Một xà lim trong Tháp Pougatchev, tại nhà tù Boutirki. Buổi sáng. Khi màn kéo lên, Kaliayev ở trong xà lim và đang nhìn ra cửa. Một người lính gác và một người tù, tay xách cái thùng nước, bước vào. LÍNH GÁC: - Lau đi. Và nhanh tay lên. Người lính đến đứng về phía cửa sổ. Foka bắt đầu lau chùi, mắt không nhìn lên Kaliayev. Im lặng KALIAYEV: - Tên bác là gì, hở bác. FOKA: - Foka. KALIAYEV: - Bác có án rồi hả? FOKA: - Hình như vậy. KALIAYEV: - Thế bác đã làm gì nên tội? FOKA: - Tôi đã giết người. KALIAYEV: - Bác bị đói ăn hả? LÍNH GÁC: - Khẽ chứ. KALIAYEV: - Sao? LÍNH GÁC: - Khẽ chứ. Tôi đã để cho mấy chú tán chuyện mặc dầu có lệnh cấm. Biết điều thì nói khẽ chứ. Bắt chước lão già coi. KALIAYEV: - Bác bị đói ạ? FOKA: - Không, tôi khát. KALIAYEV: - Rồi sao? FOKA: - Rồi, có một cái rìu. Tôi đã đập phá tan hoang. Dường như tôi đã giết mất ba mạng. Kaliayev nhìn Foka. FOKA: - Thế nào, công tử cậu không còn gọi tôi là bác nữa hả? Cậu ngán rồi hả? KALIAYEV: - Không. Tôi cũng giết người mà bác. FOKA: - Mấy mạng? KALIAYEV: - Tôi sẽ nói cho mà biết, nếu như bác muốn biết. Nhưng hãy trả lời tôi trước đã, bác đã ân hận về những gì đã xẩy ra, có phải thế không nào? FOKA: - Hẳn đi rồi, hai mươi năm tù, giá đắt đấy chứ. Nó để lại cho mình nhiều ân hận. KALIAYEV: - Hai mươi năm. Tôi bước vào đây hai mươi ba tuổi và ra tù thì tóc đã hoa râm. FOKA: - Ồ! Với cậu thì có thể sẽ đỡ hơn. Quan toà thì cũng có hạng thế này hạng thế nọ. Còn tuỳ nơi hắn đã lấy vợ chưa, và lấy ai. Vả lại cậu là công tử mà. Đâu có phải trả cùng giá như bọn cùng đinh khốn khổ. Cậu sẽ thoát cho mà xem. KALIAYEV: - Tôi không tin. Và tôi cũng không muốn thoát. Tôi sẽ không thể nào chịu đựng được sự nhục nhã trong hai mươi năm trời. FOKA: - Nhục nhã? Nhục cái gì chứ? Phải rồi, đó là những ý nghĩ của hạng công tử. Thế cậu đã giết mấy mạng? KALIAYEV: - Một thôi. FOKA: - Cậu nói sao? Đâu có đến nỗi nào. KALIAYEV: - Tôi đã giết quận công Serge. FOKA: - Quan lớn quận công hả? Ê! Sao cậu gớm thế. Đã thấy tay mấy cậu công tử này chưa! Nguy lắm hả, nói nghe coi? KALIAYEV: - Nguy đấy. Nhưng cần phải vậy. FOKA: - Sao vậy? Cậu sống ở trong triều hả? Chuyện rắc rối về đàn bà, chứ gì? Bảnh trai như cậu thì… KALIAYEV: - Tôi là đảng viên đảng xã hội. LÍNH GÁC: - Khẽ chứ. KALIAYEV: cao giọng hơn – Tôi là đảng viên đảng xã hội cách mạng. FOKA: - Sao nhiễu chuyện thế. Mà việc gì lại phải là đảng viên đảng veo gì như cậu vừa nói đó. Cậu chỉ việc ngồi yên là mọi việc đều tốt đẹp cả mà. Đất này là của mấy người quý tộc mà. KALIAYEV: - Không, đất này là của bác. Đã có quá nhiều cơ cực và quá nhiều tội ác. Bao giờ có bớt cơ cực đi, bấy giờ sẽ có bớt tội ác. Nếu đất này mà được tự do thì bác đã chẳng ở chốn này. FOKA: - Đúng và không đúng. Nghĩ cho cùng, có tự do hay không, uống rượu quá chén thì cũng chẳng hay hớm nỗi gì. KALIAYEV: - Chẳng hay hớm nỗi gì thật đấy. Có điều là người ta uống rượu vì người ta bị sỉ nhục. Rồi sẽ có lúc chẳng cần phải uống rượu nữa, chẳng có ai tủi nhục nữa, cả hạng quý tộc, lẫn hạng cùng đinh. Tất cả chúng ta sẽ là anh em và lẽ công bằng sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trong suốt. Bác có hiểu điều tôi nói không? FOKA: - Có, đó là nước của Chúa. LÍNH GÁC: - Khẽ chứ. KALIAYEV: - Không nên nói như vậy, bác ơi. Chúa chẳng làm được cái quái gì cả. Tạo lập công lý là việc của chúng ta. (Một lát im lặng.) Bác không hiểu sao? Thế bác có biết truyện Thánh Dmitri không? FOKA: - Không. KALIAYEV: - Ông Thánh có hẹn với chính Chúa trong cánh đồng cỏ hoang, và đang lúc vội tới chỗ hẹn thì ông gặp một nông dân với chiếc xe bị sa lầy. Thế là Thánh Dmitri giúp người nông dân. Bùn thì đặc quánh, chỗ lún thì sâu. Phải hì hục mất đến cả giờ. Và khi xong việc, Thánh Dmitri chạy vội đến chỗ hẹn, Nhưng Chúa không còn ở đó nữa. FOKA: - Thế rồi sao? KALIAYEV: - Thế rồi có những kẻ bao giờ cũng đến nơi hẹn chậm trễ vì có quá nhiều xe bò bị sa lầy và có quá nhiều người anh em để mà giúp đỡ. Foka lùi lại. KALIAYEV: - Có gì vậy? LÍNH GÁC: - Nói khẽ chứ. Còn mi, lão già này, nhanh tay lên. FOKA: - Tôi ngờ lắm. Tất cả những chuyện đó không phải chuyện thường. Người ta đâu có ý làm cho mình bị vào tù vì những chuyện ông thánh với cái xe bò. Vả lại, còn có chuyện khác… Người lính gác cười. KALIAYEV: nhìn người lính - Chuyện gì nữa? FOKA: - Thế người ta làm gì những người giết các quan lớn quận công? KALIAYEV: - Người ta treo cổ chúng. FOKA: - A! Rồi ông lão bỏ đi, trong lúc người lính gác cười lớn tiếng hơn. KALIAYEVL - Ở lại đây nào. Tôi đã làm gì bác? FOKA: - Cậu đâu có làm gì tôi. Dẫu cho cậu có là hạng quý tộc đi nữa thì tôi cũng không muốn lừa dối cậu. Ta tán dóc, cho qua thời giờ, thì được, nhưng nếu cậu bị treo cổ thì không được rồi. KALIAYEV: - Tại sao? LÍNH GÁC: cười – Nói đi, lão già, nói đi… FOKA: - Bởi vì cậu không thể nói với tôi như một người anh em được. Chính tôi là người treo cổ những tên tử tù bị xử giảo. KALIAYEV: - Vậy chứ bác, bác không phải là tù khổ sai à? FOKA: - Chính vì thế đó cậu. Họ biểu tôi làm việc đó, và, mỗi lần treo cổ một người, họ bớt cho tôi một năm tù. Việc cũng bở đấy chứ. KALIAYEV: - Để tha tội cho bác, bọn chúng bắt bác phạm thêm tội ác nữa sao? FOKA: - Ồ, đâu có phải là tội ác, vì đây là làm mướn mà. Vả lại, bọn họ thì cần cóc gì. Nếu cậu muốn biết ý kiến của tôi thì bọn họ không phải là người ngoan đạo đâu. KALIAYEV: - Và bác đã làm mấy lần, mấy lần rồi? FOKA: - Hai lần. Kaliayev lùi lại. Hai người kia đi ra cửa, người lính gác đẩy lão Foka ra. KALIAYEV: - Vậy ra bác là đao phủ đấy? FOKA: trên ngưỡng cửa - Thế thì, cậm ấm, còn cậu là gì? Foka ra. Người ta nghe thấy tiếng bước chân, những khẩu lệnh. Skouratov vào, ăn mặc lịch sự, cùng vào với người lính gác. SKOURATOV: - Để mặc chúng tôi. Chào anh. Anh không biết tôi à? Tôi, thì tôi biết anh. (Cười) Nổi tiếng rồi đó, hả? (Nhìn Kaliayev.) Cho phép tôi tự giới thiệu nhé? (Kaliayev không nói gì.) Anh không nói gì à? Tôi hiểu. Hầm tối, hả? Cực thật đấy, tám ngày trong hầm tối. Bữa nay, chúng tôi sẽ thôi không giam anh trong hầm tối và anh sẽ có khách tới thăm. Tôi đến đây cũng là vì việc đó. Tôi đã cho lão Foka đến gặp anh. Đặc biệt, có phải thế không? Tôi nghĩ là lão ta sẽ có thể làm cho anh lưu tâm. Anh hài lòng chứ? Sau tám ngày tối tăm, đựoc nhìn thấy mặt người cũng dễ chịu chứ, không à? KALIAYEV: - Cũng còn tuỳ mặt. SKOURATOV: - Nói hay, đúng chỗ. Anh biết cái gì anh muốn. (Một lát.) Nếu tôi không lầm, bộ mặt tôi làm anh khó chịu? KALIAYEV: - Phải. SKOURATOV: - Anh thấy rõ là tôi thất vọng. Nhưng đó là một sự hiểu lầm. Trước hết, ánh sáng không được tỏ. Trong một cái hầm, chẳng ai có thể dễ gây cảm tình được cả. Vả chăng anh cũng chưa biết tôi là ai. Đôi khi, một bộ mặt mới ngó thì khó chịu. Thế rồi, khi ta được biết tấm lòng KALIAYEV: - Đủ rồi. Ông là ai? SKOURATOV: - Skouratov, giám đốc an ninh. KALIAYEV: - Một tên đầy tớ. SKOURATOV: - Để hầu hạ anh. Nhưng vào địa vị anh, tôi sẽ tỏ ra ít kiêu hãnh hơn. Có thể rồi anh cũng sẽ bớt kiêu hãnh đấy. Người ta bắt đầu bằng cách muốn có công lý và người ta chấm dứt bằng cách tổ chức bộ máy cảnh sát. Vả chăng, sự thật chẳng làm tôi sợ hãi. Tôi sẽ đối xử thẳng thắn với anh. Tôi quan tâm tới anh và tôi giúp anh phương tiện để xin ân xá. KALIAYEV: - Ân xá cái gì? SKOURATOV: - Sao, ân xá cái gì à? Tôi giúp anh được toàn mạng. KALIAYEV: - Ai đã yêu cầu ông điều đó? SKOURATOV: - Người ta không ai hỏi xin mạng sống cả, anh bạn thân ơi. Người ta nhận lấy mạng sống. Thế chưa bao giờ anh ra ơn cho ai hay sao? (Một lát.) Thử nhớ lại coi. KALIAYEV: - Tôi từ chối ân huệ của ông, dứt khoát một lần. SKOURATOV: - Ít nhất anh cũng hãy nghe đã. Mặc dầu bề ngoài, tôi không phải là kẻ thù của anh. Tôi chấp nhận là anh có lý trong điều mà anh suy tưởng. Ngoại trừ về vụ ám sát… KALIAYEV: - Tôi cấm ông không được dùng chữ đó. SKOURATOV: nhìn Kaliayev – A! Thần kinh yếu hả? (Một lát.) Thành thật mà nói, tôi muốn giúp anh. KALIAYEV: - Giúp tôi? Tôi sẵn sang thanh toán món nợ phải trả. Nhưng tôi sẽ không chịu đựng cái lối thân mật của ông đối với tôi. Hãy để tôi yên. SKOURATOV: - Bản cáo trạng tội anh… KALIAYEV: - Tôi đính chính. SKOURATOV: - Sao cơ? KALIAYEV: - Tôi đính chính. Tôi là một tù binh, không phải một bị cáo. SKOURATOV: - Thế cũng được. Tuy nhiên, đã có nhiều tổn thất, phải vậy không? Ta hãy gạt sang một bên ngài công tước và lý do chính trị. Ít ra, đã có người bị chết. Và cái chết mới thảm làm sao! KALIAYEV: - Tôi liệng trái bom lên chế độ bạo tàn của các ông, chứ không liệng lên một người. SKOURATOV: - Hẳn đi rồi. Nhưng chính người đó đã lãnh trái bom. Và cái đó không thích thú cho ông ta chút nào. Anh có biết không, này anh bạn thân, khi người ta tìm thấy cái xác, thì thiếu cái đầu. Biến mất, cái đầu! Về phần những gì còn lại, người ta chỉ nhận ra đúng một cánh tay và một phần của cái đùi. KALIAYEV: - Tôi đã thi hành một bản án. SKOURATOV: - Có thể, có thể. Không ai trách cứ anh về bản án. Một bản án là cái gì chứ? Đó là một chữ mà người ta có thể tranh luận trong nhiều đêm dài. Người ta trách anh… không, chắc anh không thích chữ này… tạm cho rằng, một việc làm tài tử, hơi lộn xộn, mà những kết quả, những kết quả, thì không thể nào bàn cãi được. Tất cả mọi người đều trông thấy những kết quả đó. Anh cứ hỏi công tước phu nhân thì rõ. Có máu, anh biết chứ, rất nhiều máu. KALIAYEV: - Ông im đi. SKOURATOV: - Được. Tôi chỉ muốn nói là nếu anh cứ khăng khăng nhắc tới bản án, khăng khăng rằng chính là đảng và chỉ có đảng thôi đã phán xử và thi hành, rằng ngài công tước đã không bị giết chết bởi một trái bom mà bởi một tư tưởng, thì như thế anh không cần được ân xá. Tuy nhiên, giả sử là chúng ta trở lại với sự việc hiển nhiên, giả sử là chính anh đã làm nổ tung cái đầu của ngài công tước, thì mọi việc sẽ thay đổi cả, phải thế không? Như vậy thì anh lại cần được ân xá. Tôi muốn giúp anh việc đó. Hoàn toàn vì thiện cảm, anh cứ tin thế đi. (Cười.) Biết làm sao được, tôi không quan tâm tới các tư tưởng, tôi, thì tôi quan tâm đến con người. KALIAYEV: giận dữ - Con người tôi ở trên ông và các quan thầy của ông. Các ông có thể giết tôi, nhưng không thể phán xử tôi. Tôi biết là ông muốn đi tới đâu rồi. Ông kiếm một yếu điểm của tôi và chờ đợi nơi tôi một thái độ hổ thẹn, những giọt nước mắt và sự ăn năn. Ông sẽ không thâu được cái gì đâu. Tôi là gì, điều đó không liên hệ gì tới ông. Cái liên hệ tới ông, đó là lòng thù hận, lòng thù hận của tôi và của các anh em tôi. Lòng thù hận đó sẵn sàng đến với các ông. SKOURATOV: - Lòng thù hận? Lại thêm một tư tưởng nữa. Cái không phải là một tư tưởng, là vụ giết người. Và các hậu quả của nó, cố nhiên. Tôi muốn nói tới sự ăn năn và hình phạt. Tới đó, chúng ta đến trọng tâm của vấn đề.Vả lại, cũng chính vì thế mà tôi chọn nghề công an. Để được ở ngay trung tâm của mọi việc. Nhưng anh đâu thích những điều tâm sự. (Một lát. Tiến lại gần Kaliayev.) Tất cả những điều mà tôi muốn nói, là nhắc anh không được giả bộ quên đi cái đầu của ngài công tước. Nếu anh lưu ý tới điều đó, tư tưởng sẽ không còn giúp ích gì cho anh nữa. Chẳng hạn anh sẽ thấy xấu hổ, thay vì lấy làm hãnh diện về việc mình làm. Và kể từ lúc mà anh cảm thấy xấu hổ anh sẽ mong ước được sống để chuộc lại lỗi lầm. Điều quan trọng hơn cả là anh quyết định sống. KALIAYEV: - Và nếu như tôi quyết định sống. SKOUROTOV: - Ân xá cho anh và các bạn anh. KALIAYEV: - Ông đã bắt giam họ chưa? SKOURATOV: - Chưa. Chính vì chưa bắt giam được họ. Nhưng nếu như anh quyết định sống, chúng tôi sẽ bắt giam họ. KALIAYEV: - Tôi có hiểu rõ chưa đây? SKOURATOV: - Chắc hẳn đi rồi. Anh đừng có vội giận. Cứ suy nghĩ kỹ đi. Trên bình diện của tư tưởng, anh chẳng thể nào tố giác các bạn anh. Trên bình diện của sự hiển nhiên, trái lại, đó là anh đã giúp họ. Anh sẽ giúp họ tránh được những điều phiền phức mới, và, cùng lúc đó, anh giật được họ thoát khỏi trụ thắt cổ. Trên tất cả mọi điều đó, anh tìm được sự bình an cho tâm hồn. Trên rất nhiều phương diện, đây là một dịp tốt. Kaliayev nín thinh. SKOURATOV: - Thế nào? KALIAYEV: - Các bạn của tôi sẽ trả lời ông, không bao lâu nữa đâu. SKOURATOV: - Lại tội ác nữa! Rõ thật hiển nhiên, giết người là một chí hướng. Thôi được, nhiệm vụ của tôi thế là xong. Lòng tôi thật buồn. Nhưng tôi thấy rõ là anh tha thiết với tư tưởng của anh lắm. Tôi không thể nào tách rời anh ra khỏi nó được. KALIAYEV: - Ông không thể nào tách rời tôi ra khỏi anh em của tôi được. SKOURATOV: - Thôi chào anh. (Làm ra vẻ bỏ đi, rồi, quay trở lại.) Trong trường hợp đó, tại sao anh lại tha chết cho bà công tước và hai đứa cháu bà? KALIAYEV: - Ai bảo ông vậy? SKOURATOV: - Người chỉ điểm cho các anh cũng đưa tin cho chúng tôi nữa. Ít nữa, cũng một phần… Nhưng tại sao anh lại tha cho bà công tước và hai đứa cháu? KALIAYEV: - Việc đó không ăn nhằm gì tới ông hết. SKOURATOV: cười – Anh tưởng vậy sao? Tôi sẽ nói cho anh rõ vì đâu. Một tư tưởng có thể giết một ông công tước, nhưng nó khó lòng giết được những trẻ nhỏ. Đó chính là điều mà anh đã khám phá ra. Như vậy, một vấn đề được đặt ra: nếu tư tưởng không thể khiến ta sát hại trẻ con, thì nó có đáng để ta giết một công tước hay chăng? Kaliayev phác một cử chỉ. SKOURATOV: - Ồ! Anh đừng trả lời tôi! Anh sẽ trả lời cho công tước phu nhân. KALIAYEV: - Bà công tước? SKOURATOV: - Phải, bà ấy muốn gặp anh. Và tôi đến đây cũng là để xem trước là cuộc nói chuyện có thể có được không. Nó có thể có được. Nó còn có thể làm cho anh thay đổi ý kiến không chừng. Công tước phu nhân là người có đạo. Linh hồn, anh thấy đó, là sở trường của bà ta. Skouratov cười. KALIAYEV: - Tôi không muốn gặp bà ta. SKOURATOV: - Tôi rất tiêc, ý bà ấy muốn vậy. Vả lại dẫu sao anh cũng phải vì nể bà ấy đôi chút chứ. Người ta còn nói sau cái chết của ông chồng, bà ta không còn được tỉnh trí hoàn toàn. Chúng tôi không muốn làm cho bà phật ý. (Ra tới cửa.) Nếu anh thay đổi ý kiến, anh đừng có quên đề nghị của tôi. Tôi sẽ trở lại. (Một lát. Lắng tai nghe.) Bà ấy kia rồi. Sau cảnh sát, đến tôn giáo! Rõ ràng là người ta cưng chiều anh thật. Nhưng cái gì cũng liên hệ với nhau cả. Hãy tưởng tượng đến Chúa mà không có nhà tù. Cô đơn biết chừng nào! Skouratov ra. Người ta nghe thấy nhiều tiếng nói và những khẩu lệnh. Bà công tước vào, đứng bất động và nín lặng. Cánh cửa mở rộng. KALIAYEV: - Bà muốn gì? BÀ CÔNG TƯỚC: để lộ mặt ra - Cậu nhìn đây. Kaliayev nín lặng. BÀ CÔNG TƯỚC: - Rất nhiều thứ chết theo cùng với một người. KALIAYEV: - Tôi đã biết điều đó. BÀ CÔNG TƯỚC: với vẻ tự nhiên, nhưng với một giọng nói tiều tuỵ - Những kẻ sát nhân đâu biết tới điều đó. Nếu chúng biết như thế, làm sao chúng còn giết người được? Im lặng. KALIAYEV: - Tôi đã trông thấy bà. Giờ đây tôi muốn được yên thân. BÀ CÔNG TƯỚC: - Không. Đến lượt tôi cũng phải trông thấy cậu. Kaliayev lùi lại. BÀ CÔNG TƯỚC: ngồi xuống, tựa như kiệt sức – Tôi không thể nào sống cô đơn được. Trước đây, nếu tôi đau đớn, nhà tôi có thể trông thấy sự đau đớn của tôi. Lúc đó đau đớn là chuyện dễ chịu. Giờ đây… không, tôi không thể nào sống đơn chiếc được, câm lặng được… Nhưng tôi nói với ai? Những người khác đâu có biết tới. Họ làm ra vẻ buồn rầu. Họ buồn rầu, trong một hai tiếng đồng hồ. Rồi họ đi ăn - rồi ngủ. Nhất là ngủ… Tôi nghĩ là cậu ắt phải giống tôi. Cậu không ngủ được. Tôi chắc chắn như vậy. Và nói với ai về tội ác, nếu không là nói với kẻ sát nhân? KALIAYEV: - Tội ác nào? Tôi chỉ còn nhớ đến một việc thi hành công lý. BÀ CÔNG TƯỚC: - Cũng một giọng đó! Cậu có cùng một giọng nói y hệt ông nhà tôi. Tất cả mọi người đàn ông đều chung một giọng khi nói đến công lý. Ông ấy bảo: “Thế là công bằng!” và người khác phải nín thinh. Có thể là ông ấy đã lầm. Cậu đang lầm… KALIAYEV: - Ông ây hiện thân của sự bất công tối thượng, nỗi bất công đã làm cho nhân dân Nga rên siết từ bao thế kỷ nay. Làm điều đó, ông đã được hưởng toàn những sự ưu đãi. Dẫu cho tôi có lầm lẫn chăng nữa, nhà tù và cái chết là tiền công của tôi. BÀ CÔNG TƯỚC: - Phải, cậu đau khổ. Nhưng nhà tôi, cậu đã giết ông ấy. KALIAYEV: - Ông ấy chết đột ngột. Một cái chết như vậy không là gì cả. BÀ CÔNG TƯỚC: - Không là gì ư? (Giọng thấp hơn.) Thật thế. Người ta đã lôi cậu đi ngay lập tức. Hình như cậu đã diễn thuyết giữa đám cảnh binh. Tôi hiểu. Việc đó có thể giúp ích cậu. Tôi, tôi đến nơi vài giây sau. Tôi đã trông thấy. Tôi đặt lên một cái cáng tất cả những gì mà tôi có thể thu nhặt được. Máu ôi là máu. (Một lát.) Bữa đó tôi mặc áo trắng… KALIAYEV: - Bà im đi. BÀ CÔNG TƯỚC: - Tại sao? Tôi nói ra sự thật. Cậu có biết nhà tôi đã làm gì hai tiếng đồng hồ trước khi chết không? Ông ấy ngủ. Trong một ghế bành, hai chân duỗi lên một cái ghế dựa… như mọi khi. Ông ấy ngủ, còn cậu, cậu đợi chờ ông ấy, trong buổi chiều tàn khốc… (Bà khóc.) Giờ đây cậu hãy giúp tôi. Kaliayev lùi lại, cứng người. BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu còn trẻ. Cậu không thể là người xấu được. KALIAYEV: - Tôi đã không có thời giờ để trẻ. BÀ CÔNG TƯỚC: - Tại sao cậu lại cứng người như vậy? Không khi nào cậu thấy thương xót cho chính cậu à? KALIAYEV: - Không. BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu lầm. Sự xót thương làm cho mình đỡ khổ. Tôi, thì tôi chỉ còn có lòng thương xót cho chính bản thân tôi.(Một lát.) Tôi đau đớn lắm. Đáng lẽ cậu phải giết tôi cùng với ông ấy thay vì tha cho riêng tôi mới phải. KALIAYEV: - Không phải tôi tha chết cho bà đâu, nhưng là tha cho mấy đứa nhỏ đi cùng ông bà. BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi biết. Tôi cũng không yêu thương chúng bao nhiêu. (Một lát.) Chúng là cháu họ về đằng ông công tước. Thế chúng không có tội như bác chúng hay sao? KALIAYEV: - Không. BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu có biết chúng không? Đứa cháu gái tôi có tâm địa xấu. Nó không chịu tự tay đem của bố thí cho người nghèo khổ. Nó sợ phải đụng vào người họ. Như vậy nó không bất công sao? Nó bất công. Ông nhà tôi ít nhất ông ấy còn thương đám dân cày. Ông cụng ly cùng bọn họ. Thế mà cậu đã giết ông ấy. Chắc chắn là cả cậu nữa cũng bất công. Mặt đất thật là hoang vắng. KALIAYEV: - Bà phí công vô ích. Bà cố gắng làm cho tôi xuống tinh thần và làm tôi thất vọng. Bà sẽ không thành công đâu. Xin để tôi yên. BÀ CÔNG TƯỚC: - Thế cậu có muốn cùng tôi cầu nguyện, sám hối… Chúng ta sẽ không còn cô độc nữa. KALIAYEV: - Bà hãy để mặc tôi sửa soạn đón chờ cái chết. Nếu như tôi không chết, thì chừng đó tôi sẽ trở thành một kẻ sát nhân. BÀ CÔNG TƯỚC: đứng lên- Chết? Cậu muốn chết à? Không. (Bước tới gần Kaliayev, trong một dáng mất bình tĩnh). Cậu phải sống, và phải ưng thuận trở thành một kẻ sát nhân. Cậu đã không giết ông ấy sao? Chúa sẽ phán quyết cậu. KALIAYEV: - Chúa nào, Chúa của tôi hay Chúa của bà? BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúa của Hội Thánh. KALIAYEV: - Hội Thánh chẳng có gì để làm ở đây cả. BÀ CÔNG TƯỚC: - Hội Thánh thờ phụng một vị Chúa tể, chính Ngài, đã chịu cảnh ngục tù. KALIAYEV: - Thời thế đã đổi thay. Và Hội Thánh đã lựa chọn trong di sản của đấng Chúa tể. BÀ CÔNG TƯỚC: - Chọn lựa, cậu muốn nói gì? KALIAYEV: - Hội Thánh đã giữ lấy cho riêng mình cái ơn Thánh sủng và phó mặc cho chúng tôi chăm lo thực thi bác ái. BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúng tôi, những ai vậy? KALIAYEV: hét lên - Hết thẩy những ai mà các người đem treo cổ đó. Im lặng. BÀ CÔNG TƯỚC: dịu dàng – Tôi không phải là kẻ thù của cậu. KALIAYEV: với dáng thất vọng – Bà là kẻ thù của tôi, cũng như tất cả những người cùng một dòng dõi, cùng một bè đảng với bà. Có một điều còn hèn mạt hơn là một kẻ sát nhân, đó là bức bách một người phải phạm tội, người đã không sinh ra đời để mà phạm tội. Bà hãy nhìn tôi. Tôi thề với bà là tôi không sinh ra để giết người. BÀ CÔNG TƯỚC: - Hãy đừng nói với tôi như nói với quân thù của cậu. Cậu nhìn đây. (Bà đi tới đóng cánh cửa lại.) Tôi xin để tuỳ cậu. (Bà khóc.) Máu chia cách chúng ta. Nhưng cậu có thể gặp lại tôi trong Chúa, ở ngay chính nơi bất hạnh. Ít nữa cậu hãy cầu nguyện cùng tôi. KALIAYEV: - Tôi từ chối. (Bước lại gần bà công tước.) Tôi chỉ có lòng trắc ẩn đối với bà, thế mà bà vừa xúc động đến tim tôi. Giờ đây bà sẽ hiểu lòng tôi vì tôi không giấu diếm bà điều gì nữa cả. Tôi chẳng còn trông đợi gì về cái hẹn gặp mặt Chúa. Nhưng, chết đi, tôi sẽ giữ đúng cái hẹn tôi đã hẹn với những người mà tôi yêu thương, những người anh em lúc này đây đang nghĩ đến tôi. Cầu nguyện có thể là phản bội họ. BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu muốn nói gi? KALIAYEV: vẻ say sưa – Không gì cả, nếu chẳng phải là tôi sắp được sung sướng. Tôi phải đương đầu với cuộc đấu tranh dài và tôi sẽ cầm cự được. Nhưng khi mà bản án đã tuyên và việc hành quyết đã sẵn sàng, lúc đó, dưới chân đoạn đầu đài, tôi sẽ xây lưng lại bà cùng cái thế gian kinh tởm này và tôi sẽ đi tới mối tình yêu tràn ngập tâm hồn tôi. Bà có hiểu tôi chăng? BÀ CÔNG TƯỚC: - Không có tình yêu nào xa lìa khỏi Chúa. KALIAYEV: - Có. Tình yêu cho con người. BÀ CÔNG TƯỚC: - Con người thì đê tiện. Còn làm gì khác là huỷ hoại con người hay tha thứ cho nó. KALIAYEV: - Chết cùng với nó. BÀ CÔNG TƯỚC: - Người ta chết một mình. Ông nhà tôi chết một mình. KALIAYEV: vẻ thất vọng - Chết cùng với nó. Những kẻ đang yêu nhau phải chết cùng nhau nếu họ muốn cùng nhau xum họp lại. Sự bất công chia cách; nỗi tủi nhục, nỗi đớn đau, điều tàn ác mà họ làm cho kẻ khác, tội ác chia cách. Sống là một cực hình bởi vì sống chia cách. BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúa quy tụ lại. KALIAYEV: - Không phải trên mặt đất này. Mà các hò hẹn của tôi lại ở trên mặt đất này. BÀ CÔNG TƯỚC: - Đó là những cuộc hẹn hò của lũ chó. Mũi gầm xuống đất, luôn luôn đánh hơi, mãi mãi thất vọng. KALIAYEV: quay nhìn ra cửa sổ - Gần đây thôi, tôi sẽ biết điều bà vừa nói đó. (Một lát sau.) Nhưng có thể nào, ngay từ bây giờ, người ta hình dung ra hai kẻ từ khước mọi niềm hoan lạc, yêu thương nhau trong sự khổ đau lại không thể định lấy một cuộc hẹn hò nào khác với cuộc hẹn hò của khổ đau sao? (Kaliayev nhìn bà công tước.) Có thể nào người ta tưởng tượng rằng cũng một sợi dây thừng đó lại không phối hợp hai kẻ đó lại được hay sao? BÀ CÔNG TƯỚC: - Tình yêu nào mà kinh khủng như vậy? KALIAYEV: - Bà và những người như bà chẳng bao giờ cho phép chúng tôi yêu nhau cách khác. BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi cũng yêu thương người mà cậu đã giết. KALIAYEV: - Tôi hiểu điều đó. Vì thế mà tôi tha thứ cho sự tàn ác mà bà và các người như bà đã đối xử với tôi. (Một lát.) Bây giờ, bà hãy để tôi yên. BẦ CÔNG TƯỚC: đứng lên- Tôi sẽ để cậu yên. Nhưng tôi đến đây là để dẫn dắt cậu trở về với Chúa, bây giờ tôi biết vậy. Cậu chỉ muốn tự phán xét và tự cứu rỗi lấy mình. Cậu không thể làm được việc đó. Chúa thì có thể làm được, nếu như cậu sống. Tôi sẽ xin ân xá cho cậu. KALIAYEV: - Tôi van bà, bà đừng làm thế. Bà hãy để cho tôi được chết, nếu không tôi sẽ oán ghét bà đến chết. BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi sẽ xin ân xá cho cậu, với người và nơi Chúa. KALIAYEV: - Không, không, tôi cấm bà làm như thế. Kaliayev chạy tới cửa để bất chợt gặp lại Skouratov nơi đó. Kaliayev lùi lại phía sau, nhắm mắt lại. Im lặng. Kaliayev lại mở mắt ra nhìn Skouratov. KALIAYEV: - Tôi đang cần ông. SKOURATOV: - Anh thấy rõ là tôi hài lòng. Chi vậy? KALIAYEV: - Tôi thấy lại cần phải khinh bỉ. SKOURATOV: - Đáng tiếc! Tôi tới để đợi anh trả lời đề nghị của tôi. KALIAYEV: - Bây giờ ông có rồi đó. SKOURATOV: đổi giọng – Chưa, tôi chưa nhận được câu trả lời. Anh hãy nghe cho rõ. Tôi đã làm cho cuộc gặp mặt giữa anh và bà công tước được dễ dàng để ngày mai có thể đăng tin này lên trên các báo. Bài tường thuật sẽ thật chính xác, ngoại trừ một điểm. Bài đó sẽ ghi chép lời thú nhận ăn năn bối cảnh của anh. Các bạn anh sẽ nghĩ là anh đã phản bội họ. KALIAYEV: điềm tĩnh - Họ sẽ không tin đâu. SKOURATOV: - Tôi sẽ chỉ ngưng không cho bài báo đó nếu anh chịu thú tội. Anh còn có một đêm để quyết định. Skouratov leo trở lên phía cửa. KALIAYEV: lớn tiếng hơn - Họ sẽ không tin bài báo đó đâu. SKOURATOV: quay lại - Tại sao? Họ không phạm tội bao giờ sao? KALIAYEV: - Ông không biết lòng thương yêu của họ. SKOURATOV: - Không. Nhưng tôi biết người ta không thể tin cậy ở tình huynh đệ trong suốt một đêm dài, mà không có lấy một phút nản lòng. Tôi chờ đợi phút yếu đuối đó. (Skouratov khép cánh cửa phía sau lưng lại.) Anh đừng hấp tấp. Tôi là người kiên nhẫn. Hai người vẫn còn đối diện.