Dịch giả: Lan Huệ
- VII - VIII -

     hượng tọa Ryoseki là một cao tăng uyên bác và đạo hạnh. Bằng huệ nhãn, ngài có thể hiểu bí mật của bất kỳ nổi khổ đau nào, cũng như tính chất của thứ nghiệp lực đã gây ra nó. Ngài ngồi yên, lắng nghe câu chuyện của Shinzaburo, và nói với chàng:--
"Có một nguy hiểm lớn lao đang đe dọa thí chủ, vì thí chủ từng phạm lỗi lầm ở một trong nhiều kiếp trước. Nghiệp chướng ràng buộc thí chú với linh hồn này sâu đậm lắm; nhưng nếu bần tăng có cố gắng giải thích, thí chủ cũng sẽ không hiểu. Vì lẽ đó bần tăng chỉ nói cho thí chủ biết một điều; -- linh hồn không muốn hảm hại thí chủ vì thù hận, cũng không cảm thấy đối nghịch với thí chủ: ngược lại, nó bị chi phối bởi một thứ tình cảm cuồng nhiệt nhất. Có lẽ tiểu thư đã thương yêu thí chủ từ một tiền kiếp xa xưa; -- cách đây không dưới ba, bốn kiếp; và dường như mặc dù nàng đã phải thay đổi hình dạng và điều kiện trong nhiều lần tái sanh liên tiếp, tiểu thư vẫn không thể nào ngừng theo đuổi thí chủ... Cho nên, không dễ gì thoát khỏi ảnh hưởng của nàng... Bây giờ bần tăng cho thí chủ mượn linh vật mamori này (1) Đây là pho tượng bằng vàng ròng của đức Phật có danh hiệu Hải Triều Âm A Di Đà Phật, -- Kai-On-Nyorai, -- vì âm thanh của pháp giảng của Ngài vang trong thế gian như tiếng sóng biển. Pho tượng nhỏ này đặc biệt là một bùa trừ tà, shiryo-yoke (2) -- bảo vệ người sống khỏi kẻ chết. Thí chủ phải đeo tượng trong túi lụa, sát bên người, -- dưới lớp thắt lưng... Ngoài ra, bần tăng sẽ lập một đàn giải oan tại chùa, là lễ segaki (3) cầu an cho vong hồn tức tửi... Và đây là kinh Ubo-Darani-Kyo, hay là kinh "Châu Báu Vũ" (4) mà thí chủ phải tụng mỗi đêm ở nhà -- không được xao lãng... Hơn thế nữa, bần tăng sẽ cho thí chủ một tập những đạo bùa yếm o-fuda (4);-- thí chủ phải dán một tờ trên mỗi lỗ hở trong nhà, -- dù nhỏ cho tới đâu chăng nữa. Làm như vậy, những lời kinh linh diệu sẽ ngăn chận ma quỷ không lọt vào trong nhà. Nhưng -- dù chuyện gì xảy ra chăng nữa-- đừng quên trì niệm kinh".
Shinzaburo đảnh lễ thượng tọa; và rồi, cùng với tượng, kinh và những đạo bùa, chàng vội vàng quay về nhà trước khi mặt trời lặn.
Chú thích
1. Mamori là danh từ tiếng Nhật mang nhiều ý nghĩa không kém danh từ "amulets" trong ngôn ngữ của chúng ta. Không thể nào, bằng một ghi chú đơn giản ở cuối trang, có thể kể hết các loại vật dụng mang tính cách tôn giáo của Nhật dưới tên này.Trong truyện, mamori là một pho tượng rất nhỏ, có lẽ được để trong một tiểu khán bằng gỗ sơn mài hay bằng kim loại, và đựng trong túi lụa. Võ sĩ đạo thường mang chúng trên mình. Gần đây tôi được xem một pho tượng Quán Thế Âm trong lồng sắt nhỏ mà một sĩ quan đã mang theo trong trận chiến Satsuma. Ông nhận thấy, hợp lý, rằng có lẽ ông đã được cứu mạng nhờ pho tượng; vì trên tượng còn thấy rõ vết móp chỗ viên đạn bắn trúng.
2. đến từ chữ shiryo, yêu ma, và chữ yokeru, trừ khử. Trong các truyền thuyết dân gian Nhật Bản, có hai thứ ma tiêu biểu: ma từ linh hồn của người chết, shiryo; và ma từ linh hồn của người sống, ikiryo. Một căn nhà hay một người có thể bị ám bởi ikiryo hoặc shiryo.
3. Một nghi thức đặc biệt, -- kèm theo đồ cúng như thức ăn, vân vân... cho những linh hồn không có thân bằng quyến thuộc chu cấp, do đó được đặt tên như vậy. Trong truyện này, có thể là một nghi thức đặt biệt và ngoại lệ.
4. Viết là Ubo-Darani-Kyo có lẽ chính xác hơn. Đó là tên ghi theo âm tiếng Nhật, của một bài kinh rất ngắn được đại sư người Ấn, ngài Bất Không Kim Cương dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hoa, có lẽ vào thế kỷ thứ tám. Bản tiếng Hoa có nhiều chữ chuyển dịch từ một vài chữ Phạn bí ẩn, hẳn phải là thần chú, -- như các thần chú ta thấy ở bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Kern, chương xxvi.
5. O-fuda là tên chung cho các kinh văn tôn giáo dùng làm bùa phép. Đôi khi chúng được đóng dấu hay nung khắc trên gỗ, nhưng thông thường chúng được viết hay in trên những rẽo giấy dài và hẹp. Người ta dán O-fuda lên cửa, trên tường, trên bài vị đặt ở bàn thờ trong nhà, vân vân và vân vân. Có loại được đeo trên người; -- có loại được vò thành viên, và uống như uống bùa trừ tà. Kinh văn trên o-fuda khổ lớn thường có những hình vẽ hay biểu tượng lạ kỳ đi kèm
.

 

 

VIII

Với lời khuyên và sự giúp đỡ của Yusai, Shinzaburo có thể dán các đạo bùa trên tất cả các lỗ hổng trong nhà mình trước khi trời tối. Rồi lão ông ninsomi trở về, -- để chàng trẻ tuổi lại một mình. Đêm tới, ấm và trong. Shinzaburo đóng chặt cửa, cột bùa quanh thắt lưng, chui vào màn, và dưới ánh sáng của một lồng đèn đêm bắt đầu tụng kinh Ubo-Darani-kyo. Trong một lúc lâu, chàng đọc nhưng chẳng hiểu gì mấy; -- rồi chàng cố gắng nghỉ ngơi một ít. Nhưng tâm trí của chàng rối bời vì những sự việc kỳ lạ xảy ra trong ngày. Nửa đêm đã qua; chàng vẫn không ngủ được. Cuối cùng chàng nghe tiếng chuông của đại tự Dentsu-In gióng lên báo giờ thứ tám. (1)
Chuông ngừng; rồi thình lình Shinzaburo nghe tiếng guốc vang lên từ hướng cũ, --nhưng lần này chậm rải hơn; lọc cọc-lọc cọc, lọc cọc-lọc cọc! Lập tức mồ hôi lạnh toát ra trên trán chàng. Vội vàng mở quyển kinh, với bàn tay run rẩy, chàng bắt đầu tụng lớn. Những bước chân gần hơn và gần hơn, -- đến hàng dậu, -- ngừng! Rồi, lạ lùng mà nói, Shinzaburo cảm thấy không thể ngồi yên trong màn; một điều gì đó mạnh hơn nỗi khiếp đảm thúc đẩy chàng phải tìm xem; và thay vì tiếp tục tụng kinh Ubo-Darani-Kyo, một cách ngu xuẩn chàng đi tới cửa sổ, ghé mắt qua một khe nhỏ nhìn vào bóng đêm. Chàng thấy O-Tsuyu đứng trước nhà, và O-Yone với chiếc đền lồng hoa mẫu đơn; và cả hai đang chăm chú ngó những câu kinh Phật dán bên trên cửa. Chưa bao giờ-- ngay cả khi còn sống-- O-Tsuyu lại diễm lệ như thế; và Shinzaburo cảm thấy trái tim của mình cuốn hút về nàng bởi một sức mạnh gần như không thể chống cự lại. Nhưng nỗi khiếp đảm cái chết và kinh sợ những điều chưa biết đã kềm giữ chàng; và sự giằng xé giữa tình yêu và sợ hãi trong nội tâm khiến chàng như một người mà cơ thể quằn quại trong Viêm nhiệt địa ngục.(2)
Rồi chàng nghe tỳ nữ nói, --
"Thưa tiểu thư, không có cách nào để vào. Hẳn trái tim của công tử Hagiwara Sama đã thay đổi. Lời hứa đêm qua đã tan vỡ, và cửa đóng then gài để ngăn cản chúng ta...Chúng ta không thể vào đó tối nay. Tiểu thư hãy khôn ngoan hơn, hãy quyết định đừng nghĩ gì tới công tử, vì tình cảm của công tử với tiểu thư chắc chắn đã phai nhạt. Rõ ràng là công tử không muốn gặp tiểu thư. Vì vậy tốt nhất tiểu thư đừng bận lòng đến con người bạc bẽo ấy."
Nhưng người con gái khóc thút thít, trả lời:
"Ôi, nghĩ đến chuyện xảy ra như thế này sau những lời thề ước mà chàng và ta đã trao đổi cho nhau!...Ta thường nghe nói lòng dạ của người đàn ông thay đổi nhanh như trời mùa thu; -- tuy nhiên ta chắc rằng trái tim của Hagiwara Sama không thể nào độc ác đến mức chàng thực tình muốn loại bỏ ta theo cách này!....Yone em ạ, hãy tìm cách đưa ta đến gặp chàng... Nếu em không làm, ta sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ trở về nhà."
Và như thế, nàng tiếp tục van lơn, tay áo dài thướt tha che mặt, -- và trông nàng đẹp não nùng, và thương tâm; nhưng nỗi sợ hãi cái chết lại quá mãnh liệt nơi tình lang của nàng.
Cuối cùng O-Yone đáp,--"Thưa tiểu thư, tại sao tiểu thư lại sầu khổ vì một người đàn ông dường như quá bạc ác như vậy?...Được rồi, hãy xem đàng sau nhà có chỗ nào chúng ta có thể đi vào hay không: hãy đi với em."
Và nắm tay O-Tsuyu, tỳ nữ dắt nàng ra sau; và cả hai đột nhiên biến mất nhanh như thể ngọn lửa tan khi ta thổi tắt ngọn đèn dầu.
Chú thích:
1. Theo cách tính giờ cổ của Nhật Bản, yatsudoki hay tám giờ là hai giờ sáng. Mỗi giờ Nhật Bản tương đương với hai giờ Âu châu, do đó Nhật chỉ có sáu giờ thay vì mười hai giờ như chúng ta; và sáu giờ này có thể được đếm theo thứ tự ngược lại, --9, 8, 7, 6, 5, 4. Như vậy giờ thứ chín tương ứng với giữa trưa, hay nửa đêm của chúng ta; chín giờ rưởi tương ứng với một giờ của chúng ta; tám giờ ứng với hai giờ của chúng ta. Hai giờ sáng, còn gọi là "giờ Sửu," theo Nhật Bản, là giờ của ma quỷ.
2.En-netsu hay Sho-netsu (tiếng Phạn là "Tapana"), Viêm nhiệt địa ngục, là ngục nóng thứ sáu trong Bát Nhiệt Địa Ngục theo Phật Giáo Nhật. Một ngày trong ngục này tương đương với hàng ngàn (có người còn nói là hàng triệu) năm của đời người