Thiên Ân che miệng ngáp dài. Văn vẫn chưa tỉnh lại. Ngắm gương mặt còn bị tím bầm của anh, mớ băng quấn trên đầu và chân thì bó bột nặng chịch, cô lẩm bẩm: - Sao người bị nặng không phải là tôi, một người quá giang xe nhỉ, như vậy tôi đỡ phải áy náy hơn khi nhìn anh từ hôm đến giờ cứ thiêm thiếp thế này. Cô nói với anh mà như độc thoại: - Tối qua tôi đã báo cho người nhà anh biết rồi, có lẽ họ cũng đang trên đường đến. Ráng tỉnh lại đi anh Văn trước khi họ đến. Bác sĩ nói anh tỉnh lại thì không sao mà. Anh không tỉnh, tôi không biết phải ăn nói sao với người nhà của anh đây. Có tiếng chân bước rộn rịp ngoài hành lang, Thiên Ân nhìn đồng hồ. Đã tám giờ sáng rồi. Cánh cửa chợt mở, làm cô đứng dậy ngạc nhiên. Một tốp người mặc áo choàng trắng bước vào, vị lớn tuổi có lẽ là bác sĩ còn những thanh niên trẻ đi theo như sinh viên thực tập. Cô y tá cầm xấp bệnh án bảo cô: - Đến giờ khám thường nhật. Em ra ngoài đợi một chút. Ngoài hành lang, Thiên Ân cứ băn khoăn đi tới đi lui, cứ hy vọng kết quả khám của Văn khả quan hơn. Có mấy người lạ đang đi lại, hai người đàn bà và một người đàn ông đứng tuổi. Họ nhìn bảng số phòng đính ở cánh cửa trước mặt rồi nhìn qua cô. Người đàn bà mập mạp có gương mặt hiền hậu lên tiếng hỏi cô: - Đây là phòng chăm sóc đặc biệt số ba phải không cháu? - Dạ. Vừa lúc đó, cánh cửa bật mở, vị bác sĩ và nhóm sinh viên thực tập đã trở ra. Cô vội chạy lại: - Thưa bác sĩ... Vị bác sĩ có bảng tên là Phan Mạnh ngẩng lên nói: - Tình hình tạm ổn định rồi, rất tốt. - Nhưng sao ảnh vẫn chưa tỉnh? - Cô băn khoăn hỏi. - Đừng lo, tôi... Chợt vị bác sĩ nhìn qua vai cô và nhướng mày ngạc nhiên với một ai đó, ông kêu lên: - Ủa, Thịnh phải không? Thiên Ân quay lại. Người đàn ông trong tốp ba người khi nãy mỉm cười tiến lại bắt tay bác sĩ Mạnh: - Không ngờ anh vẫn còn nhận ra tôi. Ông bác sĩ cười: - Quên sao được. Mười mấy năm không gặp nhưng anh đâu đổi khác mấy. Sao hôm nay lại ghé xuống đây vậy? Thiên Ân sốt ruột chen vào: - Thưa bác sĩ, anh bạn cháu... Bác sĩ Mạnh như sực tỉnh, ông cười bảo bạn: - Đợi tôi một chút nhé. Bác sĩ Mạnh chưa kịp nói tiếp với Thiên Ân thì người đàn ông kia lại xen vào: - Tôi cũng muốn biêt tình hình người bệnh nằm trong đó nữa, anh cho tôi nghe với. Ông bác sĩ ngạc nhiên: - Là bệnh nhân cũ của anh à? - Nếu nó tên là Nguyễn Nam Văn thì là con của tôi. - Người đàn ông tên Thịnh đáp. - Con anh? - Giọng bác sĩ còn ngạc nhiên hơn. Ông Thịnh giải thích vắn tắt: - Là con riêng của vợ tôi. Người đàn ông sang trọng lại hắng giọng hỏi: - Nó có sao không bác sĩ? Bác sĩ Mạnh quay nhìn Thiên Ân. Cô vội gât đầu: - Ảnh tên Nam Văn, đúng rồi ạ. Cháu đã gọi điện cho người nhà của ảnh, cháu chỉ là bạn thôi. Vị bác sĩ gật đầu hiểu ra, ông bảo nhóm sinh viên thực tập đợi ông ở cuối hành lang, và gọi cô y tá đưa bệnh án cho ông Thịnh xem. Ông nói ngắn gọn: - Tôi mới vừa khám lại, tình hình tương đối ổn định. Chân phải bị gãy đã bó bột rồi. Chấn thương vùng đầu mất nhiều máu khiến chúng tôi lo ngại, nhưng chụp X- quang thì không có gì nghiêm trọng. Hồi tối nhờ cô bé này tiếp máu nên sáng nay khá hơn rồi. - Chúng tôi vào thăm nó có được không? - Người đàn bà đứng sau nôn nóng hỏi. Bác sĩ Mạnh gật: - Được, nhưng đừng quá đông, cậu ấy vẫn chưa tỉnh. Ông Thịnh lướt mắt qua phần ghi trên bệnh án rồi ngẩng lên nhìn người đàn bà sang trọng đứng bên cạnh. Được cái gật đầu của bà, ông nói với bác sĩ Mạnh: - Chúng tôi muốn đưa nó về Sài Gòn. Bác sĩ Mạnh gật đầu: - Được chứ. Anh chuyên khoa càng có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Vậy anh cùng người nhà chờ tôi một chút, tôi sẽ cho người làm thủ tục chuyển viện. - Cám ơn anh. Bác sĩ Mạnh vỗ vai ông Thịnh cười: - Có gì đâu, mình là bạn bè cũ mà. Thế là chỉ chừng hai mươi phút sau, Thiên Ân đã cùng họ về thành phố. Cô và bà Liên, người đàn bà mập mạp tự giới thiệu là cô ruột của Văn ngồi cạnh chiếc băng ca anh nằm. Chiếc Ford do ông Thịnh cầm lái chạy trước chiếc xe bệnh viện. - Cháu là bạn gái của Nam Văn à? - Bà Liên lên tiếng. Thiên Ân đỏ mặt rụt rè: - Dạ không. Cháu chỉ là... bạn mới quen thôi. - Nghe y tá bàn trực nói là nhờ cháu lái xe đưa nó vào bệnh viện kịp thời, đã vậy còn tiếp máu cho nó nữa. Thiên Ân ngượng ngùng cúi đầu. Đã nghe được giọng bà, cô đoán bà là người mà mình đã làm rộn vào lúc bốn giờ sáng. - Xin lỗi cô, cháu đã gọi sớm quá, cháu sợ người nhà quá lo lắng nên không dám nói thật về tình hình của anh Văn. Bà Liên lắc đầu: - Cô cám ơn cháu còn không hết, cháu gọi điện báo tin thì gia đình mới biết đươc chứ. - Cháu có đánh thức cả nhà dậy không? - Không đâu, chỉ có cô thôi. Bà kể lể: - Cô không dám cho nội thằng Văn biết, sợ ông quá lo lắng, nhắn chú Ba nó cũng không được nên cuối cùng mới gọi cho chị Trinh, dù gì thì ông Thịnh cũng là bác sĩ, họ biết cách giúp để đưa nó về nhà. Thiên Ân chợt tò mò về người đàn bà sang trọng nhưng có vẻ cách biệt kia. - Chú Thịnh... là dượng của anh Văn phải không dì? Còn dì Trinh là mẹ của ảnh? Bà Liên nhìn cô: - Đúng rồi, chắc Văn nó cũng kể con nghe sơ sơ về chuyện nhà. Cô đỏ mặt ấp úng: - Dạ, cũng có chút chút. Bà Liên nhìn gương mặt vẫn nhắm nghiền của Văn mà thở dài: - Thật ra, nếu không cấp bách quá, cô cũng không gọi cho chị Trinh làm chi, nhất lại không biết mà làm cản trở chuyến du lịch ngày mai của họ. Bà lắc đầu: - Văn nó tỉnh dậy, biêt chuyện này thế nào cũng trách cô cho xem. Thiên Ân ngồi im, không dám nói gì. Cô đang tự trách mình nhiều chuyện quá, để bây giờ vô tình biết thêm một mảng chuyện nội bộ không thuận thảo của nhà người ta rồi còn gì. Văn mà tỉnh lại, người anh ta nổi giận trách móc không phải là bà cô hiền hậu dễ tính của anh mà chính là cô thì thật quê mặt. Bà Liên vẫn dõi mắt nhìn xuống băng ca mà chép miệng: - Không hiểu sao trời tối mà Văn nó lại lái xe về. May mà đã qua mấy cái đèo, chứ nếu không, thì xe lăn luôn xuống vực rồi. Thiên Ân ngập ngừng: - Chắc tại cháu. Lúc đầu cháu ngồi trò chuyện nên không sao, đến chừng qua Bảo Lộc, cháu mệt quá nên ngủ quên có lẽ vì vậy mà... Bà Liên khoát tay: - Đâu phải lỗi cháu, đừng tự trách mình như vậy, cháu cũng đã làm hết sức rồi. Hồi nãy bác sĩ có nói nó không sao. Cô liếc nhìn anh: - Nhưng... sao ảnh chưa tỉnh lại hả cô? Bà Liên lắc đầu: - Cô cũng không biết, để về bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra lại xem. Ông Thịnh làm trong đó, sẽ kiểm tra lại tổng quát cho nó lần nữa. Thiên Ân yên lòng. Cô ngẫm nghĩ giây lát rồi chợt kêu lên: - Chết rồi, cháu quên mất, chiếc xe của anh Văn cháu đã để quên ở bệnh viện rồi. Bà Liên mỉm cười: - Không sao đâu. Khi nãy ông Thịnh có nhờ bạn bè ở bệnh viện đó giữ giùm chiếc xe, vài bữa nữa mình cho người lên đem về. Thiên Ân thở phào. Được một lúc bà Liên tò mò hỏi: - Hôm trước Văn có nhắc qua với cô là cháu sống tự lập ở thành phố. Thiên Ân ngơ ngác mất vài giây. Cuối cùng cô hiểu ra người cô của Văn đang lầm lẫn mình với một cô bạn gái nào đó của anh. Cô vội hắng giọng: - Cô ơi, thật ra cháu với anh Văn chỉ mới quen biết đây thôi. Bà Liên cười: - Cô có nghe nó nhắc qua. Dù mới quen biết, nhưng nó đã quyêt' định đưa cháu về ra mắt người nhà thì cô biết tình cảm giữa hai đứa cũng tiến triển tốt rồi. Cứ tưởng sinh nhật nội tuần sau cô mới gặp mặt, không ngờ hôm nay đã biết cháu rồi. Thiên Ân phát hoảng: - Nhưng cháu... Bà Liên hiểu lầm vẻ hoảng hốt của cô, bà khoát tay: - Cháu đừng ngại. Thật ra vào thời đại này chỉ cần hai đứa yêu đương nhau là được rồi, cô không phải là người cổ hủ quá đâu. Thiên Ân không hiểu lời bà Liên. Còn bà thì cứ liếc nhìn vẻ mặt ngơ ngác của cô mà mỉm cười. Khi nãy nhìn thoáng qua nét mặt bà chị dâu, bà biết chị ấy có ác cảm với Thiên Ân. Việc Văn đi Đà Lạt công tác, còn rủ theo cô bạn gái có lẽ làm chị ấy khó chịu. Còn bà, bao lâu nay bà cứ mong muốn đứa cháu trai tội nghiệp của mình sớm có gia đình. Vì thế nếu nó đã tìm được người như ý sao bà khắt khe những chuyện nhỏ nhặt mà làm gì. - Nam Văn nó vẫn chưa tỉnh, vậy cháu có thể xin nghỉ phép vài hôm để giúp cô một tay chăm sóc nó được không? - Bà Liên hỏi. Thiên Ân nhìn bà, cô ngập ngừng rồi gật đầu: - Dạ được ạ. Bà Liên tươi ngay nét mặt. Có vậy chứ. Thằng cháu trai của bà đã lớn, nhưng bao năm rồi chưa hề đưa về nhà giới thiệu cô bạn gái nào. Bà hy vọng đây là cô bạn gái cuối cùng của nó. Bà nắm nhẹ lấy tay cô: - Cháu đừng ngại, đã là bạn gái của nó thì cũng như người nhà. Cô sẽ ủng hộ cháu. Thiên Ân lúng túng dạ nhỏ, lơ mơ với lời hứa hẹn ủng hộ gì đó của bà. Cô nhìn thân hình bất động của Nam Văn mà phân trần với anh trong trầm lặng: "Tôi chỉ muốn theo dõi tình hình sức khoẻ của anh thôi. Chỉ tại tôi không biết phải giải thích với người nhà của anh như thế nào với sự có mặt của mình trong chuyến đi đó. Khi nào anh tỉnh lại mọi việc trở nên rõ ràng, tôi sẽ không dám làm phiền nữa đâu. Anh đừng giận nhé!" Chiếc xe đã vào thành phố, tiếng còi xe ồn ào quen thuộc quá. Văn nằm yên trên băng ca với gương mặt vẫn chìm trong hôn mê như không hề biết đến mình vừa có thêm một cô bạn gái mới. Một cô bạn gái bất đắc dĩ.