Chương 5

Lối năm giờ chiều, gió thổi hiu hiu, hai hàng dương trồng hai bên đường từ Mỹ Lợi vô Gò Công nhánh oặt òa, oặt oại dường như ngoắt khách qua đường tỏ niềm tâm sự, hay là hỏi người lạ mặt coi bươn bả đi đâu.
Ai hữu tình háo cảnh đến lúc ấy mà đi qua khúc đường đó thì cũng đều cảm cảnh mà hớn hở trong lòng.
Thằng Bĩ tuy là đứa ngọng líu lờ khờ mà nó đi đến đó cũng vui thầm, nên miệng ngậm một lá cây mà thổi tò te, tay ôm cây đờn kìm cũng khảy tồn tên, còn hai chơn cũng nhảy lăn ba, làm cho con heo thằng Ðược dắt đi trước giựt mình nên chạy lom xom không dám đi dục dặc.
Thằng Ðược hồi qua tới Mỹ Lợi, nó hỏi thăm thì họ nói tía nó đã bỏ vợ mà đi mất mấy năm nay, nên trong lòng nó mừng thầm, lật đật đi riết về Xóm Tre đặng mẫu tử đoàn viên, mà kể hết những lúc gian truân, những hồi thương nhớ.
Nó lầm lũi mà đi trong bụng tính thầm coi phải liệu thế nào mà dắt con heo vô nhà má nó đừng ngó thấy, rồi thình lình con heo kêu ột ột cho má nó giựt mình chơi.
Nó đương suy tới nghĩ lui rồi lại chăm mắt mà ngó vào Xóm Tre, coi nhà má nó ở chỗ nảo, bỗng nghe thằng Bĩ đi sau thổi kèn khảy đờn nó day lại bắc tức cười rồi kêu mà chỉ rằng: “Bĩ cái nhà ở đầu xóm, phía ngoài ló nóc mình ngó thấy đó đa”. Hai đứa cúi xuống khỏi nhánh dương mà dòm rồi cười với nhau cấm cắc như đứa điên với đứa khùng trững giỡn.
Ði tới đầu bờ nhỏ vô xóm, thằng Ðược khấp khởi trong lòng đi không vững bước, mà lại hai con mắt cứ chăm chỉ ngó chừng nhà hoài, không coi dưới chơn, nên láng cháng vấp lỗ chơn trâu té lăn cù, văng nón dưới ruộng, mà may cây đờn cò khỏi gãy. Vô gần tới sân, nó mới nắm con heo mà ngồi núp dưới bụi cây trâm bầu, rồi biểu thằng Bĩ đi thẳng vô nhà nói với má nó rằng: "Có một người giàu lớn nghe thím nghèo nên đem bạc tiền đến cho thím, vậy thím phải đi ra mà rước“.
Thằng Bĩ nghe lời đi thẳng vô nhà kêu om sòm mà không nghe tiếng trả lời. Nó đi tuốt vô buồng thấy vắng hoe, đi thẳng xuống bếp rồi bước ra cửa sau cũng không thấy ai hết. Nó lật dật chạy ra sân mà kêu: "Ðược ơi! Ðược! Không có ai ở nhà hết mầy à!“. Thằng Ðược dắt con heo đi vô trong bụng lấy làm kỳ, không hiểu má nó bỏ nhà mà đi đâu. Nó ngó quanh quất thì thấy cái chuồng vịt cũng còn đó, trong chuồng lại nghe tiếng vịt kêu lạp cạp như năm trước, hồi nó còn nhà.
Vô nhà nó coi đồ đạc cũng như cũ, duy có thêm một cái cối giã gạo với một cái võng mà thôi. Nó ra sau bếp thì thấy có nồi cơm còn ở trên đầu ba ông táo, lửa đã tắt mà than còn ngủn nóng hổi.
Nó trở ra thấy thằng Bĩ nằm tòn ten trên võng mà gãi con heo nó mới nói rằng: "Chắc là má tao đi chơi đâu lối xóm đây. Nồi cơm nấu mới vừa chín, chắc là một lát về ăn cơm chớ không lâu đâu. Mầy nằm đó nghe hôn. Ðể tao trốn, như má tao về có hỏi thì mầy giả đò ngủ, đừng thèm nói gì hết." Thằng Ðược dắt con heo vô buộc dưới giường rồi trở ra, thấy dạng má nó đã vô gần với sân. Nó lính quýnh không biết đâu mà trốn cho kịp, bèn núp dựa cửa chờ.
Ba Thời vừa bước vô nó nhảy ra hà một tiếng lớn. Ba Thời giựt mình la bài hãi. Thằng Ðược ôm Ba Thời chặt cứng mà nó rằng: "Con về đây nè, má vui hôn? Mừng hôn má?“. Rồi nó lại vỗ túi mà nói: "Bây giờ con không thiếu gì bạc, má không nghèo cực nữa đâu, đừng lo“.
Ba Thời ôm con vừa khóc vừa nói:
- Con đi năm sáu năm nay má nhớ con hết sức, mà má cũng lo sợ không biết con mạnh giỏi thế nào. Sao con không mượn người ta viết thơ rồi gởi thăm má vậy con?
Thằng Được nắm tay Ba Thời mà đáp rằng:
- Con biết chữ giỏi lắm má à. Có nhiều khi con muốn viết thơ mà ngặt không biết làng mình đây là làng gì nên không gởi thơ được.
- Làng Bình Thạnh Ðông chớ làng gì.
- Trời ôi! Con có biết đâu. Má nói làng nầy là làng Bình Thạnh Ðông phải hôn má?
- Ừ.
Hai mẹ con lăn líu với nhau một hồi, rồi Ba Thời day lại thấy thằng Bĩ nằm trên võng không biết nó là ai mới hỏi:
- Thằng em đây ở đâu...?
- Anh em bạn của con đó má à. Nó đi theo con về thăm má cho biết.
- Mấy năm nay con đi đâu, má hỏi thăm thì bên Cần Ðước họ nói họ không biết. Còn con ở đâu mà về đây. Ủa! Mà bộ con đói bụng, thôi để má nấu thêm cơm đặng con ăn chớ.
Ba Thời vừa xây lưng đi vô bếp thì thằng Ðược kêu mà nói rằng:
- Má, má, ai ở trong buồng đó vậy má?
- Ai đâu?
Ba Thời dòm vô buồng không thấy ai hết, mà lại nghe tiếng heo kêu ột ột dưới giường thì lấy làm lạ mới bước vô. Con heo vùng đứng dậy. Ba Thời giựt mình la lớn rằng: “Húy! Con heo của ai đó vậy?”. Thằng Ðược đứng ngoài vỗ tay cười ngất và nói rằng: “Hồi trước tía bán con heo quắn của má, con kiếm mấy năm nay mới được nên dắt về cho má đó đa. Má coi có phải hay không?”
Lúc ấy trời chạng vạng tối nên trong buồng thấy mờ mờ không rõ, Ba Thời mới đốt đèn rọi coi con heo thì lấy làm mừng rỡ vùng nói lớn rằng: “Phải rồi, heo con mua ở đâu vậy con?”.
Thằng Ðược lấy làm toại chí đứng chống nạnh vinh mặt mà đáp rằng: “Con mua bên chợ Trạm đem về cho má đó đa”.
Ba Thời để đèn dưới đất ôm con mà hun trơ hun trất, rồi nói rằng: “Con tôi thiệt đáng quá!”
Ba Thời lấy cám sú cho heo ăn rồi đi vo gạo nấu cơm.
Thằng Ðược với thằng Bĩ chạy ví bắt một con gà giò đặng làm thịt. Thằng Ðược biểu thằng Bĩ phụ nấu cơm với Ba Thời, còn nó chạy vô thăm cậu Hai mợ Hai nó.
Quá nửa canh một, cơm nước xong rồi, thằng Bĩ leo lên võng nằm ngủ ngáy pho pho.
Thằng Ðược lấy khăn mua trên Cần Giuộc mà cho Ba Thời rồi mẹ con nằm tại bộ ván giữa mà kể hết những hồi hoạn nạn, những lúc nhớ thương trong mấy năm ly biệt.
Ba Thời nghe thằng Ðược thuật đến lúc thảm thiết nhất là lúc thầy Ðàng bị bắt giam tại Trà Vinh, lúc nằm nhà thương Chợ Rẫy và lúc linh đinh ở Sài Gòn thì động lòng thương nên nước mắt dầm dề. Thằng Ðược thuật hết chuyện của nó rồi nó mới hỏi tới chuyện của má nó ở nhà, giàu nghèo ấm lạnh thế nào, rồi lại hỏi thăm luôn tới chuyện tía nó nữa.
Ba Thời nằm to nhỏ mà kể hết chuyện nhà cho con nghe, nói rằng từ khi con ra đi rồi thì chị ta ở nhà buồn rầu không xiết kể, ngày như đêm cứ nằm gác tay qua trán mà thở ra hoài. Chồng xài hết mấy chục đồng bạc bán heo, rồi hai chục đồng bạc của thầy Ðàng cũng làm tiêu luôn nữa. Chị ta lớp thì nhớ con, lớp thì túng tiền nên theo phàn nàn với chồng hoài, biểu chồng phải lo làm ăn, mà chồng lửng đửng lờ đờ như kẻ ở một nơi mà hồn một nẻo. Ở được vài tháng rồi hắn vác dù mà đi nữa. Mấy năm nay chồng không về thăm lần nào. Chị ta ở nhà một mình lo củi đục làm ăn, bởi vậy cho nên tuy trong nhà không dư dả, song cũng không thốn thiếu.
Năm ngoái chị ta nghe họ nói có gặp chồng ở làm ruộng dưới Cần Thơ. Hôm tháng trước chị ta có tiếp được một bức thơ của chồng gởi về, chị ta có mượn thầy giáo coi dùm, thì thầy giáo nói rằng, chồng bây giờ ở dưới kinh Xà No biểu chị ta như có nghèo thì bán nhà đi xuống dưới mà ở. Ba Thời nói tới đó thì ngồi dậy thò tay vào túi móc bức thơ ra đưa cho thằng Ðược coi. Thằng Ðược thấy bức thơ có mấy hàng chữ mà thôi nên đưa gần đèn mà đọc:
Xà No, le 15 Décembre 19...
Tao gởi lời về thăm mầy được mạnh giỏi. Tao ở dưới nầy bình an như thường. Năm nay tao làm ăn cũng khá khá. Như mầy có nghèo lắm thì bán cái nhà lấy bạc đi qua Mỹ Tho rồi ngồi tàu mà xuống đây.
Mà nếu mầy đã có nơi nào khác rồi thì phải gởi thơ cho tao biết. Nói dùm tao gởi lời thăm anh Hai chị Hai và bà con lối xóm hết thảy.
Hữu ký.
Thằng Ðược đọc thơ rồi bèn ngó Ba Thời vừa cười vừa nói rằng:
- Sao? Má tính đi xuống dưới hay không?
- Ði làm chi.
- Má không đi đây chắc tía nghi má có chồng khác đa.
- Ối! Nghi thì nghi chớ hại gì,
Thằng Ðược ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Ừ mà thôi, đừng có đi má. Má cứ ở nhà đây, con làm con nuôi má. Con đờn ca giỏi lắm, con kiếm tiền dễ như chơi.
- Nầy con, từ hồi chiều đến bây giờ má quên nói chuyện cho con nghe.
- Chuyện gì?
- Con đi mấy năm nay vậy mà có ai nhìn con không?
- Không.
- Nầy, lóng trước có một chuyện nầy má lấy làm kỳ lắm con.
- Chuyện gì vậy?
- Hôm trước ông Hương Sư đi bán lúa trên Bình Ðông, rồi ổng ra Sài Gòn mua đồ. Tối lại ổng đi xem hát gặp một thầy thông, hai người làm quen với nhau rồi thầy thông hỏi ổng đi đâu. Ổng nói ở làng Bình Thạnh Ðông thuộc tỉnh Gò Công. Thầy thông mới hỏi ổng vậy chớ bình Thạnh Ðông mà có biết người đàn bà nào tên là Ba Thời hay không. Ổng nói biết, rồi hỏi thầy thông vậy chớ hỏi thăm Ba Thời làm chi vậy, Thầy thông mới nói rằng có một người giàu có lớn, hồi trước lạc mất hết một đứa con trai, đến cậy thầy tìm dùm. Thầy hỏi thăm thì nghe họ nói Ba Thời ở Bình Thạnh Ðông có xí được đứa nhỏ ấy. Thầy muốn tìm đến nhà mà chuộc lại, song không biết có quả như vậy hay không nên thầy chưa dám đi. Ông Hương Sư mới nói với thầy rằng ổng có nghe nói, Ba Thời hồi trước có nuôi một đứa con nuôi tên là thằng Ðược, mà vì nhà nghèo nuôi không được nữa, nên đã bán cho người khác, họ dắt đi mất đã bốn năm nay rồi. Bữa hôn ông Hương Sư về có nói chuyện lại cho má nghe, song má không biết con đi đâu nên má không để ý đến cho lắm.
- Vậy mà ông Hương Sư có nói thầy thông đó tên gì nhà ở đâu hay không?
- Có, ổng nói thầy thông đó tên Lợi, nhà ở đường Cầu Quan.
- Nếu vậy để con lên Sài Gòn con kiếm thầy.
Thằng Ðược tính ở chơi vài bữa rồi trở lên Sài Gòn. Ba Thời không cho, nói rằng đã cận Tết rồi, nếu có muốn đi thì để ăn Tết rồi sẽ đi. Thằng được nghe lời nên không đòi đi gấp nữa.
Ðêm ấy, thằng Ðược nằm thao thức hoài, ngủ không được. Từ ngày nó biết Ba Thời không phải là mẹ ruột nó rồi, hễ ai hỏi đến cha mẹ nó thì trong lòng nó lấy làm bứt rứt xốn xang, thầm tủi thân không mẹ không cha, cứ hỏi riêng trong bụng hoài, vậy chớ mẹ mình có chửa hoang, mà đẻ mình rồi sợ tiếng xấu hay sao, nên bồng mà bỏ đi, hay là cha mẹ mình nghèo lắm không thể nuôi được nên mới bỏ mình như vậy. Nó suy đi nghĩ lại, bàn tới tính lui hoài mà cũng không hiểu tại sao mà thân phận nó lao đao như thế. Có khi nó nằm đêm buồn bực, ước thầm trong bụng nó rằng, nếu có ai nhìn nó làm con, dầu người ấy tàn tật nghèo hèn, nó cũng hết lòng mà kính thờ yêu mến.
Nay thình lình nó nghe nói có cha mẹ kiếm nó, mà cha mẹ nó là người giàu có lớn nữa, thì tự nhiên trong bụng nó khấp khởi vui mừng. Nó nằm tính thầm lăng xăng, tính hễ tìm được cha mẹ rồi, thì rước mẹ nuôi về ở chung một nhà cho hết cực khổ, bắt thằng Bĩ phải ở với mình đặng đờn ca chơi cho vui, lại đi xuống Cần Thơ kiếm cho được con Liên đem về ở chung một nhà nữa. Nó lại tính cũng đi Trà Vinh mà đền ơn cô bán thơm cho mình ở đậu mấy ngày, rồi về chợ Gạo thăm thầy xếp ga, và mua cho thầy một đôi giầy vàng với một cái nón nỉ thiệt tốt.
Qua ngày hai mươi tám, thằng Ðược đưa cho má nó năm đồng bạc biểu đi chợ mua đồ về ăn Tết. Ba Thời không chịu lấy, nó theo nài nỉ hoài, nói rằng rồi đây cha mẹ nó có nhìn, nó có thiếu gì bạc tiền, nên cực chẳng đã Ba Thời phải lấy hết hai đồng bạc. Ba Thời đi chợ Gò Công mua dưa, cải, cam, hồng; còn thằng Ðược với thằng Bĩ dắt nhau đi chợ Mỹ Lợi, thằng Ðược muốn mua vài đồng bạc pháo về đốt chơi, thằng Bĩ cứ cản trở hoài nói rằng tiền làm ra không phải là dễ, mà đem đi mua những đồ vô ích như vậy. Thằng Ðược nói: “Tết rồi đây tao lên Sài Gòn kiếm tía tao, tao thiếu gì tiền mà lo mậy”. Thằng Bĩ cười gằn mà nói rằng: “Mầy mới gần giàu mà mầy đã quên lúc nghèo rồi há”. Thằng Ðược nghe nói mấy lời thì hổ thầm nên buồn hiu, rồi hai đứa dắt nhau đi về không mua một vật chi hết.
Từ bữa thằng Ðược nghe nói cha mẹ ruột nó kiếm, thì trong lòng nó mừng đến đỗi lộ ra ngoài mặt, tối ngày nó giỡn trững nhảy nhót hoài, chớ không phải tề chỉnh như hồi trước. Thằng Bĩ nghe nói rằng tía thằng Ðược giàu có, ăn Tết rồi sẽ nhìn nó, nghe thì nghe thấp thố thấp thưởi mà thôi, không rõ người ở đâu, nhưng mà nghe như vậy rồi nó lại buồn, nên có đêm thằng Ðược muốn hòa đờn chơi, nói hết sức mà nó cũng không chịu đờn.
Tối mùng ba Tết, thằng Ðược biểu thằng Bĩ gói quần áo với hai cây đờn cho sẵn, rồi khuya thức dậy mà đi cho sớm. Ba Thời mới lấy ra một gói đồ đưa cho nó mà nói rằng: “Ðồ nầy là đồ của con mặc hồi má xí được con đó, con nghĩ có nên đem theo cho họ nhìn cho dễ hay không”. Thằng Ðược ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi biểu má nó cất, bởi vì nó đi lưu linh sợ đem đồ ấy theo rủi mất thì khó lắm, chi bằng để ở nhà như nó gặp cha mẹ rồi, mà cha mẹ nó còn nghi thì nó sẽ dắt xuống mà lấy.
Khuya Ba Thời dọn cơm cho hai đứa nó, ăn rồi, thằng Ðược muốn để lại ít đồng bạc, Ba Thời không chịu lấy, biểu đem theo mà làm lộ phí, bởi vì lên Sài Gòn không biết có tìm được liền hay không. Hai đứa nó ra đi thì trong mình còn được hơn sáu đồng bạc. Hai đứa ra chợ đón xe hơi mà đi, Thằng Bĩ không biểu đi bộ nữa, song nó buồn lắm, ngồi tại đầu cầu Nổi mà chờ xe không nói chuyện chi hết. Thằng Ðược thấy vậy mới kiếm thế mà ghẹo cho vui nên hỏi rằng:
- Sao mầy buồn dữ vậy mậy?
- Vui sao được mà mầy biểu vui.
- Sao vậy?
- Tao làm anh em với mầy, tao tưởng mầy mồ côi và nghèo hèn như tao, có dè ngày nay mầy được giàu có đâu.
- Thằng khéo nói kỳ hôn! Nếu tao được giàu thì mầy cũng sung sướng với tao, chớ phải tao giàu rồi bỏ mầy hay sao mà mầy buồn.
- Tao sợ miệng mầy nói như vậy mà bụng mầy không được như vậy chớ.
- Tại sao mầy sợ?
- Tao thấy một chút nầy thì tao biết bụng mầy rồi. Mấy tháng nay mầy với tao lưu linh đi kiếm ăn, mầy thường nhắc nhở con Liên hoài, mầy nói thương nó như em ruột mầy vậy, mầy tính hễ về thăm má mầy rồi, thì đi kiếm cho được nó. Hổm nay mầy nghe nói cha mẹ mầy là người giàu có lớn, đương tìm kiếm mầy, thì mầy mừng, mầy quên con Liên, không nghe mầy tính đi thăm nó nữa. Rất đỗi con Liên mầy thương nó lắm mà chưa giàu mầy đã quên nó rồi, huống chi là tao mà mầy kể gì.
- Mầy nói tức quá! Tao có quên con Liên bao giờ? Ðể tao đi tìm được cha mẹ tao rồi tao sẽ đi kiếm mà rước nó về tao nuôi nó chớ. Tao có quên anh em thì trời đừng để mạng tao.
Hai đứa vừa nói chuyện tới đó thì xe hơi đã ra tới, nên lật đật xách đồ xuống đò đặng ngồi xe lên Chợ Lớn.
Xe hơi lên tới kinh Xóm Củi, hai đứa nó mới xách đồ đi qua Chợ Lớn đặng ngồi xe lửa mà ra Sài Gòn.
Qua tới nhà giấy xe lửa nhỏ, hai đứa ngồi chờ xe, thấy có một ông thầy tướng đương ngồi coi tay cho họ. Thằng Ðược đứng coi một hồi móc ra hai cắc bạc đưa cho thầy tướng mà coi dùm cho nó thử xem mạng vận nó ngày sau thể nào. Thầy coi hết hai tay rồi mới nói nó là con nhà giàu, tuy từ hồi nhỏ đến bây giờ lận đận lao đao, không được ở chung với cha mẹ, song năm nay thời vận đã hanh thông rồi, chẳng bao lâu nữa thì mẫu tử tương phùng, anh em sum hiệp. Thằng Ðược nghe thầy tướng đoán như vậy thì mừng không biết chừng nào, cứ theo khen hay hoài và tốn hai cắc bạc thiệt đáng lắm. Nó biểu thằng Bĩ coi thì thằng Bĩ lắc đầu mà nói rằng: “Coi làm gì mậy. Tao không ham giàu mà cũng không buồn. Tao có cần gì mà phải coi tướng mạng“.
Hai đứa ra Sài Gòn tìm đường Cầu Quan mà hỏi thăm nhà thầy thông Lệ. Nhờ có một bà già chỉ dùm nên hai đứa nó mới tìm được. Bước vô nhà thì thấy nhà dọn hực hỡ, trong có treo kiếng lớn, giữa có để bàn mặt đá, có ghế xích đu, hai bên có tủ áo, tủ rượu đủ hết. Trên cửa buồng lại thấy có treo một tấm hình bán ảnh của một người đàn ông độ chừng bốn mươi lăm tuổi, mặc áo dài bịt khăn đen, hai hàm râu thưa thớt mà lại vắn. Có một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi ở phía sau, thấy hai đứa nó xớ rớ trước cửa thì bước ra hỏi chúng đi đâu. Thằng Ðược thưa rằng nó đi kiếm nhà thầy thông Lợi, họ chỉ lại đây mà không biết có phải hay không. Người ấy nói phải, rồi hỏi nó vậy chớ có việc chi hay sao mà kiếm. Nó nói có việc cần. Người đàn bà ấy mới biểu hai đứa ngồi trước cửa mà chơi, đợi chút nữa thầy sẽ về.
Thằng Ðược với thằng Bĩ ngồi chờ tới mười một giờ rưỡi thì thấy có người ngồi xe kéo mà về, người ấy độ chừng bốn mươi tới bốn mươi hai tuổi, mặc đồ tây, đi giầy vàng, đội nón xám. Người ấy bước vô thấy hai đứa liền hỏi chúng nó đi đâu. Thằng Ðược khoanh tay thưa rằng:
- Bẩm thầy, tôi tên Ðược, con nuôi của Ba Thời ở làng Bình Thạnh Ðông, thuộc hạt Gò Công. Mấy năm nay tôi mắc đi theo thầy tôi, hôm Tết nầy tôi về thăm má tôi, thì má tôi có nói rằng, lúc trong năm có ông hương Sư ở trong làng đi Sài Gòn, ổng gặp thầy và thầy có nói với ổng rằng tôi là con nhà giàu, song tôi lạc cha mẹ từ hồi nhỏ tới bây giờ, nay cha mẹ ruột tôi đòi kiếm mà nhìn tôi. Vậy tôi đến đây lạy thầy xin thầy làm ơn chỉ dùm cha mẹ tôi nhìn cho dễ.
- Té ra mầy tên Ðược hay sao?
- Dạ.
- Bước vô đây.
Thầy Lợi vô nhà và hai đứa nó cũng vô theo.
Hai đứa nó đứng xứ rớ dựa cánh cửa, thầy Lợi móc nón trên đầu nai, rồi ngó thằng Ðược và ngó tấm hình trên cửa buồng, dường như nhìn coi nó có giống người trong tấm hình ấy hay không. Thầy ấy ngồi vấn thuốc hút và suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: "Bây giờ tao không rảnh, mà chiều nay tao còn đi làm việc. Vậy thôi mầy đi chơi đi, để chiều chừng năm sáu giờ mầy lại đây rồi tao sẽ dắt dùm mầy đến nhà cha mẹ mầy“.
Thằng Ðược với thằng Bĩ xá thầy Lợi rồi bước ra. Thằng Ðược hân hoan đắc ý.
Ðúng năm giờ chiều, hai đứa nó trở lại đứng chực trước nhà. Cách nửa giờ thầy Lợi đi làm việc về chỉ thằng Bĩ mà hỏi thằng Ðược rằng:
- Mầy tên Ðược còn thằng nầy tên gì, nó đi theo mấy chi vậy?
Thằng Ðược thưa rằng:
- Bẩm thầy, thằng nầy tên Bĩ, nó là anh em bạn của tôi, mấy tháng nay hễ tôi đi đâu thì nó theo đó, chẳng hề rời nhau.
Thầy Lợi nghe nói chau mày rồi gật đầu nói ràng:
- Ừ, nó muốn theo mấy cũng được. Mà bây ăn cơm rồi chưa?
- Thưa ăn rồi.
- Ờ, thôi bây vô đây ngồi chơi, chờ tao một chút rồi sẽ đi.
Thầy Lợi ăn cơm rồi mới biểu đứa ở trong nhà chạy đi kêu một xe kiếng (20). Thầy mở cửa xe lên ngồi phía sau, rồi biểu hai đứa nó lên ngồi phía trước. Xe chạy một hồi rồi qua một cái cầu dốc cao lắm, thằng Ðược day qua hỏi thằng bĩ rằng: “Cầu nầy tên cầu gì mậy?”. Thằng Bĩ nói: “Cầu Khánh Hội”.
Xe chạy qua khỏi cầu, xuống hết dốc, quẹo qua phía tay trái, chạy một chút nữa rồi lại quanh qua phía tay mặt. Thằng Ðược ngồi ngó hai bên đường, hễ thấy cái nhà nào tốt thì trong bụng nó tưởng thầm là nhà của cha mẹ nó. Khỏi mấy cái nhà tốt rồi lần lần chỉ còn thấy nhà lá nhỏ nhỏ mà thôi.
Xe chạy tới mé kinh, thầy thông Lợi biểu người đánh xe ngừng lại, rồi mở cửa bước xuống. Hai đứa nó cũng xuống theo; thầy Lợi mới dắt chúng nó đi vô một cái đường nhỏ, cỏ rác dơ dáy, mà lại trời tối đen nên khó đi lắm.
Ði qua khỏi hai cái nhà lá nhỏ, rồi tới một miếng đất trống, thấy có một chiếc ghe hư đẩy lên để đó mà sửa lại. Trước mũi ghe có một cái ụ, ở ngoài mé kinh chạy vô tới đó thì cùng. Cách cái ụ ghe chừng vài chục thước thì có một cái nhà lá nhỏ, trong nhà đèn đốt leo lét, có trẻ nhỏ, hai ba đứa chạy ra chạy vô lăng xăng. Thằng Ðược đi tới chỗ chiếc ghe đó, nó dòm tứ phía không thấy có cái nhà nào tử tế, thì trong bụng nó nghĩ thầm, chắc là thầy nầy đi mướn ghe mà đưa mình về nhà cha mẹ, chớ không lẽ cha mẹ mình ở chỗ dơ dáy nghèo hèn như vậy. Bởi nó nghĩ như vậy nên khi đi tới cái nhà lá nhỏ có đốt đèn leo lét đó, thầy Lợi bước vô nhà thì nó đứng ngoài sân với thằng Bĩ chớ không chịu vô.
Thầy Lợi nói nhỏ nhỏ ít tiếng với mấy người trong nhà, hai đứa nó đứng ngoài nghe không được, rồi thầy bước ra ngoắt thằng Ðược mà biểu rằng: “Vô đây cháu”. Thằng Ðược xâm xâm đi vô, thằng Bĩ cũng xách hai cây đờn với gói áo quần cũng men đi theo sau. Bước vô nhà thấy có một người đàn ông, tuổi chừng bốn mươi, bộ vạm vỡ, không có râu, mà tóc lại hớt cụt, mặc quần lãnh đen lưng xanh buộc một sợi dây nịt da ngang qua bụng, choàng một cái áo bà ba vải trắng, cái ngực với bắp tay mặt lòi ra thì thấy có xâm hình xâm chữ rậm rì.
Trên cái võng giăng dựa vách thì có một người đàn bà, cũng chừng bốn mươi tuổi, mặc quần vải đen và áo túi trắng mà cũ, đương ngồi dỡ vú cho con nhỏ bú. Dựa cái võng ấy lại có bốn đứa nhỏ, đứa lớn hơn hết chừng năm tuổi, đứa ở trần, đứa ở truồng, đương đứng mà dòm khách lạ. Trong nhà chẳng có đồ đạc chi hết, chỉ thấy có một cái bàn cũ để đèn, để tô, để khay trầu với một bộ ván dầu mà thôi.
Thằng Ðược đứng bợ ngợ, ngó người nầy rồi ngó người kia, không nói chi hết. Thầy Lợi nắm tay kéo nó bước tới một bước, rồi nói với chủ nhà rằng: "Hai ông bà mất con mười mấy năm nay, cậy tôi kiếm dùm, nay tôi kiếm được rồi đó, vậy nhìn coi có phải hay không“. Người ấy ngó thằng Ðược rồi nói: "Phải, nó giống mấy đứa nhỏ của tôi quá. Thầy có lòng kiếm dùm, vậy xin để bữa nào rảnh tôi sẽ qua nhà mà đề ơn thầy“. Thầy Lợi cười rồi nói với thằng Ðược rằng: "Ðó cha mẹ cháu đó đa, còn mấy đứa nhỏ nầy là em của cháu. Thôi tìm được rồi, vậy tôi giao cho hai ông bà, tôi về kẻo khuya. Tôi kiếu nhé, cháu ở đó nghe hôn“.
Thầy Lợi lấy nón ra về, chủ nhà không đưa ra cửa. Thằng Ðược bấy lâu nay tưởng cha mẹ nó là người giàu có ruộng nhiều, nhà tốt, chẳng hề khi nào mà trong trí nó có tưởng tượng cha mẹ nó là người lam lụ đến thế bao giờ, nay nó thấy nhà xịch xạc, người nghèo hèn, song nó cũng chẳng có chút nào buồn trong lòng. Tuy vậy mà chẳng hiểu vì cớ nào bấy lâu nay nó thường ao ước gặp cha mẹ, đặng có thổ lộ những hồi cực khổ, những lúc buồn rầu, cho cha mẹ nghe, mà nay giáp mặt rồi sao nó lại ngại ngùng trong lòng, không nói chi được hết. Nó đứng bợ ngợ, tía nó ngồi trên ván vấn thuốc hút rồi hỏi rằng:
- Còn thằng đi theo với mầy đây là con ai?
- Nó là anh em bạn của con. Mấy tháng nay con kết làm anh em với nó, đặng dắt nhau đi đờn cho họ nghe mà kiếm cơm ăn.
Má nó nghe nói vậy mới hỏi:
- Chà! Bây biết đờn hay sao?
- Dạ thưa biết.
- Bây giờ mầy về ở đây nó cũng theo mà ở với mầy nữa sao?
- Dạ.
Tía nó hút thuốc phà khói ra nghi ngút rồi nói rằng: “Nhà chật quá, bây giờ có chỗ đâu cho hai đứa nó ngủ”. Má nó đáp rằng: “Không hại gì đâu. Hai đứa nó lấy manh chiếu đem trải trên chiếc ghe chun vô đó mà ngủ cũng được mà”. Chong đèn thủng thẳng lu mờ lần lần. Tía thằng Ðược nắm lắc rồi nói rằng: “Hồi chiều sao không biểu bầy trẻ mua dầu thêm, hết dầu rồi còn gì”. Má nó nói: “Tôi quên lửng mà khuya rồi, thôi sửa soạn mà ngủ đốt đèn chi nữa. Nầy con, con lại lấy manh chiếu rồi đem trải ngoài chiếc ghe đẩy lên bờ đó mà ngủ đỡ, ít bữa nữa mua thêm ván rồi sẽ ngủ trong nhà”.
Má nó vừa nói vừa chỉ chiếc chiếu để trên ván. Thằng Ðược bước lại ôm chiếc chiếu bước ra ngoài sân, thằng Bĩ cũng xách đồ đi theo. Hai đứa nó leo lên ghe trải chiếu vừa xong, ngó ngoái vô nhà thì đèn đã tắt rồi.
Thằng Ðược nằm nghiêng day mặt vô be ghe, thằng Bĩ để hai cây đờn với gói áo phía trên đầu rồi cũng nằm một bên đó.
Hai đứa nằm nín khe mà cũng không cục cựa, mỗi đứa đều suy nghĩ riêng.
Trời khuya lần lần, gió thổi lao rao, tứ bề im lìm, một lát nghe xa xa có tiếng chó sủa, hoặc nghe dưới kinh có tiếng ghe chèo sạt sạt, hoặc nghe trong nhà có tiếng con nít khóc. Gần nửa đêm thằng Ðược nằm nghiêng một bên mỏi vai, nên trở mình đụng nhằm thằng Bĩ. Thằng Bĩ cười nhỏ rồi lấy tay rờ mặt thằng Ðược mà hỏi rằng:
- Mầy không ngủ sao không nói chuyện chơi mây?
Thằng Ðược ngó vô nhà rồi hỏi nhỏ rằng:
- Mầy cũng còn thức hay sao?
- Tao nghĩ tao tức cười quá nên ngủ không được.
- Cười giống gì?
- Tao tức cười là vì mầy mơ ước gặp được tía má mầy. Nay gặp rồi, tao thấy vậy tao tức cười quá.
- Mầy nói đó là nói bậy đa. Thiệt thuở nay tao tưởng tía má tao giàu, bởi vì nếu nghèo mà sao hồi má nuôi tao xí được, tao bận đồ tốt dữ vậy, mà lại có đeo dây chuyền vàng tây nữa. Hôm trước về dưới Mỹ Lợi, má nuôi tao thuật lại chuyện tía má tao đương tìm tao, thì cũng còn nói tía má tao giàu lớn nữa. Tao nghe như vậy tao mừng, mà tao mừng không phải là tao trông giàu, đặng có của sẵn cho tao xài phá, tao mừng là vì nếu tía má tao giàu, tao mới có thể đền ơn má nuôi tao, mới có thể mà nuôi mầy với con Liên đặng cho mấy người thương tao bấy lâu nay hết cực khổ nữa chớ. Nay gặp tía má tao rồi, tuy tía má tao nghèo, không phải vì đó mà tao hết vui đâu. Tao càng mừng nhiều lắm chớ.
- Trong ý mầy tưởng cha mẹ giàu có mới nên nhìn, còn cha mẹ nghèo khổ thì bỏ hay sao?
- Không, tao có nói như vậy đâu.
- Chớ mầy tức cười giống gì?
- Ðể tao nói thiệt cho mầy nghe. Thiệt hổm nay tao cũng tưởng tía má mầy giàu lắm, nên tao tính hễ mầy gặp tía má mầy rồi thì tao đi, chớ không thèm theo mầy nữa, bởi vì phận tao côi cút nghèo nàn, chừng mầy giàu tao theo mầy nữa, thì nhọc lòng mầy chớ không ích gì. Nay tao thấy tía má mầy nghèo, tao nhớ lại thì sự mầy tưởng đã bậy mà tao tính cũng bậy, nên tao tức cười chớ phải tao ngạo mầy hay sao. Nè, Ðược, mà tao nghi hai người đó không phải là tía má mầy đâu.
- Ê! Ðừng có nói bậy, mấy thấy tía má tao nghèo mầy muốn xúi tao phụ tía má tao hay sao?
- Không phải, để tao nói cho mầy nghe. Tao nghi là vì tao coi mầy không giống hai người đó chút nào hết, mà mấy đứa nhỏ cũng không giống mầy nữa.
- Mầy nói bậy. Sao mầy biết không giống? Mình giống cha giống mẹ, giống anh giống em là giống máu thịt, giống gân cốt, giống tướng đi, tướng đứng, chớ phải là giống nội cái mặt đó mà đủ hay sao. Mà mầy mới thấy một lần làm sao mầy biết tao không giống được.
- Hồi hôm tao đứng trong nhà đó tao cố ý coi kỹ lắm. Thiệt mầy không giống chút nào hết, mà tao coi mầy lại giống người trong khuôn hình treo nhà thầy Lợi đó lắm.
- Hình nào đâu?
- Hình treo trên cửa buồng của thầy đó.
- Hình người bịt khăn đen đó phải hôn?
- Ờ.
- Mầy nói bậy..
- Mầy cứ nói tao bậy hoài; tao chắc rằng hai người ở trong nhà đây không phải là cha mẹ mầy, nếu mầy không tin tao thì để thủng thẳng rồi mầy coi.
- Sao mầy dám nói như vậy?
- Mầy nói má nuôi mầy xí được mầy hồi mới năm sáu tháng. Hồi đó mầy mặc áo tốt mà lại có đeo dây chuyền đó nữa, thì chắc mầy là con nhà giàu. Người nầy nghèo quá đâu có áo tốt mà cho mầy bận.
- Không biết chừng hồi trước tía má tao giàu rồi sau mới nghèo.
- Tao cũng cho mầy cãi sướt cái đó đi. Tía má mầy mất mầy đã mười bốn, mười lăm năm nay, sao thuở nay không đi kiếm để đến bây giờ mới kiếm mà nhìn. Mà chớ chi tía má mầy giàu có hoặc không có con, thì kiếm mầy cũng cho là phải, chớ người đó bộ nghèo quá mà con tới năm đứa, trai gái có đủ, không có áo quần cho nó bận, còn đi kiếm thêm mầy đem về nữa mà làm gì.
- Mầy nói nghe kỳ quá! Ai có con lại không thương, nói như mầy vậy hễ có con nhiều thì nó còn hay mất cũng không cần gì hay sao?
- À, mầy nói tại má mầy thương tiếc mầy nên mới tìm mầy phải hôn?
- Chớ sao.
- Ai cũng vậy, mất con đã mười bốn mười lăm năm nay, thương nhớ nó lắm nên tìm nó mà nhìn. Nếu gặp mặt con thì tự nhiên mừng rỡ, nhứt là bà mẹ ôm con mà khóc, chớ sao hồi hôm mầy bước vô nhà, tía má mầy bảng lảng bơ lơ, không mừng rỡ chút nào, không rờ tới mình mầy, mà cũng không hỏi thăm coi nhỏ lớn ai nuôi mầy, mầy ở chỗ nào, có cực khổ đau ốm gì hay không?
- Tại hồi hôm má tao mắc dỗ em ngủ, còn tía tao tánh lạt lẽo nên không mừng rỡ cho lắm chớ.
- Mầy còn cãi nữa chớ. Tức quá! Dẫu thế nào đi nữa cũng phải tỏ dấu mừng một chút chớ. Nè, mà thình lình thầy Lợi dắt mầy tới, thầy nói mầy là con, nếu tía má mầy không mừng thì phải nghi rồi hỏi mầy coi hồi người ta xí được mầy đó mầy bận áo gì, chớ sao không mừng mà cũng không nghi chút nào hết vậy. Tao sợ họ lập mưu kế hại mầy, chớ không phải là cha mẹ đâu. Mầy không tin tao để rồi mầy coi. Hai người đó coi bộ kỳ quá mà!
- Ðừng có nghi bậy không nên.
Thằng Ðược tuy ngoài miệng cãi với thằng Bĩ, song nó xét lời của thằng Bĩ có nhiều chỗ hữu lý, nên trong lòng cũng nghi nghi chút đỉnh. Nó nằm suy nghĩ hoài ngủ không được, một lát nó chắc là phải tía má nó, bởi vì, nếu không phải thì nhìn nó làm gì, rồi một lát nó lại nghi, bởi vì, nếu phải tía má nó thì có đâu mà lơ lảng quá vậy.
Tảng sáng, hai đứa nó thức dậy leo xuống đi vô nhà, thấy mấy đứa nhỏ chộn rộn, đứa đòi cơm, đứa đòi bánh. Tía thằng Ðược mặc quần vắn, áo lá, la hét om sòm một hồi, rồi lấy một cái nón nỉ đen rách đội mà đi. Má nó nấu cơm rồi dọn ăn, có vài khứa cá, mấy đứa nhỏ ép đũa vô gắp vài bận thì hết, thằng Ðược với thằng Bĩ thấy vậy nên ăn cơm lạt chớ không dám thò đũa vô. Ăn hết chén cơm rồi muốn xúc thêm mà dòm trong nồi thì trống trơn, nên phải gác đũa mà leo xuống.
Thằng Ðược với thằng Bĩ ngày nào ăn cơm cũng không no nên phải mua bánh thêm mà ăn; mà hễ mua bánh thì phải mua cho mấy đứa em nó ăn nữa, nên mỗi bữa tốn hết vài ba cắc bạc.
Ban ngày thằng Ðược lại phải phụ với má nó mà nấu cơm, rửa chén, coi em; còn thằng Bĩ thì thả đi chơi hoài không chịu làm việc chi hết.
Ban đêm thì hai đứa cứ ngủ trên chiếc ghe bể, thằng Bĩ cứ theo nói rằng thằng Ðược bị người ta gạt chớ không phải cha mẹ nó là hai người đó; hễ nói thì thằng Ðược rầy mà nó cũng theo nói hoài.
Qua đêm thứ ba, hai đứa nó đương ngủ thình lình nghe có tiếng người ta đi động đất thình thịch. Thằng Bĩ ngồi dậy dòm dưới đất, thì thấy có ba người vác đồ đi vô nhà, mà trong nhà tối thui, không có đèn mà cũng không nghe nói tiếng chi hết. Nó lúc lắc thằng Ðược thức dậy, rồi chỉ cho thằng Ðược coi.
Sáng ngày sau hai đứa vô nhà thì thấy dựa vách có một đống đồ, ngoài đậy lá chằm kín mít, không biết là đống gì.
Tối bữa sau lối mười một giờ thiên hạ ngủ im lìm, hai đứa nó lại thấy có một chiếc ghe tam bản ở ngoài kinh chống vô ụ, rồi hai người dưới ghe, dỡ cửa vô nhà, vác đồ đem xuống ghe, có tía thằng Ðược phụ vác với họ nữa, rồi ghe chống trở ra kinh mà đi, nghe nói nhỏ nhỏ nên không hiểu là chuyện gì.
Khuya thằng Bĩ kêu thằng Ðược thức dậy mà nói rằng, hổm nay nó đi chơi là có ý muốn dọ coi tía thằng Ðược làm nghề gì. Bữa nào nó cũng thấy khiêng vác hàng trên tàu đem xuống ghe, hoặc dưới ghe đem lên tàu. Nó chắc tía thằng Ðược ăn trộm hàng hóa đem về nhà mà dấu, rồi ban đêm lén kêu người ta mà bán. Nó biểu thằng Ðược phải trốn mà đi, chớ ở đây sợ e chẳng khỏi mang họa.
Thằng Ðược nghe nói giận đỏ mặt mới rầy nhỏ nhỏ rằng:
- Mấy có tài nói bậy bạ hoài. Sao mầy biết tía tao ăn trôm. Chuyện gì mình không biết chắc thì đừng có đề quyết như vậy.
- Tao dọ rồi mầy ơi? Tía mầy ăn trộm đồ dưới tàu mà bán cho khách trú.
- Mà dẫu tía tao có làm quấy như vậy nữa, tao là đạo làm con, mầy bảo tao bỏ tía tao mà đi hay sao?
- Có phải tía mầy đó sao?
- Nữa! Mầy cãi hoài.
- Tao nói mầy ở đây có ngày ở tù.
- Tao làm việc gì quấy mà ở tù?
- Ừ! Mầy cãi tao để rồi mầy coi.
Thằng được nghe nói ở tù, thì nhớ chuyện thầy nó bị ở tù dưới Trà Vinh, nói cực khổ không biết chừng nào, nên nó sợ quá, nằm lo hoài không ngủ.
Ðêm ấy cũng thấy vác đồ về nhà nữa, rồi đêm sau cũng thấy có ghe tam bản đến chở đồ ấy đi. Hai đứa có ý để coi hễ đêm nào có ghe đến chở đồ rồi, thì sáng bữa sau có hai người mặt mày dữ tợn đến nhà, rồi tía thằng Ðược lấy bạc mà đưa cho hai người đó, lại nói chuyện với nhau nho nhỏ một hồi rồi dắt nhau đi.
Thằng Ðược ở trót mười ngày, chẳng hề thấy cha mẹ tỏ ý gì thương yêu nó hết, mà bị đói bụng mãi mà thôi.
Chiều bữa nọ, mấy đứa em nó dắt nhau đi chơi hết, còn má nó đi ra phía đàng sau, nó mới lén dỡ lá chằm coi đống gì để dựa vách đó. Nó thấy có ba cái thùng lớn với hai gói giấy nhúng dầu, nó muốn coi thử coi cho biết vật gì ở trong, song sợ má vô, nên lật đật đậy lại không dám coi lâu.
Ðêm ấy lối mười giờ, nó với thằng Bĩ đương ngủ, bỗng nghe có tiếng người ta nói om sòm, lật đật ngóc đầu dòm coi thì thấy nhà trong đốt đèn sáng quắc, có hai ba người lính đứng bao chung quanh nhà, còn trong nhà lại thấy có hai ông Tây và hai người lính Việt Nam nữa. Hai đứa nó sợ quýnh nên nằm xuống ôm nhau giả như ngủ.
Cách một hồi nghe lính biểu: “Còng hết hai vợ chồng nó đi”, lại nghe tiếng đàn bà nới: “Bắt tới tôi nữa, rồi ai coi nhà cho tôi, sắp con tôi bỏ cho ai”, rồi có tiếng trả lời rằng: “Dắt hết mấy đứa con theo, còn nhà thì để đó có lính giữ”.
Hai đứa nó nghe như vậy thì sợ hết hồn hết vía, nên nằm nhắm riết mắt lại và nín hơi không dám thở.
Cách một hồi nghe kẻ vác đồ, người đi theo động đất thình thịch, lại nghe sắp nhỏ khóc om sòm, rồi vắng tanh không nghe chi nữa hết. Hai đứa nó mới lén ngóc đầu dòm vô nhà thì thấy có một tên lính nằm tại bộ ván giữa nhà mà day mặt vô buồng. Hai đứa nó không dám nói chuyện chi hết, mà cũng không dám cựa quậy.
Ðến bốn giờ khuya, thằng Bĩ ngồi dậy dòm vô nhà, nó thấy tên lính nằm ngủ khò khò, nó mới kéo thằng Ðược thức dậy rồi xách gói đồ với hai cây đờn sẽ lén leo xuống dắt nhau bỏ mà trốn.
Hai đứa nó qua khỏi miếng đất trống, rồi mới đi theo đường nhỏ mà ra lộ.
Ngoài lộ đã có người gánh rau, bưng gà, đem qua chợ Bến Thành mà bán.
Hai đứa nó đi theo họ, song trong bụng còn hồi hộp hoài, nên không nói chuyện chi hết.
Qua tới cầu Khánh Hội thì trời đã hừng sáng, thiên hạ kẻ qua người lại dập dìu. Thằng Ðược níu áo thằng Bĩ biểu ngồi trên lề cầu mà nghỉ. Thằng Bĩ nghe lời ngồi xuống, thằng Ðược mới nói rằng:
- Bây giờ mày dắt tao đi đâu?
- Ði trốn, chớ đi đâu.
- Cha mẹ tao đương bị hoạn nạn, tao không thể cứu giúp được thì cũng ở đó mà coi nhà mới phải, chớ lẽ nào bỏ mà đi cho đành.
- Tao đã nói không phải cha mẹ mầy đâu.
- Mầy cứ nói bậy bạ hoài.
- Thiệt chớ! Nè, mà nếu mình không trốn mà đi, thì chắc chẳng khỏi bị bắt nữa. Mình không biết việc chi hết, mà bị ở tù cũng ức lắm chớ, phải hôn?
Thằng Ðược ngồi gục mặt xuống đất, lặng thinh, bộ buồn bực lắm.
Cách một hồi, nó ngước lên mà nói rằng: “Mầy đi đâu thì đi đi, tao trở lại, chớ tao đi không đành. Nói rồi liền đứng dậy đi trở lộn lại. Thằng Bĩ xách đồ chạy theo, nắm tay thằng Ðược mà kéo xên không cho trở lại. Thằng Bĩ mạnh mẽ vạm vỡ, nên nó nắm thằng Ðược vùng không nổi, túng thế phải đi theo nó mà qua chợ Bến Thành.
Ði dọc đường thằng Ðược muốn lại nhà thầy Lợi mà thuật hết mọi việc nó đã thấy hồi hôm cho thầy ghe. Thằng Bĩ cản không cho đi lại nói rằng: “Mầy lại đó mầy bị a; cậu đó không phải thương gì mầy đâu. Thôi tao với mầy dắt nhau đi đờn ca mà kiếm ăn như năm ngoái vậy cho xong”. Thằng Ðược muốn trở về chợ Mỹ Lợi đặng tỏ hết mọi việc cho má nuôi nó nghe kẻo má nuôi nó trông. Thằng Bĩ cũng cản nữa, nói rằng trở về đó không ích gì, chi bằng dắt nhau đi Lục tỉnh trước cho biết xứ nầy xứ kia chơi, sau tìm con Liên luôn thể. Thằng Ðược nghe nói tới con Liên thì trong bụng nó khoan khoái nhưng mà hễ nhớ tới cha mẹ nó bị bắt thì nó buồn hết sức.
Hai đứa nó dắt nhau lại nhà giấy xe lửa nhỏ ngồi đờn chơi một chập; thầy xếp ga đứng nghe. Thằng Ðược làm quen rồi xin thầy một miếng giấy, lại mượn viết mực mà viết thơ kể hết các việc tìm cha mẹ thế nào và tại sao cha mẹ nó bị bắt cho Ba Thời nghe. Nó lại gạch thêm rằng nó đi Cần Thơ mà tìm con Liên và chừng nào nó làm có tiền nhiều rồi, sẽ trở về thăm nữa. Thơ viết rồi nó mới xin một cái bao phong lại và đề gởi cho Ba Thời ở làng Bình Thạnh Ðông. Hai đứa nó lên nhà thơ mua cò gắn mà gởi xong, rồi mới dắt nhau đi ăn cơm cho no, đặng có đi Lục tỉnh.
Thằng Ðược với thằng Bĩ ra khỏi Sài Gòn, thì trong lưng còn có bảy cắc bạc, nhưng mà chẳng đứa nào lo sợ hết tiền nhịn đói bao giờ, bởi vì hai đứa nó tuy không nói ra, song trong bụng ỷ thầm hễ có hai cây đờn thì chúng nó chẳng hề khi nào chết đói. Thằng Bĩ dòm coi ý thằng được không vui vẻ như khi trước, nên kiếm chuyện mà ghẹo chọc hoài, lúc thì nhắc con Liên rồi tính hễ gặp thì dắt luôn nó đi theo cho vui, lúc thì nhắc ông thầy tướng rồi cười thằng Ðược tin chi những người nói dối.
Hai đứa nó đi bộ từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, tới chỗ nào đông nhà thì đờn ca, kẻ cho ăn cơm người cho tiền, nhờ có như vậy nên xuống tới Mỹ Tho thì đã có được năm đồng bạc. Hai đứa nó mới đi tàu qua Cần Thơ, mà tàu vừa ra khỏi bến chúng nó đờn chơi một chập đã kiếm được vài đồng bạc gần đủ trả tiền tàu. Khi tàu chạy tới Nước Xoáy thằng Ðược mới chỉ chỗ nó ngồi đờn ca với con Liên và chỗ ghe bà Hội đồng đậu cho thằng Bĩ coi. Thằng Ðược thấy cảnh động tình mới tính đặt thêm một bài ca điệu hành vân, đặng tả cái lòng mình thương nhớ em nên đi tìm nó.
Tới Cần Thơ, hai đứa nó đi rảo khắp các nẻo đường hỏi thăm bà Hội đồng có một chiếc ghe bầu tốt, có một đứa con trai chừng chín mười tuổi, năm ngoái nó đau nên bà chở lên Sài Gòn cho nó uống thuốc. Ai nghe hỏi cũng cười, bởi vì ở Cần Thơ có nhiều bà Hội đồng mà bà nào cũng có con nên có biết chắc ai đâu mà chỉ. Hai đứa nó nghe nhà Hội đồng nào cũng đều tới hết thảy, mà tới nhà nào cũng không phải là nhà bà Hội đồng nuôi con Liên.
Ở tại chợ Cần Thơ tìm trót sáu bữa mà không ra mối. Thằng Ðược mới nói với thằng Bĩ rằng chắc bà nầy ở trong ruộng chớ không phải ở tại Châu Thành, nên mới dắt nhau vô trong làng mà kiếm. Chúng nó vô Cái Răng ở hai ba ngày mà kiếm không được, mới dắt nhau trở ra Cần Thơ rồi lên Bình Thủy.
Hai đứa lên tới Bình Thủy thì trời chạng vạng tối rồi. Chúng nó kiếm quán mua cơm ăn, rồi dắt nhau đi dài theo mé rạch hỏi thăm coi có bà Hội đồng nào hay không. Họ nói đi vô trong một chút có nhà bà Hội đồng Nhàn, hễ gặp cái nhà ngói nào lớn, chung quanh cọc rào sơn lì sắt, trước có cửa ngõ sắt và có cầu mát thì là nhà của bà.
Hai đứa nó đi chừng một trăm thước thiệt quả thấy có một tòa nhà ngói lớn ở hụp vô trong xa. Phía trước có sân lớn trồng quít, mận, sa-bô-chê và bông hoa kiểng vật dẫy đầy, phía sau vườn cau, chuối, dừa, rất thạnh mậu.
Dọc theo mé sông có rào sơn lì sắt, trước có cửa ngõ sắt sơn đỏ lòm, và ngoài sông lại có cất một cái nhà mát rất đẹp.
Hai đứa nó chắc nhà nầy là nhà bà Hội đồng họ chỉ đó, thấy trong nhà đèn đốt sáng trưng, song cửa ngõ đóng chặt, mà lại không thấy ai ra vô, nên không biết làm sao mà hỏi thăm cho được.
Thằng Ðược đi mút đầu hàng rào thì thấy có một cái ụ ghe, dòm vô trong xa thấy có một chiếc ghe đậu đó song bị trời tối mà lại bị cái vại (21) cất đặng che chiếc ghe làm cho tối thui, nên không thể nhìn chiếc ghe được. Hai đứa nó đắt nhau trở lại cái nhà mát ngồi nghỉ chơn, có ý trông coi trong nhà có ai đi ra, hoặc lối xóm có ai đi ngang qua đặng hỏi thăm. Ngồi đợi một hồi lâu, thằng Bĩ buồn trí mới bứt một lá cây mà thổi kèn theo điệu hành vân. Thằng Ðược hứng chí, nên ca hòa theo cái bài nó mới đặt dưới tàu, tả về sự nó thương nhớ, nên đi tìm con Kim Liên.
Bài ca ấy như vầy:
CA ÐIỆU HÀNH VÂN
Tủi phận mình,là tủi phận mình
Ðất khách linh đinh
Từ khi cách mặt.
Anh Bắc em Nam
Tuy không một bọc,
Mà thương nhau như ruột.
Vì gian truân,
Hẩm hút bấy lâu.
Chuyên một nghề
Ðờn ca với nhau.
Nay em cách biệt,
Chẳng biết phương nào.
Gan ruột như bào,
Vái cùng trời tìm nhau gặp nhau
Mấy năm kết bạn
Thảm đạm trăm bề
Quyết học tài nghề,
Chạnh nỗi thầy vội vã về âm cung.
Nhũng lần hồi, tìm kiếm em ta
Trời xin chứng, chứng sao khiến xui gặp nhau.
Thằng Ðược ca dứt bài rồi liền nằm dài trên cái băng day mặt ra ngoài sông, miệng thì hút gió, còn tay thì nhịp trên băng. Thằng Bĩ lấy cây đờn cò sửa ngựa, vừa muốn lên dây, bỗng nghe có tiếng kêu: “Anh Ðược! Phải anh đó hay không, anh Ðược?”. Thằng Ðược lồm cồm ngồi dậy, dòm vô cửa ngõ sắt thì thấy có một đứa nhỏ đứng khuất hết cái mình, duy thấy nội cái đầu mà thôi, mà lại bị trời tối nên không biết con trai hay con gái. Thằng Ðược hỏi: “Ai kêu tôi đó? Em Liên đó phải hay không em?”. Nó nghe trả lời: “Phải, em đây. Sao anh biết em ở đây mà đến?”.
Thằng Ðược mừng quýnh lật đật chạy lại cửa ngõ vừa cười vừa nói: ”Cha chả! Hổm rày qua đi kiếm em dữ quá. Làm sao mở cửa cho qua vô với. Có bà Hội đồng nhà hay không? Thằng con bả mạnh chưa? Mở cửa đi, mở cửa qua vô rồi qua nói chuyện hết cho em nghe”.
Con Liên ngó ra cầu mát thấy thằng Bĩ ngồi đó liền hỏi:
- Ai đi với anh đó vậy?
- Thằng Bĩ đa.
- Thằng Bĩ nào?
- Anh em bạn của qua.
- Còn thầy đâu?
- Thầy chết rồi.
- Trời đất ôi! Chết ở đâu? Chết hồi nào?
- Năm ngoái qua phân rẽ với em mà đi với thầy, đi được ít ngày rồi kế thầy chết. Mở cửa đi em, mở cửa cho qua vô.
- Thầy đau bịnh gì mà chết vậy?
- Ừ! Thầy bị bịnh. Mở cửa đi em.
- Tôi không có chìa khóa. Anh đứng đây để tôi vô thưa cho cô hay rồi cô biểu bầy trẻ ra mở cửa.
- Cô nào?
- Bà Hội đồng đó.
- Sao em kêu bằng cô?
- Ừ, bà biểu em kêu bằng cô.
- Thôi, em đi đi. Qua đứng đây qua đợi.
Thằng Ðược thấy con Liên đi rồi nó mới trở ra cầu mát kêu thằng Bĩ mà nói rằng:
- Bĩ, gặp rồi mầy ơi, may quá.
- Con Liên đó phải hôn?
- Ừ, nó đó đa. Mầy thấy nó hôn? Ðể rồi nó ca cho mầy nghe, ca hay lắm, mà lại nhỏ nhoi dễ thương nữa.
- Nó đi đâu rồi?
- Nó vô lấy chìa khóa đặng mở cửa cho mình vô.
Hai đứa nói mấy lời rồi đứng chong mắt ngó vô nhà mà trông con Liên. Thằng Ðược khoan khoái trong lòng đứng ngồi không yên, nên đi tới đi lui một hồi rồi lại đứng ngay cửa ngõ mà dòm.
Một lát nó thấy con Liên trong nhà bước ra sân, song không đi thẳng ra cửa ngõ, lại đi xéo xéo lại góc rào rồi kêu nó. Nó tưởng là con Liên mở cái cửa nào chỗ đó nên biểu thằng Bĩ lấy đồ đạc rồi ôm chạy lại đó. Hai đứa nó vừa đi tới thì thấy con Liên ở trong rào ló đầu lên kêu nhỏ nhỏ mà nói rằng; “Anh Ðược, cô biểu tôi ra nói với anh lập tức đi ra ngoài đầu cầu đúc ngồi mà chờ. Một lát sẽ có một cái xe hai bánh ra rước anh, cô dặn anh phải nghe theo lời người ra rước anh đó, họ biểu đi đâu anh cứ nghe theo lời họ chớ đừng có cãi, bởi vì bây giờ anh vô nhà không được. Thôi, đi đi cho mau. Anh biết cầu đúc hay không? Cái cầu lớn bắc ngang qua sông nầy đặng đi xuống Cần Thơ đó là cầu đúc đa”.
Con Liên nói mấy lời rồi trở vô nhà. Thằng Ðược không hiểu vì cớ nào nhà bà Hội đồng không cho vô mà lại biểu ra cầu đúc rồi sẽ có xe rước. Xe rước đi đâu? Rước chi vậy? Bả không muốn cho mình gặp con Liên hay sao? Thằng Ðược dắt thằng Bĩ trở ra cầu đúc, vừa đi và hỏi thầm mấy câu ấy hoài, mà trong lúc ngồi chờ cũng hỏi thầm như vậy nữa.
Thằng Bĩ thấy thằng Ðược suy nghĩ quá như vậy thì tức cười rồi vùng nói rằng: “Coi bộ mầy lo giống gì dữ vậy mấy? Bây giờ mình biết chỗ con Liên rồi, nếu đêm nay mình không gặp nó được, thì sáng mai mình gặp, có việc gì mà phải lo. Thằng Ðược không trả lời cứ ngồi ngó lộn vô phía nhà bà Hội đồng hoài.
Cách chừng mười lăm phút đồng hồ thấy có một cái xe hai bánh ở trong ấy chạy ra. Hai đứa nó đứng dậy, có ý dòm coi có phải là con Liên hay là bà Hội đồng chăng. Xe chạy tới ngừng lại thì thấy trên xe có một người đàn bà choàng hầu khăn trắng, thằng Ðược tưởng là bà Hội đồng nên xăm xăm đi lại. Người ấy hỏi: “Em phải tên Ðược hay không? Thằng Ðược thưa phải. Người ấy liền biểu lên xe đặng đi xuống Cần Thơ. Thằng Ðược không hiểu vì cớ nào không cho nó vô nhà mà lại đưa nó trở xuống Cần Thơ, bởi vậy cho nên nó đứng dụ dự rồi hỏi rằng:
- Xuống Cần Thơ làm gì? Tôi đến đây là có ý muốn kiếm con Liên đặng thăm nó chớ...
- Ậy! Em đừng có cãi. Bà Hội đồng dạy qua đưa em xuống nhà hàng dưới Cần Thơ mà nghỉ, rồi sáng mai bà dắt con Liên xuống thăm em, chớ bây giờ cho em vô nhà không được. Em đừng có ngại gì hết. Không có hại gì đâu. Lên đi kẻo khuya rồi xuống nhà hàng kêu cửa khó lắm.
Thằng Ðược kêu thằng Bĩ đem đồ đạc để trên xe, rồi hai đứa leo lên ngồi dựa bên người đàn bà ấy. Tên đánh xe ngồi dưới thùng xe giựt cương quất ngựa chạy như giông.
Ðường tuy quanh quẹo, song ban đêm không có ai đi, nên xe chạy vùn vụt, gió thổi lạnh lạnh.
Gần chín giờ xe xuống mới tới Cần Thơ, chạy vòng lại đậu trước nhà hàng lớn. Người đàn bà ấy leo xuống, rồi đi thẳng vô nhà hàng. Thằng Ðược ngó vô nhà hàng thì thấy đèn khí sáng trưng, có một người mặc đồ tây đương đứng tại cửa mà dòm ra ngoài đường. Người đàn bà ấy vô nhà hàng nói chuyện với người mặc đồ tây đó một hồi, không biết nói chuyện gì, mà người ấy chạy ra nắm tay hai đứa nó dắt vô, bộ niềm nở hết sức.
Người đàn bà ấy nói với chúng rằng: “Thầy nầy là chủ nhà hàng. Bà Hội đồng dạy qua đưa hai em xuống đây mà nghỉ. Hai em muốn ăn vật chi cũng được hết thảy, song bà căn dặn hai em phải ở đây chớ đừng có đi đâu. Hễ bồi dọn phòng rồi hai em lên mà nghỉ”.
Nói dứt lời rồi day lại dặn chủ nhà hàng rằng: “Bà Hội đồng biểu tôi nói với thầy phải hết lòng dùm cho bà. Hai em muốn ăn uống, muốn mua vật chi thầy cũng phải làm cho vui lòng nó, tốn hao bao nhiêu bà Hội đồng trả cho, không sao đâu mà ngại. Thầy nhớ nghe hôn, đừng có cho đi đâu đa”. Người đàn bà ấy nói rồi liền biểu bồi ra xe xách đồ của hai đứa nó đem vô rồi mới từ giã lên xe mà đi.
Chủ nhà hàng dắt hai đứa nó lên lầu, đem vô một cái phòng rộng lớn, có giường sắt, nệm ruột gà, mùng lưới trải ra (22) trắng lốp, có bàn mặt đá, có bàn rửa mặt, có tủ kiếng, có ghế tô-nê (23), mà lại có một bộ ván gõ láng bóng. Thằng bồi đương quạt mùng sửa đệm, thấy chủ nhà hàng với hai đứa nó bước vô thì làm riết, rồi chạy xuống xách đồ đạc đem lên phòng, lại thưa với ông chủ nhà hàng rằng có khách mời ông xuống nói chuyện. Ông chủ nhà hàng liền biểu hai đứa nó ở đó mà nghỉ, nếu muốn cần dùng vật chi, thì cứ kêu bồi mà dạy nó làm cho. Chủ nhà hàng đi xuống rồi thằng bồi cũng bước ra khép cửa phòng lại.
Thằng Ðược với thằng Bĩ đi lại đứng tại cửa sổ mà ngó ra thấy sông rộng minh mông, có một chiếc ghe lớn chèo ngang, mà xa xa lại có một chiếc tàu đốt một bên thì đèn đỏ, một bên thì đèn xanh, kéo theo sau một đoàn ghe, chiếc nào cũng có đốt một cây đèn nên xem đẹp lắm. Gió thổi hiu hiu mát mẻ, thằng Ðược đứng ngó một hồi rồi day lại vỗ vai thằng Bĩ mà hỏi rằng:
- Cái gì mà kỳ cục vậy mậy?
- Cái gì ở đâu?
- Tại sao bà Hội đồng đưa mình xuống đây mà lại dặn chủ nhà hàng phải ân cần săn sóc mình như vậy?
- Mầy quen với bả mà mầy không biết thì tao làm sao mà biết được.
- Tao sợ bả muốn giựt con Liên nên bày mưu kế chi đây.
- Bả làm sao mà giựt được. Tao không lo: nếu bả giựt nó thì mình đến quan mà thưa chớ.
- Có phải nó là em ruột mình đâu mà mình thưa được.
Hai đứa đang nói chuyện, thình lình thằng bồi mở cửa xách vô một bình nước trà để vô trong giỏ rồi hỏi rằng: “Sao hai cậu không lên giường nằm mà nghỉ?” Thằng Ðược ngó lại cái giường thì thấy mùng nệm trắng rồi ngó lại áo quần thì thấy dơ dáy lắm nên trong lòng lấy làm ái ngại, song cũng gượng mà đáp rằng: “Ðể đứng đây chơi một chút”. Thằng bồi lại hỏì: “Hai cậu muốn ăn uống vật chi hay không? Ông chủ tôi dặn hễ hai cậu muốn dùng vật chi tôi cũng phải lấy hết thảy, vậy hai cậu muốn ăn uống vật chi thì nói không có sao đâu mà ngại”. Thằng Ðược nghe nói thì ngó thằng Bĩ và đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi biểu: “Nếu có vậy, thôi anh cho hai ly nước đá uống chơi”. Thằng bồi cười chúm chím mà nói rằng: “Nước đá lạnh ngắt ngon lành gì mà uống. Hai cậu muốn uống sữa nước hay không? Nếu hai cậu chịu thì tôi làm hai ly sữa nước rồi tôi bỏ nước đá vô uống mới khỏe”. Thằng Ðược gật đầu lia lịa và nói rằng: “Ðược, được, nếu có sữa uống thì tốt lắm”.
Thằng bồi bước ra, thằng Ðược mới lại giường, song ngồi ghé dựa thành giường chớ không dám nằm, thằng Bĩ thì lại bàn rót nước trà mà uống. Thằng Bồi bưng hai ly sữa lên để giữa bàn, hai đứa nó ngồi hai bên mà uống coi bộ đắc ý lắm. Uống hết sữa rồi mà hai cục nước đá chưa tan, hai đứa nó mới hả miệng trút vô họng mà ngậm chơi, chừng nước đá tan hết rồi mới vô mùng nằm mà ngủ.
Sáng bữa sau thằng Bĩ thức dậy trước, lén dở mùng leo xuống rồi mở cửa phòng bước ra ngoài, tính đi kiếm nước súc miệng rửa mặt. Thằng bồi đứng quét ở ngoài dòm thấy lật đật chạy lại hỏi:
- Cậu muốn đi đâu?
- Ði kiếm nước súc miệng.
- Có nước tôi múc sẵn trong bầu đó; cậu vô đây tôi rót ra bồn cho cậu rửa.
Thằng bồi dắt thằng Bĩ trở vô rồi rót nước biểu nó rửa mặt, lại lấy khăn lông trắng tươi đưa cho nó lau. Nó lại chỉ cái thùng cho mà tiểu tiện nữa. Thằng Bĩ thấy được sung sướng quá như vậy thì trong lòng nó khoái lạc không biết chừng nào. Thằng Ðược nghe lộn xộn cũng thức dậy. Thằng Bĩ làm tài khôn chỉ chỗ cho thằng Ðược tiểu tiện và súc miệng rửa mặt, rồi hai đứa nó lại đứng dựa cửa sổ mà ngó ra ngoài sông nữa.
Cách một hồi thằng bồi bưng lên một mâm cà phê sữa với bánh mì. Hai đứa nó ngồi ăn mà lại ước phải có bánh cam ăn mới khoái hơn nữa. Thằng bồi tức cười, song cũng chạy đi mua bốn cái bánh cam về cho hai đứa nó ăn.
Lối chín giờ, hai đứa nó muốn dắt nhau ra chợ chơi. Ông chủ nhà hàng không muốn cho đi, song ông không cản ngay, ông kiếm nhiều lời êm ái ông nói, nên hai đứa trở lên phòng mà không phàn nàn chi hết.
Gần mười một giờ, chủ nhà hàng vào phòng kêu bồi biểu dọn cơm trong phòng cho hai đứa nó ăn. Thằng bồi lật đật trải náp (24) đặt bàn, lại có đem lên hai cái ly với một ve rượu chát đỏ nữa. Thằng Ðược dòm thấy bèn hỏi thằng bồi rằng:
- Anh dọn cơm Tây cho hai đứa tôi ăn hay sao anh?
- Dạ.
- Thuở nay tôi chưa ăn cơm Tây lần nào hết.
Thằng Bĩ xen vô mà nói:
- Ăn cơm Tây cũng như ăn cơm ta vậy, song không có đũa chén chớ có lạ gì.
Thằng Ðược cười mà đáp rằng:
- Mầy làm hơi người thạo hoài! Nếu không có chén đũa thì người ta có muỗng nĩa. Mà ăn thì ăn bánh mì chớ không có cơm, phải vậy hay không anh bồi?
Thằng bồi dạ một tiếng, rồi đi bưng đồ ăn. Hai đứa nó ngồi ăn, song để khăn một bên chớ không tháo ra mà dùng. Thằng bồi thấy vậy mới tháo khăn đưa biểu choàng ngang ngực kẻo rớt đồ ăn dơ áo quần. Thằng Bĩ không chịu lại nói rằng: “Thây kệ, áo quần của tôi sạch sẽ gì mà sợ dơ nữa."
Hai đứa ăn vừa rồi kế nghe ngoài cửa có tiếng giầy đi rầm rầm, rồi lại nghe tiếng ông chủ nhà hàng nói: “Thưa cô phòng số ba đó đa”. Thằng Ðược không biết có chuyện chi, lật đật chạy lại mở cửa mà coi. Nó vừa đưa tay ra thì cái cửa phòng mở bét ra, bà Hội đồng bước vô với con Liên và thằng con bà. Bà Hội đồng thấy thằng Ðược liền ôm đầu nó hun hai ba cái rồi hỏi rằng: “Mấy tháng nay con đi đâu hử con?”. Thằng Ðược gặp bà Hội đồng với con Liên thì nó cũng mừng quýnh; nó thấy con Liên mặc áo hàng bông phấn mới, quần lụa trắng cũng mới; chơn đi giầy thêu cườm, cổ đeo dây chuyền, tai đeo hai đôi bông vàng, đầu lại cài lược có thắt hàng màu bông hường, vai thì choàng một cái khăn thêu trắng tinh, còn thằng con bà Hội đồng thì mặc đồ tây bộ tướng mạnh mẽ, chớ không phải nằm chúng chứng như hồi gặp dưới ghe nữa. Nó mới hỏi bà Hội đồng:
- Thưa bà, thằng em đây bây giờ thiệt hết đau rồi, bà há?
- Ừ nhờ cô đem nó lên Sài Gòn uống thuốc gần một tháng nên nó mới mạnh đó đa, xưa rày con đi đâu? Á! Hồi hôm con Liên nó nói ông thầy của con đã chết rồi, vậy chớ ổng chết hồi nào, ổng đau bịnh chi mà chết vậy con?
Thằng Ðược kéo ghế mà ngồi; bà Hội đồng cũng nhắc ghế ngồi dựa bên nó, còn con bà với con Liên thì leo lên giường sắt mà ngồi. Thằng Bĩ lại đứng dựa cửa sổ mà ngó bà Hội đồng rồi ngó con Liên, không nói chi hết, cứ chúm chím cười hoài. Thằng Ðược ngồi thuật hết đầu đuôi mọi việc lại cho bà nghe. Nó nói đến lúc thầy trò mắc mưa, rồi thầy ngồi tại nhà giấy xe lửa Phú Lâm mà chết lạnh, còn nó thì nóng mê man họ chở vô nhà thương mà nó không hay, thì con Liên khóc muồi, còn bà Hội đồng cũng lấy khăn lau nước mắt.
Chừng nó thuật tới lúc nó ra Sài Gòn kiếm bà Hội đồng mà kiếm không được, ban ngày thơ thẩn ngoài đường, ban đêm vô vườn Bồ Rô mà ngủ thì bà Hội đồng động lòng lắm, nên đưa tay ra vuốt đầu nó mà miệng thì nói thỏ nhỏ rằng: “Tội nghiệp thân con tôi quá!”. Chừng nó nói tới hồi gặp thằng Bĩ rồi hai đứa kết làm anh em dắt nhau đi đờn ca mà kiếm ăn, thì bà Hội đồng với con Liên day qua ngó thằng Bĩ rồi bà nói rằng:
- Thằng em đây là thằng Bĩ đó sao?
- Dạ thưa phải.
- Lại đây ngồi chơi em, lại đây, có ghế đây nè.
Thằng Bĩ bợ ngợ không chịu ngồi, song bà Hội đồng ép quá, nên cực chẳng đã phải ngồi một bên thằng Ðược mà nghe nói chuyện. Thằng Ðược mới thuật tiếp lúc nó về chợ Mỹ Lợi mà thăm Ba Thời lại có mua một con heo dắt về mà cho thì bà Hội đồng ngồi cười ngất.
Thằng Ðược lại va-li, lấy cái khăn bông hường của nó mua tại chợ Cần Giuộc mà cho con Liên. Con Liên cười rồi lấy đội thử. Bà Hội đồng mới hỏi:
- Con về nhà có gặp người cha nuôi con hay không?
- Thưa, không.
- Ði đâu mà không gặp?
- Thưa, má tôi nói đi làm ruộng đâu dưới nầy, lại có đưa một bức thơ của cha tôi gởi về cho tôi coi, theo trong thơ đó thì cha tôi làm ruộng miệt trong kinh Xà No.
- Cha nuôi con tên gì?
- Thưa, tên Hữu......
- Con có biết làm ruộng của ai hay không?
- Thưa không.
Bà Hội đồng từ hồi mới vô phòng thì ngồi ngó thằng Ðược kỹ lưỡng lắm, mà chừng nghe nói chuyện tới đó thì bà lại suy nghĩ một hồi rồi mới biểu nói tiếp. Thằng Ðược mới thuật tới chuyện nó đi tìm cha mẹ. Bà Hội đồng nghe nói tên thầy Lợi thì chưng hửng, song bà không nói chi hết cứ để cho thằng Ðược nói cho bà nghe. Bà nghe nói thầy Lợi dắt qua Khánh Hội mà giao cho một người nghèo nàn mà lại bất lương thì bà buồn hết sức, mà mặt bà lại có sắc giận nữa.
Chừng thằng Ðược nói dứt rồi, bà mới kêu thằng Hai là đứa ở trong nhà đi theo xách đồ cho bà, dạy xuống xe xách quả trầu và ôm gói đồ lên cho bà. Bà mở gói ra lấy một cái áo lụa trắng, một cái quần lụa trắng với một đôi giầy hàm ếch mà đưa cho thằng Ðược, rồi biểu thằng Hai dắt nó đi tắm rửa cho sạch sẽ đặng thay đồ mới mà mặc. Thằng Ðược ra khỏi phòng rồi bà nói với thằng Bĩ rằng: “Cô không dè nó đi với cháu, vậy để cô về cô biểu bầy trẻ may thêm áo quần rồi cô sẽ đem ra cho cháu”.
Thằng Ðược tắm gội, thay đồ mới và mang giầy trở lên phòng, mặt mày tươi rói bộ đắc ý lắm. Bà Hội đồng ngồi ngắm nó, rồi kéo tay nó lại gần mà hun hai bên gò má và chỉ thằng con bà mà nói rằng: “Thằng Phong là em con đây, nó nhắc nhở con hoài. Nay gặp con thiệt cô mừng quá”. Bà Hội đồng biểu thằng Hai đi kêu thợ may lại, bà đặt cho thằng Ðược với thằng Bĩ mỗi đứa một cái áo u-hoe (25), một cái áo sơ-mi, một cái quần tây và một đôi giầy đen. Con Liên theo rờ rẫm thằng Ðược hoài rồi mới rủ nhau đờn ca chơi cho vui. Thằng Ðược đờn kìm, thằng Bĩ đờn cò, con Liên thì ca, còn thằng Phong thì cà rà dựa bên đó, cả nhà hàng từ chủ đến bồi thảy đều chạy lên đứng ngoài cửa mà nghe. Bà Hội đồng nằm trên giường cứ ngó thằng Ðược mà cười hoài.
Ðến xế bà sai thằng Hai ra chợ nấu hai dĩa mì cua và mua cho ba cắc bánh bao đem lên phòng dọn cho sắp nhỏ ăn chơi. Ăn uống xong rồi bà sửa soạn đi về, bà mới nói với thằng Ðược rằng: “Nầy con, thôi con với thằng Bĩ ở đây để cho cô về, cô để thằng Hai nó ở lại đây với con, đặng con có cần dùng việc chi con sai nó cho dễ. Con muốn ăn uống hay là muốn mua vật chi thì con biểu nó nói với ông chủ nhà hàng ổng mua cho. Ban ngày nó coi tắm rửa săn sóc con, còn ban đêm nó trải chiếu dựa cửa đây nó ngủ đặng con cần dùng vật chi con kêu nó cho dễ. Cô muốn đem con về nhà cô mà ở cho dễ, nhưng mà lúc nầy chưa tiện. Vậy có lẽ chừng năm ba bữa nữa cô rước con về mới được. Tuy vậy mà vài bữa rồi cô sẽ ra thăm con. Cô xin con một điều nầy là đừng có đi chơi đâu hết, cứ ở đây mà thôi. Chừng nào cô sai người ra rước con thì con sẽ đi”. Bà Hội đồng nói rồi bèn dắt con Liên với thằng Phong xuống lầu, đứng nói chuyện với ông chủ nhà hàng một lát rồi lên xe đi về. Thằng Ðược ngã lăn trên giường nằm ca hát om sòm, bộ vui vẻ lăm, thằng Bĩ thấy vậy bèn nói rằng:
- Sao mầy vui dữ vậy mậy?
- Tao gặp được con Liên tao mừng quá. Mầy thấy chưa? Tao đã nói bà Hội đồng tử tế lắm mà.
- Bả tử tế thiệt, mà bả nhốt mình ở đây tù túng khó chịu quá.
- Ối! Ði đâu làm chi nữa mậy! Mình ăn ngủ sung sướng như vầy dầu ở đây tới già tao cũng chịu.
- Tánh mầy sao ưa sung sướng quá. Nếu sung sướng hoài như vầy thì có biết việc đời ra thế nào đâu.
- Phải, mầy nói lời đó tao phục lắm. Mà bà Hội đồng bả dặn như vậy, thôi mình cũng ráng chờ coi bả liệu với mình làm sao đây rồi mình sẽ đi. Nè mầy, mà coi con Liên bây giờ nó sung sướng quá, tao sợ nó không chịu đi với mình đâu.
Bà Hội đồng đã nuôi con Liên mà lại còn để lòng thương thằng Ðược nữa, đó là một ngươi giàu có ở tại Bình Thủy. Chồng bà thuở trước tên là Phan Thanh Nhàn. Vợ chồng hồi mới kết nghĩa châu trần thì cha mẹ hai bên vừa đủ ăn đủ làm mà thôi, chớ không dư dả. Vợ chồng ra riêng rồi thì hiệp sức nhau mà sáng nghiệp, chồng lo khẩn đất làm ruộng, vợ lo cần kiệm trong nhà, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, lo tảo lo tần; người đã có công mà đời lại thêm giúp vận, nên trong mười năm thì Phan Thanh Nhàn đã trở nên một nhà giàu lớn, ruộng kể đến tám trăm mẫu, lúa ruộng mỗi năm góp hơn hai chục ngàn thùng.
Vợ chồng ở với nhau không con, bà thấy chồng hễ nói đến chuyện tương lai thì thường có sắc buồn, nên bà tính đi cưới cho chồng một người vợ bé, hoặc may kiếm được chút con để nối nghiệp về sau. Dịp cũng may lúc ấy trong làng có cô Tô Thị Sảnh là con nhà nghèo mà dung nhan tuấn tú chồng đi nói rồi mà chưa kịp cưới kế chồng nhuốm bịnh mà phải ly trần.
Cô ta tuy chưa có chồng mà cũng đã mang tiếng chồng chết, nên không ai thèm đi nói nữa. Bà Phan Thanh Nhàn thấy cô dung mạo mỹ miều ăn nói lại lanh lợi, nhắm nhía thiệt phải người giúp đỡ việc nhà, nên bàn tính với chồng rồi cậy mai đến nói cô đặng cưới về làm bé.
Phan Thanh Nhàn cưới Tô Thị Sảnh về thì vợ lớn vợ nhỏ ở với nhau trên thuận dưới hòa, chẳng có một chút chi xích mích. Cách vài năm Tô Thị Sảnh có thai sanh một đứa con trai, vợ chồng Thanh Nhàn mừng rỡ hết sức, đặt tên nó là Phan Thanh Hà. Vợ Thanh Nhàn tưng tiu săn sóc đứa nhỏ như con ruột mà lại cưng Thị Sảnh không cho làm việc chi hết. Thị Sảnh thấy vậy mới tự kiêu, mà lại ỷ thế có con nên đỏng đảnh làm nhiều cách, nói nhiều lời, làm cho vợ lớn dằn không được phải sanh rầy rà trong nhà. Thanh Nhàn muốn cho gia đạo bình an, mới cất thêm một cái nhà ngói nhỏ ở gần ngoài đầu cầu đúc, rồi để vợ bé ở riêng với con cho khỏi điều xích mích. Vợ nhỏ vừa ra riêng thì ông đắc cử địa hạt, đứng hồi mà vợ lớn có thai nữa. Thanh Nhàn chẳng xiết nỗi mừng, mà nhứt là bà vợ lấy làm đắc ý lắm, mà bà càng đắc ý chừng nào lại càng lo lắng chừng nấy nên rước thầy hay mà uống thuốc dưỡng thai luôn luôn. Ðến kỳ khai hoa bà cũng sanh được một đứa con trai, đặt tên là Phan Thanh Nhã. Từ ngày Thanh Nhàn cho vợ bé ở riêng rồi thì đã bớt yêu, mà chừng vợ lớn sanh một đứa con thì tình Thanh Nhàn đối với vợ bé lại càng lợt lạt hơn nữa. Tuy vợ lớn cũng giữ một mực nghiêm chánh mà ở với vợ bé, chớ không phải mình có con trai rồi khinh bạc, song Thị Sảnh ý không được vui, nên trước mặt không dám nói tiếng chi vô lễ, chớ sau lưng thường có lời trách móc hoài. Vợ lớn cũng rõ tánh vợ nhỏ chẳng phục mình, nhưng mà vì sợ cực lòng chồng nên khi nào có nghe ai học điều chi thì cũng cứ khuất lấp bỏ qua không hề để ý đến.
Bà thương con lắm, nên áo quần mền cũ cũng không chịu mướn ai may hết. Bà lại đặt cho thợ bạc làm một sợi dây chuyền vàng nhỏ nhỏ để cho con đeo chơi. Thằng nhỏ được ba tháng mà không sổ sữa, bà bèn rước thầy thuốc xem mạch hốt thuốc uống đặng mát sữa cho con bú. Thầy thuốc nói bà sữa nóng không nên cho con bú và khuyên bà phải kiếm mướn một ngươi vú. Bà cũng nghe lời lật đật mướn vú cho con bú.
Khi thằng nhỏ được gần sáu tháng, Thanh Nhàn rủi lâm bịnh ho, nên vợ chồng dắt nhau lên Sài Gòn chơi cho thong thả và luôn dịp kiếm thầy thuốc tây hay đặng vợ chồng uống thuốc tiếp dưỡng thân thể. Thanh Nhàn có một người em tên Phan Ðức Lợi, hồi nhỏ có đi học chữ Tây lên tới lớp nhứt trường tỉnh Cần Thơ rồi thì qua Mỹ Tho học được hơn một năm, kế bị đuổi. Người em trở về nhà ít tháng rồi đi theo chúng bạn lên Sài Gòn xin giúp việc cho trạng sư. Vợ chồng Thanh Nhàn hễ đi Sài Gòn thì ở nhà người em, mà cách mấy tháng trước Thị Sảnh lên cũng ở tại đó.
Phan Ðức Lợi thấy vợ chồng Thanh Nhàn lên thì mừng rỡ hết sức, nhứt là thấy đứa con nhỏ là Thanh Nhã thì bồng ẩm hun hít coi bộ tưng tiu lắm. Ðức Lợi dọn thêm một cái giường nữa ở trong buồng đặng cho anh với chị dâu nghỉ, còn con vú với thằng nhỏ thì giăng mùng nằm tại bộ ván ngoài. Vợ chồng Thanh Nhàn ở chơi được một đêm một ngày. Qua đêm thứ nhì trong nhà thức nói chuyện chơi tới mười một giờ rồi tắt đèn đi ngủ. Ðức Lợi bổn thân coi đóng cửa. Ðến hai giờ khuya vợ chồng Hội đồng đương ngủ thình lình nghe con vú kêu và hỏi: “Cô ơi? Cô! Cô có bồng em vô trong hay không vậy cô?”. Bà Hội đồng liền trả lời rằng: “Ai bồng vô trong nầy làm gì. Mầy ngủ với em mà mầy hỏi cái gì kỳ vậy?”. Con vú trả lời rằng: “Em đâu mất không có đây cô à”.
Vợ chồng Thanh Nhàn nghe nói tốc mùng chạy ra quẹt hộp quẹt đốt đèn lên coi thì thấy cửa trước mở hé, còn đứa nhỏ thì không có ở trong mùng, cái mền của nó cũng đâu mất, mà cái mũ với đôi vớ hồi chiều đi chơi về cởi để trên bàn giữa cũng không còn. Bà Hội đồng chạy kiếm phát thông phát thổ, còn ông Hội đồng chạy vô buồng kêu em thức dậy bơ hơ bài hãi mà hỏi coi con mình ai bồng đi đâu. Vợ chồng Phan Ðức Lợi thức dậy dụi mắt thủng thẳng đi ra, nghe nói mất cháu thì chưng hửng. Mấy người ở gần nghe lụi hụi họ cũng chạy qua hỏi thăm, ai nghe nói ăn trộm vô nhà không lấy tài vật chi hết, chỉ bồng có một đứa nhỏ mà thôi, thì cũng đều lấy làm lạ lắm. Phan Ðức Lợi chắc lưỡi kêu trời, vội vã đi súc miệng, rửa mặt rồi bận áo đi xuống bót mà cớ.
Cách chừng một giờ đồng hồ Ðức Lợi trở về thấy anh đương ngồi khoanh tay, mặt mày buồn xo, còn chị dâu với con vú khóc nức nở. Ðức Lợi nói rằng: “Anh chị đừng lo, tôi thưa với ông Cò thì ổng giận lắm nên tức tốc sai lính đi chận mấy nẻo đường hễ gặp ai bồng con nít đi thì phải bắt hết thảy. Tôi có nói rõ cho ông Cò biết hình trạng của cháu, bởi vậy tôi chắc là kiếm được, không mất đâu mà sợ”. Bà Hội đồng vừa khóc và nói rằng: “Chú nó ráng kiếm dùm con tôi, kẻo tội nghiệp tôi quá... Ai mà ăn ở bất nhơn thất đức lắm như vậy không biết... Cha chả! Ai có khuấy chơi xin đem trả con tôi lại cho tôi, muốn xin một hai ngàn gì tôi cũng cho hết”. Ðức Lợi nói rằng: “Chị đừng có buồn, bề nào tôi kiếm cũng được, không sao đâu mà sợ”.
Qua ngày mai vợ chồng ông Hội đồng dắt nhau đi thất thơ cùng hết mấy nẻo đường, mà cũng không biết con ở đâu mà kiếm. Vợ chồng Ðức Lợi cứ theo an ủi và hứa sớm muộn gì kiếm cũng được cho, mà vợ chồng Hội đồng ở đó trọn mười bữa mà kiếm con cũng không được. Vợ chồng dắt nhau trở về Bình Thủy, bà Hội đồng nhớ con ăn ngủ không được ngày đêm cứ ngồi khoanh tay mà khóc hoài. Ông Hội đồng an ủi hết sức, tuy bề ngoài bà gượng làm khuây song trong lòng bà chẳng giây phút nào mà quên con được. Thị Sảnh thấy bà lớn mất con rồi, bộ lại càng kiêu căng hơn xưa, thường hay nói với người lối xóm rằng ngày nào ông Hội đồng nhắm mắt rồi thì sự nghiệp của ông sẽ về tay mình hết. Trong vài tháng thì có Phan Ðức Lợi về thăm một lần, mà lần nào về cũng cà rà bên nhà Thị Sảnh cả buổi.
Có lẽ Trời Phật thương lòng thành thật của vợ chồng ông Hội đồng, không muốn để sự nghiệp của vợ chồng cực khổ gầy dựng ra đó cho người bất lương dành mà hưởng nên cách vài năm sau bà Hội đồng có thai rồi lại sanh đặng một đứa con trai nữa đặt tên là Phan Thanh Phong. Vợ chồng cưng như trứng mỏng, bà bổn thân nuôi dưỡng, không chịu mướn ai bồng ẵm nữa.
Nhưng mà vì bởi ông Hội đồng có bịnh ho nên Thanh Phong không được cứng cỏi như đứa trước, Thanh Phong òi ọp hoài, làm cho mẹ cực nhọc với con hết sức. Thanh Phong vừa được ba tuổi thì bịnh ông Hội đồng càng ngày càng thêm nặng. Ông lén xuống Cần Thơ đến Nô-te mà lập tờ chúc ngôn, nhứt định rằng sự nghiệp của ông thì bà được quyền hưởng mãn đời, chừng nào bà quá vãn rồi con mới được chia với nhau mà hưởng. Trong tờ lại có chú thích rằng hễ ông qua đời rồi thì mỗi năm bà cấp dưỡng cho mẹ con Thị Sảnh một ngàn đồng bạc với một ngàn giạ lúa mà thôi.
Ông đem tờ chúc ngôn về đưa cho bà dặn bà phải cất cho kỹ, đặng sau vợ nhỏ có tranh tụng thì đem ra mà chiếu đối.
Ðến chừng ông gần tắt hơi, ông biểu đuổi bạn bè ra ngoài rồi ông kêu bà mà trối rằng: “Má nó ôi, tôi liệu trong mình tôi không còn sống được nữa, vậy nên tôi bỏ hết mọi việc nhà lại cho má nó nghe. Má nó cũng biết tánh tôi không phải là tham sắc, nhưng vì tôi muốn kiếm chút con để nối nghiệp về sau, nên tôi nghe lời má nó tôi mới đi cưới vợ bé. Khi tôi cưới má thằng Hà về ở được vài tháng thì tôi đã rõ nó là một người đàn bà tánh đố ky, mà lòng tham lam nữa, bởi vậy tôi mới tính cất nhà riêng cho nó cho yên. Nào dè nó được sung sướng mà lại sanh tâm độc ác. Má nó có biết thằng con lớn của mình là thằng Nhã ngủ đêm mà chúng bồng đi mất đó là kế của ai bày đó hay không? Tuy tôi không đủ bằng cớ, song tôi dám chắc má thằng Hà với thằng em tôi là thằng Lợi chúng nó toa rập với nhau đặng hại mình đó, chớ không lẽ ăn trộm nào mà bắt con nít làm gì. Má nó mà đẻ thêm được thằng Phong nữa cũng là may, ngặt vì nó yếu quá nên đau ốm hoài tôi lấy làm sợ hết sức. Vậy tôi có nhắm mắt theo ông theo bà rồi thì má nó ráng săn sóc nuôi dưỡng thằng Phong cho lắm nghe, lại cũng phải chịu khó cậy người dò dẫm mà kiếm thằng Nhã đem về mà nuôi, tôi chắc chúng nó dấu đâu đó chớ không lẽ chúng nó giết”.
Ông Hội đồng Nhàn chết rồi thì Phan Ðức Lợi về cầm cân cho Thị Sảnh kiện đặng chia hai gia tài. Bà Hội đồng nhờ có di chúc của chồng nên Thị Sảnh kiện không được, phải chịu phép mỗi năm lãnh một ngàn đồng bạc với một ngàn giạ lúa mà nuôi con. Phan Ðức Lợi đã phản với chị dâu mà không biết hổ ngươi, nên mỗi năm qua lối tháng hai, tháng ba liệu góp lúa vừa xong, thì lót tót về cà rà xin bạc. Bà Hội đồng tuy nhớ lời trối của chồng thì giận, song bà là một người lương thiện, thấy em chồng không lẽ làm lơ,nên năm nào hễ Ðức Lợi về xin thì bà cũng cho năm bảy trăm. Có lúc bà Hội đồng muốn mua lòng Ðức Lợi, nên bà năn nỉ xin kiếm dùm thằng Nhã cho bà, bà hứa nếu kiếm được thì bà sẽ cho năm ngàn đồng bạc. Ðức Lợi nghe hứa số tiền nhiều, thì ham nên tính kiếm thằng Nhã đặng lãnh thưởng.
Mà trước khi về Sài Gòn lại qua ghé nhà Thị Sảnh nói chuyện ấy cho Thị Sảnh nghe. Thị Sảnh cản trở và biểu phải làm cho biệt tích thằng Nhã mới được, bởi vì thằng Phong bẩm khí bạc nhược không thể sống lâu được, hễ thằng Phong chết thì gia tài tự nghiệp về trọn nơi tay chị ta, chừng đó chị ta sẽ cho Ðức Lợi một muôn đồng bạc. Chị ta lại sợ Ðức Lợi ham năm ngàn đồng của bà Hội đồng mà theo bả nên nói rằng: “Chú nó nghe lời chỉ tôi sợ không xong đâu. Chỉ nói gạt chú nó dắt thằng nhỏ về đây chỉ dỡ trái làm mặt, chỉ đến tòa chỉ thưa nói chú nó dấu con chỉ, thì chú nó đã không có một đồng xu mà lại còn bị ở tù nữa”.
Ðức Lợi nghe mấy lời ngồi suy nghĩ một hồi, tính làm cho thằng Nhã biệt tích, song buộc Thị Sảnh phải làm cho anh ta một cái tờ hứa rằng ngày nào ăn trọn gia tài được rồi thì phải chia cho anh ta một muôn đồng bạc.
Trời Phật không lẽ giúp đứa gian, nên khiến cho bà Hội đồng chở thằng Phong lên Sài Gòn uống thuốc không đầy một tháng mà nó đã hết bịnh rồi về nhà bà tiếp dưỡng nó thêm nữa, nên lần lần nó mập mạp mạnh khỏe, con nít trong xóm không đứa nào bì kịp.
Năm ấy ăn Tết vừa rồi, có một tên tá điền bơi xuồng ra cho bà hay rằng, Hương bộ Kiên là người bào tá ruộng của bà trong kinh Xà No, mới góp lúa vừa được bốn năm ngàn giạ chân, bán hết phân nửa rồi lấy bạc dắt vợ con trốn mất.
Bà Hội đồng nghe nói lật đật dọn ghe hầu và dắt thằng Phong với con Liên đi vô ruộng.
Vô tới Xà No bà xét lại thì thiệt quả Hương bộ Kiên đã giựt của bà hết hai ngàn rưỡi giạ lúa. Vì lúa ruộng góp được phân nửa nên bà phải ở lại đó coi góp cho xong, đợi chừng nào đổ vô vựa rồi mới về được.
Lúc bà ở góp lúa bà thấy có một người tá điền tên Hữu, nhậm lẹ giỏi dắn mà lại ăn nói bặt thiệp.
Bữa nọ tên Hữu chèo ghe cho bà đi góp lúa, bà ngồi buồn mới hỏi tên Hữu gốc gác ở đâu, có vợ con hay không. Nó thưa với bà rằng nó gốc ở Gò Công khi mới lớn lên nó cưới vợ về sanh được một đứa con, song nuôi không được nên nó buồn chí bỏ vợ ở nhà mà đi chèo ghe mướn. Cách ít tháng nó gặp một con tình nhơn mới dắt nhau đi xuống đây mà làm ruộng.
Nó thì lo làm ăn hết sức, ngặt con tình nhơn của nó thì cứ bài bạc hoài, bởi vậy làm tám chín năm mà cũng không dư dả đồng nào. Ðã vậy mà sau con tình nhơn đó lại còn sanh tâm lấy trai, nó thấy vậy buồn chí mới bỏ mà về xứ, tính ở lại với vợ cũ. Chẳng dè về nhà thì vợ nhà đã có một đứa con. Tuy vợ nó nói đứa nhỏ ấy là con nó xí được nó nuôi, có trình giấy của ông Cò trên Chợ Lớn và có đưa áo quần của đứa nhỏ mặc hồi xí được đó cho nó coi, song nó không tin, nên hễ thấy mặt thằng nhỏ thì lửa lòng hừng hực, bởi vì nó bị con tình nhơn sanh tâm nó đã buồn rồi, mà về nhà thấy việc như vậy nữa thì nó không thể vui được. Thiệt nó thấy vợ nó tánh nết hiền hòa nó thương, nó muốn ở với vợ nó, nên nó mới bán thằng nhỏ cho một ông thầy đờn đặng ổng dắt nó đi cho khuất mắt.
Bà Hội đồng nghe nói tới đó sực nhớ tới thằng Ðược liền hỏi:
- Thằng nhỏ đó tên gì?
- Thưa, tên Ðược.
- Ai đặt tên cho nó đó vậy?
- Thưa, vợ tôi nó nói nó xí được nó không biết kêu tên gì nên nó đặt là thằng Ðược.
- Năm nay nó mấy tuổi?
- Thưa, chừng mười bốn, mười lăm tuổi.
- Vợ em có nói hồi xí được đó thằng nhỏ được bao lớn hay không?
- Thưa, nó nói chừng năm sáu tháng.
- Xí được ở đâu vậy?
- Thưa, trên Bình Tây.
- Cha chả! Hồi xí được đó thằng nhỏ mặc áo quần ra làm sao?
- Thưa, hồi tôi về đó vợ tôi có đưa áo quần cho tôi coi thì tôi thấy có một cái mền tua trắng, một cái mũ, một cái áo đầm, một đôi vớ lại có một sợi dây chuyền vàng nữa.
- Húy! Nếu vậy thì phải rồi còn gì.
- Thưa, phải là làm sao?
Bà Hội đồng ngồi lặng thinh một hồi rồi lại hỏi:
- Bây giờ em biết thằng nhỏ đó ở đâu hay không?
- Thưa, không. Tôi bán nó rồi tôi ở với vợ tôi không đầy một năm coi cũng không được vui, nên tôi bỏ đi xuống đây mà làm ruộng. Bốn năm năm nay tôi không về lần nào nên không biết nó có trở về nhà hay không.
- Năm ngoái qua chở thằng con qua lên Sài Gòn uống thuốc, đi tới Nước Xoáy qua có gặp một đứa nhỏ chừng mười ba, mười bốn tuổi đờn ca giỏi quá. Qua có hỏi nó, nó nói tên Ðược, gốc ở chợ Mỹ Lợi thuộc hạt Gò Công, chắc là nó đó chớ gì.
- Thưa, có lẽ khi phải, bởi vì tôi bán nó cho thầy đờn, chắc là họ dạy nó học đờn.
- Cha chả? Bây giờ biết nó đi đâu mà kiếm.
Bà Hội đồng tính để góp lúa xong rồi, sẽ biểu tên Hữu về dắt vợ lên cho bà nhìn, thử coi có phải là đồ của bà may cho con hồi trước hay không. Bà lại tính để rồi bà cũng sai người tâm phúc lên Mỹ Tho tìm thầy Ðàng với thằng Ðược mà dắt về, đặng bà biểu tên Hữu nhìn coi có phải là con nuôi của vợ nó hay không?
Bà góp lúa vừa xong, mới về tới nhà thì thấy có Phan Ðức Lợi xuống mà xin tiền.
Bà mới nghe tên Hữu thuật chuyện thằng nhỏ trong bụng bà đương nghi nó là con của bà, về nhà bà thấy mặt Phan Ðức Lợi, bà lại nhớ tới lời của chồng trối thì bà giận, bởi vậy nên bà lơ lảng chớ không niềm nở như mấy năm trước nữa.
Phan Ðức Lợi thấy bà không được vui nên không dám hở môi, song cũng chà lết ở đó chớ không chịu về.
Tới bữa sau Phan Ðức Lợi thấy bà đương ngồi ăn trầu thì cà rà lại gần mà xin bạc. Bà mới hỏi thử coi có kiếm dùm con của bà hay không. Hai người đương nói chuyện với nhau, thình lình con Liên ở ngoài sân chạy vô nói nhỏ cho bà hay rằng có thằng Ðược xuống kiếm, nó còn đứng chờ ngoài cửa ngõ.
Bà Hội đồng đã tính sai người đi kiếm thằng Ðược, nay nghe nói có nó tới thì bà chẳng xiết nỗi mừng. Bà vừa muốn biểu trẻ ra mở cửa cho nó vô, bà liền nhớ có Phan Ðức Lợi ngồi đó, nếu cho nó vô e có việc bất tiện, nên bà bước trái vô buồng, biểu nhỏ con Liên lén ra mà biểu thằng Ðược đi lần lại đầu cầu đúc mà ngồi, rồi bà sai Tư Thanh, là người bà con ở coi sóc dùm trong nhà cho bà, thắng xe mà đưa nó xuống nhà hàng Cần Thơ để nó đó rồi bà sẽ liệu định.
Trong đêm ấy bà sai bạn vô Xà No kêu tên Hữu ra, rồi bà đưa bạc biểu phải lập tức đi về Gò Công mà rước vợ và dặn phải đem hết áo, mền, mũ, vớ của đứa nhỏ xí được hồi trước đem lên cho bà coi. Tên Hữu đã có nghe người ta nói hồi trước bà có mất hết một đứa con trai, song bà ở Cần Thơ còn vợ mình xí được đứa nhỏ trên Chợ Lớn, hai xứ cách nhau xa lắm mà cũng không biết bà mất con hồi năm nào, nên nó chẳng hề có bụng nghi thằng Ðược là con của bà. Nay bà sai nó đi mà lại dặn dò như vậy thì trong lòng nó mới sanh nghi, bởi vậy nên nó mới đi riết về Gò Công trong bụng nghĩ thầm rằng, nếu thằng Ðược là con của bà thì là cái phước lớn của vợ nó, bởi vì vợ nó có công nuôi dưỡng, mà bà là người giàu lớn, không lẽ bà không đền ơn cho xứng đáng. Nó nghĩ như vậy thì nó mừng, mà rồi nó nhớ tới việc nó khổ khắc thằng Ðược thì nó lại lo, nếu thằng Ðược mà quả là con bà Hội đồng thì nó còn mặt mũi nào mà dám ngó.
Chú thích:
20. loại xe kéo do một hoặc hai con ngựa kéo. Thùng xe thường có bốn chỗ ngồi đối diện nhau. Bên hông xe có gắn kiếng kín để che mưa gió, vì vậy gọi là xe kiếng.
21. lều một mái
22. khăn trải giường (drap)
23. từ tên người phát minh cách uốn gỗ và sáng lập hiệu hiệu bàn ghế, Michael Thonet, ghế có chỗ dựa, chỗ gát tay, bằng gỗ uốn.
24. khăn trải bàn (nappe)
25. áo khỉ may theo lối người Pháp