Bộ phim truyền hình nhiều tập Ô- Sin của Nhật Bản chiếu trên màn ảnh nhỏ của ta có nhiều cảnh mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tôi nhớ đoạn bà Cô- Nin dạy đứa cháu nội tên là Cai- Ô. Ngày đầu năm học, cô bé đòi cha mẹ phải may đồ tây và sắm giầy da cho cô. Bà Cô- Nin kiên quyết không cho cha mẹ cô gái thực hiện yêu cầu đó với lý do "được đằng chân nó sẽ lân đằng đầu". Cô bé liền phản đối bằng cách nghỉ học và dọa sẽ nhịn ăn. Bà Cô- Nin kiên quyết không nhượng bộ. Tuy vậy bà vẫn ngầm sai Ô- Sin nấu sẵn nồi cơm độn củ cải. Cuối cùng không chịu nổi cái bụng đói, cô bé đã phải chịu ăn cơm. Nhưng cô đã không ăn nổi bát cơm độn đó. Bà Cô- Nin bèn bảo Ô- Sin kể về những ngày gian khổ vừa qua của mình cho Kai- Ô nghe: " Đến cơm độn cũng chẳng mấy khi tôi được ăn"!Không ngờ câu chuyện ấy đã tác động đến Cai- Ô khiến cô bé không những " biết" ăn cơm độn mà còn từ bỏ được ý nghĩ đua đòi may quần tây với giầy da này nọ...Xem phim lại nhớ đến một chi tiết báo chí vừa nêu. Năm 1994, ngân sách dành cho giáo dục cả nước ta là 4000 tỷ đồng. Vậy mà số tiền dùng để sửa ôtô con của các cơ quan nhà nước đã lấy đi từ ngân sách tới 1500 tỷ đồng. Thật là một con số... buồn. Từ đấy tôi cứ vẩn vơ nghĩ rằng "Giá các vị thủ trưởng nói trên có được sự suy nghĩ như cô bé Cai- Ô trong phim! Tức là khi thấy hiện nay trên toàn quốc nạn thiếu trường thiếu lớp đang còn trầm trọng, những phòng học như cái nhà của chị Dậu ngày trước vẫn còn nhan nhản... thì hãy sẵn sàng từ bỏ cái sự đua đòi kia đi. Rất may là Nhà nước ta đã có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn kịp thời. Cuộc tổng kiểm kê xe công của cơ quan dưới 15 chỗ ngồi bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-9-1995 là một trong những biện pháp đó.Nghe mà thấy vui. Chỉ mong sao các cơ quan có thẩm quyền thực thi biện pháp trên hãy kiên quyết như bà Cô- Nin đối với đứa cháu Cai- Ô của mình. Có vậy những ngày tới con em chúng ta mới có những nơi "trường ra trường, lớp ra lớp".