Chương 5
NGƯỜI TÀU KEO KIỆT

Cô phục vụ bàn mang bản hóa đơn ra đặt trước mặt người Tàu. Anh ngó vào rồi chăm chú lẩm nhẩm tính.
Tôi nhìn vào cái đầu nhỏ, tóc đen, chả gôm cứng, rẽ ngôi thẳng tắp. Phía dưới cái đầu ấy là một khuôn mặt gầy hình trái xoan, trông rất sắc, mắt nhỏ, phía đuôi mắt hơi đi xuống nên trông như già thêm, nước da mai mái với một thân hình gầy khiến tôi luôn thắc mắc liệu anh có mắc một căn bệnh gì đó không. Dưới ánh đèn mờ ảo của nhà hàng, nước da ấy có vẻ sáng hơn một chút. Khi đi, dáng người anh hơi khòng khòng, hai tay vung vẩy khá vụng về, đi hai chân hơi khuỳnh ra, hơi lao về phía trước. Thường khi trò chuyện về một chủ đề yêu thích nào đó, anh nói rất say sưa, hay tay vung lên, và nước bọt bắn ra mọi phía.
Người Tàu nhìn tổng số tiền với một ánh mắt đau đớn, ngần ngừ. Tôi bỏ xuống vài tờ giấy bạc. Người Tàu vui hẳn lên, cười hớn hở, bỏ xuống số tiền còn lại. Lần thứ hai trong buổi tối, tôi cố ghìm một cảm giác chán nản. Lần thứ nhất là khi người Tàu tới đón tôi mà không tính quãng đường kẹt xe nên tới giờ đặt nhà hàng rồi mà chúng tôi vẫn ngồi giữa một dãy xe dài vô tận kẹt cứng. Anh không có cách gì gọi cho nhà hàng để họ giữ chỗ vì quên số điện thoại ở nhà. Luật của nhà hàng là nếu khách đến muộn hơn giờ hẹn 15 phút thì họ có quyền trao bàn cho khách hàng khác. Đây là nhà hàng có đồ ăn Nhật và Mỹ, khá đắt nhưng nổi tiếng nên lúc nào cũng rất đông khách. Thường những buổi tối thứ bẩy nếu không hẹn trước thì phải chờ hàng tiếng mới có chỗ ngồi. Tôi giục anh:
- Anh gọi cho tổng đài xin số điện thoại nhà hàng đi. Mình cần gọi lại dặn họ giữ chỗ để lúc tới sẽ có bàn ăn ngay.
- Ồ, anh không muốn gọi vì gọi cho tổng đài sẽ tốn lệ phí là $1 mỗi lần gọi.
Rồi như để đổ lỗi cho đường phố, anh phàn nàn:
-Chà, thật không ngờ là giờ này mà đường đông tới vậy, không biết bao giờ mới nhích khỏi được quãng này. Đoạn đường này mấy năm gần đây kẹt xe quá mức.
Lúc đó, tôi im lặng nhìn qua cửa xe theo dòng xe cộ đông cứng hai bên, đèn ô tô sáng trong đêm đen, cơn mưa vừa tạnh để lại những mặt kính xe loang loáng nước. Tiếng phàn nàn không dứt của anh nhói vào tai khiến tôi bắt đầu thấy căng thẳng. Tuy vậy, tôi không nói gì thêm, chỉ nghĩ cuộc hẹn hò này mặc dù anh đã săn đón mời mọc tôi từ hàng tuần trước xem ra đã không có một khởi đầu tốt đẹp. Vì $1 mà chuốc thêm bao lo lắng, phiền não vậy, có đáng không?
Và bây giờ, anhnhư đang quên mất tôi, lẩm nhẩm đếm tiền, toàn bộ dáng hình tỏa ra một cái gì tham lam, keo kiệt, khiến tôi không cảm thấy có gì vui thú cả. Tôi luôn tự hỏi mình, tại sao tô,i mặc dù là người con gái hiện đại, nhưng vẫn thầm trông đợi cử chỉ hào hiệp ở người đàn ông, như kéo ghế cho ngồi, mở cửa khi bước vào nhà hàng, và trả tiền ăn khi mời mình đi chơi. Bởi vì vấn đề không phải là tiền, vấn đề là tôi sẽ cảm thấy được trân trọng, yêu quí hơn nếu được hưởng một cách cư xử như vậy? Và chắc chắn, tôi sẽ có những cách khác đáp lại sự hào hiệp đó.
Dù với lý lẽ nào về sự sòng phẳng của mối quan hệ hiện đại đi nữa thì suốt đời tôi cũng sẽ không quen được với việc một người đàn ông săn đón mời mọc tôi đi chơi rồi ngồi lẩm nhẩm tính từng đồng xem phần ăn của mình là bao nhiêu.
Cô phục vụ tới lấy hóa đơn đi. Chúng tôi đứng dậy Việc đầu tiên người Tàu làm là nắm chặt lấy tay tôi. Để gạt cảm giác không dễ chịu trong lòng, tôi cố nhớ lại sao lại đồng ý gặp gỡ và đi chơi người Tàu.
Người Tàu có một cái tên Mỹ là Wilson, họ Yang, là kỹ sư máy tính cho một trong những công ty điện thoại di động lớn nhất thế giới. Đặc điểm lập trình “Nếu…thì” thể hiện rất rõ trong cách email anh gửi: " Bạn còn nhớ lần trước bạn nói là sẽ gặp tôi không. Nếu bạn còn muốn gặp tôi thì hẹn bạn ở công viên này. Nếu không, thì chúc bạn tiếp tục con đường tìm kiếm may mắn".
Yang làm tôi chú ý bởi một đoạn văn ngắn viết rất tinh tế, và hài hước đăng trên mục tự giới thiệu tả cái công viên thành phố mà tôi rất yêu thích. Có lẽ một từ nào đó trong đoạn văn của anh đã làm tôi rung động vì nghĩ rằng trên đời này có một người nào đó cũng chia sẻ cảm xúc với mình khi đứng trước vẻ đẹp thanh bình và vĩnh cửu của những hàng cây cổ thụ trăm tuổi rủ bóng dài trên những bảo tàng, của nhà hát sơn màu của nắng trải suốt những đại lộ chính, của cảm giác mênh mang không tả nổi khi đứng trước phong cách kiến trúc rất Tây Ban Nha vừa cổ xưa, vừa hiện đại nơi này.
Và chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở công viên ấy. Vừa nhìn thấy tôi, Yang đã như bị thôi miên. Anh say sưa ngắm tôi, vui mừng hớn hở như một cậu bé được quà.
Tôi và người Tàu bước chầm chậm trên con đường công viên lát gạch thênh thang trong một buổi chiều thong thả nắng. Chúng tôi lướt qua nhưng bảo tàng ô tô, máy bay, thể thao, nhà hát, dừng lại xem trò chơi nhào lộn, hội múa rối, hội nhảy các dân tộc, người xem bói tay, người vẽ chân dung, ngơ ngẩn ngắm hồ nước trong cá vàng lượn lờ dưới làn hoa súng tím, ngó vào vườn cây tỉa kiểu Nhật Bản, bước qua sân khấu công viên rộng thênh thang mà một vài ban nhạc đang chuẩn bị biểu diễn, đi dưới con đường đá trải phía nấp dưới những hàng cây cổ thụ.
Buổi đi dạo là khúc dạo đầu cho một buổi tối vui vẻ vì chúng tôi sẽ xem vở nhạc kịch nổi tiếng Oklahoma ở nhà hát lớn đặt ngay giữa lòng công viên.
Nhà hát lớn xây hình vòng cung có mái vòm trông như một cung điện lớn. Hàng nghìn người tới xem kịch hôm này vì đoàn diễn chỉ biểu diễn trong tuần này thôi, tuần sau sẽ đi thành phố khác. Vở nhạc kịch "OKlahoma" đúng là một bữa tiệc tinh thần của niềm kiêu hãnh, của sức sống, của niềm hân hoan, của tình yêu và hạnh phúc. Tôi nhớ mãi khi nhân vật nữ nói với nhân vật nam: " Nếu em đồng ý cưới anh, anh có hứa là sẽ xây cho em một căn nhà nhỏ với hàng rào màu trắng?" Chẳng phải tất cả chúng ta những người con gái đều mơ ước một điều bình dị vậy thôi?
Giờ nghỉ giải lao giữa vở kịch, tôi và người Tàu ra ngoài đi dạo. Màn đêm buông xuống, hàng cây đã thẫm màu, chỉ con hai hàng đèn đường sáng màu hơi vàng và mờ ảo, cột đèn cao màu thẫm và hình đèn hơi giống đèn lồng. Dưới ánh đèn mê hoặc như trong truyện cổ, trong bóng đêm thoảng mùi sương, mùi nắng tắt, mùi nước hoa của những vị khách lịch sự ở nhà hát, tôi như đang lạc vào một cung điện tuyệt đẹp của vua chúa ngày xưa.
Lúc đó, tôi thấy rất vui và dễ chịu.
Trời đêm hơi se lạnh anh nắm chặt lấy tay tôi. Và từ lúc đó, anh không buông tay tôi ra nữa ( trừ lúc tôi phải đi nhà vệ sinh).
Từ đó Yang liên tục gọi điện, email, mời mọc đi chơi. Nói chuyện với người Tàu khá thú vị vì đó là một chàng trai có trí tuệ rất sắc sảo và có trình độ thưởng thức văn hóa. Đôi khi, dù không muốn, tôi thầm so sánh người Tàu và nhiều bạn tôi. Họ đều học thức ngang ngửa nhau, nhưng tôi có thể bàn về một cuốn phim hay, một món ăn ngon, một trò thể thao, một địa điểm thú vị với người Tàu trong khi các bạn ngồi bàn luận về những vấn đề chính trị tầm cỡ, nhà nước, chính quyền và những điều vĩ đại, hoặc những truyện tình dục nhảm nhí. Có lẽ, chính sự thiếu hụt văn hóa đó khiến tôi luôn thấy chán nản. Dù rằng, tôi hiểu điều này cũng có lý do từ cách giáo dục, từ cuộc sống hàng ngày. Dù tôi vẫn yêu mến các bạn tôi theo một cách đặc biệt nào đó.
Yang thực ra là một người cơ trí, quyết đoán, có ý chí rất mạnh. Khó có thể nhận biết được nét tính cách này nếu không tiếp xúc nhiều với anh vì bề ngoài, anh xem chừng có vẻ rất khiêm nhường. Có điều, tuy tôi thích trò chuyện với Yang, nhưng anh chưa bao giờ hấp dẫn tôi như một người tình. Tôi không tin là anh sẽ giữ nổi tôi nhưng vì anh rất quyết tâm theo đuổi, còn tôi lại rất tò mò nên chúng tôi vẫn còn gặp nhau. Tôi nhận lời đi chơi cùng anh, đi xem phim, leo núi, tiệc công ty, gặp bạn bè.
Vì vậy, đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến tính keo kiệt hay cái ham hố tham lam của Yang.
Tôi đem cái tâm sự tế nhị về tính keo kiệt của người Tàu này kể với chị và em tôi. Chị bảo: "Người Tàu nào chị gặp cũng căn cơ tiết kiệm thế cả. Cho nên họ mới giàu, đi mua nhà cho con, rút mấy bao tải tiền mặt ra trả hết một lần, đám cưới thì ôm mấy hòm vàng đến làm sính lễ. Thôi đã là bản tính dân tộc người ta, em chấp làm gì. Cứ chịu khó khi nào cưới khéo lại có mấy hòm vàng rước tới." Câu này làm tôi cười sằng sặc. Em thì chép miệng:" Mấy bạn Tàu là thâm thuý lắm, không biết đằng nào mà lần”. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến một người bạn Tàu gần một tháng trưa nào cũng ăn mì gói vì lỡ mua cả thùng mì, chồng không chịu ăn, mà bỏ đi thì phí. Chị lại bảo thêm “ Nhiều khi đấy là giáo dục gia đình. Bố mẹ keo kiệt thì thường con cái cũng vậy.” “ Ờ, mà quả bố Yang cũng keo kiệt thật. Có một lần tình cờ anh kể rằng vì quá tiết kiệm, bố anh không bỏ tiền cho anh đi kiềng răng cho tới năm anh 18 tuổi.
Yang vẫn kéo tay tôi đi. Nhà hàng đèn mờ lẫn với những khoảng tối mát lạnh. Anh hồ hởi bảo:
- Sắp tới, anh muốn giới thiệu em với mẹ anh.
Tôi giật nảy mình:
- Anh kể về em cho mẹ anh nghe à?
- Ừ.
Tôi bắt đầu cảm thấy khó xử. Anh nói tiếp:
- Em biết đấy, bố anh mất sớm, mẹ ở vậy. Mẹ sẽ rất vui nếu gặp em.
- Bố anh mất lâu chưa? Vì sao vậy?
- Khi anh bắt đầu vào cấp ba thì bố mất. Bố là bác sĩ, bị lây bệnh truyền nhiễm của bệnh nhân.
- Bệnh gì vậy?
- Bệnh viêm gan B.
Từ nhiên trong đầu tôi như có một sự liên kết thông tin mới này với nước da tái của người Tàu, cái nhìn nhiều khi mệt mỏi, và một sức bền bỉ như là một sự chấp nhận và chịu đựng ở anh mà tôi luôn cảm thấy nhưng không giải thích được rõ ràng. Dù không có chứng cớ gì, nhưng tôi tự nhiên có một linh cảm rằng Yang cũng bị bệnh giống bố anh.
Nhưng đó chỉ là phỏng đoán.
Tôi chuyển sang đề tài khác:
- Anh có anh em gì không?
- Anh có một người em ruột. Cậu ấy sắp tốt nghiệp bác sĩ.
Rồi giọng Yang như nhỏ lại:
-Anh thì mới học xong đại học. Các bạn cùng khóa đều học lên cả rồi, rất nhiều người đã tốt nghiệp bác sĩ.
Tôi thấy trong mắt người Tàu hình như ánh lên một vẻ gì là cạnh tranh và khao khát, giống như anh cũng muốn đi học lên cao như vậy, nhưng có một điều gì sắp đặt trước như là số mệnh cản anh lại, như là anh đã học cách chịu đựng và chấp nhận một cách ngoan cường.
Ý nghĩ có thể anh bị bệnh lại trở về trong tôi.
Có điều, nếu anh thực sự bị bệnh, mà không nói cho tôi biết, thì đó là một điều không trung thực.
- Em cũng có một người em trai, đang học đại học.
- Ồ, vậy hả.
Tôi nhìn anh ta thăm dò, thử thách.
- Em hiện giờ vẫn chu cấp cho cậu ấy tiền học và tiền ăn ở.
- Cái gì?
Anh ta tá hỏa lên, mắt tròn vo:
- Như vậy là rất nhiều tiền!
- Đúng, rất nhiều tiền, toàn bộ số tiền em làm được, và có lẽ phải vay nợ thêm nữa, nhưng em quyết giúp đỡ để cậu ấy học xong.
Anh ta gần như bị sốc, tiếp tục lải nhải:
- Nhưng làm sao em trả được từng ấy tiền, và biết đến bao giờ mới trả xong? Trời, thật khó có thể hình dung một món nợ lớn như vậy.
Tôi bắt đầu thấy người Tàu chán ngắt.
Anh ta nói tôi chờ vì muốn đi vệ sinh và lúc quay lại, có vẻ như có vẻ bình tĩnh hơn, nói:
- Anh xin lỗi. Đáng lẽ vừa rồi, anh không nên xử sự như thế.
Tôi thầm nghĩ: “Ồ, anh nên chứ. Em đã đoán trước rằng anh sẽ xử sự như vậy nên mới nói ra. Và bây giờ, anh sẽ tự hiểu vì sao chuyện không thành.”
Về tới nhà, đêm đã về khuya. Người Tàu nhìn tha thiết vào mắt tôi và nói: “ Anh yêu em.”
Tôi lặng lẽ vờ như không nghe thấy. Yang tìm cách hôn tôi tôi tránh bằng cách ôm anh tạm biệt. Nụ hôn rơi xuống cổ. Tôi cảm thấy một cảm giác ươn ướt và lạnh. Khi anh về rồi, tôi nắn bàn tay trái của mình thấy bàn tay tôi tê buốt vì bị nắm lâu quá.
Lời nói đã buông ra rồi thì không lấy lại được nữa. Quan hệ của chúng tôi đã khác sau lời nói ấy. Tôi tự thấy không thể đáp lại lời tỏ tình của anh và cũng không thể đi chơi vô tư như trước nữa.
Ngày hôm sau, tôi không trả lời điện thoại của người Tàu. Tôi bắt đầu thấy chán Wilson khủng khiếp. Có lẽ vì tôi đã tìm hiểu hết về thế giới của anh rồi và thấy chẳng có gì hấp dẫn cả.
Có lẽ Wilson cũng cảm thấy hơi hoang mang về thái độ của tôi nên tìm cách cứu vãn.
Tuần sau đó đang ngồi ở chỗ làm, tôi nhận được một hộp dài, gửi nhanh, mà không ghi rõ là của ai gửi. Ký nhận rồi, mở hộp ra, tôi ngoác miệng cười vì một sự bất ngờ tuyệt đẹp. Đó là một bó hoa tulíp trắng muốt và đỏ tươi, xen lẫn hoa Irish tím thẫm, có kèm theo một thiếp ngắn nói “ Anh yêu em” với chữ ký Wilson Yang. Tôi hí hửng ngồi cắm hoa, nhìn mỗi bông hoa đẹp lòng vui như tết. Bó hoa rực rỡ trên bàn làm việc khiến mỗi đồng nghiệp đi qua đều hỏi thăm. Khi tôi về đến nhà, trước cửa cũng có một hộp y hệt, nhưng bên trong là một bó hoa hồng đỏ, loại hoa mà tôi thích nhất. Tôi vốn rất yêu hoa. Hoa đẹp luôn làm tôi hạnh phúc.
Tôi rất ngạc nhiên khi Yang gửi hoa tặng tôi, với bản tính keo kiệt, đây hẳn là một cử chỉ vô cùng hiếm hoi và hào phóng, thể hiện một tình cảm cao độ.
Tôi cũng nghĩ chắc Yang chẳng thể tự nghĩ ra. Chuyện hoa này chắc là mẹ anh cố vấn. Nói chung, đàn ông thường không nghĩ ra chuyện tặng hoa đàn bà, chỉ có đàn bà mới hiểu được sự cảm động bởi những thứ vớ vẩn chẳng đáng mấy tiền như hoa. Ví dụ như tôi được anh gửi tặng hoa thì sung sướng, cảm kích lắm, nhìn bó tulip và Irish tươi tắn trên bàn tự nhiên thấy hí hửng, cười suốt, vênh vang với đồng nghiệp ghen tị, tha cho anh rất nhiều tội, kể cả tội keo kiệt. Bây giờ mới thấy mình hoá ra cũng nhẹ dạ như ai.
Nhung nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy thực ra trong lòng không có cảm tình đặc biệt với người Tàu mặc dù tôi thừa nhận đó là một người mạnh mẽ, thông minh, cơ trí, và thực sự say mê tôi. Nhưng vì không có tình trong lòng nên khi nghĩ về anh, tôi cứ bị lạc đề sang những chuyện chẳng liên quan gì đến tình cảm, ví dụ như chuyện tiền. Mặc dù cảm động về cử chỉ gửi hoa tặng, nhưng tôi thấy hoa cũng sẽ không cứu nổi mối quan hệ này.
Tôi nghĩ nếu nói thẳng thì thật đau cho anh quá. Nhưng tôi lại không muốn chần chừ làm mất thời gian của cả hai bên. Cuối cùng, tôi định sẽ chỉ email cảm ơn về hai bó hoa, tạm biệt vì không thể gặp lại. Khi điện thoại của tôi đầy ắp tin nhắn từ người Tàu thì tôi viết xong email. Đó thực sự không phải là một email dễ viết.
Tôi gửi email đi khi hoa trên bàn vẫn còn chưa héo, mùi hương vẫn thơm ngát trong phòng. Khi bấm vào nút "Gửi", tôi nghĩ gì về thế giới, tôi nghĩ gì về sự chọn lựa?
Thực ra, tâm trạng của tôi rất nặng nề, tôi nghĩ tới sự thất vọng của người Tàu, nghĩ tới chặng đường một mình dài dằng dặc phía trước. Tôi giống như là một người đi giữa trời mưa bão, tưởng rằng đã tìm được một chỗ tránh mưa nhưng lại thấy chỗ đó không hợp với mình nên đành xách ô đi tiếp. Có thể trên quãng đường tới trời sẽ tạnh ráo, nắng trải vàng ươm, chim hót líu lo, và tôi sẽ gặp hoàng tử, có thể mưa sẽ to hơn, sấm chớp đùng đùng và con đường thì càng đi càng xa. Măc dù không đoán được tương lai nhưng tôi vẫn hì hụi xách ô xông vào trời giông bão mù mịt bởi một niềm tin bướng bỉnh rằng sự thật duy nhất trên thế giới này là sự thật của trái tim, con đường duy nhất dẫn tới hạnh phúc đích thực là sống trung thực với trái tim mình.
Dù rằng rất nhiều khi, ở rất nhiều hoàn cảnh, nhận ra và làm được việc này không phải chuyện giản đơn....
Sau đó rất lâu, Yang vẫn gửi rất nhiều email mời tôi đi chơi. Tôi chưa bao giờ trả lời. Nhưng mỗi khi nhin thấy hoa Irish tím tôi lại nhớ tới tình cảm của người Tàu. Tôi biết rằng anh là một người mạnh mẽ và anh sẽ vượt qua cú ngã này. Giống như là tất cả chúng ta phải học cách vượt qua nỗi thất vọng để tiếp tục sống và hi vọng rằng một ngày kia hạnh phúc sẽ mỉm cười với những kẻ có lòng tin.