Dịch giả: Nguyễn Duy Chính
Hồi 30(a)
HUY SÁI PHỌC HÀO ANH

Bề ngoài phiêu dật tiêu dao,

Ra tay một mẻ ai nào thoát đâu.
Gặp khi tụ hội anh hào,
Tâm cơ bố trí cũng sao cho vừa.
°
° °

Một hồi sau, mọi người bỗng ngửi thấy một mùi hương thơm thoang
thoảng, Huyền Nạn kêu lên:
- Địch nhân phóng độc, mau nín thở, ngửi thuốc giải ngay.
Thế nhưng một hồi lâu không thấy có gì khác thường, ngược lại đầu
óc tỉnh táo, dường như mùi hoa thơm không có chất độc gì cả. Người ở
bên ngoài nói:
- Thất tỉ đến đấy ư? Trong nhà ngũ ca có một quái nhân, dám tự
xưng là An Lộc Sơn.
Có tiếng đàn bà đáp:
- Chỉ riêng đại ca là chưa đến. Nhị ca, tam ca, tứ ca, lục ca, bát đệ,
tất cả cùng ra mặt đi thôi.
Bà ta vừa dứt lời bên ngoài cửa đột nhiên sáng lòa, ánh sáng kỳ dị
chiếu vào năm người đàn ông, một người đàn bà. Một ông già râu đen
lớn tiếng nói:
- Lão ngũ, sao chưa chịu ra?
Trong tay ông ta cầm một phiến gỗ hình vuông, người đàn bà là một
mỹ phụ trung niên, trong bốn người còn lại hai người ăn mặc theo lối
nho sinh, một người trông như thợ mộc, tay cầm búa ngắn, vai đeo cưa.
Còn một người mặt xanh nanh vàng, tóc đỏ râu xanh, hình dáng thật là
dữ dằn dễ sợ như yêu quái, trên người mặc cẩm bào sáng lấp lánh.
Đặng Bách Xuyên chăm chú nhìn, biết ngay là mặt người đó vẽ
bằng màu chứ không phải có dị tướng, y ăn mặc chẳng khác gì một
phường tuồng trên sân khấu, người vừa mới đóng cả hai vai Đường
Minh Hoàng lẫn Mai Phi hẳn phải là y bèn lớn tiếng nói:
- Xin hỏi tôn tính đại danh của chư vị, tại hạ là Đặng Bách Xuyên,
môn hạ nhà Cô Tô Mộ Dung.
Bên kia còn chưa kịp trả lời, từ trong đại sảnh một bóng đen đã lao
ra, ánh đao lấp loáng, nhắm ngay người kép hát chém liên tiếp bảy
nhát liền, chính là Nhất Trận Phong Phong Ba Ác. Người kép hát kia
không kịp đề phòng, né đông tránh tây, tình thế cực kỳ luống cuống.
Bỗng nghe y hát rằng:
Khí cao ngất trời chừ... sức bạt núi
Thời thôi chẳng còn chừ... ngựa chồn chân
Ngựa chồn chân chừ... đành...Thế nhưng thế công của Phong Ba Ác thật gấp gáp, câu thứ ba y hát
chưa hết thì không còn tiếp được nữa. Người râu đen liền mắng:
- Hán tử kia quả thực vô lý, vừa xông lên đã chém ngang chém
dọc, hãy nếm một chiêu Đại Thiết Võngcủa ta nào!
Chiếc bản vuông trong tay y liền vung ra, nhắm ngay đầu Phong Ba
Ác đập xuống. Phong Ba Ác trong bụng nhủ thầm: “Ta xưa nay đánh
nhau hàng mấy trăm trận lớn nhỏ nhưng chưa thấy ai dùng một phiến
gỗ vuông làm khí giới bao giờ”. Đơn đao y liền vung lên chém xuống
bản gỗ. Nghe keng một tiếng, lưỡi đao đụng phải cạnh phiến gỗ, nhưng
phiến gỗ không hề suy suyển, thì ra phiến vuông đó trông tưởng bằng
gỗ nhưng lại bằng thép, bên ngoài sơn giả như thớ gỗ mà thôi.
Phong Ba Ác lập tức thu đao, đang định chuyển thế chém tiếp ngờ
đâu cánh tay giựt lại nhưng đơn đao không kéo về được, lưỡi đao đã bị
thiết bản hút dính cứng. Phong Ba Ác hoảng hồn, vận kình giựt lại, lúc
ấy mới tách được đơn đao khỏi bản thép, quát lên:
- Thật là tà môn! Cái bửng sắt của ngươi làm bằng từ thiết phải
không?
Người kia cười đáp:
- Xin lỗi! Đây là món kiếm cơm của lão phu mà.
Phong Ba Ác trong một thoáng đã nhìn thấy trên phiến sắt đường
dọc, đường ngang rất nhiều vạch thẳng, hóa ra đó là một bàn cờ vâybèn nói:
- Lạ lùng thật! Để ta đấu với ngươi.
Y tiến đao như gió, càng đánh càng nhanh, có điều lưỡi đao không
dám để chạm vào bàn cờ bằng nam châm kia. Người kép hát thở hắt ra
một hơi, cất giọng ồm ồm hát:
Ngựa chồn chân chừ... đành chịu vậy
Ngu Cơ nàng ơi chừ... biết cho chăng?Đột nhiên y chuyển sang giọng đàn bà, õng ẹo ỏn thót:
Đại vương ơi! Chớ có ưu phiền,
Trận Cai Hạ hôm nay bất lợi.
Tiện thiếp sẽ một lòng một dạ,
Cùng chàng giục ngựa phá trùng vi.
Bao Bất Đồng quát lên:
Sớm biết phận hãy mau mau tự sát.
Mụ Ngu Cơ vợ Sở Bá Vương ơi,
Đừng để mỗ phải ra tay tru diệt,
Hàn Tín này có giết cũng hoài hơi.
Y tung mình nhảy ra vươn tay chộp vào vai gã kép hát. Người đóng
trò hạ vai xuống tránh qua hát tiếp:
Gió bão bùng chừ... mây vần vũ
Không lẽ...
- Ối chao, ta là Hán Cao Tổ giết Hàn Tín đây.
Y đưa tay mò vào thắt lưng lấy ra một cây nhuyễn tiên, soạt một
tiếng đã nhắm vào Bao Bất Đồng đánh tới. Huyền Nạn thấy mấy người
này đánh nhau tưởng như trò trẻ nhưng hai bên võ công đều cao cường,
mình chẳng biết lai lịch đối phương là ai, ông hơi nhíu mày, quát lên:
- Chư vị tạm ngừng tay, trước hết hỏi cho minh bạch đã.
Thế nhưng muốn Phong Ba Ác ngừng đấu thì quả là khó khăn vô
cùng, y biết rằng bị trùng phải hàn độc rồi, thể lực kém xa bình thường,
nhưng hàn độc tùy thời mà phát, cực kỳ nguy hiểm, thành thử thanh
đơn đao của y múa như gió táp mưa sa, mong thắng đối phương càng
sớm càng tốt.
Trong tiếng người hò hét giao đấu, đại sảnh lại xuất hiện thêm một
người, loảng xoảng loảng xoảng, hai thanh giới đao chạm nhau cực kỳ
uy phong, chính là Huyền Thống. Ông quát lớn:
- Bọn chúng bay là đám gian đồ bày độc kế hại người, hôm nay
lão tăng đại khai sát giới.
Ông suốt mấy hôm nay bị hàn độc hành hạ, tức tối không có chỗ
phát tiết, lúc này chẳng cần hỏi han gì nữa, song đao vung tới chém hai
người ăn mặc theo lối nho sinh kia. Một người né qua tránh được, còn
người kia thò tay vào túi, lấy ra một món binh khí hình phán quan bút,
thi triển tiểu xảo công phu đấu với Huyền Thống.
Người nho sinh kia lắc đầu chép miệng:
- Lạ thật! Người xuất gia sao nóng tính đến thế, không biết thế thì
tu ở chỗ nào?
Y cũng thò tay vào túi mò mò, thảng thốt kêu lên:
- Ủa, đâu mất rồi?
Y hết thò tay vào túi bên phải, lại mò vào túi bên trái, rũ rũ tay áo,
vỗ vỗ trên ngực, nhưng không cách nào tìm ra. Hư Trúc nổi tính hiếu
kỳ, hỏi:
- Thí chủ kiếm gì đó?
Nho sinh kia đáp:
- Vị đại hòa thượng này võ công cao cường quá, người anh em ta
đánh không lại nên ta muốn lấy binh khí ra để lấy hai đánh một, ủa, lạ
nhỉ, binh khí của ta đâu mất rồi?
Y gõ gõ trên trán, cố gắng nhớ lại, Hư Trúc nhịn không nổi cười bật
lên một tiếng nghĩ thầm: “Ra trận muốn đánh nhau mà lại quên không
biết để binh khí chỗ nào quả là thú vị”. Y bèn hỏi:
- Thí chủ dùng binh khí gì thế?
Nho sinh đáp:
- Người quân tử tiên lễ hậu binh, binh khí thứ nhất của ta là một
bộ sách.
Hư Trúc hỏi:
- Sách gì thế? Võ công bí quyết chăng?
Nho sinh đáp:
- Không phải, không phải. Đó là bộ Luận Ngữ. Ta muốn đem lời
của thánh nhân ra cảm hóa đối phương.
Bao Bất Đồng liền chen vào:
- Ngươi là học trò, đến Luận Ngữ cũng không thuộc, thì còn học
với hành gì?
Nho sinh đáp:
- Lão huynh mới chỉ biết một mà không biết hai. Nói đến Luận
Ngữ, Mạnh Tử, Xuân Thu, Thi Kinh thì ta thuộc như cháo chảy, có điều
đối phương là đệ tử Phật môn, đọc kinh thì nhiều nhưng sách vở nhà
nho chắc gì đã đọc, ta có nói ra, nếu như y không biết thì cũng vô ích
thôi! Thành thử ta muốn đem sách giở cho y xem, y mới không cãi
chầy cãi cối được, thế mới hiệu quả. Người đời thường bảo, nói phải có
sách, mách phải có chứng.
Y vừa nói vừa mầy mò khắp người để kiếm cuốn sách. Bao Bất
Đồng kêu lên:
- Tiểu sư phụ, mau đánh y đi.
Hư Trúc nói:
- Để vị thí chủ kia tìm ra binh khí đã, lúc đó mình động thủ cũng
chưa muộn.
Người nho sinh nói:
- Hai nước Tống Sở đánh nhau ở chỗ nước sâu, quân Sở qua sông
chưa xong, hàng ngũ chưa tề chỉnh, chính là lúc nên đánh nhưng Tống
Tương Công nói: “Đánh lúc này không phải là người quân tử”. Tiểu sư
phụ có bụng dạ như thế, quả là đã học được tấm lòng nhân của Tống
Tương Công.
Người trông như thợ mộc thấy song đao của Huyền Thống múa tít
lên, chém trên lia dưới, chiêu số cực kỳ độc địa, sách giải thêm mấy
chiêu nữa e rằng thư sinh cầm phán quan bút có thể mất mạng được,
bèn múa búa xông lên trợ chiến. Công Dã Can lập tức nhắm vào y
đánh vù ra một chưởng. Công Dã Can trông vẻ người nho nhã nhưng
chưởng lực thật hùng hồn, đã được gọi là “Giang Nam đệ nhị”, hôm
trước cùng Tiêu Phong tỉ thí uống rượu và chưởng lực, tuy thua đấy
nhưng Tiêu Phong vẫn phải kính trọng y, đủ biết nội lực và tài nghệ
không phải bình thường. Gã thợ nghiêng qua tránh được, vung búa
chém trả lại.
Người nho sinh tuy không tìm thấy quyển Luận Ngữ nhưng thấy
đồng bạn cầm phán quan bút chiêu pháp bắt đầu hỗn loạn, xem ra
chống không nổi song đao của Huyền Thống đại sư, bèn nói với Huyền
Thống:
- Này! Đại hòa thượng, đức Khổng Tử có nói rằng: Quân tử vô
chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị. Ông
chăm chăm định giết tứ đệ của ta, thế đâu còn là nhân nữa. Nhan Uyên
hỏi điều nhân, đức Khổng Tử trả lời: Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất
nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ qui nhân yên. Phu tử lại nói rằng: Phi
lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. Ông múa
đao loạn cả lên, hung hăng chỉ chăm chăm định giết người, hành động
như thế sao gọi là “khắc kỷ” được? Như thế thật là “phi lễ”.
Hư Trúc quay sang hỏi nhỏ nhà sư Tuệ Phương đứng bên cạnh:
- Sư thúc thử nghĩ người này ngớ ngẩn giả hay thật?
Tuệ Phương lắc đầu:
- Ta cũng không biết. Lần này ra khỏi chùa, sư phụ có dặn ai nấy
phải cẩn thận, trên giang hồ người người gian trá, trò quái quỉ gì cũng
có thể làm được cả.
Gã đồ gàn kia lại nói với Huyền Thống:
- Đại hòa thượng, Tử viết: Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả tất hữu
nhân. Ông dũng cảm thì có đấy nhưng chắc gì đã có lòng nhân, không
phải là người quân tử chân chính. Đức Khổng tử có nói rằng: Kỷ sở bất
dục, vật thi ư nhân. Nếu người ta giết ông ông có chịu không? Nếu
bản thân ông không muốn chết, sao lại muốn giết người khác?
Huyền Thống xông tới nhảy lui, múa đao vùn vụt, thế nhưng gã đồ
gàn đó tránh đông né tây, khi trái khi phải, khi nào cũng cách ông
chừng ba thước, mồm thì khuyên nhủ đủ biết võ công không phải tầm
thường. Huyền Thống ngầm cảnh giác: “Gã này lải nhải lăng nhăng,
hẳn là để cho ta phân tâm chờ sơ hở là xông ngay vào. Người này võ
công còn cao hơn tên cầm phán quan bút, không thể không phòng bị”.
Ông nghĩ như thế nên tinh thần sáu phần đề phòng gã đồ gàn, chỉ dành
bốn phần tấn công thư sinh cầm phán quan bút mà thôi. Chính vì thế
mà tình trạng thư sinh đỡ hẳn đi.
Lại trao đổi thêm hơn chục chiêu nữa, Huyền Thống bắt đầu nóng
ruột, quát lên:
- Tránh ra!
Ông xoay giới đao lại, dùng cán đao tống vào ngực gã đồ gàn. Ông
nhà nho kia vội tránh ra nói:
- Ta xem đại sư võ công cao cường, ta và tứ đệ hai người đánh
một, cũng chưa chắc thắng nổi ông, nên mới đem lời hay ra khuyên
nhủ, cốt để hai bên bãi đấu. Đức thánh Khổng nói rằng: Sâm hồ! Ngô
đạo nhất dĩ quán chi. Tăng Tử trả lời: Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ
hĩ.. Phàm làm người như chúng ta, cái đạo “ thứ ” kia phải nên giữ
cho kỹ, chớ nên quá ư là ngang ngược.Huyền Thống giận quá, nghe vút một tiếng, vung đao chém ngang,
miệng chửi:
- Trung thứ chi đạo cái gì? Nhân nghĩa đạo đức ở đâu? Thế sao
các ngươi lại bỏ thuốc độc vào trong quan tài để hại người? Lão nạp
nếu sơ ý thì giờ đây đã viên tịch tây qui, còn nghe nhà ngươi nói “kỷ sở
bất dục, vật thi ư nhân” nữa chăng? Thế ngươi có muốn trúng độc mà
chết không cơ chứ?
Gã đồ gàn lùi lại hai bước, ngạc nhiên hỏi:
- Lạ thật! Lạ thật! Ai mà lại bỏ thuốc độc vào quan tài? Ở trong
quan tài ắt phải là những món đồ chôn theo người chết. Đức Khổng tử
có nói rằng: Lý dã tử, hữu quan nhi vô quách.Trong quan tài bỏ
thuốc độc có phải giết chết cả cái tử thi hay sao? Ối chà, không phải,
tử thi vốn chết sẵn rồi còn đâu!
Bao Bất Đồng chen vào:
- Sai bét rồi, không phải vậy! Trong quan tài các ngươi đâu có để
xác chết mà để thuốc độc, cốt là để giết người sống chúng ta đấy chứ!
Người nho sinh gàn dở kia lắc đầu quầy quậy nói:
- Các hạ đem lòng dạ tiểu nhân đo lường bụng người quân tử. Ở
đây đâu có quan tài, cũng chẳng có độc dược.
Bao Bất Đồng đáp:
- Đức Khổng tử nói rằng: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng
dã. Ngươi chính là tiểu nhân.
Y vừa nói vừa chỉ người mỹ phụ trung niên:
- Còn mụ ta là đàn bà, hai người chúng bay quả thực là khó dạy
quá. Lời đức thánh Khổng, không lẽ còn sai hay sao?
Gã đồ gàn sững sờ nói:
- Vương cố tả hữu nhi ngôn tha, lời của nhà ngươi ta không thèm
để ý, cũng chẳng trả lời làm gì.
Nhân lúc Bao Bất Đồng nói chuyện với anh đồ gàn, Huyền Thống
được thể không còn gì nghi ngại, song đao càng đánh ép tới khiến cho
thư sinh cầm phán quan bút phải luống cuống. Gã đồ gàn lạng người
tiến đến bên cạnh Huyền Thống nói:
- Tử viết: Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như
nhạc hà?Đại hòa thượng ơi, người mà bất nhân thì thật kém cỏi quá
lắm.
Huyền Thống bực tức đáp:
- Ta là đệ tử Thích gia, bọn hủ nho các ngươi nói gì thi thư lễ nhạc,
người mà bất nhân, không làm động đến tâm ta được đâu.
Gã nho sinh giơ ngón tay lên gõ gõ vào trán nói:
- Đúng lắm! Đúng lắm! Ta quả là nói toàn những chuyện sách vở
của đám nhà nho, quả đúng là anh đồ gàn. Đại hòa thượng rõ ràng là
đệ tử cửa Phật, ta nói chuyện nhân nghĩa đạo đức Khổng Mạnh, thì
đúng là không đâu với đâu.
Phong Ba Ác đấu với người sử dụng bàn cờ làm khí giới đã lâu
nhưng khó mà thắng được, thời gian càng dài trong bụng thấy ngâm
ngẩm hàn độc bắt đầu tấn công. Bao Bất Đồng đấu với gã kép hát,
thấy đối phương võ công không thật là cao nhưng chiêu số biến hóa lại
cực kỳ phức tạp, khi thì đóng vai Tây Thi, nói năng yểu điệu ỏn ẻn,
chau mày ôm bụng, bước chân uyển chuyển như cánh sen, rõ ra là
phong tư của một tuyệt đại giai nhân, thế nhưng trong nháy mắt lại
đóng vai kẻ thơ túi rượu bầu Lý Thái Bạch, chân nam đá chân xiêu,
say sưa loạng choạng. Cái khéo là y đóng vai trò nào đều có võ công
phối hợp theo, nhuyễn tiên trong tay lúc thì biến thành tay áo của
người đẹp, lúc lại biến thành bút hoa của văn sĩ, khiến cho Bao Bất
Đồng cười không xong, khóc cũng dở, nhất thời không biết phải thế
nào.
Gã đồ gàn tự trách mình một hồi, đột nhiên cất tiếng ngâm lớn:
Ký dĩ xá nhiễm lạc, tâm đắc thiện nhiếp bất?
Nhược đắc bất trì tán, thâm nhập thực tướng bất?Huyền Nạn và Huyền Thống hai người cùng kinh ngạc: “Gã đồ gàn
này quả thực uyên bác, ngay cả mấy câu kệ của cao tăng đời Đông
Tấn Cưu Ma La Thậpy cũng thuộc”. Lại nghe y ngâm tiếp:
Tất cánh không tướng trung, kỳ tâm vô sở lạc.
Nhược duyệt thiền trí huệ, thị pháp tính vô chiếu.
Hư cuống đẳng vô thực, diệc phi đình tâm xứ.- Này đại hòa thượng, hai câu sau là gì thế nhỉ? Ta quên khuấy
mất rồi.
Huyền Thống đáp:
Nhân giả sở đắc pháp, hạnh nguyện thị kỳ yếu.Gã đồ gàn lúc ấy mới cười ha hả nói:
- Đúng quá! Đúng quá! Này đại sư nhà Phật ơi, đấy chẳng nhắc
đến “người nhân” đấy sao? Mọi đạo lý trong thiên hạ, cũng cùng một
dạng. Ta khuyên ông cũng chỉ là quay đầu lại thấy bờ, bỏ dao đồ tể
xuống mà thôi.
Huyền Thống trong lòng thảng thốt, đột nhiên đại triệt đại ngộ, nói:
- Thiện tai! Thiện tai! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà
Phật!
Chỉ thấy loảng xoảng mấy tiếng, hai thanh giới đao đã vứt xuống,
ông ngồi xếp bằng trên mặt nở một nụ cười, đôi mắt khép lại không
nói một lời. Thư sinh kia đang cùng ông ta đấu đến hồi ác liệt, chợt
thấy ông ta làm thế, cũng lại giật mình, tay lăm lăm cầm phán quan bút
nhưng không tấn công nữa. Hư Trúc kêu lên:
- Sư thúc tổ, hàn độc lại phát tác hay sao?
Y đưa tay định đỡ ông ta dậy, Huyền Nạn liền quát lên:
- Không được chạm vào.
Ông đưa tay thăm hơi thở Huyền Thống, thấy hô hấp đã ngừng rồi,
thì ra đã viên tịch. Huyền Nạn chắp hai tay, niệm Vãng Sinh Chú. Các
nhà sư Thiếu Lâm thấy Huyền Thống đã chết rồi, ai nấy khóc ầm lên,
lấy thiền trượng giới đao, toan cùng hai ông nhà nho kia thí mạng.
Huyền Nạn liền nói:
- Ngừng tay! Huyền Thống sư đệ tham ngộ chân như, vãng sinh
cực lạc, như thế là tròn chính quả rồi, các ngươi phải vui mới phải.
Những người đang kịch đấu đột nhiên thấy biến cố đó, ai nấy ngừng
tay nhảy ra ngoài. Gã đồ gàn kêu lên:
- Lão ngũ, Tiết ngũ đệ, mau mau ra đây, có người bị ta khích một
câu mà lăn ra chết đây này. Ngươi Tiết Thần Y cái con mẹ gì mà
không ra cứu người cho mau thì thật chẳng còn ra gì nữa.
Đặng Bách Xuyên nói:
- Tiết Thần Y không có trong nhà, vị tiên sinh đây...
Gã đồ gàn bèn mở toang cửa, ngó dáo dác kêu lên:
- Tiết Mộ Hoa, Tiết lão ngũ, Diêm Vương Địch, Tiết Thần Y, có
mau ra cứu người không nào? Tam ca của ngươi chọc tức người ta đến
chết, người ta không để yên cho bọn ta đâu.
Bao Bất Đồng bực tức nói:
- Ngươi làm cho người ta chết còn giả tảng giở trò gì nữa đây?
Vù một chưởng, y vung tay đánh tới, chưởng trái lại tiếp theo lòn
bên dưới tay phải, sử chiêu Lão Long Thám Châu, chưởng biến thành
trảo nắm râu gã kia. Gã đồ gàn nghiêng qua tránh được, Phong Ba Ác,
Công Dã Can lại nổi hứng lên, chưa chịu ngừng tay lại xông ra đánh
tiếp. Đặng Bách Xuyên quát lớn:
- Ngã này!
Tay trái vươn ra, chộp ngay vào sau lưng người kép hát. Đặng Bách
Xuyên là người đứng đầu trong các thủ hạ của Mộ Dung Cô Tô ở Yến
Tử Ổ, võ công cao cường, nội lực hùng hậu, trên giang hồ tuy danh
tiếng không vang dội nhưng những ai biết đến ông ta đều kính trọng.
Ông ta giơ tay nắm lấy người đóng trò, thuận tay ném xuống. Người
kép hát đó thật là nhanh nhẹn, vai trái vừa chạm đất, lập tức xoay đi
nửa vòng, chân phải quét ngang, đá vào đùi Đặng Bách Xuyên. Thế
đánh đó thật là đột ngột, Đặng Bách Xuyên thân thể to béo nên
chuyển động không được nhanh, xem chừng khó mà tránh né, lập tức
dồn khí xuống hạ bàn, ngang nhiên chịu một đá. Chỉ nghe lắc rắc, trong
hai bắp chân có một người gãy đôi rồi.
Người kép hát lại lăn thêm mấy vòng nữa, ra ngoài xa mấy trượng
rồi quát lên:
Ta chửi là chửi mi,
Này Mao Diên Thọ kia.
Ngươi là đồ gian tặc,
Tàn hại kẻ trung lương,
Ối ối ối,
Cái chân tôi...
Thì ra hai luồng kình lực đụng nhau, người kép hát chịu không nổi,
xương đùi đã gãy lìa. Người đàn bà trung niên xinh đẹp trước sau vẫn
đứng ngoài thản nhiên coi, lúc này thấy người kép hát gãy chân, những
đồng bọn khác cũng bị tấn công thật nguy ngập liền nói:
- Các ông vì cớ gì lại chiếm đóng nhà của ngũ ca ta, chẳng hỏi
đầu đuôi đã ra tay đả thương người là sao?
Bà ta tuy lên tiếng chất vấn đối phương nhưng giọng nói vẫn ôn nhu
dịu dàng. Người kép hát nằm dưới đất, ngửng đầu lên nhìn thấy trước
cửa nhà treo hai cái đèn lồng, kinh hoảng kêu lên:
- Sao thế này? Sao thế này? Tiết công Mộ Hoa chi tang, ngũ ca ta
đã ra người thiên cổ rồi ư?
Người sử dụng bàn cờ, hai nho sinh, người thợ mộc cầm búa và
người đàn bà cùng hướng theo tay y chỉ, thấy hai chiếc đèn lửa đã tắt
từ bao giờ, treo trong đêm tối, mọi người đến cổng nhưng không chú
tâm, mãi đến khi người đóng trò nằm dưới đất lúc ấy mới ngẩng đầu
nhìn ra.
Người kép hát khóc òa lên, hát rằng:
Ca ca ơi!
Anh em ta đào viên kết nghĩa,
Tại cổ thành gặp gỡ một phen.
Mới ngày nào anh quá ngũ quan,
Chém sáu tướng uy danh lừng lẫy...
Khúc đầu y hát là bài ca Khóc Quan Vũ, đến sau tâm tình khích
động, hát không còn ra vần điệu gì nữa. Năm người còn lại nhao nhao
hỏi:
- Ai làm hại ngũ đệ?
- Ngũ ca ơi là ngũ ca, hung thủ giết anh là đứa nào?
- Hôm nay ta và các ngươi phải một phen sống mái.
Huyền Nạn và Đặng Bách Xuyên đưa mắt nhìn nhau, cùng nghĩ:
“Những người này xem ra đều là anh em kết nghĩa của Tiết Thần Y”.
Đặng Bách Xuyên nói:
- Chúng ta có đồng bạn bị thương nên đến đây cầu Tiết Thần Y
chữa trị, nào ngờ...
Người đàn bà ngắt lời:
- Nào ngờ y không chịu chữa, các ngươi liền giết y đi, phải không
nào?
Đặng Bách Xuyên đáp:
- Không...
Chữ “phải” chưa kịp nói ra thì người đàn bà đã phất tay áo, ai nấy
đều ngửi thấy một mùi thơm nồng, đầu óc choáng váng, chân bông
bênh như đi trên mây, đứng không vững nữa. Người mỹ phụ kêu lên:
- Ngã này!
Đặng Bách Xuyên giận quá, quát lớn:
- Hảo yêu phụ!
Ông ta vận sức lên bàn tay, vù một tiếng đánh ra. Người đàn bà
thấy Đặng Bách Xuyên đang loạng choạng, tưởng ông ta đã vào tròng,
ngờ đâu lại còn đủ sức xuất chưởng, đang định nghiêng qua né tránh thì
không còn kịp nữa rồi, chỉ thấy một luồng lực đạo mãnh liệt như bài
sơn đảo hải ập đến, lập tức nghẹn thở, thân hình không còn điều khiển
được nữa bay vụt ra ngoài. Lách cách mấy tiếng, ngực bà ta đã gãy
mấy chiếc xương sườn, chưa rơi tới đất đã ngất đi rồi. Đặng Bách
Xuyên cũng thấy trước mắt tối sầm, ngã lăn ra.
Hai bên mỗi bên ngã một người, những người còn lại đều xông ra
xuất thủ. Huyền Nạn nghĩ thầm: “Việc này bên trong có điều gì thật là
bí mật, trước phải làm sao bắt hết đối phương, có thế mới khỏi thương
vong”. Ông bèn ra lệnh:
- Lấy thiền trượng ra.
Tuệ Kính quay lại cầm chiếc thiền trượng dựa nơi cửa đưa cho
Huyền Nạn. Người thư sinh sử dụng phán quan bút tung mình nhảy tới,
cây bút bên phải điểm vào ngực Tuệ Kính. Chưởng trái của Huyền
Nạn liền đánh ra, tay chưa đến, chưởng lực đã trúng hậu tâm y, gã thư
sinh liền ngã ngay xuống. Huyền Nạn cười một tiếng dài, trượng cầm
trên tay tiến lên hai bước, múa gậy đánh vào người cầm bàn cờ.
Người kia thấy thế đánh thật mãnh liệt, thiền trượng chưa đến mà
trượng phong đã bao trùm thân mình, lập tức vận kình lên cánh tay, giơ
bàn cờ lên chịu đòn, nghe keng một tiếng lớn, đốm lửa bắn ra tứ bề.
Người kia thấy cánh tay ê ẩm, hổ khẩu tay rách toạc. Huyền Nạn nhắc
trượng lên, cả chiếc bàn cờ cũng bị nhấc lên theo. Cái bàn cờ đó từ tính
cực mạnh, trước đây chuyên dùng để hút binh khí đối phương, hôm nay
địch mạnh ta yếu, khiến cho lại bị thiền trượng của Huyền Nạn lấy
mất.
Thiền trượng của Huyền Nạn lại đập xuống đầu người kia, y kêu
lên:
- Cái thế Trấn Thần Đầu lại thêm Ỷ Cái, ta đỡ không nổi.
Y lập tức chạy vọt về phía trước. Huyền Nạn đảo ngược thiền
trượng, quát lên:
- Tên đồ gàn, đến lượt ngươi.
Ông vung trượng đánh quét ngang, uy thế mạnh không gì đương cự
được. Người nho sinh kia đáp:
- Phu tử là bậc thánh nhân cũng phải theo thời. Gió thổi thì cỏ rạp
xuống, nằm xuống thì nằm có sao đâu?
Mấy câu đó nói chưa xong, y đã nằm phục xuống, mấy nhà sư
Thiếu Lâm liền xông tới đè nghiến y lại. Thủ tọa Đạt Ma Viện của
chùa Thiếu Lâm quả nhiên không phải tầm thường, chỉ vừa ra tay đã
đánh ngã ba cao thủ của đối phương. Người cầm búa đang phải đánh
với hai người Phong Ba Ác và Bao Bất Đồng, tránh đông né tây, có
chiều thua đến nơi. Người cầm bàn cờ nói:
- Ngừng lại! Lục đệ, thôi chúng mình chịu thua cho xong, bàn cờ
này không cần phải đi tiếp nữa. Đại hòa thượng, ta hỏi ông, ngũ đệ của
bọn ta phạm tội gì mà các ông lại giết y?
Huyền Nạn đáp:
- Đâu có chuyện đó...
Hai người chưa dứt câu chuyện, bỗng nghe tính tang hai tiếng đàn từ
xa truyền tới. Hai tiếng đàn đó vào tai mọi người, tim ai nấy nhói lên
hai cái. Huyền Nạn còn đang ngạc nhiên, lại nghe thêm hai tiếng đàn
nữa. Lúc này xem chừng đã gần hơn nhiều, tim mọi người thót càng
mạnh hơn, Phong Ba Ác thấy trong lòng buồn bực, tay phải lơi ra, nghe
keng một tiếng, đơn đao đã rớt xuống. May nhờ có Bao Bất Đồng xuất
chưởng ra đỡ không thì búa của địch nhân đã chém xuống đầu vai y.
Gã đồ gàn kêu lên:
- Đại ca đến mau, mau lên! Thôi đừng có chướng nữa! Sao đại ca
vẫn còn ung dung đàn địch cái quái gì? Tử viết: Quân mệnh triệu, bất
hậu giá hành hĩ.Tiếng đàn liên tiếp vang lên, một ông lão mặc áo tay rộng phất phơ
chậm rãi đi tới, đầu cao trán dồ, hình thù lạ lùng cổ quái, miệng cười
khì dung mạo đầy vẻ hòa nhã dễ thân, trong tay ôm một cỗ dao cầm.Bọn gã đồ gàn cùng kêu lên:
- Đại ca!
Người đó đến gần, ôm quyền chào Huyền Nạn nói:
- Vị cao tăng nào của Thiếu Lâm ở đây thế? Tiểu lão nhi thật là
thất lễ.
Huyền Nạn cũng chắp tay đáp:
- Lão nạp là Huyền Nạn.
Người kia nói:
- Ồ, thì ra là Huyền Nạn sư huynh. Huyền Khổ đại sư của quí phái
có phải sư huynh đệ với đại sư phụ chăng? Tiểu lão nhi với ông ta có
duyên gặp gỡ mấy lần, truyện trò cực kỳ tâm đầu ý hợp, độ này ông ấy
có khang kiện không?
Huyền Nạn buồn bã đáp:
- Huyền Khổ sư huynh bất hạnh bị đứa nghịch đồ ám toán, đã viên
tịch tây qui rồi.
Người kia chết sững một hồi, đột nhiên nhảy vọt lên, phải cao đến
hơn một trượng, chưa rơi tới đất, giữa lưng trời đã khóc òa lên thật là
thảm thiết. Huyền Nạn và bọn Công Dã Can ai nấy kinh ngạc, không
ngờ một người tuổi tác đã cao như thế, vậy mà khóc lóc chẳng khác gì
một đứa trẻ thơ.
Hai chân ông ta vừa chạm đất, lập tức ngồi thụp xuống, tay vặt râu,
hai chân dậm thình thình, khóc lóc:
- Huyền Khổ ơi, sao ông không bảo ta một tiếng rồi hãy chết?
Trên đời này sao lại có chuyện như thế được? Bản đàn Phạn Âm Phổ
An Tấu của ta biết bao nhiêu người nghe rồi nhưng có ai hiểu được đạo
lý bên trong đâu, chỉ mình ông nói được ra rằng trong khúc nhạc này có
chứa rất nhiều thiền ý, đòi nghe hết lần này sang lần khác. Gã Huyền
Nạn sư đệ, chắc gì đã có được ngộ tính như ông, dẫu đàn cho y nghe,
thì khác gì đàn gảy tai trâu, đem hồng ngâm cho chuột vọc. Hu hu, sao
ta khổ thế này!
Huyền Nạn lúc đầu nghe ông ta khóc lóc thảm thiết, lại tưởng là
người chí tính với sư huynh mình, đau lòng vì cái chết của Huyền Khổ,
không khỏi cảm kích, nhưng càng nghe càng không phải, hóa ra y thất
vọng vì trên đời thiếu mất một kẻ tri âm. Tiếng khóc về sau, lại bảo
đàn cho mình nghe có khác gì “đàn gảy tai trâu”. Ông là một cao tăng
hữu đạo nên cũng chẳng bực mình, chỉ mỉm cười nghĩ thầm: “Cả bọn
này người nào cũng dở dở ương ương, người này tính tình tâm sự thật là
ăn khớp với đám anh em kết nghĩa, quả đúng là vật dĩ loại tụ”.
Lại nghe người kia khóc tiếp:
- Huyền Khổ ơi là Huyền Khổ, ta hết lòng tận lực vì người tri kỷ
sáng tác ra một bản đàn để báo đáp chút tình, đặt tên là Nhất Vi Ngâm
để ca tụng thủy tổ của phái Thiếu Lâm từng qua sông bằng một cành
lau, sao ngươi lại không sống mà nghe?
Đột nhiên y quay đầu lại hỏi Huyền Nạn:
- Phần mộ Huyền Khổ sư huynh ở nơi nào? Ông mau mau đưa ta
đến, mau mau! Càng mau càng tốt. Ta đến trước mồ đàn tân khúc này,
biết đâu y nghe rồi trong lòng thoải mái, sống lại không chừng.
Huyền Nạn đáp:
- Thí chủ chớ nên nói năng loạn xạ, sư huynh ta viên tịch đã hỏa
hóa thành tro rồi còn đâu.
Người kia bần thần, đột nhiên nhảy nhổm lên nói:
- Thế thì càng tốt, ngươi cho ta cốt hôi đó, ta dùng keo trộn với tro
dán vào đáy cây dao cầm, từ nay mỗi khi đàn một bản nào, y cũng đều
được nghe cả. Ngươi thử nghĩ thế có khéo không? Ha ha! Ha ha! Chủ ý
đó hay nhỉ?
Y càng nói càng cao hứng, nhịn không nổi vỗ tay cười ha hả, đột
nhiên nhìn thấy người đàn bà xinh đẹp nằm gục một bên kinh hoảng
kêu lên:
- Ối, thất muội sao vậy? Ai đả thương cô thế?
Huyền Nạn nói:
- Việc này bên trong có chỗ hiểu lầm, bọn ta đang muốn nói năng
cho rành mạch.
Người kia đáp:
- Hiểu lầm thế nào? Ai hiểu lầm? Nói gì thì nói, người đả thương
thất muội không phải là người tốt. Ối trời, bát đệ cũng bị thương nữa,
người đả thương bát đệ cũng không thể là người tốt được. Sao lại tới
mấy người không tốt? Mọi người báo danh tính đi, rồi cho biết ý kiến,
điều đó đã hẳn rồi.
Người kép hát nói:
- Đại ca ơi, bọn họ giết chết ngũ ca, đại ca mau mau trả thù rửa
hận cho anh ta.
Gương mặt của người đánh đàn biến đổi kịch liệt, kêu lên:
- Có chuyện đó sao? Lão ngũ là Diêm Vương Địch, Diêm La
Vương làm gì được y?
Huyền Nạn đáp:
- Tiết Thần Y chết giả đó, trong quan tài chỉ có độc dược, không
có xác người.
Cả bọn phe ông lão đánh đàn đều mừng ra mặt, nhao nhao hỏi dồn:
- Lão ngũ vì cớ gì mà giả chết thế?
- Xác chết bây giờ quàn ở đâu?
- Y chưa chết, lấy đâu ra xác chết bây giờ?
Đột nhiên từ đằng xa có tiếng nhỏ vo ve vọng tới:
- Tiết Mộ Hoa, Tiết Mộ Hoa, sư thúc lão nhân gia của ngươi đã
tới, mau mau ra ngoài nghinh tiếp.
Tiếng nói đó lúc có lúc không, còn cách rất xa thế nhưng vào tai
thật rõ ràng đủ biết người nói câu này nội công thâm hậu không biết
chừng nào. Người kép hát, gã đồ gàn, anh thợ mộc cả bọn kia không
hẹn mà cùng kêu lên kinh hoàng. Ông lão đánh đàn hoảng hốt:
- Ôi thôi, đại họa lâm đầu rồi.
Y dáo dác nhìn quanh, thần sắc cực kỳ sợ hãi miệng lắp bắp:
- Chạy mau kẻo không kịp, mau lên, mau lên, tất cả vào trong nhà
ngay.
Bao Bất Đồng lớn tiếng nói:
- Cái gì mà đại họa lâm đầu? Bộ trời sập hay sao?
Ông già kia run run nói:
- Mau, vào mau! Trời sập cũng không sợ, cái này...
Bao Bất Đồng đáp:
- Xin lão tiên sinh tự tiện, ta không vào đâu.
Ông già kia đột nhiên vung tay phải ra, chộp vào huyệt đạo trên
ngực Bao Bất Đồng. Y ra tay cực kỳ nhanh nhẹn, Bao Bất Đồng không
kịp đề phòng nên bị chế ngự ngay, hai chân rời mặt đất, lập tức bị ông
ta xách lên kéo chạy vào trong nhà.
Huyền Nạn và Công Dã Can đều thật ngạc nhiên, đang định mở
miệng hỏi, người cầm bàn cờ đã nói nhỏ:
- Đại sư phụ, tất cả chúng mình nên vào trong nhà ngay, có một
tên đại ma đầu cực kỳ ghê gớm chớp mắt sẽ đến đây.
Huyền Nạn một thân thần công, trong võ lâm ít người là đối thủ, có
gì mà phải sợ đại ma đầu, tiểu ma đầu? Ông hỏi lại:
- Có một đại ma đầu ư? Kiều Phong chăng?
Người kia lắc đầu:
- Không phải, không phải! So với Kiều Phong còn ghê gớm, tàn
nhẫn hơn nhiều. Đó là Tinh Tú Lão Quái.
Huyền Nạn hơi nhếch mép:
- Tinh Tú Lão Quái ư? Thế thì hay quá, lão nạp đang muốn đi
kiếm y đây.
Người kia nói:
- Đại sư phụ võ công cao cường, dĩ nhiên không sợ. Có điều ở đây
ai ai cũng sẽ bị y giết sạch, còn mình đại sư sống được thôi, thật là từ bi
quá đỗi.
Y nói câu này đầy vẻ châm chọc nhưng thật công hiệu, Huyền Nạn
ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Được rồi, tất cả cùng vào vậy.
Vừa ngay lúc đó, ông già đánh đàn đã bỏ Bao Bất Đồng xuống, từ
trong nhà chạy ra luôn mồm thúc giục:
- Mau! Mau! Còn chờ gì nữa?
Phong Ba Ác quát hỏi:
- Tam ca ta đâu?
Ông già nọ đánh ngược tay trái lại một chưởng, quét ngang má phải
của y. Hàn độc trong người Phong Ba Ác lại vừa phát tác, tưởng chừng
chịu không nổi, thấy ông ta đánh tới, vội vàng hụp xuống. Ngờ đâu
chưởng của ông già nọ chưa hết tay, đột nhiên đổi hướng đánh thấp
xuống, chộp ngay được sau ót Phong Ba Ác, miệng nói:
- Mau, mau đi vào!
Ông ta xách y lên chẳng khác gì một con gà. Công Dã Can tuy thấy
lão già kia xem chừng không có ác ý, nhưng hai người anh em của
mình chỉ một chiêu đã bị chế ngự rồi, lập tức kêu la ỏm tỏi xông lên
toan động thủ. Thế nhưng ông già thân pháp nhanh như gió, đã tới đại
môn. Người thư sinh liền ôm gã kép hát, gã thợ mộc đỡ người đàn bà,
cùng đi vào trong nhà.
Huyền Nạn nghĩ bụng chuyện ngày hôm nay rất nhiều ngụy kế đa
đoan, không nên lỗ mãng làm hỏng việc nên nói:
- Công Dã thí chủ, tất cả cùng vào rồi mình tính sau.
Hư Trúc và Tuệ Phương khiêng xác Huyền Thống, Công Dã Can bế
Đặng Bách Xuyên tất cả cùng tiến vào. Ông già đánh đàn lại ra giục
giã, thấy mọi người đều vào cả, lập tức đóng cổng lại, chặn then cửa.
Người cầm bàn cờ nói:
- Đại ca, cái cổng chính này nên mở ra. Cái đó gọi là thực giả hư
chi, hư giả thực chi khiến cho y không dám ngang nhiên tiến vào.
Ông già kia hỏi:
- Vậy sao? Được, ta nghe lời ngươi. Liệu... liệu có được không?
Giọng nói ông ta dường như không tự tin chút nào. Huyền Nạn và
Công Dã Can hai người nhìn nhau, cùng nghĩ:
- Lão già này võ công cao cường, sao lúc gặp chuyện hoảng hốt
đến thế? Cái cánh cửa này thì đến trộm cướp tầm thường cũng chẳng
coi vào đâu, huống chi là Tinh Tú Lão Quái, đóng hay không đóng
cũng thế mà thôi. Cái điệu này y đã từng bị thua đậm dưới tay Tinh Tú
Lão Quái thành ra kinh cung chi điểu, vừa mới nghe thấy y ở quanh
đây đã hồn vía lên mây.
Ông già kia lại luôn mồm:
- Lục đệ, ngươi tính xem thế nào? Mau nghĩ cách nào coi?
Huyền Nạn tuy công phu hàm dưỡng khá cao nhưng thấy ông ta
cuống quít như thế cũng không khỏi bực mình bèn nói:
- Lão trượng, người đời có câu: Binh đến thì tướng ngăn, nước lên
thì be bờ. Tinh Tú Lão Quái dẫu có ghê gớm tàn ác cỡ nào, bọn chúng
ta liên thủ kháng địch cũng chưa chắc thua y đâu, việc gì mà phải...
mà phải... ờ... mà phải quá lo xa như thế.
Lúc đó trong sảnh đã đốt lên một ngọn đuốc, chỉ trong một thoáng
ông thấy lão già kia thần sắc kinh hoàng đã đành mà cả người đánh cờ,
gã đồ gàn, anh thợ mộc, người sử dụng phán quan bút cả bọn ai nấy
mặt mày đăm chiêu. Huyền Nạn chính mắt thấy những người này võ
công không phải là kém, lại thêm ương ương gàn gàn xem chừng đều
là những hào sĩ phóng khoáng coi thường thế sự, đột nhiên sợ sệt khiếp
đảm tuồng như những kẻ hèn nhát, quả thực không biết nói sao.
Công Dã Can thấy Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác đều khỏe khoắn
ngồi trên ghế, có điều hàn độc phát tác, người run như cầy sấy, lập tức
đỡ Đặng Bách Xuyên lên trên một chiếc ghế khác, cũng may mạch
ông ta vẫn đều hòa, chỉ lơ mơ như người say rượu xem ra không có gì
nguy hiểm.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, một lúc sau người thợ sử dụng đoản
phủ lấy từ trong người ra một cái thước gấp, nhắm nhắm nơi góc nhà,
lắc đầu, cầm cây đèn đi vào hậu sảnh. Mọi người liền đi theo y, thấy
người đó nhìn quanh quất bốn bề tính toán, đột nhiên nhảy lên, vạch
vào xà ngang một cái, lại lắc đầu đi tiếp ra sau, đến trước chiếc quan
tài giả của Tiết Thần Y, nhìn qua nhìn lại, lắc đầu nói:
- Tiếc thay! Tiếc thay!
Ông già đánh đàn hỏi:
- Không dùng được ư?
Người cầm búa ngắn đáp:
- Không được! Sư thúc thể nào cũng nhìn ra.
Ông già đánh đàn giận dữ nói:
- Ngươi... ngươi còn gọi y là sư thúc ư?
Người cầm búa lại lắc đầu, không nói một lời đi tiếp xuống nhà
dưới. Công Dã Can nghĩ thầm: “Người này ngoài việc lắc đầu chắc
chẳng còn biết làm gì khác”. Người thợ lại nhìn góc nhà tính toán, đếm
bước đi, bấm đốt ngón tay, dáng như người đang tính toán việc xây
phòng, đi ra bên ngoài vườn sau. Y cầm cây đuốc, suy nghĩ hồi lâu, đi
đến chỗ đặt một hàng năm cái cối nơi hành lang, lại suy nghĩ một hồi
nữa, vứt cây đuốc xuống, đi tới bên cạnh cái cối đá lớn thứ nhì, bỏ vài
nắm cám và đất vào trong cối, cầm chiếc chày đá ở bên cạnh, bắt đầu
giã, bình một tiếng lại bình một tiếng, chày đá nặng nề rơi xuống cực
kỳ mạnh mẽ.
Công Dã Can thở dài một tiếng nghĩ thầm: “Phen này đúng là số
mình đen như mõm chó, gặp một lũ điên, đến lúc này mà còn rỗi hơi đi
giã gạo. Nếu như giã gạo thì cũng còn được, còn đằng này trong cối
toàn là vỏ trấu với đất bùn, chán thật!”. Một hồi sau, hàn độc trong
người Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác tạm bớt, cũng chạy theo ra hậu
viên.
Bình! Bình! Bình! Bình! Bình! Tiếng chày giã gạo cứ liên miên bất
tuyệt. Bao Bất Đồng nói:
- Này lão huynh, ngươi định giã gạo nấu cơm ăn chăng? Trong cối
có gạo gì đâu! Chi bằng tụi mình cuốc đất lên, bỏ ít hạt lúa vào chờ
cho nảy mạ...
Đột nhiên cách chừng bảy tám trượng nơi góc đông nam khu vườn
hoa có tiếng kẹt kẹt, tuy nhỏ nhưng có chiều lạ lùng. Cả bọn Huyền
Nạn, Công Dã Can theo hướng tiếng động nhìn theo, thấy nơi đó có
bốn cây hoa quế trồng thành một hàng.
Bình một tiếng lại bình một tiếng, người cầm búa vẫn tiếp tục giã
xuống, mà lạ thay, cây quế thứ hai về hướng đông ở bên ngoài mấy
trượng bỗng cành lá dao động, từ từ di chuyển ra bên ngoài. Một lát
sau, mọi người ai cũng thấy rõ, mỗi lần chày nện xuống một cái, cây
quế lại di chuyển một tấc nửa tấc. Ông già đánh đàn reo lên mừng rỡ,
chạy lại phía cây quế kia, nói khẽ:
- Đúng rồi! Đúng rồi!
Mọi người theo ông ta chạy ra, chỉ thấy chỗ cây quế di chuyển ra, lộ
ra một phiến đá lớn, trên thạch bản có cái vòng để cầm tay. Công Dã
Can càng thêm bội phục, lại cũng tẽn tò nói:
- Cơ quan dưới đất này xếp đặt thật là khéo léo, thực khó mà tin
nổi. Vậy mà vị nhân huynh đây trong khoảnh khắc đã phát hiện được
cách mở cơ quan, thông minh tài trí so ra không kém gì người làm ra cơ
quan này.
Bao Bất Đồng nói:
- Sai bét rồi, không phải vậy! Làm sao nhị ca biết không phải
chính y là người làm ra cơ quan này?
Công Dã Can cười nói:
- Ta nói tài trí so ra không kém người làm ra cơ quan này, nếu quả
đúng là y làm ra, tài trí của y lẽ dĩ nhiên không thể kém tài trí của
chính mình.
Bao Bất Đồng vẫn lắc đầu:
- Sai bét rồi, không phải vậy! Không kém nhưng cũng không thể
hơn. Tài trí của y làm sao lại có thể hơn chính mình?
Người dùng búa lại giã thêm độ một chục chày nữa, phiến bửng đá
đã hoàn toàn lộ ra. Người đánh đàn cầm chiếc vòng sắt, kéo mạnh lên
nhưng không chuyển động chút nào, đang tính dùng sức kéo thêm lần
nữa, người cầm búa kinh hãi kêu lên:
- Đại ca! Ngừng tay.
Y tung mình nhảy vào trong một cái cối lớn ở bên cạnh, vén quần
lên, tiểu ngay một bãi đồng thời kêu lên:
- Tất cả mau tới đái vào đây.
Lão già đánh đàn sau phút kinh ngạc, vội bỏ chiếc vòng xuống, chỉ
phút chốc người cầm bàn cờ, gã đồ gàn, người sử phán quan bút thêm
cả ông lão đánh đàn và người dùng búa cùng đái vào trong cối.
Bọn Công Dã Can thấy năm người đó đột nhiên lên cơn dở người
cùng tiểu tiện, ai nấy cười nghiêng ngả, nhưng chỉ trong khoảnh khắc
đều ngửi thấy mùi khét lẹt của thuốc nổ. Người cầm búa nói:
- Được rồi, hết nguy hiểm.
Chỉ có ông già đánh đàn đái lâu nhất, vẫn còn tiếp tục chảy tồ tồ,
mồm lẩm bẩm:
- Đáng chết thật! Đáng chết thật! Ta lại làm hỏng mất một cơ
quan. Lục đệ, nếu không nhờ ngươi phát giác cơ quan sớm thì bọn mình
ai nấy tan xương nát thịt rồi.
Bọn Công Dã Can ai nấy chết khiếp, biết rằng mình vừa mới từ quỉ
môn quan quay về, hiển nhiên bên dưới chiếc vòng sắt có nối với hỏa
thạch, hỏa đao, ngòi nổ nên vừa nhắc lên lập tức đốt cháy dây dẫn hỏa,
thuốc nổ chôn sẵn dưới đó sẽ nổ tung, may nhờ người mang búa ngắn
kia cực kỳ cơ cảnh, tất cả đều đái vào làm ướt sợi dây nên mới tránh
được tai họa.
Người mang búa đi tới bên cái cối đá thứ nhất, dùng sức vần chiếc
cối xoay qua bên phải ba vòng, ngẩng đầu lên, miệng lâm râm khẩu
quyết, tính toán một hồi, lại xoay ngược cái cối qua bên trái sáu vòng
bán nguyệt. Chỉ nghe những tiết ken két liên tiếp, chiếc bửng đá chạy
qua một bên, lộ ra một cái hầm. Lần này ông già đánh đàn không còn
dám ẩu tả xông vào mà quay sang người cầm búa vẫy tay, bảo y đi
trước. Người cầm búa quì xuống quan sát kỹ cái cối đá thứ nhất.
Đột nhiên từ dưới đất có tiếng người chửi:
- Tinh Tú Lão Quái, con bà nhà ngươi, quân đê tiện! Được lắm,
được lắm, rồi ra ngươi cũng kiếm được ta, quả là ghê gớm thật. Ngươi
làm điều càn rỡ, rồi sẽ có ngày bị quả báo. Tới đây đi, mau xuống đây
giết ta đi!
Gã thư sinh, người thợ mộc, anh kép hát cả bọn cùng reo lên:
- Lão ngũ quả nhiên chưa chết.
Ông già đánh đàn gọi lớn:
- Ngũ đệ, bọn ta tới đây.
Tiếng nói dưới hầm ngừng bặt rồi có tiếng kêu lên:
- Quả thực là đại ca đó sao?
Giọng nói đầy vẻ vui mừng. Roạt một tiếng, từ trong hầm một người
chui ra, chính là Diêm Vương Địch Tiết Thần Y. Y có ngờ đâu ngoài
những nghĩa huynh nghĩa đệ còn có rất nhiều người ngoài, không khỏi
kinh ngạc quay sang Huyền Nạn nói:
- Đại sư cũng đến nữa! Những vị này cũng là bằng hữu, phải
không?
Huyền Nạn hơi ngần ngừ rồi đáp:
- Phải, đều là bằng hữu.
Trước đây chùa Thiếu Lâm vẫn cho rằng Huyền Bi đại sư chết về
tay Cô Tô Mộ Dung nên vẫn coi họ Mộ Dung là đại đối đầu. Thế
nhưng lần này ông cùng bọn Đặng Bách Xuyên cùng đi cầu thầy chữa
bệnh, trên đường Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can hết sức giải thích
Huyền Bi đại sư quyết không phải do Mộ Dung công tử ra tay, Huyền
Nạn cũng đã tin đến sáu bảy phần, lại thêm lần này cùng gặp nguy
nan, đồng hội đồng thuyền nên đã coi những người này là bạn. Công
Dã Can nghe ông ta nói thế, quay sang gật gù. Tiết Thần Y nói:
- Nếu cũng là bạn cả thì thật tốt quá, tất cả cùng xuống đây. Xin
mời Huyền Nạn đại sư đi trước.
Tuy ông ta nói thế nhưng vẫn nhanh nhẹn xuống hầm đầu tiên. Một
cái hang tối thui như thế này hẳn là cực kỳ hung hiểm, trên giang hồ
lòng người trá ngụy khó dò, có ai lại dám tin ai nên mình phải xuống
trước, ấy là đạo đãi khách.
Tiết Thần Y tiến vào rồi, Huyền Nạn lúc ấy mới xuống, mọi người
đỡ kẻ bị thương theo sau, cả thi thể của Huyền Thống cũng khiêng nữa.
Tiết Thần Y điều khiển máy móc, phiến đá đóng lại, ông ta lại tiếp tục
vận động nghe có tiếng lẹt kẹt vang lên, mọi người liệu rằng ông ta
đang di chuyển cây quế trở về chỗ cũ.
Ở bên dưới là một địa đạo lót đá, ai nấy phải khom lưng mới đi
được, một lát sau đường hầm rộng hơn dẫn đến một cái hang thiên
nhiên, thêm chừng chục trượng thì tới một thạch động rộng rãi. Bên
cạnh một đống lửa ở một góc là khoảng hai chục người, già trẻ lớn bé
đều có cả. Những người đó nghe thấy tiếng chân người đều quay lại
nhìn. Tiết Thần Y nói:
- Đây đều là người nhà của tại hạ, sự tình khẩn bách nên không
bảo họ ra chào quí vị được, thất lễ xin đừng trách. Đại ca, nhị ca, sao
hai người lại đến đây?
Ông ta không đợi ông già đánh đàn trả lời, lập tức xem xét thương
thế cho mọi người. Người đầu tiên ông ta coi là Huyền Thống, Tiết
Thần Y nói:
- Vị đại sư này ngộ đạo viên tịch, quả là đáng mừng.
Y lại coi đến Đặng Bách Xuyên, mỉm cười nói:
- Phấn hoa của thất muội ta chỉ làm cho người say sưa, một hồi
nữa sẽ tỉnh, không có chất độc.
Người đàn bà trung niên và gã kép hát cũng chỉ bị ngoại thương, tuy
không phải nhẹ nhưng Tiết Thần Y chỉ coi là chuyện nhỏ. Ông ta lại
coi mạch cho Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác, ngửng đầu nhắm mắt lại,
hết sức suy nghĩ. Một hồi sau, Tiết Thần Y lắc đầu:
- Lạ thật! Lạ thật! Ai là kẻ đả thương hai vị huynh đài này?
Công Dã Can đáp:
- Là một thanh niên hình mạo cực kỳ cổ quái.
Tiết Thần Y lắc đầu:
- Thanh niên ư? Người này võ công bao gồm cả sở trường hai bên
chính tà, nội công thâm hậu, ít nhất cũng phải có ba mươi năm tu tập,
sao lại còn là thanh niên được?
Huyền Nạn đáp:
- Quả thực là một thanh niên nhưng chưởng lực hùng hậu, Huyền
Thống sư đệ của ta đối chưởng với y, cũng bị hàn độc mà bị thương. Y
là đệ tử của Tinh Tú Lão Quái.
Tiết Thần Y kinh hoảng hỏi lại:
- Đệ tử của Tinh Tú Lão Quái mà lợi hại đến thế sao? Ghê gớm
quá!
Ông ta lắc đầu:
- Thật xấu hổ, hàn độc của hai vị huynh đài này, tại hạ không có
cách nào chữa được. Hai tiếng Thần Y, từ nay không còn dám xưng
nữa.
Đột nhiên nghe tiếng một người nói oang oang:
- Tiết tiên sinh, nếu đã thế, chúng tôi xin cáo từ.
Người đó chính là Đặng Bách Xuyên, ông ta bị phấn hoa làm mê
man, lúc này đã tỉnh lại rồi, nghe Tiết Thần Y nói mấy câu sau cùng.
Bao Bất Đồng cũng phụ họa:
- Đúng thế! Đúng thế! Trốn ở dưới cái hang này làm gì? Đại
trượng phu sinh tử hữu mệnh, lẽ nào lại theo cái thói của con rùa con
chuột, chui dưới cái hang hay sao?
Tiết Thần Y cười nhạt:
- Thí chủ quả là khoa trương. Liệu ngươi có biết ở ngoài đó là ai
không?
Phong Ba Ác đáp:
- Các ngươi sợ Tinh Tú Lão Quái chứ ta cóc sợ. Thật uổng thay
những người võ công cao cường mà mới nghe cái tên của Tinh Tú Lão
Quái đã kinh hồn bạt vía.
Ông già đánh đàn nói:
- Đến ta ngươi đánh còn chưa lại, Tinh Tú Lão Quái là sư thúc của
ta, ngươi nghĩ y lợi hại hay không nào?
Huyền Nạn vội nói lảng sang chuyện khác:
- Những điều lão nạp trông thấy, nghe thấy hôm nay, thật nhiều
chỗ không hiểu, đang muốn thỉnh giáo.
Tiết Thần Y nói:
- Chúng tôi sư huynh đệ tám người, xưng là Hàm Cốc bát hữu.
Ông ta chỉ vào ông già đánh đàn:
- Vị này là đại sư ca của chúng tôi, tôi là thứ năm, còn những việc
khác, một là nói ra thật dài dòng, hai nữa không tiện cho người ngoài
biết...
Vừa nói tới đây, bỗng có tiếng gọi thật nhỏ truyền tới:
- Tiết Mộ Hoa, sao ngươi chưa ra gặp ta?
Thanh âm đó mong manh như tơ, tưởng chừng chỉ loáng thoáng nghe
thấy nhưng người ở trong hang sâu vẫn nghe thật rõ ràng, tựa hồ một
sợi dây kim loại thật nhỏ, xuyên qua đất dày hơn chục trượng mà
xuống, lại cũng như theo đường hầm quanh co mà chạy vào tai mỗi
người.
Ông già đánh đàn kêu lên một tiếng, nhảy nhổm lên run run nói:
- Tinh... Tinh Tú Lão Quái!
Phong Ba Ác lớn tiếng:
- Đại ca, nhị ca, tam ca, chúng mình đi ra quyết một phen tử chiến.
Lão già đánh đàn nói:
- Không được đâu, nhất định là không được. Các ngươi ra khỏi đây
dẫu có chết uổng mạng cũng không sao nhưng lại làm lộ cái mật thất ở
dưới đất, trong này mấy chục mạng người cũng sẽ chết vì cái “nhất
dũng chi phu” của các ngươi.
Bao Bất Đồng nói:
- Tiếng nói của y có thể truyền đến tận đây không lẽ không biết
bọn mình chỗ nào hay sao? Ngươi cam nguyện làm con rùa rụt đầu rụt
cổ nhưng y nhất định lôi ngươi ra thì có trốn cũng không được.
Thư sinh sử phán quan bút nói:
- Nhất thời tam khắc y chưa thể vào được, tất cả chúng mình nên
tìm một cách gì cho phải lẽ.
Người cầm búa ngắn hình dáng như thợ thuyền kia trước sau vẫn
không nói năng gì, lúc này mới xen vào:
- Đinh sư thúc tài nghệ tuy cao thật nhưng muốn tìm hiểu được cơ
quan vào địa đạo này, ít ra cũng phải mất hai giờ. Nếu muốn tìm ra
cách tấn công vào lại phải mất thêm hai giờ nữa.
Ông già đánh đàn nói:
- Hay lắm, như thế chúng mình có bốn giờ để bàn tính kế sách, có
phải không nào?
Người cầm búa ngắn đáp:
- Bốn giờ rưỡi.
Ông già đánh đàn ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao lại có thêm nửa giờ là sao?
Người cầm búa ngắn đáp:
- Trong bốn giờ đó, tiểu đệ có thể bố trí ba cơ quan, ngăn trở y
thêm được nửa giờ nữa.
Ông già đánh đàn nói:
- Hay lắm! Huyền Nạn đại sư, một khi đại ma đầu tới đây, anh em
tám người chúng tôi chắc không thể nào thoát khỏi độc thủ của y. Các
vị là người ngoài, một khi đại ma đầu kia chuyên tâm đối phó với bọn
sư điệt, các vị ắt có cơ hội bỏ chạy. Các vị nhất định đừng có ỷ mình
anh hùng hảo hán, tranh đấu với y làm gì. Nên biết rằng người nào
chạy thoát được độc thủ của Tinh Tú Lão Quái cũng đã là anh hùng
lắm rồi.
Bao Bất Đồng đáp:
- Thối quá! Thối quá!
Mọi người hít hít nhưng không ai thấy có gì hôi, ai nấy nhìn Bao Bất
Đồng như dò hỏi. Bao Bất Đồng chỉ vào ông già đánh đàn nói:
- Người này đánh rắm thối quá, chịu không nổi.
Y mới rồi chỉ có một chiêu đã bị người đánh đàn chế ngự, trong
bụng vẫn còn ấm ức, tuy lúc đó là lúc đang bị hàn độc phát tác, chân
tay không có sức, nhưng cũng biết võ công mình kém y xa, đối thủ
càng mạnh y lại càng muốn chửi.
Người sử dụng bàn cờ lườm y một cái nói:
- Ngươi muốn thoát khỏi được bàn tay của đại sư huynh ta cũng đã
không phải dễ, huống hồ gì sư thúc ta võ công gấp mười lần đại sư
huynh ta, như vậy thử hỏi ai mới là người đánh rắm thối?
Bao Bất Đồng đáp:
- Sai bét rồi, không phải vậy! Võ công cao cường với đánh rắm có
liên quan gì đâu. Võ công cao cường không lẽ không đánh rắm? Không
đánh rắm là nhất định phải võ công cao cường hay sao? Khổng phu tử
không biết võ công, không lẽ lão nhân gia là người chuyên đánh rắm...
Đặng Bách Xuyên nghĩ thầm: “Những người này nói không hẳn
hoàn toàn vô lý, Bao tam đệ cùng với họ cãi qua cãi lại chỉ làm hao phí
thời gian”. Y liền nói:
- Lai lịch của chư vị tại hạ chưa được cung kính lắng nghe thành
thử lầm lỡ đã nhiều, đánh nhầm vị nương tử đây, tại hạ muôn phần có
lỗi. Hôm nay nếu cùng chống lại yêu ma, tất cả coi như người nhà. Khi
cường địch tới, thủ hạ Cô Tô Mộ Dung công tử tuy chẳng bằng ai
nhưng bỏ chạy thì quyết không bỏ chạy, nếu quả không chống nổi thì
tất cả chúng ta cũng đành bỏ mạng thôi.