Bọn giáp sĩ trói Trần Bình Trọng vào một cái cọc trên bãi cát bên bờ Thiên Mạc. Từ đây ông có thể nhìn thấy tất cả vẻ đẹp của một vùng mà trước đây hai hôm chưa hề có gì gắn bó với ông. Đêm tàn, bãi sông bắt đầu xao động, báo hiệu thiên nhiên sắp thức giấc. ánh lửa giặc đốt làng Xuân Đình vẫn bốc cao lên, hừng hực đỏ. Sau màn lửa là cả một khoảng lau sậy mênh mang kéo ngút ngàn tới đâu đâu chẳng biết. Trên cao, vạc đang về tổ. Vạc cất tiếng kêu khan gợi cho Trần Bình Trọng nhớ đến những buổi ra quân hồi trước tết. Trời lạnh lắm mà trên lưng ông chỉ một manh áo chiếc sơ sài. Trần Bình Trọng tụt đôi hài chiến, đặt chân không lên nền cát ẩm mềm.Một cảm giác dịu dàng khiến ông thấy kể từ lúc này, vùng Thiên Mạc sẽ gắn bó mãi mãi với lòng mình. Trần Bình Trọng ngả đầu dựa vào cái cọc. Biết bao nhiêu hình ảnh thân thiết diễu qua trong tâm hồn bình thản của ông. Chắc bây giờ đoàn thuyền của Quan gia đang xuôi mạnh về phủ Thiên Trường. Tiếng ngâm thơ của nhà vua bỗng vẳng lên bên tai Trần Bình Trọng. Trước mắt ông hiện lên toàn cảnh Thiên Trường mênh mang hùng vĩ, và văng vẳng đâu đây tiếng chày đập vải chểnh choảng trong sương sớm Thăng Long. Kinh thành yêu dấu vẫn đẹp như xưa, mặc dù trải biết bao cơn giông tố mịt mùng...Từ Thăng Long, con sông Cơ Xá chảy xuống đông nam. tới lộ Khoái, Cơ Xá mang cái tên Thiên Mạc. Bên kia sông Thiên Mạc là bến Chương Dương hiện bây giờ còn chìm trong màu xám bạc của đêm tối sắp tàn. Còn bên này sông, chỉ cách chỗ đứng của Trần Bình Trọng vài dặm, cửa Hàm Tử rộng mênh mông hòa lẫn với dòng nước Thiên Mạc và màu xanh đen của bãi Màn Trò. Trần Bình Trọng khẽ nghiêng đầu. Ông tưởng mình nghe thấy tiếng lá lau xát vào nhau, nhưng không phải, đó chỉ là tiếng gió đổi chiều, báo hiệu bình minh đến... Trần Bình Trọng bỗng mỉm cười. Ông nghĩ đến buổi bình minh của cuộc đời cậu bé chăn ngựa. Bây giờ chắc Hoàng Đỗ đang nghỉ tạm ở Thiên Trường, nhưng cũng có thể Tiết chế đã ra lệnh cho cậu bé đi ngay vì ít nhất cũng phải giao được cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải chiếc khóa bạc. Chắc chắn rằng một khi nhận được chiếc khóa này, Thượng tướng quân sẽ hết lòng hết sức cổ vũ ba quân chiến đấu cùm chân giặc lại, bẻ gãy một gọng kìm địch từ phía nam giương ra Thăng Long. Chiếc khóa bạc nhỏ cùm chặt chân tướng giặc Toa Đô! Trần Bình Trọng chợt mỉm cười... Có ai ngờ được là có sự dí dỏm đến thế trong tâm hồn một vị tướng già trang nghiêm như Quốc công Tiết chế.Cậu bé Hoàng Đỗ được theo Tiết chế là một điều may mắn cho con người mới thoát kiếp nô tì ấy. Trần Bình Trọng lại mỉm cười sung sướng... Khi bị trói, chờ lúc mặt trời lên, Trần Bình Trọng mới hiểu đến chỗ diệu kỳ thế nào là lòng yêu tự do của những người mang trên trán ba chữ “Quan trung khách” thích chàm. Ông chợt thấy thương Hoàng Đỗ, nhưng rồi ông lại mừng cho Hoàng Đỗ. Cậu bé chăn ngựa ấy sẽ lớn lên trong lòng dân tộc. Cậu đã góp phần công sức mình cho đất nước, và đất nước đã đem lại cho Hoàng Đỗ điều cậu ta vẫn hằng mơ ước. Chỉ đến lúc bị trói, chờ mặt trời lên, Trần Bình Trọng mới hiểu rằng Hoàng Đỗ và biết bao nhiêu con người cùng chung thân phận như cậu đã lập công, đã nhận những việc khó khăn, đã hiến dâng cả cuộc đời, trí tuệ, tài năng và tấm lòng của mình cho đất nước.Trần Bình Trọng bỗng mở to đôi mắt. Không hiểu ông già họ Hoàng bây giờ yên nghỉ nơi nao. Trần Bình Trọng cố hình dung lại vẻ mặt ông già. Thật kỳ lạ! Tiếng cười ha hả ngang tàng, cách nói năng khiêu khích cố tình, ánh mắt trong sáng long lanh, chòm râu rối bù bướng bỉnh... bấy nhiêu hình ảnh, âm thanh trộn lẫn nhau, nhưng không hợp lại thành được một ông già họ Hoàng như ý mong muốn của Trần Bình Trọng...Lúc thì một nét này trội lên, lúc thì một nét khác chói ngời hào quang, vẻ mặt ông già lồng lộng như vầng trăng soi lung linh đáy nước. Trần Bình Trọng khẽ chớp mắt. Hình như thiên nhiên đã đặt ông già ấy ở Xuân Đình, xui khiến con người ấy gặp ông để truyền cho ông biết bao nhiêu bài học tuyệt vời. Sự suy nghĩ miên man của Trần Bình Trọng diễn ra âm thầm nhưng rất mạnh. Ông quên hết những vết thương mang đầy người. Ông không còn nhớ đến Lý Hằng với lời giao hẹn của y. Trần Bình Trọng quên hết những điều nhỏ nhen vặt vãnh. Tất cả tâm hồn ông, trong nửa canh cuối cùng của cuộc đời, dành cho những người thân thiết và thiên nhiên đất Việt...Khi nắng chớm hửng lên, thiên nhiên hiện ra lộng lẫy với cảnh sông Thiên Mạc rộng bao la. ánh tím của dãy núi đá lộ Quốc Oai chưa gặp nắng nên vẫn thẫm màu. Cũng vì thế đàn cò giăng hàng càng thêm trắng... Sáng hôm nay, Thiên Mạc gần gụi với Trần Bình Trọng biết bao nhiêu. Ông đã chiến đấu một trận tuyệt vời trong khung cảnh bao la hùng vĩ ấy và làm tròn được mệnh lệnh mà Quốc công Tiết chế đã trao cho. Trong khi ông chiến đấu ở đây, biết bao mệnh lệnh khác của Quốc công Tiết chế đang được thực hiện trên khắp chiến trường đất nước. Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản... và những bạn chiến đấu thân thiết của ông cũng đang ra sức làm tròn phần việc của mình trong công cuộc đánh giặc giữ nước. Trần Bình Trọng bằng lòng về mình. Ông càng thấy niềm tin chói ngời trong tâm hồn ông. Rồi đây, một trận quyết chiến lớn nằm trong kế hoạch diệt giặc đã lập sẵn sẽ diễn ra trên vùng sông Thiên Mạc rộng bao la này. Ông khẽ nhắm đôi mắt lại, mường tượng cảnh chiến trường ồn ã, quân reo ngựa hí. Một rừng cờ, trong đó có ngọn cờ Thánh dực hiên ngang, bay phấp phới trước mũi thuyền chiến. Thiên Mạc rồi sẽ sạch làu bóng giặc. Thiên Mạc... Thăng Long... Thiên Mạc... Ông càng thấy Thiên Mạc gần gụi với ông biết bao nhiêu. Ông thấy yêu tha thiết mảnh đất sẽ là nơi yên nghỉ của ông, mảnh đất mà trên đó, ông đã thu được nhiều bài học về tự do, về lòng yêu nước, mảnh đất mà ông chỉ mới đặt chân lên vừa đúng hai ngày... Thế rồi, ánh nắng chiếu vàng vầng trán của ông.Thăng Long, mùa đông Bính Ngọ. (1966)