Dịch giả: Lan Huệ
- III -

     hinzaburo u mê một thời gian vì quá đau khổ trước cái chết của Tsuyu. Nhưng một khi trí óc minh mẫn trở lại, chàng khắc tên nàng lên thẻ làm bài vị, đặt lên bàn Phật tại gia, dâng lễ, và tụng kinh. Mỗi ngày sau đó chàng đều dâng lễ, niệm Nembutsu, và hình bóng của O-Tsuyu không bao giờ ra khỏi tâm trí của chàng.
Không có gì làm thay đổi nhịp điệu nhàm chán của nỗi tịch liêu của chàng, cho đến khi mùa Bon tới, --Lễ hội của Người Chết, -- ngày mười ba tháng bẩy. Khi ấy chàng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mọi việc tươm tất; -- treo lồng đèn bên ngoài dẫn đường cho các linh hồn phiêu bạt, và bày dĩa thức ăn của người chết trên các shoryodana, Kệ của Linh hồn. Và buổi tối đầu tiên của lễ Bon, khi mặt trời đã khuất, chàng thắp một ngọn đèn nhỏ trước bài vị của O-Tsuyu, cũng như thắp các đèn lồng.
Đêm trong, với trăng sáng, -- và không gió, và rất ấm. Shinzaburo bước ra hiên cho mát. Phong phanh trong lớp áo mỏng mùa hè, chàng ngồi đó nghĩ ngợi, mơ màng, thương tiếc; -- lúc thì phe phẩy quạt; lúc thì đốt chút hương cho khói xua đi muỗi mòng. Mọi thứ đều im lặng. Đây là một khu dân cư thưa thớt, rất ít người vãng lai. Chàng chỉ nghe tiếng con suối nhỏ trong xóm róc rách, và tiếng những dạ trùng rả rít.
Nhưng sự yên tĩnh bất ngờ bị phá tan bởi tiếng khua của những geta(1) của phụ nữ -- lộc cộc, lộc cộc; -- và tiếng động này càng lúc càng gần hơn, dồn dập, cho đến khi chúng tới bên bờ dậu. Rồi Shinzaburo, cảm thấy tò mò, nhón chân, nhìn qua hàng rào; và chàng thấy hai người đàn bà đi qua. Một cô, cầm một chiếc lồng đèn mỹ miều trang trí với hoa mẫu đơn, (2) có vẻ như là tỳ nữ; -- cô kia là một thiếu nữ mảnh mai độ chừng mười bẩy tuổi, mặc một chiếc áo thụng tay dài, thêu những đóa hoa mùa thu. Gần như cùng một lượt, cả hai người quay mặt về phía Shinzaburo; -- và trong nỗi ngạc nhiên tột cùng, chàng nhận ra O-Tsuyu và O-Yone, tỳ nữ của nàng.
Họ lập tức đứng lại; và cô gái kêu to, --"Ôi, sao mà lạ lùng thế này!... Hagiwara Sama!"
Shinzaburo cùng một lúc cũng gọi người tỳ nữ: -- "O-Yone! A, ngươi đấy à O-Yone!--- Ta còn nhớ rõ ngươi."
"Hagiwara Sama!" O-Yone kêu lên kinh ngạc tột độ. "Tiện nữ không thể tin được!...Thưa công tử, thế mà người ta bảo rằng công tử đã chết."
"Sao khủng khiếp thế!" Shinzaburo kêu lên. "Ta lại được bảo rằng cả hai chủ tớ nhà ngươi đều đã chết."
"A, thật là một câu chuyện đáng ghét!" O-Yone đáp lời. "Sao họ lập lại những chữ xui xẻo ấy nhỉ?... Ai nói với công tử như thế, thưa công tử?"
"Xin mời vào trong," Shinzaburo nói; -- "trong đó chúng ta dễ trò chuyện hơn. Cửa vườn đang mở."
Cho nên họ đi vào, và trao đổi những câu chào hỏi; và sau khi họ an vị, Shinzaburo nói:--
"Ta tin rằng các cô đã tha thứ cho tội khiếm nhã của ta, vì trong một thời gian dài, ta đã không đến viếng tiểu thư. Nhưng Y sĩ Shijo, cách đây độ một tháng, nói với ta rằng hai cô cháu đều chết."
"Vậy người nói với công tử chính là ông ấy, thưa công tử?" O-Yone hỏi. "Ông ấy thật là ác độc khi nói như thế. Xem nào, chính Shijo cũng là người bảo với tiện nữ rằng công tử đã chết. Tiện nữ nghĩ rằng ông ấy muốn lừa dối công tử, -- là một chuyện không khó, vì công tử rất thật thà và cả tin. Có lẽ tiểu thư của tiện nữ đã sơ xuất nói vài tiếng tiết lộ lòng ái mộ đối với công tử, và những lời ấy đã đến tai của phụ thân nàng; và, trong trường hợp ấy, có lẽ kế mẫu O-Kuni đã lập mưu để ngài y sĩ nói lại với công tử là tiểu thư đã chết, và như thế chia rẻ chúng ta. Dù sao, khi tiểu thư nghe tin công tử từ trần, tiểu thư lập tức muốn cắt tóc đi tu; nhưng tiện nữ đã khuyên tiểu thư đừng cắt tóc, và tiện nữ thuyết phục tiểu thư, rằng hãy chỉ là nữ tu trong lòng. Sau đó phụ thân của tiểu thư muốn tiểu thư kết hôn với một thiếu gia nào đó; và tiểu thư từ chối. Rồi rất nhiều điều phiền nhiễu đã xảy ra, -- phần lớn do phu nhân O-Kuni gây nên; -- rồi chúng tôi bỏ dinh thự ra đi, và dọn vào một căn nhà nhỏ tại Yanaka-no-Sasaki. Hiện giờ chúng tôi mưu sinh khá chật vật, làm chút việc vặt... Từ đó cho tới nay, lúc nào tiểu thư cũng niệm hồng danh Nembutsu cho công tử. Hôm nay là ngày thứ nhất của lễ Bon, chúng tôi đi lễ chùa; và chúng tôi trên đường về nhà -- do đó trời đã tối -- khi cuộc tao ngộ lạ lùng này xảy ra."
"Ôi, sao mà kỳ diệu!" Shinzaburo kêu. "Có thể nào đây là sự thật?-- hay chỉ là một giấc chiêm bao? Ở đây, ta cũng thường xuyên đọc Nembutsu trước bài vị của nàng! Hãy nhìn đây!" Và chàng chỉ cho họ thấy tấm bài vị của nàng đặt trên Kệ của các Linh Hồn.
"Chúng tôi cảm kích nhiều hơn nữa, nhưng chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi trước thịnh tình của công tử," O-Yone trả lời, mỉm cười... "Bây giờ đến lượt tiểu thư, --nàng tiếp tục nói, quay sang O-Tsuyu, từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên một cách nhu mì, và im lặng, tay áo che nửa mặt--"tiểu thư của tiện nữ, nàng thực sự có bày tỏ rằng, vì công tử, nàng không sợ bị phụ mẫu từ bỏ trong bẩy kiếp, (3) nàng cũng không sợ bị thân phụ giết hại! Nào, công tử sẽ không cho phép tiểu thư ở lại đây đêm nay?"
Shinzaburo tái mặt đi vì mừng rỡ. Chàng trả lời, giọng run rẩy vì xúc động mạnh:--"Xin ở lại; nhưng đừng nói chuyện lớn tiếng-- có một người hay gây phiền nhiễu ở gần đây, một ninsomi (4) tên là Kahuodo Yusai, ông ta biết tiên đoán vận mạng bằng cách quan sát nét mặt. Ông ta có tánh tò mò tọc mạch; và nếu ông ta không biết gì thì tốt nhất."
Hai người đàn bà đêm ấy ở lại nhà của người võ sĩ đạo trẻ, và trở về nhà họ trước khi trời rạng sáng. Và sau đó họ trở lại hàng đêm, liên tiếp bẩy đêm -- bất kể thời tiết xấu đẹp, -- luôn luôn đến cùng giờ. Và Shinzaburo càng lúc càng mặn nồng với thiếu nữ, và hai người gắn bó, người này với người kia, bằng một mối liên kết của ảo vọng còn mạnh hơn là xiềng xích.
Chú thích:
1. Komageta trong nguyên tác. Geta là guốc gỗ, có nhiều kiểu khác nhau, có kiểu rất thanh lịch. Komageta, hay còn gọi là "pony-geta" vì tiếng dội của guốc trên mặt đất nghe như tiếng móng ngựa con gõ trên đường.
2. Loại lồng đèn này hiện giờ không được sản xuất nữa; và ta có thể biết hình dạng của nó dựa vào tấm tranh đính kèm câu chuyện này. Nó hoàn toàn không giống những lồng đèn hiện đại ở trong nước, được vẽ huy hiệu của giòng họ; nó cũng không phải hoàn toàn không giống một số lồng đền hiện vẫn còn làm cho Lễ Hội của Người Chết, và được gọi là Bon-doro. Những bông hoa trang trí không phải là hoa vẽ: chúng là hoa nhân tạo bằng lụa crepe, và được gắn trên đỉnh của đèn lồng.
3. "Suốt bẩy cuộc đời," -- nghĩa là, liên tiếp suốt bẩy kiếp đầu thai. Không hiếm những trường hợp cha từ bỏ con trong bẩy kiếp ở các bi kịch và tiểu thuyết tình cảm Nhật Bản. Sự từ bỏ này gọi là shichi-sho made no mando, truất quyền thừa kế trong bẩy kiếp, -- nghĩa là sau cuộc đời này khi người con trai hay con gái hư hỏng bị ruồng bỏ, họ còn phải chịu thêm sáu kiếp như thế trong tương lai.
4. Nghề này vẫn còn tồn tại. Người ninsomi sử dụng một thứ kính phóng đại (hay đôi khi gương phóng đại) gọi là tengankyo hay là ninsomegane.