- III -

    
ôi trở lại K65 tức là trở lại cái thế giới ở đó tôi không được coi là con người. Gần giờ ăn trưa, tôi đến K65. Tôi để đồ đạc bên đường. Tôi cảm ơn anh tài xế. Anh ta cười và hút với tôi một điều thuốc, rồi đưa xe vào sân khu nhà A. Tôi cứ đứng bên đường, chưa biết mình đi đâu bây giờ. Người ta đã thấy tôi. Người trong các phòng nháo nhác ngó ra đường. Những cửa sổ trên lầu nhà A, dọc hành lang lầu nhà B đầu người, thân người ló ra, hai bên hai phía, tôi ở giữa. Nhiều người đã ra đứng ngoài hành lang, ngoài sân, nghiêng vai, ghé vào tai nhau. Sau này cô Mộng, một người bạn tuổi suýt soát với tôi, kể cho tôi biết: lúc anh mới lên, người ta xì xầm rất dữ, có người nhăn mặt, có người nhổ nước miếng:
“Thằng Đính!”
“Sao lại đưa hắn về đây?”
“Tưởng đã đưa hắn đi cải tạo rồi chứ”.
“Hắn!”
Ông Hà, người Quảng Ngãi khoảng trên 60 tuổi và ông Bí thư chi bộ dãy nhà B1, cũng người Quảng Ngãi, tôi không nhớ tên, ra gặp tôi. Ông Hà nói:
“Anh về lại tổ 3 ở phòng cũ”.
Hai ông đi trước tôi theo sau. Tôi để bao sách vở và một vài thứ lặt vặt trước cửa phòng trực, rồi xách va li đi vào. Ông Hà chỉ cho cái giường sát ngay cửa ra vào:
“Anh nằm đây!”
Ông Hà quay sang ông Bí thư chi bộ:
“Thôi đi ăn cơm đã”.
Rồi ông nói với tôi:
“Ăn cơm xong chúng tôi sẽ làm việc với anh”.
Mọi người trong phòng cầm đũa chén đi ăn cơm. Họ coi như không có tôi. Ông già Tuyến ở phòng trong ra sau cùng. Ông nói với tôi:
“Đi ăn cơm mầy... mầy thiệt...”
Tôi đã được cho biết là cơm trưa của tôi đã báo rồi.
Nhà ăn ồn ào. Tôi bước vào. Tiếng nói, tiếng cười bớt dần rồi im hẳn, chỉ còn tiếng bát đũa va nhau và tiếng chân ghế sắt kéo trên nền xi măng. Mọi người đều nhìn tôi. Người đứng dậy, người ngểnh cổ, người chỉ liếc qua rồi cứ cúi đầu ăn. Tôi ngó quanh, rồi tìm một bàn chưa có người, kéo ghế ngồi đợi. Mấy bà, mấy cô phục vụ đứng ở cuối nhà bếp chỉ chỏ tôi nói thì thầm. Tôi loáng thoáng nghe một vài tiếng nói nhỏ chung quanh. Những người đến sau tìm một bàn trống khác ngồi đợi. Tiếng ồn chung quanh bắt đầu, nhưng không xáo động như thường ngày. Một người cầm bát đũa đến bàn tôi, ông Bí thư chi bộ khu B. Một người nữa đến, ông Bí thư Đảng ủy. Còn thiếu một người nữa.
“A, anh Phước, lại đây”.
Ông Phước, người Bình Định, đau gan, đang đứng giữa phòng. Ông Bí thư Đảng ủy vẫy tay:
“Lại đây, lại đây anh Phước”.
Tôi ăn rất ngon. Suốt bữa ăn các ông đó có nói chuyện qua lại. Tôi ngồi lại sau cùng. Ăn xong tôi đi rửa chén đũa. Một người đang rửa ở vòi nước thấy tôi bước đến, bỏ qua vòi khác ngay. Mặc kệ, tôi cúi xuống rửa. Đến thùng nước uống, cô Mộng đang hứng nước vào bát. Cô vừa rút bát ra, tôi đưa bát vào. Đợi bát tôi đầy nước cô Mộng tắt rô bi nê. Một vài người thấy tôi đứng uống nước, lảng ra đi chỗ khác hoặc sang thùng nước bên cạnh. Chị Hoài, người cùng quê Quảng Điền với tôi, đến lấy nước uống. Chị vừa hứng nước, vừa nhìn tôi cười. Rồi chị và cô Mộng cứ đứng bên thùng nước cho đến khi tôi uống xong mới về.
Bắt đầu từ đây, ở cái K65 này, tôi sống những ngày kinh khủng nhất trong đời mình. Không ai ăn thịt ăn cá chi tôi hết, nhưng quá dễ sợ.
Tôi vừa bước vào phòng, ông Hà vào bảo tôi:
“Anh sang phòng Đảng ủy làm việc”.
Nói xong ông ta bỏ đi ngay. Tôi cất bát đũa, đốt một điếu thuốc rồi đi. Vòng trong hành lang, tôi gặp thằng Nguyễn Viết Trác vừa mới đi ăn cơm về. Hắn nhăn mặt, khấp khểnh bước, giả đò lên cơn suyễn, nhìn tôi, rồi cúi đầu lê chân bước vào phòng [30]. Hình như khi nhìn tôi hắn có lắc lắc cái đầu thì phải. Tôi sang nhà A, và phòng ông Bí thư Đảng ủy khối bệnh nhân [31]. Bên cái bàn đá mài kê sát cửa sổ ngó ra ngoài sân ba bốn ông đủ bộ sậu trong ban lãnh đạo Đảng và hội đồng bệnh nhân đã ngồi sẵn đó. Họ đang uống trà và cười nói. Còn một cái ghế, ông Hà kéo ngồi. Tôi không có chỗ, tôi ngồi lên giường. Trời tạnh, giữa trưa có hơi nắng, nhưng còn lạnh. Một ông trong họ đứng dậy chế nước vào ấm. Hình như cử chỉ đó thường là để chuẩn bị và ổn định đầu óc của những người chủ trì một buổi họp. Ông Hà, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân nói:
“Báo cáo các đồng chí, anh Đính đã đến”.
Quay sang tôi ông tiếp:
“Hôm nay chúng tôi mời anh đến đây để Đảng ủy và hội đồng bệnh nhân làm việc”.
Rồi ông giới thiệu từng người một, mặc dầu ông ta biết là tôi đã biết và quen mặt những người này từ lâu. Chỉ có ông Phước đau gan người Bình Định, làm Bí thư chi bộ khu B1 thay ông Bí thư người Quảng Ngãi sắp chuyển đi nơi khác.
Ông Bí thư Đảng ủy, người Quảng Nam, khoảng trên 40 tuổi, mặt tròn, trắng, nói:
“Ban Thống nhất Trung ương và Cục đón tiếp cán bộ B tạm thời đưa anh về đây và giao nhiệm vụ cho chúng tôi giáo dục và theo dõi anh. Đối với anh lúc này, ý kiến của tập thể K65 là hết sức quan trọng. Anh được hưởng mọi tiêu chuẩn như mọi người, nhưng ngoài nội quy và y lệnh anh còn phải thực hành những điều sau đây”.
Ông ta nhìn vào cuốn sổ và nói tiếp:
“Anh nên nhớ là giờ đây anh không phải như anh trước kia nữa. Anh phải nhớ những điều này. Ngoài việc đi ăn cơm, vệ sinh cá nhân trong phạm vi của K65 ra, đi đâu anh phải báo cáo với anh Hà, hoặc với tổ trưởng. Anh không được ra ngoài thị xã mà không xin phép. Ngay ở trong K có tổ chức chiếu bóng vào ban đêm, anh phải xin phép các anh đó mới được đi. Anh không được nói chuyện với bất cứ một người nào, kể cả cán bộ bệnh nhân hoặc với những người ở cùng phòng. Nói rõ ra là anh không được gợi ý gặp hay nói chuyện với bất cứ một người nào. Những người khác thì có quyền nói với anh, mà nếu có hỏi, có nói với anh thì anh mới trả lời, còn không thì thôi. Anh phải tỏ ra có lễ độ với mọi người. Không phải như trước đâu, nói gì anh cũng phải thưa dạ”.
Ông ta hớp một hớp nước rồi tiếp:
“Anh không được tham dự bất cứ một cuộc họp hoặc sinh hoạt nào trong K. Nếu có một cuộc họp nào đó mà anh được cho phép dự, như sinh hoạt tổ chẳng hạn, anh chỉ được ngồi nghe, và cấm không được phát biểu”.
Ông ta dừng lại hút thuốc. Ông Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng bệnh nhân nói:
“Tuyệt đối, tôi nhắc lại, tuyệt đối anh không được góp ý, phê bình bất cứ ai ở K65 này về bất cứ một việc gì”.
Ông Bí thư Đảng ủy tiếp:
“Anh phải nhớ kỹ điều đó”.
Ông ta nhìn tôi, rồi nói giọng to hơn.
“Tuyệt đối anh không được nhờ bất cứ ai trong anh chị em cán bộ ở K65 làm một việc gì. Không được, tuyệt đối không được. Còn nếu ai trong anh chị em nhờ anh làm một việc gì, anh phải báo cáo cho chúng tôi biết; chúng tôi có đồng ý anh mới được làm. Còn điều này nữa, tuyệt đối anh không được gặp gỡ bất cứ một người nào, dù là bạn bè hay bà con ở nơi khác đến. Anh nghe chưa?”
Một người khác góp ý:
“Anh ăn nói với mọi người phải từ tốn, lễ phép. Tốt hơn hết, có ai nói với anh anh mới được nói”.
Ông Chủ tịch hội đồng bệnh nhân nói:
“Anh Đính ạ, anh là một người có trọng tội. Anh phải biết ăn năn hối cải. Những ngày anh ở đây là bước đầu chúng tôi đánh giá con người anh. Và việc đánh giá của chúng tôi sẽ có quan hệ đến tương lai của anh sau này. Và sau này, anh sẽ ra sao, đi đâu, làm gì là do các anh ở trên quyết định. Tạm thời trước mắt anh ở đây đã. Thế thôi các đồng chí nha”.
Ông Bí thư Đảng ủy nói:
“Anh có ý kiến gì không?”
“Không”.
“Thế thôi các đồng chí. Thôi anh về đi”.
Tôi ở căn phòng cũ, trước ở phòng trong, nay ở phòng ngoài. Dãy nhà B này có hình chữ U, phòng tôi ở tầng trệt sát phòng đấu góc khay. Giường của tôi kê ngay cửa ra vào thông với cửa hành lang ngó sang dãy nhà trệt bốn năm phòng cách một khoảng sân rộng. Một cái bàn xi măng đá rửa màu xám kê sẵn sát giường. Cái bàn này bây giờ với tôi chỉ để vali, tách chén, bát đũa. Lúc này tôi còn đọc, viết gì được nữa. Nhưng tôi mà đụng vào giấy bút, sách vở thì chỉ gây thêm cực khổ cho tôi. Người chung quanh thường dòm ngó tôi, từng cử chỉ, từng lời nói, từng bước đi. Đó không phải là nỗi khổ tâm của tôi mà là một sự kinh khủng của tôi: Không viết được, không đọc được. Dần dà về sau, tôi sang phòng đọc sách báo của K ngồi đọc, rồi mượn báo về phòng, lúc này tôi chỉ mượn báo mà không mượn sách. Ngồi ở phòng đọc sách tôi thấy mình thư thả, không bị ai dòm ngó. Nằm trong phòng người qua kẻ lại với những bộ mặt khinh khỉnh liếc trừng, tôi quá mệt. Tất cả báo chí tôi mượn về đều để trần ra giữa bàn, trên giường. Và người ta cũng biết đó đều là sách báo của Đảng và tôi mượn của K. Nhưng thường xuyên họ vẫn lò mò kiểm tra. Tôi chỉ đọc mà không ghi chép. Tôi tránh việc cầm cây bút trên tay và trước mặt là một quyển vở hay một xấp giấy trắng. Suốt thời gian này tôi không bao giờ khóa va li.
Không khí ở K65 quá căng thẳng với tôi. Tôi không đi chơi đâu được, không nói chuyện với ai. Căn phòng tôi ở cũng vẫn là những người cũ hình như có một hai người mới đến. Tất cả đều là Đảng viên. Trong số này có một anh chàng người Quảng Ngãi trên 40 tuổi, luôn luôn ăn diện, áo quần khi nào cũng thẳng nếp và đắt tiền [32]. Anh ta đang có ý định lấy vợ và ở luôn miền Bắc. Trước anh ta rất vui vẻ với tôi, nhưng bây giờ anh ta căm ghét tôi ra mặt, thậm chí anh ta còn nhổ nước bọt trước mặt tôi.
Không khi nào tôi đang đi mà có ai gọi tôi cả. Tôi có đó cũng như không. Người ta gọi tôi là “tên Đính”, “thằng Đính”. “Ê Đính, lại đây nói cái này”. Cũng có người gọi tôi bằng anh, nhưng lúc đó chỉ có tôi và người đó. Và người đó trước khi nói với tôi một điều gì đều ngó trước ngó sau, và bao giờ cũng chỉ một câu ngắn, đôi ba tiếng, rồi bỏ đi ngay, để nếu có ai thấy cũng chỉ xem như tình cờ người này đi ngang qua mặt tôi [33].
Tôi vẫn giữ cách sinh hoạt bình thường hàng ngày của tôi. Buổi sáng, buổi trưa xách phích xuống nhà bếp lấy nước... Cũng may đó là những việc hằng ngày trước kia của tôi, không thì bây giờ người ta sẽ bảo tôi là cố phấn đấu để chuộc tội. Có điều là tôi không thức khuya được. Trước kia, tôi có sắm một cây đèn dầu hỏa. Sau chín mười giờ khi mọi người tắt điện đi ngủ, tôi thắp đèn dầu thức, đọc sách và viết.
Ở gác trên có một anh thanh niên người Quảng Ngãi lớn hơn tôi một hai tuổi, kỹ sư nông nghiệp thì phải, bị bệnh thần kinh. Anh ta hát rất hay, và thường ngồi trước hành lang đánh đàn hát to một mình. Một hôm đến giờ ăn cơm, tôi gặp anh ta cầm đũa bát từ trên gác đi xuống. Anh ta nói, vừa nói vừa cười hi hi:
“Sớm quá, sớm quá, ông anh ơi! Ông làm sớm quá!”
Anh ta cười hi hi. Anh ta không dự cuộc đấu tố tôi tại hội trường K65. Tôi chắc là anh ta không bị phê bình, dù anh ta là Đảng viên, vì người ta cho là anh ta bị thần kinh.
Lúc này tôi cũng chỉ có một mình. Tôi quanh quẩn với cái bóng của tôi, khi tôi theo nó, khi nó theo tôi; ban đêm trên vách, ban ngày trên đường. Ở đây không ai đối xử với tôi như một con người. Thà tôi bị đưa đi cải tạo lao động hoặc ở tù còn hơn. Dẫu sao ở đó những người chung quanh cùng một hoàn cảnh, dù có ganh ghét nhau, đâm chém nhau cũng còn xem nhau là con người. Còn ở đây, người ta đối xử với tôi một cách tệ hại. Người ta kinh tởm tôi, khinh bỉ tôi. Tôi như một tên hủi, một con chó ghẻ dại hôi hám mà hàng ngày người ta buộc phải chung đụng không thể tránh được. Vào một lối hẹp, hay ở một chỗ đông người, tất cả đều tránh không để cho quần áo họ vướng vào quần áo tôi, không để cho người họ đụng vào người tôi. Đến nhà ăn, những con mắt cứ ngó trừng tôi. Không ai chịu ngồi ăn với tôi. Nhiều lần, nhiều lần tôi nghĩ chắc trong người tôi có mùi cứt. Một bàn bốn phần ăn, mới chỉ có hai hoặc ba, còn thiếu một, hễ tôi kéo ghế ngồi vào là họ cầm bát đũa đứng dậy hầm hầm giận dữ bỏ đi. Cho nên túng thế nhiều khi mấy ông Đảng ủy, chi ủy buộc lòng phải ngồi với tôi. Nhưng bữa đó, họ ăn rất mau và bao giờ cũng ra khỏi bàn trước tôi. Có lần, tôi thấy một bàn ăn còn thiếu một người, tôi ngồi vào, lập tức ông Phước, Đảng ủy viên, người Bình Định, đứng dậy kéo theo một anh chàng thanh niên ngồi cạnh đi qua bàn khác ngay. Mặt ông ta có vẻ tức giận. Chàng thanh niên đó là con của ông ta, mới ra Bắc, đến thăm ông ta. Ông ta không muốn cho con mình ngồi ăn cùng bàn với một kẻ như tôi. Rất nhiều lần ngồi đợi lâu không có ai thèm đến ngồi, tôi nói với mấy bà, mấy cô nhà bếp chia cơm cho tôi ăn. Những người này đã biết tình cảnh của tôi, nên thường thấy thế họ đến và nói:
“Để em chia cơm cho anh ăn”.
Còn những người khác đến sau, gặp suất ăn cuối cùng không ngần ngại bưng những phần ăn còn lại sang bàn trống khác ngồi ăn. Còn tôi thì tôi ăn được, bao giờ cũng rất ngon và ăn nhiều.
Cô Mộng kể cho tôi nghe, nhiều lần đi lấy nước, có người cầm cái gáo đứng sau lưng tôi dứ dứ vào đầu tôi như muốn đánh. “Khi anh đi rồi em mới nói với họ là các anh làm cái gì thế. Muốn giết người ta thì cứ giết đi. Họ trợn em: Cô binh à? Em nói lại: Không binh gì hết. Các anh làm rứa tôi ngó không được. Các chi bộ ở đây hồi đó họp đều đề nghị tống cổ anh đi nơi khác cho khuất mắt. Nhưng mấy ông trên bảo cứ để anh ở đây là tốt nhất, để cho ở đây giáo dục và cải tạo anh. Mà em thấy, có giáo dục cải tạo gì đâu, họ chỉ hành hạ anh”.
Dần dần, nói thật, tôi cũng thấy quen đi cái không khí như thế. Một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, một tháng hai ba tháng, một hai năm, không quen đi, không thấy như thường cũng không được.
Hơn một tháng tôi không đi ra khỏi chỗ tôi nằm, loanh quanh luẩn quẩn ăn rồi nằm, rồi ngồi, chỉ có tôi với cái bóng của mình. Rồi tôi phải đi hớt tóc, mua một vài thứ lặt vặt ngoài thị xã. Tôi xin họ, họ cho đi. Và mỗi lần như thế, bao giờ cũng có người lẽo đẽo xa gần bên tôi. Và rồi buổi chiều, cũng buồn, tôi xin đi chơi. Tôi lang thang khắp thị xã Sơn Tây, đi vòng quanh hồ, ngồi bên hồ hút thuốc, một mình không có ai nói chuyện, không có ai chơi. Rồi ghé vào mậu dịch ăn uống, ngồi ngoài lan can trên hồ uống một cốc cà phê ngó cây cối lao xao trên cù lao trước mặt. Rồi lững thững đi về, chế nước uống, rồi nằm, nghĩ vẫn vơ. Những lúc đó đầu óc tôi lùng bùng.
Những lúc đó tôi muốn viết.
Nhiều buổi chiều ăn cơm xong, tôi ngồi một mình trong phòng ngó qua cửa hành lang. Dãy nhà trệt bên kia che mất không thấy trời. Cô Mộng hay một chị nào đó đi qua liếc trước sau dúi vào góc bàn khuất sau bức tường một gói giấy, rồi ra cửa hành lang xuống dãy nhà trệt. Tôi biết đó là một vài gói thuốc hút, một cân đường hay một gói trà....
Tôi chán, tôi mệt mỏi. Tôi không còn muốn gì nữa. Tôi không còn cố gắng nghĩ xem rồi người ta sẽ làm gì tôi. Tôi không cần đề phòng gì hết. Tôi bị hành hạ và đọa đày. Họ muốn làm nhục tôi, muốn cho tôi hiểu rằng họ đã đối xử với tôi không phải như đối xử với một con người. Và tôi phải hiểu rằng họ có quyền làm như thế. Họ không coi tôi làm một tên tù, họ coi tôi là một con vật, một con chó, một con chó sống giữa một đám người không có chó để làm bạn và không sủa được [34].
Tôi bị tách khỏi sinh hoạt của con người, được con người cực chẳng đã phải cho ăn, cho uống, cho ngủ, nhưng không được quanh quẩn đến gần con người và nói tiếng người với họ. Tôi là một tên địch. Tất cả những người trước vốn quen tôi hay nói chuyện, lui tới với tôi bây giờ đều tránh mặt tôi. Họ sợ liên lụy, họ sợ bị mất lập trường. Tôi sống lặng lẽ một thân, một mình. Rồi tôi cứ sống lang thang bằng trí nhớ của mình. Tôi ngồi im với tôi. Dãy nhà trước mặt bên kia hành lang đã che mất trời và cây cối ở xa. Suốt một hai giờ, ba bốn giờ, khi nằm khi ngồi, khi uống nước, khi hút thuốc, không có việc chi làm, không có ai nói chuyện. Người đi ra đi vào. Kệ họ. Hết sức thì họ giết mình là cùng. Cái thằng người Quảng Ngãi lúc đi qua chỗ tôi là nhổ nước miếng xun xoe mặc quần áo tốt, cột thêm cái radio bên hông để kiếm vợ, đang đứng giữa phòng xức nước hoa, soi mặt vào cái gương nhỏ. Ông già Giác ngồi xếp bàn trên giường ở trong góc hút thuốc. Tôi uống với ông một ly nước trà bồm ướp hương bưởi, rồi ra ngồi lại một mình. Ông Tuyến đi qua nói, không đi chơi hả mầy, Đính, kệ cha, đi cho đầu óc nó khỏe ra, ông cười, tôi dạ. Ông quay lại, mầy đau bao tử, hút thuốc ít đi. Căn phòng cứ vắng dần. Trời im và vẫn còn lạnh. Tôi không biết làm gì hết và cũng chẳng có việc gì để làm. Tôi nhai hai viên Ka-vét, rồi ngồi dựa đầu vào giường. Lúc này là lúc vắng và im lặng nhất. Chưa biết bao giờ mới hết chiến tranh. Ông già Giác cũng đi chơi rồi. Ở dãy nhà trước mặt có tiếng cười nói của con gái và con trai giỡn nhau. Tôi cứ hút thuốc ngó lơ đãng ra phía trước, đầu óc trống không. Có hơn 5 giờ chiều. Và tôi bỗng lặng người đi. Trên bức tường của hành lang có mấy chữ viết bằng gạch vụn, vụng về chữ lên chữ xuống, chữ to chữ nhỏ nghiêng ngả đậm lạt không đều:
Chú Đính ơi
Chú Đính
Tôi xúc động, tôi xúc động vô cùng. Tôi biết người viết rồi. Đó là một thằng bé bảy tám tuổi con của người y sĩ quê ở Thừa Thiên, nhà ở cách phòng tôi bảy tám mét bằng một khoảng sân rộng. Thằng bé không được bình thường. Học đến lớp ba, sau một trận đau nặng, nó mất trí và trở nên tàng tàng. Thằng bé là bạn duy nhất của tôi lúc này. Nó thường đến với tôi và chẳng có ai để ý, nói năng rầy rà hay phê bình gì về việc nó quan hệ với tôi hết.
Chú Đính ơi
Chú Đính
Tôi là thằng Đính, tên Đính, là nó, là hắn. Có ai gọi tôi bằng anh, bằng chú đâu. Chỉ có nó, một thằng bé bị thần kinh gọi tôi bằng chú. Thằng bé đến, có khi leo lên giường ngồi bỏ hai chân đu qua đu lại, không nói gì hết. Có khi nó ngồi xuống thềm nhà bày ra các thứ gạch đá, lá cây chơi một mình. Rồi nó nhìn tôi cười, nói những câu không có đầu không có đuôi. Nhiều khi nghe ba mẹ gọi, nó cũng không về. Tôi phải dắt nó về. Biết ý, tôi chỉ đưa nó đến cửa, rồi quay lại. Sau này tôi thấy dưới cửa sổ nhà nó cũng có mấy chữ viết bằng gạch:
Chú Đính ơi
Chú Đính