Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
Chương VI
PHONG BA DO BÀI MINH LỚP HỌC

(Minh là một thể thơ cổ, ghi chép điều tâm đắc hoặc cần ghi nhớ).

 
Thầy giáo phải đi họp nên tiết thứ tư đổi thành tiết tự học.
Dư Phát ngồi tại chỗ vừa hát ư ử trong họng, vừa đếm tiền. Bàn cậu ta ngồi không biết khóa học sinh nào đã khắc lên đó câu châm ngôn:
Học biển vô bờ, khổ ấy thuyền,
Sách non không lối, gắng là lên.
Dư Phát khắc thêm ở dưới hai câu nữa chẳng ra làm sao:
Biển buôn không bến, tiền: thuyền chở
Túi rỗng đời nay, người khó nên.
_ “Không hiểu sao anh lại thích em… Em có biết anh chờ đợi em?” – Dư Phát vẫn đang hát ư ử.
Liễu Thanh đang đọc cuốn truyện Cho đã đời. Những năm 80, cơn sốt Quỳnh Dao, cơn sốt Sầm Khải Luân đã nguội dần trong đám học sinh trung học. Nghe nói có một cửa hàng sách bán hạ giá cả loạt truyện tình loại này nhưng học sinh trung học không thèm hỏi đến. Rốt cuộc thì không thể thích mãi những cô gái khóc than. Thư viện trường cũng có loại sách này. Một phụ huynh học sinh phát hiện trong số sách loại này mà con giá đang đọc có đóng cả dấu thư viện trường thì thắc mắc, chẳng hiểu ra sao. Thực ra, nếu học sinh mê đọc loại sách này thì không sao mượn được của thư viện mà đã phải mua. Đã mê thì không khống chế nổi. Vả chăng trên thực tế, loại sách ấy cũng chẳng làm sao, đọc nhiều rồi tự nhiên không muốn đọc nữa và càng hiểu rõ loại sách nào thì thích hợp cho mình. Liễu Thanh mải miết đọc, bỗng bật cười lên.
Lâm Hiểu Húc ngồi bàn trên đang ỉu xìu vì một đề bài làm khó, nghe tiếng cười liền quay người lại ngơ ngác nhìn Liễu Thanh:
_ Cậu đang đọc sách sao lại cười được thành tiếng thế?
Trần Minh đang học tiếng Anh. Thật kỳ lạ, ồn như thế mà Trần Minh vẫn học được. Lưu Hạ thì xin chịu. Dư Phát mỗi lúc mỗi ư ử to hơn khiến Lưu hạ ngồi gần đó phải kêu lên:
_ Xin nhờ! Hôm nay trời nóng, không cần đến cậu hạ nhiệt độ đâu.
Dư Phát càng hăng lên, cuối cùng cất tiếng hát.
_ Hát dở ẹt! – Lưu Hạ bịt hai tai - Đồ rê mi mà lại đọc thành một, hai, ba (Nhạc số của Trung Quốc dùng số 1,2,3 thay cho đô rê mi), thế mà còn đòi hát!
_ Cậu hát đi, cậu còn chưa biết hát kia! – Dư Phát quay sang chọc tức, mắt chớp chớp theo nhịp hát.
_ … “Anh có biết em chờ đợi anh?”… - Lưu Hạ cất tiếng hát thật.
_ Thế à? Đợi ở đâu? – Dư Phát cố làm ra vẻ nghiêm trang hỏi lại.
Xung quanh cười ầm cả lên. Người nghe không rõ, hỏi: “Cười cái gì thế?”. Người nghe rõ kể lại, thế là một truyền hai, hai truyền bốn, cả lớp đều cười. Lưu Hạ cáu đến nghiến răng nghiến lợi. Vương Tiếu Thiên trợn mắt nhìn Dư Phát trừng trừng. Dư Phát kêu lên:
_ Có người ghen kia kìa!
Tiếu Thiên đứng bật dậy, Dư Phát kêu toáng:
_ Lưu Hạ ơi, Tiếu Thiên toan đánh mình này!
Mọi người cười ầm ĩ, trong lớp rối tung.
Lớp nào cũng có vài cậu tếu. Lớp 4 khối lớp Mười có Dư Phát đứng đầu. Nói như Tiếu Thiên thì Dư Phát là loại “có sức sống mạnh mẽ”. (Tạm dịch)
Trần Minh đưa mắt liếc Dư Phát. Bạn không thích loại người cười đùa ồn ào như Dư Phát, cảm thấy cậu ta như thằng hề. Trần Minh coi thường Dư Phát, đánh giá Dư Phát thuộc loại “túi đầy, óc rỗng”. Bạn không thích người khác nhắc chung cả hai vì nỗi bạn và Dư Phát là người cùng làng, lại là láng giềng gần gũi. Dư Phát cũng ngứa mắt với loại tự kiêu cô độc như Trần Minh.
Đợi mọi người cười xong, Dư Phát mới lôi ra một tờ giấy, cất cao giọng đọc Bài Minh lớp học:
Điểm không cần cao,
Trung bình là tốt.
Học không cần sâu,
Có phao ắt thoát.
Chỉ ta là nhàn,
Ngay nơi phòng học
Tiểu thuyết truyền cho nhanh,
Tạp chí chăm chú đọc.
Suy nghĩ lúc xem băng,
Tìm tòi khi thí tốt.
Có thể viết thư tình,
Ngủ gà gật.
Chẳng tiếng đọc sách inh tai,
Không cần ôn bài mệt nhọc.
Phòng du lạc đua tranh,
Vũ trường phân xấu tốt.
Lòng nhủ lòng:
“Văn bằng khỉ mốc”.
 
Bài này không biết cậu học sinh trung học nào phỏng theo Bài Minh ngôi nhà nhỏ của người xưa mà sáng tác ra, một tờ báo đăng lên làm “giáo án phản diện”. Dư Phát đọc được, mừng như bắt được vàng, lập tức đem phô tô. Lối “biên soạn” phỏng theo này hiện giờ rất phổ biến và thành hẳn thú chơi.
Nội dung “bài Minh” nói trúng tâm sự của Dư Phát cho nên cậu ta đọc rất truyền cảm. Có bạn nghe không rõ đòi xem bản phô tô. Dư Phát vội nói:
_ Đừng có tranh nhau, chuyền từng người mà đọc.
Đúng lúc truyền tới Lưu Hạ thì có tiếng thì thầm:
_ Ông “đồ cổ” đến đấy!
Phòng học lập tức im phắt, ai về chỗ nấy. “Uy quyền” của thầy Cổ là như vậy. Thầy trưởng phòng giáo vụ bước lên bục giảng.
_ Đây là lớp học, không phải chợ!
Rồi một luồng áh mắt nghiêm nghị quét khắp lớp.
_ Các em không thấy lớp số 3 bên cạnh tự học như thế nào à? Còn các em thì sao? Đều đã lớn mười bảy, mười tám tuổi rồi, có bảo các em, các em nhơn nhơn, ngược lại tôi thấy ngượng.
_ Mười sáu thôi ạ! - Một tiếng nói rất khẽ cải chính điều sai lầm về tuổi, may mà thầy Cổ không nghe thấy.
Thầy Cổ bước đến bàn Lưu Hạ, cầm Bài Minh lớp học lên, hỏi:
_ Em nào đầu tiên truyền bài này?
Không ai lên tiếng.
_ Dư Phát! - Thầy Cổ gọi.
_ Không phải em ạ! – Không khảo Dư Phát đã xưng.
Có tiếng cười khúc khích.
_ Thầy có bảo là em đâu! Thầy hỏi em đang làm gì cơ mà?
_ Đang đọc sách ạ - Dư Phát trả lời rất đàng hoàng.
Lúc này ánh mắt cả lớp đều tập trung vào Dư Phát. Bỗng nhiên, cả lớp cười ầm lên:
Thầy Cổ vẫn nghiêm nghị hỏi:
_ Dư Phát, em có khả năng đặc biệt đấy à?
Dư Phát ngớ người ra rồi nhìn đến bìa sách. Thì ra cậu ta cầm ngược sách, cậu ta cũng không nhịn được cười. Thầy Cổ lột bìa có ghi Giảng văn ra, bên trong là tập tranh biếm họa Lão Tử (Nhà triết học cổ Trung Hoa) do Thái Chí Trung vẽ.
_ Học vấn cao siêu thật! - Lời thầy Cổ có ý vị sâu xa. Thầy lại hỏi, giọng không cao không thấp – Bài “minh” lúc nãy do ai truyền vậy?
Cả lớp im lặng.
_ Tôi hỏi lần nữa, ai truyền bài ấy? - Giọng vẫn không cao không thấp.
Dư Phát đứng lên.
Bạn biết, rốt cuộc bạn không thoát khỏi ánh mắt như tia X quang của thầy Cổ, hơn nữa còn rất sợ cách tính toán thời gian bất chấp lý lẽ của thầy: “Một mình em làm phí phạm năm phút, cả lớp bốn chục học sinh gộp lại là hai trăm phút. Hai trăm phút là năm tiết học, giảng đươc từ hai đến ba bài khóa. Như thế em là kẻ phạm tội!”. Thầy còn dẫn một câu danh ngôn: “Lãng phí thời gian của người khác là cướp của giết người!”. Lối dạy này của thầy có thể áp dụng đối với tiểu học, mà rõ ràng không phù hợp với cơ sở nữa song thầy Cổ vẫn bê nguyên xi.
Quả nhiên đúng như dự liệu, thầy Cổ lại giơ cổ tay lên xem đồng hồ:
_ Xem đây, vì một mình em mất đứt bảy phút, cả lớp bốn chục học sinh, bốn bảy hai mươi tám, đúng 280 phút. Em theo tôi lên văn phòng!
Dư Phát theo thầy Cổ ra khỏi lớp, ưỡn ngực ngẩng cao đầu, dường như không phải bị gọi mà được mời tới văn phòng.
“Học vị” ở trường này của Dư Phát do mua mà có. Ông bô bạn có lắm tiền, mua một chỗ mấy ngàn bạc đối với ông bô mà nói, chỉ như nhổ một sợi lông bò.
_ Dư Phát, em giải thích đi! Vì sao lúc nãy em gây mất trật tự?
_ Dạ, không có ạ.
_ Không ư? Chuyện như vậy thể nào mà em chẳng có phần? - Thầy Cổ không bằng lòng trừng mắt nhìn Dư Phát – Đây là trường trung học Số Chín, cha em mất bao công sức, đâu phải cho em vào trường này để mà chơi? Giúp thầy đi, có được không nào?
Thầy Cổ là người Thượng Hải. Thầy bực lên là tương tiếng Thượng Hải ra. Dư Phát không hiểu “giúp” nghĩa là gì, hỏi lại:
_ Giúp thầy cái gì cơ ạ?
Thầy Cổ dở khóc dở cười:
_ Giúp thầy cố mà học. Học quan trọng như thế nào, em chẳng hiểu chút gì sao?
Dư Phát không nhận thức được tầm quan trọng của việc học, còn tầm quan trọng của tiền thì bạn hiểu sát sạt lắm. Nếu không thế, sao bạn vào được trường trung học Số Chín? Dư Phát không e ngại gì, lắc đầu đáp:
_ Thời đại bây giờ, đọc nhiều sách đến mấy cũng chẳng để làm gì.
Thầy Cổ nhíu mày:
_ Em… sao em lại suy nghĩ thiển cận thế? Chỉ có tiền mà không có kiến thức…
Dư Phát cũng nhíu mày:
_ Thầy ạ, em biết sau đây thầy lại nói “thì kỳ thực là một kẻ nghèo, giàu có mà nghèo”, với lại “sách đến lúc dùng còn tiếc ít”. Mấy câu này thầy nói đến lần thứ tư rồi.
_ Không nên cho rằng đó là những câu cũ rích. Em có bao giờ nghĩ tới việc vì sao cha em mất nhiều công sức để đưa em vào trường này không? Em cũng phải nghĩ như cha em… - Thầy Cổ chỉ nhắc đến đây thôi, đoạn sau không nói nữa.
Dư Phát thấy bực mình. Đoạn sau của thầ lại chẳng đại loại là “nghèo đến mức chỉ còn mỗi tiền thôi” hay sao? Bạn cho rằng câu này thuần túy là của con cáo không ăn được nho nên mới chê nho xanh. Nghèo đến mức chỉ còn tiền cũng hơn nghèo đến mức nồi mâm trống trơn va loảng xoảng. Dư Phát lẩm bẩm: “Ông bô mình sao thế nhỉ? Bây giờ đi đâu người ta cũng nhắc!”.
_ Dư Phát, em không nên quên em vào được trường trung học Số Chín như thế nào! - Thầy Cổ khi nào không biện bác nổi liền đưa con át chủ bài ra, chẳng khác nào Thác Tháp Lý Thiên Vương quăng cái tháp sắt ra vậy.
Thường ngày, Dư Phát chỉ im lặng như mắc nghẹn, song hôm nay bạn vươn cổ lên:
_ Là do ông bô em bỏ tiền ra cho em vào chứ sao! Ông bô em hàng năm nộp cho trường bằng ấy tiền cơ mà! -  Ý tứ trong câu này thật rõ ràng: Dư Phát vào được trường trung học Số Chín là lẽ đương nhiên.
Xem ra chiêu số của thầy Cổ hôm nay không còn hiệu nghiệm.
Thầy Cổ đuối lý phát uất lên. Đối với loại học trò này, thầy Cổ không phản cảm, ngược lại thỉnh thoảng thầy còn gọi tới chuyện trò, mong học trò tiếp thu được ít nhiều. Song bọn chúng chẳng những không nghe mà còn cãi lý.
Vừa lúc ấy chuông tan học reo lên. Khác với lệ thường, thầy Cổ không giữ học trò lại mà phảy tay bảo Dư Phát về.
TIỀN THẬT SỰ VẠN NĂNG SAO?
Nhà Dư Phát ở thôn Cổ Thúy, một phố cổ của Thâm Quyến. Xưa kia không biết vì dân địa phương phát âm không chuẩn tiếng phổ thông hay là có dụng ý khác nên đều gọi là thôn Khổ Thúy – thôn nước đắng. Bây giờ có lẽ trình độ giáo dục được nâng cao, tiếng phổ thông được  phổ cập rộng rãi nên không còn ai gọi là thôn Khổ Thúy nữa.
Trước kia nơi đây rất nghèo, rất nhiều người vượt biên hoặc bằng cách nào đó tới Hồng Kông. Xưa có câu “Kẻ sĩ xa nhau ba ngày thì nên nhìn họ bằng con mắt mới”. Sau khi xây dựng thành đặc khu, nơi đây đổi mới từng ngày, đến nay “phát phì đến mức chảy mỡ”. Nơi đây có câu vè rằng:
Mười vạn đâu phải là giàu
Trăm vạn cũng chỉ bước đầu bậc trung.
Như thế đủ biết tiền gửi của một người dân ở đây phải tới hàng tỉ.
Nhà Dư Phát cũng không ngoại lệ, nhờ chính sách mà phất lên. Gia đình này là một trong số người phất lên đầu tiên, đúng như tên của Dư Phát: phát triển ngày một tăng, càng ngày càng phát.
Khi mới thành lập đặc khu, thôn bán một phần đất cho chính phủ, thế là mỗi nhà được chia đến mấy vạn. Lần đầu tiên dân làng được một khoản tiền lớn đến thế đều tiếc không dám tiêu. Cha Dư Phát thì khác, ông biết buôn bán kiếm được nhiều tiền liền mở một cửa hàng ăn vặt. Lúc đầu chỉ bán ít vằn thắn, cháo lòng, sau đổi thành cửa hiệu ăn. Lập tức “súng kíp đổi sang đại bác”, cửa hiệu mở rộng gấp mấy lần, buôn bán rất phát đạt. Ngẫm nghĩ thấy tên hiệu “Nhà hàng Đại Phát” tầm thường quá, cha Dư Phát đổi thành tên rất mốt là “Nhà hàng Lệ Na”, đồng thời nhà cũng xây tới năm tầng. Theo quy định, dân chỉ được xây cao ba tầng rưỡi, song dân làng hầu như đều xây vượt quy định. Đồ đạc cũ trong nhà thải hết, những đồ sang trọng như thảm, điều hòa… cũng đến nhà họ từ lâu.
Gia đình ba người ở nhà năm tầng, làm sao ở hết cho được? Thế là tầng ba, bốn, năm cho thuê, chỉ riêng tiền cho thuê nhà cũng đã tám chín ngàn một tháng, chẳng phải làm gì cũng đủ ăn đủ mặc.
Gia đình chỉ có một con là Dư Phát nên chịu chi lắm. Con muốn gì là được nấy. Túi quần của Dư Phát căng phồng theo mức căng phồng túi tiền của cha, hoàn toàn theo tỉ lệ thuận. Lúc đầu chỉ có một vài đồng, bây giờ thường xuyên là tờ lớn năm trăm đồng.
Dư Phát học kém khiến người cha buồn bực. Ông này rất mâu thuẫn về tư tưởng. Tuy ông cho rằng học chẳng để làm gì, bản thân ông chưa tốt nghiệp cấp Hai mà giấy bạc chẳng từng nắm từng nắm vơ về đấy thôi! Nhưng khi nghĩ như thế thật, ông lại cảm thấy hố, không vững tâm, huống hồ trong thôn lại có người tài như Trần Minh. Dư Phát hoàn toàn như là cái nền để làm nổi bật Trần Minh, thậm chí trước mặt cha Trần Minh, cha Dư Phát cũng thấy như thấp hẳn một cái đầu.
Dư Phát tính học hết cấp Hai thì thôi không học nữa. Cha bạn hét lên:
_ Mày dám à? Người ta không lo nổi tiền học, tao trả giá cao cho mày học, mày dám không lo à?
Ông lập tức mời mấy thầy về nhà “mài gươm” chuẩn bị xung trận. Thầy Anh, thầy Đại, thầy Lý, thầy Hóa mời đủ, một giờ ba chục tệ. Bình thường kiểm tra nhanh, nếu được bảy điểm trở lên là chẳng những Dư Phát được thưởng mà thầy giáo cũng được thưởng. Mẹ Dư Phát thấy xót của thì ông chồng nói: “Đây là tiền đầu tư cho trí tuệ”. Rồi ông bảo Dư Phát:
_ Cưng này, chịu khó học hai tháng thi đỗ lên trung học, xong rồi cha mua cho cái xe đua!
Người cha động viên con bằng cách ấy.
Dư Phát cũng thật sự yên tâm chăm chỉ học hai tháng, kết quả thi cũng không đến nỗi nào, vào một trường trung học bình thường chẳng có vấn đề gì. Nhưng trường trung học Số Chín ở gần nhà, lại nổi tiếng, thế là cha Dư Phát đến trường Số Chín động viên, xin đầu tư một công xưởng gì đó cho nhà trường, thế là Dư Phát được chiếu cố nhận vào trường Số Chín. Tuy nhiên, học sinh chiếu cố cũng có riêng quy định, đó là không được mắc lỗi, nếu phạm lỗi bị ghi sổ thì phải tự thôi học. Thôi thì mặc kệ quy định, cứ được vào học đã rồi hẵng hay. Cha Dư Phát nói là làm, thưởng luôn cho Dư Phát một xe đua nhập ngoại hơn một ngàn tệ, hơn nữa hễ gặp ai cũng nói: “Con tôi chẳng kém cạnh ai”. Gặp cha Trần Minh, ông cũng nói: “Lần này Dư Phát và Trần Minh cùng đỗ vào một trường trung học. Dư Phát tính nghịch ngợm, nhưng thông minh thì vẫn cứ thông minh đi. Học có hai tháng vào ngay được trường Số Chín…”. Nói như vậy nhiều lần, ông quên khuấy Dư Phát phải xin vào trường Số Chín như thế nào, mà dường như con ông tự thi đỗ vậy. May mà Dư Phát tự biết nhờ ông bô mua bằng tiền. Tuy Dư Phát chưa dám khẳng định “tiền thật sự là vạn năng” song bạn dám khẳng định “không có tiền thì vạn vạn bất năng”.
Lên được phổ thông trung học, ông bô thôi không quản chặt Dư Phát nữa, thế là Dư Phát được chăng hay chớ, ba năm tạm bợ kiếm tờ văn bằng!
 
Nhà Dư Phát thường có người quen đến đánh mạt chược. Trong làng, một số người có tiền cũng suốt ngày đánh mạt chược, kể cả cha Trần Minh. Lời dạy cổ xưa “mặt trời lên đi làm, mặt trời lặn về nghỉ” thì ở nơi đây biến thành “mặt trời lên mới đi nghỉ, mặt trời lặn đi làm”. Hễ ngồi vào bàn mạt chược là dường như họ không phân biệt già trẻ, lớn bé, hò hét không kiêng nể, cười đùa những chuyện “không hợp với trẻ con”. Kể cũng lạ, những điều giảng trên lớp khó khăn lắm mới nhồi nhét được vào óc, còn món mạt chược này không cần thầy dạy cũng tự thông thạo. Hồi học tiểu học, Dư Phát chỉ xem vài lần là hiểu rành rẽ. Thấy người ta đánh, trong lòng ngứa ngáy cũng muốn ngồi vào bàn chơi cho đã, nhưng ông bỏ không cho phép. Hễ thấy Dư Phát mon men đứng cạnh là ông quát:
_ Không phải là món chơi của mày, đi học đi!
Cha càng răn dạy, càng cấm đoán, Dư Phát càng cảm thấy hứng thú. Nếu mạt chược không có sức hấp dẫn, sao có thể khiến người ta đánh suốt đêm đến sáng? Sao có thể khiến họ cười thoải mái đến vậy? Cho nên tuy người ngồi học trong phòng mà hồn thì bay tới bàn mạt chược để cùng tính toán nước chơi với họ.
Có một hôm, một bạn chơi mạt chược vắng mặt, bốn chân thiếu một, không làm sao chơi được.
_ Lại đây Phát, còn thiếu  một chân đây! – Cha Trần Minh gọi.
_ Không ạ, cháu không biết chơi! – Dư Phát làm ra vẻ từ chối, song con mắt lại hướng về cha mình, mong có được tín hiệu đèn xanh ở ông.
Cha Dư Phát không nói một câu, cũng không nhìn bạn. Dư Phát bèn run rẩy ngồi vào bàn. Khi giơ tay ra lấy bài, Dư Phát hồi hộp lắm, song đến mấy lần lấy bài sau, chân tay đã tự nhiên hẳn.
Chiến đèn treo hạ xuống thật thấp, ánh đèn vàng vọt hắt lên những bộ mặt có nét đặc sắc riêng, đồng thời cũng hắt xuống mặt bàn có trải khăn bằng nhung đỏ. Cách bố trí cùng không khí đó dường như sắp xếp riêng cho việc đánh mạt chược. Tám bàn tay xoa bài lách cách dưới ánh đèn mờ mờ. Chiếc đồng hồ vàng và hai chiếc nhẫn kim cương cỡ bự đáng giá mấy vạn tệ lấp lánh trên tay cha Dư Phát, chẳng khác gì ánh đèn lóe sáng qua lại trong phòng nhảy disco. Quân bài bằng ngà đã ngả vàng, Dư Phát cảm thấy niềm đồng cảm, hưng phấn ít khi có.
_ Chát! Thắng rồi! Ha ha ha… - Dư Phát phát hiện ra thiên tài trời cho về mặt này!
_ Khá lắm Phát ạ, bài đánh lên tay như thế, sau này nhất định bản lĩnh hơn ông bô!
Cha Dư Phát vẫn không hé răng nhưng Dư Phát biết, hẳn ông cũng vui lòng hởi dạ.
_ Chơi món này thú hơn học nhiều! – Dư Phát lên giọng phán đoán.
Có lần thứ nhất, ắt có lần thứ hai, thứ ba.
Dư Phát bắt ghiền mạt chược, chẳng còn tâm địa nào làm bài tập, thường xuyên mượn vở của bạn để chép.
Hôm nay Dư Phát bị thầy “Đồ Cổ” thộp cổ. Tuy lần này thầy “Đồ Cổ” chẳng làm gì cậu ta cả, song Dư Phát đoán “trò hay còn ở đoạn sau”.
Quả nhiên, vừa mới đánh được mấy vòng thì thầy Giang “ập” vào.
Những người có mặt đều thấy khó xử, các bạn bài tiu nghỉu cáo từ ra về, miệng lẩm bẩm:
_ Lầm rồi, lầm rồi!
Mẹ Dư Phát vội vàng thu dọn “tàn cuộc”. Người khó xử nhất là cha Dư Phát:
_ Thầy giáo…, chúng tôi… e hèm… chúng tôi….
_ Dư Phát, em ra ngoài một lát, thầy muốn nói chuyện riêng với cha em! - Thầy Giang nhíu mày bảo Dư Phát.
Dư Phát bước ra khỏi phòng, từ cửa sổ nhìn vào trong. Cậu ta nhìn thấy song không nghe thấy gì hết. Ông thầy này rách việc quá, đến thăm gia đình học trò làm cái quái gì! Mà nào có phải tiểu học đâu, đã trung học rồi, lại còn đến thăm gia đình! Không biết thầy nói cái gì với ông bô nhỉ?

HỌC TRÒ NAM CHỞ CÔ GIÁO LÀ CHUYỆN OK
Cô Lan xách một làn thức ăn từ chợ ra, tay trái xách mỏi thì đổi sang tay phải, một lúc lại đổi ngược lại.
Sau khi tốt nghiệp lớp Mười hai, cô giáo Lan dạy phổ thông. Cô thiếu một tờ văn bằng, cảm thấy  như mình thấp hơn người khác ở trong trường. Vì thế, cô chỉ có cách duy nhất là khổ công rèn luyện, dạy sao cho có được học sinh mũi nhọn, cho có được lớp gương mẫu để cô có thể có chỗ đứng trong con mắt đồng nghiệp. Trong cuộc đời dạy học hơn hai chục năm, cô quả đã bồi dưỡng được không ít học sinh ưu tú. Đắc ý nhất là khóa trước, tức khóa có lớp của Trần Minh. Lớp này không những tỉ lệ lên lớp cao mà còn không ít em vào được trường trung học Số Chín.
_ Cô Lan ơi! – Cô Lan nghe tiếng gọi ngoảnh đầu lại.
Dư Phát đi chiếc xe hiệu Con Cừu Nhỏ, lên tiếng:
_ Em chào cô ạ!
_ Em đấy à? Dư Phát cao lớn rồi! Còn Trần Minh thế nào, tốt cả chứ!
_ Trần Minh vẫn thế, vẫn đứng thứ nhất ạ.
Cô  Lan vui vẻ cười:
_ Phát này, em phải học tập Trần Minh, không nên ham chơi.
_ Vâng ạ.
Cô Lan như sực nhớ ra chuyện gì đó quan trọng, lại hỏi:
_ Trần Minh có còn không ăn sáng như trước kia không em?
_ Dạ?
Không ngờ cô Lan lại hỏi về việc đó, Dư Phát không biết trả lời như thế nào.
Trần Minh là học trò cưng của cô Lan. Là thầy cô giáo, không ai không mong mỏi cho học trò mình thành đạt, cô Lan càng mong muốn như thế. Cô cho rằng bồi dưỡng một trăm học sinh giỏi không bằng bồi dưỡng một học sinh xuất chúng, như thế càng tỏ rõ giá trị của cô giáo hơn. Đó là lý luận giáo dục của cô, cho nên cô đặc biệt chú ý đến Trần Minh và cũng khó tránh khỏi thiên lệch. Cô quan tâm đến Trần Minh không chỉ về mặt học tập, mà về đời sống cô cũng hết sức chăm chút. Trần Minh có thói quen không ăn sáng, cô Lan ngày nào cũng kiểm tra, ngày nào cũng đốc thúc, cứ như là cha mẹ Trần Minh vậy. Song Trần Minh lại không hề cảm động, chẳng khác nào câu sau đây trong một bài hát rất phổ biến: “Tôi hết lòng hết sức vì em, sao em không hề cảm động…”
_ Phát này, em về nhớ nhắc nhở Trần Minh, thế nào cũng phải ăn sáng đấy! Ăn sáng cũng tăng thêm chất bổ.
_ Vâng ạ - Dư Phát gật đầu song trong lòng không vui. Khi gặp nhau, người ta thường hỏi chuyện của nhau, làm sao cô giáo cứ nhắc mãi Trần Minh?
Có điều, Dư Phát biết cô Lan là người rất tốt. Trước đây cô Lan hay mắng Dư Phát, bạn cũng thường cãi lại cô song cô vẫn mong mỏi bạn lên được phổ thông trung học như thường. Cô chỉ có hơi thiên lệch. Chẳng thế mà vừa gặp mặt, ai cũng chẳng hỏi thăm, chỉ hỏi thăm mỗi Trần Minh. Ôi, đều trôi qua cả rồi, song cô giáo Lan thật sự là người rất tốt.
Dư Phát chợt nhìn đến làn thức ăn của cô giáo, bèn đỡ lấy đặt ngay lên sau xe không đợi ý kiến cô:
_ Thưa cô, em chở cô về nhé!
Cô giáo hơi khách khí:
_ Không cần đâu, có mấy bước chân là về tới nhà thôi mà!
_ Cô ơi, nếu cô và em đổi giới tính cho nhau, cô lưỡng lự còn có lý, chứ như bây giờ, cô lưỡng lự là không cần thiết.
_ Sao?
_ Nếu em là cô nữ sinh, cô là thầy giáo, em chở cô thì có điều còn khó nói, chứ học trò nam chở cô giáo là điều OK! Thôi cô lên xe đi!
Cô Lan không nhịn được cười khanh khách. Dư Phát thật lắm chuyện buồn cười. Cô ngồi lên xe, nhìn chăm chăm vào lưng Dư Phát, trong lòng bỗng nảy sinh cảm giác có lỗi. Thằng bné Dư Phát này tuy nghịch ngợm nhưng tâm địa rất tốt, thế mà mình đối với nó, dường như chỉ phê bình chứ không khen. Sau khi tốt nghiệp, lại chính thằng Dư Phát này mồm mép dẻo quẹo, cách quãng xa cũng chào hỏi cô, lại còn đến nhà thăm cô nữa. Còn Trần Minh thì mất mặt luôn…
 
_ Mày về nhà làm gì – Ông bô quát.
Dư Phát nín thinh. Bạn biết sau mỗi lần thầy giáo đến thăm gia đình, ông bô đều quát tháo như có ai nợ tiền ông vậy. Lâu dân, Dư Phát cũng cho là chuyện bình thường và chuẩn bị thật đầy đủ về mặt tâm lý. Như lúc này đây, Dư Phát biết không thể cứng, cứng thì ông bô sẽ cho một bạt tai ngay; cũng không thể nhũn, không thể ấp a ấp úng, không thể để ông bô cảm thấy bạn “có tật giật mình”. Bạn phải làm ra vẻ “mất dạy” một chút:
_ Về ngủ! – Dư Phát đáp.
_ Ngủ cái đồ chó chết nhà mày! Mày cứ như thế, sau này xem mày xoay xở thế nào!
Dư Phát nín thinh.
_ Chẳng nên cơm cháo gì! Đồ toi cơm! Mày nhìn thằng con chú Trần ấy, bản lĩnh giỏi giang thế chứ, mát mày mát mặt thế chứ! Còn mày? Sau này rồi cũng đến buôn bán như tao thôi!
_ Buôn bán có gì là không tốt? – Dư Phát lẩm bẩm.
_ Mày… - Ông bô không tìm được từ nào thích hợp liền hầm hầm – Mày… thôi đi mà ngủ cái đồ lợn chết toi nhà mày đi!
Dư Phát rụt đầu rụt cổ bước vào nhà.

 

NGƯỜI SÙNG BÁI LÔI CHẤN TỬ
Lúc này thầy Giang ngổn ngang ý nghĩ. Vấn đề giáo dục thiếu niên, nhất là con cái người địa phương, là một đề tài mới đặt ra.
Thầy Giang nhớ lại hồi còn ở Tây An, thầy từng đọc được một tin trên tờ Tin tham khảo: học sinh người địa phương ở Thâm Quyến có hiện tượng chán học. Bài báo phân tích mấy điểm, trong đó có một điểm là người địa phương sống quá giàu sang, trong khi đó thượng tầng kiến trúc chưa theo kịp; vật chất không đồng bộ với văn hóa khiến trẻ em ở đây bằng lòng với hiện trạng, lười nhác học tập. Ở Dư Phát, điểm này biểu hiện rất rõ, và không thể không có quan hệ ở mức độ rất lớn vớ hoàn cảnh của gia đình. Thầy Giang nhớ lại tình cảnh hồi thầy về nông thôn học tập năm xưa. Tuy đời sống vật chất cực kỳ nghèo khổ song con người kiên nhẫn tìm đến tri thức, hướng tới cuộc đời, theo đuổi lý tưởng. Hành vi cử chỉ của họ hồi ấy là điều mà một số thanh thiếu niên ngày nay chỉ biết yêu một mình mình, chỉ biết kêu gào “buồn khổ”, “thông cảm”, chỉ biết mê mải theo đuổi vật chất, không thể nào hiểu được. Trong con mắt của số thanh thiếu niên này, có lẽ họ cũng chỉ là những Đông Kihote. Nữ văn sĩ Tam Mao từng nói, hai ba chục năm sau, có thể Trung Quốc lại xảy ra sự kiện càng khó tưởng tượng hơn cả “đại cách mạng văn hóa”, đó là sự sa sút về tinh thần của cả một thế hệ.
Đấy là “bệnh thời đại” chăng? Căn bệnh yếu đuối và lười nhác của thời đại chăng? Thật là mối nguy cơ cho tuổi trẻ khiến nhiều người lo lắng.
Thầy giáo Giang cảm thấy có lẽ mình nghĩ hơi nặng nề, nghĩ hơi quá sâu. Có điều, thầy cũng cảm thấy may mà Dư Phát còn tốt bụng. Các cụ nói “con trẻ dạy dỗ được”, như thế là đủ. Bản thân thầy đã được điều tới Thâm Quyến, nơi mà nhiều người gọi là “sa mạc văn hóa” thì thầy cần đem hết sức nhỏ bé của mình để tăng thêm màu xanh cho nơi này. Các em có biết không? Người lớn nhiều khi rất muốn giúp đỡ các em đấy! Thầy Giang nghĩ như vậy.
Thế còn con em của bản địa, người cùng thôn với Dư Phát là Trần Minh? Trần Minh cũng là con người dân đất này, hoàn cảnh gia đình không khác mấy, tuổi như nhau, cùng vào học một trường, nhưng bất kể về phương diện nào, đều không tìm được điểm giống nhau giữa hai bạn đó. Vậy thì nhân tố nào đã gây nên như vậy? Đột nhiên thầy Giang rất muốn tìm hiểu và gần gũi cậu học trò tương đối đặc biệt này.
 
Thầy Giang đi theo hướng người dân trong thôn chỉ lối. Nhà Dư Phát cách nhà Trần Minh chừng trăm mét, chỉ lát sau là tới. Nghe người ta nói dân làng rất coi nhẹ giáo dục, không tôn trọng thầy giáo, nhưng khi thầy đến thăm gia đình Dư Phát thì tình hình không hẳn thế. Có lẽ do nể sợ, họ cung kính với thầy giáo lắm. Còn nhà Trần Minh?
Nhà Trần Minh xây tường vây quanh rất cao, trên đầu cổng có bốn chữ “ra vào bình an” rất bắt mắt. Trong sân nuôi hai con chó giống Đức, mấy chục ngàn tệ một con để ngừa trộm. Có lắm tiền thì cách thức phòng trộm cũng phát triển tương ứng. Chó nòi đúng là chó nòi, thấy người lạ là sủa liền. Một thiếu phụ chừng hai mươi tuổi bế đứa bé bước ra.
_ Hỏi ai thế?
_ Em Trần Minh có phải ở nhà này không à? Tôi là chủ nhiệm lớp em.
_ À, ra là thầy giáo! - Thiếu phụ mở cổng sắt, đưa thầy Giang vào phòng khách – Cha ơi, thầy giáo của em Minh đến thăm.
Cha Trần Minh chuyển ánh mắt từ ti vi sang thầy giáo. Lập tức ông thấy ngượng bởi họ vừa gặp nhau xong, gặp bên bàn mạt chược nhà Dư Phát.
_ Mời thầy giáo ngồi! – Ông này nói tiếng phổ thông cứng ngắc – Cháu Trần Minh có phạm lỗi gì ở trường sao?
_ Không đâu ạ…
_ Học sút kém gì chăng?
_ Không phải…
_ Thế thì thầy giáo đến nhà làm gì?
_ Dạ tôi đến thăm, chủ yếu là muốn tìm hiểu…
Nghe nói vậy, cha Trần Minh tỏ vẻ nghi ngờ, ngắm nghía thầy giáo từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Thầy Giang thầm nghĩ: “Lẽ nào học sinh cứ phải phạm lỗi và học kém thì thầy giáo mới đến thăm nhà?”.
Người thiếu phụ mở cổng lúc nãy bưng ra một chén tra:
_ Mời thầy giáo nhấp trà! - Người Quảng Đong gọi “uống” là “nhấp”, rồi cô này gọi với lên trên gác – Minh ơi, thầy chủ nhiệm tới này!
Cha Trần Minh như sực nhớ ra, nói:
_ Có phải thầy lo Trần Minh cũng đánh mạt chược như Dư Phát phải không ạ? Không đâu, thầy yên tâm đi. Đến tivi cháu cũng không xem đâu…
_ Chào thầy ạ! - Trần Minh lên tiếng chào.
Trần Minh đứng ở cửa cầu thang lầu hai, từ trên cao chào xuống, có phần lãnh đạm, rồi thong thả xuống gác.
_ Thầy tìm em có việc gì ạ?
_ Đến thăm em thôi! Thầy vừa từ nhà Dư Phát sang đây.
_ Thầy đến may quá, em đang muốn hỏi thầy mấy câu ạ - Trần Minh cầm tách lên.
Cậu học trò này biết tận dụng thời gian gớm! Thầy giáo giải đáp xong, hỏi:
_ Em hiểu rõ chưa?
Trần Minh gật đầu, cám ơn. Chỉ có trong học tập, Trần Minh mới tỏ ra không kiêu ngạo và ngoan ngoãn hẳn.
_ Minh này, sau này em định thi vào trường đại học nào?
_ Thanh Hoa ạ! - Tiếng đáp không to nhưng chắc nịch.
Thầy Giang gật đầu tỏ vẻ bằng lòng. Lúc này cha Trần Minh mới nói xen:
_ Thanh Hoa ở đâu?
Trần Minh không đáp và cũng không tỏ vẻ muốn trả lời. Thầy Giang bèn nói:
_ Ở Bắc Kinh ạ.
_ Ở Bắc Kinh cơ à? - Người cha kinh ngạc - Bắc Kinh rét lắm, không nên, không nên! Cắt hộ khẩu đi không trở về được đâu… Đồ ngốc, thi vào đại học Thâm Quyến thôi!
Trần Minh vẫn nín thinh. Thầy Giang lại giải thích:
_ Thanh Hoa là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất trong cả nước đấy!
_ Oa, oa…
Tiếng khóc trẻ con làm thầy Giang ngưng bặt; cha Trần Minh nhìn phim Hồng Kông trên tivi bỗng bật cười. Trần Minh bực bội nhìn thằng cháu, chị gái Trần Minh vội bịt miệng con:
_ Ngoan nào, đừng khóc nữa, cậu sắp nổi  cáu kia kìa!
Trần Minh lại liếc nhìn cha, ông này cũng tỏ vẻ biết lỗi, vặn nhỏ tivi xuống:
_ Hai thầy trò nói chuyện đi!
_ Thưa thầy, mời thầy lên phòng em nói chuyện!
_ Thôi, để dịp khác thầy trò mình lại nói, thầy về đây! Hễ có việc gì, em có thể tìm thầy bất kỳ lúc nào cũng đươc.
Trước khi ra về, thầy Giang lại hỏi:
_ Em còn câu gì muốn hỏi không?
Tiễn thầy Giang xong, Trần Minh hỏi cha:
_ Cha này, con mong cha từ nay thôi không sang nhà Dư Phát đánh mạt chược nữa!
_ Tao có phải ngày nào cũng chơi đâu! Thỉnh thoảng chẳng có việc gì mới chơi một ván thôi mà! Ai biết đâu thầy giáo mày rách việc đến thế, lại còn tìm đến nhà!
_ Thật thế! – Cô chị gái bế đứa con gái cũng phụ họa – Cha chơi một vài ván có làm sao đâu?
_ Còn chị nữa - Trần Minh quay sang bảo chị - Con bé nhà chị làm ồn lắm, chị biết không?
Rồi Trần Minh chạy thình thình lên gác. Người chị ấm ức nói:
_ Cha, cha xem nó đấy! Trẻ nít làm sao không khóc không mếu được?
Người cha liền bảo:
_ Con cũng chỉ được cái…! Ai bảo không có tài, đẻ con gái mà không đẻ được con trai! Có thế nhà chồng mới đuổi về chứ? Xem hai con chị của con đấy, chúng nó đều đẻ con trai cả…
Ở đây, đẻ con trai hay con gái là rất thành chuyện. Đẻ con trai thì khi con đủ mười tám tuổi, đứa con ấy được chia đất xây nhà. Thảo nào nhà chồng cô chị mới oán con dâu đến thế.
_ Cha, sao cha lại có thể thiên vị đến thế? Cha nói vậy mà nghe được à?
Trần Minh về phòng mình. Đây là căn buồng rộng đến hơn hai chục mét vuông, song Trần Minh đâu chỉ có một buồng? Từ sau khi ba chị gái đi lấy chồng, tầng ba, tầng tư đều bỏ trống, bà mẹ bảo để dành cả cho Trần Minh lấy vợ. Trong tư duy của họ, đời người chẳng qua là kiếm tiền, lấy vợ, đẻ con, chỉ có mấy việc ấy mà thôi. Trần Minh không coi trọng mấy việc ấy. Bạn căn bản coi thường ông bô lưng giắt vạn quan tiền song không biết mô tê gì về Thanh Hoa, coi thường bà bô chỉ biết vâng vâng dạ dạ hầu hạ người chồng, coi thường cô chị gái suốt ngày mặt khó đăm đăm vì nỗi không đẻ được con trai. Chỉ có chú út, chú út ở huyện Anh Đức là còn có chút ít địa vị trong tâm tưởng của Trần Minh vì trong nhà chỉ có chú út là có văn hóa, nói chuyện cũng còn có chút trình độ.
Trần Minh khóa trái cửa lại, đóng cửa chớp bằng hợp kim, kéo màn nhung che kín cửa sổ. Bạn thường tự tạo ra không khí học tập bằng cách ngăn mình với thế giới bên ngoài như vậy. Lưng cánh cửa dán  tranh vẽ Lôi Chấn Tử. Nhà có rất nhiều tranh Tết, nào tranh thần canh cửa, thần cho tài lộc, thần cho tuổi thọ, cả một lô. Một lần mẹ Trần Minh tự ý đem mấy tờ tranh vào dán trong phòng Trần Minh, nói là để cầu may mắn. Trần Minh không nói một câu, giơ tay lột xuống xé đi. Nhưng khi thấy bức tranh vẽ một người mọc hai cái cánh, bạn dừng tay lại. Bạn biết đây là hình con trai Tây Bá hầu Cơ Xương trong truyện Phong thần diễn nghĩa, được ông nhận nuôi trên núi Yên Sơn, tên gọi Lôi Chấn Tử. Hồi Lôi Chấn Tử học đạo trên núi Chung Nam, có ăn hai quả hạnh tiên, từ đó hai bên ngực mọc ra đôi cánh. Được sư phụ Vân Trung Tử điểm hóa, hai cánh này biến thành hai cánh phong lôi (sấm gió), từ đó bản lĩnh càng cao cường. Lúc này trên ti vi đang chiếu Phong thần diễn nghĩa, Trần Minh liếc xem ít phút, cảm thấy Lôi Chân Tử trong phim không đúng. Kể cả điện ảnh Bảng phong thần và phim truyền hình Bảng phong thần, vai Lôi Chấn Tử đều không như hình tượng vị thần theo cách cảm nhận của Trần Minh. Ngược lại, bức tranh này gần với hình ảnh bạn tưởng tượng, bởi vậy bất giác Trần Minh thích bức tranh này. Bạn dán bức tranh vào sau cửa, là nơi khi ra vào phòng đều trông thấy được. Khi rất nhiều học sinh trung học sùng bái điên cuồng, mê mẩn với các ngôi sao ca nhạc và điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan thì cậu thiếu niên Thâm Quyến cách Hồng Kông, Đài Loan rất gần này lại tôn thờ nhân vật thần thoại mấy ngàn năm trước. Điều này phải chăng có gì đó khó hiểu?
Nhìn ngắm bức tranh này, Trần Minh có cảm giác như mình cũng vượt ra ngoài thế giới. Bạn ý thức được rằng mình cũng sẽ không giống mọi người, sẽ phi thường!
Dưới nhà vang lên tiếng tivi, tiếng cười lớn của cha, tiếng đứa bé kêu gào và tiếng người chị đang khóc. Trần Minh biết chỉ cần bạn xuống dưới nhà một lát thôi là người cha sẽ tắt tivi, người chị sẽ bồng con đi ngủ. Lúc này Trần Minh không muốn làm thế. Bạn có chút thương hại cha và chị, cuộc sống của họ dường như chẳng có ý nghĩa gì. Thế thì lắm tiền để làm gì? Vô tích sự, chán chết! Thế còn mình?
Trần Minh buông ngửa người trên tấm đệm Nhã Lan, tấm đệm nảy bật lên. Hai tay bạn ôm lấy đầu, trong óc lại hiện lên quang cảnh bạn có một mình trong khu rừng rậm âm u. Bạn không biết đi đâu mà dường như chỗ nào cũng không có đường. Bạn loanh quanh một hồi, lá trên cây rào rào trút xuống, cỏ dại vươn về phía bạn, bao vây lấy bạn. Đột nhiên bạn nhìn thấy trước mặt le lói sáng. Bạn ra sức chạy về phía trước, chạy mãi, chạy lâu lắm, nhưng khi ngửng đầu lên, tia sáng kia vẫn còn đang ở đàng trước, gần trong gang tấc thôi song rốt cuộc không thể với tới.
Trần Minh cứ nghĩ ngợi lung tung như thế thì trong óc bạn lại không ngừng có tia sáng xuất hiện, còn bạn thì gắng sức chạy.
Chỉ có những lúc như thế, Trần Minh mới cảm thấy cái tôi, song bạn không cách gì hoàn toàn khẳng định được đó phải chăng thực sự là cái tự ngã. Bạn ngẩng đầu và nhìn thấy nhân vật phi phàm Lôi Chấn Tử đang mỉm cười.
Trần Minh ngồi dậy, ngồi vào bàn học. Ngày mai thi ngữ văn.