THAM QUAN-DU LỊCH TRĂM NẺO

Tôi có trong tay tờ bướm quảng cáo (phải mua, ngoài tiền vé vào cổng, chứ chẳng phát không như ở nhiều nước khác) của vườn quốc gia Bạch Mã với lời chào trang trọng ở mặt ngoài tờ gấp: “Hãy đến Bạch Mã, đến với rừng mưa nhiệt đới, khám phá các đường mòn thiên nhiên tuyệt vời,...”. Tờ bướm không quên nêu lại tiếng tăm của khu nghỉ mát lí tưởng thời Pháp thuộc cùng lời hứa hẹn khích lệ: “Bạn được cắm trại, tắm suối, xem chim. Đi bách bộ hay ngắm nhìn vẻ đẹp huyền bí của những khu biệt thự cổ”. Thực tế chẳng được như lời chào mời. Khu du lịch đang được sửa sang một cách... chậm rãi. “Những khu biệt thự cổ” nay chỉ còn rải rác một ít tường và nền. Cơ sở vật chất để khách lưu lại còn quá mỏng. Mà phải ở lại dài ngày một chút mới tận hưởng được cái thú theo các “đường mòn thiên nhiên kì ảo” dẫn đến các thác nước mà mới chỉ trông qua ảnh đã thấy đẹp, cái thú đứng trên đài Vọng Hải phóng tầm mắt xuống đầm Cầu Hai và dõi xa xa biển Đông, cái thú thăm rừng nguyên sinh, thăm hồ Truồi,... Hiện tại, có lẽ dùng hình thức cắm trại là thích hợp nhất để lưu lại. Song le, chẳng phải dễ dàng. Hôm chúng tôi đến, gặp bên đường bốn cô gái tươi trẻ, khỏe mạnh, ba lô túi xách gọn gàng, chắc là du kiểu “Tây ba lô”. Các cô muốn tận hưởng Bạch Mã, song “còn phải xem đã”. Hai xe chở công nhân nông trường Nam Đông cách không xa đến, phần lớn còn trẻ, cắm trại thì khỏi phải bàn, nhưng họ cũng chỉ ở đến cuối ngày. Khách xa đi theo đoàn thường chỉ ghé lại, khó mà hiểu Bạch Mã, nói chi hưởng Bạch Mã! Chúng tôi đến vào cuối xuân đầu hạ mà chẳng được nghe một tiếng chim, thấy một cánh bướm, không được tới cái thác nào. Nghe nói một người coi rừng ở đây có tài bắt chước tiếng chim, có thể gọi chúng đến mà không tìm gặp được. Rời đi thật không đành! Mới thấy lợi điểm của du lịch kiểu Tây ba lô. Vài ba người cùng sở thích và cùng tầm có thể bù trừ cho nhau, thích đâu thì đến, mến đâu thì lưu. Đi theo đoàn cũng có cái tiện, nhưng lắm phiền toái. Nhiều lúc mình thật lạc lõng. Nhớ lần đi Điện Biên, trong đoàn chẳng một ai nghĩ tới việc đến xem cầu Mường Thanh cũ, đứng trên đó ngắm dòng Nậm Rốm nhớ lại thời khắc lịch sử xưa khi quân đội Việt Nam băng qua cầu này, thời khắc quân viễn chinh Pháp đầu hàng. Mà xe của đoàn chạy cách một đầu cầu chỉ chừng dăm trăm mét, trưởng đoàn cũng vô cảm. Tôi phải thuê xe riêng từ nhà nghỉ tới đó. Quả là cảm xúc khó tả. 
Nước ta có nhiều vườn quốc gia sẵn tiềm năng du lịch. Thông thường, vườn quốc gia tô đậm thêm cho vùng du lịch hoặc khu du lịch. Vườn Cúc Phương chủ yếu là điểm tham quan, song nó kết nối với các điểm tham quan khác, Tam Cốc-Bích Động-Hoa Lư-Phát Diệm, trong toàn cảnh vùng du lịch Ninh Bình. Khu du lịch Cát Bà, bên cạnh vườn quốc gia là vụng biển tuyệt dẹp với bãi tắm, đảo đá, hang động,... Kề dưới chân vườn quốc gia Ba Vì là các điểm du lịch nghỉ dưỡng Ao Vua, Hương Ổi, Khoang Xanh, Suối Mơ. Những vườn quốc gia khác, khu du lịch nằm ngay trong đó. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hứa hẹn một khu du lịch phong phú về loại hình, khởi đầu tự Phong Nha. Riêng vườn quốc gia Bạch Mã, trong kế hoạch đã dành khu vực quanh ngọn Bạch Mã có độ cao từ 900 mét trở lên làm “phân khu nghỉ mát-du lịch” (nằm trong hai phân khu còn lại: “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt” và “phân khu phục hồi”).
Người ta thường phân ra nhiều loại hình du lịch, chung qui chỉ ở hai dạng: dạng lợi dụng thiên nhiên hoặc kết hợp với thiên nhiên và dạng khai thác các công trình nhân tạo xưa hoặc nay. Các công trình xưa của ta vượt qua sự tàn phá của thời gian và của con người, trước hết là quân xâm lược phương bắc và phương tây, còn lại không nhiều nhưng cũng đủ để góp phần đáng kể vào bức tranh du lịch Việt Nam. Cái chính là công phu trùng tu và tôn tạo. Khôi phục tầm vóc và giá trị càng được như cũ càng tốt, không thêm thắt làm lai căng, làm biến đổi đã đành, mà nhất thiết không được lợi dụng một cái tên, thậm chí chẳng lấy gì đáng trân trọng, để câu khách một cách vô duyên, vô lối.
Năm cuối thế kỉ trước, Đồ Sơn đưa vào khai thác một nơi gọi là “biệt thự Bảo Đại”, “biệt thự Nam Phương”, có biển đề trang trọng. Chốn này xưa vốn là nhà nghỉ của vua Bảo Đại do chính quyền đô hộ Pháp ban cho từ những năm 30 của thế kỉ 20; chiến tranh và thời gian đã làm cho đổ nát hoang tàn. Người ta đã bỏ ra trên mười tỉ đồng để làm lại hoàn toàn. Chẳng phải phục cổ. Kiến  trúc tòa nhà không đúng hẳn như xưa. Nội thất hoàn toàn hiện đại, từ giường ngủ “mô đéc”, máy điều hòa nhiệt độ đến bồn tắm có xoa bóp (mát xa) tự động. Chỉ có mấy cái điếu bát hút thuốc lào đặt trong một cái tủ là cổ (có lẽ gọi là cũ thì đúng hơn). Có hai “tiết mục” mượn màu cổ. Cổng vào, một “chú lính gác” áo dấu đỏ nẹp vàng, nón bầu dục đỏ có chóp nhọn, xà cạp quấn chân đỏ, giày ba ta trắng (lẽ ra chân đi đất mới phải lối chứ!), chỉ còn thiếu giáo dài! Ở trong nhà, các “nữ tì” áo đỏ nẹp xanh, quần  trắng, dép nhựa. Bạn muốn vào xem hãy nộp 10.000đ, rẻ chán. Muốn mượn đồ tuồng đóng vua, hoàng hậu thì 20.000đ, cũng rẻ chán vì đâu chỉ mượn riêng đồ còn mượn cái “vai” hão nữa!. Muốn ngủ một đêm trong phòng con vua hoặc thư kí riêng của vua thì chỉ phải bỏ ra 350 USD thôi, còn ở phòng hoàng hậu thì phải 600 USD lận! Mà tiện nghi thì hệt nhau. –Nhưng mà hơi hướng khác nhau chứ! Đâu có. Các phòng đều mới toanh mà. Tội nghiệp cho ông vua bù nhìn thất thế xưa và bà hoàng của ông ta! Giả sử vong hồn của họ ban đầu có hởi dạ vì không dè tên của mình lại còn được nêu nơi điểm du lịch này thì sau đó e họ sẽ phiền lòng vì trò treo đầu dê bán thịt chó. Cái mà du khách muốn thưởng thức là hình dáng lâu đài xưa, cách bài trí xưa, các đồ ngự dụng xưa, cung cách sinh hoạt xưa, nếu tạo được không khí xưa thì càng tốt. Lưu lại, nghỉ lại là muốn thử qua mùi phong kiến Việt Nam xưa dẫu đã bị lai tạp dưới ách thực dân Pháp. Nếu chỉ là qua đêm trong phòng trọ với tiện nghi hiện đại thì người ta ra khách sạn ngoài, rẻ hơn rất nhiều, có khi còn tiện nghi hơn. Kể cũng lạ cho xứ ta! Trên thế giới chẳng nước nào trưng tên một ông vua, bà chúa, dù ít mang tiếng hơn, đặt cho một điểm du lịch để câu khách, nhất là điểm ấy lại rỗng nội dung dính líu đến họ. Chẳng hạn, tại Pháp trong lâu đài Vécxay chỉ có từng phòng dành cho vua, hoàng hậu,..., trong đó trưng bày những hiện vật liên quan đến người đó; ví như phòng Mari Ăngtoannet, bà hoàng hậu bị cách mạng Pháp chặt đầu cuối thế kỉ 18. Tại Trung Quốc, lừng tiếng như Tây thái hậu, người đàn bà từng thao túng nước Tàu nhiều năm, trong Di Hòa viên cũng chỉ được dành cho cái phòng bà trang điểm. Chẳng nơi nào, Pháp, Nga, Trung Quốc, khôi phục những “hiện vật sống”: lính, người hầu,... Ở ta, cùng lắm thì biệt điện Bảo Đại ở Đà Lạt có thể giữ làm một điểm tham quan, bởi trong đó còn vật chứng của một đời vua dẫu ít giá trị cổ vật. Tuy nhiên, khi thuyết minh, khi hướng dẫn cần làm cho khách du hiểu đúng về vai trò vua và quốc trưởng khốn khổ của ông ta, không vì “thu nhập”, không vì “đổi mới tư duy”, “khép lại quá khứ” mà bôi bác lịch sử, khi cần giúp cho quảng cáo thì tung hô lên, chẳng bù trước đây thì tung hê hết!
Công trình nhân tạo hoàn toàn mới có tính du lịch thường là những khu vui chơi, giải trí, những công viên, những nơi người ta sính trưng ra những từ tiếng Anh resort, spa,... Nước ta, lẻ tẻ nhiều nơi có, song nhìn chung qui mô, các hạng mục còn khá khiêm tốn. Được nói tới nhiều nhất hiện nay là khu Đầm Sen, khu Suối Tiên, khu Mũi Né,... Một số nơi có ý đồ làm lớn như ở Bình Dương, Đà Nẵng, Hạ Long, Lăng Cô, Ninh Bình,... nhưng việc thực hiện dự án chậm. Người ta nói những nơi “làm ăn được” luôn luôn có bàn tay của các “đại gia” trong giới quan chức, đương nhiệm hoặc đã về hưu song vẫn còn lắm tiềm năng thế lực. Những địa phương “may mà” có sẵn các vị như thế hoặc được các vị “cũng rứa” ở chốn khác nhòm ngó tới thì có cơ nở mày, nở mặt với khách du. Còn những đô thị như Hải Phòng, hầu hết những ao hồ tự nhiên đều “được” lấp đất để chia chác xây dựng (đến cái hồ to nhất ở giữa thành phố trong một công viên cũng lấp đi một góc chia nhau!), những vườn hoa, những khu vui chơi giải trí lận đận, lẹt đẹt tại mấy chỗ có sẵn, thì những Đầm Sen, Suối Tiên,...-chưa là gì với thiên hạ,- còn là mơ ước xa vời của người dân.
Cả thành phố Đà Lạt là một công viên to tập hợp và đan xen những cảnh quan thiên nhiên với những công trình nhân tạo, song lại thiếu công viên con đích thực, chẳng hạn bên hồ Xuân Hương. Những bãi cỏ rộng  điểm xuyết cây xanh bên hồ dùng để du ngoạn, cắm trại, sinh hoạt tập thể ngoài trời,... thì tuyệt, nay chỉ thấy một phía thì làm sân gôn, phía khác làm sân đá bóng, phía khác nữa thì cái khách sạn mang tên Tây dài dằng dặc Hotel Sofitel Dalat Palace rào chiếm vào khuôn viên của mình một triền đồi thoai thoải tuyệt đẹp trước đây vẫn dành cho mọi người tự do đi dạo. Đây là khách sạn sang trọng bậc nhất. Mọi tiện nghi, đặc biệt là nhà ăn và quầy rượu kiểu Pháp mang tên Rabelais, đều hướng tới du khách ngoại quốc. Tuy nhiên, hôm ấy ghé qua thấy cả khách sạn, cả khuôn viên vắng lặng một cách lảng phí. Riêng cái triền đồi trông xuống hồ Xuân Hương khi còn được “tự do” thơ mộng là thế nay được “ôm” khách sạn lại nom ra chiều ảm đạm và quạnh hiu. Một nhân viên khách sạn cho biết thực ra đối tượng phục vụ chủ yếu lại là dân nội địa phè phỡn hoặc mánh mung (thường là những người ăn lương nhà nước)! Nếu chỉ vì thú ẩm thực kiểu Âu thì người nước ngoài chẳng cần đến Việt Nam. Một bảng khẩu hiệu lớn đặt trong khuôn viên khách sạn kề hồ Xuân Hương: “Nước sạch và vệ sinh môi trường là tiêu chí của xã hội văn minh và văn hóa” (có gì hơi cộm trong câu văn). Nước hồ vẩn nhiều rêu, gió tạt những mẩu giấy, túi nhựa,... vào mé hồ cạnh ngay nhà thủy tạ cũng mang tên Sofitel, trong lúc những người điều hành nhà hàng này đang họp đầu tuần, 10h20 sáng rồi vẫn chưa xong (họp nhiều và họp dai có lẽ Việt Nam ta vào loại nhất!). Bờ hồ, ban ngày thưa thớt người. Dăm người mò trai hay câu cá -những con cá được “phóng sinh” nhân ngày rằm tháng Bảy nay ham mồi có thể nhảy vào chảo mỡ. Ban đêm không còn thấy xe ngựa chở khách chạy vòng quanh hồ; chắc do vậy mà cạnh hồ không còn nặng mùi do ngựa thải ra. Đôi chỗ trong bóng cây ven hồ có các cô gái đứng ngồi, dáng như là dân “ăn sương”. Ngay trên lề đường sát hồ, một người trùm chăn kín đầu ngủ thò hai chân ra. Cách đấy dăm chục mét là khu vực chợ rực rỡ ánh đèn và rộn rịp người. Đà lạt vẫn giữ được hè khá thoáng, trừ đường phố có kinh doanh xe máy xe đạp, và tương đối sạch, trừ quanh chợ. Một nỗi khổ của du khách tầm tầm là khi ăn cơm hàng bị người bán vé số, người bán sách báo chìa mời tận mặt, cả người ăn xin nữa, -một nét mới(!) của bức tranh nghịch nơi Đà Lạt mộng mơ!
Khách du muốn một điểm dừng chân nho nhỏ dễ đem đến niềm vui đơn sơ có thể đến những nơi như Bảo Lộc. Cái thị xã cao nguyên của một vùng dâu và cà phê này có khu trung tâm mới được xây dựng hiện đại đẹp “thơ thới”, lại có nhiều cây xanh kiểu vườn rừng, và độc đáo: có rẫy đang khai thác ngay trong phạm vi thị xã. Thả bước ra khỏi phố xá là hưởng trọn khí trời Tây nguyên,-[font=.vntime] đáng tiếc, không còn nguyên sơ! Những đồi dâu, đồi cà phê, đồi chè dàn ra xanh mơ. Phía xa, một số chỏm đồi còn giữ được cái mũ xanh tự nhiên che hờ những sườn trọc.
Vui chân, bạn có thể kiếm phương tiện đến điểm du lịch thác Dambri cách mươi cây số. Một cái thác dữ dằn mà duyên dáng thả tấm thảm nước từ trên cao vài mươi mét xuống. Bạn có thể trèo bộ xuống chân thác hoặc dùng thang máy,-nét mới giữa núi đồi Tây nguyên, đứng tắm bụi nước. Cách đấy không xa, một đảo nhỏ nuôi khỉ và hươu. Bạn có thể vuốt ve hươu, xem xiếc khỉ đóng với chó. Hơi tiếc, lũ vật ít ỏi, thưa thớt; cảnh vật tiêu sơ, nhuốm vẻ tàn tạ. Dường như là một vụ kinh doanh “thử chơi” hoặc tạm bợ. Một con voi không lớn lắm dùng cho khách du trèo lên ngồi vào cái bành gỗ trên lưng nó đi dạo hoặc chỉ để chụp ảnh.. Voi không được sạch; cảm thấy nó bị hành hơi nhiều mà chẳng được bồi dưỡng hoặc thưởng như trong các rạp xiếc, những tờ giấy bạc khách trả nó đâu có ăn được. Nó lại đơn độc, không như ở buôn Đôn.
Tây nguyên không chỉ có hồ, thác, rừng thông Đà Lạt, điểm khí hậu ôn đới giữa vùng nhiệt đới. Xưa kia, hai tiếng Tây nguyên đầy bí hiểm, đường lên trắc trở, một miền rừng rú “mọi rợ”, nghe đến còn cảm thấy hoang dại “khủng bố tinh thần” hơn cả miền Tây Bắc. Ngày nay, đến với Tây nguyên gần như là chuyện bình thường có khi thuận lợi hơn đến với Tây Bắc. Vậy mà lần đi này tôi đã phải ngạc nhiên không ít. Chặng đường qua đèo An Khê nổi tiếng hung hiểm trong hai cuộc kháng chiến hóa ra lại là một trong những chặng đường khoái nhất. Trời mát, cảnh đẹp, đường “ngon”. Ngồi trên xe lướt nhanh, cố hình dung đâu là chiến địa năm 1954 nơi một binh đoàn quân Pháp vừa chuyển từ Triều Tiên đến bị tiêu diệt? Hơi chạnh buồn, chẳng còn rừng âm u. Đèo An Khê, núi trọc lóc,- chẳng phải do chiến tranh; một bãi cháy lớn còn trơ tro than. Bên kia đèo, một khoảnh rừng thông mới trồng làm mát lòng đôi chút. Rải rác những xóm vườn toàn cây mít thân bám đầy những dây hồ tiêu. Gần đến thành phố Pleiku, một cánh đồng bát ngát khiến ngỡ ngàng. Đường 19 không còn hoang vắng, côi cút. Ngoài vài thị trấn như An Khê, thỉnh thoảng gặp những đoạn phố làng làm dịch vụ, chủ yếu là ăn uống. Lẻ tẻ xe, không quạnh quẽ như đường Tây Bắc. Một tốp học trò đạp xe ngược dốc, phơi phới, không tràn chiếm lòng đường như thường thấy ở các đô thị dưới xuôi. Mấy chiếc xe tải chất nặng gỗ súc to chạy ngược lên Tây nguyên (một sự lạ mà chẳng lạ, phá rừng cứ phá mà nhập gỗ Lào cứ nhập!). Pleiku, cứ ngỡ là một thị tứ heo hút, phố xá lèo tèo, đường sá xộc xệch, mùa khô lầm bụi đỏ ba dan. Lại một bất ngờ: trước mắt là một đô thị hầu như tân tạo khá đàng hoàng; đường sá, nhà cửa chẳng kém các thị xã miền xuôi, chỉ “kém” vẻ xô bồ, chen chúc. Vào một cửa hàng ăn, đằng sau là vườn hồ tiêu; chủ nhân vốn ở Khâm Thiên, Hà Nội, thấy nơi đây đất rộng, khí hậu tốt nên bốc cả nhà vào đã chín năm.
Tây nguyên còn nhiều tiềm năng du lịch. Có những cái đã hoặc đang mất đi. Hãy làm sao cho cái mất đi làm nẩy sinh cái thay thế, ít ra là ngang bằng. Như hồ Ialy thế vào thác Ialy, đành rằng cái thác trong huyền thoại đã mất vĩnh viễn.
Một dạng lữ hành chưa được lưu tâm nhiều là đi thuyền trên sông thăm miệt vườn Nam bộ. Chúng tôi đã đi từ Cần Thơ trên sông Cần Thơ, một sông nhánh đổ vào sông Hậu. Sông con mà khá rộng, nước nhờ nhờ, có vẻ lặng lờ. Tàu thuyền đi lại không nhiều. Một cái chợ nổi trên sông bán trái cây là chính. Xem trên truyền hình cảnh chợ này cũng thấy hay hay, nên thơ nữa. Song, lạc vào đây rồi thì cái ý định “thưởng thức” dường như bị đánh bạt đi. Bị chèo kéo mời mua không chỉ hoa quả mà cả nước giải khát. Loại sau bám rất dai. Mà loại nước nào! Chỉ thấy chìa ra những lon nhôm, chai nhựa chứa những chất nước nhân tạo. Xứ sở này từng được ca ngợi về những thức uống trứ danh đậm đà hương vườn: nước dừa, nước thốt nốt,... Vậy mà “mượn màu hóa chất đánh lừa khách du”! Nghĩ nỗi miệt vườn nước ta vào mùa từng loại quả vẫn khó đầu ra, tư thương tha hồ ép giá, mà “công” thương thì hoặc là bất lực, hoặc là ngoảnh mặt đi, hoặc là “sát cánh” cách nào đó với tư thương. Sản phẩm vườn vẫn cung cách những trăm năm cũ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Trong khi những thứ chai, lon “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” len lỏi tới hang cùng ngõ hẻm nào có tuyến du lịch.
Ngồi thuyền máy đi trên sông nhìn ngắm hai bên bờ thấy trong các vườn cây đã thấp thoáng nhà gạch, cả nhà lầu. Những ngôi nhà thưng vách lá và lợp mái lá “truyền thống” Nam bộ nằm sâu phía trong.
Thuyền ghé một vườn đã định trước. Vườn không đẹp như đã nghĩ. Miền Bắc và miền Trung có những vườn cây trái đẹp hơn nhiều. Cây trái trong vườn này cũng nghèo nàn. Nhiều nhất là bưởi; dăm cây đang treo những quả nhỏ, thưa thớt. Chủ nhà dọn theo yêu cầu của khách một đĩa trên đó xếp riêng những múi mít, những miếng xoài, đu đủ cắt vuông vắn,... Có những thứ chẳng phải là sản vật vườn nhà. Vài ba đoàn khách nối nhau đổ bộ từ thuyền lên. Người nước ngoài có cả da trắng, da vàng. Một người Anh cùng vợ đang ngồi nhâm nhi bên một bàn tròn nhỏ; hỏi có ngon không, lưỡng lự gật đầu. Khi họ đứng lên, trong dĩa vẫn còn mấy miếng quả. Mà thói quen người phương Tây không để thừa thức ăn! Một người đàn ông da trắng cầm máy ảnh ra ngắm vườn. Chẳng có gì nhiều để chụp. Cuộc du hành “vừa thưởng thức phong cảnh, vừa nếm cây trái miệt vườn” như lời quảng bá, nếu chỉ ở “tầm” như thế này thì e khó để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, nhất là khách nước ngoài, và khó kéo họ trở lại lần nữa. Hỏi người hướng dẫn:
-Vườn quả ở đây chỉ có vậy sao?
-Có vườn hay hơn chứ. –Anh ta đáp.
-Sao không đưa đến những nơi ấy?
-Chỉ được đưa đến những vườn có đăng kí với công ti du lịch.
Vậy là công ti du lịch đóng vai trò chủ thầu hay “đầu nậu”. Chẳng nên trách cứ nhiều các chủ vườn. Họ đăng kí với công ti du lịch, nộp lệ phí, nộp thuế. Một cách tiêu thụ sản phẩm tại chỗ; thay vì tiếp khách buôn lại đưa đón khách du. Thì cũng là cung cách quán hàng chứ gì! Thứ nào mà vườn nhà không có hoặc chưa có thì mua về trữ sẵn. Họ nào có được giảng giải tử tế để “quán triệt” đây là mở ra một hướng kinh tế du lịch. Khách không chỉ được thưởng thức hoa trái (phải phong phú, lại mang hương vị địa phương, đặc sản), mà còn được ngắm phong cảnh, tìm hiểu sắc thái văn hóa, sinh hoạt, dân tình,... Làm tốt không chỉ có lợi cho các chủ vườn. Dường như người của các công ti du lịch chỉ lo giới thiệu, đưa được người khách nào hay người ấy, công ti có việc, có thu nhập là tốt rồi, chẳng cần biết hậu quả lâu dài ra sao.
Tôi thường ước mơ có lần được đi thuyền trên sông Tiền, sông Hậu. Ban ngày du ngoạn ngắm cảnh sông nước và xóm làng trù phú, lúc lúc ghé thăm một cù lao, một vườn hoa trái, một nhà nổi bề thế trên một lồng cá nuôi,... Ban đêm ngồi trên mui thuyền thưởng trăng, hóng gió và lắng những điệu hò dân ca giữa mênh mang trời nước. Dĩ nhiên đó chỉ là mơ ước hão của tôi. Nhưng nếu các cơ quan du lịch để tâm tới? Một chuyến du như thế ắt để lại những dư vị khó quên. Và có thể là một thứ “đặc sản” đối với khách nước ngoài.