Con trâu nhà Cờ trán khoáy tam tinh gan lì như chủ nó. Có lần Cờ mắc lỗi, bố lấy roi mây đánh mấy chục cái vào mông, Cờ chỉ chảy nước mắt, người nảy lên theo nhịp roi chứ không khóc. Bố lắc đầu, bỏ mặc, lấy rượu ra uống. Ôõng say mê man. Mẹ Cờ phải bôi vôi vào bàn chân, hòa thuốc cảm đổ vào miệng, ông mới tỉnh dần. Tỉnh rượu, ông vất cây roi mây vào bếp lửa... Loài trâu cổ nải, mắt ốc bươu, khó dạy ông lẩm bẩm. So Cờ với trâu thì sai rồi. Trâu nhà Cờ bụng thon như bụng ngựa; chân hai gióng thon lẳn ;mông như hai cái lồng bàn úp... Cờ rúm ró trên lưng trâu như con mèo hen trên lưng con voi. Âấy vậy mà Cờ thi trâu lồng nhất nhì trong làng đấy.Chỉ thua thằng Cẩm Cóc. Vì trong làng không có con trâu đực nào nghịch ngợm, tinh ranh như con trâu nhà Cóc. Có lần, nó phóng lộp cộp, lộp cộp trên đường đất thịt, bất ngờ nhảy ào xuống ruộng, giả ngã chổng bốn vó lên. Nhanh như Cẩm Cóc mới nhảy kịp khỏi lưng trâu, tránh hai cái sừng nhọn hoắt có thể chọc thủng bụng ngay trong nháy mắt. Con trâu lăn qua lăn lại mấy vòng rồi chồm lên bờ, hai chân sau như kiễng lên. Lúc nó hạ hai chân, thì phóc một cái, Cẩm Cóc đã ở thế kẹp hai chân vào hai bên lườn nó, tay nắm ghì lấy cái u chai ở vai, vừa hét vừa quất roi dâu đen đét...Chiều nào Cờ và Cóc cũng rủ nhau đi chăn trâu. Hai đứa đã học lớp bốn, tuy khác lớp nhưng rất thân nhau. Thả trâu trên bãi tha ma, hai đứa hôm thì mò cá dưới đìa, hôm thì tìm đào ổ chuột. Hai con trâu thung dung gặm cỏ, đuôi ve vẩy. Thi thoảng, phởn chí, chúng đuổi nhau; rồi lại cọ sừng vào hông, vào mông nhau âu yếm. Hôm trời nóng, chúng cùng đầm mình trong một vũng nước đọng trên mặt đất, đuôi ngoe nguẩy vẩy bùn nhão lên nhau. Thân thiện y như một đôi bạn hiền.Thế mà, cuối tháng ba, vào dịp xuân phân, một trong hai con vật hiền lành ấy sẽ bị giết. Ngay sau hội chọi trâu làng Vớ. Tháng tám năm trước, trâu nhà Cẩm Cóc và trâu nhà Cờ đều đứng đầu hai khóm. Trận chọi trâu này chúng sẽ gặp nhau. Và, con nào thua cuộc, sẽ trở thành lễ vật dâng cúng thần làng. Đi xem chọi trâu, lần nào Cóc và Cờ cũng hò hét đến khản cả giọng vì hứng khởi. Cả sướng nữa. Nhất là lúc cầm miếng thịt trâu thui đem về cho mẹ xào với mớ rau cần mới nhổ từ ao bùn chằm lên. Cả hai không hiểu nổi tại sao người chủ trâu thua đã được làng trả tiền sòng phẳng như mua một con trâu ngoài chợ lại có thể giọt vắn giọt dài, từ chối nhận miếng thịt gọi là lộc làng... Bây giờ thì cả hai lờ mờ hiểu.Theo thông lệ, trước trận chọi, mỗi con trâu được thưởng một cái bánh chưng; sau đó, người ta sẽ đổ ba lít rượu vào hai cái ống nứa vạt nhọn, nâng đầu trâu lên, dốc vào miệng. Bánh để lấy sức. Rượu để tạo sự liều lĩnh, say máu. Chính rượu đánh thức thú tính của con vật nuôi hiền lành, hai kẻ say sẽ lao vào nhau như hai con thú hoang, man dại. Đầu chạm đầu cùng cục nghe như sắp vỡ hộp sọ, sừng chạm sừng chát chát, toé ra mùi khét lẹt. Rồi máu me đầm đìa. Rồi đến lúc một cái sừng nhọn như cái đòn càn tre cật xuyên bụp vào bụng con kia. Con trâu thắng cuộc hăng máu lắc lắc hất đầu lên, ruột con thua sổ ra cùng mùi phân trâu hăng hắc, cay cay... May mắn hơn, mới chọi vài chọi, một con sẽ bỏ chạy. Dĩ nhiên là kẻ thua xấu số ấy vẫn bị giết. Có điều người ta đuổi bắt nó lại, trói vào cũi và chọc tiết... "Oò... ò...ò", nó rên rỉ, nước mắt chảy ròng ròng, mắt mở trừng trừng không khép được...Ngày hội chọi trâu càng gần, bố Cờ càng hay uống rượu. Ông buồn. Thì uống. Và lại say. Lại khổ mẹ bôi vôi, phục thuốc cảm hòa nước. Chỉ hai con trâu là chả thèm để ý, vẫn theo hai đứa ra bãi tha ma quen thuộc. Hôm nay có chuyện gì mà Cờ và Cóc ngồi rì rầm như hai ông cụ non...Vào đúng ngày hội, hai ông cụ non ấy được chít khăn đỏ, tay hai đứa cầm một lá cờ đuôi nheo cũng màu đỏ, dắt hai con trâu ra sới. Khi hai chú bé và hai con trâu ra đến giữa sới, cả làng vỗ tay ầm ĩ. Đẹp quá! Đầu trâu bôi phẩm đỏ, lưng trâu bôi phẩm xanh, bụng và chân trâu hai đứa bôi vôi trắng. Trông ngộ ngộ... Ông chủ hội đi giữa, hai cô gái làng bưng hai khay bánh chưng đi hai bên. Ông chủ hội trao bánh cho Cờ và Cóc. Chúng cho trâu ngoạm một miếng rồi úp cả hai bàn tay vào phần gạo đỗ, nhét vào miệng trâu. Sau đó thì bố Cờ và bố Cóc đổ rượu cho trâu... Xong, ông chủ hội sai họ đưa trâu về hai đầu sới, chờ trống gióng.Trống gióng, người la. Hai con trâu lao vào nhau. Hục hặc. Cộp. Chát. Huợch... Đất tung lên. Bụi mù... Có lúc, người ta chỉ thấy những mảng trắng xanh, đỏ lấp loáng, lấp loáng... Hai con trâu ngày thường là đôi bạn, giờ như hai thằng say rượu, quên hết tất cả, chọi nhau như kẻ tử thù...Tim Cờ và Cóc thót lại. Bố Cờ và bố Cóc quay mặt đi. Máu đã loang đỏ trên hai thân trâu... Bỗng Cờ bấm vào tay Cóc một cái đau điếng: "Rồi...". Cóc nhướng mắt: Ơ kìa, hai con trâu bỗng như nhận ra nhau, chúng tự dừng lại rồi cùng chạy về hai đầu sới. Lạ hơn, sau đó chúng đến bên nhau, con nọ cọ cọ vào sừng con kia. Tưởng như trước đó chưa hề có một trận hỗn chiến sinh tử vậy...Dĩ nhiên là hòa. Lần đầu tiên, làng không có trâu chọi dâng cúng. Người ta kháo nhau là chính thần làng đã xuống tay để cứu lấy một con trâu. Chẳng ai biết được đó là nhờ bàn tay mục đồng và vốc thuốc cảm giã rượu.