bất hạnh ngay từ phút đầu. Nhưng toàn bộ bức thư chỉ toát lên một sự tiếc hận nơi nàng, điều này làm Martin cay đắng hơn cả. “Giá như anh đã tạo cho mình một địa vị nào đó, cố gắng xây dựng lấy một cái gì,” nàng viết. “Nhưng những cái đó đều không có. Cuộc đời quá khứ của anh quá ư phóng túng, quá ư vô định. Tôi hiểu rằng anh không đáng trách. Anh chỉ có thể hành động theo bản tính của anh, theo lối giáo dục từ khi còn bé của anh. Vì thế tôi không trách anh đâu, Martin ạ. Xin anh nhớ cho điều đó. Đó chỉ là một sự lầm lỗi thôi. Như cha tôi và mẹ tôi vẫn nói, chúng ta không phải sinh ra để hợp nhau, và cả hai chúng ta nên lấy làm sung sướng vì điều đó đã được phát hiện ra chưa đến nỗi quá ư là muộn.”
“... Anh đừng tìm gặp tôi làm gì nữa,” nàng nói ở cuối bức thư. “Một cuộc gặp gỡ như thế sẽ là một cuộc gặp gỡ bất hạnh cho cả hai người chúng ta và cho cả mẹ tôi. Tôi cảm thấy, thực sự, tôi đã làm cho mẹ tôi sầu muộn và đau đớn. Phải lâu lắm, tôi mới có thể chuộc lại tội lỗi được.”
Gã đọc bức thư cẩn thận từ đầu đến cuối, cẩn thận một lần thứ hai, rồi ngồi xuống, và viết thư trả lời. Gã đã viết lại những lời gã đã phát biểu ở hội nghị của những người thuộc đảng xã hội, nói rõ ràng những lời gã phát biểu đều ngược lại với những lời mà tờ báo đã gán cho gã. Đoạn cuối bức thư, gã đã dùng lời lẽ của một người tình say đắm, tha thiết xin được yêu đương. “Xin em hãy trả lời anh,” gã viết. “Và trong thư trả lời, em chỉ cần nói cho anh một điều. Em có yêu anh không? Thế thôi. Em chỉ trả lời một câu hỏi đó thôi.”
Nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, vẫn không có thư trả lời. “Quá hạn” vẫn nằm yên trên bàn, và ngày nọ qua ngày kia những tập bản thảo bị gửi trả về dưới gầm bàn lại càng ùn lên hơn. Lần đầu tiên trong đời, giấc ngủ say sưa của Martin bị cắt đứt, gã đã phải trằn trọc bao nhiêu đêm dài. Ba lần gã đến nhà ông Morse, nhưng lần nào cũng bị người đầy tớ mở cửa đuổi đi. Brissenden nằm ốm liệt trong khách sạn của anh ta, yếu quá không bước chân ra ngoài được, và tuy Martin lại thăm Brissenden luôn, anh cũng không đem những nỗi phiền khổ của mình làm phiền bạn.
Bởi vì những nỗi phiền khổ của Martin thì nhiều. Tác hại của việc làm của tên ký giả kia lớn hơn Martin dự đoán. Lão chủ hiệu thực phẩm người Bồ Đào Nha không bán chịu cho gã nữa; lão bán hoa quả người Mỹ – hắn ta vẫn tự hào về điều này – gọi gã là kẻ phản quốc, và từ chối không bán chác giao tiếp gì với gã nữa. Mức độ yêu nước của lão ghê gớm đến nỗi lão đã hủy bỏ cả số tiền Martin nợ và cấm anh không được trả nữa. Câu chuyện của bà con hàng xóm cũng nói lên cùng một ý như vậy, sự tức giận của mọi người đối với Martin ngày càng tăng. Không ai muốn dính dáng gì đến một thằng phản bội theo chủ nghĩa xã hội. Chị Maria tội nghiệp ngờ vực và sợ hãi, nhưng chị vẫn trung thành với Martin. Trẻ con hàng xóm đã thôi không kinh sợ về cái chuyện chiếc xe song mã lớn trước đây có lần đã đến thăm nhà Martin nữa, bây giờ chúng đứng tít ở đàng xa, gọi gã là “thằng ma cà bông,” “thằng vô công rỗi nghề.” Tuy nhiên lũ con nhà Sylva vẫn bảo vệ gã một cách kiên quyết, và nhiều lần vì danh dự của gã, chúng đã đánh nhau dữ dội, mắt thâm quầng, mũi toác máu là chuyện thường ngày, chuyện đó lại làm Maria thêm phiền hà khó xử.
Có một lần Martin gặp chị Gertrude ở dưới khu Oakland, và gã đã biết một điều mà gã thấy là không thể nào khác được – Bernard Higginbotham rất giận gã, vì gã đã đưa gia đình tới chỗ để cho thiên hạ phỉ nhổ, và hắn ta cấm cửa gã.
“Martin ơi, tại sao em không đi nơi khác khác đi?” Chị Gertrude van vỉ. “Đi đi, kiếm lấy một công ăn việc làm ở một nơi nào đó, rồi mà sinh sống. Sau đây, khi tất cả những chuyện tai hại này qua đi, em lại có thể trở về.”
Martin lắc đầu nhưng không giải thích gì cả. Gã biết giải thích thế nào? Gã kinh hãi vì cái vực sâu đáng sợ của tri thức ngăn gã với những người trong gia đình gã. Gã sẽ không bao giờ bước qua được cái vực đó và giảng giải cho họ hiểu được quan điểm của mình, quan điểm của Nietzsche đối với chủ nghĩa xã hội[124]. Trong ngôn ngữ Anh cũng như trong bất kỳ một ngôn ngữ nào đều không đủ từ để có thể làm cho họ hiểu thái độ và hành vi của gã. Quan niệm cao nhất của họ coi hành vi đứng đắn trong trường hợp của gã, là tìm một công việc. Đó là tiếng nói đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ. Đó là toàn bộ từ vựng tư tuởng của họ. Kiếm một việc làm! Đi làm! Thương thay! Những kẻ nô lệ ngu xuẩn, gã nghĩ như vậy, trong khi chị gã nói. Không còn lạ lùng gì nữa, thế giới thuộc về kẻ mạnh. Những kẻ nô lệ bị ám ảnh bởi cái thân phận nô lệ của chính họ. Công việc đối với họ là một thần tượng bằng vàng mà họ sẽ quỳ xuống và tôn thờ.
Gã lại lắc đầu khi chị Gertrude đưa cho gã tiền, tuy gã biết rằng trong ngày hôm nay gã lại phải bước chân tới một hiệu cầm đồ.
“Bây giờ em đừng tới gần anh Bernard,” chị gã căn dặn. “Nếu em có muốn đến để ở vài tháng nữa, đợi anh ấy nguôi đi; lúc ấy em có thể đến lái xe giao hàng cho anh ấy. Còn bất cứ lúc nào cần đến chị, em cứ gọi, chị sẽ tới ngay. Đừng quên điều đó, em nhé!”
Chị vừa bước đi vừa nức nở khóc thành tiếng; gã thấy một nỗi buồn đau nhói xuyên qua người khi nhìn thân hình nặng nề, dáng đi xiêu vẹo của chị. Nhìn chị bước đi, cái cơ sở lý luận triết học Nietzsche hình như lung lay, xiêu vẹo. Cái giai cấp nô lệ trừu tượng chung chung thì được, không hề gì, nhưng một khi nó cụ thể trong gia đình gã thì không phải là chuyện hoàn toàn thỏa mãn lắm. Thật vậy, nếu có một người nô lệ nào bị kẻ mạnh chà đạp, thì người nô lệ đó chính là chị Gertrude của gã. Gã cười lên man rợ vì cái điều ngược đời ấy. Một tín đồ của Nietzsche xuất sắc như gã, mà lại để cho quan niệm lý tính của mình bị dao động vì một chút tình cảm, một phút xúc động đầu tiên vương vấn trong đầu – ôi, mà lại bị dao động bởi chính cái quan niệm đạo đức nô lệ, vì đó thực sự là tình thương của gã đối với chị. Những người cao quý chân chính là những người vượt lên trên được tình thương và lòng trắc ẩn. Tình thương và lòng trắc ẩn phát sinh ra trong những hầm ở dưới đất nhốt những người nô lệ, nó không hơn những nỗi đau khổ, những giọt mồ hôi của đám đông những kẻ khốn khổ, yếu hèn.
--------------
[124] Chỗ này, ý tác giả muốn nói Martin là tín đồ của triết học siêu nhân của Nietzsche, không tin vào lực lượng của quần chúng, lúc nào cũng nghĩ tới chuyện một hiệp sĩ cưỡi ngựa sắp tới để làm chủ thế giới.