hi rượu thề đã ráo chén, tiệc tan, ai về nhà người ấy, thì trời vẫn chưa khuya. Một ngọn đèn xanh, tại sao không thật đỏ. Một luồng gió xuân, tại sao không ấm lòng.- Em ơi, xin vĩnh biệt!Ôi thôi thôi, câu nói tê buốt lắm. “Em ơi, xin vĩnh biệt!” là vì tất cả, cả Vị, cả Giáp, đều đối mặt mà thề một lời rất thiêng liêng:- Nhân danh bọn nghĩa hữu đất Thoải, không ai được dan díu với ả hàng tấm chợ Bái nữa.Lời thề là trọng. Mất một người bạn tốt, khó thể tìm thấy người bạn tốt khác, chứ mất một người con gái, còn có thể tìm thấy người con gái khác trong thiên hạ. Vả, lúc nào làm một người chồng mà chả được, chỉ sợ không làm nên được một người chồng toàn vẹn danh dự thôi.Một ngọn đèn xanh, vẫn còn le lói, một luồng gió xuân, vẫn còn phất phơ. Rượu dở chừng say, khó ngủ lắm. Vả, giời chưa khuya mấy. Vả, đường đi từ phủ Thoải sang chợ Bái cũng gần. Vả, ở cho ừọn nghĩa với bạn, thì cũng phải ở cho ra nghĩa với một người đàn bà, không có thì trẻ con nó biết nó cũng cười cho chứ. Rút cục lại, nghĩa là nên đi nói cho Tý biết rõ thế này:- Em ơi, không phải anh ghen mà bỏ em đâu, nhưng đạo bằng hữu của anh chặt chẽ lắm, anh đã thề rồi. Vậy anh phải đến nói cho em rõ sự tình như thế, rồi... chúng ta xa nhau từ đây.Phải, người quân tử xử việc phải phân minh như vậy. Giáp nên đi ngay đi, lừa lúc đêm tối này mà đi, lừa lúc Tý hãy còn ngủ đỗ lại ở chợ Bái, lừa lúc mọi người không thể biết. Chứ sáng mai, từ sáng mai, Giáp sẽ chịu sống một đời hiu quạnh, giữ một lời thề như cái ách, như cái vòng không tháo khoán, như một lưỡi gươm kề cổ mất rồi.Giáp lặng lẽ tránh phố phủ, đi vòng đường bờ ruộng mà lẻn sang nhà ông Bá Bủng, mượn một con ngựa tốt. Gã cưỡi ngựa phóng đi trên đường đêm lờ mờ ánh sao, sang chợ Bái, tìm đến dãy hàng cơm.Tý đã đứng dưới gốc bàng, như chờ Giáp tự nghìn đời, đôi con mắt lấp lánh hơn hết những vì sao sáng.Đợi Giáp xuống ngựa, Tý mới ê ủ nói:- Em biết thế nào anh cũng đến.Đoạn, ả dẫn Giáp vào trong quán. Giáp buộc ngựa vào gốc bàng, theo Tý, chưa biết nên nói thế nào cho dứt khoát.Tý bảo nhà hàng pha cho một ấm trà mạn nóng. Trong quán cũng vắng người. Vả cũng chẳng ai biết ai, và chẳng ai buồn để ý đến ai. Những người buôn xuôi bán ngược thường ít nghe chuyện tâm sự, họ chỉ mải tính toán vốn lời thôi.Tý kéo Giáp ngồi xuống một tấm ghế tràng kỷ. Lẩn thứ nhất, Giáp được ngồi trong một chỗ yên ấm nhất, bên cạnh Tý. Gã ngắm dưới đèn, đôi mắt xanh càng xanh. Tý cúi mặt nói:- Em chỉ sợ anh không hiểu được cái việc ban ngày. Đầu đuôi như thế nào, để em kể rõ cho anh nghe. À, hình như anh vừa uống rượu xong phải không? Anh buồn lắm sao?Rượu, thì ra Giáp vẫn còn hơi rượu. Cái nghề rượu say càng ngồi ngựa lại càng thấm thía. Nhưng mà rượu nào có phải là rượu tình rượu ái, đây chính là rượu thề. Rượu thề chưa ráo mép, biết làm thế nào, trời hỡi trời!Giáp bèn tức tối nói:- Anh tới đây, vội vã như thế này, là để từ biệt em. Từ mai, đến mãi mãi, chúng ta sẽ không gặp nhau nữa.Tý làm bộ thất sắc, ngơ ngác hỏi:- Anh nói gì? Anh nói gì? Ngày mai sao? Em làm sao mà không thể gặp được anh nữa?Giáp vẫn chỉ nhớ chén rượu thề. Gã ngồi nhích xa một chút, nhìn mái nhà, làm mặt lạnh, nói bằng cái giọng vững như đanh đóng cột:- Tôi đến chào cô một tiếng cho đỡ ân hận. Tôi phải ở với bạn tôi, mà xa cô. Thôi, cô lấy ai ở đâu thì cô cứ lấy.Nói xong, gã đứng phắt lên, định ra về.Nhưng Tý níu cánh tay mà bảo:- Ừ, thì anh về. Nhưng anh hãy cho em mời anh chén nước cuối cùng này đã. Vâng, anh xơi nước đi, rồi anh bỏ em cũng được. Em sẽ cắt tóc đi tu.Dứt lời, Tý cởi luôn tấm khăn vuông, và để lại nói nho nhỏ bên tai Giáp:- Tóc em dài lắm, anh có muốn giữ một ít không, em cắt luôn cho anh nhé? Ngày mai thì em cạo trọc... Để em đi tìm con dao.Giáp vội bảo:- Thong thả.Tý nhìn Giáp não nùng, cất tiếng:- Kìa, anh xơi nước đi.Giáp uống xong chén trà mạn, dịu dịu trong lòng, mới nghĩ: Ta ngồi nán lại một khắc nữa, cũng không hề gì.Bấy giờ Tý mới dẽ dàng mà kể:- Cái người bạn anh, thật là không tốt. Em nói ra thì bảo là nói xấu, mà không nói ra, thì anh ngờ oan cho em, em biết lấy nước sông nào mà rửa cho sạch cái vết nhơ ấy được! Anh ơi, nó dọa em rằng: nếu em không bỏ anh đi, thì nó... giết cả đôi anh ạ. Gớm, sao mà nó khỏe thế, anh nhỉ, nó đứng với anh thì nuốt cả anh đi.Giáp trừng mắt, nói:- Em tưởng anh sợ nó à?Tý làm vẻ thơ ngây, dớ dẩn:- Ấy, em cứ ngỡ anh không làm gì được nó, cho nên em đành phải để nó quấy rầy mãi ở hàng em. May mà anh lại đến. Thôi, anh ạ, để em thu xếp chong chóng, rồi anh cưới em cho xong đi, không có nhiều điều phiền lắm!Tý chít tấm khăn vuông lại.Giáp đáp lửng lơ:- Ừ, để anh liệu.Tý bóp vào cánh tay Giáp một cái, mà bảo:- Thôi, anh về đi, kẻo khuya.Giáp vừa đứng lên vừa nói:- Nhưng anh không thể đến chợ Bái này được nữa đâu.Tý lẳng lặng không trả lời. Hai người ra khỏi quán. Giáp cởi cương ngựa ở gốc cây, dắt đi dăm bước. Tý vẫn lẳng lặng theo bên. Khỏi con đường nhỏ, ra đường cái, Giáp lên yên, và cúi xuống nói:- Em ơi...Nhưng Giáp thấy không phải là lúc nói được câu “Em ơi, xin vĩnh biệt” nữa.Ngay bấy giờ, Tý đứng sát lại, ngả đầu vào đùi người ngồi trên ngựa, tay cầm lấy tay gã, và khe khẽ:- Dạ.- Anh về nhé.- Ngày kia, anh lên chợ Bùi, em ở đấy.- Nhưng tối mới đi được.- Vâng, độ sâm sẩm tối, anh ở nhà đi. Em sẽ đợi anh ở ngay quán cơm cạnh chợ, anh nhớ nhé. Em sẽ cho anh một cái này.Tý gỡ tay ra, đứng nhích một chút, xa con ngựa. Giáp giật cương, ngựa lên bước. Giáp nhìn thấy Tý ngửa lên mỉm cười...Khi ngựa về đến phủ, qua một khóm gạo mọc lẫn với giậu ruối vườn chùa, thì đến nhà ông Bá Bủng, chợt Giáp nghe có tiếng hỏi mà không thấy người:- Giáp đấy hử?Giáp bỗng rùng mình, không dám đáp. Gã chỉ sợ sự đi lén lút của mình đến tai những bạn đã uống rượu thề, thì nhục.Qua một ngày, rồi lại một ngày nữa. Sâm sẩm tối hôm ấy, anh em còn gặp Giáp ở cổng phủ nói chuyện đánh tổ tôm với thầy Đề. Và Vị còn đùa một câu thân mật:- Từ mai, chúng ta họp tổ tôm ngày hai buổi, hẳn là chẳng ai còn lo thiếu Giáp hay thiếu Vị nữa.Nhưng ngày mai thì lâu quá, còn dài dặc cả một đêm chưa qua. Mà, sau khi hàng phủ lên đèn chừng một khắc, thì con ngựa tốt của ông Bá Bủng đã không còn ở trong tàu.Giáp y hẹn đi tìm Tý.Ngựa chạy chừng nhai giập bã trầu, bỗng Giáp nghe phía sau cũng có tiếng vó ngựa của ai lộp cộp, mỗi lúc một thêm gần.Rùng mình, Giáp chợt nghĩ đến những chuyện phục thù ghê gớm, và nhớ lại tiếng hỏi bí mật hồi đêm qua ở vườn chùa. Biết đâu rằng kẻ trên mình ngựa phía sau kia lại không là Vị! Giáp cắn chặt môi, thầm nhủ:- Con ngựa của mình là ngựa hay, nếu mình ra roi hết sức, có lẽ ngựa sau theo không thể kịp. Như vậy, mình có thể gặp Tý bảo ả nên về quán nghỉ, chờ dịp khác sẽ nói chuyện nhiều. Đoạn, mình ẩn vào một nơi kín đáo, chờ cho ngựa sau vô tình vượt qua, thì mình quay trở về, tất nhiên chẳng ai trông thấy mặt mình được.Nghĩ sao, làm luôn như thế. Chỉ một thoáng, Giáp đã thấy tiếng ngựa phía sau thưa và tắt dần, nghĩa là xa hẳn. Gã yên trí khi đến đích rất có đủ thì giờ nói cho Tý hiểu trường hợp không thể đứng với nhau lâu, rồi còn kịp lánh vào một nơi khuất nẻo nữa.Giáp đến chợ Bùi, thấy Tý cũng đợi sẵn như lần trước. Duy, ả có mang ở tay một cái nón dứa, chẳng hiểu mang làm gì và mang cho ai.Giáp không xuống ngựa. Gã nói hấp tấp:- Tối nay, không thể ở lâu được. Khi nào gặp nữa, sẽ nói tường. Anh phải quay về ngay, em cũng phải vào quán mà ngủ, chớ đứng đây làm gì. Có một đứa đang theo anh, nó gần đến.Tý làm bộ kinh ngạc, nói:- Chết chửa, nhưng anh thì anh làm thế nào, nếu trở về mà gặp nó? Anh có một mình thôi.Giáp quay đầu ngựa lại, khẽ bảo:- Không sợ, nó chả làm gì nổi anh. Thôi, em vào ngay đi.Tý đưa với cho Giáp cái nón dứa:- Vậy anh cầm lấy cái này, của em làm quà cho anh. Quai em khâu đấy.Quai nón bằng lụa màu ngà, do chính tay giai nhân khâu để cho người thiếu niên sung sướng đội lên đầu, quai mắc vào hàm. Ôi, sao mà không nhận cho được?Tuy nhiên, chẳng ai đội nón ban đêm, khi trời không mưa.Giáp bèn đeo nón lủng lẳng ở cánh tay trái, rồi lập tức chào Tý, đánh ngựa về đường cũ. Khỏi bãi chợ, có một lối rẽ tắt vòng thúng mà Giáp đã biết rõ từ trước là nếu đi tránh sang đó chừng một khắc lại có thể ra đường cái trở về phủ được. Vậy Giáp theo lối ấy.Tý nhìn theo bóng Giáp chìm vào trong đêm tối, khẽ ngước lên nhìn trời thẳm, rồi lẩm bẩm:- Cầu cho hai kẻ chạm trán nhau, cầu cho cái nón gây ra điều mà ta muốn.Quả nhiên hai con ngựa chạm trán nhau thật. Chuyện ấy xảy ra như thế này: Người ở ngựa sau chính là Vị, nhưng ngựa Vị chạy tồi hơn; biết rằng không thể đuổi kịp, mà đuổi nửa chỉ vô ích, Vị bèn kìm ngựa lại ở giữa đường, núp vào trong lùm cây, đợi Giáp trở về tới nơi, thì xổ ra.Ngựa Giáp phi như bay, đã đến sát sạt chỗ Vị ẩn. Vị cho ngựa chồm ra, và thét to:- Giáp, đứng lại!Giáp vờ như không nghe tiếng gì cả, cứ ra roi, chạy biến qua, Vị cũng chẳng lép. Gã lập tức đánh ngựa theo ngang ngựa kia, và hỏi:- Giáp đi đâu về? Tại sao lại có cái nón? Lúc đi, làm gì có nón?Bấy giờ Giáp mới kịp nhớ ra rằng mình đã khờ mà mang cái nón về. Cái nón có thể là một tang vật hiển nhiên, vứt đi cũng đã chậm.Hai ngựa vẫn chỉ hơn nhau có một cái đầu. Giáp vẫn không chịu nói gì cả. Vị không thể chờ hơn được nữa, phải hỏi:- Nón của ả hàng tấm? Này, Giáp, đã hai đêm anh bội lời thề, tôi biết cả, liệu đấy. Giờ thì mượn anh cái nón một đêm...Vị vươn tay ra toan giật lấy cái nón. Nhưng, vút một roi mạnh, Giáp đã khiến ngựa mình lên hơn đầu ngựa Vị cả bốn vó. Giáp tự nhiên sướng khoái, cất tiếng cười ha hả. Tiếng cười vang trong đêm, giữa đồng vắng, càng rõ rệt càng như trêu tức Vị hơn.Vị cố thúc ngựa mình cho không rời ngựa Giáp rồi hét:- Anh trốn cũng không được nữa. Đầu phủ, đã có những người, vì anh mà thề, nay sẵn sàng vì tôi mà đứng đón anh.- Lấy gì làm bằng chứng rằng tôi đi tìm đứa con gái?- Đi đêm, mà lại đi bằng ngựa, là hai điều đáng ngờ.- Đi đêm, mà lại đi bằng ngựa, vẫn không phải là cớ đi tìm một người con gái. Tôi thiếu gì việc riêng phải đi ngựa ban đêm! Anh không được ngờ vô lý!- Thế, cái nón chẳng phải là của đứa con gái ấy sao?- À, cái nón!Giáp đã toan chối bay chối biến, nhưng sự tự phụ của lòng thanh xuân, với tính kiêu hãnh của người mang vật kỷ niệm ái tình, làm cho gã lại đường hoàng nhận:- Cái nón của một người biếu tôi đấy, anh định làm gì?- Tôi vẫn muốn còn anh, vậy tôi xin anh ném cái nón kia xuống ruộng.- Để anh nhặt hẳn?- Nếu tôi muốn, thì tôi sẽ có một cái khác cũng người ta biếu, hà tất phải nhặt nón của anh là kẻ đã phụ lời thề!- Ta phụ lời thề là tại lời thề không đáng giữ.Vị đánh một roi ngựa đen đét, cho ngựa gấp lên, cho người ngang nhau. Mặt rõ mặt, Vị rít giọng mà hỏi:- Tại sao lời thề không đáng giữ?- Có ba điều không đáng giữ lời thề, một là mày đã dọa giết tao, hai là đã thề rồi mà mày còn ngờ, mày còn đi rình tao, ba là mày không đủ sức theo tao đến đích mà lại đứng chắn lối về ở giữa quãng, tao không thể biết, như thế là mày hèn. Tao không thèm giữ lời thề với kẻ hèn.- Tao không dọa giết mày, vậy một điều thừa, mày có lẻn đi một cách đáng ngờ, tao mới phải rình, nếu tao không rình, cũng có người trong anh em rình mày, vậy hai điều thừa; duy điều thứ ba tao xin nhận, vì bởi ngựa của tao yếu. Nhưng tao hèn có một điều nhỏ mọn ấy, trong khi chính mày đã có nhiều tội lớn lao mà tao không thèm kể.- Tao chỉ cần hỏi: mày muốn gì?- Tao chỉ muốn mày vứt cái nón kia xuống đất cho ngựa nó xéo lên kì nát ra.- Im! Cái nón ấy là vàng của tao!- Mày nhất định thế?- Nhất định!- Nhưng thôi, tao bất tất kể tội của mày ở đây làm gì.- Tao chẳng có tội gì mà kể.- Đó là việc sau. Bây giờ, tao vẫn xin nhận cái hèn thứ ba là không theo mày tới đích. Làm một thằng hèn như vậy, chả nên nhân lúc đón gặp mày ở giữa quãng đây mà kể tội mày. Vậy đêm nay, mày sẽ được hoàn toàn tự do, không ai trông thấy mày lúc về phủ cả. Muốn được thế, mày nên gò ngựa đi chậm lại, cho tao về trước, xua bọn anh em đang chờ mày kia cho họ giải tán hết đi.- Mày không nhân sự được về trước mà làm điều gì ám muội chứ?- Nếu tao định làm gì, thì tao đã làm ngay ở đây, nơi chỉ có tao với mày giữa đêm khuya, mà mày không khỏe bằng tao được.- Vậy tao để cho mày về trước. Tao nhường mày, vì tao là kẻ thắng.- Mày thắng? Hay chính tao mới phải!Ôi, chén rượu thề bữa nọ đã ráo miệng rồi, không ai còn nhớ nữa! Vậy mà kẻ thiếu niên vẫn chẳng quên được người gái đẹp, làm thế nào!Một con ngựa, không thể thắng hai bộ yên cương. Một nàng Mị, chỉ có một Sơn Tinh chiếm. Kẻ đàn ông thứ hai mà đến, thì chỉ là bộ cương yên thừa, không thắng vào đâu được. Vậy, Thủy Tinh đã thâm thù Sơn Tinh.Ít nhất phải có hai người bạn thân thù nhau vì mối tình ấy: đó là việc mà Tý đã làm xong. Nhưng còn một câu nữa: Phải có hai người đàn ông đánh nhau.Trong khi Giáp tự phụ về con ngựa hay, tự đắc về người tình đã thuộc quyền sở hữu, thì gã không sợ gì ai cả. Vả, thuốc mê nào đã phai!Luôn tối sau, Giáp lại mạo muội đi tìm Tý, vì Giáp tin rằng Tý hãy còn nán lại chợ Bùi để đợi gã. Duy, muốn đề phòng cẩn thận để cái thân được còn mà giữ lấy cái nón bằng vàng, Giáp giắt trong mình một lưỡi dao. Nếu đời không có thép, dễ chừng vàng sẽ không là của quý.Đi chưa được mấy nỗi, con ngựa không dưng bỗng hí lên mấy tiếng, nghe ghé lạnh như tiếng chim lợn kêu trên nóc nhà bệnh nhân. Rồi, nhanh như chớp, một bóng người từ trong bụi nhảy xổ ra, cướp ngay được cương ngựa, cố gò cho ngựa phải đứng lại.Giáp rút phắt lưỡi dao vung lên, quát:- Bỏ tay, không có ta đâm chết.Nhưng người kia cười ha hả mà rằng:- Ta tới đây, không phải để dùng đến thép sắc. Ta chỉ có hai bàn tay không. Mi có giỏi thì cất dao đi đã.Nói dứt, người ấy vỗ hai bàn tay trắng vào nhau, tỏ ra không có cầm gì.Giáp đành cài dao vào thắt lưng, cũng vỗ hai bàn tay cho người kia thấy rõ.Người ấy lại bảo:- Xuống ngựa! Khi nào việc xong, ngựa vẫn là của mi, mi vẫn được cưỡi nó mà về. Ta đây, không phải kẻ đi cướp ngựa.Giáp cũng hăng hái nhảy xuống đất.Bấy giờ người lạ mặt mới dõng dạc nói:- Ta đến đây là để đánh mi cho mi chừa sự hò hẹn với ả hàng tấm. Nếu mi bị ta hạ một cách nhục nhã, thì từ giờ nên thôi, đừng mơ tưởng đến Tý làm gì nửa mà có hại.Giáp quắc mắt nói:- À, mi giỏi đấy nhỉ. Tao chắc rằng Tý cũng bảo rằng tao phải đánh chết những ké nào dám láo với tao và động đến tình tao.Thế là họ quần thảo. Nhưng Giáp không đủ sức đánh lại kẻ thù. Gã xung tiết lên, rút luôn dao ở thắt lưng ra, ngầm thích vào bả vai kẻ thù một nhát.Bị đâm bất ngờ, người lạ mặt nhảy ra xa, ôm vai mà kêu:- Đồ hèn nhát!Dưới ánh sao, máu đỏ tràn trề.Giáp nóng bừng da thịt. Gã xông xáo toan chém thêm nhát nữa, nhưng người lạ mặt giơ cao tay hàng. Giáp vẫn lăm lăm con dao mà hỏi:- Ai xui mày đón đánh tao?Người lạ mặt cười gằn:- Tao là tình địch của mi, biết thế thôi, hỏi làm gì lắm.Giáp lắc đầu, nói:- Tao chẳng tin như thế. Ít nhất cũng có bàn tay của thằng Vị dúng ngầm vào.Người lạ mặt bỗng than:- Ta tiếc không phải là người ấy, nếu ta là hắn, thì đêm nay ở đây phải một mất một còn. Chỉ có một lưỡi dao, nhưng chưa chắc ai là kẻ dùng được, ai không dùng được.- Mày cướp đi.- Cái việc tao làm, là chỉ đánh bằng tay không. Tay không mà đánh không nổi, thì tao thôi, chứ tao không cướp dao mày.Giáp quẳng con dao xuống lạch nước, mà rằng:- Ta chính là người có lỗi.Người lạ mặt nói:- Bây giờ, thì tôi lại khuyên ông quay về. Tôi có bổn phận đứng chắn con đường này, không thể để ngựa ông đi qua được.- Đáng lẽ ta cứ đi, vì đường tới người đàn bà kia không có một sức mạnh gì ngăn trở được. Nhưng đêm nay ta có một lỗi là đã đâm một người lạ mặt một cách hèn nhát quá, vậy để chuộc cái lỗi ấy, ta xin tạm quay về. Song le, ta muốn biết tên...- Tôi là tình địch của ông, biết thế thôi, hỏi tên làm gì nữa.- Có thể gặp nhau mai kia chăng?- Nếu cần, thì tự tôi sẽ tìm ông, thì dù ông không muốn, không hẹn, tôi cũng cứ đến.- Được!Dứt lời, Giáp nhảy lên ngựa, quay về phủ.Ngựa vừa chạy được mấy bước, bỗng có tiếng gọi theo:- Hãy quay lại đầy, tôi bảo.Giáp dừng ngựa lại, chờ người lạ mặt chạy tới, người ấy hỏi:- Thật chỉ vì một người đàn bà mà hai người đàn ông quyết hại nhau được ư?Giáp ngạc nhiên, nói:- Sao lại hỏi vậy? Mà thật như vậy, thì cũng không biết làm thế nào. Tôi yêu người con gái kia lắm.- Chẳng nên vì một người con gái mà làm tan nghĩa bạn hơn mười năm trời.- A, thằng Vị? Nhưng chính nó, nó cũng không còn tấm lòng bạn tốt đối cùng tôi.- Ai đã bảo với ông như thế?- Nhiều sự hiển nhiên làm chứng.- Chưa chắc. Theo tôi biết, thì Vị còn nghĩ đến nghĩa bạn về ông nhiều lắm. Vị sai tôi đi...- Đấy, tôi đã biết thể nào cũng chỉ là Vị đã sai ông đi hại tôi.- Không! Vị sai tôi đi, mà lại cấm tôi dùng khí giới, chỉ được đi chân tay không.- Hừ, thiếu gì những đoạn cây, hòn đá ở ngoài đường.- Tôi nhận đi chân tay không thì chỉ dám dùng chân tay không. Ông nhớ cho rằng, nếu tôi muốn, thì mũi dao của ông đã ở trong tay tôi rồi, và máu tất sẽ đổ trên mình ông ngay.- Nói cũng có lý.- Vị không muốn can thiệp thẳng với ông nữa, là vì đã trót thề, là vì không muốn thiên hạ được thêm một chuyện đau xót về nghĩa bạn. Nhưng cần phải làm thế nào cho ông đừng theo đuổi người con gái nữa. Việc ấy Vị giao phó cho tôi, để tôi dùng võ lực mà ngăn cấm ông đến triệt để. Hay đâu ông lại giắt dao trong mình.- Tôi đã quẳng nó đi rồi.- Nhưng tôi nghĩ bất tất phải dùng võ lực nữa. Tôi nghe ông là người hằng thờ lẽ phải. Vậy tôi dám khuyên ông dứt bỏ mối tình không tốt kia đi, một khi ông đã được biết Vị còn nghĩ vì ông là một người cố tri nhiều lắm. Ta không nên bỏ bạn chỉ vì một người con gái, lại cũng không nên vì một người con gái mà làm cho đau lòng bạn. Đôi bạn giao du mà đồng thời yêu một người con gái, đã là trái đạo, huống hồ ông với Vị lại thù nhau hại nhau chỉ vì một người con gái, thì điều đó tôi dám lạm cho là một điều thương tổn đến nhân nghĩa vô chừng.Khi người lạ mặt nói dứt tiếng, thì Giáp phóng ngựa đi ngay. Gã không còn can đảm nghe nhiều hơn thế nữa.Những vì sao lạnh, không rơi, nhưng vẳng nghe như có những giọt ẩm tí tách trong không trung, điểm điểm lên nền tịch mịch.Giáp cúi đầu.Buồn teo tiếng ngựa, nó đập mau như đường mưa lúc canh ba. Ngựa buồn về phủ Thoải, nơi người bạn hơn tuổi nhất là Thái đã họp anh em để tuyên thệ cho đừng ai vì sắc đẹp nhất thời mà chia rẽ nghĩa bạn dài lâu. Vậy mà có một người dám ở khác đi, là Giáp. Ngồi trên lưng ngựa, Giáp bỗng để rơi hai giọt nước mắt, thẹn cho một đời trai.Và kẻ thắng sẽ khóc: lời nguyền của Tý đã toại vậy.Tháng Ba, loài chim kêu năm tiếng một, theo với mùa vải chín, đã về đậu trên những cây gạo đầy hoa đỏ ối, sớm sớm kêu dài.Từ sáng hôm mùng ba, Giáp nghe tiếng loài chim ấy hót, cứ tưởng là nó cũng như lòng mình đang đau xót mà rền rĩ: Hết, hết, hết, hết, hê-ê-ết...Chao ôi, có mối tình nào lại là mối tình hết được hay chăng? Giáp ra vào ngẩn ngơ, đôi mép ria đã lấm tấm xanh, can tràng làm bãi chiến cho nghĩa bạn và cho tình gái có một đêm mà gần già quách một đời người vậy.Ấy là Giáp sờ mép mà tưởng ra như thế, chứ sự thật, gã còn trẻ lắm. Không trẻ, sao gã lại được nghe mẹ già, sáng hôm mùng bốn, hỏi con như thế này:- Anh ốm đấy ư? Gớm, trông sắc mặt biến hẳn đi, để tôi luộc cho quả trứng mà đánh cảm. Giời nắng mới này là độc lắm đây.Giáp ngậm ngùi thưa với mẹ:- Con mệt xoàng thôi, cũng chả cần đánh cảm. Để yên cho con nằm một buổi là mạnh ngay, có hề gì đâu.Phải, không hề gì cả, nhưng mà sầu. Giáp khổ và ươn như một con tôm lên cạn, thỉnh thoảng nhảy tanh tách một cái, nhưng cái nguồn yêu đương trước đấy được thảnh thơi ngao du đã không còn.Mẹ già không hiểu tâm sự người con trai vốn xưa nay lạnh ngắt về việc vợ con. Vậy mẹ già lại cứ săn sóc đến. Mẹ già hỏi:- Anh có nóng không, anh có ho không, anh có rét không?Mẹ già đặt tay lên trán, đặt tay lên ngực, và đặt tay lên bàn chân con trai quý báu. Đoạn, mẹ già nói:- Không nóng, không ho, cũng không rét. À, hay là anh đầy ở dạ?Giáp muốn gào lên thật to:- Không nóng, không ho, cũng không rét, mà cũng chẳng đầy ở dạ, chẳng làm sao hết cả. Mẹ ơi, xin mẹ cứ hỏi cái loài chim kêu năm tiếng ở trên cành cây gạo kia kìa.Đã hẳn, tâm sự của Giáp chỉ ở trong năm tiếng: Hết, hết, hết, hết, hê-ê-ết...Nhưng Giáp không dám nói với mẹ. Giáp nằm dài ở trên giường, nghĩ đến ngày hôm sau đã là mùng năm. Mùng năm, thì có phiên chợ Bái, có Tý ở đấy, mà không thể có Giáp, trời hỡi trời! Đầy phủ, rặt những người còn hơi rượu thề trong miệng cả. Họ ác lắm, họ đều có thể tàn nhẫn thét:- Hết, phải hết tất cả đi!Vậy, Giáp không thể lọt ra khỏi phố phủ, suốt ngày hôm mùng năm được.Giáp có một đứa em gái, nghe nói thoáng rằng nó sẽ sang chợ Bái, sáng hôm mùng năm, để mua ít gà con về nuôi. Giáp mừng quá, vì nó có thể là sứ giả cho Giáp nhắn nhe một đôi lời. Giáp gọi em vào mà bảo:- Mày sang chợ Bái, cho tao nhắn việc này, nhưng mà phải kín đấy, biết chưa?Cô em vốn vẫn cho anh là người nghiêm, ít khi trò chuyện, nay được anh nhờ một việc, cũng chẳng cần biết việc ấy ra sao, xin hết sức giúp ngay. Giáp cũng chắc em mình còn tuổi trẻ con, có biết cái chuyện riêng kia, cũng chẳng hề gì cả. Vả cô em vẫn sợ anh, anh đã dặn giữ kín, thì cho vàng cũng chẳng dám hớt lẻo cùng ai.Vậy, Giáp dặn:- Mày vào dãy hàng tấm, tìm cái cô hàng có một nốt ruồi ở giữa má bên trái, hỏi xem đúng tên là Tý, thì nói với cô ấy rằng tao ốm không đi được, mà cũng không biết đến bao giờ mới khỏi, hễ tao khỏi sẽ có tin sau.Cô em xin làm đúng như vậy. Giáp bắt em nhắc lại những lời trên, đủ ba lượt cho chắc chắn nhớ kỹ.Vì thế, tự dưng cô em thấy việc của anh quan trọng và to lớn khác thường.Giáp lại đe:- Mày mà bép xép ra với ai, tao biết, thì tao đánh chết.Giá Giáp đừng dặn thêm câu sau, có lẽ cô em cũng mặc không đem chuyện đi hớt với ai hết. Nhưng Giáp làm ra bí mật tợn, thành cô em nghĩ rằng nên nói với mẹ, có khi mẹ còn biết mà nói cho nghe thêm một vài điều về cô hàng tấm tên là Tý nữa kìa.Bà mẹ nghe con gái thủ thỉ kể cái việc nhắn nhe của Giáp, thì sửng sốt như một đời người chưa từng biết một điều lạ như thế vậy. À, thì ra cái thằng con trai xưa nay lầm lầm lì lì, cái thằng nói đến đàn bà con gái là mặt cứ lạnh và khô như đất, cái thằng khó tính ấy ai ngờ lại... ốm tương tư vì một cô hàng tấm! Vậy thế nào người mẹ già cũng phải biết mặt biết người cô hàng tấm, và dò xét xem rằng sự thể ra làm sao.Sáng hôm mùng năm, bà mẹ già kia cùng đi với con gái sang chợ Bái, nhưng lại nói thác ra rằng sang làng bên có chút việc riêng, để cho Giáp không ngờ gì hết.Giáp ở nhà, mời bạn đến đánh cờ, mà ván nào Giáp cũng thua ở những nước rất thấp, nghĩa là Giáp rối ruột lạ lùng. Có khi, mắt gã hoa cả lên, tai ù đầu nặng.Đó là tại những người ra đi. Người em gái không được nói như là Giáp đã dặn. Người mẹ già nói thay, mà nói sai lạc cả. Đầu tiên, đứng ngắm chán Tý rồi, bà cụ mới đến gần, ngồi xuống vờ xem lụa, mà lân la hỏi:- Cô là người ở đâu ra đây nhỉ?Tý đời nào lại nói thật:- Tôi ở kẻ Ninh.- Cô đã sang phủ Thoải lần nào chưa, bên phủ, cũng nhiều người ưa lụa kẻ Ninh đấy, cô ạ.- Tôi ít khi có dịp sang đấy. Chắc cụ ở bên ấy phải không?- Phải.- Cụ mua cho cháu ít lụa mộc này đi.- Để bao giờ tôi cưới dâu thì tôi mua của cô thật nhiều, cô ạ. Dâu tôi cũng ở bên này đấy, cô ạ. Hôm nay, tôi cho cháu nó đi xem mặt chị nó mà.- Người ở chợ, bán hàng gì, hở cụ?- Bán nón, cô ạ.- Có xinh không cụ?- Cũng khá, hiền lành, trắng trẻo.- Thế là quý lắm rồi.- Còn cô, cô đã ở riêng chưa đấy?- Cháu thì vất vả lắm.- Sao lại vất vả? Cô còn trẻ chán. Này, tính tôi hay lẩn thẩn, hay là để tôi làm mối cho một đám này nhé.- Bẩm, cảm ơn cụ, chứ cháu đã có người dạm rồi.- Liệu có phải ở bên tôi chăng?- Không ạ.- Con trai tôi cũng có biết một người bán lụa như cô vậy, nhưng tôi đã hỏi đám kia rồi, tôi không cho nó đi lại với người bán lụa nữa. Vậy mà cô ả cứ lén lút quyến dỗ nó. Hôm nay, nhân tiện, tôi cũng định đi tìm cô ả để nói cho cô ả rõ hết sự thể mà buông tha con trai tôi ra.- Ai thế hở cụ?- Cứ biết là một nguời bán lụa.- Thế ngộ con cụ không bằng lòng cái đám bán nón thì sao?- Mặc chứ. Tôi chỉ biết cưới đứa con dâu mà tôi đã kén. Cho nên độ rầy tôi không có cho con trai tôi đi lại với ả bán lụa nữa. Nếu cái cô ả ấy còn bén mảng để mê hoặc con trai tôi, thì tôi sẽ tìm hết cách làm cho cô ả phải bị nhục mà rời bỏ con tôi ra, chứ lại.- Cụ ghê quá. Cháu chỉ sợ đôi bên cùng găng, thì chỉ ông con trai cụ sẽ khổ.- Ai mà khổ suốt đời! Nó buồn vài ba tháng, rồi thôi chứ. Tôi chả lo. Hiện bây giờ nó đương ốm.- Mà cụ nhất định không cho họ gặp nhau?- Không.- Thế thì hỏng mất, cụ ạ.- Thế nghĩa là phúc cho nhà tôi đấy, cô ạ. Nhà tôi không thể cưới một đứa con dâu sắc xảo đến nỗi đàn ông mê lăn mê lóc được. Không! Con tôi ốm, thì rồi thuốc men, nó sẽ khỏi. Nó không được gần cái đứa mà nó say như điếu đổ, nhưng nó sẽ có vợ lành con ngoan. Gia đình tôi sẽ không có sự rối loạn. Tôi được dâu hiền, con gái tôi được chị dâu thảo.- Nếu người bán lụa van xin cụ thương lấy người ta, thì cụ bảo sao?- Tôi cũng van xin cô ta thương tôi là người già cả. Nhưng tôi chắc chả ai phải van xin ai. Tôi đã nói với cô tạ rồi.- Thì cô ta trả lời ra sao?- Cô thử đoán xem.- Cháu chắc cô ta không chịu bỏ ông con trai cụ.- Ấy thế mà cô ta chịu đấy.- Khó lắm, cụ ạ.- Cô ta chịu, vui lòng chịu, là vì cô ta còn có thể lấy người khác được, mà lại làm nổi mấy việc khó ở đời.- Nhưng chính mình sẽ đau đớn, thiệt thòi.- Có làm gì những điều nhỏ mọn ấy, đau đớn rồi cũng khuây, thiệt thòi chút ít thì rồi cũng có những cái khác đền bù lại. Tôi đã sáu mươi tuổi trời, tôi biết hết. Những người trẻ tuổi hay làm to chuyện quá! Không sao đâu, cô ạ.- Thế mấy việc khó mà cô hàng lụa phải đau đớn thiệt thòi để làm được, là những việc như thế nào, hả cụ?- Để cho người con gái đã dạm hỏi rồi không mang tiếng trầu lỗi cau héo, để cho người đàn ông đỡ thất hiếu, để cho người mẹ được yên hưởng cái sung sướng mà bà ta muốn từ đã lâu.- Có như vậy thôi, mà phải bắt một người con gái mất hết mọi điều vui vẻ, thật cũng hơi ức, cụ ạ.- Nhưng tôi biết người ấy bằng lòng, tôi sẽ nhớ ơn người ấy mãi. Người ấy, từ ngày mai, sẽ không bao giờ đến chợ Bái nữa. Con trai tôi sẽ tưởng là cô ta đã thôi nghề bán lụa và đi đâu mất. Sự thật thì cô ta vẫn có mặt ở các phiên chợ khác, nhưng giấu kín không cho con trai tôi tìm thấy ở đâu. Vả phần tôi thì tôi cũng kiếm cách cho con tôi quên đi chứ lại.- Cụ sắp đặt đến thế, ai còn biết làm thế nào cưỡng với ý cụ được. Đành là người con gái phải chịu. Cụ về, nên nhớ cầu cho người ta được bình an ở nơi xa.- Tôi sẽ không quên điều ấy. Thôi, tôi đi cô nhé.Người mẹ già dắt con gái ra nơi khác, mà nói bằng giọng rất cương quyết:- Tao trông nó thì không có vẻ làm dâu nhà mình được, nên tao phải nói ra như thế để nó sợ mà thôi quyến rũ anh mày. Gái hàng tấm buôn xuôi bán ngược ấy là gớm lắm, không trừ ngay đi, có khi nó làm cho anh mày đến tàn đến hại. Được cái con này cũng biết điều. Bây giờ mày thử lảng vảng về qua hàng nó xem nó có nhắn anh mày câu gì chăng, để tao xét câu ấy mới biết chắc là nó bằng lòng nghe tao hay là còn cưỡng lại.Cô con gái vâng lời mẹ trở lại qua hàng Tý, thì quả nhiên Tý săn đón hỏi ngay:- Em có phải là em gái anh Giáp không?- Phải. Chị có nhắn gì thì nhắn, anh tôi dặn riêng tôi thế.- Tôi cũng chả cần nhắn gì nữa cả. Chỉ nhờ em mang về biếu anh quả cam này để anh xơi cho mát ruột, và nói giúp với anh rằng tôi sẽ phải về quê ngoại ở xa đây lắm lắm, không biết đến bao giờ mới được gặp nhau.Cô gái nhỏ đem quả cam ra khoe với mẹ. Bà mẹ túm tỉm cười mà nói:- Được, nó nghe lời ta, mọi sự sẽ yên ổn, không nghe lời ta, mọi sự mới khó khăn. Mang về cho anh mày quả cam ấy cũng là để tạ ơn cô ả đã biết theo ý mẹ con mình, chứ đáng lẽ thì tao quẳng đi, không ai là đầy tớ chúng.Tuy nhiên, nếu bà mẹ ấy biết rằng trước khi trao quả cam cho cô bé, Tý đã tiêm vào ruột cam một mũi tăm nhỏ và nhọn, đầu tăm có dính chút ít chất bột trắng như vôi, nếu biết rõ thế, thì hẳn bà cụ đã quẳng ngay quả cam đi vậy.Một quả cam biếu bởi người con gái mình yêu, thì chua cũng ngon mà ủng cũng ngon, huống chi là cam ngọt, Giáp càng nên ăn như ăn yến hấp đường phèn, cho nó sướng. Gã ăn hết quả cam, thấy tỉnh thần khác hẳn, nhìn ra bên ngoài cái gì cũng nhuốm màu tươi vẻ đẹp cả, nhất là hình ảnh Tý chập chờn qua trí nhớ càng tươi đẹp hơn bội phần.Ôi, đó chỉ tại bà mẹ già không biết rằng có những quả cam người ta chẳng chủ ý biếu mình để mình xơi cho mát ruột đâu. Vả đã không cho Giáp có suốt đời một người con gái, thì sao còn cho Giáp làm gì cái trái cam của người con gái ấy. Dầu không thuốc mê, cũng còn hơi hướm. Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ. Chỉ một sợi tóc còn vương sót cũng đủ nhớ lại và còn thèm cả một cuộc tình xưa.Trái cam rất có mãnh lực làm tăng độ yêu say trong lòng Giáp. Gã nhớ Tý hơn hết bao giờ. Nắm vỏ cam đã vứt ra sân, gã lại nhặt lên, bóp nát ra để còn được thấy chút mùi thơm chưa kiệt.Bấy giờ có một ông đồ già đến chơi, nhìn vẻ ngẩn ngơ ở mặt Giáp, và cái sắc long lanh trong cặp mắt gã, thì kinh ngạc hỏi bà mẹ Giáp xem vì đâu.Bà cụ cũng không thể biết gì ngoài người hàng tấm mà chắc chắn đã bỏ đi xa rồi. Vậy bà cụ kết luận rằng chẳng qua Giáp nhớ ngơ nhớ ngẩn cũng chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày là hết.Nhưng ông đồ già quắc mắt nói:- Bệnh này không phải thường. Sao bà cứ để cho anh ấy vân vê cái vỏ cam mãi mãi như là một thằng hóa dại vậy. Lúc nào cũng vân vê thế hay sao?Bà mẹ Giáp thở dài, đáp:- Suốt từ lúc ăn quả cam xong là cứ thế.Ông đồ già càng hỏi kỹ:- Cam mua ở đâu?- Của nó cho đấy chứ.- Ai cho?- Cái con hàng tấm nhân tình anh ấy, chứ ai.- Nó ở đâu?- Ở bên chợ Bái.- Này khéo, không có bị đánh thuốc mê rồi. Một đời tôi đã được thấy mấy lần ở vùng ta có con trai bị gái thiên hạ đánh thuốc mê gớm lắm.Giáp nghe câu nói của ông đồ già, bỗng cười sằng sặc, ném mảnh vỏ cam vào mặt ông ta, cao tiếng mà cãi:- Láo! Nó việc gì phải đánh thuốc mê tôi. Tôi yêu nó, tôi còn yêu nó mãi, tôi sẽ cưới nó làm vợ. Nó việc gì phải đánh thuốc mê tôi.Ông đồ già quát lại:- Thằng này điên mất rồi, bà phải giam nó vào buồng, không có thì nó đập phá hết.Nhưng Giáp chẳng đập phá gì, chỉ thẫn thờ quay vào, đứng nhìn những mạng nhện ngang dọc trên mái nhà bụi bặm, rồi gã hát, giọng buồn và não như lời kẻ đại tuyệt vọng ở đời.Ông đồ lân la vào gần Giáp, dò hỏi:- Anh gặp nó như thế nào, phải cứ thật kể rõ cho tôi biết, để tôi còn liệu phương cứu chữa. Mặt anh ngây lắm rồi đấy.Giáp quay lại, vớ cái phất trần mà vụt ông đồ, đuổi ông ta chạy.Thấy con trai tự dưng biến chứng, bà mẹ hu hu lên khóc.Còn ông đồ già, tức lắm, nhất định đi tìm bọn bạn trẻ của Giáp, để hỏi cho ra chuyện. Chỉ một chốc, cái tin Giáp điên vì tình đã nổi lên truyền khắp trong phố phủ.Vị hăng hái nói:- Tôi xin đi tìm kỳ được con bé tinh quái kia, bắt nó phải chữa cho Giáp lành.Nhưng Thái gạt đi mà rằng:- Anh cũng lại một tuồng như là Giáp, trị thế nào nổi con ranh ấy. Phải có một bậc lão đại như cụ đồ.Nhưng cụ đồ vỗ ngực nói:- Thân danh và tuổi tác ta như thế này lại đi trị một đứa con gái cho các anh sao! Đó là một điều ta không nên làm. Ta chỉ biết làm cái việc giải thuốc mê cho Giáp.Thái hỏi:- Muốn giải thuốc mê thì phải làm như thế nào?Cụ đồ kể một câu chuyện hai mươi năm cũ:- Hơn hai chục năm về trước, ta cũng đã được chứng kiến một vụ trai làng bị thuốc mê của gái ngoại. Bấy giờ có cụ Chánh là tay giang hồ lão luyện, lại là chú của cái ông con trai bị mê kia, hồi còn trôi giạt đó đây, có được hiểu biết về thói tục của một làng hay cho con gái đi đánh thuốc mê người thiên hạ. Vậy cụ Chánh lập cách chữa được cho cháu mình. Người gái ngoại bị lỡ việc, tự tử mà chết. Nay muốn chữa cho Giáp, ta cũng sẽ theo cách ấy. Chỉ trong ít bữa nữa, mà dễ chừng chỉ nay hay mai đó thôi, Giáp tất sẽ trốn đi tìm người con gái.Vị đập bàn mà dằn giọng nói:- Tôi sẽ theo hút cho kỳ được, xem rằng Giáp lần mò đến đâu, để giữ cho Giáp không sa được vào tay đứa hàng tấm ấy.Cụ đồ điềm nhiên lắc đầu, khẽ bảo:- Không làm như thế được, làm thế vừa hỏng việc mà có khi nguy đến tính mệnh một đôi người. Hãy cứ nghe ta dặn. Bây giờ cần nhất là phải giữ riết không cho Giáp có cơ hội nào tốt mà ra lọt cái phố phủ này được, giữ cả ngày lẫn đêm. Ta chắc chỉ vài hôm thôi, đến cái hạn không thể không gặp được Giáp, mà Giáp không hề thấy tự dẫn đến một nơi nào đó, tất đứa con gái kia phải tự tìm đến đây.Thái kinh ngạc hỏi:- Nó lại dám đến đây kia à?Cụ đồ cười cái cười từng trải:- Nó dám đến, một là vì không ngờ rằng có người biết rõ công việc bí mật của nó, hai là vì thời hạn cấp bách, không cả gan tìm tới đây, không được. Vả, cái thứ con gái ấy là cái thứ con gái giết người như ngóe được, kia mà.Vị có vẻ không tin lời cụ đồ là đúng, mói hỏi:- Cái con bé ấy mà có thể làm chết được chúng ta sao?Cụ đồ không trả lời vào câu hỏi:- Đợi nó đến là một việc, mà chữa cho Giáp hết mê là một việc, nhưng chung cục của hai việc phải gặp nhau vừa vặn, để việc nọ giải cứu cho việc kia. Phép của ta học được nó như thế. Bây giờ ta phải đi kiếm ít thuốc để tẩy sơ sơ tạng phủ cho Giáp đã. Các anh em thì nên cắt nhau mà canh giữ Giáp cho thật nghiêm, nhất là đừng lộ cho Giáp biết việc làm của bọn mình ra làm sao cả.Sự dự đoán của cụ đồ thật là rõ rệt: đã hai đêm, Giáp lẻn trốn ra ngoài, nhưng đều bị bọn anh em chặn lại bắt trở về cả. Vì thuốc mê trong người Giáp đã nhạt dần, nên khi bị anh em nhắc lại lời thề trong bữa rượu cũ, thì Giáp biết xấu hổ về việc mình chỉ toan đi tìm Tý; mà Giáp cũng không tỏ ý kháng cự ai mỗi khi bị ngăn cản lại.Ngày mười một tháng Ba, quả nhiên Tý lần mò đến tận phủ Thoải thật. Bọn người có biết việc làm ngấm ngầm của Tý, dù trông thấy Tý, cùng không lộ ra một điều gì khiến ả có thể chột dạ hết. Ả bình tĩnh với cái can đảm gái kẻ Lữ, dò hỏi được nhà Giáp, và đi lảng vảng ngoài cổng, chỉ mong thấy bóng Giáp hiện ra.Lờ vờ thế nào lại trúng lúc bà mẹ Giáp mở cổng chừng ra phố làm gì. Bà cụ trông ngay thấy Tý, thì chau đôi lông mày lại, tiến đến gần, sẽ hỏi:- Cô còn tới đây làm gì nữa? Cô nên thương tôi, mà đừng cho con tôi gặp được cô nữa. Cô nên biết rằng con tôi đương dở điên dở dại, nếu không ngăn giữ, sẽ thành ra bất hiếu bất mục ngay.Tý mỉm cười, thong thả nói rằng:- Thưa cụ, tại có một người hôm qua ở chợ Bái hẹn cháu đem lụa đến cho người ta ở phủ này, nên cháu mới sang. Và nhân thể, cháu muốn tạt qua trước là thăm cụ sau thăm anh Giáp cháu xem rằng đau ốm thế nào. Thưa cụ, cháu thiết nghĩ một khắc thăm nom không phải là kẻ này dỗ kịp được người kia làm điều tội lỗi. Vả chăng, đứa con gái yếu đuối này dám đâu cứ làm điều tội lỗi, khi đã được cụ khuyên răn trước. Cháu chỉ xin phép cụ vào chào anh Giáp một câu, trước khi cháu cắt tóc ở chùa.- A di đà Phật! Đời cô còn trẻ chán.- Thưa cụ, nếu cháu không ở chùa, thì cháu đau đến chết, mà anh Giáp chắc cũng không được rảnh lòng vui theo duyên mới. Cháu nghĩ như thế là chm đấy chứ cụ nhỉ.- Phải, cô nghĩ rất phải.- Thế thì cụ nỡ hẹp gì với kẻ đã nguội lòng trần này mà không cho bước vào trong cổng.- Việc ấy không vui vẻ một chút nào cho tôi cả. Tôi chỉ vui vẻ được khi con trai tôi chẳng hề còn nhìn thấy cô.- Cứ rộng lượng cho kẻ khổ sở này được nhìn thấy anh Giáp một thoáng thôi vậy.- Chỉ một thoáng, cũng đủ cho cô xui giục con trai tôi trốn theo cô.- Cụ làm như cháu có phép quỷ thuật!- Ôi dào, cô đừng nói nhiều, vô ích. Cô đi khỏi đây, tức là làm ơn cho tôi. Sau này có dịp gì, tôi sẽ báo ơn cô, không dám phụ cô đâu, cô nên vui vẻ mà nghĩ lại.- Cháu đã nghĩ nhiều rồi, nếu không, đời nào cháu chịu buông tha anh Giáp.- Vâng thì cô đã buông tha hãy gắng buông tha cho trót. Cái cửa nọ đã đóng chặt rồi.- Nghĩa là cháu không thể vào được nữa?- Không bao giờ nữa cả. Nào, tôi xin tiễn chân cô. Ta cùng ra đường cái.Tý cười nhạt hỏi:- Vậy cụ cho biết anh Giáp hiện giờ còn mệt nhiều không.Bà cụ vừa đi vừa rảo cho Tý phải theo, vừa đáp:- Không mệt nữa, nhưng hình như còn nhớ cô lắm. Cô sắp đi tu, há chẳng biết là người ta cần phải xóa bỏ và quên đi nhiều điều sao? Vậy cứ để yên cho nó, cô ạ.Tý cúi đầu khẽ nói:- Vâng, cháu lại xin tuân lời cụ một lần này nữa, thật là quá sức cháu lắm lắm, cụ ạ.Bà cụ già vỗ vai Tý mà bảo:- Quên hết đi! Thôi, cô về nhé.- Vâng, kính chào cụ, từ đây...Nhưng Tý chưa chịu đi vội, ả đứng núp sau mấy gốc cây, nhìn hút theo xem bà cụ có về nhà chăng. Thì bà cụ về nhà thật, về để canh giữ không cho Tý có thể lừa một lúc nào lẻn vào thăm Giáp được.Tý bỗng cười gằn một tiếng, như thách bà cụ già liệu sức mà đương đầu với một đứa con gái không phải sẽ tu hành và chưa chắc là yếu đuối.Trong khi ấy, cả bà cụ già lẫn Tý đều là hai nhân vật quan trọng cho cuộc thăm dò động tĩnh của bọn cụ đồ. Còn chuyện giữa hai người đã được tường thuật lại với những người cần phải biết.Thái hốt hoảng nói:- Thế là nó bỏ đi mất rồi. Biết vậy, ta dặn trước bà cụ cứ để cho nó vào lọt trong nhà.Cụ đồ ta chỉ cười, vẻ khoái chí.Vị cũng có mặt ở đấy, hỏi cụ đồ:- Sao cụ điềm nhiên không cho việc này là quan hệ?Bấy giờ cụ đồ ta mới chậm rãi nói:- Ta cho đó là một việc rất may, vì nếu để cho đứa con gái ấy lọt vào từ lúc ta chưa kịp biết, thì có khi tính mệnh của Giáp không còn phương nào cứu chữa nổi.Cả bọn đều nhao nhao hỏi:- Nguy đến tính mệnh được cơ à?Cụ đồ bí mật, đáp:- Ấy, cái giống ấy nó nguy hiểm như vậy đó.Thái lại hỏi:- Nhưng làm thế nào cho nó lại gặp được Giáp? Hay là chính Giáp sẽ trốn ra với nó?Cụ đồ nói:- Chính nó sẽ tìm vào chứ. Ta đoán chỉ nội đêm nay, nó đã ở bên giường của Giáp rồi. Nó cũng chẳng tài gì lắm đâu, các anh chớ lấy làm khiếp vội. Chỉ tại ngày giờ cấp bách, nó phải liều một may một rủi đấy thôi.- Nhưng ta còn phải làm những gì, trong đêm nay?- Cũng chẳng có gì là vất vả. Ta vẫn cứ ngồi ở nhà ta, vì đứa con gái ấy không thể ra ngoài chiếc lưới vô hình mà ta đã giăng kia được. Chỉ cần làm sao cho trước khi nó gặp Giáp, nó có uống một hớp nước. Chẳng lẽ bây giờ lại cho người ra mời nó vào với Giáp, để mà mời nó uống nước cho tiện? Nhưng mà nào có tiện! Một đứa con gái như thế, đã dám vào tử địa, tất cũng tinh ý không chịu uống chén nước ở trong cái nhà phần nhiều người đều ghét nó. Vậy, điều cần nhất phải cho một kẻ dò xem nó có vào một hàng quán nào để nghỉ chân chăng. Nếu nó có ở một hàng quán nào, thì chúng ta có nhiều sự may mắn lắm.Bọn Thái, Vị đều nói:- Chúng tôi, nó chắc thuộc mặt cả, không muốn gặp nó, e lỡ việc.Cụ đồ đứng ngay lên mà rằng:- Việc này lại phải đến ta làm, mới xong.Bọn Thái đều hỏi:- Cụ định ăn miếng trả miếng chăng? Nhưng thuốc độc, hay thuốc mê, hở cụ?Cụ đồ cười mà bảo:- Ta vì nóng cứu một người, sắp phải làm một việc hơi tổn âm đức. Sao các anh lại ngờ ta làm một việc tổn âm đức thứ hai nữa thế? Không, ta không bỏ thuốc độc, cũng không bỏ thuốc mê. Ta là người nội đêm nay phải trừ thuốc mê và có lẽ cả thuốc độc nữa. Cái việc hơi tổn âm đức cho ta là: phép giải thuốc mê của đứa con gái ấy, phải làm thế nào cho người đàn ông hóa tân lang trong đêm tân hôn, thì hơi thuốc mới hả hết được. Vậy, muốn cho Giáp chung chăn gối với đứa con gái, mà không bị khó khăn, thì phải dùng thuốc ngủ. Ta muốn đánh thuốc ngủ nó. Việc tuy hơi tàn nhẫn, nhưng sau này, chính ta sẽ cố sức kết cho đôi ấy thành ra một lứa nhân duyên, để hoa khỏi tủi, trăng khỏi sầu. Ấy là ta không phải ân hận.Thái lại hỏi:- Nhưng nó gục ngay ở trong quán cơm mà ngủ thì sao?Cụ đồ nói:- Ngủ thế nào được chóng vậy. Thuốc ngủ này hơi chậm. Mà nó thì ta tin rằng nó không trọ ở hàng cơm tối nay đâu. Nó chỉ lảng vảng chờ hành sự xong là trốn thẳng nội đêm đi phương khác. Vậy, ta nhờ anh sang nhà Giáp chơi, và làm thế nào ép cho Giáp phải đánh cờ với anh suốt từ nửa canh một cho đến hết canh hai.- Cờ thì có thể kéo lâu như thế được.- Tốt lắm. Mà đánh ở ngoài hàng hiên. Buồng ngủ của Giáp, nghĩa là cả gian nhà ngang, thì đừng thắp đèn. Nhà có mấy người nên cho đi nghỉ sớm. Trong lúc đánh cờ, anh phải gây lấy cái không khí thật là mê mải, thật là chăm chú, để cho Giáp chỉ biết có bàn cờ mà thôi, không biết có Tý lẻn vào bao giờ cả. Còn anh, dù có thấy động, cũng làm như là không biết gì hết. Ta đã trù tính cho khi hai mắt đứa con gái nhắm nghiền lại vì buồn ngủ quá, chỉ vào cái khoảng nó còn ngấp nghé ở sau vườn nhà Giáp cho đến khi nó vào lọt để ẩn ở trong buồng ngủ của Giáp là cùng, và không thể sớm hơn cái khoảng đã tính ấy đâu. Vậy nếu có ngủ từ ở sau vườn, cũng rất tiện cho ta, là cứ việc khiêng nó vào trong gian nhà ngang, dễ lắm.Thái xin làm đúng như lời chỉ dẫn.Đoạn, cụ đồ ra đi.