Bờ biển cao của hải cảng Douvre nổi lên ở đường chân trời mỗi lúc một rõ nét, cho đến khi chúng xuất hiện như một bức tường thành từ dưới biển nhô lên. Rồi pháo đài Douvre hùng vĩ trong ánh sáng trắng đục cuối buổi trưa mùa xuân ấy. Jên ngắm cảnh với một niềm vui thích, nhưng bỗng nhiên nhớ lại, như bị một cơn choáng, chị nhắm mắt.
Từ lúc Jên đọc bài báo trên sân khách sạn Cairô, tất cả mọi cảnh đẹp làm cho tâm hồn chị tràn ngập sầu thương. Một giờ sau khi đọc bài báo đó, chị lên giường và hôm sau xuống tàu thủy ở Alexandria. Và đi ngày đi đêm, sau cùng chị tới bờ biển nước Anh. Trong vài phút nữa chị sẽ đặt chân xuống đấy, và cuộc hành trình của chị chỉ còn có hai chặng nữa. Vì từ khi bắt đầu lên đường về, Jên xác định là mình phải đi về phía cái buồng trong đó có bóng tối và đau khổ đang tấn công dữ dội vào lòng can đảm của tinh thần, lý trí và tính bảo thủ của người mà chị yêu. Một cách không tính toán, chị đi về với Đan, chị cảm thấy không có khả năng phối hợp cách thức với biện pháp. Lương tri của chị báo trước cho chị thấy vấn đề sẽ rất phức tạp mặc dù tất cả con người chị đều kêu lên: “Lạy Chúa! Chỉ đơn giản thôi mà! Mù lòa và cô đơn! Đan của tôi!”
Jên hiểu rằng một sự suy xét quân bình hơn sẽ giải quyết được vấn đề, và cách tốt nhất để đi đến được với Đan là qua phòng khám bệnh của bác sĩ Đêrych. Vì thế lúc đi qua Pari, chị sẽ đánh điện cho Đêrych.
Đến Dourve, Jên mua một tờ báo và giở xem các trang rất nhanh. Trong cột tin tức xã giao, chị thấy điều chị cần:
“Chúng tôi lấy làm tiếc được tin họa sĩ Đan vẫn ở trong tình trạng bấp bênh sau tai nạn xảy ra cách đây 15 ngày. Thị giác của ông bị mất hẳn không còn hy vọng gì. Tuy nhiên các vết thương của ông đều tốt không đáng lo ngại đến bộ não, mặc dù trong những ngày gần đây có xảy ra những rối loạn xét thấy cần phải mời bác sĩ Đêrych, chuyên gia nổi tiếng về bệnh tâm thần, cùng nghiên cứu với bác sĩ về mắt đang chữa bệnh cho nạn nhân. Trong các giới xã giao và nghệ thuật, ông Đan rất được nhiều người biết đến và thu được nhiều cảm tình. Từ khắp nơi người ta gửi đến những lời chia buồn…”
Jên tìm một chỗ ngồi trong khoang. Một em bé bán báo trong tàu rao: “Chị Jên đáng mến!” Jên nghe thấy tên mình bèn ra hiệu gọi:
- Lại đây em, của chị đấy!
Jên vội vàng mở tờ Bưu điện ra đọc:
“Rất mong. Ở Êcốt về. Đợi chị ở Charing – Cross. Xin tận tâm giúp đỡ. Dùng cà phê ở Douvre. “Đêrych”
Jên như muốn khóc vì biết ơn những lời an ủi. Ôi! Sao lúc này chị rất cần một người bạn thông minh, khỏe khoắn và hảo tâm đến thế! Được một người bạn như Đêrych thật là quý hóa!
Chị đọc lại bức điện và mỉm cười. Chị bỏ mũ ra và tựa đầu vào đệm ghế. Jên đã hành trình ngày đêm trong một cơn lốc vội vàng nóng bỏng, nhưng cuối cùng chị cũng đã sắp tới được tầm tay của Đêrych, tới được sự giúp đỡ của người bạn thân. Nỗi xáo động trong tâm hồn chị lắng xuống dần, tiếp đó là yên lặng. Jên ngủ… Thượng Đế không bỏ rơi chị…
Lúc tàu về đến ga Charing – Cross, Jên đứng ra ngoài cửa toa. Đêrych đã đến trước, ngay chỗ cửa toa tàu dừng, đấy chỉ là tình cờ, một sự tình cờ tốt lành, luôn luôn làm cho Đêrych xuất hiện đúng nơi mà người ta cần đến anh nhất.
Chỉ trong một giây, Đêrych đã vượt qua đám người khuân vác nhốn nháo. Jên đưa mắt nhìn quanh vào bộ mặt gầy nhưng cương nghị sáng lên niềm vui chờ đón. Chị đọc trong cặp mắt của người bạn thời thơ ấu ấy một mối thịnh tình và một niềm thông cảm sâu sắc. Đàng sau bác sĩ, Jên còn nhận thấy có người nhà của bà quận chúa, người hầu phòng của chị. Chỉ một giây sau Jên đã đứng trên sân ga và tay cầm tay Đêrych. Anh nói:
- Thế là chị đã ở đây rồi! Và như tôi thấy, chị còn khỏe mạnh nữa. Tôi đã gọi điện cho bà quận chúa phái người nhà đến nhận hành lý của chị và không đợi chị trước bữa ăn tối vì bữa trà đầu tiên phải là ở nhà chúng tôi. Tôi làm thế có được không? Ta đi đàng này, ra khỏi hàng rào… Sao mà đông thế này! Ai nấy đều muốn được loại trừ mình ra khỏi nội quy để được đứng lên hàng đầu. Đúng là lòng kiên nhẫn của những nhân viên hỏa xa là một bài học cho nhân loại.
Đêrych vừa nói vừa lái Jên đi qua đám đông, anh mở cửa một cỗ xe ngựa, dắt chị lên, ngồi xuống cạnh chị và nhanh chóng rời khỏi ga.
- Thế nào? Đêrych hỏi. Nicaragoa vĩ đại lắm phải không? Và cảng New York chị có thấy đâu bằng không? Nhất là khi người ta đến đấy lúc mặt trời lặn.
Bỗng nhiên Jên nấc lên tiếng khóc, rồi quay cặp mắt ráo hoảnh lại:
- Anh ấy không còn hy vọng gì phải không, Đêrych?
Bác sĩ đặt một bàn tay lên tay Jên, nói:
- Anh ấy sẽ bị mù mãi mãi. Nhưng cuộc sống của anh ấy mới là đáng kể. Chúng tôi không bao giờ được phép nói: không hy vọng.
- Anh ấy sẽ sống chứ?
- Không vì lý do gì mà anh ấy không sống cả. Nhưng cái giá của cuộc sống của anh ấy còn phụ thuộc vào điều mà người ta có thể làm được cho anh ấy trong những tháng thử thách đầu tiên. Anh ấy bị chấn động tinh thần hơn về thể chất.
Jên tháo găng tay ra khẽ rùng mình và đột nhiên đặt bàn tay chị lên đầu gối Đêrych rồi khẽ nói:
- Tôi yêu anh ấy!
Bác sĩ im lặng một lúc, ngẫm nghĩ về sự thổ lộ kỳ lạ ấy, rồi anh nâng bàn tay đẹp và khỏe ấy lên môi và kính cẩn hôn nó. Lòng kính trọng của người đàn ông đối với sự thật thà can đảm của người phụ nữ.
- Trong trường hợp ấy, đối với Đan, tôi cho là tương lai còn có nhiều cái vĩ đại đáng quý hơn là thị giác của anh ấy. Trong khi chờ đợi, chị có nhiều vấn đề phải nói với tôi, và chị có quyền được biết những gì tôi có thể cho chị biết. Ta đã về đến nhà rồi. Mời chị vào phòng khám bệnh của tôi.
Phòng khám bệnh của bác sĩ là nơi hoàn toàn yên tĩnh và nghỉ ngơi. Jên ngồi vào chiếc ghế đẩu, hai bàn tay nắm chắc vào hai thành ghế. Bác sĩ ngồi vào chiếc ghế có trụ xoay để anh có thể quay thẳng sang phía bệnh nhân hoặc xoay về bàn giấy để viết. Lúc này anh đang nhìn Jên. Anh vừa mới kể cho chị nghe chi tiết về cuộc đến thăm Đan ở lâu đài Gleneesh của anh hôm qua. Anh đã ở liền năm giờ bên cạnh Đan và thấy rằng tốt hơn hết là nên nói sự thật với Jên. Trong khi nói, anh nhìn thẳng vào Jên mà không nhận thấy những giọt nước mắt đang chảy thành hai vệt trên má chị.
- Chị nên hiểu rõ là vết thương tốt lắm rồi. Thật lạ lùng, hai đồng tử bị thủng mà không gây chấn thương lan ra xung quanh và bộ óc không việc gì hết. Mối nguy hiểm hiện nay xuất phát từ sự va chạm vào thần kinh và tinh thần hốt hoảng của nạn nhân khi biết được nỗi thống khổ của mình. Những đau đớn về thể xác và tinh thần trong những ngày đầu tiên phải là khủng khiếp lắm. Tội nghiệp anh thanh niên ấy, anh bị chấn động mạnh lắm. Nhưng anh có một thể chất tuyệt diệu và cuộc sống của anh luôn luôn trong sạch và bình thường nên anh có tất cả sự hành hạ về tinh thần tăng lên theo nhiệt độ giảm xuống của đau đớn về thể xác. Thị giác đối với anh có rất nhiều ý nghĩa: cái đẹp của hình dáng, cái đẹp của màu sắc, nó là tất cả của họa sĩ. Người ta kể với tôi rằng anh chẳng nói gì cả. Thật là một người can đảm và mạnh mẽ, nhưng nhiệt độ của anh ấy đã bắt đầu có những biến động đáng lo ngại. Do đó một nhà chuyên môn về thần kinh cần đến hơn một nhà chuyên môn về mắt. Chính vì vậy mà bây giờ anh ấy đang ở trong tay tôi.
Bác sĩ ngừng nói, sắp xếp lại những quyển sách để rải rác trên bàn và lôi về phía anh một bình hoa tím. Anh ngắm nghía chúng một lúc rồi nói tiếp:
- Nói chung thì tôi hài lòng. Anh ấy cần có tiếng nói của người bạn để xuyên thủng bóng tối xung quanh. Anh ấy cần có bàn tay thân thiết để nắm lấy và làm cho anh ấy cảm thấy người ta hiểu mình. Anh ấy không yêu cầu lòng thương hại, và mặt khác, những ai nói với anh ấy nỗi thống khổ mà không thận trọng sẽ làm anh ấy sợ hãi. Cần phải có một người nào đó đến nói với anh ấy. “Đó là một cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh dữ dội. Nhưng đội ơn Chúa, anh sẽ thắng. Tất nhiên là chết thì dễ dàng hơn nhiều, nhưng chết tức là thú nhận mình thua, ta sẽ phải sống để mà thắng. Và nhờ ơn Chúa anh sẽ thắng.” Tất cả những điều này tôi đã nói với anh ấy và còn hơn thế nữa. Và thế là xảy ra một hiện tượng lạ lùng và kỳ diệu. Tôi có thể tiết lộ với chị, và tất nhiên là cả với Hoa của tôi nữa, nhưng tuyệt đối không còn ai khác. Khó khăn là ở chỗ làm thế nào có được một câu trả lời của anh ấy. Tất cả các trường hợp ngoại lai đều vô tác dụng đối với anh. Nhưng câu nói “Nhờ ơn Chúa” như thấm vào người anh ấy và tìm thấy tiếng vang trong đáy lòng anh ấy. Anh ấy thì thầm: “Tôi nhớ lại những lời nói và những điệu nhạc.” Và thế là rất khẽ và rất rõ ràng anh hát đoạn thứ hai của bài Venis Créator Spiritus: “Hãy soi sáng cho tâm hồn chúng con.” Tôi chưa bao giờ được nghe nhạc mà lại cảm động hơn thế.
Bác sĩ ngừng lại vì thấy Jên ấp hai tay lên mặt và nức nở khóc. Khi những tiếng khóc đã dịu, tiếng nói bình tĩnh của Đêrych lại tiếp tục:
- Chị nên hiểu rằng điều đó đã cho tôi một điểm tựa. Khi biến cố như vậy xảy ra, con người ta không còn biết trông cậy vào đâu khác ngoài lòng một đạo. Tùy theo mặt tinh thần đã được phát triển, thể xác sẽ phải chịu gánh nặng hay không. Đan có những tình cảm sâu sắc hơn là chúng ta tưởng. Sau khi đã nói chuyện với nhau, chúng tôi đi đến một thỏa thuận. Anh ấy không có gia đình và rất bị cô đơn, trơ trợi ở đó. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết trong chúng ta có ai biết con người thật của Đan, tâm hồn của con người dưới cái bề mặt ấy không?
Jên ngẩng mặt lên và nói một cách đơn giản:
- Tôi, tôi hiểu anh ấy.
- À! - Bác sĩ nói, - tôi hiểu. Để trở lại những chi tiết thực tiễn, anh ấy đã có ở bên cạnh một nam y tá và người hầu phòng. Anh đã cương quyết từ chối một nữ hộ lý của bệnh viện, người có thể mang đến cho anh ấy một không khí đầm ấm và tình cảm phụ nữ, anh ấy tuyên bố không muốn để cho bất cứ một bàn tay phụ nữ nào mó vào. Cuối cùng anh ấy đã chịu nhượng bộ. Bây giờ chúng ta không còn cần đến một nam y tá. Tôi đã nài nỉ Đan đề cử một phụ nữ do tôi chọn, một loại nữ thư ký để phục vụ anh ấy, đọc cho anh nghe và giữ trách nhiệm về thư tín. Những thư từ chưa mở còn chất đống đó, cần phải giúp anh ấy đi vào cuộc sống với tư cách một người mù. Đúng buổi trưa hôm nay tôi đã chọn được nhân vật cần thiết. Đó là một phụ nữ xuất thân từ một gia đình tốt, có đủ các khả năng mong muốn, hơn nữa lại là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, đúng là một nhân vật lịch sự sẽ làm vừa lòng Đan mặc dù anh ấy rất khó tính về ngoại quan và rất thành thạo về cái đẹp. Tôi đã viết một bài tả người hộ lý của tôi cho bác sĩ Rôby, người sẽ chuẩn bị cho bệnh nhân đón chị ta. Ngày kia chị ta sẽ lên đường, phát hiện được chị ta là một điều may mắn. Sau cùng, chị Jên, chị thấy là mọi việc đã sắp xếp ổn cả rồi chứ? Và bây giờ, bạn thân mến, bạn hãy kể cho tôi nghe câu chuyện về bạn. Tôi xin tập trung mọi sự chú ý. Nhưng trước hết để tôi gọi trà đã.
Trong khi bác sĩ chuẩn bị bữa trà, Jên thấy mình như trở lại những cảnh bạn bè hồi thơ ấu và cảm thấy sẵn sàng thổ lộ tâm tình. Chị nói:
- Đêrych, tôi sẽ kể để anh biết hết. Tôi sẽ nói anh nghe về trái tim tôi, về những ý nghĩ của tôi, về những tình cảm của tôi như về mạch máu của tôi, về tim phổi tôi. Tôi đề nghị anh vừa là thầy thuốc vừa là bạn tâm giao.
Bác sĩ nhìn đầu những ngón tay của mình, nhìn nhanh người bạn gái và gật đầu tỏ vẻ đồng ý, rồi anh lại nhìn ngọn lửa.
- Anh Đêrych, cuộc đời tôi là cô đơn. Tôi không bao giờ cần thiết cho một người nào, chẳng có ai thèm tìm hiểu thực chất đáy lòng tôi.
Đêrych mở miệng toan nói, nhưng rồi anh lại ngậm miệng và chỉ gật đầu đáp lại.
- Tôi chưa bao giờ được yêu tuyệt đối, và bản thân tôi cũng chưa bao giờ yêu như vậy. Tôi đã có những tình cảm to lớn nhưng chưa phải là tình yêu. Tôi hiểu như vậy.
Đêrych mỉm cười đáp:
- Rất đúng! Có một sự phân biệt và một sự khác nhau.
- Tôi có rất nhiều người bạn thân, thường thường là trẻ hơn tôi. Có mặt tôi họ gọi tôi là “Chị Jên đáng mến”, sau lưng tôi họ gọi tôi là “Chị Jên già.”
Đêrych mỉm cười, bản thân anh cũng đã nhiều lần được nghe gọi như vậy, bao giờ cũng với một tình thân ái thực sự.
- Nói chung các bạn trai hòa hợp với tôi hơn các bạn gái. Các bạn gái coi tôi như một ý chí mạnh mẽ và sợ tôi. Đối với các bạn trai còn trẻ, tôi là một người bạn tâm tình, một người chị cả có thể tin cậy. Trong số các bạn trai có Đan… - Jên ngừng lại và bác sĩ im lặng chờ. - Tôi bao giờ cũng chú ý đến Đan, có lẽ vì anh có một tinh thần đặc biệt, một người nói chuyện xuất sắc và anh ấy rất đẹp trai nữa. Thế rồi trong chúng tôi có những cảnh ngộ giống nhau: cả hai cùng mồ côi, cùng có tài sản và cũng không có ai chịu trách nhiệm cho mình. Dần dần chúng tôi rất thân nhau. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất tự do về những người phụ nữ mà anh ấy thích, và tôi cũng thích đoán xem ai là người sẽ gắn bó với tương lai của anh ấy. Thế rồi một ngày kia, trong vòng nửa giờ, tất cả đều thay đổi. Chúng tôi cùng ở Overdene, giữa một đám đông khách mà bà cô tôi đã mời tới dự. Đến phút cuối cùng bà Vetma vắng mặt. Bà cô tôi như giẫm phải lửa. Cần phải làm một cái gì. Tôi tình nguyện thay bà Vetma và tôi đã hát.
- A! - Bác sĩ thốt lên.
- Tôi đã hát bài
Chuỗi tràng hạt, bản tình ca mà Hoa đã đề nghị tôi hát lần cuối cùng tôi ở đây. Anh còn nhớ không?
- Tôi còn nhớ.
- Thế là tất cả đều thay đổi, giữa Đan và tôi. Lúc đầu tôi còn không hiểu. Tôi chỉ thấy âm nhạc đã làm anh ấy rất xúc động. Nhưng tôi nghĩ, cảm xúc đó ngày hôm sau sẽ biến hết. Không có gì cả, những ngày qua đi và không hề thay đổi. Nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng là lần đầu tiên trong đời tôi được có người cần đến. Tôi không thể vào một căn phòng mà không có một niềm tin chắc là anh đoán được ngay sự có mặt của tôi. Tôi hiểu tất cả tuy nhiên tôi không cho đó là tình yêu, mà chỉ coi là tình cảm sâu xa giữa hai chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau ở trong phòng nhạc hàng giờ, và khi cặp mắt anh nhìn vào tôi, tôi cảm thấy sự tiếp xúc. Và tôi không nghĩ đến tình yêu. Tôi không đẹp và cũng sắp hết xuân rồi. Còn anh ấy đẹp biết bao! Trẻ biết bao! Một thiên thần trẻ mà sự có mặt sưởi ấm trái tim tôi… Đó là những ngày sau buổi hòa nhạc đối với tôi. Còn anh ấy, sau khi nghe tôi hát bài
Chuỗi tràng hạt, anh ấy nói với tôi rằng cho đến nay mới chỉ thấy ở tôi người bạn tốt, nhưng cứ như là một tấm màn bị xé ra để lộ cho anh ấy thấy một phụ nữ lý tưởng. Và từ giờ đó trở đi anh ấy chỉ có một ý nghĩ: làm cho tôi vĩnh viễn là của anh ấy, say mê tôi như chưa từng bao giờ say mê.
Jên ngừng nói và nhìn ngọn lửa đỏ rực trong lò sưởi. Bác sĩ cũng nhìn Jên. Đã từ lâu anh đã thấy được những tình cảm tiềm tàng trong con người chị, do đó anh đáp:
- Tôi không ngạc nhiên chút nào.
Jên đã quên mất bác sĩ, chị trở lại tình cảm trong lúc này.
- Tôi lấy làm sung sướng lắm. Nhưng trái lại tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Ngay ngày hôm đó chúng tôi từ biệt Overdene. Tôi đến đây, còn anh ấy đến Shenstone. Hôm thứ sáu tôi cũng đến Shenstone. Sự xa cách nhau ngắn ngủi ấy làm cho cuộc gặp lại nhau thêm thắm thiết. Ở Shenstone có một cô thiếu nữ Mỹ rất xinh đẹp tên là Pôlin. Đan phấn khởi lắm, anh muốn vẽ chân dung cô. Tất cả mọi người đều tin chắc là Đan sẽ cầu hôn Pôlin. Và tôi, Đêrych ạ, tôi cũng tin như những người khác, tôi lại còn khuyên anh ấy nên làm như vậy. Tôi hân hoan cho anh ấy, mặc dù tôi cảm thấy một ngày chỉ bắt đầu với tôi khi anh ấy xuất hiện và chấm dứt lúc anh ấy chào tôi với lời cầu chúc một đêm tốt lành. Về phần anh ấy, anh ấy luôn nghĩ làm sao cho cuộc sống của tôi có màu sắc hoàng kim. Tuy nhiên tôi vẫn chỉ thấy đó là một tình bạn tốt đẹp thanh tao. Nhưng buổi tối hôm tôi đến Shenstone, anh ấy đề nghị với tôi sau bữa ăn ra ngoài sân có câu chuyện muốn tâm sự với tôi.
Đêrych ạ! Một lần nữa tôi vẫn tưởng vai trò tâm sự của tôi lại được nhờ đến. Và anh ấy sẽ cho tôi biết ý định của anh ấy đối với Pôlin. Thấm đầy ý nghĩ ấy, tôi bình tĩnh đi ra, ngồi trên cái bao lơn, mặt trăng soi sáng kỳ diệu, tôi chờ. Thế rồi, Đêrych ạ! Thế rồi… tôi không thể kể cho anh nghe từng chi tiết được. Đan trải tình yêu của anh ra trước mặt tôi như dát vàng lỏng. Nỗi niềm dè dặt, lạnh lùng trong niềm tin chắc của tôi tan đi trước dòng nhiệt huyết của Đan. Tôi chỉ còn nhận thức được một điều: tình yêu của anh ấy là của tôi, là của tôi. Tôi không còn giải thích thế nào được nữa, Đêrych ạ, tôi không hiểu nó xảy ra như thế nào, nhưng bỗng nhiên anh ấy quỳ xuống dưới chân tôi, tỳ đầu vào ngực tôi, tay anh ấy ôm lấy người tôi. Và chúng tôi cứ như vậy một lúc lâu, rồi anh ngẩng đầu lên nói với tôi. Đan chỉ nói có hai câu thôi, hai câu đó trả lại cho tôi năng lực của tôi. Đan đề nghị tôi “là vợ” anh ấy.
Jên ngừng lại, chờ đợi sự ngạc nhiên của Đêrych, nhưng chẳng thấy gì cả, anh chỉ nói:
- Anh ấy còn có thể đòi hỏi gì khác? Thế còn chị?
- Tôi đứng lên,vì tôi biết là chừng nào anh ấy còn quỳ ở đó, anh ấy còn làm chủ được tinh thần và thể xác tôi. Linh tính báo trước cho tôi rằng một cuộc hôn nhân cần phải có sự đồng ý của lý trí.
- A, Jên! Chị đã thấm nhuần một chân lý vĩ đại!
- Có thể. Nhưng tôi đã phải trả một cái giá đắt. Tôi đẩy Đan ra và nói với anh ấy là tôi phải có 12 tiếng để suy nghĩ. Anh ấy rất tin tưởng, tin chắc vào tôi, tin chắc vào bản thân mình, nên đồng ý ngay. Theo đề nghị của tôi, anh ấy từ biệt tôi ngay. Tôi hứa là sẽ gặp anh ấy trong nhà thờ làng: 11 giờ trưa hôm sau anh phải đến đấy để thử đàn organ. Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ chỉ có một mình. Tôi đến. Đan cho người phụ nghỉ và gọi tôi đến chỗ cái bục của dàn đồng ca. Lòng tin ở hạnh phúc sáng ngời trong cặp mắt anh mặc dù anh cố nén. Anh không lại gần tôi trong lúc chờ đợi câu trả lời của tôi. Đó là lời từ chối dứt khoát dựa trên một lý do mà anh ấy không thể cãi được. Anh ấy liền quay đi, rời khỏi Nhà thờ và từ đó tôi không gặp lại anh ấy nữa.
Im lặng kéo dài. Trái tim thanh tao của người đàn ông thông cảm với những nỗi khổ của người đàn ông khác, cố gắng không để nổi giận trước khi biết rõ hết sự thật. Lòng quyết tâm của Jên căng thẳng như vào lúc giờ ác liệt ấy, và một lần nữa chị lại cho là mình đúng.
Sau cùng Đêrych nhìn thẳng vào mặt Jên nói:
- Với lý do nào mà chị từ chối anh ấy, chị Jên?
Tiếng nói của người bạn thân có vẻ cứng rắn. Jên giơ hai tay ra trong một cử chỉ cầu khẩn:
- Ôi Đêrych! Tôi phải cố làm anh hiểu. Tôi có thể làm sao khác được mặc dù như vậy là từ chối tất cả những gì là tốt đẹp mà cuộc sống có thể mang lại cho tôi? Anh biết khá đầy đủ về Đan để thấy rằng anh ấy say mê cái đẹp biết là chừng nào! Anh ấy cần thiết phải có nó xung quanh. Trước khi câu chuyện ấy xảy ra, Đan đã nhiều lần bày tỏ với tôi quan niệm đó. Một hôm anh ấy nói với tôi về một người xấu xí nhưng anh ấy lại khâm phục tinh thần người đó và cuối cùng anh ấy yêu mến bộ mặt đó. “Tuy nhiên, anh ấy nói, đó không phải là bộ mặt người ta thích sống với, hoặc người ta có hàng ngày trước mặt trong bữa ăn. Nhưng nhờ Chúa, người ta không bắt buộc phải như thế, đối với tôi đó là một nỗi thống khổ!”
Ôi Đêrych! Tôi có thể ràng buộc anh ấy vào bộ mặt vô duyên của tôi không? Tôi có thể nhận làm một gánh nặng cho bản chất yêu cái đẹp ấy không? Tôi biết người ta thường nói: “Tình yêu là mù quáng”, nhưng đó là giai đoạn trước khi đi vào vương quốc của nó. Tình yêu vợ chồng không mù quáng. Tôi đã sống khá nhiều với những cặp vợ chồng nên có thể hiểu được họ nhìn lẫn nhau như thế nào khi ảo tưởng mù quáng của tình yêu tan đi. Tôi biết rằng trong những ngày may mắn ấy, Đan đã mù quáng không thấy tôi không có sắc đẹp vì anh ấy mê tôi dữ quá. Nhưng sau này, khi anh ấy đã no đủ về tất cả những gì mà cái đẹp tinh thần của tôi đã cung cấp, khi cuộc sống lại bắt đầu trở lại lối cũ, luôn luôn mang bộ mặt tôi lại trước cặp mắt anh ấy, nếu tôi thấy anh ấy chỉ lườm tôi một cái rồi quay mặt đi thì liệu tôi có chịu nổi không, hả Đêrych?
Đêrych quan sát Jên với vẻ nhà nghề và vừa nói vừa ngẫm nghĩ:
- Cuộc khám bệnh của tôi đúng biết bao nên tôi đã khuyên chị đi du lịch! Ấy là tôi chưa biết gì mấy về trường hợp của chị đấy!
- Ôi Đêrych! Bạn thân mến của tôi! - Jên sốt ruột kêu lên, - đừng nói với tôi như nói với một bệnh nhân. Hãy nói với tôi như nói với một con người và với tất cả tấm lòng thành thật của anh. Anh hãy cho tôi biết tôi có thể rằng buộc Đan vào vẻ xấu xí của tôi không? Vì anh biết là tôi xấu xí…
Bác sĩ cất tiếng cười, anh rất dễ dàng chọc tức chị. Anh nói:
- Bạn thân mến! Nếu chúng ta nói chuyện với nhau như đàn ông với đàn ông, thì tôi có rất nhiều vấn đề hay ho để nói với chị. Nhưng vì tôi là một người đàn ông nói chuyện với một người phụ nữ, một người đàn ông đã từ lâu kính trọng chị, yêu mến chị, phục chị, tôi sẽ thành khẩn trả lời câu hỏi của chị. Chị không có sắc đẹp theo nghĩa thông thường của nó, và nếu người ta yêu chị người ta không thể nào trả lời khác được, vì người ta không thể nói dối chị được. Cùng lắm chúng ta cứ công nhận là chị xấu đi, mặc dù tôi dễ dàng tìm ra hàng tá bạn bè sẵn sàng từ chối không công nhận điều đó. Nhưng
chị là chị. Và nếu như ta tranh luận về bộ mặt của chị, tôi có thể nói để chị biết là đã có thời tôi sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số để được gặp bộ mặt chị đấy. Khi vắng chị tôi mong mỏi lại được nhìn thấy chị và bao giờ cũng tiếc khi thấy bộ mặt ấy biến đi.
- Nhưng Đêrych, anh chưa bao giờ bị bắt buộc phải có bộ mặt ấy trong các bữa ăn!
- Than ôi, không! Nhưng bao giờ tôi cũng ăn ngon hơn khi có mặt chị…
Và Đêrych cười.
- Ôi anh bạn! Tôi van anh, hãy nghiêm túc lại. Nếu anh không cho tôi được một lời khuyên tốt, cuộc thú nhận khó khăn này chỉ là vô ích.
Lập tức bác sĩ trở nên nghiêm trang. Anh cúi xuống và nắm lấy hai bàn tay chắp lại của Jên, rồi nói:
- Chị Jên, chị tha lỗi cho tôi. Lòng mong muốn đẹp đẽ nhất của tôi là được giúp đỡ chị. Chị cho phép tôi được hỏi chị mấy câu. Chị đã làm thế nào thuyết phục được Đan để một sự tầm thường như thế lại không thể vượt qua được cho sự đoàn tụ của hai người?
- Tôi không đưa ra lý do ấy.
- Thế lý do nào?
- Tôi đã hỏi tuổi anh ấy.
- Sao? Ở đó? Trên cái bục của dàn đồng ca, trong khi anh ấy đợi câu trả lời của chị?
- Vâng, mỗi khi nghĩ đến đó tôi hiểu là mình tàn nhẫn, nhưng tôi đã thành công.
- Tôi tin. Sau đó?
- Anh ấy trả lời: hai mươi bảy tuổi. Tôi nói là tôi ba mươi, tôi có vẻ ba mươi nhăm và tôi tự cảm thấy bốn mươi. Tôi nói thêm là anh ấy hai mươi bảy, nhưng có vẻ như mười chín và tôi thấy anh ấy thường nói anh lên bảy.
- Rồi sao nữa?
- Rồi tôi nói tôi không thể kết hôn với một em bé.
- Và anh ấy bằng lòng à?
- Đầu tiên còn sửng sốt, rồi anh ấy trả lời là nếu quả thật tôi coi anh ấy như một đứa trẻ con thì tôi không thể lấy anh ấy được thật. Anh ấy chấp nhận quyết định của tôi. Anh ấy bước xuống khỏi giáo đường và đi ra ngoài. Từ đó chúng tôi không gặp nhau nữa.
- Jên! - Bác sĩ nói, - tôi lấy làm lạ là tại sao anh ấy không thấy là chị nói dối? Chị không quen nói dối, chị không thể nào nói dối với lòng tin tưởng vào người chị yêu.
- Đêrych! - Jên đỏ mặt nói. - Đó không phải hoàn toàn là câu nói dối. Về tuổi tác, anh ấy là em tôi, về tính tình thì còn kém nữa! Sự già dặn của tôi sẽ đè nặng lên tâm hồn trẻ trung của anh ấy. Nhưng tôi đã chỉ nói dối tôi đã coi anh ấy như đứa trẻ con, anh ấy, người mà tôi cảm thấy hoàn toàn là bậc thầy của tôi. Bị bất ngờ anh ấy không biết trả lời tôi ra sao. Anh ấy chỉ nghĩ đến tôi. Còn tôi, tôi có nghĩ đến anh ấy nhưng tôi nghĩ cả đến tôi nữa.
- Jên, - bác sĩ nói, - chị xứng đáng với những nỗi khổ đau mà chị đã phải chịu đựng từ lúc ấy.
- Tôi biết, - Jên nói và cúi đầu xuống.
- Chị đã nói dối cả lòng mình và chị đã thiếu thẳng thắn đối với người yêu chị! Chị không thấy sai lầm của mình à? Chúng ta hãy suy xét đến trường hợp theo quan điểm tầm thường nhất. Đan một con người sùng bái cái đẹp đến đâu đi nữa cũng đã chán với những bộ mặt xinh đẹp. Anh ấy như một thanh niên làm bánh mà những chiếc bánh ngọt không còn hấp dẫn được nữa và chỉ một tuần lễ sau anh chỉ còn muốn nghe nói đến bánh mì thường. Chị đối với Đan là chiếc bánh mì. Nếu chị không thích sự so sánh đó, tôi rất lấy làm tiếc.
- Sự so sánh ấy làm tôi thích lắm! - Jên mỉm cười nói.
- Nhưng chị còn là cái khác đối với anh ấy, chị là lý tưởng phụ nữ của anh ấy. Đan tin tưởng vào sức lực của chị, vào tính dịu hiền của chị, vào nét thanh tao và sự chân thành của chị. Chị đã hạ thấp lý tưởng của anh ấy, chị đã thiếu lòng tin anh ấy như anh ấy đã có với chị. Bản tính nghệ sĩ của Đan đã tìm thấy ở chị cái bến đậu và thế là chỉ trong mười hai giờ chị đã quẳng anh ấy ra biển. Chị Jên, chị đã phạm một tội ác. Cái giá trị tinh thần của Đan đã được thể hiện trong cách hành động của anh ấy từ dạo đó. Những tiến bộ về nghệ thuật của anh ấy không vì thế mà bị ngừng trệ. Những tác phẩm đẹp nhất của anh ấy là những bức cuối cùng. Anh ấy đã không kết hôn bừa bãi để trả thù chị. Khi tôi nghĩ rằng chàng thanh niên tội nghiệp mà tôi đã gặp hôm qua rất dũng cảm đã phải trải qua những thử thách như vậy do tại lỗi của chị. Jên, nếu chị là một người đàn ông, tôi sẽ đánh cho chị một trận.
- Như thế còn quá anh đánh. Những câu nói của anh đã quất tôi đau lắm rồi, nỗi đau ấy là tôi dễ chịu. Và lúc này tôi thấy cần phải nói với anh: hồi tôi ở Ai Cập, lúc tôi đứng trên đỉnh Kim tự tháp vĩ đại, bỗng nhiên tôi nhìn quá khứ dưới dạng một trạng thái khác. Tôi hiểu rằng rút cục lại, sống tự do cho cá nhân của mình chỉ là một cảnh nô lệ đáng buồn. Tôi tự hiểu, tôi đã tự đầy đọa thân mình, cả anh ấy nữa, vào một cuộc sống trong bãi sa mạc. Tôi đã hỏi cặp mắt của Quái Thần, cặp mắt bình thản và sâu sắc biết được cả trong tương lai. Tôi thấy như chúng nói với tôi: “Yêu là sống.” Buổi tối hôm đó tôi đã quyết định ngưng cuộc hành trình và trở về ngay nước nhà, đến tìm Đan và đề nghị xóa bỏ quá khứ kể từ ngày gặp nhau ở Shenstone. Mười phút sau khi đã quyết định như thế, tôi được tin Đan bị nạn…
Bác sĩ một tay che mặt khẽ nói:
- Bánh xe thời gian cứ tiến lên mãi, không bao giờ lùi lại đằng sau, không bao giờ! Tôi biết mọi nguyên tắc đều có ngoại lệ, chị đã nhận ra sai lầm của mình trước khi biết Đan bị nạn không thể chữa được.
- Tôi không thấy rõ là tôi có sai lầm hay không, nhưng có điều chắc chắn là tôi không có Đan, và tôi sẵn sàng chịu thử thách tất cả để tìm thấy anh ấy, và bây giờ những nỗi đau khổ của người bạn tội nghiệp của tôi sẽ đơn giản hóa vấn đề giữa chúng tôi.
Bác sĩ dướn lông mày lên hỏi:
- Đơn giản hóa? Jên có thể cho tôi biết Jên định làm gì không?
- Tôi định làm gì à? Lẽ tất nhiên tôi sẽ đến thẳng với Đan. Tôi chỉ muốn được anh khuyên tôi phương pháp tốt nhất để báo trước cho anh ấy biết tôi sẽ đến, và anh bảo đảm cho tôi là Đan có đủ sức chịu đựng một cơn cảm xúc. Tôi cũng không muốn bị các bác sĩ và y tá bắt buộc phải xa Đan. Chỗ của tôi là bên cạnh Đan, đời tôi không còn gì mong hơn. Nhưng những người chăm sóc bệnh nhân có thể gây ra những phiền phức vô ích. Một bức điện của anh có thể san bằng tất cả.
- Tôi biết, - bác sĩ chậm rãi nói. - Vâng! Một bức điện của tôi sẽ mở đường cho chị đến với Đan. Nhưng một khi đã tới đó?
Một nụ cười hiền dịu nở trên cặp môi Jên, Đêrych phải quay mặt đi, vì than ôi, người mà nụ cười đó được gửi đến sẽ không bao giờ nhìn thấy nó.
- Đêrych ạ! Đến đấy rồi tình yêu sẽ hướng dẫn tôi phải làm gì, tất cả những chướng ngại sẽ biến đi! Đan và tôi sẽ đoàn tụ.
Đêrych đặt hai bàn tay lên nhau rồi từ tốn nói:
- Jên, Jên! Đó là một quan điểm nữ tính, đơn giản nhất và có thể là tốt nhất. Nhưng lúc tới đầu giường Đan phải chú ý đến quan điểm nam tính, và tôi sẽ không xứng đáng với lòng tin cậy của chị nếu tôi không báo cho chị biết trước là nếu chị đến Đan để tặng tình yêu của chị cho Đan – một của báu mà anh ấy khao khát một cách vô vọng từ ba năm nay – lẽ tất nhiên Đan sẽ kết luận rằng tình yêu ngày nay chị tặng cho anh phần lớn là do lòng thương hại. Và Đan không phải là người bằng lòng với sự thương hại khi anh tưởng là đã chinh phục được trái tim, lại hóa không. Rồi anh không bao giờ anh để cho một người phụ nữ, nhất là người mà anh đã tôn sùng, phải gắn liền với tai họa mù lòa của mình, trừ phi anh biết chắc chắn sự hòa hợp ấy là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ đó. Và làm thế nào để anh có thể tin được trước những sự việc cụ thể? Trong khi anh là tượng trưng cho tất cả những gì mà người phụ nữ có thể ước vọng, chị lại xua đuổi anh. Mặt khác, nếu chị giải thích được cho anh rõ nguyên nhân của sự từ chối của chị, anh ấy sẽ chỉ có thể trả lời một vấn đề: “Chị đã không tin tưởng vào lòng trung thành của tôi lúc tôi còn đôi mắt. Bây giờ mù rồi, tôi không còn khả năng để bày tỏ lòng trung thành của tôi nữa. Chị chỉ đến với tôi sau khi một tai nạn xảy ra làm chị hết lo.” Cô bạn tội nghiệp của tôi! Đó là thực trạng của vấn đề. Tôi e rằng chẳng còn có thể nghi ngờ về cách thức mà Đan sẽ nhìn nhận.
Bộ mặt hốt hoảng của Jên, nước da tái mét của chị làm bác sĩ mủi lòng. Chị ấp úng nói:
- Nhưng anh ấy yêu tôi!
- Chính vì anh ấy yêu chị mà anh không thể chấp nhận lòng thương hại của chị.
- Ôi, Đêrych! Hãy tìm cho tôi một biện pháp. Hãy cho tôi biết tôi cần phải làm gì bây giờ?
Nỗi thất vọng lộ rõ trong cặp mắt Jên. Bác sĩ im lặng ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi nói:
- Tôi chỉ thấy có một biện pháp. Cần phải có một biện pháp nào đó dẫn Đan đến chỗ phải tự mình hình dung được trạng thái tinh thần của chị lúc chị từ chối anh, Đan nói lên được với người nào đó, với tôi chẳng hạn, điều đó sẽ đặt chị vào một tình huống tốt nhất với anh ấy. Nếu chị có thể ở ngay bên cạnh Đan mà không bị trông thấy. A! Tội nghiệp cho Đan, bây giờ thì dễ rồi! Tôi muốn nói, mà Đan không ngờ tới. Ví dụ như chị có thể vào với tư cách người nữ y tá thư ký mà tôi cử đến cho anh ấy…
Jên nhổm dậy trên ghế:
- A, Đêrych, tôi nghĩ ra rồi! Anh để cho tôi đến như nữ y tá thư ký. Đan sẽ không thể ngờ được là tôi. Đã ba năm nay anh ấy không nghe thấy tiếng nói của tôi và tưởng tôi đang ở bên Ai Cập. Chẳng ai biết tôi đã trở về. Ôi Đêrych! Anh có thể nhiệt tình giới thiệu tôi. Tôi có đủ đồ nghề của một nữ y tá. Tôi có thể đi ngay trong hai mươi bốn giờ! Tôi sẽ phục vụ bệnh nhân, nhân danh “bất kỳ gì.” Tôi sẽ ăn ở trong bếp nếu cần.
- Nhưng khốn thay bạn thân mến! Bạn không thể nhân danh “bất kỳ gì” được. Bạn chỉ có thể nhân danh cô nữ y tá Rôza mà tôi mới mượn buổi sáng nay và tôi đã báo cho bác sĩ Rôby. Về nguyên tắc, không bao giờ tôi lấy bệnh nhân từ người gác này trao cho người gác khác được. Vì vậy tôi muốn Jên giữ địa vị của người ấy, nếu có thể được. Và bây giờ tôi xin báo cáo để chị biết một vấn đề: trước khi tôi từ giã anh Đan, anh có hỏi tôi tin tức về chị. Anh ấy đã khôn khéo kẹp chị vào giữa bà quận chúa và vợ tôi, thế mà cũng không ngăn được cặp má gầy gò của anh ửng đỏ. Anh muốn biết chị ở đâu. Tôi nói chị ở Ai Cập. Khi nào chị trở về? Tôi đáp cuối tháng Tư sang đầu tháng tháng Năm. Anh hỏi tôi về sức khoẻ của chị. Tôi nói chị lười viết thư lắm, nhưng qua tấm bưu ảnh hiếm có, tôi thấy sức khoẻ chị cũng khá. Tôi cũng nói thêm rằng tôi đã cử chị đi ra ngoài vì sức khoẻ của chị suy sụp. Bàn tay anh phác một cử chỉ cáu kỉnh như muốn đánh tôi vì tôi đã dùng từ ngữ ấy, và nói: “Chị ấy mà suy sụp à!” với một giọng rất là miệt thị. Rồi anh vội vàng quay sang hỏi tôi về Hoa… Sau đó anh đề nghị tôi nhìn qua chồng thư đang đợi người đến để bóc, và nói cho anh ấy biết có nét chữ nào tôi quen. Dường như cả toàn cầu gửi đến cho anh những dòng tình cảm. Tôi đọc lên hàng tá những tên quen biết. Anh không muốn tôi đọc lá thư nào cả. “Có thư nào của quận chúa không?” anh hỏi. Có một bức, anh muốn biết nội dung. Bức thư kiểu mẫu về xã giao. Đến đoạn giữa viết: “Chắc Jên sẽ hoang mang lắm, tôi sẽ viết cho nó biết về tai hoạ của anh, sau khi nhận được địa chỉ của nó. Lúc này thì tôi chẳng hiểu nó đang ở xó xỉnh nào trên trái đất”. Lúc nghe đọc xong bức thư đó, anh hỏi luôn có cái nào của Jên không? Tôi nói không vì có thể chị chưa biết tin anh, và khi nào biết chắc chắn chị sẽ viết ngay. Và tôi mong rằng, bạn thân mến, chớ có quên, cô hộ lý Rôza sẽ có lệnh được đọc tất cả thư từ của Đan đấy.
- Ôi, Đêrych! Jên ấp úng, tôi không thể chịu đựng được nữa!… Tôi phải đến với anh ấy ngay!...
Có tiếng chuông điện thoại réo. Bác sĩ cầm lấy ống nghe:
- Alô… Vâng, bác sĩ Đêrych đây… Ai nói đấy?... Ô, bà giám đốc… Thế à? Bà nói tên gì?... Đúng thế. Sáng nay, một trường hợp rất quan trọng. Chị ấy phải đến đây gặp tôi chiều nay… Sao… Một sự lầm lẫn trong sổ sách… Thế nào? Đi rồi à?... Đã tám ngày nay… Đi đâu… Châu Úc. Ô, xa quá! Ngoài tầm rồi!... Vâng, tôi biết đã được gửi đến đấy… Xin bà chớ thắc mắc, bà không có gì đáng trách cả… Cám ơn, tôi cho rằng không, tôi đã có người rồi… vâng vâng… Tất nhiên là chị ấy sẽ thích nghi… Tôi sẽ cho hay nếu tôi cần đến chị ấy… Cám ơn bà giám đốc, tạm biệt.
Bác sĩ để ống nói xuống rồi quay lại Jên. Một nụ cười do dự dần dần nở trên cặp môi anh, anh nói:
- Jên ạ! Tôi không tin vào sự may rủi, nhưng tôi tin ở đức Thượng đế người tạo ra và tiêu huỷ những dự định của ta. Chị sẽ đi.