Chương 6

Câu chuyện về Yết Kiêu đã làm cho Trần Quốc Tuấn cứ cười mãi trên đường đến phủ Chiêu Quốc dự tiệc. Sau khi ở nhà Triệu Trung trở về vương phủ Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn cho gọi Dã Tượng lên hầu. Viên gia tướng cứ tròn xoe mắt mà kể lại những điều anh ta nghe ngóng được ở Đại An phủ sứ.
Nguyên là Yết Kiêu lên kinh thành đến nay vừa tròn một tháng. Anh ta đã làm xong công việc của mình rất gọn gàng. Nhưng trong một tháng làm việc này có vài chuyện xảy đến với Yết Kiêu. Chuyện đầu tiên là do chính anh gây ra. Khi đã tìm được phường vải mua xong mấy ngàn tấm, Yết Kiêu mang đến thợ thuê may áo chiến. Anh ta bảo họ đo luôn kích thước bộ áo đang mặc làm mẫu. Sau đó, cứ hằng ngày, Yết Kiêu đến thăm nom xem việc may áo đã đến đâu rồi. Qua ba ngày, năm chục bộ áo quần đầu tiên đã may xong, Yết Kiêu phát cho lũ lính cùng đi mặc luôn. Nào ngờ quần áo lấy kích thước người Yết Kiêu thành ra quá dài, rộng với mấy chú lính trẻ Vạn Kiếp. Tay áo, ống quần đã phải xắn lên bảy, tám gấu mà họ mặc vẫn thùng thình. Họ cứ ngắm nhau cười ngặt nghẽo. Nếu chỉ có vậy thì đã chẳng xảy ra những chuyện không hay sau này. Bởi vì quần áo cũng chỉ mới xong mấy chục bộ. Trong quân gia nô Vạn Kiếp còn người to lớn như Yết Kiêu, Dã Tượng. Chẳng qua là một việc mà Yết Kiêu chưa từng được giao làm, nên quán xuyến không khắp. Bây giờ chỉ cần bảo may những bộ sau theo nhiều kích thước khác nhau là ổn ngay mà thôi.
Nhưng nào ngờ mấy người lính Vạn Kiếp gặp một kẻ đã mang hận với họ từ mười năm nay. Kẻ đó chính là đô Trâu, cái tên đô vật đã từng ăn “giải cạn” mười một mùa hội vật liên tiếp trên lộ Đà Giang năm xưa. Đô Trâu thấy chú bé Yết Kiêu lên lĩnh giải, đã uất lên đổ sầm người xuống góc sân đình như một cây thịt. Từ đấy, đô Trâu không ra sới vật được nữa. Mỗi lần nghe thấy trống vật nổi lên, tim đô Trâu cũng đập như trống vật và chân tay hắn bủn rủn tưởng muốn sụn xuống. Đô Trâu phải giải nghệ vật. Hắn về làm tay chân hầu cận của Chiêu Quốc vương, chuyên luyện những người lính hộ vệ Trần Ích Tắc.
Đúng cái lúc mấy chú lính Vạn Kiếp đang ngắm nhau cười ngặt nghẽo, đô Trâu cùng mấy thủ hạ đi qua. Nhận ra Yết Kiêu và lính Vạn Kiếp, Đô Trâu tái mặt đi. Y sai một thủ hạ đi gọi thêm người. Một sát sau, mười mấy người lính phủ Chiêu Quốc kéo đến. Đô Trâu vững dạ khiêu khích Yết Kiêu.
Lính phủ Chiêu Quốc vốn ở kinh thành đã lâu lại được Trần Ích Tắc nuông chiều nên quen thói khinh rẻ những người thôn dã. Bọn chúng xưa nay ăn mặc đẹp, quần áo may bằng vải tốt, lại sát sóng gọn gàng. Chúng hùa theo tên cầm đầu, thi nhau buông lời mạt sát Yết Kiêu và những người lính Vạn Kiếp. Nào là “khỉ mặc áo tế”, nào là “ngợm bắt chước người”. Lính Vạn Kiếp tức lắm, xắn thêm mấy gấu áo quần, muốn đánh nhau ngay. Nhưng Yết Kiêu rất nhớ lời dặn của Hưng Đạo vương. Anh lừ mắt ra hiệu cho binh lính dưới quyền phải giữ cho đúng phép nước và dẫn họ về vương phủ Hưng Đạo. Bọn đô Trâu được thể cứ lẽo đẽo theo sau, ra sức nói cười, chế giễu, mạt sát. Mỗi sáng chúng chia người đứng đón ở cổng phủ Hưng Đạo. Hễ Yết Kiêu ra phố phường là chúng máy nhau đi theo, trêu trọc không còn thiếu nước gì.
Nhưng mặc cho chúng muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, Yết Kiêu cứ cắm cúi với việc riêng của mình, tuy lòng anh không khỏi cồn sôi, tức giận. Hôm nay, Yết Kiêu cùng binh lính ra phố lấy nốt số dép cỏ đặt làm ở chợ Cầu Đông. Bọn đô Trâu cũng theo sát gót chân người chỉ huy đội đánh sông Vạn Kiếp. Chúng vẫn trêu chọc như mọi ngày, nhưng sau cũng đâm chán. Chúng bỏ đi quấy phá trong chợ và trong cái cầu quán xây bằng đá bắc ngang con sông Tô Lịch. Chỉ còn lại đô Trâu và mấy tên hung hãn nhất vẫn chưa từ bỏ việc khiêu khích Yết Kiêu. Chúng trêu Yết Kiêu từ đầu chợ đến cuối chợ, trêu từ lúc chợ mới nhóm đến lúc chợ đông, chúng lẵng nhẵng theo anh đến tận cái quán rượu đầu bãi bán cỏ. Đến đây, chúng gặp những cô gái bán rượu làng Hoàng Mai. Thế là như mèo thấy mỡ, bọn chúng sà ngay vào, nếm hết gánh hàng này đến gánh hàng khác. Chúng vừa uống vừa hắt rượu đi, miệng mắng người bán hàng sa sả. Trong số những người bán hàng có một bà già đã ngoài sáu mươi tuổi. Bà cụ có hai bong bóng trâu đựng thứ rượu ngon nhất. Bọn đô Trâu cứ nếm tràn cung mây. Đầu tiên chúng còn nếm bằng chiếc chén hạt mít của bà cụ, sau đô Trâu giở ngay cái bát sắt to tướng ra rồi đứa dốc, đứa uống, mặc cho bà cụ rền rĩ. Xót của, bà cụ giữ lấy tay đô Trâu. Đô Trâu khẽ hẩy tay một cái, bà cụ ngã lăn ra. Một cô hàng rượu là con bà cụ, thương mẹ, sấn vào níu lấy áo đô Trâu. Tên côn đồ một tay đưa bát rượu lên nốc, một tay giáng cho cô hàng rượu một cái tát. Cô hàng ngã ra đất. Người phường phố không ai dám vào can vì xưa nay đô Trâu vẫn hoành hành ở đây. Hắn cậy thế chủ đánh người, ăn quỵt, chẳng còn kiềng sợ ai.
Nhưng thình lình hắn bị một bàn tay rắn như kìm sắt tóm lấy gáy. Rồi một quả đấm giáng như búa bổ vào giữa ngực khiến cho đô Trâu ngã chổng bốn vó lên trời. Hắn lồm cồm bò dậy giữa tiếng reo hò của người phường phố. Đô Trâu nghiến răng chèo chẹo, nhận ra người đánh mình là Yết Kiêu. Quả thực đô Trâu cũng là tay có công luyện tập lâu ngày. Giá phải người khác trúng một quả đấm như thế có thể nằm liệt hàng tháng. Đằng này, hắn đứng dậy được mặc dù đôi chân đảo như chân bù nhìn rơm. Hắn văng tục một câu rồi cùng mấy đứa nữa xông vào đánh Yết Kiêu.
Chính lúc đó là lúc Hưng Đạo vương đang đi tới và nhìn thấy viên gia tướng tin cẩn của mình tay đấm chân đá loạn một góc chợ Cầu Đông. Nhưng đô Trâu bây giờ là một kẻ đã luống tuổi và sức khoẻ sa sút nhiều vì rượu chè, chơi bời. Còn Yết Kiêu thì đã trưởng thành, đang độ sung sức và được rèn tập hàng ngày. Hơn nữa, Yết Kiêu ra tay vì nghĩa và lòng anh đang tràn ngập phẫn nộ, nên đô Trâu ta bị một trận no đòn.
Khi Dã Tượng đến Đại An phủ sứ, đô Trâu đã được tháo cùm nhưng y vẫn rên la ca cẩm om một góc ngục. Còn Yết Kiêu thì không bị giam. Viên quan coi hình án kinh thành vừa nể Hưng Đạo vương, vừa thấy Yết Kiêu phải lẽ nên làm án rất nhẹ. Anh chỉ bị khép là đánh bắt côn đồ không khéo, làm kinh động đến người phường phố. Chiếu luật, Yết Kiêu bị phạm tội “suy”, đánh ba roi, nhưng cho phép nộp tiền chuộc. Tiền chuộc ba roi là ba tiền. Khi Dã Tượng đi, Trần Quốc Tuấn đã cho năm tiền, thừa nộp phạt. Nhưng Dã Tượng đâu có ngờ đến chuyện nộp phạt. Anh thương em nuôi nên đã đem năm tiền mua tất bánh trái và cả một con gà luộc làm quà cho em. Dã Tượng thưa với Trần Quốc Tuấn đến đây thì nghẹn ngào muốn khóc. Trần Quốc Tuấn phải cố nhịn cười, làm mặt nghiêm, cho ba tiền, sai Dã Tượng đến Đại An phủ sứ lần nữa để nộp phạt, chuộc Yết Kiêu ra.
Sau đó, Trần Quốc Tuấn lên kiệu đến phủ Chiêu Quốc dự tiệc và ông cứ cười suốt dọc đường. Tối nay, đèn lồng thắp như sao sa trong phủ Chiêu Quốc, nhất là trên mảnh vườn rộng bên bờ cái hồ thả sen trắng đang nở rộ. Trần Ích Tắc cho bày bàn tiệc ngay trên bờ cái hồ đó. Tiệc ở phủ Chiêu Quốc khác xa tiệc ở phủ Chiêu Văn. Mỗi lần Chiêu Văn vương mở tiệc là một lần hàng trăm danh sĩ kinh thành tới dự. Rượu ngon vừa phải, thức nhắm vừa phải, và tiếng ngâm thơ gieo mãi tới canh khuya. Còn tiệc ở vương phủ của Trần Ích Tắc thì cực kỳ lịch sự, đến mức ngay Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng đâm ngượng ngùng. Khách mời rất ít, chỉ mươi người, nhưng tiệc to như cho trăm khách dự, và kẻ hầu người hạ nườm nượp, ăn mặc lượt là đứng mãi tận đằng xa.
Trần Quốc Tuấn nhận thấy trong số những người ấy có cả Trương Hán Siêu. Người chép sách này đã được Trần Quốc Tuấn đưa vào phủ Chiêu Quốc để học văn nhưng xem ra anh ta không được học tập những điều đáng giá. Điều đó càng làm cho Trần Quốc Tuấn bực tức muốn bỏ về ngay. Trần Ích Tắc thật là con người khéo léo trong việc tiếp khách quý. Với Hưng Đạo vương, Trần Ích Tắc tỏ ra kính trọng và đón ý khách rất tài. Ích Tắc đưa đẩy đỡ lời Trần Quốc Tuấn, cố cuốn vị tướng già vào trong câu chuyện phù phiếm trên bàn tiệc.
Trên khuôn mặt rất trẻ và đẹp của Ích Tắc, một vẻ chăm chú kín đáo chỉ thoáng hiện ra trong cách nhìn nhanh, gọn. Vốn là một người nổi tiếng văn hay, chữ tốt, vẽ giỏi, đàn ngọt, cờ cao, Trần Ích Tắc vẫn giấu kín trong lòng mối khát vọng lớn về quyền hành. Ích Tắc thèm khát cả chức Quốc công Tiết chế của Trần Quốc Tuấn, thèm khát cả chức Thượng tướng quân của anh ruột, thèm khát cả ngai vàng. Cách đây hai năm, Ích Tắc đã ra sức gợi lên mối bất hòa giữa hai ngành trưởng thứ nhưng rút cục ấn Tiết chế vẫn về tay Trần Quốc Tuấn. Bây giờ đây, khi giặc đã lấp ló ngoài bờ cõi, Ích Tắc vừa lo sợ vừa vui mừng. Lo sợ vì trong lúc loạn lạc, cái sống chết chửa biết thế nào, vui mừng vì trong lúc loạn lạc, chỉ cần một mẹo nhỏ cũng đủ giành được ngôi báu. Đó là một con người tâm địa đen tối được che giấu rất kín, chỉ thỉnh thoảng thoáng hiện ra trong ánh mắt lóe lên vì dục vọng.
Tiệc rượu kéo dài mãi. Chốc chốc, bọn con hát lại lũ lượt kéo ra, kẻ tấu đàn, kẻ nỉ non những bài hát buồn u ám. Trần Quốc Tuấn bồn chồn, ông tiếc cho thời gian trôi đi trong khi công việc trăm mối còn bộn bề. Ông chợt nghĩ đến cách dùng thời gian của các tướng của quân triều đình và quân gia nô của các vương hầu. Năm ngoái, ông dẫn quân đi tuần hai lộ Hải Đông, đầu năm nay, ông qua lộ ông Lẽng Giang; đi đến đâu ông cũng nhận thấy các tướng và binh lính còn bỏ phí nhiều ngày tháng. Những thú vui chó săn, gà chọi, những thói say mê cờ bạc, rượu chè chính là nguyên cớ làm lơi lỏng kỷ luật quân ngũ và làm giảm khí thế sẵn sàng chống giặc. Trần Quốc Tuấn cũng tự trách mình bỏ phí một tối hôm nay. Đáng ra bây giờ ông đang ngồi nghiên cứu những tin tức về địch, tìm hiểu chúng kỹ càng thêm. Ông càng hiểu sâu sắc rằng một cuộc chiến tranh không phải chỉ bắt đầu từ lúc đôi bên giao binh mà bắt đầu từ trước đó rất nhiều. Trần Quốc Tuấn mải suy nghĩ, quên cả chung quanh, cho đến lúc Ích Tắc nói nhỏ bên tai, ông mới giật nảy mình nhìn lên ngơ ngác:
-Vương huynh xem kìa, con bé con vương huynh gửi đến đây thật là đứa có tài.
Trần Quốc Tuấn ngẩng lên thấy bé Bội đang vừa gõ sênh tiền vừa hát một bài bằng tiếng Thát Đát. Những bài hát này chẳng có gì là hay nhưng đã một thời có nhiều người ưa chuộng. Đó là những bài hát xuất hiện khi Nậu Lạt Đinh sang ta nhận chức Đạt lỗ hoa xích, chức quan giám sát do Hốt Tất Liệt đặt ra nhằm kiểm soát việc triều chính ở nước ta. Đó là thời kỳ mà sứ giặc ngông nghênh đi giữa kinh kì, triều đình phải dùng đến cả nhạc Thái Thường tôn quý tấu trong tiệc thết chúng. Trần Quốc Tuấn chợt thấy lòng căm giận sôi lên. Ông nhớ cái lần tên sứ giặc Sài Thung phóng ngựa vào qua cả cửa Dương Minh, đánh lính đô Long dực chảy máu đầu. Thượng tướng quân Trần Quang Khải đến sứ quán, chúng cũng không thèm tiếp. Và chính ông, muốn xem bụng giặc mưu đồ gì, đã mặc áo giả làm sư đến mới được chúng mời vào.
Lần ấy, bọn lính hầu của Sài Thung đã đứng sau lưng ông, dùng mũi sắt nhọn chọc vào đầu ông. Chúng muốn thử gan ông, nhưng cuối cùng chúng đã phải khiếp sợ. Ông cứ nói chuyện bình thường như không biết đầu mình bị đâm chảy máu. Chiếc áo cà sa mặc lần ấy, ông còn giữ mãi đến khi đem giao cho Đỗ Vỹ. Đó là thời kỳ mà sức ta chưa đủ, của ta chưa nhiều, phải tạm ép một bề chờ cơ hội diệt giặc. Thời kỳ ấy qua rồi, qua như một giấc mộng xấu xa... Nhìn bé Bội hát bằng tiếng Thát, Trần Quốc Tuấn thấy mặt nóng phừng phừng. Ông đứng dậy, lẳng lặng ra về. Ra đến cổng phủ Chiêu Quốc, quân gia nô Vạn Kiếp đón ông trở về vương phủ Hưng Đạo.

*

Về tới vương phủ, Trần Quốc Tuấn sai thắp tất cả các đèn lồng trong gian chính đường, và hạ lệnh gọi gia tướng đến hầu. Chính đường sáng choang. Quân gia nô Vạn Kiếp truyền mõ ran vương phủ.
Lát sau, các gia tướng lục tục kéo đến, trong số đó có cả Yết Kiêu. Viên tướng đội đánh sông ngượng ngùng đứng nép sau lưng Dã Tượng. Nhìn hai anh em đứng che cho nhau, Trần Quốc Tuấn càng thấy quý mến họ. Đó là hai người không có quan hệ máu mủ nhưng họ hiểu nhau và quý trọng nhau còn hơn anh em. Tình cảm của hai người đã nảy nở trên mối quan hệ cùng chiến đấu đồng sinh đồng tử. Tình đồng ngũ ấy lại bắt nguồn từ một lòng yêu nước sôi nổi và chân thành. Trần Quốc Tuấn nhớ lại buổi hội võ mùa xuân chọn tướng cầm cờ tiết chế. Lần ấy, ông chưa chọn được người và ít lâu sau, ông đã hỏi riêng cả hai anh em về việc đó. Dã Tượng đã thưa với ông rằng:
-Thưa Quốc công, lần này diệt giặc hẳn là nhờ quân thủy. Yết Kiêu được cử cầm cờ thật không có ai hơn.
-Thế còn nhà ngươi thì sao?
Dã Tượng nghĩ ngay đến công lao của Yết Kiêu dạy dỗ lính đội voi trong khi anh đi Chiêm Thành. Dã Tượng đáp ngay:
-Thưa Quốc công, tiểu tướng không bằng Yết Kiêu.
Lời nói của Dã Tượng làm cho ông rất cảm động. Sau đó Trần Quốc Tuấn lại hỏi Yết Kiêu, và viên tướng đánh sông đã đáp như sau:
-Thưa Quốc công, tôi chưa xứng với chức đó.
Người cầm cờ phải là Dã Tượng.
-Tại sao vậy? Ta xét hai người tài đức cũng ngang nhau.
-Thưa Quốc công, Dã Tượng yêu lính như anh em, lòng rất đỗi nhân từ. Cứ xem mấy cô bé, chú bé quý mến Dã Tượng như thế nào thì cũng đủ rõ.
Hôm nay ông lại được biết thêm về tình bạn giữa hai người. Ông đã có cách chọn người cầm cờ. Đợi đến hội võ mùa thu, ông sẽ nói cho binh lính trong hương biết. Bây giờ thì ông còn phải làm những việc khác. Trước tiên, ông hạ lệnh cho các gia tướng phải răn dạy binh lính, cấm nghiêm ngặt việc gây sự đánh lộn, cãi cọ với nhân dân kinh thành hoặc với quân gia nô các vương phủ khác. Ông nói:
-Ngay là khi lẽ phải thuộc về các ngươi, cũng không được động thủ. Việc đó đã có phép nước và lính Tứ sương túc vệ kinh thành.
Đó cũng là cách mắng khéo Yết Kiêu. Việc thứ hai là ông sai Dã Tượng cầm một phong thư đến phủ Chiêu Quốc xin lỗi vì chóng mặt bất ngờ nên đã quay về giữa nửa chừng tiệc. Cuối lá thư, ông xin bé Bội về, thác cớ là đã thành tài. Dã Tượng hớn hở cầm lá thư. Vị tướng già dặn thêm một câu:
- Ta cấp cho hai anh em nhà ngươi một cặp ngựa tốt. Nhà ngươi đưa con bé Bội về Vạn Kiếp ngay sáng mai rồi trở lại đây trước ngày rằm.
Cuối cùng, ông sai gia tướng chép mấy chục bản mệnh lệnh truyền cho quân gia nô các vương phủ và quân túc vệ kinh thành phải sửa sang binh giáp, hẹn ba ngày nữa sẽ bắt đầu một tháng tập trên bãi cát Cơ Xá. Khi các gia tướng đã lui ra, ông gọi Yết Kiêu đến, rót một bát rượu lớn đưa cho:
-Ngươi phải uống một hơi. Đó chính là để thưởng công chăm lo việc may áo chiến nhưng cũng là cách phạt việc gây sự đánh lộn ở chợ Cầu Đông.
Yết Kiêu vốn không uống rượu, thậm chí chỉ ngửi nắm lá chuối nút vò cũng đã chuếnh choáng, nên tròn xoe mắt nhìn cái bát lớn chứa đầy rượu mạnh.
Sau đó, chính đường chỉ còn lại một mình Trần Quốc Tuấn. Ông mài mực thảo biểu sáng mai dâng vua. Trong biểu, ông tâu bày rõ ràng việc xô xát giữa quân gia nô hai hương. Ông nhấn mạnh tính cách công minh nghiêm chính của Phạm Ngũ Lão. Ông tâu vua thăng chức cho Phạm Ngũ Lão, bởi vì một người đạo đức và có tài như vậy có thể đảm nhận nhiều công việc hơn chức vụ chỉ huy một đô Hổ dực tám chục lính túc vệ!
Mõ trong vương phủ cầm canh ba. Trần Quốc Tuấn lên gác Ngoạn Hoa trong khu hậu đường. Gác này cũng tĩnh mịch như căn phòng riêng cuối trang trại Vạn Kiếp. Bên ngoài kia, kinh thành đã say sưa ngủ. Bóng các lâu đài đền tạ im lìm trong ánh trăng non lấp lánh bạc. Trong vương phủ, lính gia nô đốt đèn lồng đi tuần nghiêm ngặt. Tiếng mõ gọi, mõ đáp nối đuôi nhau. Trần Quốc Tuấn trầm ngâm nhìn lơ đãng vầng trăng khuyết. Ông đang nghĩ về những công việc sắp phải làm, những công việc đó đôi lúc vấp phải những trở ngại khó khăn, nhưng ông tin chắc cả dân tộc Việt sẽ cùng ông san bằng trở ngại, đi lên dõng dạc, đường hoàng.