Bàn tay của kẻ dấu tên nào đã để mảnh giấy này đây? Nó nhằm mục đích gì? Nha-phơ-rông nói: - Có hai cách giải thích vấn đề này: Hoặc là Gămbađu thực sự nguy hiểm và ai đó đã có lòng tốt muốn báo cho chúng ta biết mà dè chừng... hoặc đây là một sự đe doạ, ngăn cản chúng ta lui tới "lều vịt" vì có một bí mật nào đó liên quan đến cái hồ. - Gămbađu không nguy hiểm - Ti-đu dứt khoát khẳng định - Anh ấy dễ nổi khùng nhưng không đi quá xa. Các bạn nghĩ xem, nếu anh ta làm gì quá đáng thì lý trưởng đã bắt giam từ lâu rồi chứ chẳng để cho anh sống yên mười lăm năm nay trong cái lều của anh. - Rất đúng! - Tông-đuy tán thành - Tôi ngả về phía giả thuyết thứ hai... Nhưng người đã để mảnh giấy này ở đây không phải là người đã trói Gămbađu. - Vì sao? - La Ghiơ hỏi. - Vì người này đang sở hữu bài thơ Ca ngợi mặt trăng, cái mà nó cố lấy cho được do đó hiện nay Gămbađu không phải là đối tượng làm cho hắn quan tâm nữa. Bít-xtếck nói: - Mình thì mình vẫn nghi hai cán bộ địa chất. - Nhưng Gămbađu chỉ thấy có một người thôi. - Một người vào lán còn một người khác có thể đứng gác ở ngoài thì sao? Nhưng dù sao thì tốt nhất là cần tìm hiểu xem đêm qua hai người đó làm những gì. Khi ăn cơm tối ở nhà hàng, bà chủ quán là con người thóc mách sẽ khai hết cho chúng ta thôi. Bít-xtếck đã châm bếp ga dã chiến để nấu ăn vội tắt ngay. - Đồng ý, chúng ta ra phố ăn tối. Hai người khách trọ đã ngồi vào bàn thì bọn trẻ đến. Người thứ ba cũng đã nhanh chóng xuống cầu thang và ngồi một mình trước một chiếc bàn không xa những người "Bạn đồng hành". Ma-đi thấy người ấy có vẻ kỳ dị, xoi mói, bực tức. Để không tỏ vẻ gì là mình quan tâm, sáu người "Bạn đồng hành" chỉ chuyện trò khẽ với nhau. Khi những nhà địa chất đã lên phòng của họ, Ma-đi làm như vô tình hỏi bà chủ quán là có phải hai người khách trọ cùng ngồi ăn một bàn với nhau tối qua đi đâu về khuya phải không? - Đúng đấy, họ lên xe và nói là đi xem chiếu bóng ở Xanh-phơlua... Tôi nghe tiếng họ về lúc một giờ rưỡi khuya. Tai tôi thính lắm! - Có lẽ đi xem chiếu bóng lại hay cơ đấy - Ma-đi nói - Ở đây cấm câu cá và bơi lội thì tốt nhất là chúng tôi cũng sẽ đi tiêu khiển bằng cách đó. - Ở Xanh-phơlua có hai rạp, cũng chẳng lấy gì làm xa lắm, mười hai kilômét thôi. Ma-đi cám ơn bà chủ quán và đi ra. Nha-phơ-rông nói: - Các cậu nghe thấy chưa? Họ về nhà lúc một giờ rưỡi sáng, mà thường thì các rạp chiếu bóng đóng cửa trước mười hai giờ đêm, nhất là ở tỉnh lẻ, thế mà chỉ có chừng ấy đường bằng ô tô con, sao mãi đến một giờ rưỡi sáng mới về đến nhà? - Mà chắc đâu họ đã đi xem chiếu bóng? - Tông-đuy nói xen vào - Làm sao mà biết được họ có đi hay không? - Chỉ có cách là làm thế nào để chúng ta tìm được vé vào rạp của họ. - Tông-đuy nói dễ nghe thật - Nha-phơ-rông càu nhàu. Cậu định trèo lên phòng của họ mà lục soát quần áo của họ chắc? Ma-đi nói: - Dĩ nhiên ai lại đi làm như vậy, nhưng chúng ta có thể biết cách gợi chuyện chứ, miễn là đừng có ba hoa thôi. Để mai mình sẽ làm chuyện đó cho. Sau khi nán lại ở bàn ăn, những người "Bạn đồng hành" lại đi dạo như hôm trước. Không khí mát mẻ dễ chịu nhưng ít gió. Bít-xtếck đề xuất ý kiến: - Có lẽ hôm nay không nên đi theo đường hôm qua kẻo cái gã nằm bên lều bạt lại tưởng chúng mình dò xét gì gã. Mặt trăng đã nhô lên cao trên bầu trời làm sáng rõ mặt thoáng của hồ nước mỗi ngày một thu hẹp. Những tàn tích đổ nát khác bây giờ mới trồi lên. Đó là những ngôi nhà xây dựng trên sườn thung lũng cũ. Tông-đuy nhận xét: - Chỉ còn hai ba hôm nữa là đáy hồ khô rang, không còn một giọt nước. Dạo mát về, bọn trẻ đi ngủ sớm hơn thường ngày và sáng hôm sau Ti-đu lại dậy trước khi mặt trời mọc. - Lại đây Ka-phi, tao sẽ dẫn mày đi hít không khí trong lành! Ti-đu đến hồ. Bỗng nhiên cậu thấy một bóng người thấp thoáng ở bờ nước, bất giác cậu nghĩ đến con người ẩn dật trong "lều vịt”. - Cái ông Gămbađu ngốc nghếch lại ra chỗ đổ nát, muốn tuột chân lần thứ hai phỏng! Trời vừa sáng. Bóng người đứng im trên mép nước. Ti-đu và Ka-phi lao đến. Có lẽ người đàn ông nghe bước chân của họ nên sải bước xa dần, xa dần rồi bắt đầu chạy. Vậy thì không phải là Gămbađu, vì nếu là Gămbađu thì đã đi cà nhắc. Bóng người đó đã biến mất trong lùm cây ven hồ, cao hơn đầu người. Trong khoảnh khắc, Ti-đu đã định đuổi theo nhưng rồi lại thôi. Biết đâu đó là một người bắt trộm cá, vớt những con cá hồi sót lại trong những vũng bùn nhỏ. Ti-đu đứng tại chỗ chờ xem người đàn ông đó có trở lại không, nhưng chẳng thấy gì. "Lạ thật! Phải xem xét người khách trọ thứ ba ở cửa hàng ăn, con người vừa mới đến mà Ma-đi không ưa". Trở về nhà trọ cùng với con chó của minh, cậu kể lại cho các bạn sự việc cậu vừa trông thấy. La Ghiơ nhận định: - Rõ ràng là có nhiều người quan tâm đến cái hồ. Nhưng việc đó không ảnh hưởng đến chuyện ăn sáng của chúng ta, nào Bít-xtếck đem sữa ra ngay đây, mày! Bữa điểm tâm được tiến hành chóng vánh trong phòng ngoài. Đó là một trong những lúc vui vẻ nhất trong ngày. Sau khi húp hết bát sữa không sót giọt nào, Ti-đu mới hỏi: - Sáng nay chúng ta phải làm gì? Ma-đi nói: - Đến thăm Gămbađu, dù anh ta có dọa dẫm cũng kệ. Con người khốn khổ đó không ngủ. Anh vẫn lục lọi khắp nơi bài thơ đã bị cướp mất. Ma-đi nói với anh: - Anh yên tâm đi, chúng tôi không dịch được bản mật mã thì tên hành hung anh cũng không làm nổi đâu. Chúng tôi đã thử mọi cách nhưng theo chúng tôi thì bài thơ đó chẳng có một ý nghĩa gì cả. - Có đấy! Nó vẫn có một ẩn ý, chú tôi đã nói như vậy mà. Từ hôm qua đến giờ con người đáng thương này chẳng ăn uống gì cả. Ma-đi và Bít-xtếck chuẩn bị cho anh một bữa ăn nhẹ. - Cám ơn, các bạn rất tốt đối với tôi; cả sáu bạn đều là những người tốt. Cám ơn! Xong, những người bạn đồng hành lại rời "lều vịt" để dạo một vòng xung quanh hồ. Mặc dù buổi sáng trời se lạnh nhưng Nha-phơ-lông vẫn muốn tắm. Cậu đã cởi áo phông nhưng Ma-đi ngăn lại. - Đừng! Đầu tiên là đang cấm, sau nữa là nước đã bị sục đảo lên do bơm tháo nên rất bẩn. Nha-phơ-rông đành nghe theo nhưng vẫn cằn nhằn như đó là bản tính cố hữu của cậu. Đến giữa trưa thì trở về quán ăn. Hai nhà địa chất đang nhấm nháp ly rượu khai vị ở quầy. Ông Sác-chi-ê, người khách mới vẫn chưa xuống. Ma-đi nói: - Các cậu để mình thử xem. Mình sẽ chuyện trò với họ. Cô đến gần bên quầy. - Cháu xin lỗi hai ông, cháu tình có biết hai ông có đi xem chiếu bóng tối hôm kia. Chúng cháu không biết làm gì để tiêu khiển ở Mô-bơ-rắc này. Cháu nghĩ là hai ông đã đến Xanh-phơlua ắt là hai ông có biết hiện nay người ta đang chiếu phim gì ạ. Cả hai người đàn ông tỏ ra lúng túng; rồi một người nói: - Đúng đấy, chúng tôi có đến rạp, nhưng thật uổng... một bộ phim quá tồi; tốt nhất là đừng nhắc đến... Vả lại tôi cũng quên mất đầu đề của bộ phim. - Tôi cũng vậy - người kia phụ hoạ. Thế rồi họ đặt ly rượu đã uống cạn xuống quầy rồi trở lại ngồi vào bàn. Ma-đi cũng trở lại ngồi gần các bạn. Tông-đuy nói: - Họ chưa say nên chúng ta không thể khai thác gì hơn. Họ có đi xem phim thật không hay là chỉ bịa? Không-nhớ-được-đầu-đề-phim khi mới xem xong; quả là phi lý! Ma-đi đồng ý: - Cậu nói đúng! Cần phải tìm hiểu thật chính xác là tối hôm đó họ làm gì? Ma-đi suy nghĩ một lát rồi tuyên bố: - Chiều nay tớ sẽ đi Xanh-phơlua. - Để làm gì? - Mình cũng chẳng hiểu nữa. Để biết kỹ càng hơn nếu các cậu muốn. Mình có cảm giác là không phải mình sẽ không thu được gì qua cuộc dạo chơi này. La Ghiơ hé một nụ cười ranh mãnh: - Ồ Ma-đi này! Với sự hiểu biết kỹ càng của cậu ư? Thà cứ nói quách đi là cậu muốn xem bộ phim "quá tồi" cho rồi... Nếu cậu muốn thì bọn tớ cùng đi với cậu, cậu cứ ung dung mà xem còn bọn tớ thì tranh thủ “bát phố" để biết Xanh-phơlua thôi. Thành phố ấy có lẽ nên thơ đấy. - Mình lại muốn các cậu hãy ở lại đây để quan sát và xem có gì xảy ra xung quanh không. - Được đấy - Nha-phơ-rông cằn nhằn - vì cậu thích chỉ một mình cậu mà lị. Ăn xong họ về nhà trọ. Ma-đi lấy xe gắn máy phóng đi. Nửa giờ sau cô đã đến cái thành phố nhỏ cao nguyên nằm trên giải đất giữa hợp lưu của hai con sông. Cô thả chân xuống đất để hỏi thăm người đi đường đầu tiên mà cô gặp: - Xin lỗi ông, ở Xanh - Phơ lua có mấy rạp chiếu bóng ạ? - Hai rạp nhưng cái lớn hơn đã đóng cửa từ đầu tháng tám. - Thế rạp kia ở đâu ạ? - Rất gần đây thôi, đến đầu phố thì rẽ trái. Ma-đi tìm thấy ngay nhờ những tranh áp phích dán trên tường. Một dòng tít lớn kéo dài trên tờ quảng cáo: “Năm cô gái trên khinh khí cầu”. Hình ảnh thể hiện năm cô gái trẻ cuồng nhiệt ngồi trong thùng của một khinh khí cầu, một cô có bộ tóc màu vàng nhạt lăm lăm khẩu súng ngắn trong tay. Ma-đi muốn nắm giờ giấc mở cửa của các buổi chiếu. Cửa bán vé còn đóng. Chỉ có các sáng chủ nhật mới chiếu ban ngày. Như thế thì những nhà địa chất có thể xem hộ phim này nếu thực sự họ đến xem bởi vì bộ phim chiếu suốt cả tuần như tấm biển đã chỉ. Cạnh rạp chiếu bóng có một cửa hàng thịt. Ma-đi bước vào, xin cảm phiền là không mua gì mà chỉ đề nghị được chỉ dẫn. - Xin sẵn sàng phục vụ!- Bà bán hàng nói. - Vì bà ở gần rạp, bà có nghe được những người xem phim ra về vào buổi tối không ạ? - Ồ nghe chứ! Nghe oang oang nhất là khi những người trẻ tuổi làm ồn ào, khi ra về họ la cười ghê lắm. - Mấy giờ thì buổi chiếu kết thúc ạ? - Cái đó cũng tùy thuộc về phim. Đôi khi đến nửa đêm cơ đấy. Tuần này thì nhờ trời chương trình có ngắn hạn nên mười một giờ người xem đã về hết. - Đó là tất cả những gì mà tôi muốn biết - Ma-đi nói - Tôi xin cảm ơn bà. Cô "lỉnh”rất nhanh để tránh những câu hỏi ngạc nhiên của bà hàng thịt. Tuy nhiên cô lại dừng lại trước rạp chiếu bóng như chính cô lại sắp sửa để lộ cho bà ta một điều bí mật. Cô đang nghĩ đến những nhà địa chất. "Nếu họ ra về lúc mười một giờ thì họ làm gì mà đến một giờ rưỡi sáng mới về đến quán trọ? Hẳn là ở Xanh-phơlua không có hộp đêm... Mà hai người này không phải là hạng người như thế. Vậy thì thế nào? Có phải một trong hai người này đã đến cướp phá nhà của Gămbađu?" Cô lại nhìn tấm áp-phích một lần nữa và đột nhiên tim cô đập mạnh. Dưới dòng tít: Năm cô gái trên khinh khí cầu, cô lại đọc được những chữ rất nhỏ khác: Dòng tít gốc bằng chữ Đức: Fiinf Madchen Im Luftballon. Ma-đi lại liên tưởng đến lần thử giải mã đầu tiên của cô và các bạn về bài thơ Ca ngợi mặt trăng khi những chữ hoa đầu dòng dịch lên hai nấc theo bảng an-pha-bê thì được một dãy chữ cái Y.U.N.F.M.E.T.E.R... Thế mà trên tờ áp-phích, bốn chữ cái đầu tiên bằng tiếng Đức lại giống hệt bốn chữ cái đầu tiên trong dãy chữ đã giải mã được. Vậy phải chăng bài thơ nếu giải mã ra theo cách đó thì trở thành một bức thư bằng tiếng Đức? Nhưng Ma-đi lại nghĩ rằng chú của Gămbađu là một người nhà quê chắc không bao giờ rời khỏi trang trại của ông thì rất ít có khả năng ông biết thứ ngôn ngữ đó. “Chà! Mình lại không biết một chữ Đức nào cả! Thật không may tí nào! Ở trường trung học mình chỉ học có tiếng Anh thôi.” Nhưng Ma-đi rất kiên trì. Cô có trái tim thật trong sáng. Cô lại dừng trước một khách đi đường khác để hỏi thăm trường học ở đâu, rồi cô đi đến bấm chuông. Người gác cổng ra mở cửa. - Bà vui lòng cho cháu địa chỉ một trong các thầy giáo dạy tiếng Đức của Trường Trung học - Ma-đi lễ phép hỏi. - Ở đây có một thầy dạy tiếng Đức thôi. Đó là giáo sư Ri-sô. Có khả năng là cháu không gặp được đâu. Giáo sư đang nghỉ hè. - Nhà giáo sư ở đâu ạ? - Tôi chỉ biết ở phố Xô-ren... nhưng không nhớ số nhà. - Cháu sẽ tự hỏi thăm. Xin cảm ơn bà. Phố Xô-ren may mà ở gần. Không có gì khó khăn trong cái thành phố nhỏ, san sát trên sườn núi này. Người đầu tiên mà cô gặp đã trả lời: - Ông Ri-sô à?... Đó là người hàng xóm của tôi đấy; số 27 lầu một. - Ông có biết giờ này giáo sư có nhà không ạ. - Đúng ông ấy vừa đi nghỉ hè về, da dẻ màu đồng hun như người Hinđu. Tôi vừa gặp ông ấy sáng nay đấy! Ma-đi leo lên lầu một, phòng 27. Cô ngỡ mình nhầm cửa khi một người đàn ông mặc quần áo lao động màu xanh xắn đến khuỷu tay và đầu gối, tay cầm một cái cưa ra mở cửa. - Xin làm ơn, cháu muốn được gặp thầy Ri-sô ạ? - Chính tôi đây, xin lỗi về sự ăn mặc của tôi không được chỉnh tề. Tôi đang sắp xếp bố trí lại trong căn hộ. Em cần gì? - Chính em đang cần được giáo sư dạy tiếng Đức chỉ bảo. Có thể thầy giúp em dịch hộ bài này mà em nghĩ đây là tiếng Đức? Cô bé ngượng nghịu đọc lên những chữ kia mà nghĩ đến bí mật của Gămbađu. - Nào, để xem nào - Giáo sư nói - Đúng là những chữ này liền nhau không thành nghĩa của tiếng Pháp đâu. Em có mang mảnh giấy và mẫu bút chì đấy không? Ma-đi có trí nhớ đặc biệt. Cô chép lại những chữ hoa: F.U.N.F. M.E.T.E.R... Khi cô viết xong giáo su xác nhận ngay: - Đúng, đây là tiếng Đức. Cầm lấy chiếc bút chì trên tay Ma-đi, ông nhóm những chữ cái lại thành câu: Funf Mecter am Osten des Prons. Rồi ông vừa gật đầu vừa nhắc lại: - Đúng, tiếng Đức ... nhưng tiếng Đức hơi bồi. - Thế là thế nào ạ? - Về phía đông năm mét, cách cái... Tôi không biết nghĩa của từ cuối cùng này. Chờ tí, tôi tra từ điển xem sao. Ông giở cuốn sách dày cộp tra cứu, không có, ông kết luận: - Từ này có lẽ là từ thổ âm. Ở Đức, những từ địa phương nhiều lắm. Ở Xanh-Phơlua có lẽ không ai giải thích được cho em đâu. Những điều em định hỏi tôi, còn nữa không? - Thưa thầy, chỉ có thế tôi ạ. Em xin cám ơn thầy. Ra đến đường, Ma-đi còn bối rối mất một lát. Như vậy bức thư bằng tiếng Đức chưa thật hoàn chỉnh, không may nó còn thiếu mất một từ mà là từ chủ yếu. Làm sao một người nhà quê như chú của Gămbađu chắc là không bao giờ rời khỏi làng lại viết bằng tiếng Đức? 'Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sáng tỏ điều này ở Mô-bơ-rắc" Ma-đi quyết định. Cô ngồi lên xe máy phóng nhanh về làng.