Nghĩ tới kẻ đi chinh phục gặp trăm nghìn sự khó khăn phải giải quyết trên những đất đai mới chiếm cứ, ai cũng thán phục sự nghiệp của Alexandre đại đế. Người trở nên chúa tể Á Châu chỉ trong khoảng mấy năm trời rồi lại chết ngay sau khi chiếm cứ được toàn cõi. Lúc đó ai cũng tưởng toàn cõi sẽ nổi dậy chống đối. Nhưng trái lại những bậc kế vị sau này đều ở lại trị vì yên ổn, không bị một sự phiền toái nào. Về sau có sự phiền toái nào xảy ra cũng là do những người kế vị quá tham vọng tự gây nên.Ở điểm này tôi trả lời ngay rằng những Vương quốc được lưu danh hậu thế đều đã được cai trị theo hai thể thức sau đây:- Hoặc do một Quốc vương cùng với một tập đoàn thuộc hạ thân tín được cắt đặt vào địa vị Tổng Bộ trưởng để giúp Vua cai trị lãnh thổ.- Hoặc do một Quốc vương cùng với bọn các công hầu lãnh chúa ở địa phương. Bọn này tại vị không phải do đặc ân của Quốc vương mà là do truyền thống gia tộc của họ. Bọn này có thuộc hạ quần thần riêng, họ sẵn có một tính ưu ái tự nhiên đối với bá chủ là Quốc vương.Về những nước do một Chúa công độc lực trị vì với sự giúp sức của một bọn cận thần tôi tớ, thì nơi đây uy quyền của Chúa công rất lớn, vì trên toàn cõi chỉ có một mình ông ta được công nhận là bá chủ. Nếu còn có những kẻ khác được dân gian tuân lệnh thì, họ là Bộ trưởng công chức của Chúa công, nhưng họ không được dân chúng yêu mến cho lắm.Những tỉ dụ của hai thể thức chính quyền nói trên ta thấy ngay ở thời đại đương kim, tức Vua nước Pháp và Đại đế nước Thổ. Toàn cõi Vương quốc của Vua Thổ đều do một mình Ngài nắm quyền thống trị. Toàn dân là kẻ tôi đòi, là nô lệ. Lãnh thổ được phân chia làm nhiều khu vực, ở mỗi khu vực Ngài bổ nhiệm một vị Thống đốc. Các vị này bị thuyên chuyển thay thế hoặc bãi chức là do sở thích riêng của Ngài. Trái lại Vua Pháp thì lại có ở xung quanh mình cả một tập đoàn đông đảo các Tiểu vương đã nối tiếp đời đời nắm giữ quyền thống trị những khu vực đất đai riêng. Từ thượng cổ, quyền ấy đã được toàn thể thần dân chấp nhận trong tình lưu luyến. Bọn Tiểu vương đã có sẵn những tước vị những đặc quyền mà nhà Vua không dám mạo hiểm bãi cất của họ đi.Giờ đem so sánh hai thể thức cai trị trên đây, ta sẽ thấy đối phó với chế độ của Vua Thổ, nếu muốn đánh chiếm lãnh thổ của Ngài, ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi đã chiếm được thì dễ giữ binh quyền. Những khó khăn mà ta có thể gặp khi định chiếm đoạt đất đai của Vua Thổ là do những nguyên nhân sau đây:Trước hết trong nước không có những Tiểu vương quê gốc tại xứ đứng lên kêu gọi ngoại nhân tới giúp. Kẻ này cũng không thể mong mỏi bọn cận thần của Đức Vua nổi loạn tạo phản giúp sự xâm lăng được dễ dàng.Sự việc sẽ như thế là vì bọn cận thần đều là thuộc hạ chịu ơn sâu của nhà Vua. Bọn cận thần phản bội dù có bị mua chuộc chăng nữa cũng không lôi kéo nổi dân chúng theo con đường phản loạn. Vậy kẻ nào muốn đánh bại Vua Thổ phải biết trước là sẽ phải đương đầu với những lực lượng đoàn kết chặt chẽ, và chỉ nên tin vào quân lực của mình chứ đừng mong vào sự tan rã của lực lượng đối phương. Và, một khi đã đánh bại được quân lực của nhà Vua rồi thì chỉ còn phải sợ những người trong gia tộc nhà Vua còn sống sót lại. Nếu tiêu diệt hết dòng dõi nhà Vua rồi, thì không còn phải sợ ai nữa, bởi vì còn lại là bọn thần tử thuộc hạ không có uy quyền gì đối với dân chúng nữa. Nếu kẻ thắng, trước đã không mong nhờ tới bọn này giúp đỡ, về sau cũng chẳng phải e sợ gì nữa.Bây giờ ngược lại, ta đề cập đến các nước có chế độ cai trị như kiểu nước Pháp. Kẻ chinh phục có thể để đang xâm nhập vào nước và mua chuộc vài Lãnh chúa. Việc mua chuộc này rất dễ là vì bao giờ cũng sẵn có kẻ bất mãn, những kẻ mong thấy những cuộc đổi mới. Những kẻ này lúc nào cũng sẵn lòng mở cửa thành đón người chinh phục xâm lăng. Nhưng đến khi chiếm đóng đất đai xong rồi mới thấy nhiều sự phiền toái, liên miên xảy ra. Một mặt đối với những kẻ đã đồng tình giúp đỡ mình, một mặt đối với những kẻ bị mình đè nén. Dù cho kẻ chiến thắng đã tiêu diệt đến tận gốc nòi giống nhà Vua, nhưng vẫn còn bọn Tiểu vương, họ có thể nổi lên phát động một phong trào chống đối. Kẻ chiến thắng không sao làm vừa lòng hết mà cũng không sao giết hết họ đi được. Trong tình trạng này chỉ cần một dịp không may xảy ra là kẻ chiến thắng sẽ mất hết những đất đai đã chiếm cứ được trước kia.Bây giờ nên xem xét tới thể thức thống trị Đế quốc cũ của Vua Darius, ta sẽ thấy giống hệt như thể thức của Vua Thổ vĩ đại. Hoàng đế Alexandre chỉ phải kéo quân tới giao chiến và số quân của Daius chết đi, toàn cõi lãnh thổ ngoan ngoãn chịu sự cai trị của Vua Alexandre. Lý do của việc này đã nói tới ở trên. Nếu những người kế vị Vua Alexandre biết hòa hiệp cùng nhau thì họ có thể giữ mãi địa vị thống trị xứ này không khó nhọc gì hết; bởi vì trong toàn quốc không hề xảy ra một cuộc rối loạn nào ngoại trừ những xáo trộn do chính những người kế vị nhà Vua tự gây ra.Nhưng đối những Quốc gia tổ chức như nước Pháp thì kẻ xâm lăng khó lòng mà ngồi yên cai trị được. Do đó ta thấy phát sinh ra những cuộc nổi loạn ở các nước Tây Ban Nha, Gaule, Hy Lạp để chống lại người La Mã và ủng hộ các cựu Chúa địa phương. Trong thời gian dân chúng còn vọng tưởng tới các vị cựu Chúa này, người La Mã không chắc nắm giữ mãi những đất đai mới chiếm được. Nhưng về sau lòng vọng tưởng của dân tắt dần đi, và nhờ sự chiếm cứ lâu năm cùng sức mạnh của Đế quốc, người La Mã trở nên chủ nhân ông chắc chắn yên ổn của những lãnh thổ này. Rồi từ ngày ấy trở về sau những người La Mã cầm quyền cũng có khi tranh giành nhau quyền lợi, mỗi người nắm giữ một phần đất riêng tùy theo thế lực của mình, nhưng họ vẫn cùng nhau chiếm giữ được toàn vẹn các lãnh thổ. Nòi giống các cựu Chúa đã bị tiêu diệt, dân bản xử chỉ còn biết người La Mã là Vương chủ của họ thôi.Vậy những ai suy luận kỹ các sự việc kể trên đây đều không lấy làm lạ khi thấy Đại hoàng đế Alexandre nắm giữ toàn cõi Á Đông được dễ dàng như vậy. Trái lại những kẻ chinh phục khác, chẳng hạn như ông Pyrrhus và nhiều vị khác nữa, muốn nắm giữ được các đất đai chiếm cứ, phải khó nhọc vô cùng. Đó không phải là do lực lượng yếu hay mạnh của kẻ thắng trận, mà là tùy theo từng trường hợp.