Gần đây, trước hiện tượng nhiều nhà phê bình "đổi mới" tung hô vạn tuế những cây bút trẻ, coi đó là thần tượng, là mẫu mực của văn chương hiện nay, một số người nóng tính đã lên tiếng cảnh báo rằng: "Nói thế mà không phải thế. Họ mượn văn học để làm điều phi văn học, mượn tuổi trẻ nói móc tuổi già, mượn nay để mỉa xưa đấy...".Tôi không dám nghĩ vậy. Nhưng lại thấy khó chịu ở điểm khác. Ấy là thái độ của mấy cây bút được gọi là xuất chúng ấy, thể hiện qua các câu trả lời phỏng vấn. "Rằng a, tôi không hề có ý định và cũng chẳng thích làm văn chương. Rằng a, chẳng qua thấy quả bóng văn học đặt giữa sân, đi ngang sút thử quả chơi, ai ngờ gây thủng lưới". Rồi thì đây là cuộc chơi. Tôi mới chơi đã thấy chán rồi, thề từ nay vĩnh biệt... Nghe cứ như là muốn lên lớp dạy bảo lớp già: Các ông lẩm cẩm lắm. Cả đời cặm cụi hết phấn đấu lại rèn luyện, hết thâm nhập thực tế lại dự trại sáng tác mà nào có làm nên trò trống gì. Trong khi chúng tôi cứ tưng tửng đứng ngoài, cà rỡn rong chơi, ấy vậy mà... Đó là chưa kể chính cái sự lười nhác của tôi còn được cả một nhà văn "nhớn" hết lời khen nữa đấy...Sở dĩ tôi phải viết điều này ở chuyên mục "Câu chuyện sư phạm", vì nếu không, học trò chúng ta bị lây nhiễm, sẽ chẳng cần học hành nghiêm túc, dùi mài, nấu sử sôi kinh làm gì, thậm chí làm văn cũng chả cần phải nháp.Xin các thầy cô nhắc cho các em rõ rằng: Trừ những kẻ bất tài nhưng được ai đó đội lên quá cao, vượt khung ra, số còn lại không ai không lao động ra trò, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên trang giấy đâu. Họ giả vờ đấy! Đừng nghe họ rồi có ngày "đổ thóc giống ra mà ăn".