Cặp bến phà Thủ Thiêm, người ta sắp làm một dự án lớn. Đồng nghĩa với việc tất cả người dân ở đây sẽ đến một khi tái định cư nào đó, hoặc nhận tiền mà tự mua một nơi khác để an cư. Người ta bàn tán xôn xao về nhận tiền đền bù, bàn tán ở chợ, bàn tán ở quán cà phê, ở vỉa hè... Chị bán bánh mì thở dài, chị uốn tóc cũng thở dài, cô bánh xèo, ông bún bò huế... Tất cả đều nghĩ đến một nơi khác, một nơi mình có thể sống bằng cái nghề mình đang sống. Tất cả họ, ai cũng sẽ giảy nảy lên khi chính quyền đưa họ vào nơi tái định cư là một chung cư cao cấp. Họ không thèm, vì khi sống chung cư cao cấp họ không thể bán bánh mì, họ không bán hủ tiếu hay bún bò được, họ không thể mở quán cà phê cóc, hay bán dừa, rau câu... Có một quán tạp hóa nhỏ cặp mé sông, dưới chân bến phà, ở đó không nghe chủ tiệm than thở gì cả, chị cũng bình thản với những việc làm của mình, làm cần mẫn, làm hằng ngày, không tham gia vào cuộc tranh luận bàn tán xôn xao nào của những người trong chợ. Chị khoảng ba mươi lăm tuổi, cái tuổi xuân sắc đã đi qua lâu rồi bởi một căn bệnh lạ, chị chưa chồng. Chỉ thỉnh thoảng thấy anh Tư xe ôm ra vào chở hàng hóa cho chị, kiêm luôn cả việc đi lấy nợ và cuối tháng. Đơn giản, dễ hiểu thôi, vì chỗ chị ngồi bán ấy khoảng 12 mét vuông, chị đã thuê lại của một gia đình giàu có đâu chừng chục năm trước, mỗi năm người ta tới thu tiền một lần. Chị nghĩ, đến khi có lệnh giải tỏa, chị chỉ cần dọn mớ đồ này đi là được, thuê một chỗ khác, nhỏ, rẻ thôi. Chị không còn sức để ra mặt tiền mà làm ăn lớn, chị cũng không còn muốn kiếm nhiều tiền nữa, kiếm có nhiều cũng không sống được bao lâu nữa đâu. Anh Tư xe ôm có lần hỏi "Ngân không định tìm một chỗ khác mà đi sao?", chị cười "dễ gì mà nhanh vậy được, chủ nhà ở đây còn chưa nhận tiền đền bù mà, cả năm nửa không chừng!". Anh Tư mắt buồn xa xăm "thay đổi là mất hết khách, không biết rôi sẽ ra sao?", chị vẫn vui và lạc quan "thì đến chỗ mới tìm khách mới, ở đâu chẳng sống được, mình đã có gì đâu mà sợ mất!". Lúc ấy hình như anh Tư muốn cãi lại gì đó, hình như anh muốn nói là mình có chứ sao không? Có nhiều thứ ở cái mé sông này lắm. Nhưng rôi anh không nói gì, chỉ nhìn chị bằng ánh mắt long lanh. Thằng con trai nhà kế bên say xỉn vê ăn vạ như Chí Phèo, hắn đòi chia tiền đền bù nhà, vì hắn cũng có tên trong hộ khẩu. Số tiền đền bù mà người mẹ còn thở dài thườn thượt không biết có mua nổi một chỗ đàng hoàng khác để sống hay không? Thấy thì thấy vậy, nhưng chị không kể với ai, kể cả anh Tư xe ôm, vì đàng nào nó cũng không phải là chuyện của chị. Chị là người sống tha phương từ mười lăm năm trước, chị làm công nhân, kiếm tiền để tự nuôi sống mình, kể từ ngày ba chị mất. Nhưng không may cho chị, chỉ được năm năm đi làm theo ý thích, đủ để mua được vài món đồ cá nhân có giá trị một chút, chị đổ bệnh. Một căn bệnh lạ, không bệnh viện nào chẩn đoán được. Xương chị như mục ruỗng dần, trước thì chỉ đau đầu, nhức mỏi, sau này đau và sưng các khớp xương, đau lưng, tức ngực, khó thở... Bất cứ cơ quan nào trong cơ thể chị cũng đau, đau từ từ, đau dai dẳng. Chị khám hết bệnh viện nay đến bện viện khác, người ta lấy gần như hết máu trong người chị ra mà xét nghiệm. Uống hàng trăm thứ thuốc, nghe ở đâu có thầy thuốc Bắc, thuốc Nam chị đều đến. Chị sống nhờ thuốc, uống thuốc no cả ngày. Khi không còn sức vào công ty làm, chị mượn tiền bạn bè về mở một tiệm tạp hóa nhỏ, để đổi đắp qua ngày. Sáng bảy giờ chị mở cửa, đến chín giờ tối thì đóng. Cuộc sống của chị bình yên một cách tẻ nhạt. Không ai biết rằng cứ mỗi lần sắc xong chén thuốc, bưng lên uống mắt chị lại rưng rưng. Hình như có lúc chị sợ chết, dù chị đã chuẩn bị đón nó từ lâu rồi. Có lần chị hỏi anh Tư rằng anh có sợ chết không? Anh Tư trợn mắt "Giỡn chơi hoài Ngân, anh chưa vợ con, không sợ chết thì sợ gì?". Rồi anh Tư nhìn chị, nhìn như van lơn, Ngân à, em còn khỏe lắm, sao nghĩ đến chuyện chết hoài vậy? Em còn đủ thời gian để có chồng, sinh con... Nhưng anh không biết nói thế nào cho chị hiểu, vì trái tim chị đã khép lại rồi, chị khép luôn cuộc đời mình lại. Trong khu phố lại họp, lần này chính quyền mạnh tay hơn, không lấy ý kiến ngươi dân nữa, chỉ thông báo cho dân biết là có 2 sự lựa chọn, một là tái định cư, hai là nhận tiền đền bù, ai muốn cái nào thì đăng ký, đúng sáu tháng nữa ai không đi sẽ có lệnh cưỡng chế, chính quyền sẽ cho xe xuống ủi đi. Những người cuối cùng phản đối cũng đành tiu nghỉu lấy giấy ra về. Vậy là xong, chị có một cái mốc rõ ràng cho việc dọn đi nơi khác của mình. Anh Tư nói "để hàng ngày chạy xe, tui để ý có chỗ nào cho thuê rẻ tui hỏi dùm cho". Chị ừ, có sớm thì dọn sớm, bắt đầu lại bây giờ hay sáu tháng nữa cũng giống nhau thôi. Cuộc sống của chị vẫn cứ đều đều trôi, một hôm, anh Tư đưa về nhà chị một ông lão, bảo rằng ông bắt mạch và kê thuốc hay lắm, anh đã năn nỉ hết lời để đưa ông từ Long Khánh về đây. Ông lão bắt mạch rồi kê toa, bảo chị mang tâm bệnh. Bệnh chị không nặng, nhưng tâm bệnh khiến cơ thể chị suy sụp và tiều tụy. Ông bảo chị hãy lạc quan và làm điều gì đó vui cho cuộc đời mình. Chị hỏi ví dụ như gì? Ông lão móm mém nói như lấy chồng chẳng hạn. Chị trợn mắt nhìn ông lão thầy thuốc. Nhưng ông lão khoát tay nói tiếp, chị không tin thì thôi, tôi già bằng ngần này tuổi, với gần bảy mươi năm làm nghề thuốc, tôi đi nói dối chị ư? Chị mím môi, im lặng. Anh Tư đưa ông lão về, bảo chị đưa toa thuốc ông lão vừa kê anh đi mua cho. Chị không đưa, nói để từ từ uống, thuốc chị còn nhiều quá, mua về nhà nữa thì ngán không uống nổi. Khi anh Tư quay trở lại, chị nghiêm mặt "lần sau đừng có làm vậy nữa!". Anh Tư giả bộ ngơ ngác "thì nghe đồn ông già đó hay, tui giúp Ngân thôi mà", chị nói bằng giọng đều và buồn "tui biết bệnh của tui, anh không cần tìm mọi cách để an ủi tui đâu, ngày nào tới nó tới, tui cũng không bi quan, dù có cố gắng thì cũng thót khỏi được phận mình đâu, mình chỉ có một cuộc đời để sống, dài hay ngắn có quan trọng gì, phải không?". Anh Tư ngồi xuống, chống tay lên cằm, rủa thầm "cái lão già này, đóng kịch dở ẹc". Sau lần đó, anh không dám giới thiệu với chị thêm "thầy thuốc" nào nữa. Chỉ nghe lời chị chở chị đến những bệnh viện chị đã từng khám để tái khám. Mọi thứ trở về như cũ. Anh Tư hỏi cho chị được một phòng trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, rộng chừng chín mét vuông, có cái gác nhỏ nhỏ. Chị nói bây nhiêu đủ cho chị sống rồi. Anh Tư bảo hàng ngày tui sang phụ Ngân, cần gì cứ nói. Chị ừ, anh cứ làm những việc anh đã từng làm, đi xa hơn nên tui sẽ bù tiền xăng cho anh. Anh Tư phật ý "biểu tui làm không công tui cũng giành nữa là...." Rồi như bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của chị, anh thôi, anh cầm cái nón bảo hiểm bảo "thôi, tui đi rước khách". Chị thẫn thờ nhìn theo. Những bịch đậu phộng, những gói snack cho trẻ con rơi dần khỏi tay chị. Chị uống thuốc, uống chăm chỉ, chị trông chờ một phép màu nào đó, biết đâu ngày mai, ngày kia bỗng dưng khớp chị hết đau, ngực không còn tức, tóc không còn rụng, da không còn xanh... rồi lúc ấy, anh Tư sẽ thế nào nhỉ? Chị vội lắc đầu, xua ngay cái ý nghĩ mà chị cho là kinh khủng ấy, là viễn vông, là không tưởng. Chị yếu hơn chút nữa, mắt mờ dần, chắc tại chị uống quá nhiều thuốc. Bác sĩ bảo chị mổ đi, nếu mổ thì mắt sẽ sáng dần trở lại, không sao cả, chi phí khoảng mười triệu đồng. Chị hỏi mổ trước một con được không? Bác sĩ nói được. Chị về gom hết tiền dành dụm, không lấy hàng mới, nhờ anh Tư đi gom hết số nợ còn lại. Anh Tư hoảng hốt, bộ tính bỏ đi đâu nữa hay sao? Chị cười, anh khùng hả? ở đây với bỏ đi có khác gì nhau? Anh Tư thở dai thườn thượt. Đủ năm triệu, chị kêu anh Tư chở tới bệnh viện mắt, chị cười, tui phải mổ để thấy đường mà làm ăn, hổng lẽ mới tuổi nay chịu mù sao? Ai đi chịu vô duyên vậy? Anh Tư bỏ hết mấy mối đưa đón khách, vào thăm nuôi chị ở bệnh viện. Mổ xong một ngày chị đã được về nhà. Nhưng anh Tư không cho chị làm gì hết, anh bảo khi nào tháo băng đi rồi muốn làm gì thì làm, giờ để tui làm. Chị hỏi anh Tư sao không lập gia đình đi, bốn mươi rồi, anh là người biết chăm sóc gia đình và chăm sóc rất tốt. Anh hỏi lại chị "liệu có ai lấy tui không?", chị nói nhanh "sao lại không lấy?", "thật chứ?", sau câu hỏi có vẻ vui mừng của anh thì chị giật mình, biết mình lỡ lời. Một buổi sáng, đi bộ ra chợ, chị nghe người ta í ới gọi tên mình, hóa ra người quen. Là ông bún bò Huế và chị bánh mì. Chị hồ hởi hỏi thăm người này người kia, hỏi giờ họ sống ra sao? Ai cũng có vẻ hạnh phúc và vừa lòng với những gì họ đang có. Họ hỏi chị và anh Tư xe ôm sao rồi? Chị hỏi sao là sao? Chị bánh mì cười giòn "giả đò hoài, về sống chung cho rồi, hai người thuê hai nhà chi cho tốn?" Chị lại cười. Họ, một người đàn ông nghèo, bốn mươi tuổi, chạy xe ôm, một người con gái lỡ thì, sống nhờ thuốc và không biết còn bao nhiêu ngày đời mình kết thúc, bán hàng tạp hóa, hàng ngày cứ ra vào lo lắng cho nhau. Ai cũng mong họ về sống chung với nhau. Nhưng họ chỉ cười. Biết làm sao? TPHCM, 2/5/2008 Nguyễn Anh Đào