rong chứng minh nhân dân chàng trai ấy mang tên Trần Văn Ðoài sinh ngày 27 tháng 5 năm 1960 tại Mũi Né Phan Thiết nhưng dưới những tấm ảnh nghệ thuật gởi đăng báo chàng ta ký tên là Trần Hồng Sơn, tuy nhiên cái tên ấy cũng không nổi tiếng gì lắm. Buổi trưa là lúc quán cà phê Hồng vắng khách nhất, cánh cổng khép hờ và cô chủ quán xinh đẹp thường ngồi đọc tờ báo Công An mới nhất của ngày hôm đó nơi cái bàn nhỏ kê ở góc sân, dưới bóng mát của cây táo. Trần Hồng Sơn bước đến, kéo chiếc ghế mây và ngồi xuống, đối diện cô chủ quán. Cảnh đó diễn ra gần như thường ngày nên Hồng không có gì ngạc nhiên cũng không ngẩng lên nhìn. Sơn ngồi im lặng ngắm cô, có khi ngắm như thế suốt một tiếng đồng hồ rồi đi. Không nói một lời. Hồng cũng không nói một lời. Có khi Sơn cầm chiếc guốc của cô gái lên hôn hít như điên như dại. Rồi bỏ đi. Có khi anh gục đầu xuống bàn gọi tên cô lầm bầm trong miệng như người ta đọc kinh rồi cười mà nước mắt chảy ra ràn rụa. Những lúc ấy Hồng nói: Anh đừng làm thế. Anh đi về đi. Thế là Sơn ngoan ngoãn đi về. Nhưng hôm nay anh ta chỉ ngồi im, mặt tái mét, phờ phạc, khốn khổ. Anh moi tờ giấy bạc trong bao thuốc lá ra dùng răng xé từng miếng nhỏ, nhai và nuốt chửng. Hồng chỉ liếc nhìn rồi lại cúi xuống tờ báo, đến khi Sơn bắt đầu nhai tới bao thuốc Hero thì cô gái mới ngăn anh lại. Cô hỏi: -Có chuyện gì vậy? -Tại sao hôm trước em để cho thằng Hưng nó chở em? -Ổng đón đường. Năn nỉ đưa tôi về nhà. -Năn nỉ kệ nó chớ. Em có biết rằng con gái mà ngồi sau xe cho đàn ông nó chở là hư lắm không? -Tôi không thích anh đến đây để chửi tôi đâu. Sơn làm thinh, xé cái bao thuốc Hero làm hai, dùng tay bóp nát rồi đưa vô miệng nhai. Hồng cứ mặc kệ, tiếp tục đọc báo. Sơn lại nói: -Từ rày về sau em không được để cho thằng Hưng hay bất cứ ai chở nữa, kể cả anh chàng nhà văn và nhất là cái thằng Ðắc. Ðó là thằng khốn nạn nhất trong ba kẻ đang say mê theo đuổi em. Hồng ném tờ báo xuống đất. -Ô, anh để ý làm gì tới mấy người đó. Họ đến đây uống cà phê thì tôi cũng cười cười nói nói với họ cho vui chớ có gì đâu. Sơn nuốt chửng cục giấy dày một cách dễ dàng. Khi anh ta chuẩn bị nhai nửa thứ hai của bao thuốc thì Hồng giựt lại. -Bộ anh điên hả. Ðể tôi pha cà phê cho anh. -Không uống đâu. Hồng cúi xuống lấy tờ báo lên nhưng Sơn đã giựt phăng đi, xé một góc, đưa vô miệng. Hồng thở dài, nhắm mắt. Sơn nói: -Lần sau nó mà đón đường thì em phải lụi cho nó một dao nghe chưa. -Anh lụi đi. Tôi không dám. -Ðược. Tôi sẽ lụi. Tôi sẽ giết nó rồi giết em luôn. -Nói nghe mệt. Hồng dượm đứng lên nhưng Sơn đã chụp lấy cổ tay cô, giữ thật chặt, nói gần như mếu máo: -Anh lạy em. Hồng ơi! Anh lạy em. Anh yêu em vô cùng. Không có em anh sẽ chết mất, Hồng ơi! Hồng gỡ tay anh ta ra nhưng không bỏ đi, cô nói: -Nghe mệt quá. Ðàn ông nào cũng nói một giọng đó. -Không đâu. Nếu không được yêu em thì anh sẽ chết. -Chết thiệt hay chết giả? -Chết thiệt mà. -Nếu bây giờ tôi bảo anh chết, anh dám chết không? -Dám. Em biểu đi. -Người ta bỏ tù tôi sao? -Hay em muốn chứng tỏ như thế nào? Em nói đi, tôi sẽ làm theo lời em. Hồng cười khúc khích. Cô đứng dậy, lại quầy bưng một ly cà phê đá đến cho Sơn. Buổi trưa thành phố yên tĩnh, chỉ nghe tiếng chổi của những người phu quét đường quét sàn sạt. Quán chỉ còn lại có hai người. Hồng đặt ly cà phê đá trước mặt Sơn rồi hỏi: -Anh ăn cơm chưa? -Tôi không ăn. -Uống cà phê đi. Nhưng anh ta đã đứng dậy đi thẳng vô bếp, lát sau anh trở ra với cây đèn dầu hôi trên tay. Hồng hỏi: -Anh làm gì vậy? Sơn nói một cách dịu dàng: -Em ngồi xuống. Ðọc báo đi. Ðể mặc tôi. Rồi anh dùng răng xé một góc cái áo pull đang mặc, dùng mảnh vải thun ấy chậm chạp quấn quanh đầu ngón tay trỏ của mình. Hồng có vẻ thích thú khi nhìn cái trò chơi quái gỡ của anh bạn. -Anh làm xiếc hả? Cô hỏi. -Em không muốn tôi chứng tỏ tình yêu của tôi đối với em sao? -Hay đấy! Hồng reo lên. Sơn lấy dầu hôi trong đèn rưới lên ngón tay vừa được quấn bằng miếng vải thun rồi đưa ngón tay ra giữa hai người. Hồng cười: -Tình yêu gì kỳ vậy? Sơn bật quẹt ga lên, châm vào ngón tay mình. Nó bốc cháy như một ngọn nến lớn. Sơn ngồi im nhìn ngọn lửa, không nhúc nhích. Hồng thì kinh ngạc nhưng chẳng hiểu sao cô lại không sợ. Chưa bao giờ cô thấy Sơn vui như lúc này. Mặt anh rạng rỡ, đôi mắt anh trong, và cái nhìn âu yếm lạ thường. Ngón tay vẫn cháy phừng phực. Mùi khét của da thịt đã bốc ra thế mà ngón tay vẫn giương thẳng. Cô gái nhìn trân trối, vẫn cứ tưởng đó là một trò ảo thuật. Một lúc sau, khi một dòng mỡ người từ ngón tay bốc lửa ấy chảy rịn xuống bàn tay thì Sơn cơ hồ như không thể chịu đựng nổi nữa. Khuỷu tay tựa lên mặt bàn, nhưng cánh tay thì rung lên bần bật. Sơn mím chặt môi, tóe máu. Tự nhiên Hồng bật cười, một nỗi vui man dại từ đâu bỗng tràn ngập lòng cô. Cô cười rũ ra, hả hê, sung sướng. Sơn gục xuống bàn, cánh tay buông thõng. Ngọn lửa đã tắt, trơ ra một ngón tay đen nham nhở những vệt đỏ của da thịt nứt nẻ. Ngón tay bây giờ cong lại, co quắp như một con bọ xù xì đã chết từ lúc nào. ° Sau đó là một nỗi khủng khiếp, hoảng sợ và hoang mang. Hồng bỏ cả buôn bán, cô nằm dài ở nhà suốt ba ngày liền. Cứ nghĩ đến cái ngón tay ấy là cô không thể nhắm mắt được. Cô cũng không ăn được, chỉ uống ít sữa. Buổi trưa cô ngủ chập chờn và đầy ác mộng. Nhưng sợ nhất là ban đêm, cô đến ngủ chung với mẹ. Nằm cạnh mẹ cô thấy yên tâm hơn và ngủ được đôi chút nhưng cô hay thức dậy nửa chừng và mơ hồ nghe có tiếng bước chân ai đi ngoài hành lang. Cô ôm lấy mẹ và thiếp đi. Trong mơ, cô thấy Sơn đi giữa sa mạc nóng bỏng, vừa đi vừa nhìn ngón tay cháy đỏ rực của mình và cười lên như điên dại. Tiếng cười buốt óc cô, lan ra trên sa mạc mênh mông. Tiếng cười xoáy vào tim cô, xoáy vào khoảng trời rộng, xoáy vào những cơn gió làm cho nó trở nên hung dữ, trở nên điên loạn và cuồng nộ hơn. Ngón tay cứ cháy đỏ rực rồi cháy lan ra cả bàn tay, cả cánh tay, đến khi ngọn lửa táp vào quần áo Sơn, phừng phực trên ngực trên mặt thì tiếng cười của Sơn biến thành một cơn bão. Cát bay mù mịt, lốc xoáy ghê rợn. Cả người Sơn bốc lửa và bị cơn lốc xoáy hút lên trời đỏ rực như một ánh ma trơi. Hồng la hoảng lên, ngồi bật dậy thở hổn hển. Mẹ cô hoảng hốt nhìn con gái. Bà lấy nước đá chườm lên trán cô rồi vuốt ve cô, quạt cho cô ngủ. Cơn ác mộng ấy cứ diễn đi diễn lại hai ba lần làm Hồng khủng hoảng. Cô đi khám bác sĩ và được cho uống thuốc bổ kèm thuốc an thần. Ðến ngày thứ ba cô cảm thấy ổn định hơn. Cô nằm nghe nhạc. Cả nhà đi làm hết, mẹ cô thì đi bán ngoài chợ. Cô nằm một mình trong căn phòng xinh xắn của mình, thấy đầu óc lơ mơ muốn ngủ. Ngay lúc ấy Sơn đến. Vẫn đội cái mũ vải sờn rách quen thuộc. Bàn tay đã được băng bó kỹ. Trông anh xanh xao hơn mọi ngày. Hồng đang thiu thiu ngủ nên không hay biết sự có mặt của anh. Sơn ngồi xuống nền nhà, ngồi xếp bằng, lặng lẽ ngắm cô gái. Bàn tay của Hồng đặt hờ trên mép “ra” trắng, ngón tay thon thả. Ðã bao nhiêu năm anh mơ ước được cầm lấy bàn tay ấy trong tay mình mà vuốt ve âu yếm, được hôn lên từng ngón tay… nhưng chưa có lần nào anh dám làm điều ấy, bây giờ cái ước muốn ấy lại trào lên, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tim đập hỗn loạn, anh khó thở, muốn nghẹn và thấy đau nhói ở ngực. Thế rồi anh quỳ bên giường, nhẹ nhàng cúi xuống hôn nhẹ lên những ngón tay ấy. Hồng choàng tỉnh. Khi nhận ra cái mũ vải, cô hét lên, ngồi bật dậy, mặt tái mét. -Ðừng sợ. Sơn đây mà. -Không. Anh đi đi. Anh làm tôi sợ lắm. -Tôi có làm gì em đâu. Tôi yêu em vô cùng. Em vẫn chưa tin tôi sao? Cô gái co rúm người lại, nép sát vào tường. -Anh đi đi! Ðừng bao giờ đến đây, đừng bao giờ gặp tôi nữa. Sơn vẫn quỳ gối, bàn tay trái băng trắng toát càng làm cho Hồng sợ hãi. -Tôi lạy anh mà, anh Sơn! Nhưng tôi yêu em. Tôi yêu em mà. -Yêu mà như thế tôi sợ lắm. Anh đừng gặp tôi nữa. Tôi không bao giờ yêu một người như anh. Xin anh hãy buông tha cho tôi. Sơn bật khóc: -Tôi lạy em Hồng ơi! Em nỡ giết tôi sao. Không có em tôi sẽ chết. -Ừ, anh chết đi. Anh có biết là suốt mấy hôm nay anh đã làm cho tôi khủng khiếp đến mức nào không? Trời ơi, tại sao tôi lại phải chịu đựng anh, phải sống những ngày khủng khiếp như thế này. Anh có biết rằng anh như một bóng ma ám ảnh cuộc đời tôi không. Anh có biết tôi nằm mơ thấy gì không? Hồng gục đầu xuống gối khóc nức nở. Sơn thở dài. Anh không quỳ nữa mà ngồi bệt xuống nền nhà, mặt hằn lên nét đau đớn và tuyệt vọng. Và trong khi Hồng úp mặt khóc rưng rức thì Sơn lặng lẽ rút con dao cau bén ngót ra để một bên, xong anh lôi trong xách ra một hộp bông gòn và một cuộn băng vải khá lớn. Sự bình tĩnh đã trở lại trên gương mặt của chàng trai trẻ. Ðó là một sự tĩnh lặng hiu hắt, xa vắng và mênh mông của biển cả, của thảo nguyên hoang vu… Sơn gọi: -Hồng ơi! Hồng! Nhưng cô gái vẫn khóc. Sơn lại gọi: -Hồng ơi! Cô gái vừa khóc vừa nói: -Anh đi đi! Tôi lạy anh. -Thế là hết. Bây giờ tôi mới biết rằng từ trước đến nay Hồng chưa bao giờ yêu tôi. Thế thì tôi còn gì nữa đâu. Ðời tôi trở thành vô nghĩa, thừa thãi trên trái đất này. Em hãy quay lại nhìn tôi một lần cuối đi. Rồi tôi sẽ ra đi. -Không. Hồng vẫn úp mặt khóc. Anh đi đi. Mẹ tôi sắp về bây giờ. -Em đuổi tôi thiệt sao? -Thiệt mà. Sơn cầm con dao cau lên đăm đăm nhìn cô gái. Trời ơi, sao cái vẻ đẹp tuyệt vời kia lại đáng sợ đến thế? Sơn dùng những ngón tay còn lại của bàn tay trái kéo căng vành tai mình ra rồi tay phải cầm chắc con dao cau, anh cắn răng cứa phăng một nhát. Vành tai đứt lìa. Con dao cau rớt xuống nền nhà, bên cạnh vành tai đẫm máu. Hồng rú lên và ngất xỉu. Sơn bình tĩnh bịt vết thương bằng cục bông gòn lớn nhưng máu cứ đầm đìa, dây ra mặt, chảy ròng ròng theo cổ tay, chảy đỏ cả ngực. Anh quấn băng một cách vụng về, quấn chằng chịt, chỉ chừa hai con mắt để nhìn và cái mũi để thở. Khi máu đã hết chảy, anh gom những thứ vung vãi trên nền nhà lại, lau sạch máu quanh chỗ ngồi rồi bước ra khỏi phòng, khép nhẹ cánh cửa. Lúc ra đến đường, máu lại nhễu giọt xuống vai rồi chảy ròng ròng. Anh thấy choáng váng, hoa mắt. Anh gọi một chiếc xích lô đạp. Người phu xe hết hồn khi nhìn thấy anh, ông ta vội vàng nhảy xuống, đỡ anh lên xe. Sơn ngửa người ra phía sau, nằm thiêm thiếp. Chỉ một lát sau anh đã mê đi và không còn biết gì nữa. ° Ba tháng sau, trên đường phố Sài gòn, sáng sáng người ta thấy có một nhà sư khất thực trẻ tuổi mặc áo cà sa mầu vàng sậm và đi chân đất. Nhà sư cạo đầu nhẵn thín, và các tín hữu đem thức ăn đến bỏ vào bình bát của ông, ban đầu còn ngạc nhiên nhìn cái vành tai cụt, nhưng dần dà mọi người trong phố cũng quen với cái khuyết tật ấy.