Chương 5

Buổi sáng không có tiết học, tôi định nằm ráng thêm một lát nhưng chả được. Tường đến cùng với hai người bạn, một nam một nữ.
- Xin giới thiệu với Châu, đây là Chương -bạn thân của anh, và Mỹ Hòa, vợ sắp cưới của Chương.
Chương trông lớn hơn Tường, nét mặt rắn rỏi, cặp lông mầy rậm, ánh mắt khôn ngoan. Mỹ Hòa trạc tuổi Tường, có nhan sắc của một gái quê. Nước da cô trắng hồng, đôi mắt lá răm, mũi hơi huếch, môi tươi, tóc xõa dài quá lưng, cài một cái băng đô bằng nhựa đính hạt óng ánh.
- Còn đây là Châu, bạn gái của mình.
Tôi mở cửa phòng khách. Tường nói nhỏ vào tai tôi:
- Em vào thay đồ, chúng ta ra quán cà phê nói chuyện tiện hơn.
Tường cho biết, Chương là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Chương, Mỹ Hòa tốt nghiệp tài chánh kế toán, hiện giữ chức kế toán kiêm thủ quỹ, Tường là một trong những cổ đông của công ty. Chương nói:
- Khi nào rảnh, mời cô Châu xuống Cần Thơ tham quan công ty của chúng tôi. Cần Thơ là quê hương của hai đứa tôi. Khí hậu ở đó rất tốt. Cô đã nghe câu: “Cần Thơ gạo trắng nước trong” chưa?
Đến giờ tôi vẫn chưa biết công ty nầy kinh doanh mặt hàng gì, nhưng trông nét mặt người nào cũng phấn chấn cả, chắc là đang ăn nên làm ra. Uống cà phê xong, Tường đứng dậy trước:
- Sáng nay Châu có giờ học không?
Tôi lắc đầu. Mỹ Hòa thân mật cầm tay tôi:
- Vậy thì hay quá. Châu có thể cùng mình đi dạo phố được không?
Tôi chưa kịp nói, Chương đã đỡ lời:
- Ý Hòa muốn chị hướng dẫn cô ấy đi shopping ấy mà. Đường phố Sài Gòn, Hòa không được rành lắm.
Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao lại không rành? Nếu tôi nghe không lầm, Mỹ Hòa đã tốt nghiệp tài chánh kế toán, có nghĩa là đã trải qua những năm đại học ở đây. Không lẽ cô ấy chưa một lần dạo phố sao? Không tiện thắc mắc, tôi lấy xe ra, nổ máy, nhìn Mỹ Hòa:
- Chị định mua gì đây?
- Một ít vải vóc, quần áo thời trang may sẵn - Mỹ Hòa mở xắc lấy ra ba tấm giấy, mỗi tấm lớn cỡ hai bàn tay, đưa cho tôi - Đây là phiếu giảm giá của cửa hàng thời trang Hạnh Phước. Chúng mình đến đó nha!
Càng lúc, tôi càng thấy Mỹ Hòa thật ngây thơ. Ai lại đi tin vào những mánh khóe giảm giá ấy bao giờ. Thời buổi nầy, chỗ nào cũng bày đặt giảm giá để dụ dỗ khách hàng. Chúng tôi thường gọi những tấm phiếu giảm giá ấy là “hộ chiếu vào pháp trường”, đối với các cửa hàng thời trang lớn như Hạnh Phước thì sức chém càng ngọt xớt khó thể nhận ra. Mỹ Hòa là bạn mới quen, tôi không tiện ngăn cản. Hơn nữa, nếu Mỹ Hòa từng trải qua đời sinh viên ở đây, lẽ nào cô không biết trò ma giáo nầy?
Mỹ Hòa leo lên yên sau, vịn vào hông tôi:
- Mình sẵn sàng rồi. Đi nào.
Mặt tiền cửa hàng thời trang Hạnh Phước được ốp bằng đá hoa cương màu hồng rất ấn tượng. Đẩy cửa kiếng bước vào, khách hàng phải lóa mắt trước hàng chục manequin nam nữ ăn mặc đủ kiểu quần áo, được may bằng nhiều loại vải sang trọng. Một cô gái còn trẻ, trang điểm hơi đậm, bước đến đon đả:
- Mời hai cô vào trong nầy xem, có nhiều kiểu mới thiết kế rất đẹp, rất hợp với hai cô.
Tôi đứng dựa vào quầy hàng nhìn Mỹ Hòa đi quanh quẩn giữa lớp lớp vải vóc, rồi lại ngắm nghía các tượng người mẫu, ánh mắt hết sức bối rối, phân vân. Tôi xem đồng hồ. Đã nửa giờ trôi qua. Không biết còn đợi cô nàng đến bao giờ. Bỗng phía sau tôi, vang lên tiếng nói đùng đục, ngang phè, hoàn toàn không có dấu: “Em thich cai gi? Hay chon đi”. Giọng nũng nịu của một cô gái: “Ôi, cái xoa rê đẹp quá, cái áo khoác nầy nữa. Kìa chiếc quần..”. Một người nước ngoài mũi lõ, tóc vàng chóe, cao to như ông khổng lồ, lừng lững vượt lên trước mặt tôi. Tựa vào cánh tay lông lá của ông ta là bờ vai trắng nõn của cô gái Việt dáng mảnh mai, xinh đẹp. Tôi nhận ra nhỏ bạn Tố Nga, hiện làm người mẫu thời trang. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Dạo nầy ở trường có tin đồn Tố Nga chê người châu Á, toàn cặp bồ với Tây. Tôi không tin lắm, nhưng giờ sự thật đã rành rành.
Vừa thoạt nhìn thấy tôi, Tố Nga lùi một bước, rồi kéo ông khổng lồ qua hướng khác. Nó làm mặt lạ với tôi. Cũng tốt thôi. Có người bạn như nó, chả vinh dự gì. Mỹ Hòa kêu réo:
- Châu ơi, mình lạc vào mê hồn trận mất rồi. Lựa giúp mình cái đầm đi.
Cái cô nầy nữa! Đường đường là kế toán kiêm thủ quỹ của một công ty trách nhiệm hữu hạn lại tỏ ra kém bản lĩnh như thế. Thử hỏi, thành phố nầy có hàng trăm cửa hàng thời trang như Hạnh Phước, làm sao Mỹ Hòa đủ sức tham quan?
Tôi chỉ ngay vào bộ đầm bằng siu rủ, màu hồng tro:
- Da chị trắng, mặc màu nầy rất hợp. Kiểu đơn giản nhưng sang trọng, chị thấy sao?
- Châu là dân trường Nhạc, gu của Châu chắc chắn là hay hơn mình rồi.
- Ý, chị đánh giá vậy không đúng đâu. Trường Kinh Tế của chị còn ngon gấp mấy trường em.
- Mình học hàm thụ thôi, đâu đủ tư cách làm sinh viên Sài Gòn chớ?
Thảo nào! Tôi bỗng lo cho Tường. Với trình độ như vậy, Mỹ Hòa có lèo lái nổi cái Công ty vừa mới thành lập không?
 
oOo
 
Lần đi chơi đầu tiên sau khi gặp lại, Tường thú nhận một điều làm tôi hụg sai, con người Tường không đơn giản chút nào, thật khó tin. Điện thoại lại reo.
Chú Chín nhấc máy: “A lô, ờ, ờ. Được rồi. Yên chí”. Rồi bảo tôi:
- Cậu Tường nhắn cháu ra quán cà phê Mây Tím, có chuyện gấp.
Chú Chín bỏ vào trong, để lại tôi cùng bao nỗi ấm ức không biết ngỏ cùng ai. Tôi ngồi thừ trước đàn. Có nên bỏ qua cho Tường một lần nữa không? Mưa tí tách rơi bên hàng hiên. Gió chuyển mình thổi qua đám lá. Bầu trời chớp sáng liên tục, sấm động vang rền. Mưa đột ngột trở nặng, ào ào như trút nước, tạt vào cửa sổ, sũng ướt tấm màn phất lay. Tôi không buồn đứng dậy, mặc cho mưa gió dồn dập, thét gào. Chú Chín chạy lên, lật đật đóng các cánh cửa, rồi lo lắng nhìn ra ngoài cổng, nói với tôi:
- Lần nầy sửa nhà, con Ngọc đổ đất cao lắm, không biết sân vườn còn lụt nữa không? Ủa, ai vô nhà mình vậy cà. Trời đất, cậu Tường!
Tim tôi đập mạnh. Tường bước vào, mình mặc áo mưa màu vàng chóe, tay xách một túi xốp lớn. Chú Chín đỡ cái túi để trên bàn, rồi giúp Tường cởi áo mưa:
- Chà, con trai mà mặc gì mấy cái màu chói mắt vậy cháu?
- Như vậy chạy xe ban đêm mới đỡ nguy hiểm chú à. Châu đâu rồi chú?
- Nó kìa. Hồi nãy chú có nhắn với nó nhưng tại trời mưa nó đi không được. Thôi, hai đứa nói chuyện đi nha.
Tường đến bên tôi:
- Anh chỉ nói với Châu một câu ngắn gọn, rồi sẽ giải thích sau. Anh vừa mới ở tù ra.
Toàn thân tôi rúng động. Miệng tôi há hốc, mắt tôi tròn xoe.
- Giờ em đã hiểu ra rồi chứ. Sỡ dĩ anh không nhắn cho em biết là vì sợ em bị liên lụy.
Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ mình hiện giờ, nghe lòng không vui:
- Anh không muốn chia sẻ hoạn nạn cùng em sao? Anh xem thường em quá. Nhưng thôi, chuyện cũng đã rồi, em không trách gì đâu. Em chỉ muốn biết những sự cố xảy ra cho anh từ ngày ấy đến giờ. Mà khoan đã, anh ngồi chờ em một lát.
Tôi vào trong lấy khăn khô cho Tường lau mặt và pha cho anh một ly trà nóng:
- Anh có đói bụng không? Em làm mì gói anh ăn nhé.
Tường với tay lấy chiếc túi xốp, vui vẻ mở ra:
- Khỏi cần, anh có mua đồ ăn đây nè, toàn là những thứ em thích, có cả đùi gà rán nữa.
Không khí trở nên nhẹ nhõm.
Những giận hờn cùng tan biến theo đợt mưa gió trái mùa. Tường cho biết, sau lần gặp tôi, anh đã về Cần Thơ tìm những người bà con để vay mượn tiền góp vốn vào Công ty của người bạn sắp thành lập. Nhưng lực bất tòng tâm. Tiền mượn tuy có, nhưng chưa đủ, buộc lòng Tường phải theo đám bạn đi buôn thuốc lá lậu. Những “phi vụ” trót lọt nhân số tiền vốn lên gấp bội làm Tường càng mê muội lao đầu vào con đường bất chính, quên mất câu nói của người xưa: “Đi đêm có ngày gặp ma”.
- Em biết không? Hôm bị tóm, công an tịch thu hết hàng hóa, bản thân anh phải đi lao động 4 tháng trời, oải muốn chết luôn.
Tôi nhìn anh ái ngại:
- Vậy anh trắng tay rồi sao?
- Em đừng lo. Anh vẫn còn đủ tiền làm một cổ đông. Hiện Công ty của bạn anh vẫn hoạt động tốt. Tuần tới là anh bắt đầu đi làm.
Mưa đã tạnh. Đêm ngoài kia yên ắng.
Tôi bước ra hàng hiên, Tường theo sau, hơi thở anh ấm nhẹ bên tai.
- Mình ra thăm hòn non bộ đi anh.
- Em nói thiệt không đó. Tối quá đâu có thấy gì.
Tôi nhìn lên cao. Khung trời bàng bạc, những vì sao nhạt nhòa ẩn hiện sau đám mây xa. Tôi ao ước một vầng trăng. Chỉ có ánh trăng mới đủ sáng cho tôi thấy được khoảng vườn thơ ấu sau cơn mưa, đủ cho tôi ngắm nhìn chiếc cầu nhỏ xíu nơi hòn non bộ, và có thể đôi cá vàng của tôi chưa ngủ, vẫn còn bơi lội nhởn nhơ. Một bóng người từ ngoài cổng hấp tấp đi vào, nói cười vui vẻ:
- Châu và Tường đó hả? Nè, vườn nhà ta hết lụt rồi. Chú vừa đánh một vòng quan sát. Nước rút nhanh thấy mê luôn. Mấy tay thợ nầy khá thật. À, mưa tạnh rồi, hai đứa không đi chơi đâu sao?
Tường nhìn tôi. Tôi lắc đầu. Tường nói với chú Chín:
- Dạ Châu không thích đi chơi. Châu muốn ra vườn ngắm hòn non bộ nhưng trời tối quá.
Chú Chín nhìn trời:
- Không sao. Hôm nay cuối tháng, trăng lên rất muộn. Đợi lát nữa tha hồ mà ngắm cảnh. Chà, sau cơn mưa trăng sáng mới dữ à nghen.
Tường không cùng tôi đợi trăng lên được. Anh phải về vì đã quá khuya, sợ phiền nhà trọ. Chú Chín để tay lên vai tôi:
- Cháu đợi trăng thiệt ư. Thôi, đi ngủ đi, mai còn đến trường nữa.
- Cháu muốn ngắm cảnh mà. Không tin cháu sao?
Một mình tôi bên bờ hồ cùng ánh trăng vằng vặc. Trăng sáng bầu trời và sáng cả lòng tôi. Đêm trong suốt. Tôi nghe tiếng quẫy nhẹ dưới làn nước lấp lánh. Lại thêm hai chú cá vàng cùng chia sẻ nỗi hân hoan. Tường của tôi đã trở về. Nhưng sao lòng tôi vẫn cảm thấy niềm vui chưa trọn vẹn. Hình như Tường không thành thật với tôi. Lý do Tường đưa ra chưa đủ để biện minh cho sự biệt tăm của anh. Có thể là anh không may bị sa vào vòng lao lý, nhưng trước đó, khi rời thành phố về Cần Thơ, sao anh không nhắn cho tôi? Chỉ cần nhấc điện thoại, anh nỡ làm biếng để tôi phải lo lắng suốt ngần ấy thời gian được sao?
Tôi trở vào nhà. Ánh trăng theo gót, xòa xuống vai tôi những giọt sữa trắng ngần. Trăng đẹp quá. Tôi tắt hết đèn trong phòng khách. Trăng ngoài khung cửa sổ dường như sáng hơn, xuyên qua tấm màn voan, vẽ lên sàn những hoa văn sắc nét. Tôi đến bên đàn, dỡ nắp lên. Hàng phím trắng bóng ngời lấp lánh dưới những ngón tay tôi. Tôi thả hồn theo những cung bậc trầm lắng... chợt nhớ về một kỷ niệm chưa xa. Hôm ấy cũng vào một đêm trăng sáng, ba đã mở cuộn băng cassette vừa mới mua cho tôi nghe: “Đây là bản Sonate số một4 của Beethoveen. Con đã từng nghe qua chưa?”. Âm điệu quen thuộc vang lên dưới bàn tay tài hoa của nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan - Arthur Rubinstein càng du dương tỏa sáng, tăng thêm phần lộng lẫy của ánh trăng. Tôi reo lên: “A, bài Sonate Ánh trăng nè, bài thi học kỳ sắp tới của con đó ba”. “Hay lắm, khi nào con đàn thật nhuyễn, nhớ đàn cho ba nghe nhé”.
Đau đớn thay, ba đã bỏ tôi mà đi trước khi tôi chơi rất thành công bản Sonate nổi tiếng nầy.