- Kết thúc Con đường âm nhạc lần 5 với nhạc sĩ Phó Đức Phương, từ Sài Gòn có tin nhắn vào máy điện thoại của con tôi: “T. hỏi bố của bạn giùm, Trương Chi là thằng nào?”. Chủ nhân của tin nhắn là một chàng tuổi chỉ mới 18. 1.Giải thích “lý lịch” của anh Trương Chi phải bằng một câu chuyện dài, tôi chỉ nhắn cho người hỏi “Cháu tìm đọc ở...”. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ hôm nay nếu không biết Trương Chi là ai, suy cho cùng cũng bởi cái “tội” to đùng của Trương Chi, đã xấu lại còn nghèo rách xơ mướp thì hát hay cũng chẳng ăn thua gì. Hay thế chứ hay nữa cũng chẳng thể thành ngôi sao ca nhạc được! Cụ Trương Chi bị “đề mốt”... 2. Lại một câu chuyện khác. Ở một game show, thí sinh là một cô gái trẻ đẹp. Khi đoán ô chữ đoán mãi không ra, người dẫn chương trình gợi ý: "Đấy là tên cô gái ngồi sau lưng ngựa của vua cha, rải lông ngỗng làm dấu cho người yêu đi tìm nhưng cũng vô tình làm dấu vết cho giặc đuổi theo...”. Thí sinh xinh đẹp reo lên: “A! Hai Bà Trưng!...”. Mỵ Châu ôm mặt nức nở, Hai Bà Trưng cũng nức nở không kém... 3... Và một câu chuyện nữa. Cũng ở game show. Câu hỏi “Người phụ nữ nào trong lịch sử nước ta đánh thắng giặc Ngô?” (chọn một trong bốn nhân vật được đưa tên). Thí sinh có học vị thạc sĩ nghĩ không ra phải nhờ đến quyền trợ giúp của người thân là giáo viên. Người trợ giúp trả lời “không biết”. Thí sinh thạc sĩ đành tự đoán liều là Ngọc Hân... 4. Và... Cậu con trai đi thi ĐH, môn văn. Về nhà bố hỏi: - Làm bài thế nào? - Dạ được ạ! - Đề khó không? - Không khó ạ! Về nhà thơ Xuân Diệu, con làm cũng tạm được. Cũng tội nghiệp “bà” Xuân Diệu, tài năng vậy mà bị chết vì tai nạn ôtô với chồng con, bố nhỉ? Ông bố thở dài, thi không ăn ớt mà cay rồi con ơi. Chàng trẻ tuổi từ Xuân Diệu “quẹo cua” qua Xuân Quỳnh chẳng ai khác chính là con trai tôi. 5. Thôi thì, đành tự an ủi theo kiểu A.Q. Học vị thạc sĩ hẳn hoi còn không thuộc sử VN cấp tiểu học, trách gì cô gái chân dài tặng cho Hai Bà Trưng chiếc áo lông ngỗng, trách gì cậu trai 17 tuổi thấy Xuân nào cũng là Xuân... Những chuyện thật mà như bịa, nó như những mẩu chuyện tiếu lâm ai nghe xong cũng cười hể hả, vui vẻ, như bây giờ trong bàn tiệc, bữa nhậu phải có dăm ba chuyện tiếu lâm mới ra tiệc nhậu. Tôi vẫn kể, vẫn có người cười nghiêng ngả... Nhưng có lần có một người không cười sau khi nghe chuyện. Anh chỉ bảo: “Tôi cười không nổi, các anh cười được thì quả đáng phục...”. Trong tích tắc tôi nhận ra mình lố bịch. ĐỖ TRUNG QUÂN