Hệt như cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, khi bộ chỉ huy Cộng Hoà hay tin đối phương đã biết trước cuộc tiến công và đã đề phòng, lẽ ra họ phải dừng chiến dịch lại, nhưng không được nữa. Guồng máy đã khởi động rồi. Chương trình làm miến của ba anh em cũng giống như vậy. Biết rằng không có người làm kỹ thuật, mà thời ấy kỹ thuật cũng là then chốt - nhưng không thể dừng được nữa. Mái nhà đã lợp. Bếp đã làm. Lò đã đắp. Chảo gang đã mua. Chậu hoà bột- một cái chậu nhôm to phế phẩm vì bị móp một chỗ do Thao mua hộ ở mậu dịch giá 25 đồng- chum ngâm bột. Điện đã mắc. Một cái giường và bộ ấm chén đặt trong căn nhà rộng, vừa lợp xong giấy dầu. Cửa sổ, cửa ra vào làm tạm bằng tre. Mấy cái đòn ngồi uống nước. Cái điếu cày... Và năm mươi cái phên phơi hắn đã xe về, tập kết về dựng ở tường khu vườn hoang. Lại cả một đống than to tướng. Thế là nhẵn. Nhẵn cả hai trăm mốt của “ba anh thợ da thối”đang lăm le trở thành Gia Cát Lượng. Còn thiếu hai khoản quan trọng nhất. Hai khoản khổng lồ: Bột dong và máy thái. Ngày rằm tháng Bảy sắp tới nơi rồi. Chưa kể một điểm vô cùng quan trọng: kỹ thuật. Giang báo một tin phấn khởi: Giang đã nói với chị Hiên, chị đồng ý bán chịu cho cả bọn một tạ bột dong. Còn khó khăn về kỹ thuật thì thật không ai ngờ được người giải quyết lại là bà Phê Đô Thớt. Len đến. Len và Giang làm như không trông thấy nhau. Len đứng nói chuyện với hắn. Giang bỏ đi nháo than. Len bảo: “Em lại nhà, chị bảo anh ở dưới này”. Khi biết cả bọn không biết kỹ thuật, Len nói:- Hình như ngày mai các anh định nhóm lò phải không? Em thấy chị bảo thế. Chị đã đi xem ngày rồi. Dạo ấy hắn chưa tin điều Ngọc đã tin. Trên trốc cái tủ Bình đóng như quan tài dựng đứng, Ngọc đặt bàn thờ, ngày rằm, mùng một hương khói nghi ngút. Đây lại là một nét mới nữa ở Ngọc, cùng với cái nét sợ hãi, lo lắng về bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra mà hắn đã biết từ ngày hắn được tha về. Ky bảo:- Mai mồng mười tốt ngày. Mà cũng phải làm mới có miến bán vào rằm chứ. Chưa có máy cắt thì đi thuê. - Còn bột? - Hắn nêu một trở ngại - Chưa có bột, chị Hiên đã về đâu? Len bảo:- Chị Hiên chiều nay ở Nam Định về. Anh bảo anh Giang về nói chị Hiên để lại cho hai bao. Ngâm bột đi, em tráng cho. Hắn ngạc nhiên:- Em tráng được không? Em biết tráng đấy à? -Hắn mừng quá gọi: - Giang ơi Giang đang bì bọp giữa đống than ở gần đấy, hai ống chân đen nhánh, giả cách không nghe thấy. Hắn bảo Ky ra nháo than cho Giang để Giang về nhà. Giờ này ô-tô Nam Định sắp về rồi. Giang đi ra ao rửa chân tay. Chỉ còn hai người, hắn hỏi khẽ:- Cô cậu giận nhau đấy à?Len mặt lạnh đi một tý, rồi nói:- Em có con bạn làm miến mà. Em vẫn sang nhà nó, tráng hộ nó. Anh cứ yên tâm. Hắn cười:- Thế mà cậu Giang không nói gì cả. - Anh ấy cũng không biết em tráng được đâu. Thế là ổn rồi. Còn mỗi chuyện thái. - Cứ tráng đi cái đã. Giang rửa chân tay xong quay lại, vẫn không nhìn Len:- Em về xem bột bạch thế nào nhé. Chờ Giang đi một quãng, Len nói với hắn khe khẽ:- Anh bảo anh Giang hễ có bột xe luôn lại đây, em chờ. Hắn gọi to:- Có bột thì đem lại đây ngay nhé. Giang không quay lại, cũng không trả lời. Hắn hỏi Len:- Có chuyện gì thế, em?Len sa sầm mặt. không nói. Một lúc sau Len thở dài:Chúng em... thôi nhau rồi. Hắn hoảng hốt:- Sao? Sao lại thếBố mẹ em không cho em quan hệ với anh ấy. - Thế còn em?Len rơm rớm nước mắt. Hắn còn nhớ rõ lúc đó. Chưa bao giờ hắn thấy cô gái ấy xinh dẹp và đáng yêu như vậy. Len cúi nhìn xuống. Răng cắn lấy môi. Cô cố giữ, nhưng vẫn để rơi những giọt nước mắt. Thế là Len nói. Rời rạc. Lộn xộn. Nhưng hắn hiểu. Len vẫn yêu Giang. Giang đã đối xử thô bạo với Len khi biết bố mẹ Len không muốn Giang đến nhà, khi thấy Len lỡ hẹn. Mà Len không thể đúng hẹn được. Vì bố mẹ Len... Hai ông bà đều làm ở nhà máy cơ khí Thống Nhất. Phân xưởng đúc. Hắn đã đến làm việc ở đấy nhiều lần. ở đó cái pông ru-lăng chạy chung quanh phân xưởng. Cái pông ru-lăng ấy đã nằm trong một trang của quyển truyện dài Làn sóng thứ nhất mà Sở Công an đã thu. Không thể trách hai ông bà. Cũng không thể trách Giang, hay trách Len. Nhưng thương. Thương Giang. Thương Len. Chiếc xe xích-lô bột đến lúc chiều tà. Giang nói:- Chị Hiên cho chịu. Sau rằm tháng Bảy mới phải trả tiền. Len bảo phải ngâm bột ngay. Phải có ít hàn the. Cứ ngâm đầy vại. Tráng không hết để đến ngày hôm sau. Thay nước đều không việc gì hết. Càng trắng bột. Phải có người ở lại trông. Hắn và Giang ở lại. Ky về, Len bảo: “Em lại chị đây. Báo cho chị biết anh không về được”. “Bảo cháu mang cơm cho anh, cho cậu Giang luôn nhé!”. “Vâng!. Buổi tối, cơm xong, hai anh em ngồi ôn chuyện tù. Chẳng thiếu chuyện gì không nói. Hoá ra là một đêm thức gần tới sáng. Náo nức với những dự định. Náo nức với những phép cộng trừ, giữa tiền bán miến và tiền mua bột, mua than, cái bây giờ ta gọi là đầu vào, đầu ra, là hiệu quả. Náo nức vì có thể có một công việc lâu dài. Khi quen nhau cả hai là những thằng tù, muốn nói với nhau một câu phải hẹn nhau và làm như vô tình gặp nhau trong nhà mét. Giờ đây thoải mái chuyện trò. Cả hai đã tự do. Là những người tự do. Cái cảm giác ấy rất lạ. Như quen nhau từ cuộc đời trước, từ kiếp nào rồi. Lại cũng như mới quen. Rất lạ. Vì mình đã trở thành những con người. Dù vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo con vật: Nỗi lo kiếm sống.Muỗi vo ve, đốt ở chân, ở mặt, ngọn điẹn trong buồng hắt ra mảnh vườn có ươm dây khoai lang, chơ vơ một cây nhãn khẳng khiu. Bọn hắn ngắm trời. Trời này còn nắng, không mưa. Trời cũng ủng hộ bọn hắn đây. Giang xem lại cái vàng bàng vải pô-pơ-lin trắng úp lợp lên trên vòng tròn bằng tôn tráng kẽm đặt trên chảo gang. Bánh đa sẽ được tráng ở đấy. Hắn cạo cạo lại cái muôi b ằng sọ dừa nhẵn bóng. Rồi lại nhòm vào vại bột. Khuya lắm rồi. Một con chim săn mồi vụt qua quầng sáng ngoài cửa sổ. Chính lúc ấy hắn nhớ đến Sơn, đến những con vắt đo rào rào trong buổi hắn và Sơn đi tìm ráy. Con chim đêm bay không một tiếng động. Cuộc sống không lúc nào ngưng nghỉ. Cuộc sống dù khốn nạn đến đâu cũng vẫn đẹp. Người ta chỉ làm giảm đi vẻ đẹp của nó thôi. Tự nhiên hắn hỏi Giang:- Trong tù, Giang sợ nhất cái gì?Giang ngẫm ngợi:- Em sợ nhất khám trại. Hắn cười khoái chí:- Đúng. Anh cũng vậy. Anh cũng giống Giang, sợ nhất khám trại. Khám trại. Bình thường thôi. Còn được nghỉ buổi làm nữa. Mà sao sợ thế. Tất cả mang nội vụ ra sân, ngồi ngả nghiêng với đống quần áo chăn màn, gô, ống bương, hòm, cặp lồng, bát, cùi dìa, khàn mặt, điếu, đóm... chờ đến lượt mình được khám. Cán mắt loà, ngả người vào đống chăn màn ít ỏi, vê đi vê lại trên cái đàn mandoline:Tôi hát ngàn lời caNồng nàn như nắng ban maiTiếng đàn rót vào tai những người tù chờ khám trại. Họ cứ ngồi chầu hẫu với những thứ nội vụ ấy, trong khi ông công an và người tù trật tự trại còn ở mãi đầu kia khám những toán khác. Thật không khác gì con vật. Nắng vẫn phải ngồi. Mưa thì liều liệu dạt vào các hè buồng giam. Lúc đó không ai được vào buồng. Lúc đó trong các buồng đều có công an khám xét từ mái nhà đến gầm sàn. Cả trong nhà mét. Buồng nào cũng lôi ra được bao thứ: Dao, than, nứa, muối, rau, sắn... (Họ bảo ở Hà Giang có lần khám trại thấy ở trên mái nhà toàn dao phay - Thật là cả một kho vũ khí).Những toán khám xong được trở về buồng. Nghe rầm rầm trong buồng. Họ quét bụi ở sàn, kê lại sàn. Giải chiếu. Đặt nội vụ. Họ kiểm tra những thứ đã yểm xem còn hay mất. Những người tù chưa được khám vẫn còn vạ vật ngoài sân. Lo nghĩ tới củ su hào đã vùi vào đống mùn cưa trong nhà mét. Nắm than đã chôn xuống đất, tận gầm sàn dưới, con dao đã giắt trên mái nhà... v. v... Và chờ. Chờ đến lượt mình được khám. Chờ các ông ấy đến. Mặc cho tiếng đàn của Cán nỉ non:Hùng thiêng như núi sông dàiLà một niềm tin... Cứ thoải mái mà chờ. Mà hút thuốc lào. Nằm co quắp trên mảnh chiếu. Nhắm nghiền mắt tránh nắng. Lột thêm mấy cái đóm ké. Lấy cát đánh lại cái gô bị nhọ... Cuối cùng các ông ấy cũng đến. Tiếng đàn của Cán im bặt. Các ông dừng lại trước một anh tù. Anh ta đứng lên giũ tung chăn màn, bị bọc, mở nắp gô đậy nắp cặp lồng trước con mắt soi mói và cái đầu gật gù của ông công an. Những bộ quần áo vá víu, những cái chăn, cái màn, vừa giũ một cái, rệp đã bàn tung ra như vãi mạ, khiến ông công an giật thót người lùi lại, còn anh em thì cười rộ lên. Rồi giơ hai tay để các ông công an nắn vuốt người. (Hắn thấy rõ các ông công an nhăn mặt lại khi nắn vì sợ bẩn, sợ rệp).Hắn chẳng quên được cái cảm giác mình là súc vật trong lúc đó, suốt từ lúc ngồi theo từng toán với đống nội vụ, chờ được khám cho đến lúc khám xong. Phổ nói: Cách hành hạ tù nhân tốt nhất là cho ăn nhiều món để chỉ chia cũng chết, không còn thời gian nghỉ. Hắn nghĩ phải bổ sung thêm một biện pháp nữa: Tăng cường khám trại.Đến khi được trở về buồng và ổn định nội vụ, lấy nước xong và chỉ còn chờ cơm, Tất Tình giằng lấy đàn của Cán. Tiếng đàn của Tất Tình cất lên như vừa tai qua nạn khỏi. Như sung sướng được trở lại thành người. Như vui mừng vì còn được nghỉ ngơi. Nhí nhảnh một làn dân ca Phần Lan. Gợn sóng một khúc sông Danube. Bát ngát đồng quê quan họ. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi. Bao nhiêu sức lực bọn hắn đã bỏ ra trong các trại tù. Làm mà không được một cái gì. Làm cho đến kiệt quệ, cho đến rã rời. Đó là điều mà người ta gọi là “cải tạo lao động”. Bây giờ mới được làm cho mình. Làm để bù lại những ngày tháng đã mất, bù lại quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Hắn chẳng bao giờ có ý định làm giàu. Hắn chỉ muốn làm để có tiền nuôi con, giảm nhẹ phần nào những thiệt thòi của Ngọc. Nhưng Giang thì say sưa với những dự định, những viễn ảnh.Khi hắn ngủ dậy, mặt trời đã lên. Giang đã nhóm lò nước đã nóng già. Một lúc sau Ky đến. Và Len. Len làm toàn bộ công việc. Chắt nước trong chum ra. Rồi xắn bột. Bột trắng mịn, rắn như đanh. Hắn xắn thay Len. Chùn cả ngón tay mới được một miếng. Nhưng chỉ khó miếng đầu thôi. Miếng sau dễ hơn. Miếng bột mới xắn có góc cạnh để trong thau một lúc thì chẩy ra. Ky gánh nước. Cả bọn chăm chú nhìn Len hoà bột. Đó là kỹ thuật: Dừng loãng quá, đừng đặc quá. Cho vào một ít hàn the. Để giòn miến. Và một ít muối nữa. Để bánh đỡ vỡ, miến đỡ gẫy và ít hao vì muối hút ẩm. Rồi Len đưa cái muôi bằng sọ dừa múc bột đổ vào văng. Đậy vung lại. Như tráng bánh cuốn. Chỉ có khác là xeo lá bột chín tròn tròn lấy ra, đặt lên phên, còn một công đoạn nữa: dùng tay kéo căng lá bột cho mỏng, đều. Lá bột co giãn như cao-su. Phải kéo sát ra hai bên mép phên, vắt chúng về phía sau, giữ cho miếng bánh đa không co lại. Mọt tay Len kéo, một tay Len ấn vào giữa lá bánh, ép làm cho nó giãn đều. Ngón tay Len cong cong, đỏ hồng vì nóng giữa lá bánh nghi ngút khói. Làm xong quay lại bếp mở vung, đã thấy muôi bột tráng trên tấm vải pô-pơ-lin đổi từ màu trắng đục sang màu trắng trong, hơi nước làm phồng lên từng chỗ. Len đưa cái que gợi gợi xung quanh miếng bánh đa, rồi luồn que vào giữa lá bánh, hất mạnh lên và đưa ra phên. Hãy để lá bánh khói ngùn ngụt ở đấy, múc một muôi bột đổ vào văng láng đều và đậy vung lại đã. Rồi mới kéo lá bánh. Lá bánh tròn thành lá bánh vuông. Một cái phên cao hai mét chỉ được ba lá bánh. Hắn đem phên ra dựng ghếch vào bờ tường chỗ dãi nắng. Và trở vào. Cả bọn nhìn Len làm. Xúm vào căng kéo lá bánh Len mới tráng đặt lên phên. Hơi than, hơi nước. Gò má Len đỏ ửng. Trán Len lấm tấm mồ hôi. Hắn thấy Giang nhìn Len như người mất hồn. Biết mọi người đổ dồn mắt vào mọi cử động của mình, Len vẫn hoàn toàn tập trung cho công việc. Đến phên thứ tư hắn bảo Len:- Em nghỉ đi anh làm cho. Anh làm được mà. Len đứng lên. Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu đặt trước bếp.