Mẹ tôi viết thư lên hỏi nếu anh em chúng tôi muốn về Sài Gòn ăn tết với mẹ hay muốn mẹ lên nhà dì Hai với anh em tôi. Vì anh em chúng tôi có văn nghệ tất niên trong trường, lại thêm anh Quang Hùng muốn thưởng thức cái tết đầu tiên trên vùng cao nguyên lạnh, cho nên chúng tôi viết thư hồi âm muốn mẹ lên với chúng tôi. Từ ngày dọn lên ở thị trấn nhỏ miền cao nguyên này, tôi đâm ra yêu thích khung cảnh và đời sống ở đây. Ngay giữa trung tâm thị trấn có một hồ nước rất đẹp. Hồ không có tên, khi tôi tới đây, tôi chỉ nghe người ta gọi là hồ Bảo Lộc. Ngay ở giữa hồ có xây một căn nhà thủy tạ. Nối từ trong bờ tới nhà thủy tạ là chiếc cầu xi măng rộng với hai thành cầu hai bên. Chung quanh hồ được trồng những bụi hoa hướng dương bông vàng thật lớn. Cách hồ một khoảng ngắn là một bờ đất, được đắp rất cao và rất rộng giống như cái đê. Không biết có phải người ta làm cái bờ đất này để ngăn nước trong hồ đừng chảy qua vùng đất thấp xóm Sình cạnh bên, nơi có dân ở, hay để làm đường giao thông cho hai phố hai bên. Cũng có thể là cả hai lý do. Trên mặt bờ đê, một chiếc cầu xi măng được xây lên để làm đường nối liền thông thương giữa hai khu Chợ Mới và khu Chợ Cũ. Cầu rộng như đường quốc lộ, xe có thể chạy cả hai chiều. Trên cầu, sát hai bên đường xe chạy, người ta xây hai lối nhỏ dành cho người đi bộ. Khi tôi lên ở Bảo Lộc thì chợ Cũ đã không còn là chợ nữa, nó lúc đó đã trở thành khu dân cư, ngoại trừ vài tiệm bán vải của những người Ấn Độ. Còn khu chợ Mới mới thật là khu buôn bán chợ búa. Dân địa phương gọi cầu là cầu Trắng. Tôi hỏi người chung quanh xem tại sao lại gọi là cầu Trắng thì không ai biết câu trả lời. Có người thì nói là vì cầu được sơn trắng nên gọi là cầu Trắng. Người khác thì nói là tên cầu Trắng được dùng để phân biệt với cầu Đen ở vùng trên. Mỗi buổi chiều, nếu rảnh không có chuyện gì làm, tôi thường ra bờ hồ chơi. Minh Châu hôm nào rảnh cũng theo tôi ra đó chơi, nhưng thường thường thì tôi đi một mình. Tôi thường đạp xe đạp ra bờ hồ, dựng xe vào một gốc cây nào đó rồi thơ thẩn ra chơi ở nhà thủy tạ khoảng nửa tiếng mới về. Tôi cũng thường lân la đến coi những người câu cá ở trên cầu thủy tạ. Những lần như vậy, tôi chỉ đứng im lặng bên cạnh, quan sát cách họ móc mồi, thả dây và kéo cần khi cá cắn câu. Lúc câu cá không ai nói nhiều hay làm ồn ào, mấy chú bác câu cá ở đó nói cá nó thính lắm, nếu nghe tiếng động chúng sẽ không tới ăn mồi. Tôi không biết lời này có đúng không, nhưng ai nói sao thì tôi nghe vậy, cứ thế mà im lặng coi mọi người câu cá. Một ngày tôi thấy có một người lạ mặt tới câu cá, người mới này không phải là một trong các chú bác vẫn ngồi câu hàng ngày. Tuy đội mũ lưỡi trai che xụp gần hết mặt, trông dáng điệu thì tôi vẫn đoán được đó là một thanh niên trẻ. Thấy người này câu được rất khá nhiều cá, tôi lân la lại gần coi. Đến nơi, tôi nhận ra đó là anh Khiêm Thủ Quân học cùng cấp lớp với anh Hùng mà tôi đã có dịp gặp mặt lúc trước. Không biết do may mắn hay giỏi, tôi thấy anh Khiêm câu được rất nhiều cá, hết kéo con này đến con kia rồi bỏ vào cái thùng sô nước bên cạnh. Tôi đứng gần bên quan sát thật lâu không nói gì, mà anh Khiêm dường như cũng đang mải mê với thú vui của mình nên không để ý tới tôi. Mãi một lúc sau anh mới phát giác ra sự hiện diện của tôi, anh không tỏ ra gì ngượng ngùng, chỉ hỏi một cách cộc lốc: - “Có gì mà coi?” Tôi lắc đầu không trả lời, tiếp tục nhìn anh gắn mồi câu mới vào lưỡi. Một lúc sau anh lại hỏi: - “Coi người hay coi cá?” - “Đương nhiên là coi cá. Người đâu có gì để coi.” Lần này thì tôi lên tiếng trả lời. - “Trả lời hơi xấc đó nghe.” Anh Khiêm nhướng mặt lên nhìn tôi, đôi mắt nằm khuất dưới vành nón thấp. Nhìn tôi một lát, anh hỏi tiếp ”Cô nhỏ mặt lạ quá, dân mới hả?” - “Anh mới là người mới ở đây.” Lần này anh Khiêm ngẩng đầu hẳn lên nhìn tôi, anh kéo nón lên cao khỏi trán. Hai đứa tôi nhìn lẫn nhau cảm thấy thú vị vì cách hỏi và cách trả lời của mỗi người. Tôi nhận thấy mắt của anh mầu rất nâu, không đen như mắt những người khác. - “Ý câu hỏi có phải cô nhỏ là dân mới về Bảo Lộc không?” nh đính chính câu hỏi của mình, sau đó nhìn quyển sách giáo khoa tôi đang cầm trên tay, anh hỏi tiếp. - “Dân trung học Bảo Lộc hả?” - “Sao biết?” - “Nhìn quyển sách giáo khoa thì biết là dân đệ nhất cấp. Ở đây chỉ có hai trường trung học, một là trường công trung học Bảo Lộc, còn trường kia là trường tư thục trung học Cộng Hoà. Giữa hai trường, trường Trung Học Bảo Lộc lớn hơn và có nhiều học sinh hơn, nếu đoán là học sinh trường đó thì xác xuất trúng sẽ lớn hơn.” Tôi cười vì cách đoán láu lỉnh của anh. Anh Khiêm quay lại câu hỏi lúc nãy mà tôi chưa trả lời: - “Phải học trò mới không? Tui học ở đây từ nhỏ đến lớn. Nếu là dân ở đây và là học trò cũ thì tui đã biết mặt.” - “Học trò mới. Từ Sài Gòn lên.” Anh Khiêm nhìn tôi lần nữa, nheo mắt cau mày ra vẻ đang suy nghĩ: - “Dân Sài Gòn mới lên? Hừm…., có anh em gì với Nguyễn Quang Hùng 11C1 không?” - “Anh Hùng là anh Hai.” - “Hèn gì.” Anh Khiêm gục gặc đầu “nhìn kỹ thì cũng có nét giống”. - “Mình đã gặp nhau một vài lần rồi. Hôm lớp anh Hùng tập văn nghệ.” Nghe tôi nhắc, anh Khiêm hơi ngạc nhiên, anh quay qua nhìn tôi một cách xoi mói từ đầu đến chân. Tôi cảm thấy mắc cở, đỏ mặt và tránh nhìn qua chỗ khác. - “Vậy sao? Tui không nhớ. Thằng Hùng láu cá mà có em gái hiền lành như vầy, trông ra thì không giống.” Tôi hơi phật lòng cách anh Khiêm phê bình anh tôi như vậy cho nên không trả lời gì. Anh Quang Cận nói đúng, hai con cọp một rừng không ưa nhau. Thấy tôi im lặng một hồi lâu không nói gì anh Khiêm gợi chuyện hỏi tiếp. -“Cô nhỏ học lớp mấy? Hay ra đây coi người ta câu cá lắm hả?” - “9A1. Thỉnh thoảng thôi.” - “Cô nhỏ nói ít quá, hay không muốn nói?” Tôi không trả lời câu hỏi, đưa tay chỉ ra ngoài nước: - “Anh nói nhiều quá cá sợ chạy hết.” Anh Khiêm cười tủm tỉm rồi nhìn vào thùng sô cá của anh - “Hôm nay câu như vậy đủ rồi, có nói nhiều một tý cũng không sao. Cá biết bơi chứ không biết chạy cho nên mình cũng không sợ.” Tôi cười vì cách anh bắt bẻ tôi dùng chữ. Thấy tôi cười, anh nói thêm: - “Bây giờ mới thấy cười.” Tôi đã bớt giận vì câu nói của anh lúc nãy về anh Hùng, nên bắt đầu chuyện trò: - “Không thấy anh hay ra đây câu.” - “Thỉnh thoảng mới đi câu, tuy nhiên có đi thì câu ở bên kia.” Vừa nói anh vừa chỉ tay về chỗ đập nước phía bên kia hồ. “Thường thì hay đi đá banh hơn.” - “Hèn gì có tên Khiêm Thủ Quân. Anh là thủ quân của đội banh hả?” - “Ừ, tụi trong trường đặt cho cái biệt danh đó. Ai nói cho nghe? Bọn thằng Hùng phải không?.” Tôi không trả lời, hỏi tiếp: - “Anh có trong đội banh của anh Quốc Dũng không?” - “Quốc Dũng nhà bán gạo đó hả? Không, thằng Dũng ở trong đội banh lớp nhỏ hơn, anh ở trong đội banh khối 11.” Không biết từ lúc nào anh Khiêm đã đổi sang xưng bằng anh với tôi. Tôi tủm tỉm cười. Anh hỏi tiếp: - “Em là gì của thằng Dũng?” - “Em bà con, tụi em ở nhà anh Dũng.” - “Ồ, ra thế.” Lúc đó có con cá cắn câu, tôi gọi báo cho anh Khiêm hay. Anh dựt dây, gỡ cá và bỏ vào thùng sau đó thay mồi mới. - “Chắc vía em hên, hôm nay cá ăn câu nhiều. Em muốn lấy cá về nhà không?” Tôi lắc đầu. Hai đứa chúng tôi đã cảm thấy quen hơn và đã bắt đầu nói chuyện nhiều hơn. Tôi thấy anh Khiêm lúc chưa quen thì hơi có ăn nói cộc lốc nhưng nếu nói chuyện một hồi lâu thì thấy anh cũng dễ thương. Từ ngày quen với tôi, anh Khiêm không câu bên đập nước nữa, anh dọn sang chiếm một chỗ nơi cầu thủy tạ. Anh nói câu ở bên này nhiều cá hơn bên kia, vả lại sang đây nếu tình cờ gặp tôi thì có người tán dóc cho đỡ buồn. Anh Khiêm không đi câu thường xuyên, thỉnh thoảng mới đi. Mỗi khi có dịp gặp nhau, hai đứa tôi lại ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Tôì thích cách nói chuyện không đâu vào đâu của anh. Còn anh thì có lẽ thích nói, lại thêm có người chịu nghe như tôi nên anh càng nói nhiều, nhiều khi mấy bác câu cá ở đó phải nhắc chúng tôi nói nhỏ lại và nói ít đi kẻo cá không dám lại. Sau này khi Minh Châu có dịp đi với tôi, tôi dẫn nó lại giới thiệu cho quen với anh Khiêm, xem chừng ba đứa chúng tôi nói chuyện cũng tương đắc. Nghe Minh Châu nói chúng tôi thích chép thơ tiền chiến, anh Khiêm nói chị của anh ở nhà lúc trước cũng sưu tập thơ, nhưng từ khi đi lấy chồng chị bỏ mấy tập thơ lại nhà. Anh nói hôm nào rảnh anh sẽ mang cho tụi tôi. Tưởng anh nói cho qua, ai dè anh làm thật, mấy tuần sau anh mang lại cho tôi một quyển thơ chép tay, anh nói của chị anh, bây giờ chị không cần nữa, tôi cứ giữ coi không cần trả. Tôi thích lắm cám ơn anh rối rít. Tôi hỏi anh sao chữ của chị anh giống chữ con trai quá vậy thì anh nói chị anh viết chữ xấu lắm, chữ như con trai. Tôi tin anh nên không hỏi gì. Mãi mấy tháng sau này tôi tình cờ thấy chữ viết của anh trong vở anh mang theo học bài tôi mới biết anh Khiêm nói dối, nét chữ trong quyển thơ chính là nét chữ của anh. Tuy biết như vậy tôi cũng không hỏi, anh có ý dấu, tôi có hỏi chỉ làm anh quê mặt. Tôi và anh Khiêm coi nhau như anh em bạn bè, chúng tôi gặp nhau hợp gu, nói chuyện tầm phào đủ mọi chuyện. Anh thích ngâm nga bài thơ Thu Điếu của Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Tựa gối, buông cần lâu chẳng được, Cá đâu đớp động dưới chân bèo” Anh Khiêm nói chúng tôi không có thuyền, cứ tưởng tượng lúc đứng ở trên cầu thủy tạ là đang ở trên một chiếc thuyền câu, như vậy mới cảm nhận được cảm giác của tác giả bài thơ câu cá. Anh Khiêm cũng hay có thói quen cốc đầu tôi mỗi khi tôi chọc nghẹo anh chuyện gì và tôi thì lại hay thích chọc ghẹo anh đủ mọi chuyện. Về nhà tôi không dám nói cho anh Quang Hùng nghe chuyện tôi quen với anh Khiêm. Tôi dặn Minh Châu cũng đừng nói. Anh Hùng và anh Khiêm như lửa với nước, cho anh biết chỉ tổ làm cho anh bực mình. Anh Hùng thì chê anh Khiêm dổm đời, nói anh Khiêm ganh tỵ với anh vì thấy anh chơi thân với chị Kim Điệp. Anh Khiêm thì chê anh Hùng láu cá, coi trời bằng vung. Hai con cọp của khối 11 không chịu ở chung một rừng, tôi đứng giữa không biết cách làm hòa cho nên cũng im luôn. Anh Khiêm biết tôi binh anh trai, cho nên sau này ít khi phê bình anh Hùng trước mặt tôi. Còn tôi, tôi tự hứa khi nào có dịp tôi sẽ tìm cách cho hai anh tìm hiểu nhau và chơi với nhau.