ự hổ thẹn của mặt trời” được xuất bản vào tháng mười. Trong khi Martin cắt những sợi dây buộc bưu kiện ra, dăm bảy cuốn sách của nhà xuất bản gửi biếu tung ra trên mặt bàn, một nỗi buồn nặng nề xâm chiếm lấy gã. Gã nghĩ tới cái giây phút sung sướng điên người nếu như sự việc này xảy ra vài tháng trước đây và gã đem đối lập niềm vui có thể có được ấy với sự lạnh lùng thờ ơ hiện nay của mình. Cuốn sách của gã, cuốn sách đầu tiên của gã, thế mà mạch máu trong người gã không đập rộn lên một chút xíu nào, gã chỉ cảm thấy buồn thôi. Bây giờ nó chẳng có ý nghĩa gì đối với gã. Cái ý nghĩa lớn nhất giờ đây của nó là có thể đem lại một số tiền, và tiền đối với gã giờ đây cũng chẳng có nghĩa lý gì. Gã mang một cuốn sách xuống bếp đưa cho chị Maria. “Sách của tôi viết đấy!” Gã cắt nghĩa để làm cho chị hết bàng hoàng. “Tôi viết nó ở trong buồng kia kìa, và tôi chắc rằng một ít súp rau của chị đã giúp vào việc tạo nên cuốn sách này. Chị giữ lấy, tôi xin biếu chị đấy. Chị giữ nó để nhớ đến tôi, chị hiểu không?” Gã không khoe khoang, không trưng trổ gì cả. Động cơ duy nhất của gã là làm cho chị sung sướng, cho chị kiêu hãnh vì gã để xác minh lòng tin vững chắc của chị đối với gã bấy lâu. Chị mang cuốn sách ra phòng ngoài đặt lên trên cuốn kinh Thánh của gia đình. Cuốn sách này là vật thiêng liêng mà người thuê nhà của chị đã tạo ra, một vật thiêng của tình bạn. Nó đã làm nhẹ nỗi gian khổ làm nghề thợ giặt của gã, và tuy không hiểu một dòng nào trong đó, chị vẫn biết rằng mỗi dòng trong đó đều vĩ đại. Chị là người chất phác, thực tế, một người đàn bà cần cù, nhưng trời phú cho lòng tin vô cùng to lớn. Cũng không một một chút cảm động như khi nhận cuốn sách “Sự hổ thẹn của mặt trời” gã đọc những bài phê bình cuốn sách đó do Nghiệp đoàn Cung ứng gửi tới hàng tuần. Cuốn sách đã thành công, điều đó là rõ ràng. Như thế có nghĩa là túi tiền của gã có thêm nhiều vàng. Gã sẽ lo liệu cho Lizzie, thực hiện những lời hứa của gã, gã vẫn còn đủ tiền để dựng một lâu đài với những bức tường bằng cỏ. Công ty xuất bản Singletree Darnley đã thận trọng chỉ cho xuất bản một nghìn năm trăm bản, nhưng bài phê bình đầu tiên đã khiến phải cho tái bản lần thứ hai với số in gấp đôi, trước khi sách phát hành thì đã đặt in đợt thứ ba với số lượng năm nghìn cuốn. Một nhà xuất bản ở London đánh điện điều đình xin xuất bản ở Anh, liền theo đó là có tin bản dịch tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Scandivanian đang được tiến hành. Sự công kích trường phái Maeterlinck không thể nào hợp thời hơn nữa. Một trận bút chiến kịch liệt nổ ra. Saleeby và Haeckel ủng hộ và bảo vệ tác phẩm “Sự hổ thẹn của mặt trời” vì họ có cùng quan điểm. Crookes và Wallace[132] đứng ở phía đối địch, còn ngài Oliver Lodge[133] thì định đề xuất một quan điểm dung hòa để cho nó phù hợp với cái lý luận đặc biệt về vũ trụ của ông ta. Những môn đồ của Maeterkinck tập hợp quanh lá cờ của chủ nghĩa thần bí. Về vấn đề này Chesterton viết một loạt bài được cho là không đứng về phía bên nào, làm mọi người được một mẻ cười, vì tất cả sự việc đó, cả cuộc tranh luận và những người tranh luận đều hầu như bị gạt xuống hố bởi một bài phê bình sấm sét của George Bernard Shaw. Chả cần phải nói thêm là vũ đài chật ních những người có tài năng kém hơn, bụi, mồ hôi, tiếng rầm rầm vẫn kinh khủng. “Thật là một điều hết sức kỳ lạ,” Công ty xuất bản Singletree Darnley viết cho Martin. “Một tác phẩm luận văn phê bình triết học lại bán chạy như một cuốn tiểu thuyết. Ông không thể nào chọn một đề tài tốt hơn như vậy; tất cả những nhân tố đóng góp vào thuận lợi một cách không giải thích được. Cũng chẳng cần nói với ông rằng chúng tôi đang cướp lấy thời cơ. Hơn bốn mươi ngàn cuốn đã được bán ở Mỹ và Canada, trên khuôn còn đang in một lần tái bản nữa với số in hai mươi ngàn cuốn. Chúng tôi đang làm việc quá sức, cố gắng làm thỏa mãn nhu cầu của thị truờng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phải mất nhiều công sức để tạo ra nhu cầu ấy. Chúng tôi đã tiêu mất năm nghìn đô la để quảng cáo. Cuốn sách này nhất định là đã phá kỷ lục về số phát hành. “Xin ông nhận ở đây bản sao tờ hợp đồng cho cuốn sách sau mà chúng tôi đã mạo muội gửi tới ông. Chắc ông cũng sẽ lấy làm hài lòng mà thấy rằng chúng tôi đã tăng bản quyền tác giả lên hai mươi phần trăm, đó là giá tiền cao nhất mà một nhà xuất bản bảo thủ dám trả. Nếu đề nghị này hợp ý ông, xin ông làm ơn điền vào chỗ trống tên cuốn sách của ông. Chúng tôi không qui định gì về tính chất của cuốn sách. Bất cứ cuốn sách nào về bất cứ chủ đề nào cũng được. Nếu ông có cuốn nào đã viết rồi thì càng tốt. Đây là thời cơ cần phải ra lò. Sắt không thể nung nóng hơn được nữa. “Nhận được bản hợp đồng có ký tên của ông, chúng tôi sẽ rất vui mừng gửi ngay ứng trước cho ông một số tiền bản quyền tác giả là năm ngàn đô la. Như ông rõ, chúng tôi tin ở ông, chúng tôi đang tiếp tục làm cái việc lớn này. Chúng tôi cũng đang muốn bàn với ông làm những hợp đồng dài hạn nhiều năm, có thể là mười năm, chúng tôi sẽ được độc quyền in thành sách tất cả những tác phẩm ông viết ra. Nhưng chuyện này chúng ta sẽ bàn thêm sau.” Martin đặt bức thư xuống, gã làm một con tính nhân, nhân mười lăm xu lên sáu mươi nghìn lần như thế là được chín nghìn đô la. Gã ký vào tờ hợp đồng mới, rồi điền tên “Khói của niềm vui”[134] vào chỗ trống, rồi gửi lại cho nhà xuất bản cùng với hai mươi truyện ngắn của gã đã viết từ những ngày gã còn chưa biết công thức viết những truyện ngắn để đăng báo như thế nào. Và ngay lập tức, rất nhanh, nhanh chừng nào mà thư tín ở Mỹ có thể tới nơi và trở lại, gã nhận được ngân phiếu năm ngàn đô la của Công ty Singletree Darnley. “Chị Maria, chiều nay, khoảng hai giờ tôi muốn chị xuống phố với tôi.” Martin nói sáng hôm đó, khi tấm ngân phiếu tới. “Hay tốt hơn là chị hãy đợi tôi ở Broadway, đường mười bốn, lúc hai giờ. Tôi sẽ tìm chị ở đó.” Đúng giờ hẹn, chị Maria đã ở đó, nhưng “giầy” là đầu mối duy nhất của các điều bí hiểm mà đầu óc chị có thể suy ra, và chị thấy thất vọng rõ ràng khi Martin dắt chị thẳng qua hiệu giầy đến phòng văn khế thực sự. Những điều đã xảy ra ở đó còn đọng lại mãi mãi về sau trong óc chị như một giấc mộng. Những người quý phái lịch sự ở đó mỉm cười với chị một cách nhân từ khi họ nói chuyện với Martin hoặc nói chuyện với nhau; một cái máy chữ lách cách, những chữ ký được ký trên một tờ văn tự nom trang trọng, người chủ nhà của chị cũng ở đó và cũng ký vào. Khi đã xong đâu vào đấy và khi đã ra tới hè phố, người chủ nhà nói với chị: “Bà Maria, tháng này bà không phải trả tôi bảy đô la rưỡi nữa.” Maria quá mừng rỡ không nói được nữa. “Cả tháng sau, tháng sau, tháng sau nữa cũng vậy,” người chủ nhà nói thêm. Chị ấp úng cám ơn ông ta, coi đấy như một ân huệ. Mãi đến lúc chị quay về nhà ở khu Oakland, hỏi bà con láng giềng và nhờ lão chủ hiệu thực phẩm Bồ đào nha xem kỹ lại cho, chị mới thật biết rằng chị đã là chủ nhân của căn nhà nhỏ mà chị đã sống và đã phải trả tiền thuê bao lâu nay. “Tại sao ông lại thôi không giao thiệp mua bán hàng của tôi nữa?” lão chủ hiệu thực phẩm Bồ đào nha hỏi Martin chiều hôm đó; lão bước ra gọi gã khi gã ở trên xe điện xuống. Martin cắt nghĩa là gã đã thôi không nấu ăn lấy nữa, và rồi bước vào cửa hiệu, cùng uống rượu với chủ nhân. Gã nhận thấy đây là thứ rượu ngon nhất mà lão Bồ đào nha có trong kho. “Chị Maria ạ,” Martin nói đêm hôm đó. “Tôi sắp sửa từ biệt chị đây. Cả chị nữa cũng sắp sửa từ biệt đây thôi. Chị có thể đem cái nhà này mà cho thuê, và trở thành chủ nhà. Chị có một người em trai ở San Leandro hoặc ở Haywards thì phải, anh ta buôn sữa mà. Tôi muốn chị trả lại tất cả những bộ quần áo người ta đem đến giặt này, cứ để nguyên thế trả lại không giặt, chị hiểu không, không giặt và ngày mai chị sẽ đi ngay San Leandro hoặc Haywards, hoặc một nơi nào đó, để gặp cậu em của chị. Bảo anh ta đến gặp tôi. Tôi sẽ ở khách sạn Metropole khu Oakland. Anh ta hẳn biết thế nào là một trại bò sữa tốt.” Thế là Maria thành bà chủ nhà và bà chủ duy nhất của một trại sản xuất bò sữa, có hai người làm thuê giúp việc, có một tài khoản ở ngân hàng, tài khoản này cứ ngày một tăng lên một cách chắc chắn mặc dù đàn con chị đứa nào cũng có giày đi và đứa nào cũng được đi học. Rất ít người có may mắn được gặp những chàng hoàng tử trong truyện tiên mà họ hằng mơ tới, nhưng Maria, một con người suốt đời vất vả, đầu óc đã chai cứng, không bao giờ mơ tới những chàng hoàng tử trong truyện tiên thì đã lại gặp chàng hoàng tử của mình, chàng hoàng tử mà xưa kia đã từng làm nghề thợ giặt. Trong lúc đó thì thiên hạ đã bắt đầu hỏi: “Martin Eden này là ai nhỉ?” Gã đã cự tuyệt không cung cấp cho nhà xuất bản một chút gì tiểu sử của mình, nhưng đối với báo chí thì không thể nào giấu được. Oakland là thành phố quê hương của gã, bọn ký giả moi ra được rất nhiều người có thể cung cấp tài liệu cho họ. Tất cả những cái có thật và không có thật về gã, tất cả những cái gã đã làm và hầu hết những cái gã không làm đều được tung ra để đáp lại cái thích thú của quần chúng, kèm theo những bức ảnh chụp vội, những tấm ảnh của gã – những tấm ảnh này do một người thợ ảnh trong vùng trước kia đã có lần chụp cho Martin, bây giờ anh ta vội phóng lại, tung ra bán. Lúc đầu, do sự ác cảm ghê gớm của gã đối với các tạp chí và đối với toàn bộ xã hội tư bản, gã phản đối kịch liệt cái việc quảng cáo đó, nhưng cuối cùng, bởi vì thà đừng phản đối nữa lại dễ chịu hơn nên gã đã phải đầu hàng. Gã thấy mình không thể nào từ chối không tiếp các nhà văn đặc biệt từ những miền rất xa xôi đến để gặp gã. Thế rồi hàng ngày cứ phải tiếp như vậy hàng giờ, nhưng vì gã không còn bận viết, bận học tập nữa, thì những giờ đó cũng phải dùng vào một việc gì đó chứ. Vì thế gã đành nhượng bộ, một điều mà đối với gã là một sự thay đổi bất thường – để cho phỏng vấn, và phát biểu ý kiến về văn học và về triết học, thậm chí còn nhận lời mời của bọn tư sản nữa. Gã đã tạo cho mình một tâm trạng lạ lùng và yên ổn. Gã không còn cần gì nữa. Gã tha thứ cho mọi người; ngay cả gã ký giả non choẹt đã tô vẽ gã là một “tên đỏ,” gã còn để cho gã ta viết bài đăng đầy một trang với những bức ảnh chụp theo các kiểu đặc biệt. Thỉnh thoảng gã gặp Lizzie, rõ ràng là nàng thấy tiếc vì danh vọng đã đến với gã. Nó càng làm rộng thêm khoảng cách giữa hai người. Có lẽ với hy vọng làm hẹp bớt cái khoảng cách ấy mà nàng thuận theo lời gã thuyết phục, đi học lớp buổi tối và học ở viện thương nghiệp; chỉ mặc quần áo do một tay thợ may kỳ tài cắt, thằng cha chém một giá kinh khủng. Dần dần nàng tiến bộ trông thấy đến nỗi Martin phải tự hỏi gã làm như thế có đúng không, bởi gã biết rằng nàng thuận theo như vậy, cố gắng như vậy là vì gã. Nàng cố gắng làm cho mình xứng đáng trong con mắt gã – một loại xứng đáng mà hình như gã coi trọng. Tuy nhiên, gã vẫn không cho nàng một chút hy vọng nào, gã đối xử với nàng như một người anh trai và rất ít khi đến tìm nàng. “Quá hạn” được Công ty xuất bản Meredith-Lowell tung ra thị trường trong lúc gã đang được người ta ngưỡng mộ nhất, và vì là tiểu thuyết nên số sách bán được còn lớn hơn “Sự hổ thẹn của mặt trời.” Tuần nọ kế tiếp tuần kia, trong bản thống kê những sách bán chạy nhất thì hai tác phẩm của gã đứng đầu bảng, một sự thành công xưa nay chưa từng có. Truyện của gã không phải chỉ những độc giả thích tiểu thuyết đọc, mà cả những người đã đọc ngốn ngấu cuốn “Sự hổ thẹn của mặt trời” cũng bị câu chuyện về biển ấy hấp dẫn, vì sự hiểu thấu vũ trụ bậc thầy của gã đã dùng để xử lý câu chuyện. Trước hết, gã đã công kích thứ văn học thần bí chủ nghĩa, và gã đã rất thành công; sau đó, gã còn thành công trong việc cung cấp chính loại văn học mà gã muốn trình bày, gã đã tỏ ra mình là một thiên tài hiếm có, một nhà phê bình và đồng thời là một nhà sáng tạo. Tiền bạc ùn ùn kéo đến, danh vọng cũng ùn ùn kéo đến với gã, gã lóe sáng, như một vì sao chổi qua cái thế giới của văn học, nhưng gã chỉ cảm thấy hay hay hơn là thích thú vì sự chấn động gã gây ra đó. Có một điều làm gã lúng túng, một điều nhỏ, mà nếu như thiên hạ biết thì hẳn cũng sẽ lấy làm lúng túng. Nhưng thiên hạ sẽ chỉ lúng túng vì sự lúng túng của gã thôi chứ không vì cái chuyện nhỏ nhặt mà đối với gã lại hiện ra lù lù to lớn. Thẩm phán Blount mời gã đến ăn. Đó là một chuyện nhỏ, hay là bắt đầu một chuyện nhỏ rồi chẳng bao lâu nó sẽ trở thành một chuyện lớn. Gã đã sỉ nhục thẩm phán Blount, đối xử với ông ta một cách tồi tệ, và thẩm phán Blount gặp gã ở ngoài phố lại mời gã đến nhà ăn. Martin nhớ lại rất nhiều lần gã đã gặp thẩm phán Blount ở nhà ông Morse, và hồi đó không lần nào ông ta mời gã đến ăn cả. Tại sao lúc đó ông ta lại không mời gã đến ăn? Gã tự hỏi. Gã vẫn không thay đổi gì. Gã vẫn là cái anh chàng Martin Eden ấy thôi. Cái gì đã làm nên sự khác nhau đó? Có phải những cái gã đã viết từ xưa đã xuất hiện bên trong các bìa sách không? Nhưng đó là tác phẩm đã viết xong từ lâu rồi. Đó có phải là cái gã làm ra từ đó đến giờ đâu. Những tác phẩm ấy hoàn thành chính ngay từ lúc thẩm phán Blount cũng cùng chung một quan điểm này, vừa nhạo Spencer của gã và cả cái tri thức của gã. Vì thế, không phải vì một giá trị thực sự nào, mà chỉ là vì một giá trị hoàn toàn hư cấu đã khiến thẩm phán Blount mời gã đến ăn. Martin cười gằn và nhận lời, trong khi đó gã vẫn lạ lùng về sự dễ tính của mình, Ở bàn ăn, giữa sáu bảy người có địa vị cao cùng các phu nhân, Martin hoàn toàn thấy mình như một vị chúa tể; thẩm phán Blount được thẩm phán Hanwell ủng hộ một cách nồng nhiệt, đã đề nghị riêng với Martin cho phép ghi tên gã vào câu lạc bộ Styx – một câu lạc bộ chọn lọc bậc nhất, trong đó không phải chỉ những người có tiền tham gia mà cả những người đã thành đạt, có địa vị. Martin từ chối vì gã càng thấy lúng túng hơn bao giờ hết. Gã đang bận túi bụi sắp đặt cho đống bản thảo của gã. Gã đang bị dồn thúc bởi những đòi hỏi của các chủ bút. Người ta đã phát hiện ra gã là một nhà văn có phong cách đặc biệt, phong cách kèm theo cả tư tưởng nữa. Tờ “Bình luận phương Bắc,” sau khi đăng bài luận văn “Chiếc nôi của cái Đẹp” đã viết thư yêu cầu gã gửi cho năm sáu bài như thế nữa, những bài này đáng lý có thể lấy ngay từ đống bản thảo kia, nếu tạp chí “Burton” xuất phát từ tâm lý đầu cơ không đặt gã năm bài và trả mỗi bài năm trăm đô la. Gã viết thư trả lời là sẽ đáp ứng yêu cầu nhưng đòi mỗi bài một nghìn đô la. Gã nhớ lại rằng tất cả những bản thảo của gã xưa kia đã bị từ chối bởi chính những tạp chí mà hiện đang ầm ĩ đòi mua này. Sự từ chối của họ thật là lạnh lùng, máy móc rập khuôn. Họ đã làm cho gã phải đổ mồ hôi; bây giờ, gã cũng định làm cho họ phải đổ mồ hôi. Tờ tạp chí “Burton” nhận trả năm bài luận văn với giá tiền gã yêu cầu, và bốn bài còn lại cũng bị tờ “Nguyệt san Mackintosh” vồ lấy với cùng một giá như vậy; tờ “Bình luận phương Bắc” quá nghèo không theo kịp. Thế là những bài luận văn “Những vị đại mục sư của thần bí”, “Những kẻ mơ mộng những điều kỳ lạ”, “Cái thước của cái tôi”, “Triết học của ảo tưởng”, “Ông thánh và cục đất”, “Nghệ thuật và Sinh vật học”, “Phê bình và Ống nghiệm”, “Mảnh sao”, “Giá trị của sự cho vay nặng lãi” ra đời để gây sóng gió; dư luận sôi nổi, bàn tán hàng bao nhiêu ngày liền mới lắng dần. Các chủ bút viết thư yêu cầu gã cho biết điều kiện gã qui định, gã đã làm việc đó, nhưng tất cả tác phẩm đều là những cái gã đã hoàn thành từ lâu. Gã nhất quyết thề không viết một cái gì mới. Ý nghĩ lại đặt bút trên giấy làm gã phát điên lên. Gã đã từng thấy Brissenden bị quần chúng xé ra từng mảnh, và mặc dầu gã được quần chúng ngưỡng mộ, gã cũng không thể nào quên được nỗi bực bội mà cũng không thể có được một chút lòng tôn trọng đối với quần chúng. Chính sự nổi tiếng của gã hình như là một điều sỉ nhục, một sự phản bội đối với Brissenden. Điều đó làm gã rụt lại, nhưng gã quyết định cứ tiếp tục làm đầy túi tiền của mình. Gã nhận được thư của các ông chủ bút đại loại như thế này: “Khoảng một năm trước đây chúng tôi thật là bất hạnh đã từ chối tập thơ tình của ông. Hồi ấy, những bài thơ đó đã làm cho chúng tôi xúc động rất nhiều, nhưng cũng còn một vài sự sắp xếp khác đã khiến chúng tôi lúc bấy giờ không thể nhận đăng được. Nếu bây giờ ông hãy còn giữ những tập thơ đó, và nếu ông vui lòng gửi lại, chúng tôi sẽ lấy làm sung sướng được in toàn bộ theo giá ông định. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị những điều kiện có lợi nhất để cho in thành sách.” Martin thu nhặt vở kịch không vần của gã gửi thay cho tập thơ tình. Gã đọc lại một lượt trước khi gửi đi, và gã có một ấn tượng đặc biệt vì sự non nớt như một bài luận của một cậu sinh viên và sự hoàn toàn vô giá trị của nó. Tuy nhiên, gã vẫn gửi đi, và vở kịch đã được in ra làm cho ông chủ bút phải tiếc hận đến muôn đời. Công chúng phẫn nộ và nghi ngờ. Đó là những lời lẽ lảm nhảm khác xa với cái tiêu chuẩn siêu việt của Martin Eden. Người ta đoán rằng gã không hề viết tác phẩm này, rằng toà soạn đã giở trò gian lận một cách quá ư vụng về, có người lại cho rằng Martin Eden đã bắt chước kiểu Dumas bố[135], trong lúc lên tới đỉnh cao danh vọng, đã thuê người viết hộ. Nhưng khi gã tuyên bố vở bi kịch ấy chỉ là những cố gắng bước đầu trong thời kỳ mới tập viết văn của gã và tờ tạp chí nọ đã khăng khăng đòi bằng được cho có bản thảo, nói là sẽ không được sung sướng nếu như không có bản thảo, thì thiên hạ được một trận cười ra trò và liền sau đó trong toà soạn có sự thay đổi chủ bút. Vở bi kịch đó không bao giờ được in thành sách, tuy Martin đã bỏ túi tiền bản quyền tác giả trả trước. Tờ tuần báo “Coleman” đã đánh cho Martin một bức điện rất dài, mất gần ba trăm đô la yêu gã viết cho hai mươi bài, mỗi bài giá một nghìn đô la. Họ đề nghị gã đi du lịch một chuyến trên khắp đất Mỹ, tiền phí tổn bao nhiêu họ sẽ chịu hết, và gã có quyền chọn viết bất cứ đề tài nào mà gã thích. Nội dung bức điện gợi ý rất nhiều đề tài cốt để gã thấy rằng gã có quyền lựa chọn trong một phạm vi rất rộng rãi. Chỉ có một điều hạn chế duy nhất là gã chỉ được giới hạn viết vấn đề trong đất nước Mỹ thôi. Martin đánh một bức điện do bên nhận trả tiền trả lời là rất tiếc và không có khả năng nhận được. “Wiki – Wiki” được đăng trên nguyệt san “Warren” là một thành công tức thì. Nó được in thành sách, mép để chừa ra rất rộng trình bày rất đẹp, hấp dẫn những độc giả đi nghỉ mát và bán rất chạy. Các nhà phê bình nhất trí tin rằng tác phẩm này đứng ngang hàng với hai tác phẩm cổ điển “Con quỷ trong bình”[136] và “Miếng da lừa”[137] của hai nhà văn vĩ đại. Tuy nhiên công chúng lại tỏ ra có chiều hướng lãnh đạm và nghi ngờ đối với tập “Khói của Niềm vui.” Sự táo bạo và bất chấp cả ước lệ của những truyện ngắn này làm tổn thương tới đạo đức và thiên khiếu của giai cấp tư sản. Nhưng sau khi ở Paris phát cuồng lên vì bản dịch vừa xuất bản thì công chúng độc giả ở Mỹ và ở Anh cũng theo và tranh nhau mua rất nhiều đến nỗi Martin buộc nhà xuất bản bảo thủ Singletree-Darnley phải trả tiền bản quyền tác giả đúng hai mươi nhăm phần trăm cho quyển thứ ba, đúng ba mươi phần trăm cho quyển thứ tư. Hai tập này gồm tất cả những truyện ngắn gã viết đã được đăng hoặc đang đăng liên tiếp làm nhiều kỳ. “Tiếng chuông” và tất cả những chuyện rùng rợn của gã được in vào một tập; tập kia gồm có “Mạo hiểm”, “Cái xoong”, “Men rượu của cuộc đời”, “Cơn lốc”, “Khu phố hỗn độn” và bốn truyện khác. Công ty xuất bản Lowell-Meredith vớ được toàn tập những bài luận văn của gã. Công ty Maxmillian mua được tập “Tập thơ về biển” và “Tập thơ tình”. Tập thơ thứ hai này đã được đăng nhiều kỳ trên tờ “Người bạn gia đình của các bà” sau khi tờ này đã phải trả một giá cắt cổ. Martin thở dài khoan khoái khi gã thu xếp xong cho tập bản thảo cuối cùng. Lâu đài thuyền cỏ và chiếc thuyền buồm bằng đồng trắng toát đã rất gần gũi với gã. Phải, rốt cuộc gã cũng thấy ra được ý kiến gã đúng khi tranh luận phản đối ý kiến của Brissenden cho rằng không có cái gì có giá trị mà lại có thể tìm đường đến được các tạp chí. Sự thành công của gã chứng tỏ rằng Brissenden đã lầm. Nhưng dù sao gã vẫn có cảm giác rằng Brissenden đúng. “Sự hổ thẹn của mặt trời” là nguyên nhân sự thành đạt của gã hơn là những cái khác mà gã đã viết. Những tác phẩm khác chỉ là ngẫu nhiên thôi. Nó đã bị các tạp chí vứt đi vứt lại. “Sự hổ thẹn của mặt trời” in ra dẫn tới một cuộc bút chiến và đã khiến mọi người đổ xô lại hoan nghênh gã. Nếu như không có “Sự hổ thẹn của mặt trời” thì đã không có sự đổ xô lại như thế và nếu như không có sự thành công huyền diệu của “Sự hổ thẹn của mặt trời” thì đã không có sự đổ xô lại như thế. Công ty xuất bản Singletree-Darnley đã chứng thực sự huyền diệu đó. Họ đã cho xuất bản lần đầu với số một nghìn năm trăm cuốn và họ còn nghi ngờ không biết có bán được hết không. Họ là những nhà xuất bản có kinh nghiệm và không ai ngạc nhiên hơn họ vì sự thành công tiếp theo đó. Đối với họ, nó quả thực là một chuyện huyền diệu. Họ không bao giờ có thể quên được chuyện đó, trong mỗi lá thư viết cho gã đều lộ rõ sự kinh ngạc tôn sùng của họ đối với sự kiện thần bí lúc đầu đó. Họ không nghĩ tới chuyện cắt nghĩa hiện tượng này, không có cách nào để cắt nghĩa cả. Nó đã xảy ra. Bất chấp mọi kinh nghiệm ngược lại, nó cũng cứ đã xảy ra. Lý luận như vậy, Martin bắt đầu nghi ngờ cái giá trị của sự nổi tiếng của mình Chính giai cấp tư sản đã mua sách của gã, và dốc vàng của nó vào túi gã và từ những điều hiểu biết rất ít của gã đối với giai cấp tư sản, gã không rõ tại sao giai cấp này lại có thể đánh giá được hoặc hiểu được những cái gã viết ra – Cái đẹp và sức mạnh thực chất của gã, có nghĩa gì đâu đối với hàng trăm hàng nghìn người đang tán thưởng và mua sách của gã. Gã là cái thị hiếu của thiên hạ lúc này; gã là một kẻ mạo hiểm đã dám lên quấy phá “Núi thơ” trong khi các thi thần đang gà gật. Hàng trăm hàng nghìn người đọc gã và tán thưởng gã với sự ngu dốt của bầy súc vật y như khi họ nhảy xổ vào bài thơ “Phù du” của Brissenden và xé nó ra từng mảnh – một bầy chó sói đáng lẽ giơ nanh cắn xé gã thì lại ve vuốt nịnh nọt gã. Nịnh nọt hoặc cắn xé, đó chỉ là chuyện may rủi thôi. Có một điều gã biết chắc chắn: “Phù du” vô cùng lớn hơn bất cứ cái gì gã đã viết. Nó vô cùng lớn hơn bất cứ cái gì có trong gã. Đó là một bài thơ của thế kỷ. Thế thì cái cống vật mà bọn bần tiện kia dâng gã là một cái cống vật đáng buồn, bởi vì cũng chính cái bọn bần tiện ấy đã dìm bài thơ “Phù du” xuống bùn đen. Gã thở dài nặng nề và mãn nguyện. Gã sung sướng vì tập bản thảo cuối cùng đã bán xong, và gã sắp được từ bỏ tất cả. ------------ [132] Sir William Crockes (1832 – 1919) – một nhà hóa học kiêm vật lý học người Anh, đã phát hiện ra chất Thorium. Alfred Russell Wallace (1823 – 1918) – một nhà sinh vật học người Anh, đã sưu tầm nhiều máu côn trùng, phát hiện ra nguồn gốc loài động vật và luật đào thải tự nhiên. Crockes và Wallace cảm thấy hứng thú với môn linh hồn học. [133] Sir Oliver Lodge (1851 – 1940) – một nhà vật lý học người Anh, đã nghiên cứu về chớp, điện từ và chất phóng xạ. [134] Nguyên văn: The Smoke of Joy. [135] Alexandre Dumas (1802 – 1870) – một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp, tác phẩm của ông có chừng 270 cuốn. Ông viết rất nhiều, nên có những lúc ông đã mượn người giúp việc. Những người giúp việc này căn cứ vào cốt truyện ông phác ra mà viết. Sau khi họ viết xong, ông lại xem lại, chữa lại chút ít rồi cho xuất bản. [136] Nguyên văn: The Bottle Imp – đó là một loại truyện viễn tưởng của R. Stevenson, lấy đảo Hawaii làm bối cảnh cùng với hai truyện vừa khác hợp thành một tập lấy đầu đề là “Đêm ngoài hải đảo”, xuất bản năm 1823. [137] Nguyên văn: The Imagic Skin của Balzac, xuất bản năm 1831.